Trần Quỳnh Hoa
Ngày 21/4/2025, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra tọa đàm “Nâng cao hiệu quả liên kết giữa Nhà văn, Nhà xuất bản và Nhà in”. Sự kiện được tổ chức bởi Hội Nhà văn Việt Nam và công ty TNHH In Thanh Bình nhân dịp chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4.

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. nhà thơ Lê Tuấn Lộc nêu lên mối trăn trở từ lâu của người viết sách: sau quá trình tích lũy, nghiên cứu, sáng tác, làm thế nào để tập hợp lại thành một cuốn sách? Theo ông, phần lớn nhà văn và các tác giả đều có nguồn lực tài chính eo hẹp hoặc cảm thấy lúng túng trong việc làm thế nào để một bản thảo nhanh chóng trở thành một cuốn sách đẹp và có sức lan tỏa trong xã hội. Vì vậy, tọa đàm lần này sẽ thảo luận và đánh giá về cách thức tổ chức và tình hình kết nối giữa nhà văn, nhà xuất bản và nhà in hiện nay; qua đó đề xuất các giải pháp hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi liên kết này.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, thực trạng khó khăn trong việc xuất bản sách là chuyện không mới, như Tản Đà ngày xưa từng viết: “Bao nhiêu củi nước mới thành văn/ Bán được văn ra chết mấy lần/ Ông chủ nhà in in cũng đắt/ Lại ông hàng sách mấy mươi phân”. Vũ Quần Phương thấy rằng, ngoài việc phối hợp liên hoàn từ người viết sách, in sách, bán sách, mua sách; người ta còn cần tính đến bạn đọc. Ví như trong lĩnh vực thơ, thời nay đang cần người nghe thơ hơn cả người làm thơ. Hiện nhiều nhà xuất bản cũng đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến bạn đọc, nhiều hội sách… thậm chí có ông chủ của một nhà xuất bản còn giúp bạn đọc xây dựng một tủ sách hay. Vũ Quần Phương cũng đưa ra ví dụ về phương thức hoạt động của nhóm Tự Lực văn đoàn từ năm 1932. Đây là văn đoàn tư nhân đóng vai trò của một cơ sở vừa in ấn vừa phát hành; họ vừa có nhà xuất bản riêng (NXB Đời Nay), vừa có nhà in riêng, vừa làm chủ tờ báo chuyên giới thiệu các ấn phẩm của mình (tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay); ngoài ra họ còn tổ chức thảo luận về các cuốn sách vừa phát hành, xét duyệt và trao tặng giải thưởng cho các cây bút xuất sắc. Trong thời đại ngày nay, khi vai trò của tư nhân trong nền kinh tế đang được đề cao, tính năng động của nhà in và nhà xuất bản là vô cùng quan trọng; cần định hướng và giúp bạn đọc mua được cuốn sách hay, có chính sách chăm sóc để họ trở thành khách hàng lâu năm, bền vững.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đề xuất rằng: nhà văn, nhà xuất bản và nhà in cần có mối liên hệ khăng khít, chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên. Nếu không sẽ xảy ra hiện tượng tác phẩm của nhà văn lang thang trôi nổi trên con đường tìm nhà in và nhà xuất bản. Nhà xuất bản cần thực hiện nghiêm túc vai trò như “bà đỡ” cho tác phẩm, nâng đỡ cuốn sách ra đời, và cũng canh giữ nội dung cho tác phẩm; hiện nay nhiều nhà xuất bản cấp giấy phép ồ ạt, duyệt cả những tác phẩm vô bổ, “câu view”. Trong khi đó, nhiều nhà in cũng in thoải mái các cuốn sách đẹp, hấp dẫn về hình thức nhưng lại không thu hút về nội dung. Vậy nên sách kém chất lượng đang tràn lan trên các quầy sách, khiến bạn đọc gặp khó khăn trong việc chọn lựa sách có giá trị.
Tiếp theo, PGS. TS. NGƯT Bùi Minh Trí phân tích từng bước trong quá trình biến một bản thảo văn chương thành một cuốn sách và những cái khó phát sinh ở mỗi công đoạn, đặc biệt nhấn mạnh vào vấn đề chi phí rất tốn kém. PGS. TS. Vũ Nho lại thấy rằng việc in sách giờ đây thuận tiện hơn nhiều, đôi khi ông chỉ cần ngồi ở nhà, gọi điện thoại cho nhà in để đặt hàng, sau đó sách đã in ra sẽ được vận chuyển đến tận nơi. Cũng có ý kiến cho rằng với nền tảng công nghệ và mạng xã hội sẵn có, nhiều tác giả có thể tự quảng bá cho sách của mình bằng nhiều kênh hiệu quả. Tọa đàm tiếp tục với nhiều ý kiến và tham luận khác.

Phát biểu cuối chương trình, Giám đốc công ty In Thanh Bình, bà Nguyễn Thị Mai Duyên cho biết công ty In Thanh Bình, tiền thân là Xưởng in Khánh Linh, được thành lập vào năm 1996: cho đến nay đã có hơn 25 năm kinh nghiệm. Với hệ thống dây chuyền máy móc tân tiến và hơn 100 chuyên viên in ấn và sản xuất lành nghề, Thanh Bình được hơn 20 nhà xuất bản hàng đầu tin chọn làm đối tác chiến lược. Nhân dịp Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4, Thanh Bình xin gửi tặng Hội Nhà văn Việt Nam 10 suất xuất bản đầu tiên và công ty cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng nhà xuất bản và tác giả để mang đến những tác phẩm chỉn chu nhất.