Theo thông tin từ trang web NXB ĐH Texas Tech (Mỹ), tuyển tập gồm 22 truyện ngắn đương đại của 22 nữ tác giả Việt Nam có tựa đề Longings (Khát vọng) sẽ ra mắt độc giả vào tháng 3.2024.
Hai dịch giả là GS Hà Mạnh Quân (ĐH Montana) và TS Võ Hương Quỳnh (ĐH American) cho biết thời gian từ khi lựa chọn đến khi ra mắt tuyển tập này là 2 năm. Theo hai dịch giả, lý do để chọn các tác phẩm dịch lần này là họ nhận thấy văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Anh đa số là các tác phẩm kinh điển và những truyện ngắn, tiểu thuyết liên quan đến chiến tranh. Với mục đích giúp độc giả toàn cầu có cái nhìn mới và đa chiều về văn học Việt Nam, GS Quân và TS Quỳnh đã tuyển chọn và dịch 22 tác phẩm viết từ 1998 đến nay nhằm nói lên khát vọng của người phụ nữ trong 20 năm đầu của thế kỷ 21.
Bìa sách và thông tin về cuốn sách trên trang web của NXB. Ảnh: Dịch giả cung cấp
Các tác phẩm trong Khát vọng lần đầu tiên được dịch ra tiếng Anh, tập trung vào những khát khao của phụ nữ Việt Nam khi họ phải đối mặt với đau khổ và đấu tranh, hy vọng và tuyệt vọng, buồn tủi và hạnh phúc, khi những thay đổi về xã hộ và kinh tế đã ảnh hưởng đến cuộc sống và giá trị của họ kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vào giữa những năm 1990. Tuyển tập bao gồm những truyện ngắn của các tác giả nữ đến từ nhiều vùng miền khác nhau và đại diện cho sự đa dạng, phong phú của truyện ngắn đương đại Việt Nam .
Hai dịch giả cho biết khi quyết định chọn dịch tác phẩm cho tuyển tập này, họ phải cân nhắc rất kỹ vì muốn mỗi tác phẩm có một sắc màu riêng và phản ánh một khía cạnh cuộc sống khác nhau. Có những truyện dịch giả tâm đắc muốn dịch, có những truyện được chính các nhà văn gửi cho dịch giả để xem xét, và có cả truyện được các học giả hay các nhà văn đề cử. Ngoài những nhà văn đã thành danh như Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, trong tuyển tập còn có tác phẩm của những cây bút trẻ như An Thư, Nguyễn Thị Kim Hòa, Niê Thanh Mai. Theo hai dịch giả, Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống, vì thế trong tuyển tập có các tác phẩm viết về người phụ nữ dân tộc thiểu số, như Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (Đỗ Bích Thúy), Mưa ướt áo ai (Tống Ngọc Hân)…
TS Võ Hương Quỳnh thường giảng dạy văn học Đông Nam Á và mong muốn có nhiều tác phẩm đương đại của văn học Việt Nam để giới thiệu cho sinh viên Mỹ. GS Hà Mạnh Quân từng được mời thỉnh giảng 1 năm tại ĐH Fulbright ở Việt Nam, ông nhận thấy nhiều giảng viên và học giả tại Việt Nam mong có thêm tư liệu về văn học Việt Nam để tham khảo viết bài nghiên cứu khoa học quốc tế. Ông cũng quan ngại khi nhiều độc giả Mỹ thường hay nghĩ văn học Việt Nam chỉ gói gọn trong hai chữ “chiến tranh”.
Hai dịch giả cho biết thêm họ chọn dịch truyện ngắn vì muốn giới thiệu nhiều nhà văn với nhiều quan điểm và góc nhìn đa dạng, trong khi dịch tiểu thuyết thì chỉ có một tác giả được biết đến. Hơn nữa, thông thường truyện ngắn sẽ dễ đưa vào chương trình học tại Mỹ hơn so với một tiểu thuyết vài trăm trang. Tại Mỹ và Anh hiện nay, ngành Đông Nam Á học thu hút khá nhiều sinh viên, vì thế tuyển tập Khát vọng góp phần giới thiệu cho độc giả quốc tế hiểu thêm về văn hóa, suy nghĩ, quan hệ trong gia đình, và cuộc sống của người Việt Nam ở đầu thế kỷ 21.
Khát vọng có giá bán 27,95 USD và phát hành trên toàn thế giới.
Nguồn: Báo Thanh Niên