Vài nét về tác giả:
Nguyễn Quốc Hùng
Sinh năm 1962
Quê quán: Việt Hưng – Văn Lâm – Hưng Yên.
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng từ năm 2000
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2012
Tác phẩm đã xuất bản gồm 5 tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn:
Chuyến hàng mưa: Tiểu thuyết – NXB Hải Phòng năm 2005.
Mặt trời dưới lòng sông: Tập truyện ngắn. – NXB Lao Động năm 2008.
Dòng sông chở kiếp: Tiểu thuyết. – NXB Hội Nhà Văn năm 2009.
Thuỷ sinh: Tiểu thuyết. – NXB Hội Nhà Văn năm 2011.
7200 góc luân hồi: Tiểu thuyết – NXB Hội Nhà văn năm 2015
Mộ đã ngang lưng trời: Tiểu thuyết – NXB Hội Nhà văn năm 2018
Giải thưởng:
– Tiểu thuyết “Chuyến hàng mưa” Giải khuyến khích của Uỷ ban toàn quốc các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam – Năm 2006
– Truyện ngắn “Giấc mơ về những chiếc lá khô” Giải tư cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 2006 – 2007.
– Tiểu thuyết “7200 Góc luân hồi” Giải Nhì cuộc vận động sáng tác về đề tài công nhân và người lao động giai đoạn 2010 – 2014.
– Truyện ngắn “Gươm phán treo ngang trời” Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn và ký Tạp chí Cửa Biển năm 2014 – 2015.
– Truyện ngắn “Những đứa trẻ trên sông” Giải Ba cuộc thi sáng tác “Trang sách tôi yêu” do NXB Giáo dục cùng Hội Nhà văn tổ chức, năm 2022.
GƯƠM PHÁN TREO NGANG TRỜI
Vầng trăng rằm tròn vạnh, vàng sậm như trái thị chín mõm đã treo lửng phía thượng nguồn sông Cấm. Cụ tổng đốc Phạm Phú Thứ nén tiếng thở dài. Cụ nhớ lại những ngày ở quê nhà, vào những ngày thu này cụ sẽ đắm mình trong ánh trăng trong vắt, vằng vặc trên khoảnh sân rộng để hít hà hương thị chín thơm ngát. Cây thị bên chái nhà, cụ tổ năm đời mang từ đất Bắc vào vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, năm nào vào những ngày thu trong mát cũng cho những quả vàng ươm như những vầng trăng rằm lấp ló sau tán lá xanh um. Cứ mỗi lần cụ tổng muốn cất lời với tướng quân Ông Ích Khiêm về nỗi niềm nhớ quê của mình và muốn gửi lời hỏi thăm tới mấy người bạn đồng môn bây giờ đang an nhàn tuổi già thì nước mắt cứ tự nhiên dâng lên ầng ậng bên khóe mắt. Cụ chiêu một ngụm trà để lắng cơn xúc động đang bộc phát rồi nói:
– Chú đi nghỉ đi, ngày mai cả một quãng đường dài, mệt nhọc đấy. Gà gáy canh ba rồi.
Tiếng gà gáy lẻ loi, đứt quãng gieo đâu đó trong ánh trăng.
Tướng quân Ông Ích Khiêm ngồi khuất trong góc tối của hiên nhà, im lặng. Bóng tối đã làm cho vóc người nhỏ bé của Ông Ích Khiêm thêm mảnh hơn, khô khốc như một gộc cây khô. Không phải cả cuộc đời chỉ biết tới chiến chinh của viên quan võ có thói quen luôn giấu mình trong bóng tối mà tướng quân cũng xúc động lắm nhưng không muốn để cụ tổng biết mà thêm buồn. Cụ tổng vẫn nhận ra ánh mắt nhìn căng như mũi tên bay qua ánh trăng tãi lấp lánh trên mặt nước, găm vào bóng đen của đêm nấp trong bờ cây lậu bên kia sông. Cụ tổng đốc nhắc lại, giọng ngập ngừng :
– Chú đi nghỉ đi !
“Gộc cây khô” im lặng mãi rồi cũng phải lên tiếng :
– Lúc này em ngủ thế nào được. Ngày mai xa quan bác rồi chắc không có ngày gặp lại.
Cụ tổng đốc rời ghế, bước ra ngoài ánh trăng. Cụ vuốt lại cho phẳng bộ quan phục vua ban khi ra nhậm chức tổng đốc vùng Hải An này cho thêm trịnh trọng, ngước nhìn trời đêm, than:
– Có Ông Ích Khiêm tạo thế tựa lưng, có Bùi Viện che chắn phía trước, con thuyền miền biên hải này đang thuận buồm xuôi gió vậy mà cả hai cùng rời ta mà đi, hỏi rằng còn một mình lão già họ Phạm này có thể chèo chống được nữa đây!
Than xong, cụ chắp tay về phía Ông Ích Khiêm nói :
– Người dân xứ Đông biết ơn hai chú nhiều lắm.
– Công lao của em có xá kể gì với xương máu của những người lính đổ xuống. Cũng chỉ vì muốn bảo toàn tính mạng người lính em đã cho lui binh, vậy mà đức hoàng thượng không hiểu.
Nói đến đây những giọt nước mắt của tướng quân họ Ông rỉ ra. Giọt nước mắt của người trải qua bao chiến trận, đã không ít lần chứng kiến những đau đớn vật vã của con người trước khi vĩnh biệt trần thế vừa tràn ra đã khô cứng đọng lại bên khóe mắt. Giọt nước mắt được ánh trăng kết tinh lại long lanh như hai giọt muối ánh lên trong đêm.
– Tướng quân ra trận đâu có thể trăm trận trăm thắng. Mưu lược thần tình có ai bằng Gia Cát vậy mà không giúp cho nhà Hán phục hưng. Tội của chú đâu đến mức hoàng thượng phải triệu về kinh xét xử.
Ông Ích Khiêm biết, tổng đốc họ Phạm, người anh kết nghĩa của mình luôn lấy đạo quân tử làm trọng, coi ý chỉ của vua là tối thượng vậy mà hôm nay vừa vận bộ quan phục lại vừa có lời phản kháng như vậy trong lòng ắt có điều bức xúc lắm. Ông Ích Khiêm lặng yên, không biết nên nói điều gì để tránh những xúc động khác dồn đến cho anh mình. Bóng hai người đàn ông ngồi im lặng tựa hồ hai tảng đá và hai đôi mắt nhìn căng như đường tên xuyên qua ánh trăng sang bên kia bờ sông tối đen.
Có tiếng rì rà như gió thổi. Nhưng tán lá của cây phượng vỹ trước cửa phủ vẫn lặng phắc. Có lẽ đọc được điều thắc mắc trong ánh mắt tướng quân cụ tổng đốc giải thích:
– Hôm nay là ngày đỉnh của con nước cường, chảy xiết lắm. Mỗi lần nghe tiếng con nước lên tôi buồn lắm, mình đã làm được gì đâu cho miền biên hải này. – Ngừng một lát cụ tổng nói tiếp : – Chắc Lương Văn Tiến sắp về tới nơi rồi đấy.
– Chú Tiến là người giao du rộng nhưng tính xốc nổi lắm.
Câu nhắc của Ông Ích Khiêm không làm cho cụ tổng thay đổi được ý nghĩ. Chợt nhớ lại hai câu thơ đã viết sau chuyến công vụ bên trời tây, cụ ngâm nga :
– Tảo giao Đông thổ kiêm trường kỹ / Pha lý, Long đôn vị túc hiền.
Ông Ích Khiêm bắt theo mạch suy nghĩ của người anh kết nghĩa :
– Giá như phương Đông cừ kỹ thuật / Ba Lê, Luân Đôn chắc gì đã hơn ta. Quan bác tự tin quá. Câu ấy chỉ đúng khi triều đình ai cũng phụng công, thủ pháp như quan bác.
Tiếng gà gáy canh năm đâu đó bên kia sông vọng sang. Tiếng gáy râm ran, rõ hơn nhưng chập chừng, ngắt quãng. Dường như những chú gà chợt nhận ra trời đã sáng rồi, tiếng của nó không còn tác dụng gì với trời đất này.
– Tiếng gà gáy sao lẻ loi, cô độc thế anh nhỉ.
– Chú xem kìa !
Ông Ích Khiêm nhìn theo hướng tay chỉ của cụ tổng. Ngoài của sông, một tia sáng mảnh, chói lòa, vạch một đường thẳng căng như lưỡi gươm xẻ đôi đám mây đen khổng lồ đang đùn lên từ mặt nước. Lúc này cảm được cái ý của đất trời, Ông Ích Khiêm đứng phắt dậy, đi lại đứng cạnh tổng đốc Phạm Phú Thứ, tay khoanh trước ngực, chân xoạc bằng vai tạo thế vững chãi, nói :
– Dạ, giống như một thanh gươm phán xẻ đôi bóng tối.
Tâm trạng của hai người đã bớt nặng nề và những câu tâm tình trở nên cởi mở, thân tình như ngày còn ở quê thì bất ngờ hiện ra sau khúc ngoặt của dòng sông Cấm một con thuyền sơn đen và hai cánh buồm cũng bằng vải đen xì lừ lừ di chuyển như trôi lướt trên bờ cây đến chặn ngang tầm mắt. Tiếng neo thả xuống mặt nước thùm thùm. Tiếng người hô hét, giục giã nhau đưa thuyền cập bờ váng mặt sông. Con thuyền tạo thành một khối đen lù lù chặn ngang tầm mắt nhìn ra cửa sông. Ông Ích Khiêm buông thõng hai tay, nói giọng bức bối :
– Sao quan tuần phòng ngoài biển Lương Văn Tiến lại giao du với bọn Tầu ô!
Tổng đốc Phạm Phú Thứ biết tính người em kết nghĩa, lựa lời đấu dịu :
– Tôi gọi người hầu chuẩn bị bữa sáng, chú chuẩn bị đi sớm. Tôi cũng không bằng lòng với việc chú Tiến quan hệ quá thân với bọn Tàu ô ở Cát Bà. Là anh em họ ngoại, tôi khuyên bảo nên chừng mực nhưng chú ấy không nghe. Tôi biết chú cũng không ưa gì bọn người Phú Lãng Sa, mà sáng nay bọn họ lại mời tôi đi cùng ra bến Ninh Hải đón tầu vào cầu. Họ muốn dùng kỹ nghệ để thị uy, còn ta cũng muốn được biết sự giỏi của họ về làm cầu cảng như thế nào.
– Dạ, chắc người của em cũng chuẩn bị xong rồi. Em biết, vào cái thời buổi hỗn mang này, lại phải làm người canh cửa cho vùng đất Bắc Kỳ quả là khó lắm, quan bác nhớ cẩn trọng giữ mình.
***
Biết người biết ta thì mới có kế sách hay, không phải quan tổng đốc không biết điều này, nhưng đến vùng đất Ninh Hải đã ba năm, đây mới là lần thứ hai cụ làm việc cùng viên quan chủ sự thương chính người Phú Lãng Sa ở đây. Trước ngày lên đường nhậm chức, các quan đại thần thương chính trước do triều đình phái ra để liên hệ điều hành xử định thuế má với viên chủ sự này đều khuyên, phải áo mũ như chầu Vua mà đến yết kiến hắn thì công việc mới hanh thông. Hắn là kẻ tà tâm, cậy thế nước lớn hiếp đáp người dân Đại Nam mình. Cụ Phạm không làm theo như vậy. Cụ đã không đến yết kiến lại cũng không cho người đến thông báo với hắn về sự có mặt của mình. Đợi ba tháng không thấy quan tổng đốc mới đến trình diện, viên quan chủ sự bèn đích thân đến dinh sở của cụ. Mới vào, quan ta hống hách hỏi, tại sao các quan trước đều đến yết kiến, còn ông lại không đến? Cụ nghiêm trang tiếp đón, mời ngồi rồi chậm rãi trả lời: Quý quan là triều thần nước Phú Lãng Sa, tôi là triều thần nước Đại Nam thì tôi là chủ, mà quý quan là khách, quý quan là người của một đại quốc văn minh, quý quan chắc đã trước hiểu, người chủ có bổn phận đến yết kiến người khách hay người khách có bổn phận trước đến yết kiến người chủ. Quan chủ sự nghe nói đúng lý, ngồi sượng sùng đôi khắc rồi đứng dậy bắt tay cụ tổng một cách thân mật.
Hắn là kẻ tà tâm, chuyện phải nhún mình với cụ lần trước chắc sẽ chẳng bỏ qua. Vậy, phải có cơn cớ gì lần này hắn lại mời cụ đi cùng ra bến đón tầu cập cầu. Mà đích thân đến đón?
Từ lúc cùng đoàn tùy tùng ra khỏi dinh, cụ tổng muốn có được một khắc thảnh thơi để suy đoán cho ra mưu mô của hắn là gì cũng không được. Hắn ngồi ngạo nghễ trên lưng ngựa, thỉnh thoảng giật dây cương đột ngột. Con ngựa giật mình, bước đi loạng choạng va vào người lính lệ khênh võng. Hắn muốn cụ ngã văng ra khỏi võng. Khổ thân anh lính, phải gồng người giữ cho chiếc võng được thăng bằng khiến mặt anh đỏ căng, mồ hôi vã đầm lưng áo. Đến con vật cũng không chịu nổi hành động của hắn, mắt đỏ ngầu, miệng sàu bọt trắng. Kẻ tiểu nhân, mày chỉ đáng chơi cùng đứa trẻ lên năm, cụ tổng muốn chỉ vào mặt hắn mà nói vậy. Nhưng bây giờ mà bước xuống mình sẽ thành kẻ hầu lẽo đẽo theo sau đít ngựa của hắn. Nhưng cứ ngồi yên trên võng thì cụ bị đung đưa như làm trò hề trước bàn dân thiên hạ. Hắn muốn giễu nhại cụ.
Nếu có Ông Ích Khiêm ở đây chắc chú ấy không để yên chuyện này.
Bỗng nhiên con ngựa nhảy dựng lên đứng bằng hai chân sau, hai chân trước đạp chới với trên không. Nó muốn hí thật to, thật dài nhưng chỉ phát ra tiếng rin rít tắc nghẹn như bị chẹn ngang cổ. Con vật tức giận hạ hai chân trước xuống rồi tung hai chân sau đá hậu. Nó chạy bổ lên, rồi đột ngột dừng khựng lại, cái đầu văng vật từ bên nọ sang bên kia tỏ rõ sự đau đớn.
Quan chủ sự tuột dây cương vội vàng vòng tay ôm chặt vào cổ ngựa cho khỏi ngã. Nhưng dường như với tư thế như vậy càng khiến con vật tức giận thêm. Nó tung người lên nhảy lên bằng cả bốn chân, lưng vặn như làn sóng, liên tục tung những cú đá hậu nhằm hất cái vật đang đè nặng trên lưng xuống. Đám tùy tùng của quan chủ sự cố lại gần để ghìm con ngựa lại. Sự hung hãn của con ngựa lên tột đỉnh. Nó nhảy dựng lên, đứng bằng hai chân sau rồi bất ngờ đổi tư thế hai chân trước cắm xuống để hai chân sau đá ngược lên. Toàn thân con ngựa như cái bập bênh liên tục bật lên hạ xuống. Có dũng cảm mấy đám tùy tùng cũng không ai dám lại gần. Có khỏe mấy thì quan chủ sự cũng không thể bám mãi được trên lưng ngựa. Con ngựa được giải phóng, tung vó phi ngược trở lại.
Trời có mắt, cụ tổng khinh bỉ nhìn viên chủ sự gạt hai tùy tùng đang đỡ mình ra gắng chịu đau bước đi để lấy thể diện. Vì cái sự hèn hạ của hắn, có là người quân tử mấy cũng chẳng ai muốn lại gần hắn hỏi han vài lời cho phải phép. Cụ tổng xuống võng, cùng đám lính lệ đi vượt lên trước. Đám lính lệ hả hê, đánh mắt nhìn nhau cố giấu miệng cười giễu.
Mấy người lính thì thầm rỉ tai nhau :
– Vụt một cái, nhanh cứ như tia chớp ấy các bác nhỉ.
– Thế bác có nhìn thấy viên đá rơi chỗ nào không ?
Mấy người lính kín đáo đưa mắt nhìn quanh tìm.
– Viên đá chỉ bằng ngón tay cái thôi, không biết bắn đi đâu mất rồi.
– Có khi chui tọt vào trong mắt con ngựa cũng nên. Có thế nó mới đau đớn nhường ấy.
– Bác có nhìn thấy người ném không ?
– Nhìn thấy thì đã chả nên chuyện. Mà quanh đây làm gì có chỗ nào nấp được. Người đâu tài thế !
Thế ra con ngựa bỗng dưng lồng lên là nguyên do ấy. Có người ném đá trúng mắt nó. Ai ném mà tài thế? Ở đời này cụ biết chỉ có một người ném bách phát bách trúng và viên đá nhỏ bằng ngón tay cái bay nhanh không khác gì viên đạn bay ra khỏi nòng súng, đó là tướng Ông Ích Khiêm. Nhưng chú ấy nấp ở đâu mới được chứ. Một bên là sông nước mênh mông, chỉ có mấy chiếc thuyền nhỏ mãi xa. Chú ấy đâu phải là người giỏi bơi lội. Một bên là bãi trống không có chỗ náu mình.
Chú ở đâu thì cố náu mình cho kỹ, cụ tổng lo lắng nhủ thầm. Nhưng chú ấy đang là tội phạm của triều đình, làm sao có thể tự do đi lại ? Hôm qua nể cụ lắm người ta mới cho chú ấy dừng lại để hai người từ biệt nhau. Đất nước đang bị đè nén thì cá nhân cụ bị người ta giễu nhại một tí có là gì đâu. Chú mà nghĩ quẩn làm điều gì không suy tính trước sau để tội nặng thêm thì cụ ân hận lắm.
***
Bến cảng của người Phú Lãng Sa làm đã được mấy năm, nhiều lần cụ muốn ra tận nơi xem thế nào, nhưng ngại vị thế của mình mà đến không đàng hoàng thể nào cũng có người bất nhã đón tiếp. Chuyến đi hôm nay cụ cũng đã trù liệu cả nhưng không hề nghĩ tới việc viên chủ sự kia lại cư xử hèn hạ đến mức vậy.
Bây giờ thì thực mục sở thị, có tức đến mấy thì cụ tổng cũng không kìm được sự thán phục. Cụ thốt lên “Giỏi lắm!”. Mấy người lính lệ ngơ ngác nhìn nhau thắc mắc, không hiểu quan lớn nhà mình khen cái gì. Chính cụ tổng cũng không biết mình khen con tầu khổng lồ như trái núi, đang nhả ra dải khói dài như đám mây hay khen mặt cầu bằng những thanh gỗ ghép lại, cả đoàn người đi rầm rầm vậy mà không hề rung động. Này đây, minh chứng rõ ràng nhá, chỉ khi nghe thấy tiếng hô tránh đường mọi người mới nhận ra cả một đoàn xe goòng chất đầy hàng đã đến sát gần. Hay kia, cột bích chỉ như chiếc nấm mọc bên mép cầu mà sao vững thế, níu giữ được con tầu khổng lồ đứng yên trong dòng nước cuộn chảy. Cụ đi công du bên trời Tây trên những con tầu khổng lồ, biết nhiều cầu cảng to đẹp và cũng đã bao năm ước ao nước mình có được một bến cảng có thể sánh được với người ta thì nay đã thành sự thực. Trên vùng đất sình lầy cửa sông Cấm giờ không chỉ có những tầu buôn nhỏ bé của bọn Tầu ô và những chiếc thuyền đánh cá của dân chài không khác gì lá tre qua lại, nay so với trời Tây có kém cạnh gì.
Nhìn về phía ngã ba sông, con tầu của bọn Tầu ô đen xì xì như cục than, nhỏ không bằng một góc con tầu của Tây phương cụ tổng thấy ấm ách tức. Cụ không ghét con tầu mà ghét bọn người trên ấy. Dường như không có những câu chửi thề tục tĩu thì tầu của bọn chúng không cập được vào bờ thì phải. Bọn chúng đã phải bỏ đất bỏ nước đến đây sống nhờ vậy mà không biết thân biết phận làm ăn sinh sống còn gây ra không ít chuyện phiền phức. Việc Ông Ích Khiêm bị triệu về kinh cũng là do đám hỗn quân hỗn quan của bọn Tầu ô kia gièm pha gây nên. Gần hết cuộc đời chỉ biết có chiến chinh chắc chú ấy mỏi mệt lắm rồi. Cụ ân hận vì đã viện triều đình cho chú ấy theo ra ngoài Bắc này.
Việc Lương Văn Tiến giao du với bọn Tầu ô cụ có thể ngăn cản, nhưng suy đi tính lại, có gần chúng mới quản được chúng. Vả lại, việc giao thương với bọn chúng cũng đem lại nhiều nguồn lợi cho dân mình. Cụ đành tặc lưỡi, lấy cẩn trọng làm đầu. Giá như chú Tiến có được sự thận trọng như chú Khiêm thì cụ không phải lo gì nhiều.
Nhưng tại sao những kẻ đẩy xe goòng kia gặp quan lớn mà không dừng lại hành lễ? Cụ định hô lính chặn đám phu vô lễ lại nhưng vội kìm lời. Cụ đang đứng trên đất của mình mà lại không được làm chủ. Bọn họ cũng vậy, làm phu phen cho người ta thì phải theo lệ của người ta. Dồn sức đẩy xe goòng đi nhanh cho đỡ tốn sức. Thêm chuyến là thêm tiền công, những cánh lưng của đám phu cong gù như những con sâu đo. Vì cuộc mưu sinh nên phải vậy, trách họ sao được.
– Ố là là! Phải chăng con tầu khổng lồ của chúng tôi đã bắt mất hồn vía của ngài hay sao mà trông ngài thất sắc thế kia.
Tiếng nói ồ ồ như tiếng nước chẩy vào chum sành ngay bên tai khiến cụ tổng giật mình quay sang nhìn. Bộ mặt của viên chủ sự áp gần sát vào mặt mình khiến cụ tổng kinh hãi vội bước lùi lại. Bộ mặt ma! Xác chết ! Và còn là gì nữa rất kinh tởm mà cụ muốn thốt lên. Bộ mặt trắng ởn, sần sùi như da lợn cạo và đôi mắt xanh lét của viên chủ sự cũng như bộ mặt của bọn người Phú Lãng Sa lần đầu tiên cụ được nhìn sát gần. Gần đến mức cụ thấy được hơi thở của hắn phả vào mặt nong nóng và có mùi oai oải như mùi rơm rạ mục ngoài ruộng. Nhưng tất cả những điều đó cũng không khiến cụ kinh tởm bằng, tại sao da thịt của những người đàn ông lại có thể kề sát với nhau như vậy được. Đó không thể là nhân tính.
Cụ muốn quay ngay về, nhưng đám đông tụ tập trên cầu cảng đã vây kín không cho một lối đi. Đám người hỗn mang đều mang vẻ mặt phớt lờ sự có mặt của quan lớn trong triều, chắc chắn cũng sẽ không nghe lệnh trên mà nhường lối. Đành nhẫn nhịn chờ sự việc qua đi. Đám lính tay cầm kèn đồng, rầm rập từ trên tầu chạy xuống, dàn thành hai hàng ngang, dọc theo cầu cảng. Uy nghi. Tiếng kèn cất lên chói gắt muốn xé toang màng nhĩ, màn âm thanh như phủ mờ mắt khiến cụ không nhận ra viên thuyền trưởng ngực ưỡn dô lên, lưng thẳng, chân vung cao bước đều tới trước mặt cụ rồi đứng nghiêm giơ tay chào trịnh trọng. Giống như nghi lễ đón rước quan trên của họ. Không lẽ bọn họ lại đón tiếp cụ ? Cơn cớ gì kia chứ ? Viên thuyền trưởng nói một tràng dài như pháo nổ rồi đưa bàn tay ra trước cụ. Hắn muốn bắt tay. Không thể bắt tay hắn được. Cụ là người Đại Nam phải hành xử theo nghi lễ của mình. Cụ chắp hai bàn tay vào nhau rồi đưa ngang đầu vái một vái dài đáp lễ. Viên thuyền trưởng nói líu ríu, mắt láo liêng. Hắn giễu.
Quả đúng như vậy. Viên chủ sự nói:
– Ngài thuyền trưởng nói ngài chậm tiếp thu nền văn minh của đại quốc.
Cụ bặm môi nén tức giận. Cụ trách mình, sao lại dễ dàng nhận lời hắn mà đến đây. Giờ thì cụ đã bị giam lỏng trong vòng vây đủ các hạng người.
Tên chủ sự với vẻ mặt đắc thắng, hai bàn tay vỗ vào nhau phát ra tiếng bồm bộp như đứa trẻ ngông nghênh. Hắn ra hiệu.
Mấy người phụ nữ vận y phục phương tây với bộ váy trắng có những dải đăng ten lòe xòe, mũ vải rộng vành, mạng che nửa mặt từ phía sau đi lên đứng ngang hàng với cụ. Nước hoa thơm sực. Viên chủ sự chỉ tay vào một cô gái, nói:
– Hẳn ngài biết quý phu nhân xinh đẹp này ?
Không nhìn người phụ nữ nhưng cụ trả lời dứt khoát :
– Tôi không quen những hạng người này !
– Thì ngài cứ nhìn thử xem ai nào. Một tuyệt sắc giai nhân như quý phu nhân đây chẳng lẽ ngài lại từ chối chiêm ngưỡng. Liệu có mất lịch sự.
– Em chào quan tổng đốc!
Láo! Cụ muốn thét lính lệ bắt ngay kẻ hỗn xược lại. Nhưng! Giọng nói quen lắm. Giọng nói khàn khàn, mệt mỏi của người chịu nhiều cực nhọc.
Trời đất ơi, giọng ấy chỉ có là nhà đĩ Sắn ! Đất muốn sụp dưới chân cụ. Thật cô ta đây ư? Cụ trân trối nhìn người đàn bà.
– Là cái đĩ Sắn thật đây, cụ không nhận ra à.
Dù mày có thay hình đổi dạng thế nào cụ vẫn nhận ra. Cụ chỉ băn khoăn, tại sao không gặp có hơn một năm mà nhà đĩ Sắn đã thành con người hoàn toàn khác, trơ trẽn thế kia? Nếu đang ở dinh tổng đốc, chắc chắn cụ đã quát lính gô cổ con người vô lễ, vô loài kia lại. Nước Nam không chấp nhận người đàn bà sống không có tôn ti, không tuân theo lề thói.
Ngày ra Hải An nhậm chức, đến huyện Kim Thành thì đoàn quan quân phải dừng lại vì mưa to. Nước ồng ộc từ trên trời đổ xuống trần gian mấy ngày liền. Sông Kinh Môn đỏ ngàu, sủi sùng sục như chảo nước sôi. Dòng nước chảy xiết khác nào chiếc thuổng khổng lồ đào khoét từng mảng đất thân đê ném ùm ùm xuống sông. Chiều hôm trước nước mới lên nửa thân đê, vậy mà qua một đêm trước mắt chỉ thấy trắng băng. Con đê chỗ nào không ai nhận ra. Không thấy một nóc nhà. Chỉ còn vài ngọn tre phất phơ trong xoáy nước. May mà quan quân kịp tìm được gò đất cao trú chân.
“ Có người kìa! Ra cứu người ta!” Cụ hốt hoảng nhận ra có người đang ngoi ngóp giữa dòng nước. Ông Ích Khiêm cởi phăng áo định nhào xuống. Cụ cản lại, có ai bơi lội giỏi không? Một người dân địa phương bẩm, quan lớn không phải lo, nhà đĩ Sắn đấy. Không biêt nhà đĩ Sắn là ai, bơi lội giỏi thế nào nhưng nghe người dân nói chắc cụ bớt lo lắng.
Con người giữa dòng nước xiết kia giờ không thấy ngoi ngóp nữa mà chủ động bơi nhô lên ngụp xuống theo nhịp, nhanh như con cá mương rẽ nước. Người ấy bơi hướng về gò đất. Ông Ích Khiêm nhào xuống dòng nước bơi ra trợ giúp.
Mọi người không nhịn được cười khi thấy một tướng quân hùng dũng lao xuống cứu người lại được chính người ấy túm tóc lôi vào bờ. Người đàn bà ấy là nhà đĩ Sắn. Để hai người nằm lại gò đất, nhà đĩ Sắn lao trở lại dòng nước. Lúc sau một đứa trẻ khác được vớt lên.
Cũng may là những người được nhà đĩ Sắn cứu khỏi dòng nước lũ đều sống khỏe cả không thì thiên hạ sẽ trách Ông Ích Khiêm và cả cụ nữa cũng sẽ tự trách mình là kẻ vô nhân tâm. Ông Ích Khiêm người ngay đơ như khúc gỗ, nhìn như thôi miên vào cơ thể nhà đĩ Sắn. Còn cụ lúng túng nhìn quanh, sợ người khác phát hiện ra điều bất ổn trong lòng mình. Đẹp! Cụ thầm thốt lên. Chiếc váy sũng nước bám dính vào da thịt để lộ trọn hình dáng cặp đùi thon chắc, cái mông tròn căng. Và bộ ngực, sao cái yếm không trễ hẳn xuống để đến bây giờ cụ vẫn khát khao được một lần chạm tay vào để thấy được cái trắng ấy mịn tới mức nào, cái mây mẩy ấy êm ái tới mức nào.
Đàn ông năm thê bảy thiếp chuyện thường tình. Cụ chỉ có một bà vợ ở quê, ngoài này không người chăm sóc sớm hôm, nhà đĩ Sắn đoạn tang chồng cũng mấy năm, có đón về làm lẽ chẳng ai chê trách. Nhưng cụ sợ sẽ làm cho ánh mắt hôm ấy của chú em kết nghĩa trở nên buồn. Ít ngày sau hai người ấy gần gũi với nhau, cụ nén lòng để vun vén vào. Đã hơn một năm không gặp, vậy mà …. Cụ trách Ông Ích Khiêm, chuyện lớn như vậy mà không nói lại một lời.
Mày là người nước Nam thì phải mặc theo lề lối người Nam thì mới đẹp được. Cụ nhìn sang để tìm ra cái xấu xa của nhà đĩ Sắn. Nhưng nó đâu! Có lẽ nó đang chen chân theo dòng người lên tầu theo lời mời của viên thuyền trưởng. Nó theo người phương tây thì chuyện hỗn hào đến vậy cũng chẳng đáng để cụ phải bận tâm.
– Cháy kìa!
Có tiếng hô thất thanh. Dòng người chựng lại ngơ ngác nhìn. Đám khói cuồn cuộn bốc ra từ ô cửa sổ ca bin tầu. Dòng người xô đẩy nhau, nháo nhào chạy ngược lại. Tiếng ta, tiếng tây la hét loạn xị. Viên chủ sự cùng đám lính lệ theo hầu lui lại phía sau, tư thế sẵn sàng bỏ chạy. Trên tầu, lính Tây hô hét nhau dập lửa. Náo loạn vô cùng.
Chỉ còn mình cụ đứng trơ giữa cầu cảng. Tiếng thưa bẩm của đám lính giục giã cụ tổng quay lui.
Có người đang bơi giữa sông! Người ấy bơi nhồi lên ngụp xuống, nhanh như con cá mương rẽ nước.
Cụ nhìn thấy rồi, không biết có ai nữa nhìn thấy không? Cụ lo lắng.
– Cháy tới kho thuốc súng rồi kìa!
Phải thu hút mọi sự chú ý lên tầu, cụ tổng quyết đoán ra lệnh:
– Tất cả lên tầu dập lửa!
Những người lính lệ theo hầu đã lâu, hiểu rõ tính cách quan trên nên không ngần ngại lao lên tầu.
Lương Văn Tiến chạy đến kéo tay áo cụ tổng, ngạc nhiên hỏi:
– Sao bác lại làm thế? Không khéo mang tội giúp ngoại bang.
Tổng đốc Phạm Phú Thứ không trả lời người em họ, mắt dõi nhìn “con cá mương” khuất dần vào bờ cây lậu bên kia sông. Cụ đăm chiêu, không biết mình xử sự như vậy có làm tròn lời căn dặn của đức hoàng thượng trước khi lên đường ra Bắc? “Tuyền dũng chiêu thương nhiêu quốc phú. Băng tan quần đạo tĩnh quân nhu” Phải làm cho việc buôn bán dồi dào như nước trong suối chảy ra thì nước nhà mới giầu có, lúc đó giặc giã sẽ tự tan như băng mà đỡ hao tổn binh phí.
Vầng mặt trời tròn vạnh, đỏ rực như chiếc mâm lửa lăn dần xuống phía thượng nguồn. Dường như có vầng mặt trời thứ hai xuất hiện bên dưới lòng sông Cấm đang thổi bùng lên trần gian ánh sáng vàng rực rỡ. Có một dải ánh sáng trắng lóa, thẳng căng như chiếc gươm phán treo ngang trời.