Bóng núi
Mảnh trăng khuyết đã lên đến giữa nền trời xanh thẳm mà ké Phù vẫn chưa đi ngủ. Mọi hôm giờ này ké đã ngủ được hai ba giấc rồi. Làm sao ké có thể ngủ được khi con trâu mộng không về chuồng. Con trâu đầu đàn chưa bao giờ nằm trong rừng sâu. Chiều muộn nào nó cũng dẫn đầu đàn trâu núc ních đi về. Thấy tiếc cây củi khô ké dùng dao chặt bó thành hai bó để tối đem về theo vai, không để mắt đến con trâu mộng một lát. Thoáng cái con trâu to đen như hòn đá lớn đã biến mất, ké luồn lách trên những con đường mòn, dỏng đôi tai ra bốn phía để nghe động tĩnh. Ké chỉ nghe được tiếng hót của các loài chim, không nghe được tiếng trâu ăn cỏ. Chuyện gì thế này, cứ như là ma quỷ đem con trâu đi giấu vậy? Ma quỷ đã có ý đem trâu đi giấu thì người trần mắt thịt làm sao có thể nhìn thấy được. Gia đình ké đã chứng kiến mấy lần rồi. Nhớ năm xưa ké mua con trâu cái về định làm bát xôi, mổ gà cúng thành hoàng làng, nhưng ba hôm, năm hôm rồi chín hôm không làm được. Một ngày ké đi chăn trâu trên núi Đỏ bỗng cơn gió to thổi qua làm ké phải nhắm mắt lại. Khi cơn gió đi qua, ké mở mắt không thấy mẹ con trâu trâu đâu nữa. Ké tìm mãi không thấy trâu, đành về nhà kể với vợ và bà mẹ đã gần chín mươi tuổi. Bà mẹ tỏ ra có kinh nghiệm nói con dâu, con trai phải đem cái lót nồi đội lên đầu đi ra thành hoàng làng quỳ tạ tội. Sau đó tự nhiên thấy mẹ con trâu tự bước về chuồng. Từ đó ké Phù lờ mờ tin vào những chuyện ngoài sức tưởng tượng của con người. Thế giới này luôn tiềm ẩn những điều kỳ bí mà khoa học chưa thể khám phá hay giải thích được một cách rạch ròi. Lẽ nào con trâu mộng đã bị ma quỷ đem đi cất giấu. Gia đình ké đã đắc tội gì với thành hoàng làng khiến thành hoàng làng nổi giận, không bảo vệ con người và gia súc nhà ké nữa sao? Ké thầm nghĩ. Một đống tiền đấy. Tìm thấy thì thành con trâu, không tìm thấy là như cây kim trong đống rác. Nhung giờ ké nghĩ, lo lắng cũng vô ích. Đêm đen tĩnh lặng. Lúc này mặt trời đang đi ngủ. Ké không thể đem ánh sáng ném vào trong rừng sâu để soi rõ mọi vật. Phải vào ngủ thôi, sáng sớm mai ké sẽ nhờ người cùng đi tìm giúp. Nhiều người giúp đỡ ké tin là sẽ tìm lạ được con trâu mộng. Trước khi bước vào nhà, ké Phù đứng trên sàn một lát. Ké ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao. Bỗng một luồng sáng đỏ rực như than trong bếp lò xuất hiện trên phia Mẻ Nộc. Ké cảm thấy luồng sáng rộng lớn kia che kín một nửa bầu trời. Ké định hô hoán người nhà dậy xem hiện tượng kỳ lạ này, nhưng lại nghĩ đến lời dạy của người xưa ké lại thôi không gọi ai cả. Có lẽ bân phạ đang kháy váng (mở cửa). Ké Phù định bước chân nhanh xuống cầu thang nhà sàn ôm lấy vài hòn đá đem vào cất trong tủ(*). Nhưng ké để ý không thấy có người cấy lúa, đành thôi. Chỉ trong cái chớp mắt vùng sáng rực biến mất, bầu trời lại hiện ra trong xanh, những ngôi sao lại xuất hiện trên bầu trời chiếu những tia sáng trắng về phía mặt đất. Ké không thể hoa mắt được. Dạo này người ta đang khai thác đá trên núi Đầu Long, đào bới quặng mangan trên đồi Khau Cải, nhà nước lại xẻ đèo Khau Liêu làm đường. Thân hình núi đồi Long Phượng đã bị cắt làm đôi. Long mạch bị hủy hoại. Trên trời xuất hiện những hiện tượng kỳ lạ, dưới đất, trên đường có người nhìn thấy thuồng luồng mắc cạn. Trời không được bình yên, đất trở nên hỗn loạn. Sống gần tám mươi tuổi, ké Phù đã chứng kiến nhiều biến chuyển của đất trời. Rồi đây đời con cháu sẽ khó sống được yên ổn trên vùng đất đang bị xáo trộn bởi bàn tay con người. Mẹ thiên nhiên đang nổi giận trút lên đầu những sinh linh nhỏ bé. Lửa trời thiêu rụi rừng già, gió bão quật ngang xé dọc, lũ quyét, nước dâng ngập làng. Điều mà trước đây chưa từng có ở ngôi làng bao đời bình yên. Ké đem hiện tượng kỳ quái cùng đi vào giấc ngủ.
Sáng sớm ké Phù cùng thằng Pứng đi vào lũng Mằn. Bầy Nộc Ra thấy hai ông cháu không tỏ ra sợ hãi, những con đực vội chui vào bụi rậm kêu khựt khựt trêu người. Giá mà lúc này có bẫy thì hay, cả đàn Nộc Ra kiếm được không dưới chục triệu. Hoặc giả có súng Mác Sá thể nào cũng được bữa thịt rừng ra trò. Pứng nghĩ thầm. Nhưng lúc này Pứng cùng ông đang đi tìm con trâu mộng, chẳng còn bụng dạ nào xua đuổi bầy Nộc Ra. Gần hai chục năm rồi nay ké Phù mới thấy bầy Nộc Ra trong lũng. Trước đây trong rừng không thiếu tiếng chim, dưới mặt đất các loài thú nhởn nhơ đi lại. Từ khi dân tứ phương tới chặt cây cưa xẻ gỗ, đốt rừng làm nương, một số loài chim đã trốn đi biệt tăm. Thú rừng thì hiếm như quả trái mùa. Bước chân hai ông cháu Pứng khẽ chạm trên mặt đất, thỉnh thoảng Pứng mới nói với ông một câu vu vơ để phá tan bầu không khí yên ắng đến toát mồ hôi. Ké Phù và cháu tiến sâu vào trong lũng, đàn quạ đen không biết từ đâu bay đến kêu lên những tràng dài não nề. Loài quạ quả có cái mũi thính hơn cả loài chó. Ở đâu có mùi tử khí là chúng đều biết trước? Lẽ nào xung quanh đây có xác con thú nào đó chết trương? Ké Phù nghĩ bụng. Hai ké cháu đang đi bỗng dừng lại. Bãi lau sậy phía trước bị lụy xuống mặt đất. Ké cùng người nhà lại gần xem, những cây cỏ bị quần tả tơi. Xen lẫn với dấu vết của con trâu lớn là dấu chân của con hổ to in rõ trên nền đất mềm sau trận mưa rào. Lẽ nào con trâu mộng của ké Phù đã bị hổ vồ bấu cổ họng ăn tiết? Ôi rừng lại có hổ báo rồi sao? Tâm trạng ké vừa vui vừa buồn. Hổ đã về bắt trâu bò, dê trên núi. Ké đã nghe người làng bên nói ké không tin. Giờ thì ké Phù tin thật rồi. Con dê, con bê hổ có thể vác về hang động ăn thịt. Nhưng con trâu mộng nặng năm sáu tạ, trọng lượng cơ thể của nó gấp năm sáu lần trọng lượng cơ thể hổ to. Trâu bị hổ bắt thì phải nằm ngay tại chỗ này, không thể có chuyện con hổ vác con trâu đi như vác con lợn nặng vài chục cân được. Ké Phù cùng mấy người lần theo dấu trên vệt cỏ dẫn lên trên đỉnh đồi cao. Thằng Pứng nhanh chân thoắt một cái đã leo lên đến đỉnh cây cang lò cao nhất. Pứng đưa mắt quan sát bốn phương, thiếu chút nữa thì nó đã thét lên. Nhưng nó đã kịp ngừng lại. Ở phía quả đồi cao đồi diện, một con hổ to đang ra sức kéo con trâu hướng lên đỉnh đồi. Nó hét lên con hổ mà nghe thấy rượt đến thì nguy lắm. Ông nội nó đang ở dưới đất không được an toàn… Trấn tĩnh lại nó nhẹ nhàng tụt xuống gốc nói với ông nội. Ké Phù nghe cháu nói thì cả sợ giật nảy mình. Ké theo cháu trèo lên cây cao. Quả nhiên con trâu mộng đã chết và đang bị con hổ kéo đi. Mỗi lần kéo con mồi đi được chục bước chân con hổ lại thản nhiên bỏ xuống khe sâu dưới chân lũng. Thằng Pứng trên ngọn cây cao thấy con hổ đi về phía mỏ nước Lũng Tàn. Thì ra con hổ kéo mệt đã đi tiếp nước. Mỗi lần đi về, trước khi tiếp tục kéo con mồi hướng lên đỉnh đồi con hổ đều ngó vào trong lỗ tai con trâu mộng. Bảy tám lần quan sát ké Phù đều thấy con hổ làm động tác đó. Ké lấy làm lạ lắm. Tại sao con hổ lại nhìn vào trong lỗ tai của con trâu chết trước khi tiếp tục kéo con mồi về hang ổ của chúng (ké nghĩ thế)?
-Ông ơi, không biết trong lỗ tai của con trâu nhà mình có cái gì đó mà mỗi lần trở về con hổ đều nhìn vào đó? Pứng nói với ông.
-Ông cũng không biết ở trong đó có cái gì đâu. Cháu xem mỗi lần con hổ đi uống nước cả đi cả về mất khoảng bao nhiêu thời gian? Ké Phù nói với cháu.
Thằng Pứng lấy chiếc đồng hồ casio điện tử ra để tính giờ. Mỗi lần con hổ đi uống nước về đến khoảng hai mươi lăm phút. Càng lên gần đến đỉnh thời gian con hổ đi về càng lâu hơn. Đợi đến lượt thứ mười, ké Phù bảo cháu cứ ở trên cây quan sát còn ké đi nhanh về phía con trâu mộng chết. Ké đến bên cạnh con trâu ngó ngay vào lỗ tai nó. Một con muỗm xanh còn sống nằm trong tai con trâu, khi ké vén màng tai trâu nó cũng không buồn nhảy ra ngoài. Không ngần ngại ké Phù nín thở thò ba ngón tay vào trong lỗ tai lôi con muỗm xanh ra ngoài. Ké bỏ con muỗm vào trong chiếc túi áo đại cán rồi nhanh chân quay lại leo lên cây cao. Một lúc sau ké nhìn thấy con hổ ung dung đi tới chỗ con trâu mộng. Nó nhìn vào lỗ tai không thấy con muỗm xanh đâu liền gầm lên ba tiếng ào um ào um ào um rồi tức tốc bỏ đi. Lấy hết cam đảm ké Phù cùng thằng Pứng lần theo dấu chân hổ. Hai ông cháu đến nửa đồi bên kia, con hổ đã nằm chết dưới gốc cây sau sau già. Con hổ đã tự tử hay vì mệt quá mà chết? Rất nhiều năm sau này ké vẫn không thể trả lời. Con người biết sử dụng tà thuật, bùa chú thì là chuyện rất đỗi bình thường. Bản thân ké Phù cũng biết sử dụng bùa yêu, bùa phá vỡ tình duyên. Lẽ nào loài hổ cũng biết bùa phép ư? Tại sao nó có thể lôi kéo được một con vật nặng gấp năm sáu lần cơ thể nó? Mà lại còn kéo lên dốc nữa.
Phiên chợ cuối năm nườm nượp khách, chẳng mấy chốc thịt con trâu mộng đã được bán hết. Người mua dăm ba cân đem về hun trên bếp lửa cho khô. Ngày Tết mà được mấy miếng thịt trâu hun khói thì ấm và chắc bụng phải biết. Đếm tiền xong hai ông cháu Pứng đi vào quán phở ăn bát phở nóng rồi mới về nhà.
-Ông cái này ta phải làm thế nào ạ? Thằng Pứng chỉ vào tấm da hổ rồi hỏi ông nội.
-Cái này, cái này ông cũng chưa biết phải làm thế nào.
-Để ở nhà không được đâu ông ạ, người làng biết được báo với kiểm lâm thì không hay đâu.
-Ai dám báo với kiểm lâm? Họ báo với cơ quan chức năng thì sao? Họ làm được gì ông cháu ta? Con hổ tự nhiên mà chết đâu có phải do ông cháu ta hạ sát đâu. Ông cháu ta không phanh thây xẻ thịt nó thì rong mấy ngày nó cũng sẽ bị thối rữa thôi.
-Ông nói phải lắm. Nhưng cháu vẫn thấy lo lo thế nào ấy.
Như chợt nhớ ra một điều gì đó quan trọng, ké Phù hồ hởi hẳn lên. Phải rồi ké có người bà con xa lấy chồng bên Tàu. Có lần nó nói với ké “kiếm được con hổ, con báo thì đem sang đó mà bán được giá cao hơn bên này”. Da hổ là thứ hàng quý hiếm, nhất định ké sẽ được một món tiền khá lớn. Ngày mai ké sẽ đi sang Tàu một chuyến, một công đôi việc luôn. Ngày chưa đến đêm chưa lùi vào núi ké đã có mặt tại lối mòn đường biên giới. Ké bảo thằng cháu đi xe máy về nhà còn ké bước chân theo con đường mòn khuất dần sau ngọn núi đá xanh.
-Bác đến rồi đấy à? Cháu đợi bác lâu rồi. Cháu họ ké lên tiếng thay cho lời chào.
-Cháu Liễu đấy à? Sao biết bác đến mà đợi ở đây? Ké Phù nói.
-Anh Pứng gọi điện cho cháu biết rồi mà.
-À, bây giờ thời đại thông tin có khác. Bác chưa đến nơi mà cháu đã ra đón rồi.
-Bác cháu ta đi thôi. Đi một lúc nữa đến chợ xã La Tấn Sơn, bác cháu ta sẽ đi xe ba bánh lên chợ huyện, cháu đã hẹn người mua rồi.
-Vậy à, vậy thì tốt quá rồi.
Cầm cả đống tiền trong tay ké Phù cứ ngỡ mình như mơ. Số tiền bán tấm da hổ còn được nhiều hơn cả tiền bán thịt con trâu mộng. Cuộc đời ké chưa từng cầm một đống tiền lớn như thế. Không hiểu sao mỗi khi cầm đống tiền lớn tay ké cứ run lên bần bật như người bị chứng pắc kinh sơn vậy. Khi về đến nhà cháu họ mà ké vẫn cứ ngỡ mình đang trong cõi mơ tưởng.
-Ngày mai bác ra về, bác nhớ phải giữ tiền cho cẩn thận mới được. Liễu nói với ké.
-Ừ, được rồi, bác sẽ cẩn thận mà.
-Lần sau kiếm được gì bác cứ gọi cho cháu, cháu sẽ đến tận đường biên đón bác. Lần sau cháu sẽ mua giấy thông hành cho bác để tiện cho việc đi lại.
-Ờ, được vậy thì tốt quá rồi.
Chuyến đi sang Tàu trót lọt kiếm được một món tiền lớn làm ké Phù vui lắm. Ngày ké miệng ngâm nga câu sli câu lượn, cứ như ké còn đang xuân sức vậy. Kiếm được con thú lớn ké sẽ báo cho Liễu biết. Ké sẽ đem theo mấy cân thịt hổ khô đem sang Tàu bán. Thịt hổ bây giờ hiếm lắm. Được ăn một miếng thịt hổ còn hơn ăn cả trăm con gà con lợn ấy chứ. Còn nữa xương của con hổ đã được ké đem vào chảo trâu đun ba ngày ba đêm nhừ đem nấu thành cao đem bán cũng kiếm được cả đống tiền. Ké tiếc khi mất đi con trâu mộng, nhưng ké vui vì có được nhiều tiền. Ông trời có mắt đã chiếu cố đến ké, tự nhiên dâng cho ké một tặng phẩm có giá trị lớn. Mấy chục năm trước đồi núi bị cạo trọc vắng bóng rừng cây xanh, mấy chục năm sau rừng được hồi sinh mạnh mẽ. Có cây to thú rừng từ đâu kéo về trú ngụ. Có rừng nước cũng theo khe đùn lên. Ruộng được tưới đầy nước, không còn đám ruộng nào bị bỏ hoang do thiếu nước bừa cấy. Núi non không suy suyển nước dòng tự đổi thay. Cái nghèo cái đói đã lùi xa vào rừng sâu núi thẳm. Cái no ấm, giàu sang mỗi ngày một thêm gần. Ké chỉ tiếc cuộc đời của ké bây giờ như chiếc đèn dầu sắp cạn, ké sẽ không còn thấy được nhiều cái đổi thay phía trước nữa rồi. Ngày Phù còn nhỏ đã nghe ông nội nói. “Đến đời cháu chắt chợ sẽ biến thành những bông hoa sắc mầu. Đường giao thông đi qua giữa, hai bên là hai dãy nhà cao tầng. Gái trai bình đẳng, quần áo mặc cùng nhau được”. Phù không tin đâu. Nhưng đến tuổi này ké Phù tin rồi. Ra chợ quần áo đủ mầu sắc sặc sỡ có khác gì muôn loài hoa? Con trai con gái tóc tai như nhau, quần áo mặc được với nhau. Thì ra các cụ đã tiên đoán thấy được sự tiến hóa vượt bậc của loài người. Rừng có rồi mất rừng đều do bàn tay của con người. Ké đã chặt không biết bao nhiêu cây gỗ lớn, phần để làm nhà, phần đem bán lấy tiền. Ké đã sống nhờ vào rừng trong một thời gian dài. Nhiều lúc ké Phù nghĩ mình như một con vật ký sinh của rừng. Rừng cho ké cơm gạo, vải vóc, tiền bạc. Không có rừng ké sẽ chết. Như thể không có rừng ké chẳng biết phải làm gì để sống. Đã lâu lắm rồi ké sống bằng việc vỡ vạc đất, bằng những loại cây trồng mới. Gia đình ké được giao đất rừng đến ba héc ta, ké đã trồng, khoanh nuôi, bảo vệ tốt cho mầm xanh hồi sinh trên vùng đất đỏ bạc mầu do xói mòn của tự nhiên khi mất đi chiếc áo khoác là những cây rừng bảo vệ. Mấy chục năm rồi ké không còn được hưởng lợi từ rừng xanh, cho đến hôm con trâu mộng bị hổ cắn hút tiết ké mới được trời bố thí cho xác chết của chúa sơn lâm. Cầm trong tay món tiền lớn ké Phù cảm thấy khoan khoái, khiến ké cảm tưởng như được trẻ ra thêm vài chục tuổi.
Bảy tuần sống trong niềm vui hân hoan. Đêm nay ké Phù nói với thằng Pứng đem một ít thịt hổ khổ ngâm vào nước nóng để làm bữa tối. Pứng nghe lời ông răm rắp. Chẳng mấy chốc hai bát thịt hổ nấu với các loại thuốc gia truyền thơm phức đã được bày trên mâm. Ké Phù nếm khen thằng cháu biết cách chế biến món ăn ngon. Thức ăn ngon, thêm hai chén rượu thuốc bổ ké lên giường nằm ngủ. Chẳng mấy chốc ké đã chìm trong giấc nồng. Đêm khuya vắng lặng. Thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng gió thổi mạnh từ rừng xa vọng về. Ở đâu ra lắm muồm muỗn thế kia? Những con muỗn xanh to béo bám trên cột kèo nhà ké, đâu đâu cũng muồm muỗm xanh. Chúng thi nhau bò đến gần ké, nhe những cái mồm đỏ toan xông vào cắn ké. Ké Phù rút cây đao vẫn thường để dưới gối ra hăm dọa, miệng không ngừng hỏi. “Loài ma quỷ phương nào đến đây để hại ta?”. Bầy muỗm xanh tan biến trong nháy mắt. Rồi bóng một người cao lớn xuất hiện trước mặt ké nói. “Ta là hồn ma đã bị con hổ ăn thịt năm xưa. Ông có biết ta là con ma hiện thân muồm muỗm mà ông đã đưa về nhà không? Ta vẫn đang trong túi áo của ông đây. Hồn ta bị con hổ kia bắt giữ, nó làm phép bắt ta giúp nó sức mạnh để kéo con trâu lên đồi. Ông đã giải phóng cho ta, ta mang ơn ông lắm lắm. Ông còn đem ta về nhà, từ nay ta sẽ không rời nhà ông nữa. Ta sẽ… ta sẽ…”. Vừa nói hồn ma vừa tiến lại gần ké Phù. Ké rút thanh đao ra chĩa thẳng về phía bóng ma lực lưỡng như bóng quả núi đang tiến lại gần. Ké nhắm mắt đâm thẳng thanh đao về phía bóng ma. Nhưng khi đầu nhọn của thanh đao vừa chạm vào ngực của bóng ma thì nó đã biến thành con muồm muỗn xanh to bằng ngón chân cái. Nó giang hai sải cánh ra bay hướng thẳng vào mắt ké Phù. Hai chân nó đạp thẳng vào đôi mắt ké. Hai chiếc móng vuốt sắc nhọn cắm sâu vào con mắt lôi hai con mắt ké ra ngoài. Bóng tối ập đến. Ké Phù đưa tay lên hai hốc mắt, máu đỏ thấm vào tay tanh tanh nóng hổi. “Ta bị mù rồi sao, ta bị mù rồi sao… máu… máu, cứu… cứu…”. Ké Phù hét lên lạc giọng. Thằng Pứng nghe thấy ông nội kêu cứu liền tung mình ra khỏi chăn. Chưa kịp mặc quần dài nó liền đi đến bên giường ông nội. Nó lay gọi ông nội mãi mới tỉnh lại. Thì ra ông nó đang gặp phải ác mộng đêm đông.
-Máu, máu…
-Máu ở đâu vậy ông?
Ké Phù nhìn lên bóng đèn hồi lâu mới nói.
-Ông chưa bị mù sao? Ông vẫn còn nhìn thấy ánh sáng.
-Ông chỉ gặp ác mộng thôi.
Ké Phù kể lại giấc mơ cho cháu. Pứng nghe chăm chú lắm. Nghe xong mặt nó đăm chiêu như đang nghĩ ngợi chuyện gì xa xôi. Ké cũng suy tư, ngồi bất động. Bóng hai người trơ như hai hòn đá. Ké chợt nhớ đến muỗm xanh. Ké thò tay vào túi áo treo ở đầu giường. Một cái gì đó cồm cộm có chân ở dưới đáy túi áo. Ké đưa tay túm lại lôi nó ra ngoài. Dưới ánh sáng bóng đèn ké Phù và thằng Pứng nhìn rõ là con muỗm xanh. Cái áo của ké mới được cháu dâu giặt phơi khô, treo trên đầu giường, tại sao con muỗm xanh lại chui vào đúng chiếc túi áo đó? Ké Phù cảm thấy bất an trong lòng. Ké Phù chưa biết xử trí con muỗm xanh trong túi áo ra sao thì cùng lúc xuất hiện đàn muỗm xanh bám bu vào chiếc màn của ké. Ké vẫn cầm con muỗm xanh bắt được trong túi trên tay. Đoạn sai thằng Pứng đi lấy chiếc bật lửa cho ông. Thằng Pứng bật lửa, ké Phù dí con muỗm xanh lên ngọn lửa, miệng nhẩm lẩm “của xấu đi xa, của tốt về gần. Nếu mày đến báo hiệu cho chủ nhà điều tốt lành thì thôi. Nếu báo điều xấu xin về thêm một con nữa”. Nói xong ké tiện tay ném con muỗm xanh chết qua rù hai (cửa sổ nhà trát vách đất). Một lúc sau ké thọc tay vào trong túi lại bắt được con muỗm xanh khác. Lúc này trong lòng ké thấy bất an thật sự. Chưa bao giờ ké tin vào chuyện ma quỷ, không lẽ cuối đời ké lại bị ma quỷ hành hạ sao? Không thể, không bao giờ có chuyện đó. Ké không đốt chết con muỗm xanh mà ném nó qua rù hai. Hai ông cháu không để ý không biết bầy muỗm xanh bám trên bức màn chàm đã biến đi từ lúc nào. Hai ông cháu nhìn nhau lấy làm kinh ngạc. Chuyện cứ như trong cổ tích vậy. Xong đâu đó ké Phù bảo cháu tắt điện đi ngủ tiếp. Chui vào trong màn rồi nhưng ké không tài nào ngủ được nữa. Trước mắt ké là những cây rừng to bị đốn hạ, ánh lửa bùng lên khắp nơi. Những hình ảnh ngày xưa cứ hiện lên trong mắt ké vừa gần gụi vừa xa xăm. Từ sau đêm ké đốt xác con muỗm xanh trong túi, đêm nào trên đầu giường ké cũng xuất hiện một con muỗm xanh. Ké đuổi đi nó lại lần về đậu lại chỗ cũ. Một ngày kia ké Phù đột ngột mắc bệnh, ốm không rời giường được. Người nhà ké chăm sóc ông được bốn mươi chín ngày thì ké chết. Pứng để ý từ hôm ông nội chết trên đầu giường của ông không thấy xuất hiện con muỗm xanh nào nữa. Những ngày đêm cúng ma ké Phù có người nhìn thấy trong bóng đêm những hồn ma lởn vởn quanh nhà. Có người còn quả quyết nhìn thấy một con hổ vằn đi đi lại lại quanh bụi tre cách ngôi nhà sàn một trăm bước chân. Hai con mắt nó đỏ như hòn than trong bếp, to bằng nắm đấm nhìn ánh đèn không chớp. Có người nói đó là hồn con hổ năm xưa đã cắn chết con trâu mộng nhà thằng Pứng. Cũng có người nói đó là những hồn ma bị con hổ bắt ăn thịt biến thành. Lại có người nói con hổ là hiện thân của thần núi rừng đã bị ông nội Pứng tàn phá năm nào. Câu chuyện như hư như thực, chẳng biết tin lời của người nào. Nhiều năm qua ké Phù đã nhỏ những giọt mồ hôi để sức sống hồi sinh trên vùng đất chết năm nào. Không lẽ những việc làm của ké Phù chưa đủ để chuộc lại những gì ông đã tàn phá từ thuở còn thanh niên? Ngoài việc đã khai phá được hàng trăm mét khối gỗ, hàng ngàn mét khối củi kia, ké Phù đã bẫy, giết hại bao nhiêu con thú rừng? Có lẽ ké Phù cũng không thể đếm được. Và ké không biết, mãi mãi không bao giờ biết được khu rừng Thiên Sơn sẽ trở thành vườn quốc gia trong tương lai. Ngày đó không còn xa lắm. Pứng đã thấy nhiều đoàn khảo sát, quy hoạch đến khu rừng ghi chép, phác thảo lên tấm bản đồ khổ lớn rồi.
(*)Theo dân gian truyền miệng khi người nào đó may mắn nhìn thấy trời mở cửa, có hình người đang cấy lúa thì đem hòn đá và tủ sáng hôm sau đá sẽ biến thành vàng.