Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri thức xin kính mời quý vị đến tham dự tọa đàm ra mắt cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và Tiến trình của G.S Bùi Xuân Bào với sự tham gia của các diễn giả: Dịch giả Phạm Xuân Nguyên (Ngân Xuyên); Nhà giáo Trần Đình Sử; Nhà văn Hoàng Minh Tường; Nhà giáo Phạm Xuân Thạch.
Tọa đàm diễn ra:
Thứ Ba, ngày 7/5/2024 lúc 14h00 – 16h00
Địa điểm: Phòng Paris II
Viện Pháp tại Hà Nội
Số 15 Thiền Quang, Hà Nội
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
VỀ TÁC GIẢ
Giáo sư Bùi Xuân Bào là một học giả văn học và nhà giáo có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam và Pháp. Sinh vào ngày 1/1/1916 tại Quảng Nam, ông đã được nuôi dưỡng trong một gia đình có nền tảng văn hóa vững chắc và xuất sắc đỗ đầu kỳ thi dành cho học sinh xuất sắc nhất toàn Đông Dương. Sau đó, ông đã đi du học tại Pháp vào năm 1948, tại Pháp ông đã tiếp xúc và say mê với văn học Pháp, tiếp tục nghiên cứu và nuôi dưỡng đam mê với văn chương.
Sau khi trở về Việt Nam, ông tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của văn học và giáo dục, trước khi trở lại Pháp và giữ chức Cố vấn Văn hóa tại Sứ quán Việt Nam ở Paris. Bằng sự liêm khiết và tận tâm với nghiên cứu văn học cũng như vai trò trong giáo dục và ngoại giao, Bùi Xuân Bào đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn hóa của Việt Nam và Pháp.
VỀ SỰ KIỆN
Cuốn sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945 Khai sinh và tiến trình nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961. Năm 1972 luận án được in thành sách tại Sài Gòn trong tủ sách “Nhân văn Xã hội”. Năm 1985 nó được in tại Paris trong tủ sách “Đường Mới”. Bản dịch bạn đang đọc đây là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris.
“Theo dõi tiểu thuyết Việt Nam hiện đại từ khi ra đời đến khi phát triển toàn diện, chúng tôi đã lần lại những giai đoạn khác nhau trong cuộc cách mạng tinh thần và đạo đức của người Việt Nam trong một phần tư thứ hai của thế kỉ XX. Hai mươi năm này chắc chắn là thời kỳ rực rỡ nhất, phong phú nhất, đa dạng nhất và phức tạp nhất trong lịch sử văn học của chúng tôi. Tốt hơn và trọn vẹn hơn bất kỳ thể loại văn học nào khác, tiểu thuyết đã phản ánh những con đường liên tục mà đồng bào chúng tôi đã vạch ra để xem xét và tìm cách giải quyết mối xung đột giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây.”
Tác giả G.S Bùi Xuân Bào định nghĩa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại “theo cách hiểu rộng nhất bao gồm tất cả các tác phẩm hư cấu bằng văn xuôi được thể hiện dưới hình thức tự sự và được viết bằng chữ quốc ngữ”. Như vậy, ông không nghiên cứu tiểu thuyết với tư cách là một thể loại riêng biệt mà như một thành tạo của một quá trình chuyển đổi tư tưởng văn hóa từ một xã hội truyền thống phương Đông sang một xã hội hiện đại theo kiểu phương Tây. Tiểu thuyết hiểu theo nghĩa như vậy là sản phẩm của thời nay, “đối lập với tiểu thuyết thời xưa gồm tất cả các truyện hư cấu viết trước thế kỷ XX”. Buổi bình minh của thế kỷ cũng là buổi bình minh của lịch sử nền văn học dân tộc nói chung và lịch sử tiểu thuyết nói riêng.
Trong cuốn sách này bao gồm rất nhiều tư liệu quý báu, những tác phẩm ngày nay ít biết, những câu trích dẫn rất đắt, những nhận định thỏa đáng của người đương thời, tất nhiên cũng khó tránh có những nhận định chưa thỏa đáng đối với nhà văn và tác phẩm nào đó, khác hẳn với những nhận định hiện thời, nhưng ta không quên, đây là một tài liệu lịch sử, đã ra đời cách nay đã hơn 70 năm. Chính vì tầm quan trọng của đề tài tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, những khác biệt trong quan niệm của tác giả mà cuốn sách là một tài liệu tham khảo quý dành cho những ai muốn tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam và đông đảo bạn đọc.
VỀ DIỄN GIẢ
Dịch giả Phạm Xuân Nguyên (Ngân Xuyên): nhà nghiên cứu văn học – dịch giả, từng làm việc tại Viện Văn học; đã in 2 cuốn sách viết (“Nhà văn như Thị Nở” – 2014; “Khát vọng thành thực” – 2016) và 12 đầu sách dịch về văn chương, triết học, xã hội học, trong đó dịch từ tiếng Pháp có các cuốn: “Hoàn cảnh hậu hiện đại” (J-F. Lyotard, 2007), “Văn học và cái ác” (Georges Bataille, 2013), “Thời đám đông” (Serge Moscovici, 2021) và “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh & Tiến trình” (Bùi Xuân Bào, 2024).
GS.TS Trần Đình Sử, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường đại học khác ở Việt Nam. Được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002, Nhà giáo Nhân dân năm 2010, được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Ông là chuyên gia hàng đầu về Lý luận văn học và Văn học Việt Nam với nhiều sách nghiên cứu xuất sắc đã được xuất bản.
Nhà văn Hoàng Minh Tường, Nhà văn hiện đại Việt Nam, một người thuộc thế hệ nhà văn hậu chiến, ông thành công lớn trên con đường sự nghiệp văn chương với nhiều thể loại khác nhau. Từ 1988 ông là biên tập viên báo Văn nghệ; từng là Trưởng ban Văn xuôi báo Văn nghệ; Từng làm lãnh đạo Báo Du lịch và Tạp chí Thủy sản; trước khi nghỉ hưu ông là Phó Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), phụ trách các môn Văn học Việt Nam 1900 – 1932, Văn học Việt Nam 1932 – 1945.