Trường ca là một thể loại có sức tải lớn trong thơ Việt Nam đương đại, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung của nền văn học Việt Nam. Chúng ta có nhiều trường ca viết về các đề tài khác nhau, nhưng ở một đất nước như Việt Nam, luôn phải đối mặt và phải chiến thắng những thế lực xâm lược lớn hơn mình, thì trường ca chiến trận, dĩ nhiên, ở vị trí trung tâm của nền văn học bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc. Từ lâu, chúng tôi đã quan tâm đến vấn đề cốt lõi này, nhưng đến bây giờ mới thực hiện được. Đó là giới thiệu những trường ca chọn lọc, có tính chất tiêu biểu, viết về chiến trận, mà ở đó, người chiến sĩ giáp mặt với giặc ở ví trí hàng đầu, nhân các sự kiện quan trọng của năm 2022: 50 năm chiến thắng B52 – trận Điện Biên Phủ trên không giữa bầu trời Thủ đô Hà Nội, 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi lựa chọn đề tài này, còn có một ý nghĩa thời sự khác nữa: Chào mừng 65 năm xuất bản tạp chí Văn nghệ Quân đội, một tạp chí trung tâm về văn học cách mạng và chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc. Tạp chí Văn nghệ Quân đội còn là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nơi công bố nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc – đồng hành với cả dân tộc suốt ba cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại – cũng là nơi trưởng thành của nhiều nhà văn lớn của đất nước, trong đó có những người từng lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam qua các thời kỳ.
Kỳ này, chúng tôi dành nguyên phần thơ để chúng ta chiêm ngưỡng thành tựu của trường ca chiến tranh mà cũng mới chỉ tập trung vào hai cuộc chiến tranh cách mạng gần đây nhất là chống Mỹ và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Một số trường ca chỉ trích những chương tiêu biểu nhất, hay nhất, do chính các tác giả tự chọn. Chúng tôi hy vọng ở các dịp sau, sẽ giới thiệu tiếp các thành tựu hay nhất ở các thể loại sáng tác khác, và về trường ca, sẽ tiếp tục giới thiệu từng chùm có các nội dung khác, nhân những ngày lễ trọng của đất nước.
Ban biên tập tạp chí NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG
***
HỮU THỈNH
TỜ LỊCH CUỐI CÙNG
(Trích chương IV trường ca ĐƯỜNG TỚI THÀNH PHỐ)
Thành phố đã hiện ra trước mắt các quân đoàn
Treo rộn rực bao điều trong ánh điện
Nghe sột soạt chút gì như kỷ niệm
Qua khu vườn vừa giáp mặt đầu tiên
Xe đang qua những cây số cuối cùng
Nối thành phố và con đường mang tên Bác
Những nhịp cầu, bùng binh xoáy lốc
Cùng trận đánh hiện ra
“Ngã tư, đường Tự Do, rẽ trái”
Chiến sĩ nhẩm trong đêm
Có lẽ sao rất dày và sáng
Có lẽ gió rất lộng và thơm
Ừ có thể
Và còn nhiều thứ nữa
Tất cả dễ thương và đáng quan tâm
Nhưng chúng tôi không hề có thời gian
Từng chuẩn bị chúng tôi biết thành phố mình lớn đẹp
Từng hy vọng chúng tôi biết thành phố mình chua xót
Và chúng tôi chào thành phố của mình
“Ngã tư, đường Tự Do, rẽ trái”
Chúng tôi nhận và chúng tôi truyền lại
Súc tích một đề thi
Câu trả lời buổi sáng
Câu trả lời chúng tôi mang sẵn
Qua rừng sâu ruộng nước trở về đây
Có thể đọc qua màu da bộc phá
Qua mùa đông men mét cổ tay gầy
Cũng có thể một tiếng
Kinh đang vỡ
Từ đôi môi của đồng chí Tà Ôi
Anh tìm chữ khó khăn như người tiêu tiền mới
Bàn tay cầm rìu mộc mạc mở ra
Câu trả lời có thể là: thưa má
Cho con mượn nhà làm trạm cứu thương
Cho con lên tầng thượng đặt trung liên
Chỉ cho con ra ngã năm Phú Nhuận
Cũng có thể chỉ là im lặng
Im lặng không cùng, im lặng của mồ hôi
Câu trả lời có thể là cái chết
Ngay cả khi đang gõ cửa nhà mình
Gió cứ thổi phập phồng bao tâm sự
Đưa chúng tôi tới đích của mùa xuân
Nghe hơi nước những dòng sông gần gặn
Cứ mơn man trong suốt ríu ran hoài
Xin cám ơn nhạc sĩ
Nói giùm cho chúng tôi
Cái thao thức trước một tờ lịch cuối
Sài Gòn ơi, ta đã về đây!
* * *
Tôi đã nghe bài hát xốn xang lòng
Các cô gái làm đường đi đào củ chụp
Hố thì sâu mà tay em gầy guộc
Mưa miền Đông ướt áo các em rồi
Bữa ăn trông lên cây
Cây xác xơ thuốc độc
Bữa ăn đào từ đất
Đất lại bỏ hoang
Củ chụp thôi đâu phải là trầm
Đâu phải ngọc trai mà hiếm hoi lặn lội
Rừng cồn gió bụng người đang đói
Em vừa đào vừa hát Sài Gòn ơi!
Tôi muốn nhắc em còn xa lắm Sài Gòn
Còn xa lắm Củ Chi, Bà Điểm
Những miệt vườn ở tận cuối dòng sông
Nhưng tôi sẽ là người độc ác
Nếu nhắc em thì tiếng hát sẽ ngừng
Mưa to quá mà niềm vui dễ vỡ
Nếu em buồn rừng còn có gì che
Thôi cứ để cho em gái hát
Đỡ mủi lòng củ chụp nát trên tay
Sài Gòn ơi, ta đã về đây!
Nghe người hát mà thương người quá thể
Mưa đã tạnh mấy năm rồi, nhanh nhỉ
Vẫn nghe hoài tiếng hát ấm rừng lên
Mưa tí tách ở trong tôi từ ấy
Cho hôm nay dào dạt với sông Tiền
* * *
Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu, mỗi vườn trầu có bao nhiêu mùa hạ
Chị đợi chờ quay mặt vào đêm
Hai mươi năm mong trời chóng tối
Hai mươi năm cơm phần để nguội
Thôi Tết đừng về nữa chị tôi buồn
Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi
Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô
Xóm làng thương không khoe con trước mặt
Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
Vẫn được tiếng là người đứng vậy
Nhưng anh tôi vẫn còn
Anh tôi che cho ngọn đèn khỏi tắt
Hai mươi năm áo gấm đi đêm
Chị màu mỡ mà anh tôi chẳng biết
Nhưng chị tôi không thể làm như con rắn que cời
Lột cái xác già nua dưới gốc cây cậm quẫy
Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra
Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại
Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình
Những đêm trở trời trái gió
Tay nọ ấp tay kia
Súng thon thót ngoài đồn dân vệ
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền
Chị vẫn nhớ anh và mong anh như thế
Và chị buồn như bông điệp xé đôi
Bằng tuổi trẻ không bao giờ trở lại
Anh đã nghe và cây cỏ cũng nghe
Cây thương anh làm vành lá ngụy trang
Dù vẫn biết không mát bằng bóng chị
Dù vẫn biết không ấm bằng tóc chị
Gió mùa khô một buổi vẫn tưng bừng
Chị thổi ù dằng dặc suốt đời anh
Chiếc khăn tay muốn làm buồm náo nức
Chiếc khăn tay của một thời nước mắt
Sẽ tung cờ hạnh phúc trước hàng hiên
Nhưng đêm nay chị vẫn còn buồn
Nhẫn vẫn lỏng ngón tay khô héo
Chị ơi
Bằng khắc khoải hai mươi năm đời chị
Chị hình dung những bước của anh về
Đêm dày thế chắc tiếng gà phải khỏe
Anh lẽ nào vẫn chiếc gậy tầm vông?
Em lẽ nào chỉ là một dòng sông
Phải cay đắng quay dòng trước chiếc cầu Bình Lợi?
Không thể rút về rừng đại đội một hàng ngang
Đứng lọt thỏm giữa bao nhiêu thương xót
Không thể nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát
Thừa đến nỗi những người còn lại
Không dám nhận mình là may
Hồi Mậu Thân toan tính biết bao điều
Chị vẫn tin chữ hợp cuối trang Kiều
Hoa mai nở hai lần hoa có hậu
Chị vẫn tin có mùa thu xanh đền cho cuốc kêu tháng Sáu
Minh họa Hà Bắc
Vẫn tin có ngày hái quả cho anh
Bao giờ lúa trổ đòng đòng
Lúa đang trổ
Anh đang về đấy chị
Vuông vải đêm nay là tiếng chim khách đó
Anh sẽ nhận ra sao sáng của riêng mình
Anh ở đâu đêm chờ đợi cuối cùng?
Đêm quả thị
Và sáng mai cô Tấm
* * *
Chiến dịch này ăn cơm không phải độn
Mừng thì mừng mà thương mẹ bao nhiêu
Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng
Đêm còn lạnh ở ngoài ta đấy bạn
Ngoài ta độ này đang giáp hạt
Cây rơm gầy xay giã cũng thưa đi
Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng
Một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt
Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng
Lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ
Ngài mai chúng mình tiến vào thành phố
Đêm nay mẹ lại nhắc chúng mình đây
Mẹ cả nghĩ và bố thường ít nói
Lúa đồng mình mỏi mắt vẫn chưa hoe
Ngày mai bố dậy sớm ra tàu
Tàu vẫn chậm và đông người chạy bữa
Bóng bố khuất sau nhà ga Chí Chủ
Sắn độ này lên giá quẩy tòng teo
Năm thì ngắn mà tháng Ba dài thế
Nhìn trong nhà rộng rãi đến là lo
Ngày mai chúng mình tiến vào thành phố
Chẳng có cách chi báo tin cho mẹ
Mẹ đỡ lo, thấp thỏm đôi bề
Ba đứa con có mặt trong này
Mấy cuộc chiến tranh mẹ gánh cùng một lúc
Chiến tranh chẳng bao giờ chấm dứt
Nếu một đứa con của mẹ không về
Mẹ ít ngủ mẹ thường thức khuya
Đêm nào cũng dài
Căn nhà có mười mấy mét vuông
Làm lụng đến già còn bao nhiêu tất bật
Sáng úp mặt ngoài đồng
Chiều còng lưng cuốc đất
Qua Tết lại bắt đầu cơm sắn cơm khoai
Từ chịu đựng và neo đơn của mẹ
Bao việc làng việc nước lớn dần ra
Nếu mẹ biết chỉ còn đêm nay
Đêm nay nữa là con vào thành phố
Mẹ sẽ khóc
Rồi mẹ đi nhóm lửa
Tưởng sáng ra là con đã có nhà
Và em nữa, em chưa đi ngủ
Đom đóm bay ngoài ngõ vơi đầy
Tháng Ba đi trong vườn quả dông dài
Bước thật chậm theo màu chì nắn nót
Em tô đỏ dần các tỉnh miền Nam
Những mắt na đang chín
Đường số Một chạy thi với biển
Biển mệt nhoài nằm thở ở Nha Trang
Núi chồn chân trên đỉnh Chứa Chan
Núi nhường bước cho đường vào thành phố
Anh đang ở bên này thành phố
Cách một mệnh lệnh
Cách một trận đánh
Cách một cây cầu, cách một đêm nay
Đèn thành phố hắt lên áo anh
Soi rất rõ từng chiếc khuy sứt mẻ
Thành phố càng gần
Càng không dám nghĩ nhiều đến mẹ
Phải cố quên mẹ ngồi đứng không yên
Dù chỉ có anh và ngọn cỏ lúc này.
* * *
Có run rẩy một lá buồm nhỏ xíu
Không chở che
Gió đẩy đến gần anh
Sau trận bom
Lại bắt gặp cái nhìn
Ngây dại thế
Và trong sạch thế
Của bình yên
Có thể quá đơn sơ
Như là cỏ
Cuối cùng không bị nát
Ấy là chỗ mà đất còn giữ được
Cho mọi tiếng ồn trận đánh khỏi bay đi
Ấy là điều mà anh cố nói ra
Không nói được
Bỗng nhìn lên thấy cỏ
Cỏ thật gần
Chiến tranh đang chấm dứt
Qua đêm nay
Cỏ thành chiếc kèn môi
Những ô cửa đầu tiên của thành phố kia rồi
Nếu sáng ra mà anh nhìn thấy cỏ
Tức là anh được thấy mẹ và em
Anh chỉ thở mà không cần phải nói
* * *
Em cứ tô đậm nữa đi em
Tô thật đậm để hiện ra đất nước
Sớm mai em bổ con lợn đất
Bao niềm vui sẽ tỏa dưới chân
Em sẽ hiểu đất nước mình dành dụm
Hiểu vì sao ta bớt giấy in thơ
Để in phiếu đường, phiếu thịt
Hiểu vì sao những thợ cày giỏi nhất
Đang khoét chiến hào bằng một chiếc xẻng con
Chiếc xẻng đã mòn
Vẫn đắp cao đôi bờ công sự
Đắp hối hả trong đêm châu thổ
Đó là con đường đất nước đi qua
Để trở về cây lúa
Sớm mai đất nước vào thành phố
Đêm nay xe pháo vẫn sang phà
Với đôi dép tân binh
Đất nước sẵn sàng giẫm lên nhiều thử thách
Các chiến sĩ lái xe dốc bi-đông chè đặc
Đất nước sẵn sàng thức trắng nhiều đêm
Dù kẻ thù từng đàn đang tháo chạy
Chúng gọi nhau táo tác trên trời
13 nóc nhà cao 13 bến tát
Nước Mỹ tát hoài ô nhục vẫn không vơi
Em cứ tô đậm nữa đi em
Tô thật đậm để hiện ra đất nước
Hiện ra ngày chúng ta hằng mong
Đất nước theo em ra ngõ một mình
Cau vườn rụng một tàu đã cũ
Đất nước đêm nay
Năm mươi triệu người không ngủ
Đang bóc đi tờ lịch cuối cùng…
***
THANH THẢO
NHỮNG NGƯỜI DU KÍCH
(Trích trường ca TRẺ CON Ở SƠN MỸ)
… anh mở mắt trống trơn vùng cát
nắng đổ lửa trời cao quay quắt
làng cũ đâu
những đường dừa mát xanh
anh nhắm mắt
thấy từng chùm trái ngọt
những nấm cát gối đầu nấm cát
những dấu chân
cắm giữa xương rồng
người đang sống
nằm bên người đã khuất
đêm trùm lên mùi cỏ dại
đã nghìn lần như thế
mỗi khi vượt qua
một ổ phục kích một bãi mìn
anh lại nhận ra hơi hướng
những gì thân yêu cũ
thấm trên đất cát ăn nằm
se xót tận ruột gan
gió lồng qua đồng ráng
sa mù dâng khép cửa bầu trời
biển thở nặng
thủy triều lên chầm chậm
pháo cầm canh rung
phía núi Đầu Voi
có làn khói mỏng manh
len giữa hàng dừa nước
nơi lặng im
những người du kích quây quần
ngọn lửa đuốc đủ cho nồi cơm chín
trước hừng đông họ ăn vội ăn vàng
rồi bên dưới
khối sương mù đặc cứng
căn cứ lại bắt đầu di chuyển
những người chìm xuống hầm sâu
như nước thấm vào lòng cát
những người vụt trồi lên
như đá mọc bất thần
họ giữ bên trong gương mặt của làng
một lối ngõ chói chang bông bụt
tiếng gà gáy
tiếng chân bò thậm thịch
người đi cày đầu đội sao mai
trưa cháy nắng
múc lên gàu nước giếng
lúc đói lòng ăn đỡ mấy củ khoai
nơi đất đai ngấm vào da thịt
mảnh ruộng chua
cũng truyền lại bao đời
người già chết lại về gò núi ở
để đất bằng cho con cháu sinh sôi
mỗi xóm nhỏ cây cầu cửa rạch
đều mang tên
người khai phá buổi đầu
những tên tuổi thật thà như đất
như cây cỏ trong làng
ràng rịt lấy nhau
nếu tất cả chỉ còn là ký ức
thì ngày mai anh sẽ sống thế nào
anh sẽ bắt đầu trở lại
trồng một cây dương non
gỡ hết mìn dưới nền nhà mình
đời sống cứ trào lên phía trước
anh sẽ nhớ sẽ quên
như mọi người trong cuộc
muôn ngọn sóng vỗ vào bờ cát
gió không phút ngừng
reo qua hàng dương
những lối mòn
như chỉ tay ngang dọc
có thể mờ có thể đổi thay
tóc rồi bạc gương mặt làng rồi khác
chẳng hề chi!
anh sống trọn tháng năm này
anh đã sống hết mình
như một người trong cuộc
đã thương nhớ xót xa
căm uất thật lòng
đã im lặng những khi cần im lặng
đã nổ bùng mỗi lúc trước cơn giông
trong bóng tối
những con đường du kích
chằng chịt căng những
động mạch của làng
“bao giờ về lại nhà ta
ôm cây cột cháy cũng là thơm danh”(1)
bây giờ che tạm trời xanh
nằm trên nền đất đắp chăn gió lồng
trải qua rét buốt lửa nồng
gia tài còn vẹn tấm lòng ấy thôi
những người mọc thẳng giữa đời
như rừng dương
chắn ngang trời cát bay
những người bền tựa rễ cây
luồn trong đất đá cánh tay trụi trần
họ dò tới những mạch ngầm bí mật
đã nuôi được xương rồng
trên trảng cát
với xương rồng họ tìm cách nở hoa
những tiếng nổ ánh chớp
khói trùm căn cứ Mỹ
mảnh poncho chết cứng vắt rào gai
quả đạn B40 rít qua vầng lửa
chúng nó nháo nhào lũ chuột chù
bị cháy
(1) Ca dao kháng chiến.
bố trí lại hàng rào phòng thủ
mìn clây-mo
hốt hoảng thét trong đêm
và trực thăng pháo bầy bom tấn
cứ dồn dập trút vào khoảng trống
và đêm đêm trên giấc ngủ
bọn giết người
lại đè nặng
những bóng đen trừng phạt
có em bé ngồi thổi sáo bên sừng trâu
thênh thênh giấc mơ mặt trời
nghé ngọ mùa này cỏ lên non xanh
chiều chiều lá tre phơ phất
cơn gió tắt trong lùm dứa dại
tiếng sáo nghiêng qua
khói bếp thẫm mầu
mắt những người du kích dõi về đâu
lựu đạn choàng lưng
tiểu liên áp ngực
đêm này
đột vô khu dồn hay pháo kích
ăn nắm cơm khoai
nghe nóng khô trong cổ
bầy vạc đêm kêu đột ngột ngang đầu
mắt những người du kích trôi về đâu
bà ngồi lặng lảy từng hạt bắp
hơn bảy mươi tuổi đời quần áo rách
bóng tối
cày trên vầng trán nhăn nheo
cháu bên bà còm cõi giữ nia khoai
chân bó giẻ vết thương chưa lành miệng
câu hát ru đến lòng ta chết điếng
“chim bay về núi tối rồi
không cây chim đậu không mồi chim ăn”…
những đứa trẻ cởi trần
chạy quanh tháp canh
miệng chúng kêu như gió hát
trò chơi giữa mặt trời lốc cát
mùa tháng Ba líu ríu bầy chim sẻ
những ngôi nhà vụt đứng dậy
đã trở về
những người thợ đục đá
trên núi Đầu Voi
những thợ hồ trộn vôi và mật
bàn tay múa dẻo chiếc bay
tiếng trẻ con xuyên mọi bức tường
mái ngói tô mảng màu chói đỏ
xơ dừa phơi nắng vàng rực rỡ
nhịp hò dô
trầm nặng đẩy thuyền lên
những con thuyền thở dài
trên cát trắng
nghe da thịt nồng hơi biển mặn
mùi cá tanh quanh bến cá buổi chiều
người bán mua gồng gánh lao xao
bao bếp lửa nhóm niềm vui sum họp
các thiếu nữ gội đầu hong tóc
trời khô ráo sao nở giòn lách tách
trâu cạ sừng chim về tổ ngủ yên
những cặp vợ chồng chuẩn bị cho
chào đời những đứa con
những đứa trẻ nằm mơ
những bào thai khẽ đạp
vô số mầm cây nảy từ ngực đất
đêm mùa xuân thiêng liêng
những người báo thù
lại rút về lùm dừa nước
cùng với thủy triều
nơi đây tiếp liền trảng cát
đã vùi sâu những cặp mắt trong veo
những đứa con bị tàn sát
nấm cát nhỏ
đắp lên gió
dời chuyển phương nào
biển gào thét và phía làng súng nổ
tiếng trẻ khóc xuyên qua lòng họ
từ đây không cuộc đời nào
còn yên tĩnh
muối mặn đắng mặt trời gay gắt
trong bóng tối những cánh tay
như dây lèo bện chặt
căng giữa biển đen
gió quần quật bốn bề
Sơn Mỹ ơi những đêm dài có nghe
tiếng lặng im trong lồng ngực
người du kích
tiếng hàng dương cụt ngọn
trần mình lúc bão qua
giờ họ lắng từ xa
tí tách giọt tranh trước hiên nhà
trái dừa rụng dội vào nỗi nhớ
mùi bắp rang thơm ấm đêm mưa
bao nhiêu người đã đi
cái khoảng trống mái nhà còn ở lại
cứ nhói lòng ta mãi
mấy bông cúc nở
thầm giữa cỏ hoang
và bóng mát tàu lá chuối
che nghiêng
một khoảnh khắc bên đường
có thể
chỉ phút sau đời họ bỗng dừng
những người cách nhau dăm ba tuổi
giữa cuộc chống càn
hay những tao ngộ chiến thường
xuyên trong bóng tối
họ nằm ngay bãi cát rào kẽm gai
gối đầu lên đám lúa đang chờ gặt
đồng đội thiếu nhau từng bữa cơm
những đêm luồn sâu vô ấp
ánh chớp lóa trên mái tôn hầm hập
giọt nước mắt mẹ mình
vùi lẳng lặng trong tro
đều soi rõ các anh
soi rõ đến tận cùng
những cuộc đời
đã trao cho vùng cát này
không một lời mặc cả
Tháng Ba năm 1976
Tháng Ba năm 1978
***
TRẦN MẠNH HẢO
TÌNH CA
(Trích trường ca BẦU TRỜI TRONG LÒNG ĐẤT)
Đất sâu trời chẳng thể vào
Hoàng hôn
Mặt trời như một vết thương
Mặt trời chìm xuống đất
Anh cũng chìm xuống đất
Địa đạo mở ra cánh cửa ngôi nhà
Anh sung sướng suýt bật òa tiếng khóc
May mà anh kịp hát vu vơ
Những người du kích
Như mặt trời vừa lặn xuống đâu đây
Anh gặp lại bạn bè thời tinh nghịch
Sờ mặt nhau để đoán tên người
Anh chào tạm biệt mặt trời
Mặt trời chìm xuống đất rồi hoàng hôn
Trên đầu bạc một sao hôm
Anh xin tạm biệt cả vòm trời sao
Trăng lên thì gác miệng hào cho anh
Xin chào gió của trời xanh
Thương anh gió thổi một mình gió thôi
Kẻ thù xóa mặt đất rồi
Chỉ còn địa đạo nên người tìm nhau
Trái tim bám trụ đất sâu
Kẻ thù nào thấy em đâu trong hầm
Đạn bom gào cũng lặng câm
Đất mang trọn tấm lưng trần che ta
Đã tìm lòng đất sâu xa
Thì xin gởi lại trời và cỏ cây
Anh mang xuống địa đạo dày
Một cây súng với nghìn ngày xa em
Từ trong lòng đất, lòng đêm
Bàn tay người thắp lửa lên cho mình
Mặt em quầng sáng lặng thinh
Mặt trời trong đất mang hình trái xoan
Vòm trời trên đầu anh chính là mặt đất
Đất dưới chân anh cũng đất thật rồi
Cho anh hít hết mùi ẩm mốc
Để căn hầm em thở được tinh khôi
Địa đạo cuốn anh vào như cuốn chỉ
Anh đang chơi trò trốn tìm với cuộc chiến tranh
Kẻ thù bên ngoài đang tức tối
Chúng biết là em sắp gặp anh
Em đấy ư?
Em vừa trồi lên mặt đất chống càn
Sau trận đánh em lại về lòng đất
Vợ anh đó mà anh không ngờ nổi
Muốn ôm chầm lấy em
Lại sợ em tan thành bóng tối
Đất bốn bề đất không hề nói
Em cũng không nói một câu gì
Ở đây là Củ Chi
Ở đây là địa đạo
Ở khoảng giữa anh và em là ba năm xa cách
Là hy vọng là đạn bom sống chết
Trên đầu chúng mình không phải sấm đâu
Bom đang chuyển đất rơi đầy trên tóc
Địa đạo đong đưa như nhịp võng
Bom rung làm anh ngã vào em
Ta ôm lấy nhau để đất đừng chao đảo
Ta ốm lấy nhau để vẫn còn địa đạo
Để dưới lòng đất sâu con người vẫn con người.
Niềm vui là của nụ cười
Sao em lại khóc, ướt rồi cái hôn
Đất sâu nào có dỗi hờn
Mà tay ôm súng quen hơn ôm người?
Không mang theo nổi mặt trời
Muôn vì tinh tú ở ngoài tình yêu
Ôm em mà nhớ em nhiều
Mắt không vượt nổi ba chiều bóng đêm
Nhưng em thì vẫn là em
Mùi hương mái tóc còn nguyên ngày nào
Tóc dài chảy suốt chiêm bao
Để anh buộc tóc em vào tóc anh
Kẻ thù muốn em héo úa xanh xao
Em vẫn đầy như trái xoài mùa hạ
Em tự chín chờ anh về hái quả
Vồng ngực em thách thức đạn bom thù
Da thịt em làm nguội cuộc chiến tranh
Em đầy ắp như là lòng đất
Anh đang vào lòng đất để tìm anh
Để tìm lại những xóm làng đã mất
Em mới hạt mầm đây giờ đã xanh cành
Đôi mắt em mang màu chi thế
Thịt da em tưởng hụt hẫng lại no tròn
Gương mặt em, gương mặt em mảnh dẻ
Gương mặt rộng vô cùng như mặt bể
Lại thu vào như thể chiếc gương con
Chúng ta yêu nhau từ thuở trên mặt đất
Vạt cỏ em ngồi trăng vừa kịp đến soi
Ngôi sao sáng đến không còn nước mắt
Đêm trong làng ngọn cỏ cứ ngây ngây
Chúng ta yêu nhau thuở vòm cây vòm trời là bạn
Con chim kêu một tiếng giật mình
Bàn tay anh tìm tay em khẽ chạm
Gió trên đầu làm rối cả vòm xanh
Chúng ta yêu nhau thuở hạt thóc nằm mơ ngủ
Những mầm cây ngơ ngác nhìn trời
Em giống hệt mầm cây trên mặt đất
Mọc lên từ khát vọng của mồ hôi
Khi chúng ta yêu nhau trong lòng đất
Trời đêm ngoài kia đang chuyển màu gì?
Những ngôi sao xanh chẳng tìm thấy em
Vầng trăng mọc một mình không tình ái
Gió ngạc nhiên vì anh vừa biến mất
Bom vẫn rơi ở chỗ cũ em ngồi
Khi chúng ta yêu nhau trong lòng đất
Ngôi sao nào cô độc chửa thành đôi?
Em như sáu tháng mùa mưa anh không còn chỗ núp
Em là mùa khô nắng muốn vỡ đầu
Anh đầy vơi theo vòng tay em ủ ấp
Đất bốn bề mà ngỡ đất đi đâu
Ngỡ anh với em vừa hóa thành mặt biển
Đất chao nghiêng theo nhịp điệu con người
Bom rung chuyển hay tình yêu rung chuyển
Mà đất vừa chao đảo hệt vành nôi!
Lời bóng tối:
Tôi là bóng tối muôn đời
Chỉ mình tôi thấy hai người yêu nhau
Trong tôi họ tự bền lâu
Trở về cái thuở ban đầu phôi thai
Cưu mang lại mặt đất này
Từ trong địa đạo con người vươn lên
Tôi là bóng tối màu đen
Chỉ mình tôi biết chuyện riêng hai người…
Lời rễ cây:
Mặt đất sai tôi xuống đây
Để tôi thay mặt bầu trời chứng nhân
Tình yêu sinh nở âm thầm
Như công việc của tôi làm xưa nay
Tôi buông chùm rễ tơ dày
Để nuôi sống những gốc cây cháy bầm
Người ơi thân nhập vào thân
Tro tàn mặt đất đang dần hồi sinh.
Lời khẩu súng:
Chứng nhân tình ái của anh
Góc lên thành đất tôi canh cho người
Trần như khẩu súng vậy thôi
Họ đang tái tạo mặt trời, mặt trăng
Chiến tranh mặt đất thét gầm
Mà lòng đất vẫn nghìn năm con người
Tình yêu thắng đạn bom rồi
Hát ru hạnh phúc góp lời lặng im…
***
NGUYỄN ĐỨC MẬU
TRẬN CUỐI CÙNG
(Trích trường ca SƯ ĐOÀN)
…
Mở đầu cho đêm hội hoa đăng
Các cỡ đạn gầm vang các ngả
Đạn bảy nhăm ly từ tiểu đoàn tăng
Đạn một trăm ba mươi ly từ trung đoàn pháo
Súng nhỏ, súng to cánh bộ binh mình
Chúng ta làm trận bão
Cho đêm dài sống lại bình minh
Bàn tay tôi và anh
Chúng ta cùng lắp đạn
Cầm trên tay cả mùa màng vàng óng
Sức sông Hồng, sông Mã chảy vào đây
Đất nước nghèo cực nhọc quanh năm
Đồng bằng phì nhiêu dồn cho cỡ đạn
Những nhà máy dồn cho cỡ đạn
Máu, mồ hôi dồn cho cỡ đạn
Ôi tháng Tư vòm đêm chuyển động
Sao trên trời, sao dưới đất tìm nhau
Giờ phút ấy đất trời thắp sáng
Giờ phút ấy con người thắp sáng
Lửa bay lên, gió nóng chạy trên đầu
Đây tiếng nổ cho đất đai đã mất
Đất đau thương chúng ta phải giành về
Đồng của lúa khoai sao vành đai trắng?
Sông có cầu sao cầu gãy nhịp?
Đất hai miền sao đất chia ly?
Một thời trái bom ném vào chiếc hạt
Đất gieo trồng thành địa dư chiến tranh
Viên đạn nằm trên tay tôi, tay anh
Lá cờ chuẩn trên tay trung đội trưởng
Khẩu lệnh: – Bắn
Vỏ đạn rơi loảng xoảng
Màn đêm xé ra, nối lại bất ngờ
Những quân cờ xóc khỏi bàn cờ
Giặc phản kích, giội bom vào trận địa
Khẩu đội Một bay cả người lẫn pháo
Số đạn thừa dồn sang khẩu đội Hai
Khẩu đội Ba mười đợt bom rơi
Pháo gãy chân càng, người vai trần vác pháo
Trời rung chuyển mọi hành tinh xa lạ
Đất vặn mình, quặn thắt từng cơn
Như người mẹ sinh con vật vã
Hòa bình ra đời cùng buổi sớm mặt trời lên…
Anh nói gì về hạnh phúc cùng em
Ngày hôm nay có bao người ngã xuống
Ngày hôm nay có bao tờ thiếp mời
Tìm bạn bè
Gõ cửa báo tin vui…
Những bộc phá viên mở hàng rào thứ nhất
Những pháo thủ trẻ măng trong trận cuối cùng
Họ đã sống hết mình
Họ góp lửa cho ngày toàn thắng
Sau súng nổ, hòa bình tràn nắng
Đó là điều mong muốn của người đi
Thưa mẹ
Đã nhiều năm chúng con xa nhà
Mẹ bấm đốt ngón tay tính trăng tròn mỗi tháng
Chúng con đi dọc miền Tây, Trường Sơn…
Ngón tay khô gầy
Mẹ tính đốt thời gian
Khi mười ngón tay mẹ đầy vầng trăng mọc
Thì chúng con giải phóng Sài Gòn.
Minh họa Hà Bắc
Năm Sáu tám có những người đồng đội
Đi theo con đường này
Với ngọn cờ cầm tay
Màu đỏ mọc giữa tiếng gầm đại bác
Mùa hè năm Bảy lăm
Chúng tôi theo con đường họ bước
Ngọn cờ mang mặt trời vào thành phố
Hôm nay triệu người nhìn lên trời cao
Chúng tôi nhớ ngọn cờ năm nao
Màu đỏ nằm nơi mắt khép bạn bè
Ôi đôi mắt
Muốn ôm lấy màu cờ lần chót
Tưởng giây phút giã từ có thể mang đi
Nhưng màu cờ các anh muốn mang đi
Là màu cờ các anh gửi lại
Vâng, có lúc giữa trời cao vời vợi
Ngôi sao rơi thầm nhắc tên người
Đường cắm cờ xa không, bạn ơi…?
Chúng tôi không tính bằng cột số
Đường dài theo ba mươi năm súng nổ
Vỏ đạn đồng
Trải kín dấu chân đi
Hỡi những người hôm nay không trở về
Lồng ngực các anh chắn luồng đạn bắn
Cái đích con đường các anh ngã xuống
Chúng tôi vào thành phố, kéo cờ lên…
Ngọn cờ mọc xôn xao vòm cây xanh
Dưới gốc cây
Có dòng máu đỏ
Ngọn cờ mọc trên nóc trời thành phố
Mặt đất còn lởm chởm rào gai
Những người cắm cờ năm Sáu tám
Những người cắm cờ năm Bảy lăm
Họ vắng mặt ngày vui sum họp
Chúng tôi nhớ nhau nhìn vết đạn trên cờ
Vết đạn trên cờ cháy lên câu hỏi:
Có nơi đâu như đất nước mình
Một ngày vui hòa bình
Ba mươi năm súng nổ…?
Ôi ngọn cờ đo hết mọi hy sinh.
IV. DIỄU BINH
Nào xếp hàng cùng nhau diễu binh
Đội ngũ Sư đoàn tụ về thành phố
Bầu trời rộng hôm nay làm trống vỗ
Mây cũng diễu hành trắng xóa vòm cao
Mặt đất dòng người nối lại gần nhau
Cây nối liền cây xanh rờn áo lá
Nhà nối liền nhà, phố liền với phố
Cờ nối liền cờ bay rợp trời xanh
Nào xếp hàng
Tất cả diễu binh
Nhìn vào hàng quân tôi nhận ra bạn bè
Những chiến sĩ bắn cháy xe bọc thép
Những chiến sĩ phá cầu ghìm giặc
Những chiến sĩ đặt mìn clây-mo mở cửa rào gai…
Hôm nay mỗi con người
Hai khoảng sáng giội vào tôi một lúc:
Dáng họ bật lên khỏi chiến hào lửa táp
Dáng họ bước đi trong đội ngũ sư đoàn
Họ bước trên đường nhựa nhịp nhàng
Những khẩu súng không phát ra tiếng nổ
Những máy bộ đàm không phát ra mật mã
Con người nói với nhau bằng ngôn ngữ thường ngày
Thành phố tung lên triệu quả bóng màu rực rỡ
Niềm vui nổ tung tiếng đại bác rung trời
Thành phố hôm nay náo động dòng người
Ngỡ khắp ngả đâu cũng là đại lộ
Màu áo xanh tràn vào đường phố
Nhà nối nhà mở cửa đón màu xanh
Em đứng nhìn, em có nhận ra anh
Anh đang ở nơi dòng người đông nhất
Tóc bạc lưa thưa, khăn rằn phơ phất
Con đứng dưới cờ
Má có nhận ra con…?
Chúng ta chào rộng lớn tấm lòng dân
Đội ngũ đi qua sắc màu nồng nhiệt
Đi qua nụ cười
Đi qua nước mắt
Đi qua bàn tay vẫy, tiếng hò reo…
Mùa hè ơi! Như lạc đến nơi đâu
Chân ta bước râm ran đường nhựa
Hôm qua ở rừng
Hôm nay ở phố
Nhiều năm xa cách đổi lấy phút giây gần
Hạnh phúc tràn trề ánh mắt trời xanh
Hạnh phúc thấm vào nụ cười, giọng nói
Hạnh phúc có sắc màu, âm thanh, hình khối
Ta được tận mắt nhìn
Ta được thỏa lòng nghe
Màu cờ, hàng cây, dòng người dồn tụ
Sao lạ lùng lạc giữa cơn mơ
Chúng ta chào nhân dân kính yêu
Người thắng trận chào đất trời giải phóng
Thành phố hôm nay như vườn cây trái chín
Chúng ta là đàn chim gặp được mùa đầu
Thành phố hôm nay như một gia đình lớn
Chúng ta đi xa mong mỏi ngày về
Qua ánh mắt nhận ra tình ruột thịt
Gọi nhau mà chưa biết tên nhau
Cửa mở cuối cùng dẫn chúng ta vào thành phố
Cách xa nhiều, giờ thấy mặt người thân
Đi cùng xe tăng, tên lửa, pháo binh
Sư đoàn tôi trong đội hình chủ lực
Hai cuộc chiến tranh
Đánh thắng nhiều loài giặc
Màu áo xanh chiếm lĩnh phương trời
Máu, mồ hôi sư đoàn chảy đến đâu
Thì đội ngũ dài theo đến đó
Vai kề vai thành cánh rừng xanh lá
Nào xếp hàng
Tất cả diễu binh.
1977-1978
***
TRẦN NHUẬN MINH
MỘT TRĂM BƯỚC
CUỐI CÙNG
(1979)
Một chiều, cuối tháng 4-1979, trên đường đi thực tế sáng tác ở biên giới phía bắc, tình cờ tôi được đọc một mẩu tin trên báo Nhân Dân, về một nữ công nhân lâm trường đã đưa giặc vào bãi mìn. Mấy dòng tin này đã làm tôi rất xúc động, nó luôn ám ảnh tôi và tôi đã viết một mạch xong bản trường ca này. Tác phẩm đã đăng báo và sau đó, đã in trong tập thơ Thành phố bên này sông (1982) của tôi. Tôi rất tiếc là ngày đó, tôi đã không ghi tên cô công nhân lâm trường dũng cảm hiếm có ấy, vào trường ca và bây giờ, tôi cũng không có điều kiện lục tìm lại trong đống báo chí tư liệu cũ mà tôi còn xếp cao ở trong phòng làm việc của mình. Tôi rất biết ơn báo Nhân Dân đã cho tôi tư liệu và nguồn xúc cảm để tôi viết được tác phẩm này.
Tôi muốn gì ư?
Tôi muốn sống
Tôi muốn làm mẹ…
Cái giản dị tột cùng sao giờ khao khát thế
Nhưng tôi không có cách nào
99 BƯỚC
Thực ra thì tôi có cách đấy
Nếu tôi muốn cứu con tôi
Đứa con đang bắt đầu thành người
Nằm co trong bụng tôi như một con tôm
Búng vào sườn tôi như một con tôm
97 BƯỚC
Tôi sinh ra ở một làng quê
Có lũy tre xanh như bao làng quê khác
Tôi lớn lên đi học
Dở dang chưa qua được lớp 10
Một thế hệ đã vào đời như vậy đấy
Có thể nói cái gì cũng dở dang
Chỉ tuổi thanh xuân là nguyên vẹn
Hiến dâng cho Tổ Quốc
Tôi đã góp một bàn tay nhỏ
Mở con đường lớn Hồ Chí Minh
Ngang dọc Trường Sơn những năm
Gian khổ và hùng tráng
Tôi về lâm trường
Giữa lúc người Hoa chảy đi như một dòng lũ xối
Không sức nào cản được
91 BƯỚC
Tôi đếm từng bước chân
Không, tôi chỉ đoán chừng như vậy
Cái khoảng cách cuối cùng này
Xuyên qua đời tôi như một cây xương rồng gai
Cơ thể tôi cảm biết sâu sắc
Tất cả sự chà xát của nó
Cái khoảng cách cuối cùng này
Xuyên qua đời tôi như một tia chớp giật
Tôi nhận ra mình hoàn toàn trong sạch
Tinh khôi như vừa sinh ra…
Tôi đã chọn cho mình một cách sống
Thì tôi cũng chọn cho mình một cách chết
Chọn cách chết nghĩa là chọn cách sống
Và tôi ngẩng cao đầu
Thanh thản đi…
86 BƯỚC
Tôi đã tập, đã tập, đã tập
Không phải tập đi, mà tập nhìn
Để hiểu được những biến đổi rất nhanh
Của thời đại
Để tôi không chóng mặt
Khi nhìn vào ngôi sao đỏ lấp lánh
Hiện lên trên mũ kẻ thù
Đã nhiều năm đứng sát sau lưng chúng ta…
Ngôi sao đỏ tôi hằng tin yêu
Suốt những tháng năm tôi thơ ấu
Tuổi thơ ấu của tôi đã bị phản bội
Niềm tin yêu của tôi đã bị phản bội
Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào
78 BƯỚC
Nhưng nỗi đau này của tôi
Cả dân tộc tôi đang phải chịu đựng
Không, dân tộc tôi không phải chỉ có chịu đựng
Dù chúng tôi đã tự kìm chế
Và nhận về mình một phần hy sinh
Chúng tôi đã khép lại một cuộc chiến tranh
Không muốn lại mở ra
Cuộc chiến tranh khác nữa
Chúng tôi muốn đất mọc lên cây lúa
Mặt sông mọc lên cây buồm
Còn tôi ư? Tôi muốn sinh con
Được bế bồng như bao người mẹ
Được bình thường như bao người mẹ
Được dịu ngọt và độ lượng như bao người mẹ
Chính vì thế, chúng tôi đã tự kìm chế
Dù…
69 BƯỚC
Tôi đếm từng bước chân
Không, tôi chỉ đoán chừng như vậy
Và như thế, khoảng cách giữa tôi với cái chết
Cứ gần lại đến khủng khiếp
Đây là cuộc chiến tranh một mất, một còn
Một mình tôi, tôi cũng phải là một dân tộc
Một mình tôi, tôi cũng phải chịu trách nhiệm
Trước lịch sử
Một mình tôi, tôi cũng phải chiến thắng
Tôi muốn kêu to lên một tiếng
Tổ Quốc!
Nhưng kêu lên để mà làm gì
Giữa cánh rừng đổ ngổn ngang
Vì đạn đại bác địch
Giữa những xác chết
Xác đồng đội tôi và rất nhiều xác giặc
Có thể nói là trùm lợp lên nhau
Dấu vết của một trận đánh giáp lá cà
Một trận đánh mà ngoài con dao găm
Cái dây lưng hay hòn đá
Ngoài nắm tay hay những cái răng
Tất cả vũ khí khác đều vô ích
Tôi đã đánh một trận như thế
Với thứ vũ khí cuối cùng trong tay
Báng một khẩu súng trường đã gãy
Tôi cầm đập bừa vào mặt giặc
Chúng đông vô kể
Nhưng sức lực thì có hạn thôi
Chúng hoảng sợ chạy xa tôi
Tôi bị bắt không phải vì chúng mạnh
Mà vì con tôi đã lên tiếng
Nó đạp vào sườn tôi một cái
Mạnh đến nỗi làm tôi chao đi
Tôi rủn cả ruột gan
Tối sẩm cả mặt mày…
Hỡi những ai, những ai, những ai
Sẽ đọc niềm tâm sự này của tôi
Hãy hiểu cho tôi cái lúc đó nhé
Cái lúc tôi rủn cả ruột gan
Tối sẩm cả mặt mày
Cái lúc tôi gần như buông tay
Cái lúc ấy – một khoảnh khắc thôi
Nhưng bây giờ đã là tất cả
Tôi tự trách mình tại sao lại như vậy
Nhưng tôi không thể giải thích được…
CÓ LẼ CHỈ CÒN 2 – 51 BƯỚC CHÂN
Nhưng tôi không thể giải thích được
Thực tình là lúc ấy, một khoảnh khắc thôi
Tôi không nghĩ được cái gì khác
Ngoài một niềm mong manh
Như cánh bướm này
Con tôi
Con tôi đấy!
Cái giọt máu nhỏ nhoi
Cái bóng dáng cuối cùng của tôi
Sự ký thác của tôi trên mặt đất
Nó đang đòi sự sống
Tôi là người duy nhất ở trên đời này
Được biết nó và được chịu trách nhiệm về nó
Thoáng nghĩ ấy làm tôi bàng hoàng
Và thế là, rất nhanh
Tôi bị bắt
Và bây giờ, chúng bắt tôi dẫn chúng
Chúng ngu đến nỗi, tưởng rằng
Vì một đứa con, dù đó có thể là tất cả
Đối với tôi
Tôi có thể làm theo ý chúng
Chúng thúc tôi đi
37 BƯỚC
Còn bây giờ, tôi thúc chúng đi
Bởi tôi biết, tôi phải đi đường nào
Để tìm về với Tổ Quốc
Nhưng thoạt đầu, tôi chưa nghĩ được như vậy
Và tôi dẫn chúng đi loanh quanh
31 BƯỚC
Ngày đã mở đầu như thế nào
Không phải với mặt trời lên và tiếng chim hót
Ngày đã mở đầu
Bằng hàng loạt đại bác
Vào lúc hơn 12 giờ đêm
Vào lúc bạn tôi đang ngủ say
Còn tôi thì thức gác
Tôi chưa bao giờ
Nghe thấy tiếng đại bác
Dính liền nhau thành một mảng
Rền ở trên trời
Rền ở dưới đất
Tôi cũng chưa bao giờ trông thấy
Kẻ thù đội mũ, mặc áo như ta
Chạy sau lá cờ ta
Bắn vào ta bằng khẩu súng ta cầm…
24 BƯỚC
Tôi nghe vang tiếng những bước chân
Cuối cùng
Của tôi
Trong rừng cây
Tôi thấy chợt hiện lên
Dáng mẹ hao gầy
Còng lưng xách nước
Cái cầu ao
Gióng tre ngà thân thuộc
Mẹ ơi!
Sẽ có nhiều người nuôi dưỡng mẹ thay con
Nhưng con của mẹ thì không ai thay được
Cho dù thế, con cũng không muốn mình
Có số phận khác với các bạn con
Những người suốt tuổi thanh xuân
Đã đứng cùng con bên vách chiến hào
Đất bóng nhẫy lên vì những vết xẻng
Tay hứng giọt nước trong
Chảy từ một rễ cây
14 BƯỚC
Bằng con đường này
Tôi lại gặp người yêu
Anh đứng chờ tôi
Một mình trong bóng tối…
Anh yêu ơi, tôi nói
Hãy tha thứ cho em
Những gì em vụng dại…
12 BƯỚC
CÓ LẼ CHỈ CÒN 10 BƯỚC – 9 BƯỚC NỮA THÔI
Tôi đã đặt chân lên con đường mòn nhỏ
Chạy qua bãi cỏ hoang
Sau bãi cỏ hoang là dãy đồi nhấp nhô răng cưa
Các cỡ súng của ta
Đã phục sẵn ở đó
Hai bên đường, nấp trong cỏ
Là những quả mìn và những mũi chông sắt
Chính tôi đã cùng đồng đội
Gài mìn và cắm chông…
Ơi bãi cỏ thân yêu, bãi cỏ hiền lành
Đã cất giấu bài ca
Hãi hùng và dang dở của tôi
Sẽ cất lên bài ca
Bi tráng và chiến thắng của tôi…
Quân giặc đã lọt vào trận địa rồi
Đây là việc cuối chót
Tôi có thể làm được
Vì sự sống còn của Tổ Quốc
Con ơi!
Đứa con đang thành người và quá bé bỏng của mẹ
Sự ký thác của mẹ
Cái bóng dáng cuối cùng của mẹ
Hãy yên, hãy yên nào
Đừng có thức tỉnh vào lúc này
Đừng có đạp bụng mẹ vào lúc này
(Nếu vậy, mẹ sẽ không có đủ can đảm)
Đừng có… đừng có…
Chỉ cần một phút nín thở
Mẹ sẽ chạy ào vào bãi cỏ
Và thế là những kẻ giết con
Sẽ tan xác trong những tiếng nổ dây chuyền
Của mìn và những loạt đạn trên đồi xả xuống
Nào, hãy yên, hãy yên
Mẹ ru con một lời cuối cùng
Một lời ru không có âm tiếng
À ơi… ả à ơi…
Hãy ngủ ngoan, con
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan…
Cho…
Cho lòng mẹ thêm thanh thản
Cho người mẹ thêm nhẹ nhõm
Để mẹ chỉ cần dang hai cánh tay ra
Thế là mẹ con ta
Sẽ bay lên như cánh chim
Sẽ bay lên…
bay lên…
bay lên…
Như cánh chim…
Viết ở Biên giới 4-197