Vài nét về tác giả:
Phạm Xuân Đào sinh năm 1953; quê tại xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông vào Đảng năm 1973; là cử nhân Văn khoa, cử nhân Kiểm sát, cử nhân Luật, nguyên cán bộ Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, hội viên Hội Nhà văn Hà nội.
ÔNG MẸO HÂM
Truyện ngắn của Phạm Xuân Đào
Ông Mẹo năm nay bước sang tuổi sáu lăm. Tính kỳ cục nên cả xóm cả làng, ai cũng gọi “ông Mẹo hâm”. Chẳng hâm mà lại có chuyện như này:
Một sáng, chị Nga trên đường đi chợ thì gặp ông Mẹo vác cuốc từ bờ đồng lên đường. Nhanh nhảu, chị hỏi:
– Chào bác Mẹo. Bác đi đâu về sớm thế?
Ông Mẹo:
– Ơ, cái nhà cô này mù à? Không nhìn thấy người ta vác cuốc từ đồng về hay sao mà lại hỏi đi đâu về!? – mấy câu “đi đâu về”, ông đai cái giọng ra, nghe phát ức.
Rồi một buổi chiều, anh Hoán phóng xe máy từ ủy ban xã về, thấy ông Mẹo đang trồng rau su hào ở vạt ruộng màu sát lề đường thì lên tiếng:
– Chú Mẹo trồng gì đấy?
Ông Mẹo dừng tay, lừ mắt:
– Không thấy bố đang trồng su hào hay sao mà hỏi trồng gì hả?
Đấy, đại loại cứ kiểu ấy thì bảo sao không hâm?!
Được cái, mắng nhưng lại quên ngay. Ông bảo, chửi cho chúng sáng mắt ra chứ dở hơi hay thần kinh đâu mà để bụng.
Thực ra thì ông Mẹo hiền lắm. Hồi từ chiến trường về, ông được Hợp tác xã giao cho chiếc công nông. Ông quý lắm. Suốt ngày người gắn với xe. Khi thì chở thóc thuế của Hợp tác xã lên huyện, lúc thì chở phân đạm, thuốc trừ sâu từ huyện, từ tỉnh về cho bà con. Thế rồi, đùng một cái, vào một đêm, chiếc đầu máy công nông không cánh mà bay khỏi nhà kho. Ông Mẹo tức tốc ra báo cáo Ban chủ nhiệm. Nghe ông trình bày xong, tay Sùng phó chủ nhiệm cười nửa miệng:
– Chả biết trộm thật hay là…
– Mày nói gì ? Tao rút lưỡi mày ra bây giờ. Thằng chó! – ông Mẹo trợn mắt, đi đến trước mặt tay Sùng quát thế.
– À, là tôi cứ nói vậy. Khối trường hợp vừa ăn cướp vừa la làng đấy. Phải báo Công an để họ tìm và kết luận thì mới tin.
– Đó là việc của chúng mày. Nói cho mày biết, có chết đói, bố cũng không hèn thế nhá. Đừng có suy bụng ta ra bụng người. Rồi bố sẽ dạy cho mày thế nào là cách sống.
Là nói vậy chứ chẳng biết rồi ông định “dạy cách sống” cho cán bộ Sùng thế nào nữa.
Tháng sau, Công an huyện về xã. Ông Mẹo được mời ra ủy ban. Công an thông báo, đã bắt được kẻ trộm đầu xe công nông, nhưng hắn khai đã bán cho một người không biết tên tuổi, địa chỉ nên không thu hồi được.
Nghe vậy, ông Mẹo cười:
– Biết được kẻ trộm cắp là tốt rồi.
Nói xong, ông mời hai Công an sang trụ sở Hợp tác xã ở kế bên. Ông bảo:
– Đề nghị các đồng chí thông báo cho Ban chủ nhiệm biết chuyện vừa rồi!
Công an làm theo. Nghe Công an thông báo, mọi người đang vui vẻ thì ông Mẹo nhảy phốc qua bàn, túm cổ tay Sùng, lôi ra giữa nhà:
– Mày đã nghe rõ chưa, thằng chó!?
Một cú bạt tai ra trò. Tay Sùng loạng choạng ngã bệt xuống đất, mặt méo xệch. Công an chẳng hiểu đầu đuôi, vội chạy tới đỡ tay Sùng dậy. Lúc quay ra, đã thấy ông Mẹo rời trụ sở một quãng khá xa. Sau này, Công an mới hiểu rõ sự tình…
Rồi tự nhiên ông Mẹo vắng nhà. Người làng đồn đoán. Người bảo ông vào Nam thăm thằng con rơi hồi chiến tranh. Kẻ cho, ông đi thăm mấy người đồng đội cũ. Có người nói như đinh đóng cột, ông Mẹo có bồ ở trên thành phố… Một số bảo, đi đâu thì mặc xác lão, đi cho khuất mắt, người làng đỡ bị nghe chửi.
Mấy tháng sau, ông Mẹo về làng. Ông tới đề nghị Ban chủ nhiệm Hợp tác xã cho ông đấu thầu hòn đảo hoang ở rìa làng. Gọi là đảo vì nó là doi đất nổi nằm ở giữa hai dòng chảy của con sông Cái. Đảo rộng tới gần hai ha. Từ xưa, người làng đồn đảo có ma, nên bỏ hoang mấy chục năm nay. Đấu được rồi, ông thuê người phát cây, dựng lán. Một sáng, hai ô tô tải đỗ xịch ở bờ sông. Mấy người làm khệ nệ khênh những thùng gỗ từ xe xuống thuyền, đưa ra đảo. Thấy lạ nhưng chẳng ai dám bén mảng. Lớ ngớ, bị ông chửi như bỡn. Tay Nhương, chủ tịch xã, chỗ bà con xa với ông thì không thể bỏ qua. Xịch chiếc xe máy ở bờ sông, Nhương gọi với lên:
– Bác Mẹo ơi. Cho em lên đảo với!
Ông Mẹo nghe tiếng, vờ như không biết. Nhương gọi tiếp mấy câu nữa, ông Mẹo mới ra mép đảo hỏi lớn:
– Có việc gì đơ…ơ…ới?
– Thì bác cứ cho em lên đảo cái đã.
– Chú lại đến kiểm tra tớ chứ đếch gì?
– Ồ không. Ai dám kiểm tra bác. Là em chỉ muốn xem bác làm gì thôi.
– Vớ vẩn. Kiểm tra thì cứ nói mẹ nó là kiểm tra, lại còn vờ xem xét.
Chủ tịch cười khì, xuống thuyền rồi lên đảo. Vừa bước lên, Nhương đã ngọt nhạt:
– Bác làm gì mà bí mật thế?
– Bí mật gì? Giữa thanh thiên bạch nhật ai lại gọi là bí mật? Chú nói năng sai bét cả.
Chủ tịch Nhượng cười, cầu hòa.
Ông Mẹo đẩy vào vai chủ tịch dẫn tới xem công trình của mình. Ui cha. Thì ra đây là lán nuôi nhím. Ông Mẹo hâm vắng mặt thời gian qua là đi học nghề. Có tới gần trăm con nhím đủ mọi thế hệ. Ông Mẹo cười rồi vanh vách giảng giải cho chủ tịch xã nghe về kỹ thuật nuôi và giá trị kinh tế của nhím. Tay Nhương thấy mình như đang đứng trước một giáo sư… tuy vậy, chủ tịch vẫn còn nghi ngại. Biết thừa cái tính đa nghi của tay Nhương nhưng ông Mẹo chả quan tâm…
Vài tháng sau, ô tô tải lại về đỗ ở bờ sông và chở nhím của ông Mẹo đi thành phố. Nghe tin, chủ tịch Nhương lại đến.
– Chú lại đến làm gì thế? – ông Mẹo hỏi.
– Ấy, sao bác lại hỏi thế?
– Sao không hỏi? Nói cho chú biết nhá, lần trước chú đến đây xem tớ nuôi nhím, tớ đọc được suy nghĩ trong đầu chú đấy, đừng tưởng…
– Bác đọc được suy nghĩ của em? – chủ tịch sửng sốt.
– Chứ không à!
– Thế em suy nghĩ gì nào nào?
– Chú không tin việc tớ làm. Chú cho rằng tớ tầm phào, không thực tế…
– Ấy chết, không phải thế!
– Này. Làm cán bộ đừng có lấp liếm. Nhìn nước da, ánh mắt của chú là tớ biết. Chú xoàng mà lại dốt nữa. Dốt mà không học thì không lãnh đạo được dân đâu. Phải học đấy. Tớ phải bỏ tiền túi, đi học nửa năm giời mới dám về lập trang trại, nghe chửa?
Chủ tịch khì khì cầu thân, giọng biết lỗi:
– Thế sáng nay, bác xuất được nhiều không và thu về được bao nhiêu?
– Hai tấn thành phẩm, thu hơn 460 riệu đồng.
Chủ tịch trợn mắt. Như vậy là trừ chi phí và trả lương công nhân, mỗi tháng ông Mẹo thu được gần 70 triệu đồng. Tỷ phú đến nơi rồi.
*
Một tối, cả làng thấy ông Mẹo trên truyền hình. Rất lạ là ở ngoài, nói năng bỗ bã, giật cục nhưng khi lên truyền hình, ông nói đĩnh đạc, trôi chảy mà lại đúng khoa học. Thấy vậy, có người bảo “Lão Mẹo có hâm cái con c… lão ấy! Rắn giả lươn đấy thôi.”.
Sau lần ấy, bà con trong làng rục rịch kéo đến xin được làm việc và học cách làm kinh tế của Mẹo hâm. Ông nhận tuốt. Được nhận vào làm, có người nịnh:
– Chuyến này, bác Mẹo là Thành hoàng làng rồi!
– Bậy nào! Nói thế không sợ Thành hoàng thật về vật cho trợn mắt lên à?
Một chiều, một người đàn ông lạ hoắc giới thiệu tên Sứ, quãng trên sáu mươi đi xe ôm về Ủy ban xã. Lát sau, chủ tịch Nhương đích thân đèo ông ta tới đảo. Đứng ở bờ, chủ tịch gọi với lên:
– Bác Mẹo ơ…ơ…ơi! Ra đón kha…a…ách…khách nào!
Thấy chủ tịch đứng với một người, chẳng biết là ai, ông nói với lên:
– Để tôi bảo mấy đứa đưa các vị lên. Hôm nay tôi thết chủ tịch bữa thịt nhím ra trò. Ăn cho biết mùi đời.
Thuyền cập đảo, chủ tịch cùng ông Sứ rảo bước tới lán, nơi có ánh lửa đang bập bùng. Mùi thịt nướng, mùi xào nấu xông lên mũi thật quyến rũ. Tới nơi, chủ tịch nói như trách cứ:
– Sao bác không ra đón khách thế?
– Khách khứa gì? Người nhà với nhau, lên thì lên mẹ nó đi còn vẽ!
Nghe thế, chủ tịch bảo:
– Ấy, bác cứ ra đây cái đã, xem ai đến thăm bác đây nào!
Nghe vậy, ông Mẹo dừng tay, đưa xiên chả cho cánh thanh niên, bước ra ngoài. Vừa đi ông vừa đưa tay áo quệt mồ hôi trên mặt, vừa hỏi:
– Khách nào thế?
Bất thần, ông đứng sững lại, đưa tay chỉ về phía khách:
– Ôi Sứ! Phải mày không Sứ? Còn sống à?
Hai người lao vào ôm chầm lấy nhau. Họ cứ đứng như thế rất lâu trước căn lán trên hòn đảo xanh ngắt một màu và trước sự sững sờ của mọi người. Mắt hai ông già ầng ẫng nước…
Tất cả cảm động… Để cho hai ông bạn già bớt xúc động, chủ tịch Nhương cất tiếng:
– Thôi nào hai bố. Giờ hai bố ra bàn ngồi hàn huyên đi, để con cháu nó khói lửa cho, được không?
Hai ông già buông nhau ra. Mẹo hâm dìu bạn đến chiếc chõng tre trước lán.
Ông gọi người đem trà ra pha, mời bạn.
*
Đêm ấy, trên hòn đảo đầy trăng đầy gió, ông Sứ đã “khoe” với mọi người về chiến công của ông bạn mình hồi đánh Mỹ:
– Hồi ở chiến trường, anh Mẹo mưu trí và dũng cảm lắm đấy nhá. Lính đặc công chính hiệu đấy. Ấy vậy nhưng có lần, chúng tôi đã phải chiến đấu như những chiến sỹ bộ binh thực thụ đấy. Chả là, trinh sát phát hiện đơn vị vận tải của địch chở lương thực, vũ khí, quân trang đang từ Cheo Reo chạy về Phú Bổn. Chỉ huy nhận định, nếu điều bộ binh đến đánh thì không kịp. Địch có thể hành quân trót lọt. Vì vậy, trên yêu cầu đơn vị đặc công do anh Mẹo chỉ huy phải đánh trận này. Nhận lệnh, anh Mẹo dẫn thêm năm anh em chúng tôi đi. Anh chia sáu người thành hai tổ. Một tổ đón đầu, một tổ khóa đuôi. Mỗi tổ có một khẩu B40 và hai khẩu AK cùng lựu đạn. Anh ấy ra lệnh:
– Mũi một chỉ bắn một quả B40 duy nhất vào chiếc xe đi đầu, không được bắn quả thứ hai. Mũi hai bắn một quả B40 nữa vào xe đi sau cùng. Xong, tất cả rút về vị trí tập kết trên núi.
Chúng tôi không hiểu, hỏi lại nhưng anh Mẹo dứt khoát:
– Không hỏi nhiều, cứ thế mà làm. Nhất nhất theo lệnh. Trái lệnh, kỷ luật chiến trường đấy.
Đành vậy. Hai tổ nhanh chóng vào vị trí. Vừa yên chỗ đã nghe tiếng động cơ của đoàn xe cơ giới mỗi lúc mỗi gần. Đưa ống nhòm từ trên cao lướt qua đoàn xe, anh Mẹo bảo:
– Có khoảng trăm chiếc xe tải đang vào ổ phục kích. Tất cả sẵn sàng!
Và khi đoàn xe địch đã nằm gọn giữa hai mũi phục kích, anh Mẹo phát lệnh:
– Sứ, nhằm chiếc đi đầu, bắn!
Tôi dương súng, lấy đường ngắm, bóp cò. Chiếc đi đầu khựng lại, bốc cháy rần rật. Đường hẹp, một bên suối sâu, một bên núi dựng, đoàn xe không thể quay đầu. Đang đà phóng nhanh nên chiếc nọ húc vào chiếc kia, thành một khối liên hoàn như một đoàn tàu hỏa. Ít phút sau, một tiếng nổ B40 nữa từ cuối đoàn xe vang lên. Chiếc xe bùng khựng lại, bùng cháy. Đoàn xe kẹt lại, không nhúc nhích và cháy từ hai đầu. Lửa cứ thế liếm vào những chiếc xe đang nằm chết chẹt ở giữa. Tiếng lính Mỹ, lính ngụy kêu cứu, la hét. Có đứa nhảy khỏi xe, chĩa súng về núi đá nhả đạn bừa bãi. Muốn đánh quá mà tất cả anh em phải hậm hực rút lên núi. Tới vị trí tập kết, bọn tôi làu bàu:
– Thời cơ thế mà không cho đánh? Anh sợ hả anh Mẹo?
Mẹo nhìn đồng đội:
– Sợ cái con c.. tao đây này. Sợ, tao đã không đánh. Các cậu ngu bỏ mẹ. Đánh lúc này chỉ phí đạn, không khéo lại dính thương vong bởi pháo bầy của chúng. Hãy cứ ngồi đây, tý nữa khắc biết.
Vừa hay, pháo bầy của địch từ mọi hướng thi nhau rót đạn vào trúng đoàn xe. Tiếng nổ rung núi, tiếng chửi rủa vang động cả cánh rừng. Khi ấy, mọi người mới vỡ lẽ và bái phục người chỉ huy tài giỏi của mình. Anh Mẹo lúc ấy đang bình thản vê thuốc:
– Thấy chưa mấy ông tướng?
Sau trận ấy, anh Mẹo được phong tặng danh hiệu “dũng sỹ diệt xe cơ giới”…
Nghe ông Sứ kể, mọi ngươi thán phục, trầm trồ, nhưng ông Mẹo thì ngăn lại:
– Thôi ông ơi, bọn trẻ giờ không muốn nghe chuyện oánh nhau của anh em mình đâu. Nó bảo mình là hoài cổ. Có thằng còn láo toét phán “các bố đừng có công thần. Nếu sinh vào thời các bố thì chúng con cũng phải làm như thế. Thôi, đừng ca mãi cái điệp khúc xưa cũ ấy nữa”.
Nghe bạn nói thế, ông Sứ thở dài:
– Sao quê anh giống quê tôi thế. Lớp trẻ bây giờ tệ thế. Hỏng! quên lịch sử, quên sự hy sinh, cống hiến của cha ông là vong ân bội nghĩa…
Ông Mẹo nhìn sang chủ tịch Nhương cùng cánh thanh niên, bảo:
– Thôi, khuya rồi, các cậu về đi, để anh em tớ ngồi với nhau một tý.
Tất cả rục rịch xuống thuyền, rời đảo.
Đêm.
Trăng thật tỏ, gió nồm mát mơn man. Hai người lính già ngồi bên nhau ôn lại một thời máu lửa… Rồi ông Mẹo giữ bạn ở lại, hứa sẽ giúp ông Sứ kỹ thuật nuôi nhím, phát triển kinh tế gia đình. Vậy là sau mấy mươi năm xa cách, nay họ lại có dịp sát cánh bên nhau.