Hoàng Kim Ngọc
“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” (Nxb. Hội Nhà văn, 2023) là tên cuốn tiểu thuyết hậu chiến của Nguyễn Một được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Nhan đề tác phẩm là một ẩn dụ: đó là thời khắc loài người trở nên vô minh, gây ra chiến tranh đau khổ vì bị Chúa rời bỏ. Tiểu thuyết này có nhiều điều ấn tượng, trong đó có ấn tượng về hệ thống tên nhân vật. Nếu nhà văn Hồ Anh Thái có cách đặt tên nhân vật lạ lẫm theo kiểu cải danh (như: Cá Sấu 1, họa sĩ Chuối Hột, Mùi Của Anh…) thì Nguyễn Một lại tuân thủ triệt để cách đặt tên theo truyền thống của người Việt. Bởi lẽ tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” được viết dưới dạng nửa tự truyện, nửa hư cấu nên phần lớn nhân vật mang tên thật. Chúng đã trở thành những dẫn chứng cụ thể, sinh động cho các cách định danh tên người mang dấu ấn văn hóa Việt. Mỗi cái tên trong tiểu thuyết này có một câu chuyện cuộc đời, gián tiếp phản ánh những biến cố vui buồn gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc.
1. Đặt tên gắn với ước mơ, sở thích, kỉ niệm hoặc ghi nhớ nguồn cội
Trong tiểu thuyết, đứa con gái thứ hai của ông Duy và bà Thu đã “được ông nội đặt tên là Trần Vĩnh Thụy Diễm. Dùng tên vua để đặt cho cháu, ông không chỉ yêu quý vua mà ông mong muốn cháu ông có tương lai như một bà Hoàng và ghi dấu ấn của lịch sử”. Chúng ta đều biết, thời nhà Nguyễn, việc kiêng húy rất khắt khe, những ai có tên trùng với tên vua chúa là mắc tội “trọng húy”. Nếu không đổi tên hoặc gọi chệch đi thì sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì thế, cái tên “Trần Vĩnh Thụy Diễm” phạm “trọng húy” ấy đã phản ánh một thời điểm lịch sử: vua Bảo Đại vừa bị phế truất nên việc kị húy không còn là vấn đề chết người nữa. Đây là cách đặt tên gắn với kỉ niệm và ước mơ. Bởi lẽ, dòng tộc nhà ông Duy và vợ chồng ông từng gắn bó sâu nặng với Huế nên có quá nhiều kỉ niệm với mảnh đất cố đô và họ đều yêu mến vua Bảo Đại. Bởi vậy, cái tên Trần Vĩnh Thụy Diễm đã thể hiện niềm mong muốn số phận đứa cháu gái, đứa con gái của họ sẽ có một cuộc sống vương giả như bà hoàng nơi lầu son điện ngọc. Còn con trai ông Duy thì lại được đặt tên là Trần Việt Hòa Bình “để thể hiện ước vọng của ông”: mong muốn người con được sống trong một đất nước không có chiến tranh; ông quan niệm: “nơi nào không có chiến tranh nơi đó đáng sống”.
Mẹ của nhân vật Trang vì yêu thích hoa trang, một loài hoa giản dị với những cánh trắng hồng, thơm thoảng, mọc đầy trên núi Chúa nên bà đã lấy tên hoa để đặt cho con. Nhưng, sau khi Trang bị cuộc đời xô đẩy và trở thành “nữ hoàng sàn nhảy”của Bar Thiên Thai thì cái tên giản dị Nguyễn Thị Trang đã được đổi thành Đài Trang. Sự đổi tên này khiến tôi liên tưởng tới sự đổi tên của Thúy Kiều. Khi sống với bố mẹ trong khoảng thời gian hạnh phúc: “Êm đềm trướng rủ màn che/ tường đông ong bướm đi về mặc ai” thì bậc giai nhân ấy mang cái tên thật sang trọng, mĩ miều: Vương Thúy Kiều. Nhưng khi trở thành con ở trong nhà Hoạn Bà thì tên của nàng đã bị đổi là Hoa Nô (người đầy tớ gái). Tuy nhiên, đây là một sự liên tưởng ngược bởi cái tên Đài Trang tưởng chừng cao sang ấy lại gắn với khoảng thời gian buồn tủi, trụy lạc nhất của cô. Còn khi mang cái tên Nguyễn Thị Trang giản dị lại là lúc cô có cuộc sống bình yên nhất bên cha mẹ.
Trang đặt tên cho đứa con lai của mình là Mỹ để ghi dấu ấn về cái thai ngoài ý muốn với viên phi công Mỹ nhưng bọn trẻ lại gọi nó là “thằng Mẽo”; đó là cách gọi miệt thị của những đứa trẻ cùng tuổi. Cách gọi này cũng phản ánh một thực tế lúc bấy giờ là hầu hết người dân miền Nam đều ghét lính Mỹ, kể cả gia đình có con em đi lính cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thời đó “dân miền Nam dù không ít người sống bằng viện trợ Mỹ, nhưng cô gái nào lấy Mỹ đều bị khinh rẻ, ra đường không dám nhìn ai”. Họ nhận thức rằng chính đế quốc Mỹ mới là nguyên nhân gây ra bao tang thương bất hạnh cho người dân.
Đứa con trai của vợ chồng Việt kiều (Thành – Diễm), tuy đẻ ở Mỹ nhưng vẫn đặt tên là Trần Văn Việt Nam để ghi nhớ nguồn cội mình là người Việt. Còn đứa con lưu lạc của Sơn và Diễm có tên là Trần Viết A Đông. Cũng nhờ cái tên này mà khi nghe bà Mười kể chuyện vợ chồng Diễm về nước có mang theo hai đứa con trai, một đứa tên là Trần Viết A Đông, Sơn “bỗng run lên, mặt anh hơi tái” vì biết mình còn có đứa con nối dõi tông đường, dòng họ nhà anh không tuyệt tự. A Đông là kết quả của một mối tình thương khó, trắc trở của Sơn và Diễm. Hồi yêu nhau, Sơn đã bày tỏ mong muốn là nếu đẻ con trai sẽ đặt tên là A Đông. A Đông chính là quê hương của Sơn. Thế rồi thời buổi chiến tranh ly tán, lần cuối cùng hai người gặp nhau bên bờ biển và họ đã tan vào nhau và không ngờ rằng sau lần đó, họ đã cách xa nhau suốt mấy chục năm chưa một lần gặp lại. Diễm theo gia đình di tản đi Mỹ và kết hôn với Thành. Cô đã không giấu giếm Thành về sự ra đời của đứa con này và được anh yêu thương A Đông như con đẻ. Cũng cần nói thêm rằng, chi tiết mà tác giả Nguyễn Một để cho nhân vật Thành (một người thuộc Quân đội Việt Nam Cộng hòa) là bố nuôi của A Đông và Sơn (một người làm quan chức bên phía Bắc Việt) là bố đẻ của A Đông, nghĩa là để hai người (hai chiến tuyến) có chung một đứa con là có dụng ý nghệ thuật. Một mặt, cái tên ấy vừa thể hiện rằng người Việt mình dù sống ở đâu cũng không quên quê hương nguồn cội và những kỉ niệm là dấu ấn trong đời; mặt khác, nó cũng ngầm một thông điệp rằng: Chính tình yêu thương giữa người với người là gốc rễ sâu xa để con người hướng tới hòa bình, hòa hợp dân tộc sau chiến tranh.
2. Đặt tên nôm na, xấu xí gắn với quan niệm mê tín cũ
Một số nhân vật trong truyện, theo dòng hồi ức của Nguyễn Một lại có những cái tên xấu xí: là bộ phận sinh dục nam nữ hoặc tên động vật. Bởi thời xưa, người nông dân quan niệm đặt tên xấu để dễ nuôi và ma quỷ khỏi bắt chết yểu: “Lúc nhỏ, ba anh em ông Giới tên thật là Trần Viết Giái, hai người em trai tên là Trần Viết Cu và cậu em út tên là Trần Viết Bò. (…). Nhà ông Giới có sáu chị em gái chết yểu chỉ còn một người là bà Bướm”. Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám, nhiều người có tên xấu xí đã đổi tên và thường kéo theo đổi vận. Sau này, một người bạn đã góp ý với ông Giới (tên mới của ông Giái) khi gọi tên em trai: “Anh phải đổi cách gọi đi, chứ ai mà cứ “thằng Cu, thằng Cu” nghe sao được. Giờ anh ấy làm Trung ương còn to hơn cả quan nhất nhị phẩm hồi xưa?”
Nhân vật có tên Lượm là con một người nghèo được ông bà trùm Hanh giàu có đã giúp đỡ thóc cho gia đình cô khỏi chết đói năm 1945 và xin cô về làm con nuôi. “Nhà ông bà chỉ có ba con giai không có con gái nên có phần còn quý hơn con ruột, cũng đặt tên Anh Đào, nhưng ở nhà hay gọi là Lượm”. Tuy nhiên, làm phúc phải tội. Trong phong trào đấu tố cải cách ruộng đất, con Lượm “không biết nghe ai xui dại cũng lên đấu tố với cái lý đặt tên nó là Lượm, tức khinh bỉ nguồn gốc “bần cố nông” của nó. Lời đấu tố của con Lượm khiến ông hộc ra ngụm máu và đổ sụm xuống”, chứng kiến cảnh đó “con Lượm lên cơn điên, lang thang và chết ngoài nghĩa địa”. Cái tên này đã gắn với một câu chuyện buồn về công cuộc cải cách ruộng đất trong lịch sử dân tộc.
Một nhân vật khác cũng lại có tên nôm na là Tạm bởi vì người bố suy nghĩ rất đơn giản: mình không có ruộng nương gì thì đặt tên con là Tạm, “ý là ở tạm xứ này rồi sau sẽ bỏ đi xứ khác lập nghiệp”. Nhà văn đã để cho cái tên đó có những thay đổi lòng vòng hi hữu: Vì nhà nghèo không tiền đóng thuế thân nên người bố phải cho con trai đăng lính khố xanh. “Khi đăng lính, người ghi danh nghe không rõ nên ghi Tạm thành Trạm. Ông không thích tên này chút nào vì dân quê ông đọc “Trạm” thành “Trộm” nhưng lỡ giấy trắng mực đen rồi làm sao mà sửa. Người dân quê vừa quý vừa sợ ông nên khi đọc tên ông họ cố sửa thành “Troạm”, nghe rất buồn cười”. Con gái đầu của ông tên là Trang. “Theo tục lệ ở quê thì gọi tên cha mẹ theo con đầu lòng nhưng khi gọi ông là “Quản Trang” nghe cũng không thuận vì “quản trang” là người trông coi nghĩa trang cũng kỳ, nên mọi người đành phải gọi tên cũ là “ông Quản Troạm” Riết rồi cũng quen, ông cũng không để ý nữa”. Câu chuyện này cho thấy người Việt thường ý thức tránh ghép tên có ý nghĩa không hay; đồng thời cũng gián tiếp phản ánh cách làm quan liêu, tắc trách, cẩu thả của cán bộ thời trước. Bên cạnh đó, một số nhân vật khác trong tiểu thuyết này lại được đặt tên nôm na theo một trường liên tưởng ngữ âm hoặc ngữ nghĩa nào đấy. Chẳng hạn: anh tên Bộng, em tên Bồng; con tên Mía, bố tên Đường: bà Bướm, sau lấy chồng tên Mía con ông Đường nên gọi là bà Tư Mía…
3. Tên gắn với biệt danh
Trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tên một số nhân vật chính có biệt danh đã tạo được ấn tượng khiến người đọc nhớ lâu.
Ông Tư bị cụt một ngón trỏ nên người ta gọi là Tư cụt vì “để trốn quân dịch ông đã tự chặt cụt ngón tay trỏ của mình”. Cái tên gắn với biệt danh ấy đã phản ánh một thực tế trong chiến tranh: một số người cố ý làm tự thương để trốn lính hoặc đào ngũ. Nhân vật Tư cụt khiến chúng ta nhớ đến nhân vật Tào (trong truyện ngắn “Mười ba bến nước” của Sương Nguyệt Minh). Anh ta cũng đào ngũ bằng cách tự bắn vào gót chân để trở thành người tàn tật, đi tập tễnh. Dù không phải ra chiến trường nữa nhưng khi về quê, Tào đã phải sống nhục nhã vì bị dân quân giải đi với dòng chữ đeo trước ngực: “Ai cũng như tôi cả thì mất nước”…
Hùng hippie là tên một thanh niên con nhà giàu không phải đi lính; anh ta có mái tóc đuôi vịt, mặc quần loe, đi xe Honda 67 xoáy nòng, tiền bạc rủng rỉnh và bồ bịch với toàn “gái nhảy”. Hippie thực chất là một phong trào thanh niên, phát sinh từ Hoa Kỳ vào giữa thập niên 60 của thế kỉ trước. Họ phản đối chiến tranh, đề cao tự do hòa bình, chống lại sự ngăn nắp và buồn chán của cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì ý nghĩa hippie bị biến tướng, nó là cái cớ cho một bộ phận giới trẻ nhà giàu ăn chơi trụy lạc rồi cho như thế là “hiện sinh”, là “phản chiến” và bọn họ trở thành những “Hippie nửa mùa”. Cái tên Hùng Hippie đã gián tiếp phản ánh lối sống của một số thanh niên Sài Gòn lúc bấy giờ…
Bà Mười xả dàn là một chủ quán xinh đẹp tầm 40 tuổi, là Việt cộng nằm vùng. Gọi là bà “vì là quả phụ và cách sống đáng kính trọng của bà”. “Bà hay giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn một cách vô điều kiện”. Mỗi khi thị xã có đoàn diễn cải lương, bà lại tạo điều kiện cho các thương phế binh quân đội cộng hòa kiếm chút tiền bằng cách tham gia bán vé, soát vé, giữ trật tự cho buổi diễn. Sau mỗi vở diễn, “bà Mười làm một con heo quay và can rượu ngâu cho anh em thương binh uống. Câu cửa miệng của bà là “Nhậu xả dàn anh em ơi!” nên có biệt danh là Bà Mười xả dàn”. Xung quanh những câu chuyện liên quan đến nhân vật đặc biệt ấn tượng này, người đọc nhận được một số thông điệp. Thông điệp thứ nhất: Biệt danh của người Việt không chỉ dựa vào ngoại hình (như còi, lé, gù…) mà còn có thể là một từ ngữ cửa miệng của người đó. Thông điệp thứ hai: Những nhân vật có biệt danh tốt đẹp thường được dân gian yêu quý và thêu dệt, tô vẽ cho lai lịch “nhuốm màu huyền thoại” bởi những lời đồn: “Nghe đồn chồng của bà Mười trước đây tham gia chống Pháp trong đội của tướng Huỳnh Văn Nghệ…”. Thông điệp thứ ba là: Những thương phế binh của quân đội Việt Nam Cộng hòa (khách quen của bà Mười xả dàn) luôn thể hiện tâm trạng chán chường và bất mãn vì chiến tranh. Họ đi lính là vì ép buộc chứ không ai muốn. Họ không có lí tưởng chiến đấu vì chính nghĩa mạnh mẽ như lính Việt Cộng và đó cũng chính là nguyên nhân của sự thất bại. Thông điệp thứ tư: tác giả đã phản ánh một sự thật trong thời điểm lịch sử đó là người dân đối xử với lính Cộng hòa cũng như lính Việt cộng đều không phân biệt. Có những ông bố bà mẹ lấy đồ của con đi lính Cộng hòa (gửi về biếu như cơm sấy, thịt hộp) để tiếp tế cho đứa con ở rừng là lính Việt cộng. Có ông bố bà mẹ chăm sóc đứa con (là Việt cộng) bị thương (đang nằm trong hầm nhà) có nguy cơ nhiễm trùng thì người con (là lính quốc gia) đã lẳng lặng gửi thuốc kháng sinh và kim tiêm về cho bố mẹ cứu người anh…
Giôn bay là biệt danh của một người lính phi công Mỹ. Khi miêu tả Giôn, nhà văn Nguyễn Một đã có cái nhìn công bằng hơn về những người ở bên kia chiến tuyến. Tức là không phải miêu tả theo cách cực đoan, cái gì của ta cũng tốt, của địch cũng xấu. Tác giả viết: “Lịch lãm và trí thức, Giôn bay nói tiếng Việt sành sỏi và còn nhận bà Mười xả dàn là mẹ nuôi…”. Từ góc nhìn khách quan, Nguyễn Một tiếp tục để cho nhân vật bà Mười xả dàn giải thích lí do nhận Giôn làm con nuôi là: “để tụi cảnh sát khỏi chú ý, dễ bề tiếp tế cho du kích, nhưng sau thấy nó lễ phép, thật thà nên tao thương. Thiệt ra lính ngoại quốc cũng có đứa tốt đứa xấu. Tụi mày cũng vậy thôi, làm người thì máu ai cũng đỏ giống nhau mà”. Chi tiết này cho thấy: Khi xã hội cởi mở hơn thì tiểu thuyết thời hậu chiến đã điều chỉnh lại cách nhìn nhận, đánh giá về chiến tranh công bằng và chân thực hơn dưới góc nhìn nhiều chiều, chấp nhận sự đa dạng trong suy nghĩ của các nhân vật.
Bên cạnh những cách đặt tên trên, người Việt còn có xu hướng đặt tên giống với văn nghệ sĩ hoặc nhân vật ưa thích trong một tác phẩm nào đấy. Thế nên, chắc không phải ngẫu nhiên mà hai nhân vật chính trong tiểu thuyết của Nguyễn Một lại có tên là Sơn và Diễm. Mối tình đầu của họ đã gợi liên tưởng tới mối tình đầu day dứt của Trịnh Công Sơn với nàng Ngô Vũ Bích Diễm. Tình yêu đó đã kết tinh thành bài hát “Diễm xưa” nổi tiếng đi cùng năm tháng. Cái tên Sơn và Diễm như ẩn dụ cho những cặp đôi yêu mến nhau mà sớm phải chia xa…
Có thể nói, tác phẩm “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” có một hệ thống tên nhân vật ấn tượng, được đặt tên theo một số khuôn hình định danh tên người Việt. Khi người đọc nhớ đến tên các nhân vật ấy cùng những câu chuyện ấn tượng liên quan đến cuộc đời của họ thì lập tức nhớ đến một tác phẩm đặc sắc viết về chiến tranh đã chuyển tải thông điệp hàn gắn hòa hợp dân tộc qua giọng kể khách quan của tác giả Nguyễn Một.