THƠ NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

THƠ NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

LTS: Tác giả Nguyễn Xuân Dương hiện là Trưởng Ban thơ Hội VHNT tỉnh Hưng Yên. Thơ đã in: 5 tập in riêng: 2 tập in chung.

TÁC GIẢ NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

LỜI RU LẠC HỒNG

“Đò đưa*” con đến Hoàng Trù
Còn nghe văng vẳng tiếng ru thuở nào

Thoi đưa – mẹ át gió gào
Đèn soi trang sử – cha trao ước nguyền
Thương dân, tâm vững chí bền
Tìm đường cứu nước bao phen ngục tù

Để thành cách mạng Mùa Thu**
Sóng năm châu thấm lời ru Lạc Hồng.

“Đò đưa” một làn điệu dân ca quê Bác Mùa Thu*: Cách mạng Tháng Tám, Bác đã đọc tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà

NẮNG GỌI THI NHÂN

Nắng lên rồi! Phấp phới xuân
Lung linh giọt ấm trong ngần sương mai

Xôn xang cánh én lưng trời
Đường Xuân hối hả rộn lời bước chân
Niềm tin sáng dậy tinh thần
Khát khao đạt đích an dân nước cường

Thi nhân – Thiện Mỹ – nêu gương
Để cho “Văn hoá soi đường quốc dân”*

*”Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”:
Lời nói của Bác Hồ tại Hội nghị văn hoá 26 tháng 11 năm 1946

CHIỀU CUỐI NĂM

Mưa rơi chiều cuối năm
Lá vàng vương mái phố
Một thoáng nhìn xa xăm
Giọt buồn sâu mắt nhớ

Cánh chim chiều cuối năm
Vội vàng bay trong gió
Dáng mẹ chờ trước ngõ
Giục bàn chân bước nhanh

Cành đào chiều cuối năm
Trong tay ai giữa phố
Đón người xa trở về
Ửng thêm màu má đỏ

Con đê chiều cuối năm
Lắng lòng nghe sóng vỗ
Nối lời yêu đôi bờ
Đợi vai trần in cỏ.


Mùa xuân chờ trước cửa
Nỗi nhớ chiều cuối năm!

TRỌN ĐỜI

Tại em là Nàng Thơ
Nên anh say con chữ
Tại gặp em Mùa Thu
Để mang hoài nỗi nhớ.

Đền anh đi em nhé
Một từ Yêu, em ơi!
Thầm trao thôi cũng được
Ý thơ thay vạn lời.

Để anh làm ngọn gió
Dìu em vầng mây trôi
Tháng ngày ta rong ruổi
Đầu non hay cuối trời.

Hãy quên ngày quên tháng
Chỉ còn thơ, thơ thôi!
Yêu em, yêu con chữ
Ta trong nhau trọn đời.

LỜI CỎ MAY

Cỏ may ngút ngát triền đê
Tần ngần nhớ bước đi về năm nao

Phượng hồng cháy rực trời cao
Mặt sông sóng nhớ xôn xao gọi bờ
Hoa ép vở – thuở học trò
Bao năm khắc khoải ươm thơ đợi người

Ta về tìm bóng trăng rơi..,
Đêm quê vai áo ghim lời cỏ may.

VẦNG TRĂNG QUÊ

Gối đầu – trăng Tam Đảo
Lòng dõi hoài trăng quê
Nơi ấy mưa tầm tã
Mây che lối trăng về

Nửa vầng trăng em gửi
Theo thơ cùng anh đi
Nửa vầng em gói lại
Dành đợi anh khi về

Mặc tháng ngày mưa nắng
Vẫn dõi đường sớm khuya
Tảo tần trong tròn khuyết
Em – sáng vầng trăng quê.

ĐẤT NHỚ

Khoán thủ:
VỀ NƠI ĐẤT NHỚ MỘT NGÀY
NGƯỜI ƠI SAO ĐỦ ĐONG ĐẦY MẮT THƯƠNG

VỀ tìm chốn ngỏ lời yêu
NƠI “vầng trăng khuyết*” mang theo cả đời
ĐẤT quê nồng ấm tình người
NHỚ ai khắc khoải đầy vơi gió đồng
MỘT mùa gạo đỏ nghiêng sông
NGÀY đi rực cháy cho bồng bềnh mây.
NGƯỜI còn đợi? Ta về đây!
ƠI đò Yên Lệnh, nắng say tím chiều
SAO mà đếm được lời yêu
ĐỦ không? Hạt nhớ giăng đèo tháng mưa?
ĐONG bao nhiêu để cho vừa
ĐẦY chan, ngút ngát vẫn chưa thỏa lòng
MẮT vời vợi, nỗi mênh mông
THƯƠNG hè bạc áo, thương đông vai gầy…

VỀ NƠI ĐẤT NHỚ MỘT NGÀY
NGƯỜI ƠI SAO ĐỦ ĐONG ĐẦY MẮT THƯƠNG.

*Hồ Bán Nguyệt- Hưng Yên

TÌM DẤU CHÂN YÊU

Khoán thủ – Song thất lục bát
TRĂNG MỜ IN, SÓNG MỜ LOANG
TA ĐI TÌM DẤU CHÂN NÀNG BỎ QUÊN

TRĂNG vẫn đợi nghiêng chiều nỗi nhớ
MỜ bên song cửa sổ mòn thương
IN sâu trong những đêm trường
SÓNG thao thức sóng, chèo vương vấn chèo

MỜ nhạt bóng thuyền neo đợi nước
LOANG sông đời tiếng cuốc đầy vơi
TA cùng đêm ngóng sao rơi
ĐI về phương nhớ trong vời vợi nhau
TÌM chẳng thấy người đâu cõi mộng
DẤU hằn in hình bóng sao phai?

CHÂN sen lãng đãng trang đài
NÀNG đi để lạnh dấu hài sương sa
BỎ lại tím lòng ta nỗi nhớ
QUÊN làm sao ngọn gió chiều hoang

TRĂNG MỜ IN, SÓNG MỜ LOANG
TA ĐI TÌM DẤU CHÂN NÀNG BỎ QUÊN

MƠ TRĂNG

Nhìn trăng e ấp hiên nhà
Một lần muốn được gốc đa* gối đầu

Ước chăn mây giữa tinh cầu
Cùng Hằng xướng họa trao câu thơ tình
Trăng thì tròn khuyết riêng mình
Còn ta ngồi “đếm ngói đình**” đợi trăng

Đành mang thơ gói bóng Hằng
Để vơi vơi nhớ, bớt dằng dặc trông.

BÁN NGUYỆT HỒ

Ta về đây Bán Nguyệt hồ
Đê chiều cỏ thắm, buông tơ nắng vàng

Làn mây lững thững trôi ngang
Thì thầm con sóng lang thang vỗ bờ
Liễu xanh lay gọi hồn thơ
Chân ai thấp thoáng – ta mơ dáng người

Đa xưa vẫn đó vươn trời
Vườn trăng năm ấy, người ơi có về?

Leave a Reply

Your email address will not be published.