Truyện ngắn Vũ Trọng Thái*
Đêm nay riêng chỉ mình thôi
Lặng thầm mà nghe mưa rơi
Giọt cay trộn vào cát bụi
Giọt hờn lặn giữa tim côi… **
Cả khán phòng nhà hát lặng im phăng phắc. Dường như tất cả mọi người bị cuốn đi theo ca khúc mà chị đang hát. Những ca từ mượt mà và giai điệu sâu lắng, thổn thức chừng như muốn cứa vào từng trái tim người nghe, nhất là vẻ mặt biểu cảm đầy tâm trạng của chị thay đổi theo từng cung bậc bài hát, không biết có phải kỹ năng biểu diễn hay chính là nỗi lòng người trong cuộc, nhưng dù là gì cũng đã chinh phục hoàn toàn người nghe. Bài hát đã kết thúc, chị cúi đầu chào khán giả, nhưng khán phòng vẫn im lặng đến nỗi người ta cảm nhận rõ cả hơi thở người bên cạnh. Đến chừng chục giây sau chợt vỡ òa trong những tràng vỗ tay kéo dài như không muốn ngớt. Mọi người ùa lên sân khấu. Người tặng hoa, người chúc mừng, chen chúc nhau. Anh đã chuẩn bị sẵn một bó hoa thật đẹp và định bụng sẽ đến bên chị sau buổi biểu diễn, nhưng tự dưng như vô thức, hay là không kìm được, đôi chân cũng đưa anh lên sân khấu. Mọi người vẫn vòng trong vòng ngoài. Không muốn chen, anh cứ lặng yên đứng mà ngắm nhìn từ xa như thôi miên khuôn mặt đang rạng ngời và ánh mắt long lanh như ngập tràn hạnh phúc của chị. Chị ngước nhìn thấy anh và đã mấy lần định dợm bước, nhưng mọi người tặng hoa xong còn nán lại để chụp ảnh với chị, làm cho chị vừa đứng trước ống kính lại thỉnh thoảng vừa đưa mắt về phía anh chừng như muốn xin lỗi vì để anh cứ đứng đó một mình.
Đêm biểu diễn giới thiệu ca khúc mới của chị đã thành công ngoài mong đợi.
Từ mấy hôm trước, khi chị nhắn tin “Tối thứ bảy em biểu diễn ra mắt ca khúc mới. Anh đến!”. Từ lúc ấy trở đi, anh cứ thắc thỏm chờ đợi, làm việc gì cũng không đến đầu đến đũa. Lắm lúc lại như nghệt mặt ra mà nghĩ tận đẩu tận đâu, khi có người hỏi lại giật mình ngơ ngác như người từ Sao Hỏa rơi xuống, làm cho mấy cô nhân viên trong phòng cứ nháy mắt, lích rích cười với nhau “Kiểu này đích thị là sếp đang yêu?”.
Anh vốn dị ứng với mấy cái bài hát mà anh vẫn thường gọi bằng cái tên chung là “nhố nhăng”, lời ca thì nhạt nhẽo vô nghĩa, giai điệu lại không chút gì cảm xúc, chẳng xứng đáng được gọi là ca khúc theo đúng nghĩa của từ này. Ấy thế mà cái bọn tuổi teen teen lại cứ như phát cuồng mới đáng buồn chứ. Tạng như anh chỉ hay nghe những bài hát dòng nhạc trữ tình, chất dân ca, mà sở trường chất giọng của chị thì lại đúng sở thích của anh, bởi thế mà sáu năm nay cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ Hoa Biển, thì anh đã mê giọng hát của chị từ khi tổ chức chương trình giao lưu thơ nhạc đầu tiên. Thích là thế, lại thường xuyên gặp gỡ trong các buổi sinh hoạt hàng tháng, nhưng anh ít khi giáp mặt chia sẻ cùng chị chỉ vì cái tính nhút nhát của mình. Phải sau lần câu lạc bộ tổ chức chương trình ra mắt tuyển tập thơ Gọi Sóng của hội viên, thì hai người mới như tri âm tri kỷ của nhau.
Tuy là một người hiền lành, ít nói đến hạn chế trong giao tiếp, nhưng anh lại là một MC rất có duyên với các chương trình giao lưu thơ nhạc mà năm nào câu lạc bộ cũng tổ chức vài lần ngoài các buổi sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng. Phong cách dẫn chuyện dí dỏm, lại thêm sự hiểu biết nhiều lĩnh vực nên anh có tài ứng biến rất nhanh trong mọi tình huống, bởi thế mà tên anh được người trong giới văn nghệ biết đến và thường được mời dẫn các chương trình thơ nhạc của các Hội trong và ngoài thành phố. Mỗi lần nhận làm một chương trình nào là anh dồn hết tâm sức tự viết kịch bản rồi dàn dựng, và khi dẫn thì đúng là đã nhập đồng, quên đi tất cả. Lúc đó anh như sống cùng kịch bản. Cũng chính vì vậy mà anh thường nhạy cảm, dễ xúc động nên đôi lúc rơi vào trạng thái tâm lý khi bức xúc bất chợt ập đến và thường không che giấu được cảm xúc của mình. Đó cũng chính là một điểm yếu của anh. Bữa câu lạc bộ tổ chức chương trình giới thiệu tập thơ Gọi Sóng, ngay trước khi chuẩn bị bước ra sân khấu, anh đã gặp phải tình huống như thế, nhưng cũng nhờ đó anh mới cảm nhận sâu sắc sự quan tâm của chị dành cho anh lớn như thế nào.
Chuyện là thế này.
Đã dính vào sân chơi văn gừng văn nghệ ai mà chẳng có tí chất nghệ sĩ trong mình. Điều ấy nào có tai hại gì. Làm cho cuộc sống thêm thi vị thì cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Thế nhưng khổ thay hình như ai cũng có một cái “Tôi” to đùng, luôn muốn được thể hiện mỗi khi có cơ hội. “Văn mình – Vợ người”, các cụ chẳng đã nói thế. Sợ nhất là mấy ông bà “nghệ sĩ cấp phường”. Luôn luôn lúc nào cũng ngộ mình đang là một “nhà nọ, nhà kia” đích thực và cần phải được thể hiện cho mọi người biết.
Bữa ra mắt tập thơ, CLB Hoa Biển có mời thêm nhiều Hội, nhiều Câu lạc bộ từ khắp nơi về dự. Đã có quá nhiều kinh nghiệm khi làm với các đối tượng xôi đỗ chuyên lẫn không chuyên như thế này, nếu không chuẩn bị chu đáo sẽ rất dễ “vỡ trận”. Ngay trước ngày diễn ra chương trình, anh đã đưa kịch bản để các thành viên trong Ban Chủ nhiệm duyệt lần cuối và sau đó sẽ lại như mọi lần, tất cả diễn biến phải theo kịch bản và đạo diễn.
Thỏa thuận là thế, nhưng khi đang đứng trong cánh gà chuẩn bị bước ra sân khấu, bỗng một “nhà…” trông khá bảnh bao và bệ vệ, từ đâu xuất hiện, một mực ý kiến “cho tiết mục của tớ vào chương trình nhé”. Đề nghị, rồi nằn nì lại chèo kéo. Cứ thế hồi lâu, mặc dù anh đã cố giải thích rằng chương trình phải theo kịch bản, nhưng “nhà…” nọ không chịu buông tha vẫn cứ trình bày, làm anh phát bực đến không giữ được trạng thái cần có khi lên sân khấu. Khi cái vị “nhà…” kia đi rồi, anh vẫn còn không giấu được cảm xúc của mình hiện rõ trên nét mặt.
Chỉ còn vài phút nữa thôi là đến giờ diễn mà trông anh thế kia thì…
Nhẹ nhàng đến bên anh, chị khẽ bảo: “Anh hít một hơi dài và ôm em một cái thật chặt vào”. Anh ngạc nhiên và thoáng chút bối rối nhìn chị. Chị mỉm cười gật nhẹ. Anh chợt hiểu. Chị muốn dùng liệu pháp tinh thần để củng cố tâm lý cho anh.
Ngoan ngoãn như một cậu bé, anh ngượng ngập nghe theo…
***
Anh có chuyến đi công tác bốn ngày vào Đà Lạt.
Thành phố cao nguyên này như một thiếu nữ xinh đẹp được người ta gọi bằng nhiều cái tên, mà tên nào cũng hay cũng đẹp: Thành phố mờ sương; Thành phố ngàn hoa; Thành phố của những đồi thông; Thành phố của tình yêu; Thành phố của nhớ nhung…
Bốn ngày ở đây kín lịch với anh. Ngoài những giờ hội thảo, giao lưu với các đối tác từ sáng đến tận cả tối theo chương trình, anh dành thời gian rảnh tranh thủ đến thăm những người bạn văn nghệ và không thể thiếu việc đưa chân đến những danh thắng của vùng đất hội tụ đủ bốn mùa trong một ngày. Hồ Xuân Hương như một tấm gương trong veo, bên đồi Cù mướt xanh nay đã thành một sân golf nhỏ xinh ngay trung tâm thành phố; Thung lũng tình yêu thơ mộng như chờ đợi, mời gọi các cặp tình nhân, rồi Lang Biang huyền thoại, ngằn ngặt thông reo, ga xe lửa cũ xưa như một ông già biết nhiều câu chuyện cổ tích, quảng trường Lâm Viên tươi mới đầy sức sống như một chàng trai 18…
Ban ngày luôn trong trạng thái di chuyển, bị cuốn vào công việc, anh không biết mỏi mệt hay buồn chán. Tối trở về khách sạn, giam mình trong bốn bức tường với khá đủ tiện nghi, lúc đó anh mới thật cô đơn khi chỉ còn một mình, mặc dù Đà Lạt đối với anh đã gần gũi từ lâu nay.
Đọc cuốn sách đem theo được vài trang, anh vớ lấy remorter hướng về chiếc TV, tìm kênh HBO xem phim hành động, rồi chuyển sang kênh bóng đá…, nhưng anh vẫn không vơi đi cái cảm giác trống vắng đang bủa vây quanh mình.
Anh chợt mỉm cười khi nhớ lại câu vẫn hay nói đùa với bạn bè “Vì mình hay hát bài “Một mình” của Thanh Tùng, nên bị vận vào người mất rồi”.
Cầm chiếc điện thoại trên tay, anh tìm tên của chị. Ngập ngừng muốn bấm rồi lại thôi. Cứ thế đến mấy lần. 11h đêm rồi. Không biết đầu kia chị đã ngủ chưa hay vẫn còn đang thức. Chị vẫn thường bảo với anh rằng chị cũng hay ngủ muộn vì cũng thích đọc sách khuya. Nỗi lo lỡ chị đã ngủ mà gọi thì sẽ làm mất giấc ngủ của chị, khiến cho anh chần chừ giữa ý muốn gọi hay không gọi. Cuối cùng anh chọn cách vào Zalo và nhẹ nhàng nhấn từng chữ cái. Biết đâu…
“Em đã ngủ chưa?” – Rụt rè nhấn nhẹ vào cái ký hiệu tam giác thay cho chữ “Gửi” xong, anh đăm đắm vào màn hình và thấp thỏm chờ đợi. Bất chợt anh nhỏm hẳn người ngồi dậy khi nhìn thấy những chấm nhỏ xinh đang nhấp nháy như nhảy nhót trên màn hình. Đầu kia đã có tín hiệu trả lời. May quá, chị vẫn còn thức.
Rồi từng chữ một hiện ra trong niềm hưng phấn vô bờ của anh.
“Dạ! Em đang đọc sách anh à. Sao anh không nghỉ đi cho đỡ mệt?”.
“Anh không ngủ được. Cứ cồn cào nhớ thôi.”.
“Ai bảo anh đi một mình cơ”.
“Thế sao đã bảo đi lại còn không chịu?”.
“…”.
“ Em à”.
“Dạ…”.
“Hát cho anh nghe để đỡ nhớ nhé?”.
“Nhớ ai cơ?”.
“Nhớ… Hải Phòng”.
“Ghét!”.
“Thôi nào. Hát cho anh nghe đi”.
“Anh thích nghe bài gì?”.
“Bài nào hợp với lúc này ấy. Anh thích Tiếng ru đêm”.
“Vâng. Anh nghe nhé!”.
Anh mau mắn chuyển từ chat Zalo sang chế độ thoại, nhấn nút loa ngoài và chờ đợi. Từ chiếc điện thoại, giọng chị ấm áp vang lên trong đêm khuya: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…”***. Anh lặng nghe như nuốt lấy từng lời của chị. Bao nhiêu năm nay anh đã mê mẩn với những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Anh tôn thờ nhạc sĩ như một thần tượng và đã có những bài thơ, tản văn viết về ông. Giờ đây, ở ngay chính mảnh đất nhạc sĩ đã có nhiều kỷ niệm, niềm yêu thích của anh dường như càng sâu hơn. Ca từ bài hát như đúng với hoàn cảnh của anh hiện tại, lại như lời trách móc của chị muốn mượn lời bài hát dành cho anh.
Âm hưởng của bài hát vừa dứt, anh vội nói luôn chừng như sợ chị biến mất cùng câu hát:
– Trời ạ. Sao em “ác” thế? Anh đang ở Đà Lạt mà em lại hát nhạc Trịnh thế này thì bằng “giết” anh còn gì?.
– Cho đáng đời anh. Ai bảo cứ hay đi nữa đi.
– Có phải anh đi chơi đâu. Công việc mà.
– Em không biết.
– Mai anh về rồi.
– Ai thèm mong anh chứ.
– Thôi, thua em rồi. Bây giờ thì em nghỉ đi. Sức khỏe em đâu có tốt…
– Mãi bây giờ mới hỏi han đến người ta.
– Thôi mà em. Anh xin lỗi. Em ngủ ngay đấy nhé. Đừng thức nữa đấy.
– Vâng. Anh cũng đừng thức nữa đấy.
– Chúc em ngủ ngon.
– Vâng. Anh cũng thế nhé…
***
Người ta thường lấy câu “Cá chuối đắm đuối vì con” để ví cho những người mẹ thương con. Chị cũng chẳng khác gì một thân cá chuối. Đang là một diễn viên trẻ đầy triển vọng của Đoàn Ca múa, sự nghiệp đang được khẳng định dần qua mấy mùa hội diễn, vậy mà chị đành lòng dứt áo xin nghỉ biên chế để về nhà ôm con. Thời buổi còn rơi rớt ý nghĩ bao cấp mà bỏ việc nhà nước về làm dân là ghê gớm lắm. Bao nhiêu chế độ coi như mất sạch. Đứa con gái bé nhỏ suốt ngày ốm đau quặt quẹo làm chị rạc người đi vì thức đêm thức hôm chăm bẵm khi thì bệnh viện này, lúc bệnh viện nọ, khiến chị không đành lòng để con đấy mà nay đi diễn mai đi diễn được nữa.
Ngược lại với nỗi buồn phải nghỉ việc của chị, chồng lại mừng ra mặt khi thấy chị chấp nhận ở nhà chăm con. Cái ngày yêu nhau, chị đã ngất ngây lâng lâng sung sướng trước những lời của người sẽ làm chồng “Em cứ theo đuổi niềm đam mê của em. Hằng đêm anh sẽ đến nhà hát chờ đón em về”, “Anh sẽ trông con để em đi diễn”… Ôi, có hạnh phúc nào lớn hơn khi có người chồng thương yêu và cảm thông với nghề của mình, cái nghề không kém sự vất vả nhưng cũng nhạy cảm với nhiều cám dỗ này. Thế là chị đồng ý cưới khi mới vừa chớm qua tuổi 20. Vậy mà cưới nhau rồi, chồng tỏ ra khó chịu mỗi khi chị đi diễn về muộn. Chồng ghen. Mà lại ghen nặng đến như thành bệnh khó chữa. Mấy bận đưa vé mời chồng đi xem, nhìn cảnh chị tay trong tay bạn diễn trên sân khấu thôi mà về nhà ngay sau đấy, chị bị chồng căn vặn mát mẻ bóng gió rồi tưởng tượng ra đủ chuyện, ghen tuông ra mặt. Từ đấy chị không dám và cũng chẳng còn hứng thú đưa vé mời chồng đi xem mình diễn nữa, nhưng nào có được yên vì chồng lại suy diễn “Chắc có tình ý với ai nên bây giờ không mời chồng đi xem”. Tình trạng này kéo dài như cơm bữa nhiều đêm, khiến chị rơi vào trạng thái trầm uất. Đã quá mệt mỏi vì chăm con, lại thêm cái sự ghen tuông quá quắt của chồng, sau bao đêm mất ngủ chị dằn lòng làm đơn nghỉ việc.
Đứa đầu qua đận dặt dẹo, đi học mẫu giáo, chị có bầu đứa thứ hai. Những năm sau này, đúng lúc cơ chế thị trường bung ra, chồng làm ăn được, phất lên như diều gặp gió. Tưởng có thể yên phận ở nhà ôm con, nhưng ở đời chẳng ai biết được chữ ngờ. Từ ngày làm ra tiền, chồng trở nên hay nhậu nhẹt, đi về thất thường. Đã thế lại thỉnh thoảng lên giọng kẻ cả khi có điều gì bực tức với vợ con “Cả lũ chúng mày là đồ ăn bám. Chỉ biết ngồi nhà mà đợi ăn sẵn. Rời tao ra chỉ có chết đói”. Những lúc ấy chị ngồi ôm con nuốt nước mắt vào lòng, không dám than thở sợ mẹ và các anh chị mình biết chuyện sẽ buồn.
Bản tính cương trực thôi thúc chị không thể sống theo kiểu tầm gửi được nữa, chị quyết định sẽ đi làm trở lại theo cách của mình. Thực ra bỏ đoàn nhưng chị không thể bỏ nghề được. Chị thèm được hát như ngày xưa. Đã từ lâu chị định được đi hát trở lại, nhưng vì con mà chị đành chôn sâu niềm yêu thích của mình. Bây giờ khái niệm biên chế không còn làm bận lòng nhiều như trước. Các nhà hát ít khi sáng đèn, nhưng diễn viên thì không thiếu đất diễn. Các hội nghị, đám cưới, hội hè… là mảnh đất màu mỡ để họ đi cày. Chị cùng bạn hát lập thành nhóm và đem về những đồng tiền từ công sức của mình để nuôi con. Chồng không ủng hộ nhưng cũng không thể cấm cản được chị. Các con đã trưởng thành, chị không thể như một cái bóng vật vờ giữ nhà cho chồng mãi được. Những tưởng cuộc sống sẽ yên ổn qua đi cùng ngày tháng, nhưng cái tính ghen tuông của chồng ngày càng quá quắt. Không ít lần sau những buổi tối đi diễn về, người mệt mỏi muốn được nghỉ ngơi, nhưng chồng cứ ngồi dằn hắt, suy diễn đủ trò rồi dựng chị dậy lúc nửa đêm để tra vấn. Đầu óc chị luôn ở trạng thái căng như dây đàn. Khổ thân cho hai đứa con chị, thương mẹ mà can bố không được, nhiều khi đêm hôm khuya khoắt cũng phải gọi người thân sang phân xử. Đỉnh điểm là một lần chị đi diễn về, không may giữa đường xe hỏng. Đêm khuya, đường phố vắng tanh chẳng tìm được hiệu sửa xe nào. Họa vô đơn chí, điện thoại lại sập nguồn, chị đành phải dắt bộ suốt quãng đường hơn một cây số. Về đến nhà đã quá 11h đêm. Chắc cả nhà đã đi ngủ. Lặng lẽ, chị mở khóa rồi nặng nhọc kéo cánh cửa xếp cũ kĩ thật khẽ khàng để không làm mất giấc ngủ mọi người. Chị mệt mỏi dắt xe vào nhà, nhìn thấy chồng đang ngồi bất động trên bộ sô pha trong phòng khách chờ đợi. Chưa kịp dựng xong xe, chồng đã bắt đầu giở giọng tra khảo, cật vấn rồi mắng nhiếc chị thậm tệ, không để cho chị kịp giải thích. Mệt mỏi và chán chường, nhưng chị cũng đã phải hạ mình, nói như van xin với chồng có gì để mai hãy nói, đừng để hai đứa con đã lớn rồi vẫn phải chứng kiến mãi những chuyện thế này của bố mẹ, nhưng chồng vẫn không chịu buông tha. Suốt đêm đó, dù rất mệt mỏi nhưng chị không thể chợp mắt mà phải hứng chịu những lời lẽ thô tục từ người đã từng đầu gối tay ấp với mình.
Một nỗi chán chường, cay đắng và cả tủi hận đè nặng cõi lòng khiến chị thất thần như một kẻ mất hồn suốt cả tuần. Chị rạc người trông thấy. Hai mắt thâm quầng vì mất ngủ và suy nghĩ nhiều đêm. Như giọt nước tràn ly, những ngày sau đó một lá đơn đã được chị ký để đưa ra tòa. Chị cương quyết dứt bỏ cuộc sống ngột ngạt mà chị đã phải âm thầm chịu đựng bao năm qua.
Hai đứa con đã khóc hết nước mắt, nhưng cả hai cũng đồng tình với mẹ. Đó là điều an ủi lớn nhất với chị và chị hiểu rằng mình đã quyết định đúng, dù có hơi muộn.
***
Mọi người không hề biết chị đã chia tay với chồng mà chỉ nghĩ hai người đang ly thân. Chuyện chẳng vui vẻ gì nên chỉ có trong gia đình và người bạn thân biết. Chị và đứa con gái thứ hai đang học lớp 10 dọn ra ở riêng tại một căn nhà thuê gần ngoại ô thành phố. Đứa lớn vừa ra trường và đã xin được việc nên chị cũng yên tâm và bằng lòng để con ở với bố cho tiện việc chăm sóc ông bà nội. Chuyện phân chia tài sản, chị chẳng màng bận tâm.
Với chị, 6 năm qua kể từ khi được trở lại cuộc sống là chính mình, được làm công việc yêu thích là một điều hạnh phúc. Trông chị trẻ hẳn ra với tuổi 46 của mình.
Đã qua những mất mát, lại làm cái nghề vốn dĩ hay bị soi xét và được coi như người của công chúng, nên chị rất giữ gìn trong mọi mối quan hệ với bạn nghề và mọi người xung quanh, vả lại tuổi chị bây giờ đâu còn trẻ trung gì để phải mắc sai lầm. Không như một vài ca sĩ trẻ bây giờ, chị đi hát trong các chương trình không phải chỉ để kiếm sống, mà còn để thỏa thuê niềm đam mê đã ngấm vào máu thịt từ nhỏ, đã bị kìm nén bao năm qua, và hơn thế chị còn say sưa tham gia đi hát cho các hoạt động thiện nguyện. Hình như sau những buồn tủi, mất mát của mình, chị càng có thêm một sự đồng cảm lớn với những thân phận không may mắn, những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Chị hăm hở với những chuyến đi đến những vùng sâu vùng xa cùng câu lạc bộ để trao quà cho trẻ em và bà con. Những lúc đó, chị còn góp tiếng hát của mình làm cho những chuyến đi càng thêm vui và ý nghĩa hơn.
***
Đêm dần sâu vời vợi.
Lũ dế nỉ non thành bè, thỉnh thoảng có một chú chão tràng nào đó điểm thêm một tiếng trầm đục vào bảo giao hưởng đêm trong khu vườn sau nhà chị.
Chị vẫn chưa ngủ.
Từ lúc nhấn nút tắt chiếc điện thoại đến giờ, chị không tài nào chợp mắt được. Hình ảnh của anh cứ như đang hiển hiện ngay trước mắt. Người đâu mà lại hiền khô, thật như đếm ấy. Vốn dĩ hay tinh nghịch từ nhỏ, chị thích được trêu anh và những lúc như thế anh chỉ biết ngơ ngác nhìn chị rồi cười. Chỉ được cái tốt tính, cứ âm thầm quan tâm đến mọi người. Nhớ có lần chỉ nghe thấy chị cùng mấy chị bạn trong câu lạc bộ, xuýt xoa với nhau về đặc sản miến dong miền núi, thế mà tháng trước có việc đi Bắc Kạn, anh lẳng lặng mua về cho chị cả chục cân, rồi lúng ba lúng búng như một chú bé mắc lỗi: “Để em ăn dần”.
Chắc giờ này anh đã ngủ lâu rồi. Chị nghĩ thế. Tay cứ xoay xoay chiếc điện thoại như muốn nhấn nút mà lại không dám.
Chị không ngủ được. Chị nhớ anh.
Chị không hề biết rằng ở thành phố cao nguyên xa xôi kia, lúc này anh cũng đang trằn trọc không ngủ được.
Lạ thay một sự trùng hợp cứ như sắp đặt. Anh cũng đang nhớ chị đến cồn cào, dù mai anh đã bay về rồi.
Anh đang nửa nằm nửa ngồi trên chiếc giường trải ga trắng muốt, cũng chiếc điện thoại trên tay. Anh hết mở kho ảnh ra ngắm hình của chị rồi lại mở Zalo đọc lại những dòng vừa chát với chị lúc nãy, rồi anh nhấn từng chữ cái. Những dòng chữ lần lượt trôi trên màn hình điện thoại “Chắc giờ này em đã ngủ rồi. Anh nhớ em không ngủ được. Giá như bây giờ được nghe tiếng em!”. Anh muốn sáng mai thức dậy, khi cầm lấy điện thoại chị sẽ đọc được những dòng chữ này của anh đầu tiên.
Anh nhấn nhẹ OK…
Bỗng nhiên chiếc điện thoại của anh cũng “Tít” một tiếng và hiện ra dòng chữ “Em vẫn thức. Em cũng không ngủ được”. Anh nhổm hẳn người dậy, vội vàng nhoay nhoáy ngón giữa của tay phải. “Vì sao?”. “Em không biết”. “Nhớ anh không”. “Ai thèm nhớ anh chứ”. “Em đang làm gì thế?”. “Đang… chát với anh!”. “Thua em rồi”. “Hì…!”.“Em à.”. “Gì cơ?”. “Lại muốn nghe em hát.”. “Tham thế?”. “Ai bảo hát hay làm người ta nhớ.”. “Chỉ khéo nịnh”. “Em hát đi”. “Vậy nghe nhé”…
Rút ruột tằm so dây
Ta ru đời…
Ta ru người…
… ngủ say… **
Giọng hát chị vang lên trong đêm Đà Lạt trong veo và tĩnh lặng.
Bài hát đã kết thúc nhưng dư âm những lời tha thiết như vẫn còn lẩn quất đâu đây. Cả hai không ai bảo ai, vẫn chưa tắt máy dường như còn muốn được gần nhau hơn…
Đột nhiên tiếng dàn đồng ca của bản giao hưởng đêm trong khu vườn sau nhà chị, theo sóng điện thoại vượt qua không gian vọng đến với anh. Bản đồng ca đêm lúc này không còn nghe như tiếng nỉ non nữa, mà như một bản nhạc vui vui trong một đêm yên lành.
Tiếng đêm nay mới êm dịu làm sao.
22h39, ngày 13/4/2017
Ghi chú:
* Truyện đã đăng trên tạp chí Cửa Biển (Hải Phòng)
** Lời ca khúc “Tiếng ru đêm”
*** Lời ca khúc “Một cõi đi về”