Vài nét về tác giả:
Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại Kiên Thành – Trấn Yên – Yên Bái, dân tộc Dao. Hiện anh đang sinh sống tại Hà Nội. Anh đang làm Biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Đã xuất bản:
- Người đàn bà cõng trăng đỉnh cô–san, thơ, NXB HNV 2013.
2. Bình nguyên đỏ, trường ca, NXB Lao động, 2016.
3. Mùa biển lặng, bút ký, NXB QĐND, 2020.
4. Yao, thơ, NXB HNV, 2021.
Giải thưởng:
- Giải thưởng Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm (2014-2019).
- Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Cấp sắc
Thần rừng trong núi đã ngủ đêm qua
Kéo tay mặt trời không lên để sáng nữa
Ai chắc đôi tay con trai con gái
Giữ nhau về trong tiếng lửa đầu hôm?
Gọi nhau về trong lễ ban tên
Người cho ta sinh thêm một lần nữa
Cho con thuyền mỏng như mắt lá
Giữ bàn tay vạn hồn tha phương
Ơi, người đã sống
Người đã chết
Và cả những người đang chết
Tìm về!
Tù và nấc lên, lạp xèng theo ngả trống
Áo quần bùng men nghiêng nhịp múa
Soi ánh đuốc cuộc viễn du chênh chao
Hồn tộc người kéo nhau bay qua cửa
Thấy trăm năm ngắn lại một ngày…
Trên ổ rơm quyện mùi hương nếp cũ
Đứa bé trần truồng đi đón cuộc thiên di…
Lam chướng
Người bạn của tôi ơi
Anh có đi qua những triền núi
Gặp ai thì hỏi người đó
Có thấy bản Dao của tôi không?
Có thấy người em trai nhỏ
Mang chiều về lúc lắc mõ trâu
Anh có gặp bà mẹ người mán
Hơ bàn tay đầy tuổi góc chái sàn
Anh có gặp nụ cười môi nẻ
Những da ngăm gọi mùi lam lũ
Vỗ vai hỏi tên nhau bát rượu đầy
Thương dạ thưa ngọng nhịu tiếng cười
Anh sẽ hỏi họ những mái lá vàng
Vạn thước đất dưới chân bươn bải
Vạn mảnh nương mà đói cạn mùa trăng
Nước mắt rơi đầy ngày thiên di truyền thuyết
Anh sẽ thấy hồn về bằng trống thanh la
Tiếng chuông nghẹn tay thầy tào áo đỏ
Có tiếng chân ba sáu vạn binh mã
Tổ tiên về chứng giám lễ đặt tên...
Anh hãy nghe máng nước đổ bên hiên
Sớm mai em gái gọi đi hái bông đỏ
Đem về khâu thành bông nhỏ khăn tay
Đội trăm năm lam chướng cõi này...
Khuôn mặt làng
Chúng tôi đi đâu cũng mang khuôn mặt của làng
Gọi sớm chiều bình yên xênh xao đầu núi
Sống lời của đá cỏ và măng vồng sau mưa
Chúng tôi đo đời mình bằng tiếng chuột rúc
Chúng tôi được dạy cách đi xa
Cách để sống giữa tiếng mặc khải đường rừng
Chảy từ ngàn năm thiên di
Trong huyết quản những đôi chân phạt lối
Chúng tôi định nghĩa khuôn mặt làng
Không rộng hơn tiếng cười nơi đầu nước
Máng nước về thênh thang trở dốc
Gột nhọc nhằn những đời con gái con trai
Chúng tôi dỗ từng giấc ngủ
Bấm mây trắng trên đầu mười ngón chân
Tiếng nhíp tách giòn tay mẹ
Mưa ngang vai nặng hạt thóc trái nhà
Tôi xin làm con chim nhỏ làng tôi
Cất giọng vang sâu xa rừng thẳm
Ngực nóng từng lần thơm trước gió
Mang khuôn mặt làng rải khắp muôn nơi…
Cỏ bông đỏ
Nhiều bông đỏ trước cửa nhà tôi
Còn thơm lại sau mùa gặt hái
Mẹ bảo bông đơm tiếng cười của trời
Năm sau kho lúa đầy cun thóc
Liếp buồng vách mỏng như tờ lịch
Giấu không nổi tiếng cười ma thưa thớt
Lũ trẻ miền rừng đợi cơn ngái ngủ
Trong chập chờn đom đóm ngoài hiên
Chị thì thào bên tôi không rõ tiếng
Chỉ nghe gió thở buồn hơn cỏ thở
Cùng lũ cáo chồn tặc lưỡi
Những cỏ bông đỏ ngủ hết đêm mai?
Đêm mai nữa chị đi theo chồng
Tuổi mười bốn mắt tròn mắt dẹt
Trên ngực nhỏ im từng tiếng nấc
Mai âu lo trước cửa nhà người
Một hoàng hôn nằm lại sau nhà
Mặc áo xanh áo đỏ ngày mai
Chờ lời mai mối bay lên trời
Chỉ cầm hồn này ngả về đâu?
Chiến mã
Gió thì thào trong ngực
Mang trên lưng vết rìu
Con chiến mã đang tìm lối trên đồng
Hiền từ và lặng im
Cỏ xanh tàn sương trắng xót lại từ đêm
Nhìn lũ chúng tôi đi
Như là một lãng quên...
Trong khúc páo dung phập phồng vó ngựa
Họ nhìn chúng tôi xa lạ
Những giáo gươm gục ngủ
Trên lưng chiến mã rùng rùng
Như là một lãng quên...
Chúng tôi đã đi như thế
Quê quán cố tổ nằm đâu đó
Xanh những nấm mồ vô danh
Ngần ngật trăng xối ôi nền cũ
Lũ chúng tôi đã đi
Như là một lãng quên
Một đêm lành lạnh
Trên đồi lạ
Lũ chiến mã quên cung kiếm
Nhìn đất mà hí vang
Đi suốt hai ngàn năm
Chân chưa tới đồng bằng
Ngủ suốt hai ngàn năm
Vẫn một mộng thiên di…
Đâu đây vọng khúc páo dung
Giật mình tiếng trẻ cười khóc trong mơ?