Trần Hữu Thung – tài thơ cao quý mà giản dị

Trần Hữu Thung – tài thơ cao quý mà giản dị

Sáng 22/01/2024, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức giới thiệu cuốn sách “Trăm năm… Trần Hữu Thung” nhằm tri ân và tưởng nhớ đến Nhà thơ – Nhà văn – Nhà văn hoá lừng danh Trần Hữu Thung nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của ông. Hơn thế, cuốn sách được Nhà xuất bản Nghệ An dành trọn tâm huyết biên soạn nhằm mục đích đưa các tác phẩm của Trần Hữu Thung đến với thế hệ bạn đọc trẻ.

Tham gia sự kiện có ông Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên TW Đảng, chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TW; ông Nguyễn Quang Thiều – chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa – phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh – cố vấn Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam; bà Bùi Thị Ngọc – giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An; nhà thơ Vân Anh – chi hội phó chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An; PGS – TS nhà lý luận phê bình văn học Đinh Trí Dũng – hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An; cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, và gia đình, bạn hữu của cố nhà thơ Trần Hữu Thung.

Ảnh bìa cuốn sách “Trăm năm… Trần Hữu Thung

Trần Hữu Thung (1923 – 1999) sinh ra và lớn lên ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia cách mạng khi mới 21 tuổi với nhiệt huyết hăng say và đã giữ nhiều vai trò quan trọng như Cán bộ tuyên truyền Liên khu 4, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ Thuật Việt Nam, Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ An,… Thơ ca Trần Hữu Thung mang đậm nét hồn nhiên, trong trẻo của quê hương và chứa chan tình người. Ông cũng dùng ngòi bút của mình để đấu tranh, tuyên truyền cho cách mạng. Bài thơ “Thăm lúa” của ông là tác phẩm đầu tiên đạt giải thưởng văn học quốc tế của Việt Nam: bằng “Lauria” và Huy chương Vàng giải thưởng quốc tế tại Liên hoan Thanh niên thế giới tại Bucaret, Rumani năm 1953.

Mở đầu chương trình là phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông chia sẻ rằng, vào ngày 5/8/2023, ông và một số vị đại diện Hội nhà văn Việt Nam đã về thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để cùng gia đình nhà thơ tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trần Hữu Thung (26/7/1923 – 26/7/2023).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu mở đầu sự kiện.

Ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng có rất nhiều giá trị nghệ thuật thay đổi theo thời gian, nhưng cũng có những giá trị luôn được tiếp nhận và ủng hộ dù ở bất cứ thời kỳ nào, chính là các sáng tác của Trần Hữu Thung. Nhà thơ đã để lại hai tác phẩm chính: một là các sáng tác thơ văn và hai là chính cuộc đời ông, bình dị, chân thực, thẳng thắn, mãnh liệt và đầy cống hiến.

Tiếp theo, ban tổ chức trình chiếu một bộ phim tài liệu ngắn về Trần Hữu Thung. Hình ảnh ông bình dị, thảnh thơi mà thấm đẫm tình người và tình yêu quê hương đất nước. Trong phim, nhà thơ Trần Lê Xuân (tỉnh Nghệ An) hỏi rằng vì sao nhiều người nông dân bình thường, thậm chí không biết chữ, nhưng vẫn thuộc thơ Trần Hữu Thung? Đó là vì Trần Hữu Thung là con người sâu đậm tình cảm, không chỉ trong thơ mà còn trong cả giao tiếp đời sống thường ngày. Nhà thơ giỏi tiếng Pháp và tiếng Hán, nhưng ông hoàn toàn lấy cảm hứng từ văn học dân gian để sáng tác.

GS. TS Trình Quang Phú, người bạn rất gần gũi với nhà thơ, đã cất công bay từ TP Hồ Chí Mình ra Hà Nội để tham dự sự kiện. Ông kể một câu chuyện rất thú vị rằng: khi ông và Trần Hữu Thung đăng ký vào quân đội thì chỉ có Trình Quang Phú được nhận. Tức khí, Trần Hữu Thung sáng tác một bài thơ để coi như mình cũng được đi hành quân. Tên bài thơ ấy là “Tôi vẫn hành quân”, sau này chuyển thành “Anh vẫn hành quân”, đã trở thành bài hát truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cuối chương trình, bà Bùi Thị Ngọc – giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An đã bày tỏ cảm xúc hân hoan khi cuốn sách “Trăm năm… Trần Hữu Thung” được xuất bản. Bà chia sẻ rằng đã thiết kế bìa sách có chữ “Trăm năm” màu đỏ để thể hiện dấu ấn vàng son của cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ, còn cái tên “Trần Hữu Thung” được in màu vàng của lúa chín xứ Nghệ.

Bà Bùi Thị Ngọc bày tỏ xúc động khi cuốn sách “Trăm năm… Trần Hữu Thung” được ra mắt.
Hội nhà văn mời khách tham gia một bữa cơm thân mật sau sự kiện.

Thơ của Trần Hữu Thung trong sáng, giản dị, lạc quan và luôn gần gũi phổ cập trong quần chúng nhân dân. Những tác phẩm của ông đã nằm lòng trong nhiều thế hệ độc giả yêu thơ Việt Nam. Tại buổi lễ, các đại biểu là nhà văn, nhà thơ thuộc Hội nhà văn Việt Nam đã cùng các người con đại diện gia đình cố nhà thơ Trần Hữu Thung đã cùng ôn lại, chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Những ký ức về nhà thơ ùa về như thể ông đang hiện diện trong hội trường, khiến những ai đã biết Trần Hữu Thung cảm thấy bồi hồi thương nhớ, còn người chưa biết thì trầm trồ thán phục một con người cao quý mà giản dị, tài năng và hết lòng cống hiến cho nhân dân, đất nước.

Trần Quỳnh Hoa

Leave a Reply

Your email address will not be published.