Trường ca “Thức với biển” lan tỏa từ Bắc Mỹ

Trường ca “Thức với biển” lan tỏa từ Bắc Mỹ

Một hiện tượng đáng chú ý trong giới văn học đã xuất hiện đầu năm 2024, khi tập trường ca “Thức với biển” của tác giả Nguyễn Đình Tâm được xuất bản tại Bắc Mỹ (NXB Ukiyoto) với phiên bản đa ngôn ngữ, bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga và Trung. Tác phẩm này đã lập tức thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng độc giả nhiều quốc gia, và chúng ta đã có cơ hội trò chuyện với tác giả về quá trình sáng tác, ý nghĩa của tác phẩm cùng những kỳ vọng trong tương lai.

Bản bìa sách Tác phẩm trường ca “Thức với biển” với ngôn ngữ tiếng Đức
Bản bìa sách Tác phẩm trường ca “Thức với biển” với ngôn ngữ tiếng Nga
Bản bìa sách Tác phẩm trường ca “Thức với biển” với ngôn ngữ tiếng Pháp
Bản bìa sách Tác phẩm trường ca “Thức với biển” với ngôn ngữ tiếng Tây Ban Nha
Bản bìa sách Tác phẩm trường ca “Thức với biển” với ngôn ngữ tiếng Trung


– Thưa ông, ông có thể chia sẻ về nguồn cảm hứng của mình khi sáng tác trường ca ‘Thức với Biển’? Điều gì đã thôi thúc ông viết nên tác phẩm này?.
-Trong những năm tháng chiến tranh, với năng lực chuyên môn của mình, tôi đã tình nguyện trực tiếp tham gia những chiến dịch vận tải đưa lương thực, thuốc men, vũ khí đạn dược tiếp viện cho chiến trường, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh để vượt qua sóng gió, bão tố, thủy lôi và bom đạn của đồng nghiệp đã làm cho tôi thấy phải viết một cái gì đó để tri ân và tôn vinh những người con của Biển đã tự nguyện hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc, những kí ức đầy bi hùng cảm động đó, chính là nguồn cảm hứng để tôi viết nên tác phẩm này.
-Trong ‘Thức với Biển’, thông điệp hoặc ý nghĩa sâu xa mà ông muốn truyền tải đến độc giả là gì? Ông hy vọng tác phẩm sẽ tác động như thế nào đến người đọc?
-Dân tộc chúng ta hạnh phúc khi có một thế hệ thanh niên, sinh viên thật đáng tự hào, thật đẹp, đáng yêu quý, đáng tôn vinh, họ như những lõi tầm, tự thơm và tự cháy, lặng lẽ cống hiến tuổi xuân đầy khát khao, hoài bão, lặng lẽ hy sinh cho sự vẹn tròn của Đất nước, trong đó có thế hệ học sinh, sinh viên trường ĐH Hàng hải và những người con của biển. Tôi viết trường ca này bằng tấm lòng tri ân và trân quý họ mà Văn học Việt Nam đang có một khoảng trống về sự hiện diện của lực lượng vận tải biển hùng hậu trên những đoàn tàu có mang số hiệu này.

Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm

– Ông cảm thấy thế nào khi tác phẩm của mình được dịch sang 5 ngôn ngữ khác nhau? Ông có tham gia vào quá trình dịch thuật không và liệu có khó khăn nào trong việc giữ nguyên tinh thần của tác phẩm khi chuyển ngữ?
-Từ ngày được nhiều độc giả đón nhận trường ca “Thức với biển”, tôi vẫn mong muốn đưa hình ảnh đẹp về một thế hệ trẻ đáng trân quý này tới bạn bè quốc tế, thật vui khi tác phẩm đã được đón nhận từ NXB toàn cầu Ukiyoto xuất bản song ngữ Anh-Việt, và Hội đồng dịch giả châu Âu chuyển ngữ ra 5 thứ tiếng: Pháp – Tây Ban Nha – Đức – Nga và Trung. Quá trình dịch thuật được dịch giả tự nguyện Văn Đức Mân và tôi trao đổi kĩ từng phần để giữ nguyên tinh thần của tác phẩm, và được dịch giả Kiều Bích Hậu đọc nhiều lần để cảm thụ và biên tập cẩn thận.
– Sau khi ‘Thức với Biển’ được giới thiệu tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt và nhận được sự chú ý từ cộng đồng quốc tế, ông có bất ngờ không? Có những phản hồi nào từ độc giả quốc tế mà ông cảm thấy đặc biệt?
-Tôi thật bất ngờ và rất vui khi NXB Ukiyoto chọn và giới thiệu 2 tác phẩm “Thức với biển” và “Mùa thu và biển cả” của tôi tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt vào tháng 10/2023 vừa qua tại Đức, lại được Hội đồng dịch giả Châu Âu chuyển ngữ ra 5 thứ tiếng. Hồn Việt đã được đón nhận và lan tỏa tới độc giả toàn cầu khi tôi được đề cử và nhận “Giải thưởng nhà thơ của năm” từ NXB Bắc Mỹ. Tôi thật cảm động và hạnh phúc khi lòng tri ân của mình đã được thực hiện.
– Làm thế nào để kinh nghiệm cá nhân của ông và bối cảnh văn hóa Việt Nam ảnh hưởng đến cách ông viết ‘Thức với Biển’? Ông có cố gắng truyền tải văn hóa Việt Nam trong tác phẩm của mình không?
-Trong bài viết của PGS.TS, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng về tác phẩm có đề cập ý: Đây là lần đầu tiên có một tác phẩm được giải nhất với 100% số phiếu của Hội đồng Giám khảo. Thật khó mà nói về “kinh nghiệm cá nhân”, chỉ biết rằng tôi viết tác phẩm này bằng lòng biết ơn, tri ân đồng đội của mình với những kí ức có sẵn, nếu chỉ thế thôi thì viết bằng văn xuôi sẽ truyền tải đầy đủ hơn, nhưng tôi chọn ngôn ngữ thơ để viết sẽ khó hơn, tuy nhiên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ được cảm thụ sâu lắng hơn.
– Sau thành công của ‘Thức với Biển’, ông có kỳ vọng hay mục tiêu gì cho sự nghiệp sáng tác của mình trong tương lai không?
-Trong biến cố lịch sử của các triều đại Việt Nam, tôi trân trọng hậu duệ dòng họ Lý khi phải chạy sang lánh nạn và cư trú tại đất Cao Ly. Họ đã phát huy tinh thần thượng võ của Hoàng gia, lập nhiều chiến công hiển hách giúp triều đình Cao Ly đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ, được nhà vua và triều thần ghi công, tôn vinh và biết ơn, ban nhiều chế độ đãi ngộ cho cư dân Việt Nam. Tôi muốn viết về họ: “Tể tướng” Lý Dương Côn và “Hoa sơn quân”  Thái tử Lý Long Tường để thắt chặt thêm tình hữu nghị và quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt-Hàn.
– Cuối cùng, ông có lời khuyên nào dành cho những nhà văn trẻ đang nỗ lực tạo dựng tên tuổi của mình trong lĩnh vực văn học?
-Thật khó để đưa ra một “lời khuyên”, tôi có 2 điều tâm sự: một là: hãy sống hết mình vì sự đam mê và lao động sáng tạo của người cầm bút, tự tác phẩm sẽ tạo nên tên tuổi của tác giả. Độc giả và thời gian sẽ thẩm định giá trị, tài năng, nhân cách và sự tồn tại của nhà văn. Mọi sự cố gắng tìm danh hiệu và đánh bóng tên tuổi chỉ là phù phiếm. Hai là: Tính xấu nhất của nhà văn là sự đố kị lẫn nhau, cho nên hãy dấn thân vì chính nghĩa, động viên nhau viết để góp thêm nét đẹp cho đời, cho Văn học Việt Nam.

-Trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đình Tâm!

Sao Kim

Leave a Reply

Your email address will not be published.