Nếu dùng một câu để nhận xét về Thiếu tướng, nhà thơ Lê Đình Huy, có lẽ không gì xác đáng hơn khi nói anh là một thi sỹ áo lính đôn hậu với một phong cách thơ dung dị, tràn ngập tình yêu quê hương và trách nhiệm với biên cương Tổ quốc. Có cơ hội được làm việc với ông nhiều lần, tôi luôn thấy mình được cộng hưởng tinh thần dấn thân, cống hiến của một người lính quân hàm xanh, sự nhiệt thành, thấu cảm của một người anh, một vị chỉ huy từng trải, ấm áp. Cuộc đời hơn 40 năm quân ngũ của nhà thơ áo lính Lê Đình Huy là một chặng đường dài đầy chông gai vất vả nhưng cũng nhiều vinh quang.
Ông nhập ngũ từ một binh nhì, lần lượt trải qua các cấp hàm để rồi vinh dự được phong hàm cấp Thiếu tướng nên không cần nhiều lời cũng đủ hiểu người lính từ miền quê Hà Tĩnh ấy đã phải phấn đấu miệt mài đến thế nào. Nên cũng vì lẽ ấy, trước khi nói về người thơ Lê Đình Huy, tôi muốn thưa thốt đôi lời về người lính Lê Đình Huy để bạn đọc thêm hiểu, thêm cảm nhận về một tình thơ ấm áo trong ông. Là một người lính biên phòng, trưởng thành từ cơ sở thực hiện đúng nghĩa bốn cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc. Nên hơn ai hết ông thấu hiểu sự vất vả của đồng chí, đồng đội nơi biên ải, nhất là những người ở thế hệ trước, trải qua nhiều sóng gió nơi địa đầu phên dậu. Nhưng sự vất vả của người lính trinh sát biên phòng thì còn nhiều gấp bội, bởi sự hi sinh của họ thầm lặng và thiêng liêng vì bình yên của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Người chiến sĩ trinh sát Lê Đình Huy đã cống hiến và hi sinh thầm lặng như vậy đấy. Công việc của ông cùng đồng đội thời đất nước vẫn còn tiếng súng vô cùng khắc nghiệt và vất vả, thường xuyên triển khai xuống cơ sở các thôn bản vùng biên để trực tiếp nắm bắt tình hình tội phạm, đấu tranh ngăn chặn tổ chức gây rối, bạo loạn; tổ chức vượt biển, vượt biên; phát hiện dấu hiệu xâm phạm an ninh Quốc gia trên địa bàn biên giới. Ông có một triết lý sống là “Sống trung thực, nhân ái với đồng chí, đồng đội và nghĩa tình với bà con dân bản. Làm việc có trách nhiệm. Đánh địch bằng trí tuệ. Dù bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng phải thận trọng, nghiên cứu để tìm cách đánh phù hợp, sáng tạo trong mọi tình huống”.
Là vị chỉ huy đứng đầu một trong lực lượng trinh sát biên phòng, là lực lượng nòng cốt, là biện pháp mũi nhọn trong nhắm đánh định hoạt động bí mật của BĐBP, song ông khiêm nhường chỉ nhận mình là một trinh sát viên luôn nặng nợ với nghiệp, với dân. Trong công việc, ông luôn bình đẳng, sẻ chia, cùng với anh em lăn lộn trong mọi khó khăn gian khổ để nắm tình hình địa bàn, đối tượng để phá án để rút kinh nghiệm thực tế phục vụ công tác chỉ huy chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Vì vậy, ông luôn được cấp trên tín nhiệm, cấp dưới tin yêu. Ở đơn vị nào ra đi, ông cũng để lại cho mọi người những luyến tiếc và ấn tượng tình cảm sâu sắc. Nên khi cầm trên tay tập thơ thứ hai của ông có cái tên đề rất ấm áp là “Biên cương tình mẹ”, tôi hoàn toàn đắm mình trong dòng thi cảm cuộn chảy của một người lính sau khi hoàn thành “nợ non sông”, trở về với đời thường đã trải lòng trên trang giấy.
Ông tâm sự: “Tôi sinh ra nơi quê hương gió Lào, nắng cát xã Thạch Mỹ, bên dòng sông Đò Điệm thân thương, đã theo tôi cả chặng đường 40 năm quân ngũ. Lớn lên từ lời ru và bàn tay tảo tần của mẹ, như bao bà mẹ quê mình nhặt từng hạt gạo, gom từng quả ớt, bó rau nuôi con khôn lớn thành người. Bây giờ công tác xa quê đi trên những con đường rộng lớn, sống chốn đô thành vẫn đau đáu hai tiếng “quê hương” – nơi đã cho tôi tất cả. Tôi tự dặn lòng, phải sống tốt, sống như truyền thống của mảnh đất và con người Hà Tĩnh vốn có”. Và bằng thơ ca, người lính ấy đã kể về mình giản dị thế này thôi “Con ra đi đầu trần, chân dép lốp/ Mẹ cho tình người, cha cho chí thép/ Rạo rực lên đường đánh Mỹ/ Hơn 40 năm vòng quanh đất nước/ Nay trở về sâu nặng với quê hương” (Đêm không ngủ).
170 bài thơ ở nhiều đề tài, thể loại khác nhau song điểm chung là tình cảm chân phương, giản dị, như con người ông vốn có, không quá cầu kỳ về hình thức, cách tân nhưng lại đạt được sự rung cảm bởi được viết từ trải nghiệm cuộc sống và tình yêu thơ mãnh liệt của tác giả. Ông đã rất tinh tế khi chia tập thơ của mình thành 3 phần gồm “Ký ức biên cương”, “Mẹ và quê hương” và “Những tâm hồn đồng điệu” để bạn đọc có thể theo dõi và cảm nhận được rõ nét từng góc tâm hồn của tác giả. Như Giáo sư Hà Minh Đức đã viết trong cuốn “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại” như sau: “Thơ ca chân chính luôn là tiếng nói yêu thương, là lời ca chiến đấu, giàu ước mơ và khát vọng”, có thể nói những sáng tác trong phần I của Thiếu tướng, nhà thơ Lê Đình Huy đều hướng tới những giá trị nhân bản của cuộc sống, của con người, gần gũi với quê hương, với biên cương cùng tình cảm gắn bó thiêng liêng cùng gia đình, đồng đội, bạn bè. Điều này hết sức dễ hiểu vì bản thân ông là một người lính đã không ngừng phấn đấu và cống hiến.
Cái nghĩa, cái tình của ông đối với dân bản không thể nói hết được nhưng những việc ông giúp đỡ nhân dân tại các bản làng nơi ông từng công tác thì vẫn được bà con khắc ghi, truyền lại cho các thế hệ con cháu… Nghĩa tình biên cương là đây: “Từ đồn ra huyện, đường xa lắm/ Nhớ mấy lần đi, mấy nắm xôi/ Năm khó, mất mùa, ngô hấp sắn/ Mẹ trộn tấm lòng lẫn với cơm” – tứ thơ “mẹ trộn tấm lòng lẫn với cơm” tuy đã lại gợi lên một cảm xúc rưng rưng về tình quân dân cá nước. Để khi người lính biên cương sau bao năng bôn ba quay lại chiến trường xưa cảm khái “Trở lại Quế Phong uống rượu cần/ Bản làng đồng đội với người thân/ Ba sừng Chạm rót càng vui vẻ/ Một gáo em thêm chẳng ngại ngần/ Lòng dạ mơ màng vui sắc núi/ Nỗi niềm lắng đọng đẹp tình dân/ Lăm vông nhảy múa say men nhạc/ Ấm áp bên nhau giữa đại ngàn” (Trở lại Quế Phong). Ông bật thốt và có sự so sánh thật hay và đúng: “Tình người biên giới trắng trong/ Như hoa ban núi, như dòng sông quê” (Hoài niệm).
Đọc trọn vẹn phần 1 “Ký ức biên cương”, sẽ thấm thía sâu sắc nhận định của nhà phê bình Đông La rằng: “Thơ ca không chỉ tạo nên sự xúc động, sự khoái cảm, sự tâm đắc mà còn gợi lên những suy tư, trăn trở, ý thức trách nhiệm lớn lao đối với đồng loại”. Ta có thể nhận rõ điều này qua nhiều thi phẩm của ông như: “Đường xa dốc thẳm chạm ngang cằm/ Trấn ải biên phòng suốt tháng năm/ Quyết tử bày binh trừ thủ ác/ Bền gan bố trận diệt mưu ngầm/ Buôn làng giúp đỡ chăm rèn đức/ Tổ đội chung lòng gắng dưỡng tâm/Đánh địch âm thầm nơi “miệng hổ”/ Sá chi hiểm họ với bom gầm…” (Tâm tình đồng đội) thể hiện ý chí quyết tâm của người lãnh vác trên vai sứ mệnh bảo vệ cương thổ quốc gia. Thậm chí, ta cảm nhận được sức trẻ, ý chí của tuổi trẻ chốn biên thùy “Lên từng đỉnh núi vượt trùng mây/ Ngạo nghễ thiên nhiên lớp lớp đầy/ Biển rộng bồng bềnh sương phủ kín/ Đèo dài uốn lượn tuyết trùm vây/ Phi tàu sóng cả nơi rèn luyện/ Cưỡi ngựa rừng sâu chốn dạn dày/ Tuổi trẻ thi đua giành quyết thắng/ Quân kỳ phấp phới đẹp tràn bay” (Nơi ấy biên cương).
Hay sự giản dị của người lính cũng thật “thơ”: “Gia tài chiến sĩ chiếc ba lô/ Đựng cất tư trang đủ thứ đồ/ Góc lớn dành riêng nhiều kỷ vật/ Ngăn dài giữ trọn những phong thơ/ Áo quần hai bộ: “nghiêm” và “nghỉ”/ Dày dép vài đôi: “đứng” với “chờ”/ Huấn luyện sẵn sàng khi giặc đến/ Giảng đường khát vọng vẫn hằng mơ” (Gia tài người lính), khiến người đọc rất thực tế trước cặp đối của Đường luật: “nghiêm” và “nghỉ” – “đứng” với “chờ” rất đậm chất lính. Và người thơ Lê Đình Huy đã viết đầy tự hào về nghiệp lính trinh sát của mình, về những thế hệ tiền bối khả kính của mình: “Bám trụ ngoan cường ở ngoại biên/ Ghi công thầm lặng khắp vùng miền/ Nghệ An nhớ mãi ông Trần Trí/ Hà Tĩnh ơn nhiều bác Võ Tuyên/ Đánh địch cao mưu lòng dũng cảm/ Bắt thù quyết chí dạ trung kiên/ Lừng danh chiến tích ta cùng bạn/ Tiếp bước ông cha giữ chủ quyền.” (Tự hào trinh sát ngoại biên)
Với quê hương, trong phần II, Thiếu tướng, nhà thơ Lê Đình Huy viết những lời thơ đau đáu: “Bay xa năm tháng đó đây/ Phong trần đời lính tóc mây trở về/ Bốc lên nắm cát mân mê/ Thoảng trong mùi đất hương quê mặn nồng” (Hương quê) hay “Dẫu cho năm tháng đầy vơi/ Tình làng nghĩa xóm … một thời áo tơi/ Quê hương vẳng tiếng à ơi/ Nuôi ta khôn lớn biển khơi vẫy vùng” (Ký ức áo tơi). Miền quê gian khó ấy luôn trong tâm trí ông, là nỗi nhớ suốt một đời: “Tôi về gọi mãi với dòng sông/ Kỷ niệm ngày xưa tuổi chớm hồng/ Rủ bạn trưa hè đi đuổi cáy/ Chờ em xế buổi chạy trêu còng/ Đò ngang độ ấy đâu còn nữa/ Bến đợi bây giờ cũng trống không/ Thả mắt xa vời nghe tiếng vọng/ Tình quê rộn rã thắm duyên nồng” (Sông quê nỗi nhớ). Ông cũng dặn dò người thân “Nếu chết hãy đưa tôi về chốn cũ/ Nơi miền Trung oặn mình mưa lũ/ Nơi trời cao dội nắng những trưa hè/ Gió nam Lào đốt cháy lá vàng hoe/ Đường ngoằn ngoèo trải cong lòng ruột/ Mùi phân bò cũng da diết trong tôi” (Quê).
Là một người lính trung với nước, hiếu với dân, Lê Đình Huy luôn tưởng nhớ tổ tiên, dòng họ để soi rọi cho con đường phấn đấu của mình “Nhân sinh lẽ sống tại tâm hồn/ Biểu tượng từ đường cội tổ tông/ Cây trổ trăm cành nhờ có gốc/ Nước lan vạn nhánh bởi do nguồn/ Thuần phong họ tộc luôn gìn giữ/ Mỹ tục ông cha phải bảo tồn/ Phú quý công danh đều cõi tạm/ Muôn đời đạo lý mãi trường tôn” (Nguồn cội). Trước di ảnh cha, ông viết đầy thành kính “Ngắm ảnh lòng con… ngẫm mọi điều/ Đoạn trường khắc khoải, cảnh cô liêu/ Điện Biên nghiệp lính thời trai trẻ/ Đồng Hới nghề y buổi xế chiều/ Tại ngũ đánh thù nơi đạn nổ/ Chuyển ngành chữa bệnh chốn bom kêu/ Xót người thân phụ đời chinh chiến/ Tao nhã thành tâm… chẳng mỹ miều” (Ngẫm đời cha)
Đặc biệt, Thiếu tướng, nhà thơ Lê Đình Huy dành rất nhiều cảm xúc để viết về mẹ, mà thi ảnh, thi tứ của các bài không hề trùng lặp. Đó là người mẹ trọn một đời thấp thỏm “Chồng, con đánh giặc gian nan/ Đêm đêm miệng khấn cầu an…chiến trường/ Nhìn từng hạt lúa mà thương/ Mưa sa nắng dội đoạn trường nuôi con” (Ngày 8 tháng 3 nhớ mẹ). Đó là người mẹ luôn theo ông tới vạn nẻo biên cương “Bao năm biên giới dặm trường/ Mẹ theo con suốt chặng đường tuần tra” (Bến đò và mẹ). Mà ngay cả khi người đã khất bóng rồi ông vẫn luôn luyến lưu từng dấu tích “Mắt con bới vụn sân vườn/ Lục tìm dấu tích vệt đường mẹ đi/ Lá vàng nghiêng rụng gốc si/ Chim kêu vọng tiếng thầm thì chiều thu” (Nỗi niềm vắng mẹ). Khi tóc đã pha sương, ông rưng rưng thương nhớ “Chinh chiến đi qua quá nửa đời/ Trèo đèo lội suối khắp muôn nơi/ Về quê thiếu mẹ nhìn cô quạnh/ Tất cả còn đây… chỉ vắng Người… (Vườn mẹ)
Một yếu tố then chốt góp phần gây tác động đến người đọc là ngữ âm và nhịp điệu trong thơ ông tuân thủ rất nghiêm niêm luật đối với thơ Đường cũng như thơ lục bát hay tứ tuyệt đường thiên. Điều đó khiến thơ của ông có được sự cảm thụ dễ dàng của lớp độc giả trung và cao tuổi, yêu thơ truyền thống. Đặc biệt ông có thế mạnh với lục bát, có sự thể nghiệm ở cách nhấn nhá, xuống dòng thơ hay luyến láy vần điệu ở hầu hết các bài thơ đều nhằm mục đích tạo nên tứ thơ, hình tượng thơ mà ông hướng đến. Nhất là trong các bài thơ viết về quê hương hay về biên giới đều hài hòa, không gồng mình khoe chữ hoặc rối rắm thủ pháp. Điều này cũng được thấy rõ ở phần III, phần mà ông viết để sẻ chia vui buồn, quan điểm sống với bạn bè, đồng đội và cả những phút ngẫu hứng xướng họa với bạn thơ của sân thơ Đường luật.
Chậm rãi đọc và cảm nhận tình thơ, hồn thơ của người lính – người thơ Lê Đình Huy qua “Biên cương tình mẹ”, điều đọng lại trong tôi là nhân cách, tấm lòng của một con người đã sống trọn vẹn nghĩa tình. Và qua thơ, tình quê hương đã quyện nghĩa biên cương, làm nên một giọng điệu thơ ân tình và đôn hậu.
Hà Nội ngày 22/12/2023
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh