Truyện ngắn Đào Xuân Ánh

Truyện ngắn Đào Xuân Ánh

Vài nét về tác giả:

Tác giả Đào Xuân Ánh hiện đang sống tại tỉnh Thái Bình, ông là Hội viên Hội VHNT Thái Bình và Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Truyện ngắn Bông hoá trắng ngày sinh nhật được ông viết nhân Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

BÔNG HOA TRẮNG NGÀY SINH NHẬT

1. Đến hơn một tháng nay, cứ vào mỗi sớm, người dân trên đường Điện Biên thuộc khu đô thị Đông Đô thành phố Thái Bình lại thấy một cụ ông dễ đến tuổi cửu tuần lững thững đi dọc vỉa hè, dưới hai hàng cây hoa màu trắng. Dáng đi cà nhắc chậm chạp của ông cụ nhìn kỹ thì thấy ống chân bên trái của cụ là ống chân giả. Người ta nói chắc cụ là thương binh. Mái tóc bạc phơ như làn sóng, đầu cụ nghiêng nghiêng, ánh mắt tư lự, xa xăm… Nhiều lúc, cụ dừng lại, nhìn trân trân lên một chùm hoa trắng trên đầu. Có khi, cụ cúi xuống, nhặt một bông hoa rơi, đưa vào sát mắt mình, nhìn chăm chăm như một người tự kỷ, rồi, cụ lấy ống tay áo ka ki đã cũ quệt những giọt nước rịn ra từ khóe mắt chân chim, chảy xuống hai gò má nhăn nheo…

2. – Hò dô ta nào! Hai ba!… Những cánh tay rắn chắc nắm chặt chiếc dây chão cùng gắng sức kéo khẩu trọng pháo nặng hàng tấn nhích dần từng tấc, từng tấc lên dốc núi cheo leo, phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Những chiếc mũ cát có lưới cài lá ngụy trang đung đưa theo nhịp tay kéo. Trán từng chiến sĩ lấm tấm mồ hôi, chảy ròng ròng ướt đẫm vai, ngực áo màu cỏ úa. Hai chiến sĩ chèn pháo hai bên bánh pháo, cứ mỗi khi pháo nhích lên, lại dùng tấm gỗ khối tam giác chèn vào để pháo khỏi tụt dốc lao xuống vực. Vất vả, nhưng trên mặt từng chiến sĩ vẫn rạng ngời, vui vẻ, một niềm tin, lạc quan. Các anh đang chuẩn bị cho một chiến dịch lớn, một trận đánh quyết định.

– Hò lơ! Hó lơ! Ai hò lờ!… Bỗng từ dưới chân dốc, có tiếng mấy cô gái, người thì gánh, người thì đẩy xe thồ trong đoàn dân công hỏa tuyến, bắt nhịp theo tiếng hò kéo pháo của bộ đội. Các chiến sĩ phấn khởi hẳn lên vì có các cô hưởng ứng, cùng những tiếng cười thanh nữ giòn tan. Mắt nhìn về phía cuối dốc, các chiến sĩ ta đối lại:

– Hò dô, hó dô! Dô tà nào! Hai ba này!

Một cô trong đoàn dân công tải gạo có vẻ mạnh bạo, nói vọng lên:

– Các anh bộ đội ơi! Các anh kéo pháo vào trận địa cho nhanh để bắn Tây. Về đến nơi tập kết, chúng em bóp… tay cho! – cả nhóm thanh nữ tinh nghịch cười ré lên…

Bỗng có tiếng máy bay rít trên đầu. Người đội trưởng chỉ huy kéo pháo hô to:

– Các đồng chí! Tản ra, tìm chỗ ẩn nấp!

Các chiến sĩ cùng đoàn dân công tạm rời pháo, xe thồ, gồng gánh, tản ra, nằm ép mình xuống ven đường. Đồng chí chỉ huy vừa dứt lời thì có tiếng rít trên đầu, rồi đây đó, mấy trái bom nổ sát đội hình của đoàn dân công, đất đá tung lên, khói bụi mù mịt. Có tiếng kêu thất thanh:

– Cô Thanh bị thương rồi!

Chỉ huy ra lệnh cho Tuấn:

– Đồng chí Tuấn hỗ trợ đồng chí y tá xuống xem xét, băng bó, cứu thương.

Tuấn lao xuống cùng đồng chí y tá quân y. Anh cùng người y tá xốc Thanh lên. Trên đầu Thanh, máu chảy tràn qua khóe mắt. Tuấn cùng y tá băng bó cho Thanh cùng mấy dân công bị thương xong, anh lại vội vã lên cùng đơn vị kéo pháo. Đơn vị anh được lệnh từ Đại tướng Tổng Tư lệnh mặt trận, phải kéo pháo vào điểm M, đúng giờ G đêm nay.

Tuấn vẫn đang tư lự, vì khi xốc Thanh lên, trong lúc cấp bách cứu người, anh cứ ngờ ngợ, cái tên Thanh nghe quen quen, và gương mặt cô giống một người mà anh đã gặp ở đâu rồi…

3. Thị xã Thái Bình, tháng 8 năm 1950…

Lúc ấy, sau khi tốt nghiệp Certificat (bậc Tiểu học), Tuấn đang học lớp Đệ Tam dành cho nam sinh, còn Thanh đang học lớp Đệ Nhị bậc Thành Chung dành cho nữ sinh, do các thầy giáo từ vùng tự do đến giảng dạy.

Trước đây, Thái Bình không có trường Thành Chung (Cao đẳng Tiểu học Pháp  – Việt, tương đương cấp trung học cơ sở bây giờ). Cả một vùng 5 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình  mới có trường Thành Chung đặt tại thành phố Nam Định do người Pháp thành lập. Muốn học bậc Thành Chung, con em Thái Bình phải sang tận thành Nam. Lúc đầu, trường hoàn toàn do các thầy giáo người Pháp giảng dạy, về sau có nhiều thầy giáo người Việt. Khi Pháp chưa đánh chiếm Thái Bình, Thái Bình còn là vùng tự do, nên một số thầy ở một vài trường Thành Chung ở các tỉnh Bắc kỳ bị tạm chiếm về thị xã Thái Bình mở dạy các lớp bậc Thành Chung từ Đệ Nhất đến Đệ Tứ (tương đương lớp 6 đến lớp 9 bây giờ). Những thầy giáo này hầu hết trong lực lượng Việt Minh, kháng chiến. Không những chỉ dạy kiến thức, các thầy còn dạy cho học trò tinh thần yêu nước, chống Pháp, cổ vũ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Tuấn, Thanh là những lớp học sinh đầu tiên và tham gia Đội Thanh thiếu niên Cứu quốc trong lực lượng học sinh của thị xã.

Ngày 2/8/1950, Pháp mở cuộc hành quân Tonnô (cái thùng)  đánh chiếm Thái Bình. Chúng chiếm đóng thị xã Thái Bình, xây đồn bốt, trại lính, Xéc-tơ (khu quân sự), biến thị xã thành trung tâm chỉ huy để từ đó mở các cuộc càn quét nống ra các huyện trong tỉnh. Vì thế, việc học hành của Tuấn và Thanh dang dở. Nhà Thanh ở khu Dục Anh ngay sau nhà thờ, còn nhà Tuấn ở ngõ Vọng Cung. Tuy nhà gần nhau, ngày ngày đi học, Tuấn và Thanh vẫn gặp nhau nhưng hai người chỉ chào hỏi nhau chứ không dám tỏ ra thân mật, vì thời ấy, “nam nữ thụ thụ bất thân”, nên cái chuyện hò hẹn yêu đương là rất hiếm, nhất là gia đình Thanh lại theo Công giáo. Tuy nhiên, Tuấn, chàng thiếu niên mới lớn, bước vào tuổi mười sáu thầm yêu trộm nhớ Thanh, cô nữ sinh sắp bước sang tuổi mười lăm có mái tóc đuôi gà, làn da trắng mịn màng và đôi môi lúc nào cũng mọng đỏ, học dưới mình một lớp. Thanh con một chủ tiệm may khá nổi tiếng, còn gia đình Tuấn làm nghề Đông y gia truyền lâu đời. Mỗi lần gặp nhau, Thanh bắt gặp cái nhìn đắm đuối của Tuấn, cô tiểu thư e lệ cúi đầu bước nhanh. Hai người “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Giặc Pháp chiếm đóng thị xã, các cuộc chiến đấu của bộ đội địa phương và dân quân du kích kết hợp với bộ đội chủ lực chống càn, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tháng 9/1951, Pháp mở trận càn Trái Quýt nhẳm triệt hạ các căn cứ đề kháng của ta, gia đình Thanh phải đi sơ tán ra vùng tự do. Sau đó, Tuấn cũng trốn nhà đi theo Vệ quốc đoàn, từ đó, hai người bặt tin nhau.

4. Sau khi đơn vị Tuấn kéo pháo vào trận địa, anh xin phép đơn vị đến trạm xá dã chiến thăm Thanh, xem có đúng là Thanh, cô bạn học trường Thành Chung năm xưa không. Đơn vị chỉ cho anh đúng nửa ngày. Tuấn chạy bộ đến trạm xá thì đã gần trưa. Thanh nằm trên chiếc chõng tre trong căn hầm dã chiến, đầu quấn băng trắng toát. Tuấn vô cùng xúc động, thương người bạn học tuổi thiếu thời. Gắng hết sức, anh hỏi:

– Thanh! Có phải em chính là Thanh, học sinh lớp Đệ Nhị bậc Thành Chung Thái Bình đó không?

Thanh gắng gượng nhỏm đầu dậy, nhưng không gượng dậy được, cô phều phào nói:

– Vâng! Là em đây! Còn anh, có phải là anh Tuấn, lớp Đệ Tam không?

– Đúng rồi, anh đây, Tuấn đây!

Hai người bạn học, đồng hương gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, hàn huyên những câu chuyện không có đầu đuôi, ngắt quãng. Nhưng thời gian của Tuấn có hạn, vả lại Thanh đang còn đau, nên hai người phải chia tay. Bàn tay thô nháp của Tuấn chai sần qua bao lần kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của Thanh. Giọng Tuấn nghẹn ngào:

– Tạm biệt em. Hẹn ngày chiến thắng, mình gặp lại nhau em nhé! Anh đặt vào lòng bàn tay cô chùm hoa ban trắng. Thanh chỉ khẽ gật đầu. Nước mắt cô ứa ra.

5. Tại mặt trận Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu giành giật đồi A1 điễn ra cực kỳ khốc liệt. Sau 4 lần tiến công mà quân ta không chiếm được, thương vong rất nặng nề. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho công binh phải đào một đường hào men theo đường 41, tách rời A1 với A3 nhằm chia cắt địch, để quân Pháp không hỗ trợ được nhau, cũng là cắt đứt đường tăng viện của quân Pháp. Đồng thời đào thêm một đường hầm từ trận địa A1 tới dưới hầm ngầm, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Đại đội công binh M83 của Trung đoàn công binh 151 thuộc Đại đoàn 351 của Tuấn đã thực hiện việc đào hầm ngay trước mũi súng của quân Pháp.

Tối ngày 6/5, ba người trong tổ bộc phá, trong đó có Tuấn thầm lặng men tới đồi A1. Hồi hộp chờ đợi theo kế hoạch phối hợp tác chiến, khi pháo binh bắn dồn dập vào trận địa Pháp trên đồi A1, khối bộc phá sẽ được điểm hỏa. Sau khi bộc phá nổ, bộ binh sẽ xung phong. Rồi thời điểm đó cũng đến. Sau khoảng 5 phút pháo bắn, tiếng pháo lệnh vang lên. Chiến sĩ Bạch giật nụ xòe, lúc đó là đúng 20 giờ 30 phút, đêm 6/5/1954. Tai Tuần ù đặc. Một tiếng nổ như sấm rền, lửa khói trùm lên đỉnh đồi A1. Sau 15 phút pháo bắn chế áp, tiếng hô xung phong vang dội. Súng trường, tiểu liên, lựu đạn thi nhau nổ chát chúa, rồi đến giáp lá cà bằng lưỡi lê diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng. A1 thất thủ. Sáng 7/5, lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên đỉnh đồi A1, trên nóc hầm Đờ-cát. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Niềm vui vỡ òa, Tuấn đi tìm Thanh, đến nhiều nơi hỏi thăm tin tức của Thanh nhưng đều bặt vô âm tín. Tuấn nghĩ, chắc có thể Thanh đã hy sinh sau khi bị thương. Tháng 8/1954, Tuấn về thị xã. Trước niềm vui thị xã vừa được giải phóng ngày 30/6. Tuấn đến nhà Thanh thì hay tin, Thanh không hy sinh, sau khi bị thương đã về nhà. Nhưng sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Thanh bị ép theo gia đình vào Nam. Còn Tuấn tiếp tục tham gia quân đội, rồi vào Nam chiến đấu, anh bị thương trong đợt Tết Mậu Thân 1968, mất  ống chân trái, giải ngũ với quân hàm thiếu tá. Từ đó đến nay, Tuấn không có tin tức gì của Thanh, không hiểu Thanh còn sống hay đã mất.

6. Hôm nay, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 90 của ông Tuấn. Sáng nay, theo thường lệ, ông  vẫn đi dọc con đường Điện Biên, nơi có hai hàng cây hoa ban trắng nở. Ông lại bùi ngùi nhớ về cô bạn học ngày niên thiếu. “Thanh ơi! Em giờ ở đâu? Em còn sống hay đã mất? Thấm thoắt thế mà đã tròn 70 năm chúng mình bặt tin nhau”. Bất chợt, một bông hoa ban trắng rơi xuống, đậu trên mái tóc ông trắng phau. Ông nhẹ nhàng đưa tay lên đầu, gỡ bông hoa xuống, đưa lên môi hôn rồi áp vào ngực trái.  Bỗng trước mắt ông, một bóng người con gái trẻ trung, xinh đẹp, với tà áo dài trắng nữ sinh, trên tay cầm một chùm hoa ban trắng tươi cười vẫy chào ông, rồi cứ thế chạy lùi về phía cuối con đường…

– Thanh! Có phải em đấy không? – Ông chập choạng bước theo… “Thanh! Thanh ơi!” – Ông gọi. – “Thanh ơi, có phải hôm nay là sinh nhật anh, em về chúc mừng anh đó không? Cánh hoa này, dáng hình này chính là em!”. Nước mắt ông Tuấn rịn ra bên khóe mắt nhăn nheo, ông loạng choạng bước theo bóng người con gái dần xa khuất trên con đường với hai hàng cây hoa ban trắng nở…

                                                       Tháng 4/2024

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.