Vài nét về tác giả:
Bích Ngọc Turner là phó giáo sư trợ giảng về Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam, Khoa Ngôn ngữ và Văn học châu Á, thuộc Đại học Washington tại Seattle, Mỹ. Bà cũng tham gia phiên dịch tiếng Việt về các mảng pháp lý, quân sự, giáo dục và bầu cử cho tiểu bang Washington. Ngoài ra, bà viết nhiều bài báo và truyện ngắn bằng tiếng Việt, nhiều bài trong số đó được xuất bản trên báo Văn nghệ và các tờ báo trong và ngoài nước.
CUỐN HỘ CHIẾU BỊ THẤT LẠC
Truyện ngắn Bích Ngọc Turner
N
Hà nội, một chiều thứ 7, tháng 7, năm 1995
Chiếc taxi dừng lại ở đúng địa chỉ mà Myra cần, bên một cái ngõ nhỏ trên phố Trần Xuân Soạn. Nhận ra lối vào quen quen, Myra mừng rỡ, lấy tiền ra trả anh lái xe, không quên thêm một chút tiền tip. Anh lái xe cười ngoác miệng cảm ơn, chạy ra mở cửa và giúp cô lôi hai chiếc va-li ra rồi đặt nhẹ nhàng lên vỉa hè. Có lẽ lúc ấy anh đang nghĩ thầm trong bụng, thỉnh thoảng vớ được bọn khách tây, chúng nó quen tip, kể cũng thích thật.
Myra thở một hơi dài khoan khoái và dừng lại vài giây nhìn quanh đường phố như để định thần. Thành phố này vẫn tuyệt đẹp, sôi động và đầy hấp dẫn đối với cô như cách đây 3 năm.
“Thôi, đi vào nhà Julia thôi, có lẽ mọi người đợi mình ở đó khá lâu rồi,” nghĩ rồi Myra vội vã một tay nhấc chiếc va-li nhỏ, một tay kéo cái va-li to rồi thận trọng bước qua rãnh nước đi vào ngõ, đến đúng căn nhà quen thuộc ấy, bấm chuông.
Trong phòng khách là ba người bạn đang sốt ruột ngồi chờ Myra. Đúng hơn là hai người bạn, vì một trong số họ là chồng của chị chủ nhà Julia, ngồi đó đợi có phần là do phép lịch sự.
Myra vừa bước vào nhà, ba người phụ nữ đã kêu lên mừng rỡ ôm choàng lấy nhau. Họ đã từng là bạn thân với nhau suốt hơn 2 năm. Những câu hỏi ríu rít, những cái nắm tay, mắt miệng cười tíu tít làm Myra quên hết mệt nhọc sau chuyến bay kéo dài 40 giờ đồng hồ. Thế là cuối mình bọn mình lại gặp nhau ở Hà nội. Thật là tuyệt.
Sau khi uống nước và tắm gội qua loa, Myra trở ra. Họ đều ở trong tâm trạng phấn khích, chuẩn bị đi ăn tối với nhau. Ăn gì nhỉ, oh, tất nhiên rồi, phở gà, có một quán rất ngon ngay gần đây thôi.
Buổi tối hôm đó thật vui. Họ nói đủ thứ chuyện, chuyện Hà nội, chuyện công việc, chuyện học hành, chuyện bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chuyện trên trời dưới biển, bạn cũ, đủ thứ. Người ta nói đúng, phụ nữ thật lắm chuyện. Ba người phụ nữ ngồi với nhau không bao giờ hết chuyện. Chỉ có anh Trọng, chồng chị Julia là có vẻ ít lời nhất.
Khi chào tạm biệt họ và dắt xe ra ngõ, tôi bỗng nghe thấy lời Trọng khẽ nhắc Myra là cần phải mang ngay hộ chiếu của cô ra công an khu vực để khai báo tạm trú. Thật may mắn là Myra đã quyết định sẽ làm việc đó vào sáng hôm sau. Cô đi ngủ luôn, một giấc thật dài và ngon.
Ở đầu kia thành phố, 9 giờ sáng hôm sau, tôi bị mẹ lay gọi đánh thức dậy. “Này con, có cô tây nào đó gọi điện cho con này.”
Tôi mắt nhắm mắt mở cầm lấy điện thoại, đoán ngay ra đó là Myra, nói “a-lô?”
“Myra đây. Cậu có khỏe không?”
“Khỏe, đêm qua ngủ có ngon không?”
“Ngon, nhưng này, mình gặp rắc rối rồi. Chốc nữa đến ngay đây được không?” Mira hỏi.
“Sao thế?” tôi lo lắng hỏi. Lạ thật, chơi với Myra mấy năm, tôi chưa thấy cô ấy kêu “rắc rối” cái gì bao giờ.
“Cứ đến đây đi rồi biết, thế nhé. Bye.” Myra đặt máy.
Tôi ăn vội vàng một cái bánh ngọt, uống một cốc sữa rồi phóng xe máy đến nhà Julia. Vừa bấm chuông thì Myra mở cửa đón tôi, mặt buồn rười rượi.
Chỉ trong vài phút, tôi đã hiểu rõ tình hình. Myra không tìm thấy hộ chiếu đâu cả. Sáng sớm nay cô ngủ dậy, việc đầu tiên là lục tìm nó để đi khai báo tạm trú nhưng không thấy đâu. Cả Julia và Trọng cũng vào tìm giúp. Họ đào bới hành lý tìm nó suốt gần một tiếng đồng hồ mà không tìm thấy. Mất hộ chiếu rồi. Có lẽ cách đấy mười năm, khi mẹ tôi bảo, mất tem phiếu tháng này rồi, mẹ tôi cũng hốt hoảng hoang mang như thế.
Trọng có vẻ bực bội, cằn nhằn với vợ và Myra. Anh bảo, thế này thì sẽ lôi thôi lắm, phải ra trình bày ngay với công an hoặc là Myra phải chuyển đi đến một khách sạn để ở, anh rất sợ gặp rắc rối. Đúng là tâm trạng của một anh Việt Kiều dát chết. Lấy vợ Mỹ trắng cũng không khá lên được.
Chúng tôi nhanh chóng lên kế hoạch ngày hôm đó. Phải lên sân bay ngay, tìm, hỏi, may ra có ai trên đó nhặt được hộ chiếu. Năm phút sau, chúng tôi đã ngồi trên taxi đi về phía Nội Bài.
Ngày đó, sân bay Nội Bài còn thưa thớt, thô sơ lắm. Tôi mới đến đó là lần thứ hai. Lần trước là đi đón chú tôi từ Đông Âu trở về.
Khi vào đến nơi, chúng tôi tiến thẳng vào sảnh, tìm kiếm một gương mặt khả dĩ có thể hỏi thông tin. Biết hỏi ai bây giờ nhỉ, tôi nhìn quanh. Thôi cứ túm tạm chị mặc đồng phục trông có vẻ như là nhân viên an ninh sân bay này vậy.
“Chị ơi, cô này hôm qua bay đến đây, có bị quên hộ chiếu, chị làm ơn…”
“Em quan hệ thế nào với cô ấy? Cô ấy là người nước nào vậy?” Chị ta hỏi, giọng không được thân mật cho lắm.
“Em chỉ là bạn thôi. Cô ấy là người Mỹ…”
“Em ra văn phòng an ninh sân bay, tìm mấy anh ở đó, hỏi các anh ấy nhé.”
“Văn phòng ấy ở đâu hả chị?” tôi hỏi.
“Ở mồm ấy!” Chị ta trả lời.
Tôi ớ ra, mặt dài thượt.
Myra kéo tay tôi, lo lắng hỏi: “Sao, chị ấy nói sao?”
Tôi cố kiềm chế. Cô ấy đang lo sợ thế mà mình lại cằn nhằn thêm nữa thì cô ấy càng căng thẳng hơn mất. Nghĩ vậy, tôi tỏ vẻ bình tĩnh, khoát tay Myra. Đi, mình đi tìm cái gọi là phòng an ninh sân bay vậy.
Thật không may, đó là ngày chủ nhật, sân bay có rất ít nhân viên. Chúng tôi đi đi lại lại hỏi gần chục người có dáng dấp là người làm việc ở đó và được chỉ hết chỗ này tới chỗ khác bằng những giọng nói lạnh lùng cùng cái nhìn lạ lẫm như thể chúng tôi là gián điệp. Cuối cùng thì tôi cũng tới được cái đích đó. Hóa ra văn phòng đó nằm ở một khu biệt lập khỏi sân bay, trong một dãy nhà mới đầu nhìn qua thấy giống như một cái kho chứa hàng.
Chúng tôi được chỉ vào trong một cái văn phòng ở ngay đầu hồi dãy nhà. Trong văn phòng, có một cái bàn ở trên đặt một chiếc điện thoại, hai cái ghế tựa. Trên tường là một cái bảng mica trắng có ghi lịch công việc. Cạnh bàn làm việc là một cái tủ đứng. Khi bước vào, chúng tôi thấy một người đàn ông tầm 50 tuổi đang ngồi nghếch chân hút thuốc, lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Thấy chúng tôi, ông ta bỏ chân xuống, nhưng vẫn cầm điếu thuốc trên tay, hất hàm hỏi, “Có việc gì đấy?”
Tôi nhắc lại câu trình bày mà mình đã phải nói khoảng 10 lần trong vòng chưa đầy 1 giờ trước đó, cảm thấy rất khó chịu với cái cách ông ta vẫn phì phèo hút thuốc và nheo nheo mắt nhìn chúng tôi. Tôi chợt nhận ra là mình rất đói, chân muốn rủn ra. Đã gần 1 giờ chiều rồi.
Cuối cùng, ông ta có vẻ như cũng đã hiểu ra sự tình và mở ngăn kéo lấy ra một tờ giấy trắng cùng một chiếc bút bi. Ông yêu cầu Myra viết một bản tường trình về việc mất hộ chiếu và cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ đang cư trú. Tôi dịch lại lời đề nghị. Myra nhíu mày, có vẻ khó hiểu, nhưng không hỏi gì thêm. Nói xong, ông ta đi ra, để chúng tôi ngồi lại đó.
May quá, cuối cùng thì tôi cũng được ngồi, vì ông ta không mời ai trong số hai đứa tôi ngồi xuống, mặc dù có một cái ghế trống. Chúng tôi cùng viết đơn.
“Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…,” tôi vắt óc cố nhớ lại mọi quy tắc đơn từ để viết cho thật lịch sự, nhún nhường, mong sao được việc. Kính gửi ai bây giờ nhỉ? Thôi cứ viết đại là, “Kính gửi Phòng an ninh sân bay Nội Bài.”
Phần nội dung đơn không có gì khó. Chúng tôi cứ sự thật mà trình bày, cuối cùng không quên chốt câu: “Tôi xin chân thành cảm ơn.” Myra ký vào cuối đơn.
Ông cán bộ văn phòng vẫn chưa quay lại. Chúng tôi nhìn đồng hồ: 1 giờ 45 phút. Thế là mất quá nửa ngày chủ nhật rồi. Cả hai chúng tôi đều đói và mệt. Tôi thò đầu ra ngoài cửa nhìn ngó trước sau xem có chỗ nào trông có vẻ như là nhà hàng ăn hay ít ra là quán nước chè không. Không có. Tôi không dám để Myra ngồi một mình để đi xa hơn tìm kiếm, sợ nhỡ có ai vào thì Myra sẽ không biết giải thích ra sao. Chúng tôi cũng không muốn cả hai cùng đi vì lo rằng nhỡ ông ấy quay lại thì lại không thấy chúng tôi. Đành thắt bụng ngồi đợi vậy.
2 giờ, rồi 3 giờ. Giá như trong một giờ đồng hồ đó, chúng tôi được ngồi ở một quán cà phê tâm sự, kể chuyện, tán gẫu và không đói bụng thì thật là dễ chịu. Đằng này, tâm trạng lo lắng, mệt, và đói làm chúng tôi mất cả hứng trò chuyện. 3 giờ 15 phút, ông ta vẫn chưa quay lại. Chúng tôi ngán ngẩm, đành cầm tờ đơn đứng lên đi tìm người khác để đưa, trong lòng vô cùng bực bội.
Thật là may cho chúng tôi quá. Vừa đi ra khỏi khu nhà đó được chừng 20 bước về phía sân bay thì tôi nghe thấy tiếng gọi giật giọng: “Này!” Chúng tôi quay lại. Thì ra là ông ta đang ngồi ở một hàng nước lúp xúp phía cuối dãy nhà. Chúng tôi mừng rỡ chạy lại, mắt sáng lên khi thấy hàng nước đó có bán sữa đậu nành. Vậy là có lương thực rồi, sung sướng quá!
Con người đó thật kỳ lạ. Lúc này ông ta có vẻ thay đổi hẳn thái độ, tuy vẫn có phần hững hờ khi cầm tờ đơn từ tay chúng tôi. Khi biết là chúng tôi rất đói, ông ta quay sang giục bà bán hàng nước lấy bánh rán, nước ngọt, kẹo lạc cho chúng tôi ăn, giống như kiểu người ta tiếp khách thân quen vậy. Trong lúc chúng tôi ăn uống, ông ta đứng dậy, cầm tờ giấy, ra hiệu bảo chúng tôi ăn xong thì đi về.
Tôi hốt hoảng, chạy theo hỏi. “Thế liệu bao giờ thì chị ấy có thể biết tin ạ? Làm sao chị ấy biết được là có ai đã tìm được hộ chiếu?”
“Cái này phải để sáng mai họp giao ban đầu tuần rồi sẽ báo cáo, giải quyết sau nhé. Công việc gì cũng phải có trình tự của nó. Mày chẳng biết gì cả. Thôi ăn đi rồi còn về.”
“Thế nếu tìm được thì các chú báo ngay cho chị ấy biết được không ạ?” Tôi cố vớt vát, hỏi có vẻ rất ngớ ngẩn.
“Rồi rồi, có địa chỉ đây rồi, điện thoại nhà đứa bạn nó đây rồi. Cứ đi về đi.”
Dạo đó, tôi còn rất ít kinh nghiệm, chưa quen tiếp xúc nơi công quyền, nên rất hậm hực với cái kiểu gọi Myra là “nó” ấy. May quá, cô ấy không biết tiếng Việt, không thì thật là xấu hổ với mấy người ở đây từ sáng đến giờ. Thô lỗ, cộc cằn, kém thân thiện thế không biết…
Chúng tôi đói ngấu, mỗi đứa uống hết hai chai nước, hai cái bánh rán, và lại ăn hết cả một phong kẹo lạc nữa. Bà bán hàng nheo nheo mắt quan sát Myra, thỉnh thoảng lại đưa tay quạt cho chúng tôi. Bà ta không nói gì cả, trừ một lần duy nhất bà hỏi tôi Myra là người nước nào. Tôi nói cô ấy là người Mỹ.
Khi bụng đã lưng lửng, tôi hỏi bà hết bao nhiêu tiền để thanh toán. Bà lẩm nhẩm rồi bảo chúng tôi con số trên trời làm tôi rụng rời—70.000 đồng.
“Sao lại nhiều thế ạ?” tôi lắp bắp hỏi lại, nhận ra là mình đã rơi vào một cái bẫy do tội ngu xuẩn không hỏi giá trước. Chai nước đậu nành thường chỉ 1.000/chai, cái bánh rán cũng thế, 500 hay cùng lắm là 1.000 đồng. Cái phong kẹo lạc thì tôi không biết, vì không bao giờ ăn, nhưng chắc chắn không thể quá 5.000 đồng. Tổng cộng cùng lắm là 20.000 đồng, sao bà ta “chơi” chúng tôi ác thế?
Mặt bà chủ quán lạnh tanh, liệt kê chi tiết giá cả từng thứ, cái gì cũng tăng giá lên gấp 5 lần. Bà còn lẩm bẩm nói thêm rằng ở đây phải đóng đủ thứ thuế chìm nổi mới được ngồi bán đấy chứ.
Vô cùng chán ngán và bẽ bàng, tôi đành dịch lại cho Myra biết giá tiền. Hóa ra cô ấy thông minh nhanh nhậy hơn tôi tưởng. Cô hiểu hết sự tình mặc dù không biết tiếng Việt. Trong túi tôi lúc đó chỉ có đúng 25.000 đồng. Mira gạt đi, chìa ra 1 tờ 50.000 và hai tờ 10.000 mới đổi tối hôm trước rồi kéo tay tôi đi. Tôi hậm hực, bảo Mira, càng dễ tính chịu nhịn làm thế, họ càng có cớ làm ăn cái kiểu bất lương lợi dụng những người như mình. Myra nói không sao, trả công bà ấy quạt cho mình và không gắt mắng mình như mấy người kia. Tôi phì cười chua chát, đành cho qua.
Khi chiếc taxi chở chúng tôi về đến phố Trần Xuân Soạn thì đã hơn 7 giờ tối. Tôi chợt nhớ ra là mình không hề nói với bố mẹ là sẽ đi đâu, đi bao lâu. Khi sáng, trước khi đi, tôi chỉ nói với mẹ một câu là sẽ không ăn trưa. Chết rồi, thế này thì về lại ăn mắng đây. Chán quá. Đáng lẽ trước khi đi lên Nội Bài tôi phải gọi điện thông báo lại. Nhưng có ai ngờ đâu công việc trên đó lại rầy rà lâu la thế chứ.
May mắn sao, bố mẹ tôi đủ lòng thương cảm với cô bạn gái tây của con gái mình và chỉ cằn nhằn tôi vài câu chiếu lệ. Tôi ăn bữa tối qua loa rồi vội vã chuẩn bị bài vở để hôm sau còn đi dạy.
Tối hôm sau, tôi nhấc máy gọi đến nhà Julia. Anh Trọng nghe máy, thật là ngại quá. Tôi cố nói xã giao vài câu trước khi hỏi đến Myra.
“Công an vừa đến đây này em này, thật là rắc rối phiền phức quá. Em nói chuyện với Myra nhé,” anh Trọng lầu bầu rồi đi lên gác gõ cửa phòng đưa điện thoại cho cô.
Myra không giấu tiếng sụt sịt khi nói chuyện với tôi. Có vẻ như công an trên sân bay đã nhanh chóng báo về công an khu vực, rồi công an khu vực đến nhà thẩm vấn Myra và gia đình anh Trọng chị Julia. Sau khi biết là Myra xin visa du lịch, họ yêu cầu Myra ngay ngày hôm sau phải chuyển đến ở một nhà khách của công ty du lịch, mặc dù Myra giải thích là cô ấy không chuẩn bị đủ tiền để ở khách sạn, và chỉ định ở Hà nội trong vòng 3 tuần để gặp một số người bạn trong lĩnh vực âm nhạc, thu thập thông tin để viết luận văn.
Anh công an nói, cô làm thế là vi phạm luật pháp. Cô đến Việt Nam vì mục đích học tập nghiên cứu mà lại xin visa du lịch à? Không được. Cô xin visa gì thì phải làm đúng mục đích đó, không trình bày lôi thôi gì cả. Ngày mai mời cô chuyển đến nhà khách này ở. Nếu cô không đến đó, anh Trọng và chị Julia sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Myra sợ hết hồn, đành chấp nhận việc thay đổi chỗ ở đến địa chỉ nhà khách mà anh công an đưa cho. Sau khi họ đi rồi, Trọng ngồi im không nói gì 15 phút. Julia có vẻ rất thông cảm. Chị nói với Myra là họ sẵn sàng cho cô mượn tiền để ở nhà khách vì dù sao họ cũng đã chuẩn bị tinh thần là cho cô ở nhờ rồi. Trọng chợt quát lên, mắng Myra là cô thật là dại dột, bất cẩn, bây giờ lại làm liên lụy cả đến nhà anh ta. Anh ta không muốn công an để ý đến, không muốn nhìn thấy công an trong nhà mình, anh ta muốn yên thân…
Myra choáng váng, cảm thấy như bị xúc phạm. Cô chạy lên phòng, chỉ muốn mang va-li đi ngay lập tức. Vừa khi đó, tôi gọi điện tới. Mặc dù Julia đã nói nhẹ với chồng để anh nguôi bực, rồi lại xin lỗi và an ủi Myra, cô vẫn cảm thấy bị tổn thương. Ngay ngày hôm sau, Myra nói với tôi, cô sẽ đến nhà khách của tổng cục du lịch ở phố Nguyễn Du để ở. Hy vọng là họ sẽ để cô yên và nhanh chóng cho biết số phận của cuốn hộ chiếu.
Myra phải ở nhà khách đó trong suốt 3 tuần sau đó. Cô buộc phải đi tham quan Văn Miếu, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, bảo tàng lịch sử… những nơi mà cô đã đến xem khi ở Hà nội trước đó 3-4 năm. Tất nhiên, cô buộc phải mua vé vào cửa với mức giá dành cho người nước ngoài, trả tiền nhà khách, và để bằng lái xe của mình ở phòng lễ tân thay cho hộ chiếu. Không có ai gọi điện cho cô biết chút thông tin gì về cuốn hộ chiếu. Cô coi như nó đã mất, và không thể làm gì thêm ngoài việc thông báo cho lãnh sự quán Mỹ tại Hà nội biết là cô đã bị mất hộ chiếu.
Điều làm cô lo lắng là khi rời đi, nếu không có hộ chiếu thì làm sao có thể làm thủ tục xuất cảnh. Thêm nữa, vé máy bay của cô đi qua Singapore. Khi đến đó, nếu không có hộ chiếu thì cô sẽ làm gì. “Chắc là vẫn xuất cảnh được, họ chả cần giữ mình ở đây làm gì,” Myra nói, “Còn khi đến Singapore, hy vọng là người Singapore thông cảm và cư xử văn minh hơn, hay ít ra là biết nói tiếng Anh hơn, chứ không như ở đây.” Nghe Myra nói vậy, tôi cảm thấy hơi tự ái, song cũng không có cách nào để thanh minh.
Hình như một phép màu nhiệm gì đó đã đến với cuốn hộ chiếu ấy. Ngày cuối cùng cô ở nhà khách, nhân viên bỗng gọi cô đến văn phòng hành chính. Ở đó, cô gặp hai người công an, trong đó có một người nói được tiếng Anh. Họ hỏi cô rất nhiều câu hỏi, tên, địa chỉ ở Mỹ, thân nhân, nghề nghiệp, các mối quan hệ ở Việt Nam, mục đích đến Việt Nam… và cuối cùng, chìa ra trước mặt cuốn hộ chiếu mà cô tưởng đã bị mất. Myra thú nhận là đã phải nói ra tên tôi, vì họ đã biết tôi thường xuyên đến nhà khách và gặp cô ấy rồi. “Hy vọng là bạn không gặp rắc rối gì,” Myra bảo tôi.
Đó là thời điểm cách đây 30 năm, đúng vào thời gian bình thường hóa mối quan hệ Việt-Mỹ, khi mà không khí quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn đầy cảnh giác, dè dặt. Điều đó chắc chắn ít nhiều có ảnh hưởng bất lợi với những người Mỹ đến Việt Nam và những người Việt Nam có dính dáng quan hệ với người Mỹ, dù là với tư cách bạn bè hay là đối tác công việc.
Buổi sáng và trưa trước khi Myra rời Hà nội để bay về Mỹ, tôi đến giúp cô thu xếp hành lý, trò chuyện, và đi ăn chia tay với Myra. Cô kể cho tôi nghe về cuộc gặp gỡ với hai người công an. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, cùng nhau phỏng đoán là rất có thể họ đã tìm thấy hộ chiếu của cô ngay sau khi cô để quên ở sân bay, nhưng đã giữ lại, không đưa trả ngay để dễ theo dõi và tiện kiểm soát việc đi lại của cô.
Từ đó đến nay, Myra không trở lại Việt nam một lần nào nữa.