Thơ Nguyễn Văn Thích

Home Bài nổi bật Thơ Nguyễn Văn Thích
Thơ Nguyễn Văn Thích

Vài nét về tác giả:

Sinh năm 1950

Quê quán: Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên

Hội viên Hội văn học nghệ thuật Hưng Yên

     

TÌM THU

Đi từ đầu mùa đông đến cuối mùa xuân

tìm thu

thu vẫn ở nơi đâu xa lạ

Đi từ đầu mùa đông đến cuối mùa hạ

gặp thu

vẫn ngỡ thu chưa tới

    

ánh mắt heo may chạm vào hoàng hôn

như chạm vào môi ai

đứng đợi

    

cô gái thôn bên chẳng chịu sang đò

giấu mùa thu vào ngực áo

ngẩn ngơ

     

ta nghe

mùa thu

là lạ

     

Đi từ đầu mùa đông đến cuối mùa thu

tìm hương thu, sắc lá…

hương tan vào chiều, sắc loãng khoảng không

    

Đi từ đầu mùa đông đến đầu mùa đông

tìm thu

thu vẫn trong ngực áo

     

MẸ, MÙA THU VÀ EM

Mẹ kể

mùa thu mấy mươi năm trước

cha đi

mẹ đứng bên thềm

cái dáng mảnh mai dính hiên nhà thành bóng

mẹ ngồi mòn cả màn đêm

     

mùa thu đến trong màu cờ, sắc áo

cha không về

mẹ khóc

nước mắt chẳng chảy ra ngoài mà lặn vào tim

     

mẹ thành goá bụa

nuôi con lớn khôn lầm lũi phần đời

lại tiễn con đi trong nắng

heo may vàng xao xác lá thu rơi

    

con ngồi bên nấm mộ

cỏ mùa thu phủ kín chỗ mẹ nằm

đất nước hết chiến tranh nhưng trong lòng dậy sóng

một dải sơn hà nặng tình nghĩa cha ông

    

mùa thu vẫn nguyên sắc lá

hoa cúc vàng vương trên áo em

ánh mắt đọng miền sâu thẳm

làn tóc dài hương bồ kết trinh nguyên

    

anh đằm vào hương ấy

thấy mùa thu trong em

   

HUYỀN THOẠI LÀNG

Làng có tự bao giờ?

cụ truyền ông, ông truyền cha, cha truyền tôi

– lâu lắm

con cháu ngàn năm sau vẫn nhắc lại câu này

     

Thuở lập làng

tổ tiên đã tìm thế đất

đặt làng trên lưng con Rồng

một phía có con đường

một phía có dòng sông

làng như đứa trẻ thơ giữa vòng tay của mẹ

     

Ngày mẹ về với cha

làng thêm khúc đường lát gạch

câu sấm trạng len vào từng ngõ ngách

căn nhà lá tuềnh toàng hóa lớp học bình dân

cây nhãn cha trồng, quả nhãn con ăn

lời của mẹ ào qua như gió

những đắng cay, những ngọt ngào làng có

mẹ chắt chiu từng giọt – thành tôi

     

Tôi sinh

bốn bề dâu bể

lớn theo dàn đồng ca

Mẹ dậy tôi biết thương

cha dậy tôi biết hận

thầy dậy tôi biết hát

làng dậy tôi… biết nhiều

    

Lũy tre nói lời của gió

rễ cây đa xù xì nói lời ngàn năm

dòng sông nói lời của nước

đất nói lời… lặng câm

    

Sự tích làng ghi thành huyền thoại

người đi mãi mãi không về

ngày cha đi lấy làm ngày giỗ

mẹ ngồi… mòn lũy quê

    

Những sắc phong gợi nói điều gì

vinh hoa cũng qua đi

chỉ tinh hoa còn lại  

hòa cùng bao la

     

Câu dân ca đi ra từ lòng mẹ

có cánh cò trắng nước đồng chiêm

con diều giấy nâng ước mơ thuở nhỏ

huyền thoại làng cứ thế dày thêm

      

IM LẶNG – LẶNG IM

Dẫu nghiêng đất, dẫu ngả trời

Người ơi! Cứ nói một lời lại êm

Giữa ngày mà vấp phải đêm

Lạ chưa hoa cứng, gai mềm lạ chưa!

      

Dấn thân vào một trận đùa

Trót đem thân cược lá bùa lòng tin

Đành trông đá nổi mây chìm

Ôm im lặng để lặng im phận mình

     

THẤP CAO

Lấy tay dò cao thấp

Lấy mắt định thấp cao

Rồi hỏi:

Trán cao hơn giời hay giời cao hơn trán?

    

Tay người có hạn

Với lên giời chẳng quá một tầm thân

Mắt nhìn vào khoảng không

Chẳng thấy hết những gì đang có

    

Tim không rung, óc thì không tỏ

Cầm tờ giấy trên tay nguệch ngoạc ký tên mình

    

Tiếng hát cất lên, rơi vào chỗ lặng thinh

Mắt bảo

Tiếng hát này đẹp thế

Tay bảo

Tiếng hát này mịn thế

    

Cầm tờ tranh loang lổ

Mắt bảo

Đậm sắc màu

Tay bảo

Phẳng và sâu

    

Tiếng hát, bức tranh… đều định hình từ tay, từ mắt

     

Trán và giời đâu cao, đâu thấp?

Một kiếp người có định nổi thấp cao?

    

TẢN MẠN – LÀNG

Người nông dân ngồi trên chiếc ghế đệm

kê ở giữa nhà

bật ti vi

xem thời trang và cuộc thi hoa hậu

quên thuở đi cày

    

Những cán bộ nghỉ hưu

đàm luận chuyện Trung Đông và giá – lương hàng tháng

thời sung sức mãn nguyện trong lòng bàn tay

     

Từng đợt gió nhấc bổng cánh đồng xanh,

nhấc bổng chiếc ao làng

xóa dấu tích thời gian

thành những ngôi nhà thời đại

ngạo nghễ với khoảng không

     

Thiếu phụ lên chùa

leo tầng cao ngôi nhà chào sư

rồi xuống quỳ dưới chân các pho tượng phật

cầu xin

điều tốt lành ban phát

     

Cây Bồ Đề thả lá vàng héo hắt

   

Rặng nhãn ven đình

chắt chiu sự âm thầm của đất

nâng niu chùm quả ngọt

đẩy đưa chốn chợ đời

    

Em thả nửa khối hình tạo hóa ban cho

thả nửa tiếng cười

hoàng hôn tan từng vệt sẫm

     

Tôi đứng giữa làng nhớ về thời xa lắm  

Chuyện làng mẹ nghe

Mẹ kể tôi nghe

    

TÌM THẤY MỘT ĐIỀU

Không có biển chưa hẳn không có sóng

Chẳng có rừng vẫn nghe tiếng thú kêu

Quê hương chảy theo triền đê sông Cái

Mẹ tắm cho ta bằng nước mắt cô Kiều

    

Ta sinh ra trong vòng tay của mẹ

Trọn cuộc đời không qua khỏi vòng tay

Mẹ thường bảo giữa quan và giặc

Chỉ cách nhau trong khoảng tối, khoảng ngày

    

Tưởng đã lớn mà sao còn bé xíu

Chặng đường xa vẫn chẳng hiểu lẽ đời

Gom thù hận chất vào thành đống

Ngậm bồ hòn cho ngọt một cuộc chơi

    

Tất cả rồi cũng thành phù phiếm

Tất cả rồi cũng như gió thoảng qua

Chỉ biết rằng đường đi và đích đến

Ta tìm thấy một điều…

Trước đó chẳng nhận ra

     

NỖI BUỒN

Nỗi buồn theo gió lên cao

Theo mưa lại xuống thấm vào con tim

Có chăng còn nửa ánh nhìn

Ta mang gói lại làm tin cuộc đời

Trưa hè nắng mở ra phơi

Lại theo gió…

Lại lên trời…

Lại mưa

     

LẶNG THẦM THÁNG HAI

Rét từ đài, lộc rét sang

Hình như tiếng trống hội làng cũng run

    

Em làm cô Tấm một hôm

Làng quê như cũng sáng hơn mọi ngày

    

Thị Màu dứt bỏ làn dây

Chàng Nô cày… vỡ đường cày đêm trăng

     

Hương trời, vị đất ngàn năm

Cứ âm ỉ, cứ lặng thầm tháng hai

Leave a Reply

Your email address will not be published.