Bông lê rừng nở muộn
Lão rờ rờ tay phải tự bấu vào tay trái mình xem có phải đang nằm mơ. Không! Lão không mơ. Đêm mười sáu, trăng vằng vặc trải xuống mênh mông đồi gió. Rừng lê đu mình theo gió trút bỏ hết lá già, chỉ còn lại thân cành trơ trọi như những cánh tay gầy guộc khẳng khiu san sát nhau hứng màu trăng bàng bạc. Trăng suông quyện vào chùm hoa lê nở sớm, bung hương. Đã hai mươi năm rồi, phải đúng hai mươi năm hôm nay lão mới lại thấy ánh trăng sao mà tròn trịa thế, sao mà đẹp lạ lùng đến thế.
Lão nhớ, ngày xa xưa lắm, lúc ấy lão còn là một cậu bé con bụ bẫm dù nhà nghèo xác xơ. Quanh năm cậu bé theo bố đi kiếm ăn từ vùng này sang vùng khác. Những ngày tháng dài đằng đẵng, cậu bé lẽo đẽo bên cạnh bố. Đôi chân cậu muốn rã rời. Ngày đi khắp các chợ, rồi đến làng, bản… Đến đâu ai thuê việc gì thì bố làm việc ấy, miễn sao có được bát cơm ăn qua ngày. Đêm. Hai bố con co quắp dưới gầm cầu, góc chợ hoặc căn nhà hoang nào đó. Nó thắc mắc tại sao người ta có nhà để ở, có tiền để tiêu hằng ngày còn bố nó thì không? Tại sao những đứa trẻ khác có mẹ, có các anh chị em, cô dì chú bác… còn nó chỉ có một mình bố. Nhiều lần nằm trong lòng bố, nó muốn hỏi: Mẹ đâu? Nhà ta ở đâu? Họ hàng nhà ta là những ai? Nhưng nhìn khuôn mặt lầm lì chịu đựng của bố thì bao nhiêu cái khát khao thỏa mãn tò mò mong ước về thân thế gia đình của nó tan biến. Nó lớn lên lúc nào, cả hai bố con đều không nhận ra. Cho đến một buổi sáng, bố con nó ngơ ngác đứng ở đầu chợ mong có người thuê vác cái gì đó để có tiền mua ổ bánh mì thì một bà thím mặc đồ lụa bóng mướt đến. Gọi thuê bố dọn vườn. Hai bố con nó theo về nhà bà thím. Bố nghe bà thím chỉ bảo mấy câu rồi bắt tay vào việc. Nó ngồi góc vườn chờ bố như mọi ngày. Bà thím cau mày bâng quơ: “Bảo sao nghèo kiết xác. To như con trâu mộng không biết giúp bố”. Bố nó không tay dọn vườn ngơ ngác nhìn bà thím rồi quay sang nhìn nó. Nó chau mày: “Bà này lạ, chẳng liên quan gì sao bà phải khó chịu khi nhìn mình ngồi không”. Rồi đột nhiên, có cái gì đó khiến nó bừng tỉnh. Nó đến gần bố, nhặt lấy con dao phát, vung tay lia những đường dài. Loáng một cái, luống cỏ dại ngã rạp xuống đất. Bố đứng chống cuốc ngây người nhìn con trai. Có lẽ, bố đang nghĩ “Con trai mình lớn tự bao giờ nhỉ?”. Hết cỏ, nó cầm cái cuốc từ tay bố, bổ những nhát cuốc vâm vấp, từng tảng đất bị lật ngửa. Đất bở tơi sậm màu phù sa. Mảnh vườn chỉ loáng cái đã cuốc xong. Bố vui. Nó vui. Nó nghĩ, cuốc đất có gì mà khó. Bố nhận lại cái cuốc, đánh luống tươm tất. Bà thím mang bình nước vối ra mời hai bố con uống với vẻ mặt hoan hỉ.
Tối hôm ấy, nó mạnh dạn hỏi bố: Con sinh ra từ đâu?. Một khoảng lặng sau câu hỏi. Nó tưởng bố đã ngủ. Mãi sau bố mới vắn tắt: Con sinh ra vào một đêm trăng lồng lộng. Mẹ sinh con xong thì bị băng huyết. Rồi bố lấy lại bình tĩnh, kể bằng giọng đều đều không còn nghèn nghẹn như quãng trước. Không cứu được mẹ, bố bế nó đi khắp nơi xin sữa. Ngày được ngày không. Ngày nào không có sữa thì xin nước đường, nước cơm bón cho nó từng thìa nhỏ. Đi mãi thành quen, hai bố con cứ thế lang thang khắp làng này đến bản khác. Nó lớn dần. Bố làm thuê kiếm cơm, nhai mớm cho nó từng miếng. Quanh năm suốt tháng rong ruổi. Nhà cửa ở quê lâu không có người chăm chút, dần mục nát. Vườn tược ba bề hàng xóm đào ao, đất vườn không được kè bờ sụt dần. Vài năm sau, cả sào vườn chỉ còn lại mảnh bé bằng gian nhà. Năm nó chừng năm, sáu tuổi, bố đưa nó về quê lập nghiệp. Về đến quê nghe bảo chú thím của bố đến ở giữ phần đất còn lại. Bố đã không ghé qua nhà mà tiếp tục dẫn nó đi tha phương cho đến khi ông bị bạo bệnh và nằm lại trên một rừng lê giữa ngày mưa gió bão bùng. Nó chẳng biết làm gì với cái xác không hồn của bố nơi xứ lạ quê người, đành kiếm khoảnh đất trống, đào một cái hố, lót một lớp lá rừng xuống dưới, đặt xác bố lên trên rồi phủ một lớp lá. Lấp đất. Gió vẫn trút vào thinh không từng chặp. Rừng lê run lên bần bật giữa tiếng gào rú quăng quật của cơn gió mẹ.
Bố mất. Ban ngày nó làm thuê làm mướn quanh vùng. Tối về bên mộ bố, nó bẻ một cành lê cắm lên nấm đất tính ngày. Nó nhẩm bụng, cắm đủ một trăm cành lê thì nó tạm xa bố để đi nơi khác kiếm ăn.
Vừa qua ngày bốn chín thì chủ đất đến thăm lê, thấy thanh niên nằm ôm một gò đất mới ngủ ngon lành. Chủ đất động lòng trắc ẩn thương xót cho mảnh đời bất hạnh, đưa nó về ở cùng gia đình. Nhà ông bà chủ có cô con gái chạm tuổi nó. Cô gái to lớn đẫy đà, bắp chân cô cũng to như chân con trâu mộng. Bữa cơm nào cô gái cũng đơm cho nó bát cơm đầy ắp. Chưa đầy năm sau thì cái bụng cô lùm lùm như bát cơm cô đơm cho nó mỗi bữa ăn. Người nhà truy hỏi mãi cô chịu mới khai, cái bụng to lên là tại nó. Không có đám cưới, cũng chẳng có đăng ký kết hôn. Chỉ có một ngôi nhà nhỏ ân nhân của nó dựng lên cho hai vợ chồng trẻ. Bỗng chốc có vợ, có con, có nhà cửa, chăm ấm đệm êm. Có cả mảnh nương là nửa quả đồi bố vợ cho mượn để cày cấy. Ông bà chỉ có mỗi cô con gái, nên có bao nhiêu bù đắp cả cho con. Nó đã tưởng cuộc đời sang một trang mới.
Sáu năm sau, hai vợ chồng nó đã có bốn đứa con, hai trai hai gái. Con lớn mười hai tuổi thì cô vợ nợ nần chồng chất. Vợ bán nhà, bán ruộng nương. Bán hết cả gia sản của bố mẹ để trả nợ rồi bỏ đi biệt xứ nơi nào không ai biết. Bố mẹ vợ uất ức mà lâm bệnh rồi lần lượt qua đời. Lão dắt díu các con đi lang thang kiếm ăn. Thương cảnh lão gà trống nuôi con, lão Điều – hàng xóm cũ cho lão mượn một khoảng đất trống bìa rừng lê. Lão lấy vải bạt quây quanh mấy gốc lê làm lều cho các con ở tạm. Đứa con gái lớn không cam chịu cảnh sống chui rúc trong tấm bạt rách ở bìa rừng, bỏ xuống Hà Nội làm thuê. Năm sau nó về đưa thằng em thứ hai, rồi em thứ ba, thứ tư lần lượt theo chị đi làm ăn. Lâu lâu chúng nó mới về thăm lão một lần. Nhìn chúng nó mặc đẹp nhưng sao lão cứ thấy đằng sau lớp son phấn là nỗi nhọc nhằn, cay đắng, là nước mắt của chúng ẩn vào bên trong khuôn mặt bơ phờ. Lão thương mấy đứa con chưa biết đắm đuối nhìn bông hoa lê trắng muốt nở đã bị cuộc đời ném vào phố thị lòe loẹt đèn màu xanh đỏ.
Lão sống ở đó qua ngày, bao nhiêu tấm bạt đã tướp tơ trong gió. Bao nhiêu tấm bạt mới được căng lên lão cũng không nhớ nữa. Bao nhiêu mùa trăng đã đi qua, bao nhiêu tấm bạt đã thay nhưng vợ lão chưa về. Thằng con trai thứ ba của lão một lần về thăm bố nói rằng: con đi tìm cuộc sống mới. Khi nào khấm khá, con về mua đất làm nhà cho bố. Lão có ngờ đâu, đó là câu nói cuối cùng từ miệng nó mà lão nghe được. Sau lần đi ấy, người ta đưa nó và anh trai nó trong một hũ sành từ mãi trong miền Nam về bằng chuyến xe không đồng giữa mùa covid. Lão chưa bao giờ biết miền Nam là thế nào. Chỉ nghe lão Điều nói, đó là vùng đất xa xôi và lão Điều cũng chưa được đặt chân tới.
Lão bấm đốt ngón tay. Đã sáu mùa lê và mấy chục mùa trăng, hai đứa con gái lão chưa về thăm cha.
Lão chẳng mong mình có túp lều nhỏ để ở. Lão chỉ mong, hai đứa con gái được chồng yêu thương, làm ăn khấm khá nơi quê người.
Lão ở trong túp lều bạt dứa trống huơ trống hoác. Hàng xóm láng giềng thường mang đồ ăn đến cho lão. Để trả ơn họ, nhà ai có việc lão không ngần ngại đến giúp. Xong việc, ai cho gì ăn nấy. Cho đồng nào thì lão cầm đồng ấy. Lão không tính ngày công, không tính giá trị sản phẩm, giá trị sức lao động. Giá trị sức lao động của lão có là gì so với giá trị góc rừng lê lão Điều cho lão ở không hai mươi năm.
Rừng lê ngay đường lớn. Mùa xuân, hoa lê phủ trắng rừng. Khách qua đường bớt chút vội vàng dừng lại rút điện thoại ra chụp. Người thì tạo dáng với hoa lê ngan ngát, người thì giúp bạn đường chụp bức hình. Có người còn đứng bên cạnh căn lều lá của lão livestream. Họ giới thiệu với người xem trong chiếc điện thoại: Đây là lều của bác chủ rừng lê. Xong rồi, họ nhanh chóng lên xe đi, tất bật tiếp tục cuộc hành trình đang dang dở để lại những túi nilon đựng đồ ăn, vỏ chai nước, vỏ hộp sữa vương vãi dưới gốc lê. Họ đi rồi, lão cần mẫn nhặt nhạnh từng cái rác công nghiệp gom về một chỗ. Lâu lâu, bà đồng nát đi qua mang đi giúp lão.
Cả cuộc đời lão đi chùng chân mỏi gối. Lúc về già bốn mùa lão quanh quẩn bên rừng lê. Lão nếm trải đủ những mùi vị của núi rừng sương gió. Mùa xuân, lê bung ra từng chùm hoa trắng muốt như đứa con gái miền sơn cước. Mùi thơm của hoa lê quyện với mùi ong mật vo ve cả ngày trên những cánh hoa quyến rũ khách đi đường. Mỗi mùa xuân đi qua, rừng lê của lão Điều có vài tổ ong cho mật. Lão giúp lão Điều chọn đúng thời điểm mật căng mọng nhất, ngon nhất hạ xuống. Lão Điều vắt mật đưa cho lão một chai hoặc vài chai tùy theo số lượng mật vắt được mỗi năm nhiều hay ít. Những ngày không có cơm, lão ngửa cổ dốc vài ngụm mật ong đặc sánh vào cổ. Thứ mật rừng thơm ngọt lan tỏa khắp cơ thể vừa giúp lão chống đói lại trị bệnh ho. Sáp ong, lão Điều ngâm rượu. Thứ rượu nếp trong vắt vợ lão Điều tự tay nấu cho chồng uống. Thi thoảng, nhà lão Điều có khách, lão được gọi về bản cùng uống chén rượu, cùng khề khà chuyện nhỏ chuyện to trong bản. Lão nhiều lần muốn nói lời hàm ơn với lão Điều nhưng lão Điều lại không cho lão có cơ hội được nói. Lão Điều đối với lão không phải như ông chủ với người làm, cũng không phải như họ hàng. Chỉ đơn giản là lão Điều giúp lão có chỗ dung thân chờ các con trở về. Trong mỗi cuộc rượu, lão luôn biết cầm chừng, uống cho ấm cổ họng chứ chưa bao giờ lão say rượu. Lão cũng muốn một lần nào đó uống cho say, thật say nhưng chưa bao giờ lão được say. Lão ước, nếu có thể say để ngủ một giấc dài thật dài thì càng tốt. Không bao giờ phải trở dậy. Không bao giờ phải làm bạn với mưa dầm dề não nề gan ruột. Không phải làm bạn với sương gió bốn mùa và cái rét căm căm xứ núi mây mù. Lão muốn quên đi nỗi cô đơn bủa vây con người lão nhưng ông trời nào có cho lão được như ý. Lão cứ sống trơ trơ giữa núi rừng mênh mang mà chả ốm đau gì sất. Lão cứ sống trơ trơ như tảng đá giữa dòng suối cứ thản nhiên đứng đó, mặc cho nước chảy, mây trôi, mưa vần vũ, gió thét gào.
Lão mong chờ một ngày nào đó hoặc lão được nhắm mắt xuôi tay trong khỏe mạnh hoặc được nhìn thấy hai đứa con gái lão khấm khá, có đồng tiền xe mà về bản thăm bố. Thăm thẳm. Sáu năm biền biệt. Không có một tin tức gì về các con.
*
* *
Đêm qua trời mưa to. Mưa xé không gian. Nước mưa ràn rạt táp vào tấm bạt. Gió thổi tấm bạt bùng nhùng. Lão cuộn mình trong chiếc chăn bông nhàu nhĩ. Lão đã quen với những cơn mưa rừng xối xả như thế này nhưng những lúc mưa to thì làm sao ngủ được. Lão mong trời sớm tạnh. Lão ngủ một giấc sáng mai dậy đi hái lê giúp lão Điều. Mùa này, lê đương chín. Mỗi ngày lão gom nhặt những quả lê chín căng, mọng nước. Lão hái lê bỏ vào chiếc lu cở lão Điều để sẵn trong lều. Nắng lên, lão Điều đến gùi lê xuống đường cho vợ lão ngồi bán. Không phải chợ nhưng mấy người trong bản vẫn che tạm tấm bạt bên vệ đường bán nông sản. Khi thì lê, lúc mắc cọp, túm măng, nắm rau má, rau dớn, hay rổ ổi,… Công của lão có khi là nắm cơm muối vừng lạc lão Điều mang xuống. Hoặc có khi là nắm xôi nếp. Còn lê thì lão ăn bao nhiêu tùy thích.
Sáng sớm, nghe tiếng bước chân rộn rã đi về phía căn lều. Lão nghĩ bụng: Lão Điều hôm nay lại muốn tự đi hái lê hay sao mà lên rừng sớm thế. Nhưng không. Là ông trưởng bản và một người đàn ông ăn vận gọn gàng. Hai người chào lão. Lão chỉ ậm ừ. Vốn ngày thường lão cũng ít giao tiếp. Chỉ ai hỏi gì lão mới trả lời. Từ ngày vợ lão biệt tích, từ khi bốn đứa con lần lượt bỏ lão đi lên phố, rồi hai đứa trở về trong hai chiếc bình thì lão không còn muốn cười nói với ai. Lúc nào cổ họng lão cũng nghèn nghẹn như bị chèn lại. Lão ít khi mở miệng. Có khi cả ngày không nói câu nào. Mấy đứa trẻ con theo bố mẹ lên nương nhìn thấy lão thì bảo người rừng.
Hai người đàn ông cúi người bước trên nền đất nhớp nháp nước mưa trong căn lều của lão. Người đàn ông ăn vận gọn gàng chìa hai bàn tay ra bắt tay lão. Người ấy giới thiệu là cán bộ xã, tên Thi. Anh Thi nói đến thăm lão, xác thực hoàn cảnh của lão để chính quyền cấp đất và làm nhà cho lão theo dự án “xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Anh Thi giải thích cặn kẽ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là chủ trương của do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và thực hiện đồng loạt trên toàn quốc. Anh còn giải thích nhiều hơn nữa nhưng lão không nhớ hết. Niềm vui sướng được ở trong một ngôi nhà xây ấm áp là niềm mong mỏi thiết thao của lão hơn hai chục năm qua.
Anh Thi cùng trưởng bản ra về khi nắng đã bừng lên. Lão đeo lu cở lên vai đi vào rừng lê. Mùi lê thơm chín bung tỏa khắp cánh rừng bạt ngàn gió gọi lũ chim chiu chít trên cành. Lão bâng khuâng chọn từng quả lê thả vào lu cở.
Bầy chim ríu rít trên những cành lê. Chúng nhảy nhót trò chuyện râm ran. Hình như chúng truyền tai nhau câu chuyện lão người rừng canh lê sắp có một ngôi nhà. Cả khu rừng rộn rã tiếng chim lách chách truyền cành. Có con chim chào mào lanh lảnh hót mừng, cả đàn chim hót vang rừng. Theo kinh nghiệm của lão đích thị con chim kiếm được quả ngọt, nó rướn cao cổ hót bài ca hân hoan gọi bạn. Lão cố nhướng mắt nhìn lũ chim lách chách trên tán lê mà ước giá mình có thể rướn cao cổ như con chim kia gọi các con về trong ngày lên nhà mới. Ngôi nhà tình nghĩa.
Bất chợt lão nhìn thấy một bông lê rừng trắng muốt bung nở muộn màng. Dưới đường lớn, hình như hai cô con gái lão vừa bước chân xuống chuyến xe khách.
T.T