Thơ Nguyễn Thánh Ngã

Thơ Nguyễn Thánh Ngã

Vài nét về tác giả:

Nguyễn Thánh Ngã, sinh năm 1958 tại Quảng Ngãi, lớn lên ở Đà Lạt – Lâm Đồng, hiện nay đang sống tại TP Hồ Chí Minh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Tác giả đã in 6 tập thơ và đạt Giải nhất thơ Haiku Việt – Nhật năm 2009.

 DẤU LẶNG HUYỀN

Tôi lặng nhìn em

Đóa phong lan huyền ảo

Nở như vết xước thời gian

 

    

Em là dấu lặng đen

Khiến tôi ngừng lại

Lang thang móc đôi chậm rãi

    

Rơi xuống

Sàn…

   

Ngày của những đấu sĩ mang gươm

Em đứa trẻ cắn bút

Ngậm sự cam chịu của mực

Vết gươm lóe lên

   

Và mực

Ứa …

   

Ngôn ngữ chết đuối từng hàng

Bàn phím giẫy chết giấc mơ hoang

Dòng sông đầy rác bẩn cuộn trôi…

    

Anh ôm em vào lòng

Ôi cây đàn mớ ngủ

Từng vang lên tiếng kêu sâu thẳm

   

Hãy cất dấu lặng vào dây

Và vang lên với trường độ khác

Ở thế giới khác…

    

Thế giới huyền ngân

Lặng lẽ đôi móc trắng Schubert…

   
    

NHÀ TÔI Ở ĐÂU

Nhà là nơi tôi sở hữu một bầu khí quyển

Nóng ẩm hạnh phúc và gió mùa khổ đau

Nơi tôi không bao giờ được trở lại

Nếu rời xa, rời xa…

    

Nhà tôi ở đâu trong khu vườn trần gian

Hai mái hạnh ngộ chống đỡ gió mưa

Bốn ô cửa nhìn ra cây cỏ, sinh vật

Bếp lửa mẹ tôi nấu lời ăn tiếng nói…

    

Tất cả đã đóng cửa & tất cả đã mở ra

Nơi cha tôi giữ gìn quá khứ trong chiếc tráp mạ vàng

Mùi kỷ niệm ấm nồng & mùi han rỉ của chiếc chìa khóa

Buồng phổi tôi thì thầm & dày vò lớp khí quyển trắc ẩn

   

Nhiều người đã đến đây – nơi khu vườn bóng tối

Họ lặng lẽ sống chồng lên chúng tôi thứ tâm thức mơ hồ

Có người vùng dậy ra đi trên cỗ xe thồ nặng nhọc

Có người hăm hở khám phá

    

Nhà tôi

Ở đâu…

   

Cho đến bây giờ, khi ngồi trên ghế tàu hỏa tốc hành

Chạy băng băng qua những thành phố ánh sáng

Hoặc thở phì phò qua hoang phế tàn phai

Tôi vẫn không xác định được nhà mình, nơi sở hữu,

Ở đâu?

   

Chợt nhớ,

Giấc ngủ đầu tiên thơm mùi chăn chiếu

Và bước chân đầu tiên trên con đường bàn cờ khó hiểu

Những cành tre treo chiếc hài bảy dặm đã hóa cánh bay vào những trận bão kinh hoàng

   

Nhà tôi bây giờ

Nhà tôi ở đâu…

  
   

ÁM ẢNH

bạn tưởng tượng đi 

con người khi ăn 

sự khó nhọc cạ vào hàm răng nghiền nát vất vả

con người khi uống

sự thẳm sâu chảy qua đầu lưỡi

thấm đẫm mối lo toan chịu đựng

   

vị giác những dòng sông nuôi tâm hồn ta thạch nhũ

tiếng gõ những hang động trầm lắng hoang dã

ném giấc mơ con người trượt trên tảng xanh rêu

bạn vẽ bằng môi mình lên những bức tranh nụ hôn

vẻ rực rỡ cổ tích hiện cánh đồng đầy bánh

những chiếc bánh dân dã

kể bằng câu chuyện quân vương

những chiếc bánh ẩn mình trong chiếc cối

thơm lừng ma thuật

   

chú bé chăn bò thổi ngẫu ca lên cùng gió

hóa lỏng bầu trời

lão chăn dê huơ chiếc roi số phận viết cùng mây trắng

mật ngữ lang thang

cô gái thợ cấy cong chiếc lưng eo buộc một thời con gái

neo giữa cánh đồng

   

ai dọn bữa ăn lên chiếc bàn trần gian

có dọn cùng mưa nắng ?

  
   

NGỤ NGÔN CHO MÌNH

ta ơi,
tự biết góc ruộng mình
gieo gì gặt nấy 


ví như: ”gieo gió thì gặt bão“
hãy bám gốc rạ mình
gieo những hạt lành thơm

học bùn đen chẳng biết khoe khoang
tự cô đọng
tự lắng…

loài giun đất chỉ biết ăn đất
mà ruộng vườn tốt tươi
loài chim sâu chỉ biết ăn sâu
mà tiếng hót trong như gió sớm

chẳng phải bồ câu đem đến hoà bình
con gà lại ghét nhau tiếng gáy!

cọng cỏ biết trả ơn cho đất
đất lại đắp cho mộ người cao hơn
đời dạy: ”học ăn, học nói, học gói, học mở“
ta suy học nhịn, học e, học nghe, học thẹn
biết thẹn mình như loài mắc cỡ còn cho đời vị thuốc
ta tự thẹn ta chưa giúp được mình!

thế đấy,
“chưa thương hết mình thì đừng nói thương người khác”
ta bám rễ sâu vào góc ruộng nhà mình 


nghe đất thở
những mùa trăn trở
hạt đất, hạt bùn dạy nhau: im lặng… 


xanh!

   
  

NHỮNG GÃ CUA ĐỒNG HÁT RONG

Trong chiếc giỏ bà tôi 

những gã cua đồng đang nhấm nháp điều gì chẳng rõ

tiếng lép nhép hiện ra những khuôn mặt

khiến cánh đồng bật khóc

   

Nỗi nhớ như nếp nhăn hằn lên buổi chiều

váng phèn vây quanh từng gốc rạ

nơi bàn chân tôi dẫm phải tuổi thơ mình

vệt bùn loang dày như kỉ niệm

và hoàng hôn bà tôi khom xuống chân trời

   

Hoa cỏ tím như ngọn đèn rưng rức

soi bước cua đồng bò ngang

đo nỗi đau mùa vụ sau từng nhát cuốc

cánh đồng hạ sinh

   

Mùa màng giờ đây những chiếc hang trơ trọi

tôi thọc đầy cánh tay tiếng oạp oạp

gã cua đồng giương chiếc càng hiền lành kẹp vào tuổi thơ tôi rỉ máu

ôi giọt máu hồn nhiên còn vương trên chiếc giỏ tre bà tôi để lại

giờ đựng nỗi buồn trong mối mọt thời gian

   

Bao đêm ngái xa

bà tôi về trong giấc mơ những gã cua đồng sùi bọt mép

ngóng hạt lúa phù sa rụng vào hư ảo…

  

Và nhành lúa tong teo nép mình dưới khói

tôi nhìn khói vỡ trời xanh

nghe gió khóc trên bờ môi mằn mặn

tự mình ám ảnh tiếng hát những gã cua đồng hát rong…

  
   

CHIẾC LÁ TRONG KHE CỬA

Thò ánh mắt,

Kéo chiếc lá trong khe cửa

Mùa thu đồng hiện bên thềm

   

Mùa những nỗi buồn đi vắng

Lang thang tìm khắp chân trời

Có một loài hoa mới nở

Vàng như một niềm vui…

   

Thế sao chiếc lá khô,

Lại đong mùa thu trong ấy?

Như khao khát anh suốt đời chưa thấy

Một bờ môi…

   

Có lẽ khi nỗi buồn được thắp sáng

Niềm vui sẽ loang ra

Như ánh ngày rực rỡ

Tỏa khắp căn nhà…

   

Lúc ấy anh mới nhận ra em

Nụ cười như chiếc lá

Trong khe cửa cuộc đời

   

Em lặng lẽ,

Đợi chờ ánh mắt

Anh như màu thu trong mỗi cái nhìn…

  
  

MÁI NHÀ XƯA

Nhà xưa mái lợp ba gian

Mẹ nhen bếp lửa tro than ấm nồng

Trải bao nắng lửa, mưa giông

Mái tôn đã thế…rạ đồng, giọt tranh…

   

Những khi bão táp đành hanh

Tay cha chống đỡ năm canh gió lùa

Nắng mưa ơi hỡi nắng mưa

Ngấm bao nhiêu lớp phên thưa rêu mờ

   

Anh em từ thuở còn thơ 

Lớn lên theo tiếng ru hờ giấc say

Bước qua bậc cửa nào hay

Nghĩa tình đã buộc sợi dây vào rồi

   

Đi xa bao bận trong đời

Nhà xưa quê cũ một thời lớn khôn

Mong manh cũng một mái tôn

Gõ bao nhiêu nhịp tâm hồn vào quê

   

Xa xôi ai chẳng muốn về

Cho dù hai tiếng bộn bề áo cơm

Thương con ngõ đất bùn rơm

Nhà xưa bếp cũ ướp thơm nếp đời!

   
  

MÙA ĐÔNG NHỚ

Mở mùa đông

Từ giấc mơ ủ kín

Em như hạt gầy từ tháng Chạp heo may

   

Mẹ gánh ngày lên ruộng

Gieo niềm tin gió bấc

Nỗi thắt the bùn cáy vấy lòng

Đo cánh cò trưa đáy giếng đục trong

   

Làng như cánh chuồn chuồn bông súng

Thắc thỏm xòe mặt nước lưng ong

Tiếng trâu gọi cánh đồng cỏ mạ

Tháng Chạp rồi hoa dại thức li ti

  

Nắng khác,

Hay nắng là trải nhớ?

Vào niềm đau hoa cúc họa mi

   

Mà bận rộn

Câu thơ bèo bọt

Em giấu thơ vào vạt áo mồ hôi

Lau mấy giọt xuân thì văn vắt…

    

Mùa đông chìm trôi ngang song cửa

Em gọi thầm ngọn gió lắt lay

Hãy mở mùa ra đựng thóc

Hạt thóc quê mình gầy guộc

Bởi đất còn nợ cây lúa lưng cong…

   
   

LẮNG NGHE ĐÀ LẠT XUÂN VỀ

Nghe trong gió núi

Nhịp cà phê phin chậm, rơi nhòe…

Nắng dã quỳ vương trí nhớ lẻ loi

   

Tôi rong ruổi buông cương

Chú ngựa thồ thời gian gõ móng

Lướt qua cỏ cây đồi núi

Bật nở bên quán cóc đóa bồ công anh

   

Ngồi uống không gian

Băng qua những mùa cũ đắm say

Lắng nghe rèm cửa dính tiếng chim non

Mùa hoa anh đào đốt lỏng không trung

   

Những góc phố tri âm

Những cung đèo mưa bụi

Tiếng vi vút của hàng thông thân phận

Du ca qua miền gió tím

Những hoài niệm lạc thời

   

Lắng nghe xuân về trong cỏ thôi nôi

Lắng nghe đường Hoa Hồng trong thước phim âm bản

Lặng điếng trước ca từ nhà vườn

Nàng sơn nữ tên Trinh (*)

   

Vì Trinh,

Bước ra từ hoang dã

Cầm trên tay ngọn lửa thần linh…                

(*) Ca sĩ Bonneur Trinh người dân tộc Lạch Lâm Đồng

  
  

ĐÁNH THỨC

Tiếng chim đánh thức

Và làn khói lay động

   

Đóa hoa vừa kịp nở

Thôi đành…

Màu sắc đã thành quá khứ

Hương thơm bay trong tương lai khứu giác

   

Nơi chưa ai nhìn thấy

Làn khói vẫn hương

Mùa xuân ẩn náu trong khóe nhụy nguyên lành

   

Để phấn mang đi trong túi mật

Vị ngọt lãng du

Đánh thức đàn nhộng non trong tổ ấm

Mấp máy xuân thì

   

Hãy về quanh đây

Đàn ong vương lời khấn nhỏ

Cần mẫn xây đời

Bịn rịn giấc mơ thơm!

   
  

BỨC TƯỢNG GỤC ĐẦU

Có một bức tượng

Gục xuống

Taras Shevchenko!(*)

   

Người gục xuống cho đất nước đứng lên

Ukraine – đây là hình ảnh của cái chết dừng lại để sống tiếp

Kiev!

Vâng, cửa chết đã đóng lại

Và bức tượng gục đầu vẫn thở…

   

Những vần thơ thời Sa Hoàng vẫn thở

Hà hơi trong hủy diệt và đổ nát

Bên kia những tòa nhà bốc khói

Những ô cửa không thấy bóng mặt trời

   

Không thấy bóng ai

Có lẽ họ đã di tản

Hay bị chôn vùi

   

Taras Shevchenko vẫn còn đó

Chứng kiến từng nỗi kinh hoàng

Bức tượng không phải là sự sống sót

Chính bức tượng có một con đường

Khi những câu thơ bị chôn vùi

Sự trầm mặc bắt đầu mở cửa

   

Cánh cửa thơ ông oan nghiệt

Mặt đất đã cong oằn

Cây cỏ đã cháy tan

Không còn một đóa hoa để cắm vào miệng hố

Không còn một cánh chim vẫy gọi bầu trời

   

Nhưng trong tuyệt nhiên

Có tiếng nói từ “Người hát rong”(**)

“Khi máu thù loang lỗ dòng sông

Cuộn trôi đi theo dòng Dnhiep

Thì lúc ấy,

Dưới mồ chôn tôi đứng dậy!…”

   

Các bạn thấy không?

Người Ukraine đã đứng dậy

Khi bức tượng gục đầu nói với đất

Biển đen và thảo nguyên xanh là những linh hồn của tự do…

(*) Đại Thi hào của dân tộc Ukraine

(**) Thơ Taras Shevchenko

  
   

NHỮNG CON SÔNG TÂY NGUYÊN

những con sông Tây Nguyên

hoang dại đến chừng nào

chém như sừng trâu

cuốn như trăn lượn…

   

nước đỏ tràn hùng vĩ

thác sông ơi!

tiếng gào bay xa bảy quả đồi

tiếng voi rống làm rung rinh vách đá

sông chảy xiết như lòng người hối hả

xé mình thành ngọn thác mà reo…

   

sông Tây Nguyên

chảy nỗi niềm riêng

những cung trầm chảy vào huyền thoại

sông đã thành nước mắt của tình yêu

núi cao bao nhiêu đỉnh nhỏ bấy nhiêu

sông dài bao nhiêu tình trải bấy nhiêu

không kể hết nên dệt thành câu hát

   

người miền núi

hát là xé lòng mà hát

lời chiêng âm lời bỏ mả u hoài

lời của sông theo dòng nước miệt mài

   

sông ra đi

gởi thác ghềnh giữ lại

những mối tình oan nghiệt của thung khe…

(Tây Nguyên 2008)

Leave a Reply

Your email address will not be published.