Vài nét về tác giả:
Tác giả Trần Nhã My, tên thật là Trần Thị Thanh Nhã, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện chị đang sống và dạy học tại Tây Ninh.
Chị đã xuất bản 5 tập thơ: DỖI (2012), MẢNH VỠ KHÔNG LỜI (2014), HUYỄN HOẶC NGÀY EM (2017), LẶNG (2021), HOA RONG MÙA BẤC (2023)
Giải thưởng:
– Giải Tác giả Trẻ của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2012
– Giải B của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2015
– Giải Nhì (không có giải Nhất) Giải thưởng Xuân Hồng lần II năm 2016
– Giải Nhất Giải thưởng Xuân Hồng lần III năm 2021
DẮT EM VỀ VỚI MỸ SƠN
Sớm ngày mùa trong veo
anh dắt em về Mỹ Sơn thánh địa
đôi bàn chân bước nhẹ
anh ơi… em sợ
cái dịch chuyển nhỏ xíu cũng làm kinh động ngàn năm
Vua chúa đâu
cung tần mỹ nữ giai nhân đâu
quân hầu đâu
ai qua đây đã hóa thành ngọn gió
hóa thành đất, thành nước hay muôn thú cỏ cây?
Có ai đó thành mây bay?
về đây ngắm lại nơi mình từng thờ tự
bỗng chốc tiêu tan
Vua chúa mà chi
chức tước làm gì
rồi cũng như khói như mây
chỉ còn đây phế tích hoang tàn
Bàn chân bước nhẹ nhé anh
kẻo vỡ động viên gạch nào đấy thêm đau lòng em không chịu nổi
bước đi như hơi thở
không lời nào mà như nói nhiều lắm đấy
Anh dắt em về đây
bước chân nhẹ như thực như mơ
có khi nào qua bao năm hóa kiếp
nay anh dắt em về chiêm bái lại ngày xưa???
NGẪM Ở TUỔI BỐN MƯƠI
Hai bảy tuổi mẹ sinh con trai đầu lòng đúng lúc quân Pol Pot càn quét
hai năm sau, con gái ra đời mẹ làm tròn bổn phận nàng dâu
bà nội bảo mới hai con thật quả là hiu hắt
phải từ bốn mới bằng nửa nội khi xưa
Mẹ sinh em, rồi thêm em nữa
ba gánh nhọc nhằn trên những thửa đậu, mía, mì đong gạo nấu cơm
mồ hôi đổ trổ màu lưng áo
chiếc xe đạp trành cót két kêu thương
Ba mẹ quyết con phải cầm bút cho bõ tháng ngày vác cuốc, làm nương
rời vòng tay yêu thương
những cánh chim lần lượt bay đi tìm tổ ấm
đếm trên tay những lần về bên ba mẹ
Tuổi bốn mươi, tóc con đã bắt đầu điểm bạc
ba mẹ bước vào tuổi hạc mong manh
con mới ngộ ra những điều được mất
thương yêu lắm những bậc sinh thành
TÓC BẠC MẤY MÙA LỜI RU
Tôi mải miết đi về những ngày xưa thơ dại
tìm em bé nhỏ có thằng anh lên bảy mà dại khờ cột bó em vào võng
đưa dằn đưa dặt
Có phải vì mẹ bắt tối ngày đưa em?
đưa cho ra trò ra trận
anh lỡ mạnh tay, em dập đầu u trán
em khóc và anh cũng khóc theo
em ngất, anh té nước cho tỉnh
em tỉnh rồi nước mắt anh rơi
Từ bận đó em được thêm tiếng hát ru
như lời ru của mẹ nhưng bằng giọng của người anh bảy tuổi
tiếng ru mãi còn văng vẳng
cho tôi nương theo
tìm về ngày thơ bé
Sao chẳng thấy gì
căn nhà tranh nhỏ xíu khuất sâu trong lùm cây đâu còn nữa
lùm cây cũng không – nếu còn chắc cũng còm cõi già nua
con ngõ nhỏ bây giờ bê tông láng nhựa
Chiếc võng xưa chìm vào đôi mắt nhăn nheo của mẹ
nền đất anh chòi đưa võng đã từ lâu trõm sâu vào đôi chân bé xíu
thằng anh lên bảy, em gái lên năm nay tóc đã bạc mấy mùa lời ru…
CÀ PHÊ VỚI NÚI
Mặc kệ mưa phương nào không biết
góc cà phê Ngũ Hành Sơn vừa tầm ngắm
vàng ươm từng sợi nắng
ngọt lịm môi cười trong chút mặn mòi gió biển
Phật Thích Ca ẩn hiện trong mắt xa xôi
sách xưa tích cũ trôi về nguyên vẹn phía em ngồi
thoáng thấy Lão Tử đang đi vào núi
có gặp không, Khổng Tử từ vách đá bước ra?
Em không là con gái phú ông
chưa từng chứng kiến mười tám tên cướp xông vào cửa phủ
giọt cà phê thì thầm vừa đủ
những viên đá giòn khua gọi giấc xưa từ lâu lắm chưa về
Anh dắt lên chùa
trả lời em câu hỏi về vẻ mặt hung của Thập Bát La Hán
anh diễn mặt buồn, mình cũng từng trong số đó
nhưng còn mắc nợ trần gian
Nợ những lần cùng em góc quán
nợ những bước chân hoang dìu em khắp cùng suốt kiếp
anh giả vờ trả hoài không hết để thành thừa
cho em nợ ngược và trả mãi kiếp sau…
GẶP LÁ TRUNG QUÂN GIỮA RỪNG BIÊN GIỚI
Về biên giới một sớm mai
dắt tay em thăm rừng Hòa Hội
anh kể về một thời lửa khói
thuở cha anh chiến đấu đã qua rồi
Từng nhánh cây, ngọn lá đã lên chồi
nhiều loài em chưa kịp biết
riêng lá trung quân nghe tên ngoan cường bất diệt
mà bây giờ em mới gặp giữa bình yên
Lẫn giữa muôn rừng lá vùng biên
chiếc lá dài một gang mỏng mảnh
mà kiên cường như người lính trẻ qua trăm trận đánh
trong lửa đạn, bom rơi
mái lá trung quân nguyên vẹn diệu kỳ
lá ken lá thành nếp nhà đơn sơ giản dị
như đội hình các anh vừa có mặt đêm qua
từng chiếc lá cùng các anh vào trận đánh
giữa rừng khuya lòng ái quốc sáng lòa
Hôm nay em về cúi đầu dưới lá
những chiếc vẫn xanh hóa huyền sử lâu rồi…
MỘT MÌNH TRƯỚC GÀNH ĐÁ ĐĨA
Có thể lắm
ấu thơ của trăm triệu năm trước
em và anh chơi nhà chòi dưới vòm trời cao vọi
sóng trắng mênh mang
mây cõng gió lang thang
và trăng
ánh trăng ghé vào xem
Em làm đĩa
mong vành trăng đừng vỡ
anh chất chồng lên cao… lên cao…
này 1 dĩa 2 đĩa 3 đĩa
vô vàn cột đĩa sâu thẳm trong lòng đại dương nhô lên khỏi mặt đất
sóng đùa từng đợt phụ giúp
mây gió hát ca hòa điệu trùng dương
cứ như chúng ta xây lâu đài bằng tất thảy yêu thương
cần mẫn như dã tràng xe cát
Đột nhiên
anh đi theo ngọn gió hoang
trò chơi dở dang từ đó
Người đời không biết hoặc biết sai vì sao biển xanh lại mặn
nước mắt em đổ vào cho từng đợt sóng cuốn đi
Chúng ta đã trải qua bao kiếp bên nhau mải miết trò chơi cùng những chiếc đĩa xinh
từng cột đĩa kết dính
đại dương sóng dữ cũng không bao giờ chia cắt
duyên mình sánh không bằng chiếc đĩa phải không anh?
Đã bao lần đứng trước biển xanh
ngắm nhìn đá đĩa, ngơ ngác hỏi mây hỏi gió
hỏi anh còn mải rong chơi đâu đó
bao giờ về cùng em?
CHIỀU TRÊN ĐỒI VẮNG
Em tìm dấu trăng rơi trong hoang tàn đổ nát
trong cỏ dại nhờ nhờ nhập nhoạng
ánh trăng người đã bán
giờ vẫn còn nghiêng nghiêng
Em tìm dấu chân đôi tình nhân cũ
trong sẫm tối mịt mờ
bờ cát dài lẳng lặng
xoá dấu tình trăm năm
Pôsahnư công chúa thuỷ chung chờ chồng
trên đồi cao vọng tưởng
như hòn vọng phu ngóng trông bốn phía buồn chất ngất
nước mắt hòa biển xanh
Em và anh
rời đồi hoang trong vội vàng hấp tấp
Bà Nài chiều xuống thật nhanh
em tiếc mình không kịp đọc câu thơ cũ
Em ngoái nhìn
Lầu Ông Hoàng vẫn còn đây dù hoang phế
tháp Pôsahnư dịu dàng đoan thục cô quạnh dưới trăng nghiêng
em lọt thỏm trong bóng chiều ngơ ngác
nhưng mà có anh…