Vài nét về tác giả Đặng Thành Văn
Sáng tác đầu tay: bài thơ “Canh lạc tiên” trong chiến đấu, tháng 4 năm 1975, tại điểm chốt chặn đường 13 quận lỵ Chơn Thành, Thủ Dầu Một, nay thuộc tỉnh Bình Dương. Bài thơ in báo Cửu Long, Quân Đoàn 4.
Những tác phẩm đã xuất bản:
1 – Tập thơ “Với Cỏ” năm 2003, nhà xuất bản Lao Động.
2 – Tập thơ “Đồng Dao Muộn” năm 2006, nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
3 – Tập thơ “Ba Hai Một” năm 2010, nhà xuất bản Hội Nhà Văn
4 – Tập thơ “Tiếng Nguồn” năm 2016, nhà xuất bản Phụ Nữ.
5 – Tập tiểu luận phê bình “Chữ của văn chương” năm 2020, nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
Giải thưởng văn học: Giải C cho Tập thơ “Đồng Dao Muộn” – Giải thưởng văn học nghệ thuật Lê quý Đôn của Ủy Ban nhân dân tỉnh Thái Bình trao tặng.
Truyện ngắn
PHONG LIỄU KIẾM
Gà gáy canh tư, Thục Nương choàng dậy, hôm nay nàng dậy sớm hơn mọi ngày, tâm trạng náo nức, hết đứng, lại ngồi. Tin vui chàng Hương, vị hôn phu tương lai của nàng cùng cha mẹ sáng nay đến thăm nhà nàng. Cha của Phạm Danh Hương đang là Lạc Hầu vùng Đức Bác, lần đầu tiên đến đây, còn mẹ chàng, đã có vài lần qua lại nhà nàng. Trước là vấn an thăm hỏi, sau là… sau là… nàng mỉm cười, rồi ý tứ gọi mẹ, thưa rằng, “Chắc đi cùng họ Phạm gia thế nào chả có bà mối theo cùng phải không mẹ?” Mẹ nàng cười: “Điều ấy đúng rồi. Trầu ăn cánh phượng con đã têm hôm qua, còn các thứ khác Vũ Ông đã lo. Con thấy rồi đó, một con lợn rừng đang quay, công thui đã tẩm gia vị, cá đưa về từ ngã ba sông Bạch Hạc thả trong ang nước, rượu vò Vũ Ông ủ đã ba năm mở ra thơm lắm. Phần còn lại là con, phải đi đứng đoan trang, đừng có cuống lên đấy nhé”! Bà nhìn yêu con gái: “Con dậy sớm thế, giờ thìn họ mới đến cơ mà?”
Thục Nương đỏ mặt chạy lại bên mẹ: “Thì mẹ đã dậy rồi đấy thôi!”.
Trời sáng rõ, gia nhân ai nấy đã vào việc. Thấy con gái mình vẫn bồn chồn, lúng túng, bà đưa kế bình tâm, dậy rằng: “Với con, việc nữ công gia chánh cha mẹ rất vừa lòng, hôm nay cha, mẹ và anh con, muốn được nhìn con múa kiếm đi quyền”.
– Thưa mẹ, mọi ngày…
– Mọi ngày khác, hôm nay khác. Bà mỉm cười ngắt lời. Vả lại Vũ Ông và anh con đang lúc thư thả cũng muốn nhân thể thị sát võ công của con. Nói rồi, bà lui vào nhà trong mời chồng và cho gọi con trai lại.
Nàng vâng dạ, bước ra sân, hai tay cung kính, cúi mình xin được như ý. Mọi người chăm chú nhìn theo đường quyền lúc mềm dẻo, khi dũng mãnh. Nghe trong gió luân chuyển luồng khí phát ra trường lực từ thân thể nàng xiết bao mạnh mẽ. Họ không thể tin được trước mắt mình lại là quý công nương yêu quý, yểu điệu, yếu đuối ngày nào. Đi hết bài quyền, nàng nhẩy ba bước, trong khoảnh khắc, đã đến bên giá rút kiếm, rồi tung người trở lại, đường gươm thoăn thoắt quấn sát bên người, tiến lui ẩn hiện quyền biến khôn lường. Bất chợt anh nàng reo lên: “Phong Liễu Kiếm, Phong Liễu Kiếm!”. Vũ Ông đứng bật dậy, ông không ngờ Thục Nương lại đi những đường gươm sắc lạ đến thế. Mặt ông rạng rỡ, còn mẹ nàng thì ngơ ngác, rồi bà bật vui khi thấy mọi người hoan hỉ. Vũ Ông quay sang người con trai hỏi “Phong Liễu Kiếm ấy là của sư phụ thuộc trường phái nào truyền dậy cho Thục Nương vậy?”. Ngưòi con trai thưa: “Dạ, của chính Thục Nương luyện ra”.
– Giỏi, giỏi. Ta không ngờ, ta không ngờ. Mật mã ở bài kiếm này có phải ở lấy nhu chế cương, lấy đoản chế trường không?
– Vâng đúng ạ! Người con trai thưa.
Nàng vừa kịp thu kiếm, bỗng đâu vang dậy tiếng vỗ tay tán thưởng. Mọi ngưòi nhìn ra, đã thấy một đoàn người nhà Phạm Danh Hương cùng bà mối và đám gia nhân tới cổng. Cha mẹ nàng tươi cười cung kính mời khách. Nàng có phần e thẹn, lúng túng, bỏi lẽ, nàng phải trong trang phục công nương đón khách, chứ không phải trong trang phục nhà võ như thế này. Cha chàng, một người vốn giỏi văn, thông võ nghĩ khác vì chăng. Nàng thẹn thùng cúi đầu xin lỗi: “ Hiền nhi đã làm điều ngỗ nghịch không phải cho lắm.” Vị Lạc Hầu cười vang: “Không sao, không sao! Thế mới là trai anh hùng gái thuyền quyên chứ!”. Nói rồi, ông liếc sang con trai mình tỏ ý vừa lòng.
Từ ngày đặt phủ soái tại thành Luy Lâu, Tô Định cho tu bổ thành cao, hào sâu, ngày cho quân đi cướp bóc, đêm đốt đuốc canh phòng, rượu say, gối đầu ngủ yên. Tin từ trang Phượng Lâu, Vũ Thục Nương con gái yêu của Vũ Công Chất, một hào trưởng giàu có lại có thế lực nhất vùng sắp làm lễ cưới với Phạm Danh Hương con một Lạc Hầu, khác nào hổ thêm móng vuốt, đại bàng thêm cánh, làm y lo sợ, tức tối. Việc ấy sẽ làm lung lay sự thống trị của nhà Hán trên đất Giao Châu, mà người đầu tiên mất ngôi vị ở sứ này lại chính là hắn.
Định đưa trát đòi cha nàng và Phạm Danh Hương đến phủ soái của y. Sự việc diễn ra thật bất ngờ, Vũ Ông và Phạm Danh Hương biết Định là kẻ xảo trá, đê tiện, độc ác, nếu từ chối ắt không xong. Gia quyến đôi nhà và quê hương sẽ bị tàn phá, chết chóc. Trước khi đi, Vũ Ông dặn dò vợ con trong nước mắt: “Ta đi lần này khó đường quay về, bà thay tôi lo tất việc nhà, chăm sóc bảo toàn Thục Nương, giữ cho được gia phong nề nếp họ Vũ ta”. Rồi gọi con trai đến, miệng nói, tay chỉ ra xung quanh, bỗng tay ông dừng lại hướng ngã ba sông Bạch Hạc, nhỏ to …“thế nhé… thế nhé”. Đoạn quay sang Thục Nương trấn an: “Chắc không sao đâu, ấy là cha lo xa vậy, cha và Phạm Danh Hương rồi sẽ trở về”.
Sau gần một ngày trên lưng ngựa, Phạm Danh Hương đã đến Phượng Lâu Trang. Chàng nhanh nhẹn xuống ngựa buộc dây cương dưới gốc tùng tỏa râm bóng mát; vừa kịp ngẩng lên chàng chạm ngay ánh mắt Thục Nương long lanh reo vui, ấm áp. Tuổi mười bẩy, trông nàng đã ra dáng một thiếu nữ; tóc đen dài mun bồng bềnh tỏa sóng; thân thon dáng liễu, làn da trắng nguyên sinh của suối của rừng tỏa ra mùi thơm nắng mai và đôi môi trời ban son hồng trái chín. Nàng bước tới dắt tay chàng bước qua cổng chính vào nhà: “Chàng đến từ biệt thiếp ư?” Bên nhau, họ im lặng. Thời gian như đông cứng lại. Cảm giác chia xa hiện trên khuôn mặt lo lắng của Phạm Danh Hương. Ánh mắt chàng nhìn hút vào nàng như thấu suốt, như chiếm đoạt, như nâng niu lưu luyến, như đau đớn, như che chắn bảo vệ, như sẵn sàng vì nàng dù phải trả bằng cái chết mà không chút do dự. Nàng vô cùng bối rối, nàng hiểu những gì đã nói trong đôi mắt ấy. Ôi đôi mắt chàng, đôi mắt sáng trong rạng rỡ hiền minh kia, mỗi lần gặp nhau để lại cho nàng sự ấm áp, tươi vui tin cậy xiết bao. Nàng linh cảm chuyến đi này của chàng và cha mình khó toàn trở lại. Nước mắt nàng ứa ra ướt đẫm ngực chàng. Sau những phút hoang mang có phần yếu đuối, chàng kịp trấn tĩnh, lựa lời trấn an Thục Nương: “ Ta sẽ trở về, ngày ấy là ngày tưng bừng lễ cưới ta với nàng, sẽ là đám cưới vui nhất vùng Đức Bác”.
***
Định mở tiệc khoản đãi hai người, y ngồi khoan thai trên chiếc ghế, đầu hơi ngả về phía sau, hai tay đặt trên tay ngai, cố ý tỏ ra uy quyền, lại ra vẻ lịch thiệp, nhã nhặn, nhưng đôi mắt một mí lúc nào cũng hùm hụp nọc nanh như rắn kia lại nói điều ngược lại. Định nói nói cười cười, tự tay rót rượu cho hai người, y thao thao nói về Bắc Quốc, về thân thế mình, sự nghiệp mình. Chỉ có điều y cố tình phớt lờ những tội ác dã man mà y đã và đang gieo xuống người dân Giao Châu. Rằng: “Từ Bắc Quốc xa xôi, nay đến đất Giao Châu, khí thổ lạ lẫm, dù đã có gia nhân phụng sự nhưng sao tròn chu tất, nghe nói Vũ Ông có người con gái, công dung ngôn hạnh, lại tài cung kiếm, Định tôi rất lấy làm yêu quý, ngày đêm tơ tưởng, mong có ngày hạnh ngộ để được đưa về làm tỳ thiếp, chẳng hay Vũ Ông có thuận lòng không?” Nói rồi, y nâng bát rượu mời Vũ Ông, mắt nhìn soi mói vào Vũ Ông không chớp. Cũng chẳng để Vũ Ông lên tiếng, y xoay người sang Phạm Danh Hương: “Công tử đây ta cũng nghe danh đã lâu, lại là con một Lạc Hầu, cùng chốn quan trường cả, ta biết, thế nên phải có phận sự giúp đỡ công tử.” Rồi y hạ giọng: “ Ta có người cháu gái mới từ Bắc Quốc sang, cũng chẳng thua kém gì Thục Nương nhà Vũ Ông đây, nay ta muốn nó được nâng khăn sửa túi cho công tử, chẳng hay công tử có thuận tình?” Y lại rót rượu mời hai người, Cũng chẳng để họ có đồng ý hay không, y to giọng: “Cứ thế, cứ thế!”. Đợi y ngừng hẳn, Vũ Ông lựa lời giãi bầy:
– Tướng quân quá khen, Thục Nương nhà tôi như thứ cỏ hoang trên núi, ngài là vị tướng Bắc Quốc lừng lẫy uy phong, sao lại có thể để Thục Nương về làm tỳ thiếp cho ngài được; vả lại Thục Nương đã sắp làm vợ công tử Phạm Danh Hương đây, xin ngài lượng thứ, lượng thứ.
Phạm Danh Hương cũng thưa rằng:
– Chuyện dựng vợ gả chồng đều do cha mẹ hai bên định liệu, con tim tình ái bướng bỉnh của kẻ hèn mọn này đã thuộc về Thục Nương rồi.
Nghe cả hai cha con họ đều một mực từ chối, Định nổi đóa, hiện nguyên hình con sói, gầm lên:
– Đấy là ta đã chiếu cố đến các ngươi lắm rồi đó; đừng để ta bắt về cho làm hầu gái trong đám lính võ biền vô học kia. (Y chỉ tay về phía đám lính đang vác cờ đi lại trong phủ soái). Man Di các ngươi nghĩ mình là hạng người nào mà dám coi thường ta. Định đứng phắt dậy, cười ha hả, mắt y vằn lên những tia lửa dữ dằn: “Các người không thuận thì Thục Nương sẽ vẫn thuộc về ta”.
Y cầm chén rượu ném choang xuồng nền phủ. Lập tức hàng chục mũi tên tẩm độc từ trong rèm trướng bay ra găm vào hai người khách Việt.
***
Đã có vài chục xác giặc nằm la liệt trước cổng ngoài. Bóng chiều sắp tắt, luồng sáng yếu ớt trong ngày còn lại đủ làm rực lên trên áo Thục Nương đẫm máu kẻ thù vấy lên. Thục Nương cùng các tráng đinh chiến đấu từ đầu giờ ngọ đến giờ đã bắt đầu thấm mệt. Quân địch cậy thế đông ào xông lên phá cổng chính. Tên tỳ tướng của Định sấn sổ xông tới. Nàng né người vung gươm, chiếc đầu viên tỳ tướng văng xuống. Đường Phong Liễu Kiếm tuyệt chiêu mà nàng tung ra đã giúp anh trai nàng cùng các tráng đinh nhân đó diệt thêm được nhiều tên nữa. Quân địch hoảng loạn lùi lại. Chúng không hiểu nổi viên tướng của mình vốn dày dạn trận mạc, đánh đông dẹp bắc như vào chỗ không người lại gục ngã nhanh chóng trước mũi kiếm của người con gái Giao Châu; nhưng không thể về ra mắt Định nếu không bắt được nàng. Mấy tên tướng còn lại lấy hết dũng khí thét lên, thúc quân đánh riết.
Trời nhá nhem tối, đã có thêm vài tráng đinh tử trận. Biết không thể chống đỡ được, người anh ra lệnh cho nàng và các tráng đinh vừa đánh vừa rút lui theo kế hoạch mà khi Vũ Ông lúc còn sống đã bày sẵn, còn mình ở lại chặn đánh quân giặc. Nàng và mọi người kịp rút ra cổng sau, lên ngựa phi thẳng về ngã ba sông Bạch Hạc. Nàng phi ngựa chầm chậm, vừa ngoái lại có ý chờ anh nàng. Nàng thoáng thấy bóng anh trai nhảy lên mình ngựa, nhưng bỗng ngã vật xuống, nàng vội thúc ngựa quay lại cứu anh. Bỗng anh nàng đứng bật dậy hét lớn: “Thục Nương quay lại ngay, ta bị trúng nhiều tên tẩm độc không sống được. Bà, mẹ, chị dâu, các cháu và mọi người đang chờ Thục Nương”. Nói rồi, người anh rút gươm tự sát. Quân địch đã đông như kiến áp sát vây quanh người anh. Nàng khóc, vút ngựa quay lại ngã ba sông Bạch Hạc.
Thuyền hướng theo sông Cái lướt sóng. Vào một đêm trăng lạnh rằm tháng hai, thuyền đến cửa Tuần Vược, nơi ngã ba sông , nàng cho thuyền rẽ vào sông Luộc, rồi lách sâu vào một con sông nhỏ xuôi chừng vài dặm. Dưới trăng, thấy bên tả sông hiện ra một gò đất cao chạy dài không người ở. Nàng cho đổ bộ lên. Mấy ngày sau mới biết đấy chính là gò Kim Quy, thuộc trang Tiên La, quận Long Hưng. Nàng đặt tên bản doanh là Long Lâu Trang, cũng là để tưởng nhớ đến Phượng Lâu Trang nới quê nhà .
Nàng tháng ngày tích lương, mộ quân, mở bãi luyện tập quân sĩ, rèn đúc vũ khí, đóng thuyền, nuôi ngựa, trau dồi binh thư, chờ cơ hội khởi nghĩa, thanh thế vang dậy một vùng.
Để gây thanh thế và cũng để tìm người tài giỏi, Thục nương thường xuyên mở hội thao binh: đánh vật, múa kiếm, đi quyền, đua thuyền, nấu ăn dân chúng đến đầu quân ngày một đông, thanh thế nghĩa binh ngày càng mạnh.
Vào đầu tuần tháng giêng, năm 41 sau công nguyên… nàng mở hội thao binh, lữ khách khắp nơi đổ về tỷ thí võ nghệ. Mới qua hai ngày nàng đã có được vài tráng sĩ tài giỏi về đầu quân dưới trướng. Ngày thứ ba bỗng xuất hiện một lữ khách từ đám hội bước ra mời thách đấu. Y trẻ trung, nước da trắng hồng, khuôn mặt thanh tú, dáng thon rắn chắc, đi quyền, múa kiếm uyển chuyển vô lường, luồng lực phát ra rất mạnh. Thật bất ngờ, chỉ trong một canh giờ, y đã hạ tới năm đối thủ, trong đó có những vị tướng tài giỏi của nàng. Ngồi trên võ đài nàng ngạc nhiên và mừng thầm “duyên phận nào đây”, tâm trạng nàng đầy phấn khích, “trời cho ta ngọc báu đây rồi”. Nhưng nàng chợt nghĩ việc quân phải thận trọng, quyền biến khôn lường. Nàng quay sang đứa cháu Vũ Công Hoàng nói nhỏ: “cháu xuống đi, nhưng đừng để gây thương tích cho lữ khách nhé, và đưa người ấy đến gặp ta!”
Hai người quần thảo dễ đến một canh giờ mà vẫn chưa phân thắng bại. Vũ Công Hoàng công thủ vào ra, tiến thoái không chút sơ hở, miếng đánh vẫn đầy uy lực, thế trận lúc này nghiêng về Vũ Công Hoàng. Lữ khách cũng đã nhận ra sức mạnh của đối thủ. Y càng đánh càng bị phân tâm bởi những đường gươm, thế võ có gì hao hao vừa quen vừa lạ với mình. Một quyết định vụt đến “ta không thể thua.” Nghĩ vậy, Y thoắt chuyển mau lẹ sang bài kiếm mà cha của y khi còn sống đã bí truyền cho mình từ lúc còn nhỏ. Vũ Công Hoàng bỗng giật mình không khỏi bàng hoàng “phong liễu kiếm, phong liễu kiếm”. Sao người này lại có bài kiếm gia truyền mà người cô Vũ Thục Nương truyền dạy cho mình. Rất may là bài kiếm cũng đã được Thục Nương mã hóa vô hiệu nó nếu có đối phương sử dụng. Vũ Công Hoàng Phấn khích, nắm chắc phần thắng. Hoàng chợt nhớ lời Thục Nương dặn :“không được để gây thương tích cho lữ khách”. Trong khoảnh khắc mau lẹ, đường kiếm mạnh mẽ vung lên rồi bất ngờ đảo chiều đánh tung thanh kiếm trong tay đối thủ. Thanh kiếm bay vút lên chừng vài trượng, trong nháy mắt đã nằm gọn trong tay Vũ Công Hoàng. Tráng sĩ bàng hoàng bái phục, vội chắp tay cung kính đáp lễ chào đối thủ thắng mình, nét mặt không hề biến sắc mà tươi vui hoan hỉ. Từ trên cao Thục nương nhìn thấy hết. Nàng trầm trồ thán phục đến vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy “phong liễu kiếm” mà mình sáng tạo ra được sử dụng trong tay một người khách lạ.
Vũ Công Hoàng chỉ mũi kiếm vào tráng sĩ bắt đối thủ đi theo mình.
Kẻ bại trận đã đứng trước mặt Thục Nương.
Thục Nương nghiêm sắc mặt:
– Tên kia, người đến Long Lâu Trang tỷ thí võ nghệ có mục đích gì? Nếu là người ngay, ta mời ngươi về làm gia tướng cho ta. Nếu là kẻ Hán gian ta quyết không tha!
Thục Nương vừa dứt lời, kẻ bại trận bỗng vội quỳ xuống:
– Cô không nhận ra cháu ư? Nói rồi y cởi bỏ trang phục ngoài để lộ tấm thân ngọc ngà kiều nữ. Thục Nương bàng hoàng như không tin vào mắt mình. Đứng trước mặt nàng là một trang nữ hiệp, xinh tươi nhưng cứng cỏi. y chỉ vào mình: “Cháu chính là Vũ Mai Lan, em của Vũ Công Hoàng, chẳng hay bà nội, mẹ, và anh cháu đâu?” Từ ngạc nhiên đến bất ngờ, Thục Nương mừng quýnh lên: “Cháu ta, cháu ta! Vũ Mai Lan chưa kịp đứng dậy thì bà nội, mẹ, và gia nhân từ trong nhà đã ào ra vây lấy Mai Lan mừng vui. Họ ôm nhau khóc trong nước mắt hạnh ngộ, sung sướng chen lẫn ngậm ngùi. Vũ Công Hoàng ngạc nhiên và vô cùng sửng sốt về cô em gái Mai Lan xinh đẹp, đoan trang, mạnh mẽ và rất giỏi giang của mình. Hai anh em ôm chầm lấy nhau cười vang khi cùng nghĩ về cuộc tỷ thí võ nghệ vừa rồi. Vũ Công Hoàng nói trong kiêu hãnh, “em ta thật xứng với dòng dõi họ Vũ trâm anh thế phiệt”.
Mai Lan nức nở thuật cho mọi người về quê nhà Đức Bác, về Phượng Lâu Trang tan hoang trong sự tàn phá của giặc “Ngày hôm xảy ra trận chiến tại Phượng Lâu Trang, Cháu đang ở bên ngoại, Được ngoại nuôi dạy nên cháu mới có được ngày hội ngộ hôm nay”. Niềm vui chưa hết… bỗng Thục Nương nghiêm giọng: “Hôm nay, một ngày đại vui của nhà họ Vũ ta, nhưng việc quân gấp lắm rồi, Mai Lan, cháu có tin gì cho ta không?
Mai Lan rạng rỡ:
– Cháu là tướng của Trưng Bà. Bà có gửi Thục Cô thư này.
Thư viết: “Tôi Trưng Trắc, vốn dòng dõi Hùng Vương, ở Mê Linh, biết uy danh của Võ Thục tướng quân từ lâu, nhưng chưa được hạnh ngộ. Nay tình cảnh nước nhà bị quân Đông Hán thôn tính, đô hộ, biến nước Âu Lạc thành quận Giao Châu. Thái Thú Tô Định, thi hành chính sách dã man, tàn bạo, sát phu, hiếp phụ, triệt tiêu lễ nghĩa, đồng hóa giống nòi, miệng nói khai minh, tay vơ của cải, coi dân như súc vật, tủi nhục vô cùng. Khiến đất trời nổi giận, tội ấy đức nào khoan dung, lượng nào tha thứ. Nay Trưng trắc tôi, thuận theo lẽ trời đất, nối chí cha ông, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán, thu lại giang sơn.
Một xin rửa nhục Nước nhà
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này.
Rất mong được vũ Thục tướng quân đồng lòng, chung chí, hợp binh đánh giặc việc lớn ắt thành.
Nay xin chính kiến!”
Thục Nương đọc thư xong mừng lắm, cho sao chép thư trên, cử người đi dán và đọc cho mọi người nghe ở các nơi chùa chiền, sân đình, bến chợ. Một mặt ráo riết mộ thêm quân, mở kho quân giới, viết thư hồi âm cho Trưng Trắc, hẹn ngày xuất quân và xin được làm tướng dưới trướng của Trưng Bà.
Xa Phượng Lâu Trang đã hơn mười khắc xuân, nơi mà tuổi thơ nàng lớn lên với biết bao kỷ niệm; nàng nhớ rất rõ trong một lần được đi săn cùng Phạm Danh Hương với anh và cha; một đôi thỏ rừng ngơ ngác thế nào mà người ngựa đến gần chúng vẫn không hay, cha nàng tóm gọn rồi giao cho nàng. Với trái tim nhạy cảm của một thiếu nữ đang yêu, nàng hiểu sự ngơ ngác của đôi thỏ kia. Chẳng biết cố ý hay vô tình, nàng để tuột mất đôi thỏ. Không ai trách nàng cả, chỉ riêng Phạm Danh Hương là mỉm cười. Mọi cử chỉ dù là nhỏ nhất của nàng, những động thái vuốt ve đôi thỏ, cùng với ánh mắt chan chứa hạnh phúc kia mà chỉ có chàng mới cảm nhận được: “Thục Nương làm đúng đấy” – chàng nói. Nàng chợt ngơ ngác nhìn lên: “Chàng hiểu lòng thiếp ư?” Hai ánh mắt giao nhau. Ôi ánh mắt tươi vui, nhân hậu, gương mặt sáng rỡ, và cái miệng chàng mới sang trọng quyến rũ làm sao… Đang mê man trong hồi tưởng, bỗng một con thỏ lông trắng chạy vụt qua trước mặt, nàng bừng tỉnh, mắt hút vào con thỏ. “Phải chàng đấy ư?”, bỗng một con nữa, rồi một con nữa chạy qua, cả ba cùng vút lên bay lượn vòng trên đầu nàng bao lấy Phượng Lâu Trang. Nàng gọi với theo: “Cha à! anh à!”Giọng nàng lạc đi trong bốn bề hoang lạnh, nước mắt nàng ứa ra. Trong đời nàng, đây là lần thứ tư nàng khóc. Lần thứ nhất, ấy là tin cha nàng và người chồng chưa cưới của nàng bị Tô Định sát hại. Lần thứ hai, anh trai nàng tử trận ở Phượng Lâu Trang, lần thứ ba khi mẹ nàng mất ở Long Lâu Trang, Tiên La, Long Hưng. Và lần này, đứng trước Phượng Lâu Trang đổ nát. Từ nãy đến giờ, đứa cháu Vũ Công Hoàng cắp gươm đứng sau cô, thấy cô có phần bi thiết, Hoàng bước tới thưa rằng;
– Nay giặc Tô Định đã được dẹp tan, 65 quận thành về lại người Việt, Trưng Bà đã lên ngôi vua, nước đã có chủ. Cô nay là vị Đại Tướng Trinh Thục Công Chúa, trụ cột của triều đình, chớ nên bi lụy, trước là hao tổn sinh lực thần khí của người, sau là để ba quân yên vui trong ngày đại thắng.
Nàng nghe vậy thì tĩnh an trở lại. Mai Lan cũng lựa lời an ủi người cô. Nhìn đứa cháu nội của mình, mới ngày nào chạy giặc ở trang Phượng Lâu, nó còn là đứa trẻ ngây thơ, trắng trong cùng bà nội và mẹ giương buồm chờ mọi người ở ngã ba sông Bạch Hạc, giờ đã là vị tướng trẻ trung, dày dạn trận mạc bên nàng…
***
Thiết triều xong, Lưu Tú giữ Mã Viện ở lại, tên tướng giỏi nhất nhà Hán lúc này, y vỗ về:
– Ta chọn ngươi làm chủ soái mang đại quân đi chinh phạt Giao Châu là một ân huệ, cớ sao nhà ngươi không vui.
Viện cúi đầu thưa rằng:
– Thần đã xem xét bản đồ Giao Châu, lại hỏi rất kỹ bọn tàn quân thoát chết chạy về, thấy đất ấy có nhiều sông ngòi, đầm lầy, xin bệ hạ cho đại quân thuỷ bộ cân xứng cùng tiến, và, và…
Y ấp úng. Tú xẵng:
– Ngươi còn xin gì nữa.
Viện thở ra nhẹ nhõm:
– Thưa bệ hạ, Còn lương thảo và y phục xin được cấp thêm ạ.
– Ta biết, thế nên,…Y ranh mãnh vẫy Viện lại gần nói nhỏ: “Lương thảo chỉ có thế, sang đấy còn vơ, đồng ruộng Giao Châu màu mỡ lắm, còn y phục thì mỗi lính chỉ một bộ thôi.” Thấy Viện ngơ ngác, Tú cười vang đắc chí:
– Ngươi vốn thông minh, mưu lược là thế mà không nghĩ ra à. Đến Giao Châu cho quân thoát y vũ hết, cả ngươi nữa, hiểu chưa? Cho cái ngọc hành của ta nở hoa trên mình ngựa. Viện ớ người hiểu ra, khuôn mặt y đang đăm chiêu lo lắng bỗng đỏ mặt:
– Dạ, quân Giao Châu cả quân và tướng chủ yếu là đàn bà ạ.
– Lớ lớ, bọn tiện nữ kia mà nhìn thấy “cái ấy” thì chỉ có vứt gươm mà bỏ chạy. Nói rồi Tú cười khúc khúc, nước bọt bắn cả ra.
***
Cuộc chiến khốc liệt kéo dài, những trận đầu vì bị bất ngờ, bởi cái “ngọc hành” của vua tôi Lưu Tú mà Mã Viện cùng đại quân phô diễn.
Những lúc cao hứng nó nhầy nhụa cả trên mình ngựa. Quân Vua Bà hãi tởm mà tán loạn. Vua Bà đại bại, tuẫn tiết ở sông Hát. Thục Nương lui quân về cửa Tuần Vược cầm cự. Viện đích thân chỉ huy. Gần nửa tháng trời chưa phá được thế trận của nàng. Viện lồng lộn cay đắng ngửa mặt than rằng: “Đất Giao Châu lại có nữ tướng can trường, thao lược đến vậy!” Cái mẹo thoát y vũ mấy trận đầu thắng lớn giờ không còn hiệu nghiệm nữa; đám tiện nữ Giao Châu, mẹ kiếp, chúng không còn biết xấu hổ là gì”.
Viện cho loan báo ba quân treo giải thưởng 10 ngàn lạng bạc nếu ai lấy được đầu Thục Nương, cùng lúc hợp binh thủy bộ nhất loạt tấn công. Trận chiến khốc liệt, xác giặc dềnh lên ken kín mặt sông. Nhưng giặc quá đông thế còn quá mạnh, nghĩa binh tử trận nhiều, xuất hiện dấu hiệu xuống sức.
Giặc được khích lệ số tiền thưởng, chúng hò reo liều chết xông thẳng vào chiến thuyền của nàng. Một vài tên tướng tranh nhau lập công, vừa thoáng thấy nàng liền múa gươm sấn tới. Cũng vừa lúc đường phong liễu kiếm của Thục Nương xuất chiêu, một vài cái đầu tướng giặc rụng tõm xuống nước. Bọn giặc chững lại. Viện nhìn thấy hết, y hạ lệnh tập trung cung tên đồng loạt bắn tới. Nàng bị trúng tên loạng choạng muốn ngã, đám giặc xông đến định bắt sống. Bỗng đám tướng lĩnh dạt ra bởi một đường gươm dũng mãnh đánh tới. Vũ Công Hoàng chặn giặc phía sau nàng, thấy tình thế nguy cấp quay lại đỡ người cô nhảy lên bờ. Vũ Mai Lan kịp chặn đường tiến của giặc. Vũ Công Hoàng phi ngựa đưa Thục Nương đi. Mai Lan tả xung hữu đột, mỗi khi đường “ phong liễu kiếm” xuất chiêu lại có vài cái đầu tướng giặc rung xuống.
Sau khi Vua Bà Mất, Mai Lan trở về làm tướng của Thục Nương. Tháng ngày đeo gươm theo sát bảo vệ người cô. Thục Nương rất hài lòng về đứa cháu gái, nàng ra sức kèm cặp Mai Lan, ngày rèn giũa võ công, đêm trau dồi binh thư. Nàng muốn Mai Lan nối chí được nàng, vẻ vang gia tộc, rạng rỡ giống nòi.
Lại nói lúc này trời bắt đầu tối, Mai Lan vừa đánh vừa lo lắng cho tính mạng của Thục Nương, vừa tìm cách kìm chân giặc bảo toàn cho các nghĩa binh cùng toàn gia quyến họ Vũ và gia nhân ở Long Lâu Trang an toàn rút lui. Nàng nghĩ ra một diệu kế: ra lệnh cho người gia tướng cuối cùng còn lại lúc này thực hiện. Còn nàng cùng các nghĩa binh tả xung hữu đột dốc sức đánh trả, kéo dài thêm được chút ít thời gian kịp cho viên gia tướng của mình thực hiện diệu kế của mình. Và kìa, trên bờ không xa cách trận chiến chừng hơn một dặm, lửa khói bỗng rừng rực bốc lên cùng với tiếng hò reo long trời lở đất. Trời cũng tối hẳn, Mai Lan thấy cơ hội rút lui đã đến. Nàng cùng các nghĩa binh còn lại đốc sức đánh mạnh. Đám giặc hoảng sợ không dám liều xông lên. Thời cơ kịp cho Mai Lan và các nghĩa binh lên ngựa Phi về hướng Long Lâu Trang.
Hôm ấy, đúng vào ngày 16 tháng 3 năm 43 sau công nguyên. Đất trời bỗng tối sầm lại, đen đúa, gió rầu rĩ, mưa rầu rĩ, dế giun rầu rĩ; tiếng chuông thỉnh cầu trong chùa lịm đi rồi ngân trở lại dài mãi, dài mãi về chốn xa xăm tiễn biệt nàng; tiễn biệt một nữ tướng Việt. Mai Lan khóc nức nở gục đầu vào vai người anh Vũ Công Hoàng. Dòng nước mắt đau đớn tiếc thương người cô, nàng hối hận đã không cùng anh bảo vệ được Thục Nương. Thù nhà chồng cao như núi. Thù nước sâu như biển. Dũng tướng Vũ Công Hoàng cũng đầm đầm rơi lệ. Long Lâu Trang chìm trong nước mắt, nước mắt của kẻ mất nước, nhà tan đòi trả nợ những gì bọn nhà Hán đô hộ, cướp bóc, chém giết, hạ sát người dân đất Việt. Nước mắt đòi nợ những tên quan nha tham tàn rắp tâm theo giặc, dựa vào giặc để tồn vinh đục khoét vơ vét không chừa thứ gì. Đất trời sẫm nước, tầm tã mấy ngày rồi cũng hồng quang trở lại.