Tiểu Mai
Ra mắt tuyển tập thơ “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình” ở tuổi 85, Ngô Thái khiến thi đàn ngỡ ngàng trước những trang viết tràn đầy năng lượng lạc quan, lãng mạn, một tâm hồn đắm say với vẻ đẹp thiên nhiên, với tình đời, tình người.
Trong “rừng” thi ca được dệt nên bởi tình yêu, thơ Ngô Thái vẫn tìm được cho mình chỗ đứng riêng bởi thế mạnh của ông là mạch nguồn cảm xúc và những hồi ức về chiến tranh, những kỷ niệm đẹp và buồn, về những người ruột thịt. Thưởng thức tuyển tập thơ “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình”, độc giả sẽ thấy nổi bật nhất là những sáng tác về Đảng về Bác Hồ, về chiến tranh Cách mạng, về tình yêu quê hương đất nước.
Tác giả chủ động chia tập thơ thành 5 phần riêng biệt, nhưng dường như chữ “Tình” là chất kết dính xuyên suốt tập thơ, khiến độc giả rưng rưng. Mặc dù Ngô Thái chỉ làm thơ sau khi đã nghỉ hưu kể từ năm 2000, nhưng sau một phần tư thế kỷ, ông đã có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ. Điều đáng ngưỡng mộ ở Ngô Thái chính là năng lượng và cảm xúc mãnh liệt, da diết ông đan vào câu chữ, ngỡ như ông sinh ra để làm thơ và dành cả đời để yêu thơ. Chỉ có cảm xúc mãnh liệt mới khiến người viết ngụp lặn trong chính những câu thơ của mình.
“Nguyên tiêu trăng sáng vô ngần/ Vẳng câu thơ Bác: “…Trăng ngân đầy thuyền”/ Biển Đông ngọn sóng truân chuyên/ Bao đời còn vọng lời nguyền chiến chinh…” – (Nguyên tiêu nhớ Bác).
Ở tuyển tập thơ này, Ngô Thái đã dành không gian trang trọng nhất, để giới thiệu những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tế, viết về Bác là đề tài khó, không phải ai cũng viết được những tác phẩm tròn nghĩa vuông tình về Bác, như Ngô Thái đã làm.
“Bác mong đất nước tiến nhanh/ Dân giầu, nước mạnh, xứng danh Tiên Rồng/ Bác là hình bóng non sông/ Bác như ánh sáng vừng đông chân trời…” – (Nguyên tiêu nhớ Bác).
Giống như viết về Bác, những bài thơ Ngô Thái viết về quê hương, đất nước, viết về cha mẹ cũng thấm đẫm nhân văn với một tình yêu thương vô bến bờ:
“Quanh năm dáng mẹ đồng quê/ Nẻo đường khuya sớm đi về bóng cha/ Hồn quê sâu đậm thiết tha/ Ngọt ngào câu hát dân ca mỗi chiều…” – (Hồn quê).

Đó là tâm hồn của một người lính bước ra từ cuộc chiến, trở về với đời thường. Bất kể thực tế cuộc sống khắc nghiệt ra sao, người lính ấy vẫn nhìn đời qua đôi mắt dào dạt tình yêu. Với ông, quê hương luôn gắn bó với hình ảnh chịu thương chịu khó của người mẹ, người cha. Xuyên suốt tập thơ, không ít lần độc giả ngậm ngùi khi bắt gặp những trang ông viết về đấng sinh thành với lòng biết ơn sâu sắc. Có lẽ, phải trải qua sự tàn khốc của chiến tranh, chứng kiến những mất mát không thể đong đếm, Ngô Thái mới bật ra những câu thơ thấm đẫm tình cảm đến thế. Sự dịu dàng, trìu mến, thiết tha giống như thứ “gia vị” tổng hợp được tẩm trong từng chữ, từng vần điệu.
“Bát canh cua, đĩa dưa cà/ Vị quê đau đáu đậm đà xiết bao/ Bước đi dù ở phương nào/ Minh Nông…! Mùa cấy hanh hao hẹn về!…” – (Hương quê).
Thơ Ngô Thái đôi khi đơn thuần và gần gũi như hơi thở trong cuộc sống, nhưng mọi khoảnh khắc đều có nhịp điệu và màu sắc. Có những lúc ta thấy vui vẻ, mãn nguyện, có những lúc ta thấy lạc lõng, chán nản. Tuy nhiên, dù giai điệu của cuộc sống là gì, ta vẫn nên yêu nó và đối mặt với nó một cách tích cực, vui vẻ.
“Đáy hồ có mảnh trăng rơi/ Với tay khỏa nước em ngồi vớt trăng/ Vớt lên những tháng những năm/ Lung linh dát bạc ánh trăng đáy hồ…” – (Vớt trăng).
Bài “Vớt trăng” của Ngô Thái tốn khá nhiều suy tư và giấy mực của bạn nghề. Theo nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, bài thơ mang đến cho bạn đọc nhiều bâng khuâng, đầy mơ mộng, và hình như có cả sự tiếc nuối. Trên hành trình đi tìm cái đẹp, Ngô Thái cho người đọc thấy sự kỳ diệu của hình ảnh và chữ nghĩa. Bên cạnh đó, những vần thơ tuyệt diệu của ông còn chứng tỏ viết không chỉ là một kiểu ghi chép mà còn là một loại sáng tạo, giúp ta nắm bắt những cảm hứng thoáng qua và “đóng băng” chúng vĩnh viễn trên giấy.
“Tuổi xế chiều… ngắm cảnh hoàng hôn/ Vẫn tỏa sáng tâm hồn thi sĩ/ Quên tuổi tác, bận lòng suy nghĩ/ Bên em khoảnh khắc cũng ngừng trôi…” – (Hoàng hôn).
“Sáng bình minh thức dậy/ Chiều hoàng hôn buông rơi/ Vẫn thấy lòng thảnh thơi/ Đời người không thể chết…/ Giữ tâm hồn trẻ mãi/ Mỗi lát cắt thời gian/ Không phủ lớp bụi mờ/ Xin tặng cuộc đời chỉ một vần thơ/ Ngưng đọng lại từ mạch nguồn cuộc sống…” – (Vần thơ còn mãi).
Bên cạnh tình yêu dành cho quê hương, đất nước, Ngô Thái cũng dành thời gian để “tắm mát” tâm hồn và vỗ về độc giả, nhắc họ chú ý những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để trở nên yêu đời hơn và cảm nhận niềm hạnh phúc, thỏa mãn của cuộc sống. Quan sát người và sự vật xung quanh, đánh giá cao cảnh đẹp cũng như cảm nhận vẻ đẹp – món quà của thiên nhiên – chính là cách ta thể hiện lòng biết ơn và trân trọng từng khoảnh khắc.

Bằng cách bày tỏ tình cảm xúc và chia sẻ tình yêu thương qua thơ, Ngô Thái đã tròn nghĩa với đam mê, vuông tình với đời sống. Đó là một cuộc đời và một hành trình đáng ngưỡng mộ.
Phần cuối tuyển tập thơ, Ngô Thái dành không gian cho những sáng tác đã được phổ nhạc. Khi giai điệu thực sự quyện vào những dòng thơ, cảm xúc trong ông mới ngân lên thành câu hát vang vọng mãi trong trái tim và tâm trí bạn đọc: “Nắng trải vàng trên con đường mới mở/ Sắc hồng tươi đôi má yêu kiều…”