Trong cuốn tiểu thuyết “Khắc tinh với thần chết” của tôi xuất bản năm 2023, tôi để cho Phạm Hữu Thẩm, một nhân vật chiến sĩ có trình độ văn hóa tương đối cao phát ngôn “Chiến tranh là một hiện tượng bất bình thường”. Nó không bình thường là bởi ở nơi chiến trận bom rơi đạn nổ suốt ngày đêm, đất đai bị cày đi xới lại, rừng cây bị thiêu cháy, không có loài chim nào xuất hiện ngoài hai loài quạ và kền kền. Quạ và kền kền đều ăn thịt người nên cứ ở đâu có mùi xác chết là chúng bay đến kiếm ăn, bất chấp bom đạn. Người chết càng nhiều thì quạ và kền kền bay đến càng đông đúc. Nếu là cuộc sống bình thường thì con người không bao giờ ăn thịt hai loài chim gớm guốc này vì thịt của chúng rất hôi tanh. Thế mà có những hôm đi chiến đấu về những người lính không còn cái gì ăn, họ phải mang súng tiểu liên ra bãi chôn người bắn quạ và kền kền mang về làm thức ăn cho đơn vị. Thịt quạ, thịt kền kền xào với rau rừng đắng chát, vẫn không ngớt mùi hôi tanh. Cả cán bộ cũng như chiến sĩ phải nhắm mắt, bịt mũi mà nhai nuốt cái thứ thực phẩm khủng khiếp ấy để được sống. Đó là một hiện tượng bất bình thường. Trong cuốn tiểu thuyết ấy, bạn đọc sẽ còn đọc được những chương có những hiện tượng bất bình thường khác nữa như ăn cá chết vì nhiễm chất độc; quần áo chỉ còn một bộ, mỗi khi giặt những người lính phải trần truồng, tóc dài râu rậm, trông như thổ phỉ. Có những trận bộ đội hy sinh không toàn thây nhiều quá, xương thịt người này lẫn với xương thịt người kia, phải đào hố chôn tập thể. Thậm chí có trận biết trước sẽ có nhiều người hy sinh, bộ đội phải đào huyệt trước cho mình…
Những chuyện bất bình thường, “quái lạ” như thế lại là chuyện bình thường trong chiến tranh; đó chính là những “chi tiết vàng” của tiểu thuyết, truyện ngắn mà nhiều nhà văn đi chiến trường từng chứng kiến. Nhưng họ không thể viết ra một cách “thoải mái”, bởi lẽ nếu viết in thành sách mà thanh niên đọc được, họ sẽ không dám lên đường nhập ngũ. Các nhà văn thường chỉ chọn những gì có tác dụng cổ vũ, nâng cao tinh thần của bộ đội, nếu có máu và nước mắt cũng chỉ trong chừng mực cho phép. Trong chiến tranh mọi hoạt động trên mọi lĩnh vực đều hướng về một khát vọng lớn: Chiến thắng kẻ thù! Mỗi văn nghệ sĩ đều phải là một chiến sĩ. Người nghệ sĩ viết gì, vẽ gì, biểu diễn gì cũng chỉ nhằm mục đích động viên khích lệ người lính hăng hái cầm súng ra trận.
Hồi ấy, miền Bắc Việt Nam cũng có dịch văn học nước ngoài sang tiếng Việt, nhưng chủ yếu là văn học Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba và một số nước Đông Âu trong cùng thể chế chính trị như Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Hungari, Bulgaria, Rumania, Tiệp Khắc, Anbania…Cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Alekseyevich Ostrovsky được nhiều người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mang theo trong ba lô ra trận. Tôi chứ không phải ai khác đã gọi cuốn tiểu thuyết đó là “vị chính ủy vĩ đại nhất” của mình. Nhiều đồng đội của tôi chiến đấu và hy sinh, những người còn sống cũng tìm thấy trong ba lô của họ cuốn tiểu thuyết ấy. Tác phẩm văn chương của một số nước khác thể chế chính trị với Việt Nam như Pháp, Anh, Mỹ, Ý, Cộng hòa liên bang Đức… cũng được dịch, nhưng phải qua chọn lọc rất kĩ. Nghĩa là những tác phẩm ấy phải có nội dung không ảnh hưởng gì đến tinh thần chiến đấu của quân và dân nước Việt. Thậm chí, cái tố chất “miễn dịch” ấy đã trở thành “quán tính” kéo dài tới tận khi đất nước đã hòa bình. Bởi hòa bình hàng chục năm rồi, có một dịch giả chuyển ngữ cuốn tiểu thuyết rất hay viết về chiến tranh thế giới có tên “Một thời để yêu và một thời để chết” của nhà văn Erich Maria Remarque, nhà xuất bản Tác phẩm mới đã sửa tên sách thành “Một thời để yêu và một thời để sống”. Như thế “an toàn” hơn. Người ta tránh chữ “chết”. Thay chữ “chết” bằng chữ “sống”.
Các nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh ngay khi cuộc chiến đang diễn ra, nói chung họ tuân thủ theo nguyên tắc tư tưởng ấy. Và đa số họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính vì thế khi đất nước hòa bình, nhà nước không thể không tính công cho họ. Nhiều người trong số họ đã được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà Nước, phong Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và những ưu đãi khác.
Hòa bình được thiết lập. Việt Nam mở cửa với thế giới. Các nhà văn được tiếp cận với các nền văn học lớn của nhân loại. Những nền văn học này không chỉ có văn học cổ điển, văn học hiện đại như xưa nay họ vẫn đọc mà còn có cả văn học hậu hiện đại nữa. Có những trào lưu tiểu thuyết mà trước đó chỉ có một số người Việt Nam biết một cách sơ khai thì giờ đây đã được dịch sang tiếng Việt như tiểu thuyết hiện thực huyền ảo, tiểu thuyết phi lý, tiểu thuyết dòng ý thức, tiểu thuyết cực hạn v.v.. Những nhà văn Việt Nam có đủ lịch lãm thì coi hiện tượng “trăm hoa đua nở ấy” là một diễm phúc cho văn học nước nhà. Bởi mỗi nhà văn cần tiếp cận nhiều dòng văn học khác nhau, đầu óc mới được khai mở, không còn rập khuôn theo một kiểu viết nữa. Mỗi nhà văn một phong cách sẽ hình thành một “vườn hoa văn chương Việt” đa sắc màu, đáp ứng nhiều thị hiếu thưởng thức của độc giả, góp phần nâng tầm nhãn quan văn hóa của người Việt Nam hiện đại. Thực ra, một số dòng văn học ấy xuất hiện ở phương Tây đã gần nửa thế kỷ, nó mang tính thể nghiệm là chính, tuy rằng có những tác giả đã được giải Nôben văn chương như Albert Camus, Giăng-pôn Sác (Pháp), Gabriel García Márquez (Columbia), Cao Hành Kiện (Trung Quốc). Nhưng chẳng được bao lâu người phương Tây đã nhận ra giá trị của nó không lớn như họ tưởng, và dần dần họ đã không còn mặn mà với nó. Với tôi, một nhà văn cựu chiến binh đọc một số tiểu thuyết hậu hiện đại viết về chiến tranh, tôi cũng thấy khá xa lạ với tính chất của các cuộc chiến tranh Việt Nam nên hầu như không thừa hưởng được gì nhiều từ những tác phẩm ấy. Nhưng có một số người Việt Nam tự cho mình thuộc tầng lớp “cấp tiến” lại tiếp nhận nó một cách vồ vập, quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, coi các dòng văn chương xa lạ ấy như một thứ bảo bối cứu cánh cho nền văn chương Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Họ rao giảng nhiệt thành cho các sinh viên khoa văn, các lớp học viết văn. Nhiều cây bút trẻ học theo cách viết ấy, nhưng cái phông văn hóa chưa đủ vững nên tác phẩm của họ lộm cộm, đầu ngô mình sở, rất ít người đọc. Các nhà văn viết về chiến tranh thì số đông vẫn trung thành với lối viết “tư duy một chiều”, tâm lý nhân vật giản đơn từ thời cuộc chiến đang diễn ra nên tác phẩm của họ cũng ít dần bạn đọc. Một số khác có trăn trở đổi mới, nhưng những tác phẩm được chú ý của họ lại là phản ánh bên lề cuộc chiến hoặc hậu phương của người lính. Các nhà văn viết về cuộc sống đời thường muôn màu muôn vẻ, bạn đọc đón nhận mặn mà hơn, nhưng cũng chỉ được ít năm là đến cái thời văn học mạng đang có thế mạnh chiếm chỗ. Trong cuộc cạnh tranh giữa văn học mạng và văn học in giấy cho đến nay văn học in giấy yếu thế hẳn. Những cuốn sách được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư, bảo trợ để phát hành trong lực lượng còn có thể in trên dưới 1000 bản. Còn lại phần lớn tác giả tự bỏ tiền in. Cuốn tiểu thuyết nào được dư luận chú ý mới có thể bán được 500 đến 700 bản. Rất nhiều cuốn xuất bản chỉ để tặng bạn bè. Nhà văn nào khá giả thì chở sách đi làm từ thiện cho các thư viện thôn xã, các trường học vùng sâu vùng xa. Có thể nói từ ngày tôi biết đến văn chương chưa khi nào tác phẩm văn học Việt Nam in thành sách tìm đến với bạn đọc khó khăn như bây giờ.
Nhưng, bằng quan sát của mình, tôi thấy dường như các nhà văn Việt Nam vẫn trung thành với câu tiền nhân từng dạy “Sinh nghiệp, tử nghiệp”. Trừ những nhà văn đã già yếu, bệnh tật, không còn sức để viết mới chịu buông bút. Còn lại các nhà văn vẫn đang rốt ráo tìm ra một lối viết phù hợp với thế mạnh của mình, tìm ra cách để tác phẩm đến với công chúng.
Cá nhân tôi cũng thế. Tôi tự khuyên khủ tôi: Cho dù đến lúc mình chỉ còn 10 bạn đọc tâm phúc với tác phẩm của mình thì mình vẫn viết. Tôi coi những bạn đọc văn chương hôm nay đáng trân quý như những nhà tư tưởng. Là một người lính đi qua chiến tranh khi còn rất trẻ. Vốn thực tế mà tôi chứng kiến và tích luỹ được, trước đây vì e ngại viết thành văn học sẽ không được xuất bản, hoặc nếu xuất bản sẽ bị biên tập cắt gọt thì giờ đây tôi lôi ra để viết, viết một cách trung thực. Đương nhiên tôi vẫn phải tuân thủ những nguyên lý tư duy, hư cấu, khái quát, điển hình hóa cho phép của thể loại tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết “Khắc tinh với thần chết” mới xuất bản cuối năm 2023 mà tôi đã nhắc đến ở trên, tôi viết trong tâm thế ấy.
Trong tiểu thuyết ấy, bạn đọc sẽ rất khó tìm thấy những câu văn đèm đẹp, hoa mỹ, bay bướm, làm duyên làm dáng, hoặc lên gân lên cốt, to giọng thuyết giảng, triết lý điều này điều nọ. Tôi mô tả những trận chiến như nó vốn có, mô tả những người lính và tay súng của họ một cách trung thực, bằng lối văn ngắn gọn “như không có văn”, chỉ ngồn ngộn những chất liệu hiện thực. Tác phẩm được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tư, xuất bản. Sự ưu ái này vui thì có vui nhưng tôi cũng thấy lo lo, chỉ e sợ bị cắt gọt và biên tập cho tròn trĩnh. Nhưng thật may, khi sách in ra tôi đọc lại thấy không có nhiều dấu hiệu cắt gọt thô bạo như tôi tưởng. Tôi ngộ ra rằng, các nhà văn và các nhà quản lý văn nghệ hôm nay đã thấm thía rằng nếu viết về chiến tranh mà chỉ mô tả một chiều, phô ra mặt sáng, che đi mặt tối, biểu dương cái phi thường mà né tránh cái bất bình thường, tôn vinh nụ cười mà bỏ cái mất mát, đớn đau thì vô tình chúng ta đã làm cho các thế hệ trẻ Việt Nam hiểu sai về cuộc chiến tranh. Như thế chúng ta đã tự làm nghèo nền văn chương của chúng ta. Đã đến lúc các nhà văn Việt Nam phải tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh; phải viết những gì mà các thế hệ trước chưa thể viết, để cho các thế hệ sau này hiểu rằng cái giá chúng ta phải trả cho nền hòa bình nó đắt đến nhường nào; từ đó mà các thế hệ trẻ Việt Nam biết trân quý mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, mỗi ngôi nhà, mỗi đường phố mà họ đang được hưởng thụ trong cuộc sống hòa bình.
Tiểu thuyết “Khắc tinh với thần chết” Tổng cục Chính trị in và phát hành trong quân đội. Tôi có xin phép in nối bản mấy trăm cuốn chỉ với mục đích để tặng bạn bè, nhưng khi tôi “khoe” trên facebook, bạn đọc lại đặt mua khá chộn rộn. Từ hôm sách ra đến nay là hơn 3 tháng, tôi đã bán được gần một trăm cuốn. Tôi mang điều này khoe với bạn bè, họ nói, thị trường sách văn học lúc này mà bán được ngần ấy là diễm phúc lắm rồi.
Hóa ra trong bộn bề hối hả mưu sinh, trong đa phương tiện thông tin truyền thông, hãy còn một lượng công chúng vẫn trung thành, tâm phúc với văn học, nếu tác phẩm viết ra mang lại một giá trị nào đó về tâm hồn, tư tưởng, thẩm mỹ cho họ.
Lê Hoài Nam