Vài nét về tác giả:
Bàn Hữu Tài tên khai sinh là Bàn Văn Dần, dân tộc Dao đỏ sinh năm 1983 tại Hòa An – Cao Bằng. Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công Nghiệp Thái Nguyên. Anh hiện là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
1. Phiên chợ Tết (Tập truyện: NXB Văn hóa dân tộc 2007).
2. Nương Lũng Li (Tập truyện: NXB Kim Đồng 2008).
3.Tiếng ngỗng trời trong bản mù sương (Tập truyện: NXB Kim Đồng 2010. Tái bản NXB Sân khấu 2020).
4. Ngọn núi có người biết bay (Tập truyện: NXB Kim Đồng 2014).
5. Khúc vọng non ngàn (Tập thơ NXB Hội nhà văn 2024)
Ngoài ra có truyện ngắn và thơ, ký in chung, đăng trên một số Báo và Tạp chí, phát trên Đài của một số địa phương và Trung ương.
Giải thưởng:
- Tặng thưởng Cuộc thi Viết truyện ngắn về Nhà Giáo Việt Nam 2006 .
- Giải Tư cuộc thi thơ “Thơ ca và nguồn cội lần II – 2012”.
- Giải Nhì cuộc thi viết “Kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của bạn – 2018”
- Giải B Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam 2024 với tập thơ: Khúc vọng non ngàn.
BẢN MỜ SƯƠNG
Bản mờ sương
nơi con cắt rốn bằng que trúc
mẹ sinh con trên nửa chừng con dốc
Sữa mẹ chắt từ nước khe đá mát trong
Tuổi thơ con
thơm mùa ổi chín, đắng mùa măng
tím màu hoa mua, chua ngọt mùa dâu dại
Mùa sắn ngô đếm tuổi
Cối xay đếm vòng...
Bậc thềm nghiêng dạy con đếm bước
Chân mẹ bật móng bấm vào đèo dốc
Tay dìu con tay giữ gánh nước trên vai
Đòn gánh chạm vách núi chạm cả mây trời
Cha vùi tuổi xuân
Chặt cây trúc cây mai thắp đuốc xuống chợ phiên
Cây rừng thẳng làm thang vượt núi
Cây cong nhóm bếp củi than hồng...
Cha vén sương
nghiêng luống cày theo bóng núi
Mẹ tra hạt theo sau lầm lũi
Tiếng thúc trâu bò
Tiếng tắc kè cầu mưa
Tiếng cào tiếng cuốc
Trên lưng mẹ con giật mình tỉnh giấc
Mẹ khe khẽ cất lời ru " bới gòm" (*)
vọng chung điệu kèn lá du dương...
(*): Tiếng Dao ( Ngủ say).
MÙA CỦI
(Tặng mẹ)
Lưng mẹ là sườn thung
Cho mùa gieo nắng gió
Đôi vai gầy bé nhỏ
Gánh cả những mùa nương
Mảnh khăn cũ lấm sương
Áo mồ hôi mặn đắng
Tóc mẹ khô cháy nắng
Mắt cay buốt gió rừng
Tay vết liềm vết dao
Chân đầy sẹo đá cứa
Vẫn cõng bao mùa vụ
Lệ cay đeo nỗi sầu
Cha xa mãi không về
Bước vào mùa củi mới
Những bữa cơm trưa tối
Chiếc ghế đẩu vẫn chờ
Tiếng rìu gọi mùa củi
Dao cha xa đá mài
Rìu cha quên mùa gọi
Bàn tay mẹ thêm chai...
TIẾNG KHÈN
Hít vào nghìn ánh mắt
Thổi ra vạn nụ cười
Xoay vòng xoay bóng núi
Bước cuốn nhịp vỗ tay
Điệu khèn Xuân mê say
Chẳng hẹn nhau cũng đợi
Lắng tai nghe khèn gọi
Ngọt hơn từng cặp môi
Lắng nghe mùa Xuân trôi
Điệu khèn ai níu lại
Ta cùng Xuân trẩy Hội
Trao nhau thêm nụ cười
Nhịp khèn đếm đốt tay
Của chàng trai miền núi
Đợi chờ người bạn gái
Hồi hộp từng phút giây
Xuân say khèn ngất ngây
Hội Xuân người nườm nượp
Trái tim ai lạc nhịp
Hồn như trên gió mây...
VÁ NÚI
Mặt trời
vá áo bằng mây
vá quê bằng bóng núi
Cha vá núi
Bằng những mảnh nương cằn cỗi
cho mùa đong tiếng cuốc tiếng cào
đếm luống cày theo bước chân trâu
Cha vá thời gian
mồ hôi đếm khe chỉ áo chàm
Mùa đến
Mùa đi
Nguyên màu mảnh vá...
VỀ NHÀ CHỒNG
“Về nhà chồng không sông
Sao lòng nghe sóng vỗ”(*)
Tạm biệt bếp lửa mẹ
Bậc thềm cha sau lưng
Em cõng điệu “Páo dung”
Về quê người xứ lạ
Bản làng mang nỗi nhớ
Để lá vàng sườn thung
Em bước vào nhà chồng
Rửa chân bên bậu cửa
Bằng thau nước tẩy uế
Chiêng trống hòa nhịp tim
Sau giây phút "cáp tiu"
Nâng rượu "sình sui" niệm
Trước Bàn thờ chứng giám
Kết vía chung " hùng lầu"
Em đi sang nhà người
Sau lễ “Thim miền khú”
Cha chẳng còn cúng Mụ
Như thủa còn rong chơi
Đeo vòng cổ, xà tích
Đeo phận dâu nhà người
Bếp lửa người em nhóm
Xa bếp mẹ, mẹ ơi...
(*): Ý thơ Thâm Tâm.
“Cáp tiu ”(Tiếng Dao): Bái đường.
“Sình sui”: Thầy cúng đám cưới, chủ hôn.
“Hùng lầu”: Bàn thờ Tổ tiên.