• Đọc theo cách của bạn
  • Bàn tròn & Chuyên đề
  • Không Gian Văn Học Số
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam
Sign In
  • TRANG CHỦ
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
    • Chân Dung Cuộc Sống
    • Đối Thoại Với Cuộc Sống
    • Nhà Văn Với Nhà Trường
  • NHÀ VĂN
    • Góc Nhìn Nhà Văn
    • Tác Giả Mới
    • Không Gian Văn Học Số
  • VĂN THƠ TRĂM MIỀN
    VĂN THƠ TRĂM MIỀN
    Show More
    Top News
    HỢP ĐỒNG HÔN NHÂN
    1 Tháng 8, 2024
    Thơ Thúy Ngoan
    30 Tháng 7, 2024
    Truyện thiếu nhi Thanh Cầm
    1 Tháng 1, 2025
    Latest News
    Thơ thiếu nhi Huyền Nhung
    28 Tháng 5, 2025
    Thơ Lý Hữu Lương
    28 Tháng 5, 2025
    Thơ Nguyễn Đức Toàn
    28 Tháng 5, 2025
    Truyện ngắn Viên Nguyệt Ái
    12 Tháng 5, 2025
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
    TIN VẮN HỘI NHÀ VĂNShow More
    Nhà văn Khuất Quang Thụy qua đời

    Nhà văn Khuất Quang Thụy qua đời chiều 5/3, sau thời gian…

    3 Min Read
    Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23: “Tổ quốc bay lên” tổ chức ở Hoa Lư – Ninh Bình

    Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 mang chủ đề “Tổ quốc…

    7 Min Read
    Nhìn lại quá trình công tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024

    Ngày 12/12/2024, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn…

    12 Min Read
    Khai mạc Kỳ họp thứ IX Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

    Tagline

    3 Min Read
    Tiểu thuyết Việt Nam
    Toạ đàm thảo luận sách: TIỂU THUYẾT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI 1925 – 1945: KHAI SINH VÀ TIẾN TRÌNH

    Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri thức xin…

    9 Min Read
  • BẠN ĐỌC & LIÊN HỆ
Reading: Thơ Nguyễn Huy Hoàng
Share
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt namTạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam
Font ResizerAa
Tìm kiếm
  • TRANG CHỦ
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
    • Chân Dung Cuộc Sống
    • Đối Thoại Với Cuộc Sống
    • Nhà Văn Với Nhà Trường
  • NHÀ VĂN
    • Góc Nhìn Nhà Văn
    • Tác Giả Mới
    • Không Gian Văn Học Số
  • VĂN THƠ TRĂM MIỀN
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
  • BẠN ĐỌC & LIÊN HỆ
Have an existing account? Sign In
Follow US
© 2024 Hội nhà Văn Việt nam I✦I Hợp tác & phát triển bởi VietNet Ltd
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam > Blog > VĂN HỌC > Thơ > Thơ Nguyễn Huy Hoàng
BÀI NỔI BẬTThơ

Thơ Nguyễn Huy Hoàng

Trần Quỳnh Hoa
Last updated: 6 Tháng 2, 2024 3:00 chiều
Trần Quỳnh Hoa
Share
SHARE

Vài nét về tác giả:

Quê quán: Hà Tĩnh

Hiện công tác tại Thủ đô Moscow – Liên bang Nga

Giảng dạy Văn học Nga. Đã in hơn 30 đầu sách, bao gồm dịch thuật, nghiên cứu văn học, thơ và văn xuôi.

______________________________________________

Nghe mùa thu gọi

Bao lần từ độ trăng lên

Đêm đem vạt áo dãi trên lá vàng

Chờ cho gió lặng, sao tàn

Áo khăn gói mối sầu giăng, tôi về

 

Một mình với mảnh trăng quê

Một mình và cả tứ bề mênh mông

Một mình tôi, một tấc lòng

Đêm thu trải hết lên nong lá buồn

 

Hôm qua trời đổ trăng suông

Lá rơi, in dấu chân sương ngỡ ngàng

Tôi nâng lấy chiếc lá vàng

Nghe mùa thu gọi trong làn hương khuya

_________________________________

Tiếng gọi

Bỗng trong mưa bụi trắng trời

Tiếng ai nhắn gọi, hay lời tháng năm?

Dặm về, nẻo vắng xa xăm

Chiều đông thấm mỏi bước chân độc hành

 

Đâu rồi, bếp rạ, mái tranh

Đâu rồi, lối ngõ uốn quanh xóm nghèo?

Sân đình, bến nước trong veo

Cây đa đêm hội, trăng treo. Đâu rồi?

 

Tìm đâu ra giữa quê người

Cỏ xanh đầu bãi, chiều phơi nắng vàng

Rặng tre nghiêng xuống giếng làng

Bóng ai tóc xõa, trăng loang vai mềm

 

Chập chờn nhớ giữa trời quên

Lòng quê lãng đãng trên miền mộng mơ

Chiều đông, mưa tuyết mịt mờ

Quê hương xa vắng, dường như nhắn về…

_________________________________

Làng quê Nga hoài niệm

Hai mươi năm trước, tôi tìm đến

Tháng Năm xanh thắm cỏ chân đồi

Bên hồ lấm tấm hoa ngân tước

Cô gái chân trần, tóc nắng phơi

 

Bà mẹ người Nga, cười đôn hậu

Buộc tấm khăn san, mở cổng vườn

Gió sớm khẽ lay hàng dâu dại

Tràn ngập căn phòng hương táo thơm

 

Cốc kvat đỏ như màu mận

Sủi bọt men chua uống tỉnh người

Chiếc bánh ra lò còn bỏng giẫy

Sơn hào cũng đến thế này thôi!…

 

Nhà mẹ Nga xưa, tôi về lại

Hỏi mãi, tìm ra lối qua làng

Chợ nông trang cũ tường xiêu vẹo

Bãi chăn nuôi giờ bỏ phế hoang

 

Vườn xưa cánh cổng um tùm cỏ

Nhà trống, gió lùa, bếp lạnh tanh

Tấm thảm ố vàng, mưa dột thấm

Phủ mờ, bụi bám những bức tranh

 

Ông lão đưa đường thờ thẫn kể

Trai làng đi hết, chẳng còn ai

Xóm trên còn độ dăm con trẻ

Già cả như tôi, chỉ mươi người

 

Ơn Chúa, có bà còn tốt phước

Mỗi năm con đến một đôi lần

Còn thì, như lá thu sắp rụng

Ngồi chờ Thần Chết ghé qua thăm

 

Tôi có đứa con lên thành phố

Làm ăn, nghe nói khổ trăm bề

Thân nó, nó lo còn chưa đủ

Tôi già, biết vậy, có mong chi…

 

Suốt chuyến xe về, lòng trĩu nặng

 Làng quê thuở ấy, thế này sao?

Đâu rồi người mẹ Nga đôn hậu

Trùm tấm khăn san, tựa cổng rào?

___________________________

Đêm Valentine

Thành phố ngập sắc màu, tuyết dịu dàng rắc phấn

Đêm lung linh, náo nhiệt suốt canh khuya

Sau cửa kính, nến hồng, hoa thắm đỏ

Níu bàn chân du khách dạo trên hè

 

Trên quảng trường, dòng người như trẩy hội

Từng cặp đôi ấm áp áo lông choàng

Say men rượu, mắt tràn trề hạnh phúc.

Tôi một mình lạc lõng giữa trần gian

 

Trên sàn nhảy, sao thiên hà mờ ảo

Những gót hồng lướt theo nhạc du dương,

Chọn cho mình chiếc bàn con góc vắng

Gọi cà phê, tôi nhấp nháp nỗi buồn

 

Một cô gái phấn son, còn trẻ lắm

Ghé tai tôi: nếu anh có đủ tiền

Tôi cùng anh sẽ thuê phòng khách sạn

Đến hết đời, anh chẳng thể nào quên!

 

Anh đừng ngại, tôi biết anh cô độc

Đêm Valentine, anh chỉ có một mình

Ai cũng vậy, khi đơn côi, trống rỗng

Cần người tình và cốc rượu sămpanh

 

Tôi kéo ghế, mời cô ngồi bên cạnh

Gọi sămpanh và bước lại quầy hoa

– Ba trăm rúp một bông!  – người bán hàng cao giọng

– Cho năm bông, giấy kính, buộc lenta!

 

Cô cầm lấy, tôi trao tay cô gái

Những bông hoa rực đỏ một góc tường

Nỗi lận đận, bọt bèo nơi đất trích

Lòng dùng dằng ca kỹ bến Tầm Dương*

 

– Tôi là ai, chắc rằng anh đoán biết

Bước sa cơ, chân sụp xuống vũng bùn

Đã bao phen liều mình, không muốn sống

Lại cùng đường, kiếp nạn vẫn không buông…

 

– Tôi cũng vậy, kẻ hàng binh số phận

Cũng rơi rụng, đắng cay, câu chuyện rất dài…

Cô trẻ, đẹp, tin rằng cô hạnh phúc!

 

Mắt đượm buồn nhìn tuyết phất phơ bay…

——-

* Địa danh trong “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị

____________________________________

Đêm 8-3

Đêm khuya khoắt, bên vệ đường lầm bụi

Chị nhà quê dáng run rẩy, co ro

Tay cóng lạnh, ôm bó hoa ế ẩm

Chân dại tê, nhẫn nhục đứng hàng giờ

 

Xe nườm nượp, nam thanh cùng nữ tú

Các quý ông thời thượng mượt bóng đầu

Khoác tay các quý bà diêm dúa

Đang trưng ra một thế giới sang giàu

 

Bỗng nhiên một chàng trai ghé lại:

– Hoa bao nhiêu? Chị mang hết ra đây!

Chị nhà quê trước vận may nghẹn giọng

-Dạ thưa ông, tất cả mỗi ngần này!

 

-Chị ở đâu?

-Tận ngoại thành, xa lắm!

-Ngày hôm nay có ai tặng chị hoa?

-Loại như tôi, xin ông đừng mai mỉa

Có bao giờ mơ những thứ cao xa!

 

-Chị hãy về với chồng con kẻo muộn

Tôi sẽ mua tất cả bó hoa này

Xin tặng chị!

 

Chị nhà quê oà khóc

Giọt lệ nhoè, rơi nóng cả bàn tay.

_____________________________

Thời hậu chiến

Hòa bình bốn chục năm, vẫn đang thời hậu chiến

Những vết thương băng bó mãi không lành

Lửa đã tắt, nhưng tro than chưa nguội

Đâu đây vẫn còn mùi khói của chiến tranh

 

Đứa trẻ bị bỏ rơi ngày bên kia di tản

Giờ tóc điểm hoa râm, ngơ ngác hỏi nguồn cơn

Phận lưu lạc lìa nơi chôn rau, cắt rốn

Nửa day dứt yêu thương, nửa âm ỉ oán hờn

 

Người lính trận đã dâng xong một thời trai trẻ

Buông súng ra, lóng ngóng chẳng tay nghề

Cuốc bẫm, cày sâu vẫn cháo rau đắp đổi

Phần còn lại cuối đời tập làm mướn, trông xe

 

Làng xóm cũ vẫn đói nghèo truyền kiếp

Chất độc da cam, đất cũng đổi hình hài

Dòng máu Việt ngàn năm trộn lẫn vào hoá chất

Suy kiệt hết giống nòi, dị dạng những bào thai

 

Bốn chục năm, dai dẳng thời hậu chiến

Cơn gió nghĩa trang lạnh thấu tận hồn người

Lẫn lộn đục trong, đảo điên thế sự

Thói vô cảm từng ngày lừng lững lên ngôi

 

Ôi hậu chiến mới thực là cuộc chiến

Giữa thế giới phẳng này, ta đang ở nơi đâu?

Rồi chẳng lẽ kiếp nợ nần đeo đẳng

Ta để lại gì cho con cháu mai sau?

 

Rồi chẳng lẽ bao cánh đồng mỡ màu suy kiệt

Ngọn gió Lào hun bạc phếch những cánh rừng

Khoáng sản, tài nguyên từng ngày khoét rỗng

Đêm rập rình mối hiểm họa Bắc phương?

 

Ôi lịch sử, tiền chiến hay hậu chiến

Bại hay thành, cũng hai chữ: Lòng Dân

Người lật thuyền, hay chèo thuyền, muôn thuở

Cũng là Dân trong bao cuộc chuyển vần.

_________________________________

Dẫu xa muôn dặm, vẫn tôi vua Hùng

Cái thời khai quốc, ban sơ

Nhà vua xuống ruộng cày bừa với dân

Ngồi cùng một chiếu, chung mâm

Đêm canh bếp lửa, uống chung rượu thề

Người dưới nói, kẻ trên nghe

Bình yên một cõi, bốn bề Phong Châu

 

Thương dân, quốc kế làm đầu

Hùng binh, thực túc, mưu sâu, kế bền

Bao đời trong ấm, ngoài yên

Chẳng nhường tấc đất ở miền biên cương

Khởi nguyên dòng dõi Việt Thường

Luỹ thành dựng nước, xưng vương một vùng

 

Truyền ngôi, thi lễ hội mừng

Thanh cao chỉ chọn bánh chưng, bánh dày

Trời là đây, đất là đây

Nước non tay cuốc, tay cày mà nên

Dạy rằng, chớ phụ tổ tiên

Đừng vì gấm vóc mà quên nghĩa người

 

Thân con lưu lạc cuối trời

Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi vua Hùng.

_____________________________

Nơi từng là trận địa

Những chiến tích không mảy may dấu vết

Ụ pháo, hố bom, công sự, chiến hào

Đều biến mất.

Bên lô nền chia sẵn

Mấy toà nhà to vật vã, bọc tường cao

 

“Nhà của thằng thời thanh niên trốn lính

Bà bán nước chè, nhổ toẹt miếng trầu tươi

Ngao ngán kể.

 Nó chui vào bệnh viện

Giả ốm đau, điên dại mấy năm trời!

 

Bom đạn hết, nó về làng béo tốt

Nhâng nháo giang hồ, ra Bắc vô Nam

Trùm vay lãi, đòi nợ thuê, chém mướn

Ai nhắc tên cũng táng đởm, kinh hồn

 

Ai cũng gọi nó là ông, là sếp

Mặc bảnh bao, xe bóng lộn lên đời

Nhà nườm nượp rước quan này, quan nọ

 Em út về trổ hết ngón ăn chơi

 

Nó vơ hết đất đai vào dự án

Ruộng thổ cư bù giá rẻ như bèo

Cả di tích chiến tranh, san bằng hết

Lắm ô dù che chắn, đố ai kêu!

 

Tiền bạc nó giờ phải đo bằng khối

Trước mặt xưng ông, sau dân cứ gọi thằng

Chẳng ai dám nói nó ngày xưa trốn lính

Mấy năm trời chui bệnh viện trùm chăn!”

 

Trận địa cũ chẳng còn đâu dấu vết

Chỉ quán ăn, nhà chia khoảnh, phân nền

Xe san sát xếp hàng bên hàng nhậu

Quán đèn mờ hát xướng suốt thâu đêm

 

Những đồng đội, trời cho, còn sống sót

Trở về quê lại lam lũ trên đồng

Khi rỗi việc, thừ người châm điếu thuốc

Lại nhớ thời khói lửa, mắt rưng rưng…

_______________________________

CÓ MỘT HÀ NỘI TRONG TÔI

Mãi vẫn còn một Hà Nội trong tôi

Hơi ẩm của mùa xuân, heo may ngày tháng giá

Mùi bánh nóng ban mai, hương cốm xanh mới giã

Một bầu trời trong trẻo nắng mùa thu

 

Những cái tên tựa xóm mạc, làng nghề

Những hàng, chợ, cầu ô và bãi bến

Những mái phố thâm nghiêm và cổ kính

Con đường dài bóng rợp trải hàng cây

 

Hà Nội trong tôi, những đôi mắt biết cười

Những sóng tóc bồng bềnh như biết hát

Một dáng đi, tà áo dài tha thướt

Đêm xa nhà lại mơ thấy Hồ Gươm

 

Từ tiếng chào, từ ý tứ đoan trang

Nét thanh lịch, hào hoa người Hà Nội

Miếng quà ngon, thú ăn chơi, lễ hội

Phải chắt chiu, thanh lọc tự ngàn đời

 

Có gì lạ kỳ đâu, mà lại nhớ khôn nguôi

Tiếng tàu điện, hoa ngoại thành vào phố

Quán nhỏ đêm chong đèn, tiếng rao dài ngõ chợ

Tiếng xôn xao nước vỗ phía sông Hồng…

 

Tôi bỗng thương em tự xa ngái ngàn trùng

Bị mê hoặc bởi lòng người hoài cổ

Để chiều nay, trong quán hè phố nhỏ

Nghe mưa thu rơi lạnh bến Tây Hồ

_____________________________

NGƯỜI TA KỂ…

Người ta kể, mới gặp nàng tuần trước

Vẫn dịu dàng và quyến rũ như xưa

Dù đuôi mắt vài nếp nhăn kín đáo

Và hình như đã hơi chút đẫy đà

 

Người ta kể, nàng hoàn toàn mãn nguyện

Chồng quan to, con du học bên Tây

Có biệt thự ngay giữa lòng phố cổ

Thuộc vào hàng quyền quý của thời nay

 

Nếu thuở ấy, đắm chìm vào sách vở

Nếu dại rồ, nàng gắn với đời tôi

Thì giờ đây, dưới mái nhà cấp bốn

Mắt trũng sâu, tóc tổ quạ rối bời

 

Chắc con cái chỉ học hành dang dở

Chạy xe ôm, hoặc phó mộc, phu hồ

Với ông chồng, lưng thưỡn dài, tốn vải

Vẫn chi hồ, giả dã, sống như mơ

 

Hãy cảm ơn cơn cuồng phong số phận

Đã hất nàng ra khỏi cuộc đời tôi.

Người ta kể, người xưa, nàng có hỏi

– Vẫn làm thơ, lay lắt sống xứ người.

______________________________

CHUYỆN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
CÙNG LÀNG

Trở về, làng đã khác xưa

Xóm thôn hiu hắt, đồng xơ xác đồng

Quang treo tuột cả gánh gồng

Nhà nông đánh mất nghề nông bao đời

 

Lặng nghe chỉ kể khúc nhôi

Một lời lại nghẹn một lời thương thân

Chồng đau dặt dẹo quanh năm

Mảnh bom mổ sót vẫn nằm trong vai

 

Con ôsin tận xứ Đài

Tiền không, tin nhắn một lời cũng không

Quê người biền biệt núi sông

Đêm nằm khắc khoải chỉ mong con về

 

Về đây, tơi lá, nón mê

Đội than, vác đá, phu xe cũng đành

Ruộng nương dự án đã giành

Trời thương, may túp lều tranh vẫn chừa

 

Làng quê bỏ hết cày bừa

Tha phương kiếm bát cơm thừa người ta

Vào thôn chỉ gặp cụ già

Chỉ khi Tết đến, người xa về làng

 

Giá như có mấy trăm ngàn

Dựng lều, mở lấy quán hàng.…Giá như…

Chị lau nước mắt, thẫn thờ

Má gầy hốc hác, da khô, võ vàng

 

Xa xa, phía cuối đường quan

Phú ông xe nối hàng đoàn chơi gôn.

_____________________________

VỚI MỘT VIỆT KIỀU Ở MỸ

Anh chỉ thẳng vào mặt tôi: đồ Bắc Việt

Tao với bây quyết không đội chung trời!

Và anh chửi bằng tiếng Anh rất tục

Cầm cốc rượu đầy, tu cạn một hơi

 

Đợi lúc qua đi cơn phấn khích

Rất tự tin, tôi bước tới bàn anh

Và gọi bồi: mang đến hai cốc rượu

Cho phép tôi bày tỏ chút ngọn cành

 

Đây là lần đầu tiên sang Mỹ

Trong túi tôi chỉ sách, bút và thơ

Tôi đã gặp nhiều Việt kiều, đúng thế

Cả những người từng ở phía bên kia

 

Đã tiếp chuyện với kẻ cầm súng bắn

Đôi bàn tay từng nhuốm máu đồng bào

Họ đều nói: đã thuộc về quá khứ

Hãy xích gần và bỏ quá cho nhau!

 

Anh biết đấy, những năm dài ly loạn

Gươm ngoại bang chia bờ cõi, chia miền

Triệu nấm mồ há hãy còn chưa đủ

Liệu có cần thêm lời thù hận, rủa nguyền?

 

Tôi đang nói cùng anh bằng tiếng Việt

Lấy quê hương ra bày giãi, thề bồi

Tôi chỉ muốn chìa bàn tay thân ái

Thì lẽ nào, anh lửa bỏng, dầu sôi?

 

Chắc lâu lắm, anh vẫn chưa trở lại

Gặp bà con, thăm cô bác, ruộng vườn

Và ở đó, nơi phụng thờ tiên tổ

Anh có về để thắp một nén hương?

 

Nếu làng xóm quay lưng, bạc đãi

Anh có quyền trút hận xuống đầu tôi!

Nhưng hãy tin, họ đón anh trở lại

Như đứa con xa biền biệt bấy năm trời!

 

Chúng ta hãy cùng nhau cạn chén

(Mặc dù tôi không uống rượu bao giờ)

Để ghi nhớ lần đầu tiên đến Mỹ

Mang theo mình chỉ sách, bút và thơ!

______________________________

ĐỌC RAĐISEV(*)

Các người chiếm hàng ngàn mẫu đất

Vô số lâu đài, dinh thự, điền trang

Vũ hội tiệc tùng, liên miên yến ẩm

Tôi tớ, con sen phục dịch hàng đàn

Mọi điều luật là roi da, gươm súng

Đám nông nô, những kiếp thợ cày

Sống hay chết, do các người định đoạt

Đòi tự do là chịu kiếp tù đày

 

Các người hãy thử nhịn ăn một bữa

Hãy ở trong lều chịu rét một đêm

Hãy bỏ một ngày nai lưng làm việc

Và thử tra chân vào khóa gông xiềng

 

Thì các người mới hiểu thế nào là đói

Hiểu thế nào là rách rưới, lầm than

Hiểu thế nào là mồ hôi, nước mắt

Và lòng dân sôi tận đáy căm hờn!

 

Tất cả các người đều đáng đem xử bắn

Chẳng cần luật sư, chẳng cần đến quan tòa

Tội của các người sáng tỏ như toán học!

Tôi đọc những trang sách này trên chuyến tàu

                                     từ Xanh-Peterbua tới Matxcơva


(*) Rađisep A.N.(1749-1802) Nhà văn quý tộc Nga nổi tiếng, là tác giả cuốn “Cuộc hành trình từ Xanh-Peterburg tới Matxcova”. Nghiêng mình xuống số phận những người lao động, ông lên án và phơi bày tội ác chế độ phong kiến nông nô Nga thối nát, kêu gọi thay đổi thể chế tàn bạo và lỗi thời này.

______________________________

VỀ THĂM QUÊ BẠN

 “Tuần này có rảnh, lên chơi

Dân mình giờ đã thành người Thủ đô

Mai ngày xe máy, ôtô

Ra đường hết cảnh gối bò, vai mang

Rồi đây lối dọc, ngõ ngang

Đổi sang tên phố. Tên làng, quên đi!

Quên đi tay mốc, chân chì

Áo nâu, quần nhuộm thâm sì cũng quên.

Nhà ai, nhà nấy giăng đèn

Quên đi cái kiếp dân đen, quê mùa

Thành phường, thành quận Thủ đô

Đống Đa, Cầu Giấy, Bờ Hồ kém đâu…”

Theo đường lầy lội chân trâu

Đến thăm nhà bạn tít sâu trong làng

Mái tranh, vách nứa tuyền toàng

Cái xe cải tiến, chiếc bàn vecni

Gia tài mỗi chiếc tivi

Còn nguyên nhãn hiệu Fuji bên Tàu

Lúc đen trắng, lúc lóe màu

“Nếu không sóng yếu, chắc đầu ăngten”

Thôn làng chưa thấy ai quên

Vẫn là xóm cũ, vẫn tên muôn đời

Vẫn ao đầm, vẫn giếng khơi

Quần chằng, áo đụp vẫn phơi quanh rào

 

Chân chì, bước thấp, bước cao

Xếp bằng trải chiếu: “mày tao uống chè

Chờ trưa mẹ nó chợ về

Rau dưa, cua cá, cơm quê thôi mà”

Chuyện gần gợi lại chuyện xa

Cùng nhau mới đó, đã già đến nơi…

Mấy ông hàng xóm sang chơi

Dân Thủ đô đến thăm người Thủ đô!

_____________________________

DI HUẤN CỦA SHUKSHIN(*)

Thật thanh thản khi giã từ trần thế

Trên tấm bia đá xám chỉ đôi dòng

“Một người bình thường, nơi đây an nghỉ

Chẳng nợ nần và thù oán cũng không”

 

Bạn thân yêu, xin bạn hãy đừng quên

Bất kỳ mọi nơi và trong mọi lúc

Khi sung mãn, khi hả hê quyền lực

Giữa giàu sang, mới thật khó làm người!

 

Mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời

Đừng đánh mất và chớ làm hoen ố

Trong khốn quẫn và đắng cay, đau khổ

Bước sa chân, mới thật khó làm người!

 

Cả khi mình đối diện với mình thôi

Giữa ranh giới đê hèn và cao thượng

Giữa trung thực và âm mưu bội phản

Giữa trắng, đen mới thật khó làm người!

 

Dù mất còn, dù lửa bỏng, dầu sôi

Hay vàng bạc rải đường giăng cạm bẫy

Lời thần chú bạn ơi, xin nhớ lấy:

Ở nơi đâu, cũng cần phải làm người!


(*) Vasili Shukshin ( 1929-1974) nhà văn, nhà điện ảnh Nga nổi tiếng.

________________________________

ĐỌC LẠI CỔ THƯ TRUNG HOA

Trung Hoa

Mênh mông Động Đình Hồ

Hoàng Hà, Trường Giang bát ngát

Hùng vĩ Vạn lý Trường Thành

Di tích năm ngàn năm trác tuyệt

 

Trung Hoa

Bao triều vương tiếp nối những vương triều

Những vua chúa lại tiếp đời hoàng đế

Thăng phù tôn vinh, nổi chìm truất phế

Xương chất thành non

Máu tuôn thành bể

Mưu toan núp bóng cung đình

Vạc dầu sôi đặt giữa sân rồng

Giết bách tính tranh giành ngôi thứ

Một giấc mộng Trung Nguyên

Mạng muôn dân sá kể!

 

Trung Hoa

Thâm sâu điển tích

Bao hiền triết thánh nhân

Bao bậc nho gia cao minh trí lự

Ngòi bút lông thu phục hết quân thần

Nặng lòng mối dân tình, xã tắc

Hoặc xa chốn phàm trần, giữ mình thanh bạch

Hoặc bỏ đỉnh chung treo mũ áo từ quan

 

Trung Hoa

Chập chờn tấm màn bí ẩn

Con mắt mỏng như dao

Giấu bao điều hiểm độc

Rũ áo thụng che dã tâm móng vuốt

Tay vẫn lần tràng hạt tụng nam mô

Chiến hữu nay, mai lại đã kẻ thù

Thà phụ người, giết nhầm hơn bỏ sót!

 

Trung Hoa

Chặt đầu đặt lên mâm tiệc

Hết giao tranh, xong binh đao trận mạc

Thái bình rồi, hãm hại hết ân nhân

Mê muội hôn quân

Đắm chìm trong tửu sắc

Lầu trăm trượng để chiều lòng con hát

Cấm thành đầy bọn vô lại, hoạn quan

 

Trung Hoa

Thích tọa san quan hổ đấu

Thích xưng đế, xưng vương

Thích có nhiều chư hầu cống nạp

 

Thèm tài nguyên, sản vật

Mở rộng giang san

Khởi binh chinh phạt

Thúc quân phía Bắc

Hạ chiến Nam man

Thu phục Tây giang

Tràn qua Nam Hải…

 

Những trang sách say sưa khi mười tuổi

Lúc này đây, đọc lại bỗng kinh hoàng

Tam quốc chí, Đông chu, Thủy hử

Kiệt Trụ, Tần Ngô, Hán Sở tranh hùng…

Năm ngàn năm, liệu bây giờ có khác

Cổ thư còn soi tỏ được hay chăng?

____________________________

RÉT

Cá chết nổi trắng đồng

Héo vàng chân ruộng lúa

Đường thôn vắng bóng người

Gió rít gào xé lụa

 

Làng bản tít vùng cao

Tuyết phủ dày sương muối

Lối dốc đá băng trơn

Hơi lạnh luồn hốc núi

 

Đám trai trẻ Thủ đô

Ngược rừng đi xem tuyết

Thực phẩm chất đầy xe

Vui như là hội Tết

 

Phú gia vào cao lâu

Ghế bành lông ấm áp

Rượu mạnh, món ăn Âu

Chân dài lơi lả hát

 

Bà lão quê ăn mày

Khoác chăn rách, bị gậy

Khô héo bàn chân trần

Mắt mờ, run lẩy bẩy

 

Còn rét chừng tuần nữa

Học trò không đến trường

Có mấy người chết lạnh

Nằm đắp chiếu ven đường…

_______________________

CỔNG VƯỜN HOA EM ĐỢI

Thư em viết cho tôi

Nét mực còn tươi rói:

“Em muốn ta gặp nhau

Mong anh đừng từ chối”

 

Làm sao tôi đủ sức

Mang nổi hạnh phúc này:

“Em hẹn anh tối nay

Cổng vườn hoa, em đợi”

 

Không thể nào tin nổi

Dù thư vẫn trên bàn:

“Đi đâu là tùy anh

Thiên đường hay trần thế”

 

Tôi bỗng như đứa trẻ

Miệng huýt sáo vang lừng

Trần thế là thiên đường

Là nơi em chờ đợi!

 

Suốt buổi chiều khấp khởi

Chốc chốc lại xem giờ

Bỗng thấy trên tấm lịch:

Ngày mồng Một tháng Tư!

______________________

ĐÊM NẰM LO TẾT ĐẾN

Đêm đêm nằm lo Tết đến

Ổ rơm tiết lạnh Đại hàn

Thông thốc gió lùa cửa liếp

Ngực gầy kéo giọng ho khan

 

Trông vào mấy sào ruộng khoán

Đang mùa hanh giá hạn khô

Rau lang sâu rầy ăn hại

Lá trơ, cọng cũng chẳng chừa

 

Đàn lợn tai xanh chôn hết

Gốc lời, vốn liếng đi tong

Bầy gà đang nuôi cũng bán

Nhà hàng mua rẻ như không

 

Con cái đứa đang cuối cấp

Đứa không tìm được việc làm

Đứa lớn lên rừng với bố

Nhập đoàn phu mỏ, đào than

 

Tiền đâu sắm sanh lễ cúng?

Tiền đâu con nộp học thêm?

Tiền đâu gối mùa thóc giống?

Tiền đâu áo xống, thuốc men?

 

Trăm thứ đổ dồn vào Tết

Gia tài: bồ thóc trơ hom

Mai ra chợ người tìm việc

Kiếm thêm bát cháo, bát cơm!

 

Suốt năm lo mười hai tháng

Tết về chỉ có lo thêm

Lạnh quá nằm không ngủ nổi

Chỉ mong sắm được chiếc mền…

___________________________

GIÊNG HAI

Mưa như rây bột trên sông

Sương chiều nhuộm xám cánh đồng lúa non

Khoai lang bén rễ trên cồn

Sắn vừa nhú ngọn, bầu còn đơm hoa

Phất phơ nụ cải ngồng già

Bãi bồi con nước thoáng pha sắc vàng

Cành tre rũ ướt cổng làng

Gió mùa lạnh buốt lay hàng xoan thưa

 

Giêng hai trời đất chuyển mùa

Rễ chưa thành củ, quả chưa thành hình

Mưa xuân rắc bụi mái đình

Nghe hơi giáp hạt luồn quanh xóm nghèo

________________________________

LÊN CHÙA THĂM CHỊ

Về quê được mấy hôm

Mẹ giục vào thăm chị

Nấn ná đợi ngày rằm

Đến lễ chùa một thể

 

Chùa ở tít rừng xa

Men theo bờ suối cạn

Lối nhỏ xuyên đồi sim

Khách thập phương thưa vắng

 

Mái ngói cũ, tường rêu

Cổng tam quan bỏ ngỏ

Giữa một vùng thâm u

Nghe đều đều tiếng mõ

 

Mẹ dặn đi, dặn lại

Dù là chị, là em

Đã xuất gia, xuống tóc

Phải gọi Thầy, đừng quên!

 

Mười ba năm nhập ngũ

Mười hai năm Trường Sơn

Phục viên về xóm cũ

Mang theo sốt rét rừng

 

Môi thâm, da đen xạm

Tháng vào viện mấy lần

Chẳng khác gì bà lão

Mùa hạ vẫn trùm chăn

 

Em út nên gia thất

Mẹ già yếu, cao niên

Chị tìm lên chùa lánh

Nương thân chốn cửa thiền

 

Sư già chăm thuốc lá

Tĩnh tâm cùng núi non

Xa bụi đời trần tục

Sốt rét dần cắt cơn

 

Sớm khuya lo kinh kệ

Khói hương quên tháng ngày

Áo nâu sồng, guốc mộc

Bè bạn với cỏ cây…

 

Trong lòng tôi là chị

Trước mắt tôi, sư Thầy

Chắp hai tay vái lạy

Mà nghẹn ngào: em đây!

____________________

ĐOẢN KHÚC MÙA THU

Tay đút túi, lang thang dọc vỉa hè

Phố vắng lặng, lòng vẩn vơ, trống trải

Hồn Mỵ Châu, gió vô tình thổi mãi

Lá vàng rơi như lông ngỗng ven đường

 

Giá có ai, nói với tôi rằng

Ở phía trước có một bàn tay vẫy

Ở phía trước có mắt ai ngóng đợi

Một làn môi thầm nhắc gọi tên mình!

 

Giá có ai nói với tôi rằng

Sau sa mạc là địa đàng, đất hứa

Sau cát bỏng và ngút ngàn cháy lửa

Là vườn cây, là mái lá yên bình!

 

Giá có ai nói với tôi rằng

Với cuộc sống chẳng bao giờ trễ muộn

Hãy đi tới, hãy dang tay đón nhận

Những món quà số phận sẽ ban cho

 

Tôi sẽ lên đường, ngược cơn gió mùa thu

Để lại đằng sau nỗi lòng phố vắng

Niềm khắc khoải, những giấc mơ vô vọng

Ngựa chồn chân máng cỏ, bốn bức tường

 

Tay đút túi vẩn vơ, trống trải khôn cùng

Lá vàng rải dọc đường như lông ngỗng

Phố vắng lặng, chỉ trời xa trống rỗng

Làm thế nào đi hết được mùa thu.

TAGGED:Nguyễn Huy HoàngThơ
Share This Article
Twitter Email Copy Link Print
Previous Article Người của thế kỉ trước
Next Article Bay đêm
Leave a comment

Để lại một bình luận Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài nổi bật

Thơ Lý Hữu Lương

Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại Kiên Thành – Trấn Yên – Yên Bái, dân tộc Dao. Hiện anh…

By Đường Uyên 6 Min Read
Tác phẩm của Maria Filipova-Hadzhi, Bulgaria

Nữ tác giả Maria Filipova-Hadzhi sinh năm 1954 tại làng Sitovo…

17 Min Read
Thơ tác giả Siyoung Doung (Hàn Quốc)

Nhà thơ, Tiến sĩ Siyoung Doung tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và…

16 Min Read

Tác giả

Võ Thị Xuân Hà 1 Article
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà sinh tại Hà Nội.…
Sao Khuê 3 Articles
Chia sẻ một chút thông tin về bạn. Những thông…

Ý kiến

Thơ thiếu nhi Huyền Nhung

Tác giả Huyền Nhung tên thật là Trần thị nhung…

28 Tháng 5, 2025

Thơ Lý Hữu Lương

Lý Hữu Lương sinh năm 1988…

28 Tháng 5, 2025

Thơ Nguyễn Đức Toàn

Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1978…

28 Tháng 5, 2025

Thơ Lại Văn Phong

Em đã giấu/ điều gì trong…

27 Tháng 5, 2025

Vịn thơ để sống và truyền cảm hứng

Chỉ trong quý I năm 2025,…

25 Tháng 5, 2025

You Might Also Like

Thơ

Thơ Nguyễn Khang

Mở cửa gặp nắng giăng tơ/ Gặp hồn lạc bước giấc mơ lạc bình…

2 Min Read
Góc Nhìn Nhà VănThơ

Ngọn đuốc xanh cho mọi nền văn hóa– Phát hiện mới về Hồ Chủ tịch qua tập thơ “ÁNH DƯƠNG CÒN MÃI”

Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết tinh giữa tinh thần cách mạng vô sản…

11 Min Read
CỬA SỔ NHÌN RA THẾ GIỚIThơ

Thơ Lee Nan-hee (Hàn Quốc)             

Vài nét về tác giả Lee Nan-hee…

12 Min Read
Thơ

Nhất

Tôi muốn vẽ bức tranh hoành tráng/ Cỡ như miêu tả mặt trời…

2 Min Read
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam

TỔNG BIÊN TẬP: TRẦN ĐĂNG KHOA

Phó tổng biên tập: Nhà văn VŨ ĐẢM
Đặc trách website: Nhà văn KIỀU BÍCH HẬU

Ban biên tập: NGUYỄN CHU NHẠC, NGUYỄN HỮU HÀ, BÙI HOÀNG TÁM, HOÀNG ANH SƯỚNG, LÊ VĂN VỴ
Giấy phép xuất bản: 232/GP-BTTT ngày 27/4/2021

Tòa soạn: Số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
✦Email: [email protected]
✦Tel: 094 735 8999

Văn phòng đại diện tại Bắc miền Trung: LÊ VĂN VỴ
Địa chỉ: Đông Tiến – Thạch Trung – Tp. Hà Tĩnh – Tỉnh Hà Tĩnh   Tel: 0964981345 

Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh: PHẠM HÙNG PHONG
Địa chỉ: Golden King Tower, 15 Nguyễn Lương Bằng – PMH – Q. 7 – Tp. Hồ Chí Minh Tel: 028 710 88879

Văn phòng đại diện tại Tiền Giang: TRẦN ĐỖ LIÊM
Địa chỉ: Số 744 Lý Thường Kiệt – Phường 5 – Tp. Mỹ Tho – Tiền Giang  Tel: 0913962863

Văn phòng đại diện tại Bạc Liêu: LÊ THANH QUANG
Địa chỉ: 44 Phạm Ngọc Thạch- P.1 – Tp. Bạc Liêu  Tel: 0939269779

News

  • BÀI NỔI BẬT
  • NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
  • TIN VẮN HỘI NHÀ VĂN
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc sống - Hội Nhà văn Việt nam © 2024 I✦I Hợp tác & phát triển bởi VietNet Ltd
Welcome Back!

Sign in to your account

Lost your password?