Vài nét về tác giả:
Tác giả Cao Bá Khoát sinh năm 1947, tại Tự Tân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là phóng viên nghỉ hưu. Hiện ông đang sinh hoạt trong chi hội văn học, Hội văn học nghệ thuật Thái Bình.
Ông đã được tặng thưởng huân chương chống Mỹ cứu nước hạng ba, kỉ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật, vì sự nghiệp phát thanh truyền hình, vì sự nghiệp Văn hóa thông tin Việt Nam.
Ông xuất bản 12 tập truyện ngắn và kí. Một số sách được giải thưởng của ban thường vụ tỉnh ủy Thái Bình, ban tuyên giáo Trung ương, được nhận giải thưởng Lê Quý Đôn.
Trong 15 năm, Cao Bá Khoát đã viết được 400 câu chuyện truyền thanh cho đài tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh Thái Bình. Một số truyện ngắn đã được đăng trên báo Văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam, tạp chí Văn nghệ Thái Bình và các tạp chí Văn nghệ các tỉnh bạn.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
CHUYỆN NHÀ CỤ KIỆM
Truyện ngắn của Cao Bá Khoát
Cụ Kiệm năm nay đã xấp xỉ bát tuần, cụ là một lão nông tri điền thực thụ của làng Nam. Làng Nam của cụ Kiệm là một làng quê thuần nông, người làng Nam chuyên sống bằng nghề trồng lúa. Cụ vừa được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Con trai út của cụ lại vừa được bổ nhiệm làm giám đốc một công ty lớn ở tỉnh. Hai sự kiện mừng vui ấy đến cùng một lúc. Ai cũng mừng. Mừng nhất là bà Toe, vợ ông giám đốc.
Hôm nay, con trai, con dâu của cụ Kiệm từ thị trấn, từ thành phố về quê thăm cụ và bàn công việc gia đình. Chị Toe, vợ anh Dám, hắng dọng liền mấy cái, rồi khẽ khàng thưa với bố chồng:
– Dạ thưa bố và chị Trân… Nhà mình phải mở đại tiệc mừng hai đại sự. Con đã chuẩn bị đầy đủ cả rồi. Lương thực, thực phẩm nhà mình chẳng thiếu. Tiền nong cũng kha khá. Dòng họ nhà ta là dòng họ to nhất xã, nhà mình cũng vào hàng danh giá.Vì vậy, mình phải mở đại tiệc thật linh đình, thật hoành tráng. Quyết không thể làm úi xùi được. Bố và chị Trân thấy thế nào? Anh Dám, anh thấy thế có được không?
Dám nói như để chiều lòng vợ:
– Vợ anh đã nghĩ điều gì thì chỉ có đúng trở lên. Đã chí lí lại chí tình. Điều cốt yếu là phải mừng cho cụ. Bao nhiêu năm cống hiến, vào sinh ra tử, bây giờ Đảng đã ghi công, Đảng tặng cho cái huy hiệu là mãn nguyện bố…
Toe cướp lời chồng:
– Anh cũng đáng được ăn mừng lắm. Bao nhiêu năm trông chờ… Cái ghế ấy bất quá chỉ vài ba triệu là cùng. Nhưng ngồi vào được cái ghế ấy mới là điều quan trọng. Mong mỏi mãi, nay mới được phong quan, tiến chức. Mà có chức là có quyền, có quyền là có tiền.
Dám lại nịnh vợ: “Em nói câu này lại cực kì đúng. Không thể chê vào đâu được. Thế… ý chị Trân ra sao?”. Trân gãi gãi mái tóc dầy: “Thú thực… Tôi là chị dâu chú thật đấy, lại là vợ anh Trung, chủ tịch huyện… Bảo là nên thì …chẳng dám, mà bảo không cũng chẳng đành. Chú thím nên xin ý kiến cụ..”.
Cụ Kiệm đã nghe đủ câu chuyện ba người vừa nói. Bây giờ cụ mới lên tiếng: “Tôi muốn hỏi anh Dám một câu?”. Dám lại gần bố: “Vâng, bố cứ hỏi, con của bố trước đây, hôm nay và sau này, lúc nào cũng sẵn sàng nghe lời bố dậy”.
Cụ Kiệm nói rõ ràng từng tiếng một:
– Anh nói cho bố nghe xem: Vợ anh bàn thế có nên không?
Toe không để cho chồng kịp mở miệng. Chị giành lấy quyền trả lời: “Thưa bố… Anh Dám nhà con đã công nhận con nói rất chí lí. Niềm vinh dự của bố không thể cứ để yên trong tủ, mình phải khoe ra cho thiên hạ biết. Năm mươi năm tận tâm, trung thành với Đảng, có ai biết mình hy sinh biết bao danh lợi. Còn nhà con, anh Dám đã ngong ngóng cái chức giám đốc mấy năm nay rồi. Con cũng đã chuẩn bị đầy đủ: gạo tám, gà ta, bia bọt , rượu ngon… Mình sắp khoảng trăm mâm…”. Dám trố mắt nhìn vợ: “Này, Những trăm mâm? Vợ anh định khao làng nước chắc?”
Toe vênh mặt lên: “Anh thì biết gì mà bàn? Mình mời toàn những vị quan chức… Họ chẳng đến ăn không của mình đâu. Họ đến ăn tiệc, họ mừng bằng tiền chùa…Họ không thiệt mà mình được lợi”. Chị Trân hình như thấy có cái gì vương vướng nơi cổ họng, chị cầm tay người em dâu, thỉ thót: “Thím nghĩ thế là sai rồi đấy”.
Toe không để người chị dâu lên lớp, chị nói phè cả bọt mép:
– Em đã tính cấm có bao giờ sai. Mình phải thả con săn sắt thì mới bắt được con cá sộp. Mấy đám cưới con ông to, bà nhớn, cỗ bàn linh đình, tiền mừng chật cả hòm… Chẳng đám nào lỗ cả. Mấy đám em mời… có các vàng họ cũng không dám vắng. Mà họ đã đến là họ chơi sang lắm. Sau lễ mừng này, chắc chắn bố sẽ giầu, mà chúng con cũng giầu to.
Cụ Kiệm đập tay xuống bàn:
– Hừ, chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. Bố không tán thành kiểu làm giàu ấy của con. Đang trong lúc Đảng ta phát động phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mà đạo đức của Cụ là : “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Mình là con nhà nông, làng quê mình là làng quê thuần nông, có bản sắc riêng của làng quê “thuần phong mỹ tục”. Các con hiểu chứ?
Chị Trân kéo Toe ra, nói nhỏ: “Đấy, thím đã thấy chưa?”
Toe thấy bố chồng giận, cũng có phần e sợ, nhưng bản tính của chị là thiếu chín chắn, chị cự nự : “Thì bố là đảng viên, hưởng ứng phong trào do Đảng khởi xướng, bố phải nói thế chứ. Con có là đảng viên đâu? Con tính thế này: Bố cứ lờ phắt đi, coi như không biết, cứ để kệ chúng con làm..”. Cụ Kiệm nghe con dâu nói thế, cơn tức như đã bị dồn nén khá lâu, cụ tạm nén xuống, tuy nhiên giọng cụ vẫn còn căng lắm: “Không được. Anh Dám không phải là đảng viên chắc? Đảng viên để vợ con mình làm điều không tốt… Có còn tư cách đảng viên không?”. Chị Trân vuốt lưng cho cụ Kiệm, chị nói với bố chồng suy nghĩ của mình: “Thưa bố, anh Trung, chồng con là chủ tịch huyện… Đi đến đâu cũng rao giảng: Phải tích cực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phải cần, kiệm, liêm, chính, tiết kiệm là quốc sách… Con cam đoan là anh Trung cũng nghĩ như bố”. Cụ Kiệm thấy con dâu trưởng nói thế, cũng nguôi ngoai cơn giận. Cụ nhìn chị Trân bảo: “Bố công nhận là anh Trung làm việc gì cũng đúng như lời đã nói. Chủ tịch huyện phải như thế mới được. Anh Dám, chị Toe cũng nên noi theo anh Trung..”. Toe nói với bố chồng mà như nói với ai ở nơi nào đó: “Cứ như bố thì nước ta phải mở cái trường dậy các quan huyện, quan tỉnh làm chủ tịch, làm giám đốc. Mà…Bố nói thế có nghĩa là bố không nhất trí cho chúng con mở đại tiệc..”. Trân nháy mắt ra hiệu cho Toe: “Bố đã nói thế mà chú, thím chưa hiểu ý sao?”. Toe giẫy nẩy lên như đỉa phải vôi: “Đấy là ý bố. Thôi được, bố không muốn phô trương danh hiệu cao quý của bố thì thôi. Chồng con và con đã nhất trí rồi. Phải khao mọi người với chức danh giám đốc… Con sẽ tổ chức ở nhà riêng của con, thế nào bố và anh chị Trung cũng phải đến đấy. Con nói lại là ý chúng con đã quyết…!”. Dám về hùa theo ý vợ, nhưng lại muốn tỏ ra mình là người có uy quyền. Anh ta vỗ vai Toe bảo rằng: “Không được. Vợ anh nói thế là không được. Hôm nào mở đại tiệc, con sẽ cho cậu Bỉnh đánh xe ô tô về tận cổng, đón cả nhà ta lên phố”.
Cụ Kiệm xua xua tay phản đối:
– Đừng. Đừng nên làm thế. Bố sẽ không đi đâu hết.
Dám biết tính bố anh là người đã nói câu gì, y như là đinh đóng cột. Anh bỏ một câu lấp la lấp lửng: “Cái đó thì… tuỳ bố. Con sang thăm bác Chánh đây”. Nói xong câu đó, Dám để mọi người ở đó, đi nhanh ra ngõ…. Có tiếng xe máy rẽ vào sân. Thì ra anh Trung, con trai trưởng của cụ, về thăm bố. Từ ngoài ngõ, Trung đã lên tiếng: Con chào bố, chào thím Toe…Chị Toe nhìn thấy người anh chồng đi xe máy về nhà thì ngạc nhiên vô cùng: “Ơ hay, xe con đâu mà ông chủ tịch huyện lại phải đi xe máy về thăm bố thế này? Thay luôn cái tay chánh văn phòng uỷ ban được rồi đấy”. Trung hơi ngỡ ngàng chút xíu, song anh điềm tĩnh trả lời người em dâu: ‘Thím Toe thấy lạ lắm sao? Xe công chỉ dùng vào việc của cơ quan. Tôi về thăm bố là tôi đi tư tác. Không lấy xe công về nhà riêng được’. Cụ Kiệm gật đầu tán thưởng: “Anh nghĩ được thế, làm được thế là bố mừng. Thôi, vào giếng trong nhà mà rửa mặt mũi chân tay cho mát. Trông ông chủ tịch huyện đi xe máy, lại đội mũ bảo hiểm hẳn hoi, oách lắm, ra dáng lắm’. Trân đợi cho chồng đi hẳn vào sân giếng nước, chị đến gần cụ Kiệm, thẽ thọt: “Con kể cho bố nghe chuyện này: Một hôm nhà con đi thăm anh bạn …Cậu lái xe cứ nằng nặc đòi đưa nhà con đi bằng xe cơ quan, nhà con bảo: Mình đi thăm đồng đội. Bạn chiến đấu khi xưa ở chiến trường. Nó không thích mình đi xe của cơ quan đến thăm nó. Mình đi xe máy của mình. Anh ấy đi thăm bạn bằng xe máy, có đội mũ bảo hiểm đàng hoàng. Mấy người nhìn theo chê bai rằng: “ Ông này hâm tỷ độ”. Chiều về, con hỏi gặng, nhà con bảo: Mình đến hội nghị, với tư cách chủ tịch, trưởng ban an toàn giao thông, vận động mọi người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, một ông nói thẳng ra rằng: “ Các ông suốt ngày đi ô tô, nói thế nào mà chẳng được”. Mình nghĩ tay ấy nói thế mà đúng. Mình phải đi xe máy, phải đội mũ bảo hiểm để cho họ thấy mình nói được, làm được.
Toe nghe thấy thế phì cười: Chị nói thế chứ… Khối ông rao giảng thì rất hay, làm thì đâu có được. Mà tôi nghĩ: Anh Trung có khi cũng lẩm cẩm thật… Chủ tịch huyện mà đi xe máy, đầu đội cái nồi cơm điện to tổ bố, trông chán chết.
Cụ Kiệm lại lắc đầu: “Bố thấy chị Toe nói câu gì cũng lệch pha, lệch hướng…Chủ tịch huyện hay Chủ tịch Nước thì cũng là người dân nước Việt, cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp. Tôi thấy anh Trung đi xe máy, đội mũ bảo hiểm, oai phong lẫm liệt lắm. Dân ta mong có nhiều vị lãnh đạo nói với làm là một”. Toe thấy bố lúc nào cũng chê bai mình, chị ấm ức lắm. Chị lẩm bẩm: Cùng là con trai bố mà con thấy bố toàn khen anh Trung. Anh Dám nhà con chẳng được bố khen lần nào cả.
Cụ Kiệm nhìn chằm chằm vào mắt con dâu, nói như thanh minh: “Bố không bao giờ thiên vị. Bố thương con trai, con dâu, con rể như nhau tuốt, anh nào làm tốt thì bố khen, anh nào cần uốn nắn thì bố dậy bảo đến nơi, đến chốn . Chị Toe thấy bố cần khen anh Dám ở điểm nào nào? Anh Dám đã làm được điều gì cho bố hài lòng chưa?”
Toe nói như phân bua: “Nhà con có chí tiến thủ rất cao, phấn đấu trầy da, trật vẩy mới lên được chức giám đốc công ty… Phải trăm mưu, ngàn kế mới có cái ghế béo bở ấy đấy bố ạ.”
Cụ Kiệm chán nản thật sự. Cụ không ngờ con trai, con dâu cụ lại có những người như Dám, như Toe. Tuy nhiên, trách nhiệm của cụ là phải bảo ban, dậy dỗ các con. Cụ nói với Toe: “Thế thì bố lại chẳng dám khen đâu. Dùng mưu mẹo để lên làm lãnh đạo thì khen sao được? Thôi, ta chuyển sang chuyện khác nhá… Anh Trung về rồi đấy, ta cùng nhau bàn cái chuyện mà hôm nọ bố đã đề xuất..”. Toe lại một lần nữa giãy nảy lên: “Chuyện làm nhà tình thương cho cô Hoàn… Con vẫn không nhất trí”.
Đúng lúc này thì anh Dám vừa ở bên nhà ông Chánh về. Dám bô bô khoe: “Ông Chánh đúng là hâm tỷ độ, mình đến thăm, chưa nói được câu nào, ông ấy đã lôi chuyện làm nhà cho cô Hoàn ra gặng…”. Trung từ sân giếng về, anh hỏi thẳng người em trai: ‘Thế… ông Chánh gặng… Chú trả lời sao?”. Dám lại bô bô: “Việc làm nhà cho cái cô cựu thanh niên xung phong ấy đã có Nhà Nước lo. Cô Hoàn là cô ruột mình thật đấy, nhưng cô ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đường Trường Sơn, bây giờ Nhà Nước phải trả ơn… Họ tộc mình việc gì phải ôm rơm cho rặm bụng? Một tiêu chí vô cùng quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là xoá nhà ở dột nát. Nhà Nước phải lo chuyện đó, đâu đến lượt mình”
Cụ Kiệm bực mình lắm rồi đấy. Tuy nhiên cụ vẫn khẽ khàng nói với các con:
– Anh Dám nói thế không lọt tai tôi. Đành rằng Nhà Nước rất quan tâm đến những người có công, nhưng… Nhà Nước là ai? Là anh ruột của anh đấy, là các anh, các chị đấy, là cả bố anh đây nữa… Anh có biết: Năm ngoái, cô Hoàn anh đã tình nguyện nhường tiêu chuẩn làm nhà cho ai không? Cô ruột anh đã một lần hy sinh tuổi trẻ của mình cho đất nước, giờ đây lại tiếp tục nhường quyền lợi lẽ ra mình được hưởng cho một người còn khó khăn hơn mình rất nhiều lần…
Toe cướp lời bố chồng: “Nhưng mà… Cơ quan của anh Dám nhà con cũng đã góp khối tiền cho phong trào xoá nhà dột nát, xoá đói giảm nghèo…. Tiền chứ có phải vỏ hến đâu mà vung, mà vãi mãi được”. Trung không muốn để người em dâu tiếp tục làm phật lòng bố… Anh hỏi Dám: “Nghe nói… Chú thím về quê lần này,dự kiến tổ chức lễ mừng hai sự kiện lớn..’. Toe khoe ngay: “Cũng định thế nhưng bố và chị Trân không tán thành. Em định làm cỗ trên nhà em. Mở đại tiệc ở Thành Phố chắc chắn sẽ oách hơn ăn uống lèm nhèm ở nông thôn… Thế nào anh cũng phải có mặt đấy. Vắng anh là không được đâu”. Trung hơi phân vân, anh hỏi người em dâu: “Tại sao lại cứ phải có mặt tôi?”. Dám đỡ lời vợ mình: “Em định mời toàn quan chức có máu mặt trên tỉnh… Anh phải để chúng em tự hào có người anh là chủ tịch một huyện tầm cỡ nhất tỉnh… Mấy vị quan chức rỉ tai em: Phải mời bằng được anh Trung..”. Trung phì cười: “Tôi mà có giá thế cơ à? Chỉ là một anh chủ tịch của một huyện thuần nông, đã là cái gì đâu mà chú tâng tôi quá thế?”. Toe thấy được đà, nói liến thoắng như sợ có ai nói tranh mất phần mình: “Nhiều lão giám đốc cỡ bự, đến chơi với anh Dám nhà em, kính nể anh lắm. Anh Trung, thế nào anh cũng đến vui với vợ chồng em đấy nhá”. Trung kéo Dám và Toe ra gốc cây hồng đầu ngõ, nói nhỏ đủ cho hai người nghe:
– Thế… Chú thím đã mời cụ chưa?
Dám nói nhỏ:
– Rồi, nhưng cụ gạt phăng đi. Bảo đánh xe về rước cụ lên, cụ lên lớp cho một mẻ toát mồ hôi… Cả chị Trân cũng thế.
Trung cười :
– Bố mắng cho là quá đúng. Trong lúc bố bảo dành tiền làm nhà tình thương cho cô Hoàn thì chú thím bảo không có tiền, lại bày ra đại tiệc, ăn mừng lên giám đốc…
Toe ngúng nguẩy, không tán thành với suy nghĩ của Trung:
– Việc ăn mừng là việc của nhà mình, việc làm nhà tình thương cho cô Hoàn là việc của xã hội, việc của dự án nông thôn mới. Hai việc ấy có liên quan gì đến nhau đâu?
Cụ Kiệm đã nghe hết câu chuyện của ba người, tuy nói nhỏ nhưng tiếng nói của Toe nào đâu có nhỏ? Cụ thấy không thể không lên tiếng:
– Thế nào là không liên quan? Cô Hoàn không phải là người của gia đình mình hay sao? Dở ra ăn uống linh đình, hoành tráng trong khi xã hội còn khối người khó khăn, nơi ở thì dột nát, lao động thì cực nhọc. Cô Hoàn của các con là một dẫn chứng sống động nhất…Khuyên các con không được thì bố đành lấy quyền gia trưởng, bố quyết định vấn đề này vậy.
Nói đến đây, cụ Kiệm đội lên đầu chiếc khăn xếp, mặc vào mình chiếc áo chùng đen, vén rèm bàn thờ tổ tiên, thắp ba nén nhang, chắp tay vái lậy, rồi khấn to :
– Kính lậy Cụ Hồ, kính lậy tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Kính lậy bà tổ cô tứ đại. Kính lậy táo phủ thần quân, thành hoàng thổ địa… Con là Kiệm, cùng các con trai, con dâu cúi lậy trước bàn thờ tổ, xin cẩn cáo một việc như sau: Con vừa có niềm vinh dự được Đảng tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, con trai út của con lại vừa được trao chức vụ giám đốc… đấy là điều mừng của đại gia đình ta. Con cháu có dự định mở đại tiệc ăn mừng, cỗ bàn khoảng một trăm mâm, tiền chi khoảng vài ba tỷ… Nhưng… Ngày nay cả nước đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phát huy truyền thống của ông cha: Tiết kiệm ích nước, lợi nhà, bố mẹ lại đã đặt tên cho con là Kiệm. Quê hương mình lại được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới! Vì vậy con bàn với các con, các cháu, dành số tiền ấy, góp cùng làng nước, làm ngôi nhà tình nghĩa cho cô Hoàn. Âu là cũng góp phần cùng Nhà Nước thực hiện tiêu chí thứ 9 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới! Cụ Chủ tịch và tổ tiên, ông bà, cha mẹ chấp nhận lời thỉnh cầu của con thì ứng cho khói nhang vươn thẳng lên, con vái lạy tạ ơn.
Cụ Kiệm vừa khấn xong thì chị Trân reo lên:
– Trông kìa… Tổ tiên đã linh ứng.
Dám như không tin vào mắt mình, đúng là khói nhang vươn thẳng đứng. Anh hoảng hốt chắp tay trước ngực, đến trước bàn thờ gia tiên, lẩm bẩm:
– Kính lạy tổ tiên… Lúc đầu, con đã nghĩ sai, nghĩ lệch… Con tình nguyện dâng toàn bộ số tiền dự kiến làm đại tiệc, để làm nhà tình nghĩa cho cô Hoàn. Xin Tổ tiên xá tội cho con.
Toe thấy chồng như thế, chị cũng vội vã đến bên chồng, quỳ sụp trước bàn thờ gia tiên mà rằng: “Con cũng là người có lỗi. Cô Hoàn còn khó khăn nhiều lắm, xã hội còn nhiều người cơ cực lắm… Con cúi xin tổ tiên xá tội cho con”.
Trung cười rất to, anh vui vẻ nói với mọi người:
– Ngày hôm nay toàn là chuyện vui mừng. Xin phép bố… Con ra trụ sở uỷ ban xã, làm việc với lãnh đạo địa phương, định rõ ngày khởi công xây ngôi nhà tình nghĩa cho cô Hoàn bằng toàn bộ số tiền của gia đình mình. Cô Hoàn là người nhà mình mà mình không lo được thì…
Toe kéo tay người anh chồng, hỏi nhỏ:
– Anh định đi xe máy, đội cái nồi cơm điện này đến làm việc với địa phương á?
Trung cười : Thì đã sao? Thím sợ họ cười tôi ư? Mà tôi có xuống cơ sở làm việc với tư cách chủ tịch huyện đâu? Tôi đi chuyến này với tư cách thành viên của gia đình mình, bàn với họ về chuyện nhà mình…
Cụ Kiệm gật đầu :
– Anh Trung nói đúng. Dẫu anh xuống xã, bàn việc công, đi xe máy, đội mũ bảo hiểm, người ta cũng rất quý. Anh nên làm thế vì bố chưa bao giờ được tận mắt thấy một vị chủ tịch huyện như vậy đâu. Con là con trai bố nên bố mới nói vậy, đừng trách gì bố nhé. Nhưng… theo bố thì… nên để anh Dám đến nói với chính quyền xã chuyện này…
Dám nhẩy cẫng lên:
– Bố dậy thế là quá đúng. Anh để em đi!
Chị Trân đến bên chồng, nhìn anh với bao niềm trìu mến. Chị nói với chồng:
– Anh Trung… Nên để chú Dám đi, tốt hơn. Còn anh thì nên bàn với các cơ quan chức năng về vấn đề tiết kiệm theo lời Bác dạy…
Cụ Kiệm gật gù, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt:
– Chị Trân ra dáng vợ ông chủ tịch huyện lắm. Phải biết lo cho dân, phải biết thương dân…Tiết kiệm là quốc sách, nhất là tiết kiệm điện lúc này là đúng, nhưng với nông dân, với trẻ em nông thôn thì cần có sự ưu tiên đặc biệt. Bố thấy các phòng làm việc của các vị quan tỉnh, quan huyện, các nhà hàng, quán ba, khách sạn, nhất là những khu du lịch… họ dùng điện lãng phí lắm… Nơi cần thì thiếu, nơi không cần thì lại quá thừa…
Trung thấy bố mình quả là một con người tâm lý. Anh nói với bố:
– Những nơi khác thì đúng là như thế, nhưng ở chỗ con thì đã triệt để tiết kiệm, tạm cắt điện tại những nơi, những phương tiện không cần thiết như đèn trang trí, điều hoà nhiệt độ… Không dùng xe công đưa đón lãnh đạo tận cổng nhà riêng, không dùng xe công chở lãnh đạo, nhân viên đi thăm quan, nghỉ mát, lễ chùa… Không dùng công quỹ làm quà biếu xén, liên hoan…
Cụ Kiệm cười sảng khoái:
– Bố biết. Bố biết. Như vậy là con và cả huyện mình đã và đang “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” rồi đấy.