Vài nét về tác giả:
Thiếu tá, tác giả Trần Ngọc Mai là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã sáng tác một tập thơ và một tiểu thuyết. Công tác trong lực lượng Công an nhân dân và luôn bận bịu với công việc, nhưng với văn chương, Trần Ngọc Mai rất chỉn chu, nghiêm cẩn trong câu chữ, anh đã gặt hái cho mình nhiều giải thưởng. Gần đây nhất anh đã đạt giải A cuộc thi viết của Bộ Công an về đề tài Công an cơ sở với truyện ngắn “Kỳ nghỉ phép”.
Bùi Tuấn Minh giới thiệu
KỲ NGHỈ PHÉP
Truyện ngắn Trần Ngọc Mai
Trời mưa. Mấy hôm nay đều thế, cứ chạm giờ cơm tối thì trời mưa. Ban đầu, tiếng mưa tạm át đi tiếng khóc của 2 đứa trẻ, nhưng sau đó những âm thanh ấy lại hòa với nhau, tạo ra giai điệu khiến sự khó chịu của Hùng ngày càng đẩy lên cao. Những cơn gió lần lượt thốc qua cánh cửa, Hùng chẳng buồn đóng lại, tiếng thở dài bung ra, dường như chiếc bóng vỡ…
Mới ngày phép thứ 3, Hùng đã cảm thấy kiệt sức, có lẽ việc làm trinh sát hình sự dễ dàng hơn rất nhiều so với việc chăm con. Dù đã sống trong ngôi nhà này 7 năm, nhưng đến hôm nay, Hùng mới có thời gian để biết bên trong tổ ấm của mình có những gì. Ngoài bàn chải đánh răng và chiếc tủ lạnh, những vật dụng khác đều khiến Hùng phải dùng con mắt trinh sát để phán đoán, ghi nhớ… Những con hẻm hắc ám rối rắm như mê cung ở Sài Gòn mà Hùng từng mai phục để bắt nghi phạm cũng không gây ra nhiều khó khăn bằng việc đi chợ hay dẫn 2 bé con lang thang ở các gian hàng siêu thị.
Vì tính chất công việc và niềm đam mê mãnh liệt đối với nghề, Hùng đi sớm, về muộn, cuối tuần có hôm trực hôm không. Hùng chưa bao giờ nghĩ rằng để vận hành một gia đình lại rắc rối và tốn nhiều công sức đến vậy. Đưa đón con đi học, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc, vệ sinh và học bài cùng con. Chừng ấy việc khiến Hùng lóng ngóng, khó hơn rất nhiều so với công việc ở cơ quan. Chưa kể đến những chậu hoa và Milu – chú chó thọt chân mà Hùng mang về. Trong lần giả trang mai phục ở một góc đường khuya, tiếng kêu yếu ớt của Milu trong thùng rác đã chạm vào sự thương cảm của người lính đang làm nhiệm vụ. Đêm ấy, đối tượng không xuất hiện, cả tổ không đạt được mục tiêu dự kiến, nhưng Hùng có thêm một người bạn giữ nhà.
Dù đóng vai trò là người tái sinh, nhưng công sinh không bằng công dưỡng. Chú chó mừng khi Hùng đi làm về, nhưng lại nhảy chồm lên cổng khi vừa nghe tiếng xe máy của Nga và quấn lấy chân cô chủ đến tận cửa nhà. Những chi tiết đó giờ đây khiến Hùng suy nghĩ thật nhiều. Đến con vật còn như thế… huống gì…
…
Con gái lớn thích ăn thịt gà, con gái nhỏ chỉ uống sữa có vị dâu và hàng đêm vẫn tè dầm. Nga đã dặn chồng hẹn giờ thức dậy vào lúc 1h sáng để cho bé đi vệ sinh rồi ngủ tiếp vì con mặc bỉm vào sẽ trằn trọc không yên. Những công việc liên quan đến hai đứa trẻ quả thật không dễ dàng, mỗi bé một tính cách, mỗi lứa tuổi lại có những nhu cầu và phương pháp chăm sóc khác nhau. Con gái lớn đã vào lớp 1, con gái út chỉ mới 4 tuổi, hầu hết những ngày trong tuần khi Hùng về đến nhà, hai con đều đã ngon giấc. Nếu về sớm, việc của Hùng là vui đùa với 3 mẹ con một chút, ăn tối, kể chuyện cơ quan, xem thời sự rồi làm một số việc linh tinh và đi ngủ.
Từ thị trấn Củ Chi lên đến trụ sở Bộ Công an phía Nam hơn 30km. Chính vì thế 6h sáng Hùng phải xuất phát để kịp đến cơ quan, việc các con thức dậy, ăn uống và đi học thế nào, Hùng hoàn toàn chỉ nghe qua lời kể. Những hôm có việc muộn, Hùng ngủ tại trụ sở, có nhớ con thì gọi video call hỏi xem hôm nay các con ở trường có vui không, ăn tối có ngon không. Nếu Nga không phải là một người trong ngành, thì e rằng khó có người vợ nào cảm thông cho một ông chồng quanh năm đắm mình trong công việc như thế.
Việc của Nga cũng đâu phải nhẹ nhàng gì. Suốt thời gian chống dịch, may mắn có cô em vợ đang học đại học trên Thủ Đức vì nghỉ dịch nên đến ở cùng. Thế là hai cháu có dì chăm sóc, vợ chồng Nga an tâm cống hiến hết sức mình cho công việc vào thời điểm dịch covid-19 căng thẳng nhất ở khu vực phía Nam. Hùng được điều động hỗ trợ trực các khu cách ly. Nga thì phải điều hành công tác của công an một xã, vừa chống dịch, vừa phối hợp với ủy ban nhân dân, mặt trận Tổ quốc để hỗ trợ bà con gặp khó khăn. Dịch ập đến khi Nga nhận quyết định điều động bổ nhiệm Trưởng Công an xã được 1 tuần.
Trước đây, Nga là phó đội trưởng Đội Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Công an huyện. Khi chủ trương của Bộ Công an là tăng cường lực lượng chính quy, tinh nhuệ về xã thì Nga là một trong những người được chấm chọn để thay đồng chí trưởng công an xã sắp nghỉ hưu. Chủ trương chính quy hóa và tăng cường lực lượng về xã tạo ra tâm tư cho nhiều đối tượng khác nhau. Đầu tiên là đội ngũ công an viên đang hoạt động rất tốt trước nay sẽ tính toán như thế nào, hai là việc lựa chọn cán bộ, chiến sĩ để tăng cường về xã ra sao, ba là vấn đề cơ sở vật chất, trang bị và chính sách cho lực lượng này ở các xã khó khăn.
Hùng thể hiện tâm trạng phức tạp khi nghe tin vợ sẽ được điều động về làm trưởng Công an xã TA, cách nhà khoảng 10km. Đầu tiên là rất vui vì sự phát triển của Nga, mặc dù bản thân Hùng đến nay chỉ dừng lại ở mức là ngôi sao sáng của đơn vị. Qua mấy mùa quy hoạch, nhưng các phòng của Cục Cảnh sát hình sự không còn một chỗ trống nào để bổ nhiệm Hùng. Điều đó không làm Hùng thấy phiền lòng, bởi niềm vui của anh là nhiệm vụ, là khoái cảm khi đánh án. Nhưng vui mà cũng lo, vì làm cấp phó một đội khác rất nhiều so với trưởng công an một xã, là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính ở đơn vị công an cơ sở. Đoạn đường đi làm lại xa hơn gấp mấy lần, ảnh hưởng đến bao nhiêu là thứ.
Nga và Hùng học chung một khóa ở Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, yêu nhau từ thuở ấy. Ra trường, Hùng không về lại đơn vị Công an đã tuyển sinh để nhận công tác mà được điều động về Cục Cảnh sát hình sự phía Nam, đây là một vinh dự lớn đối với bất cứ sinh viên cảnh sát nào. Thế là từ lúc nhận công tác đến nay đã hơn 10 năm, Hùng về thăm ba mẹ ở Bình Phước với số lần chỉ tròn một bàn tay. Đa phần là ba mẹ nhớ con, nhớ cháu sẽ nhờ họ hàng chở lên Củ Chi. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy.
Ra trường, Nga được điều về Bến Tre, tình yêu đã làm cho Nga có đủ sức mạnh để tạm biệt quê nhà thân thương đến một vùng đất mới. Ban đầu Nga xin chuyển về một phòng nghiệp vụ ở Công an Thành phố, nhưng qua nghiên cứu biên chế các đơn vị, nhận thấy Công an huyện Củ Chi còn thiếu nhiều, nên Phòng Tổ chức cán bộ đã tham mưu Giám đốc Công an Thành phố ra quyết định điều động Nga đến Củ Chi. Thế là 2 vợ chồng chọn đó làm nơi an cư.
Bản lĩnh của người con gái quê hương đồng khởi nhanh chóng được thể hiện, dù là lính mới về, nhưng Nga đã hòa nhập rất nhanh và tạo được nhiều dấu ấn trong công tác. Củ Chi vốn được mệnh danh là đất thép thành đồng, có lẽ vì thế mà “thổ nhưỡng” nơi đây phù hợp với một bông hồng thép như Nga.
Ban đầu có nhiều hoài nghi, cả từ công an huyện đến anh em lính tráng ở xã. “Mới đại úy mà làm trưởng xã, e là mấy tay “có sỏi trong đầu” không phục”. “Phụ nữ thì vẫn mãi là phụ nữ, việc ở cơ sở có tính chiến đấu cao, tôi lo bông hoa của đội mình sẽ bị vùi dập”… Cũng có ý kiến kiểu mỉa mai, đố kỵ: “Đàn bà nên lo việc nhà cửa, ham leo trèo bay nhảy thì gia đình khó giữ”. Nga biết những khó khăn mà mình sẽ đối mặt, nhưng điều làm Nga lo lắng nhất không phải là công việc, mà chính là chuyện chồng, con. Đối với phụ nữ mà nói, để toàn vẹn cán cân giữa gia đình và sự nghiệp là một bài toán khó.
…
Tối hôm qua bé Na, cô con gái út vừa than đau họng thì sáng say đã phát sốt nằm li bì. Theo sự chỉ dẫn của Nga, Hùng đưa con gái đến phòng khám nhi quen thuộc. Hùng đã phóng như bay để đưa con gái lớn đến trường rồi quay về. Trong đầu Hùng căng thẳng quá độ. Không chỉ đôi bàn tay, mà toàn cơ thể Hùng trở nên vụng về, lóng ngóng khi bế con vào phòng khám. Vừa trông thấy Na thì bác sĩ đã hỏi ngay:
– Bé Na lại viêm họng rồi phải không? Hôm nay mẹ bận việc gì mà không đi cùng Na thế này?
Thì ra hai đứa trẻ là bệnh nhân quen thuộc của phòng khám này, bác sĩ nắm rõ bệnh lý và chu kỳ bệnh của từng bé. Thấy Hùng lo lắng quá mức, bác sĩ liền trấn an:
– Bác sĩ đã kiểm tra rồi, bé bị viêm họng nhẹ, về uống thuốc và lau mát hạ sốt thì cơ thể sẽ từ từ hồi phục, không đến mức phải nhập viện như ba nghĩ đâu. Bác sĩ cho 2 ngày thuốc, sau đó đến tái khám, trong trường hợp có những biểu hiện như phần ghi chú phía dưới đơn thuốc thì đến bệnh viện ngay. Thuốc này uống sau ăn… còn thuốc này…
Đầu Hùng quay như chong chóng, trước nay Hùng có bao giờ thấy con trong tình trạng này đâu. Những gì mà Hùng thấy khi về đến nhà là bữa cơm được chừa sẵn, là tiếng hát líu lo của 2 cô gái nhỏ bé đáng yêu, là cái sân sạch sẽ cùng những chậu hoa tươi tắn, là ngôi nhà ngăn nắp, là quần áo thơm tho. Nhưng mấy hôm nay lạ quá, đây không phải là ngôi nhà mà Hùng từng ra vào, ăn ngủ mấy năm nay. Các món ăn ngoài quán được mua về, những bộ quần áo nhàu nhĩ nằm chất đống trên ghế sopha, đồ chơi của các con ngổn ngang khắp nhà, con chó đói giương đôi mắt chầu chực cầu xin ông chủ nhớ đến nó. May thay chỉ có những chậu hoa không cần phải tưới, nhưng mưa gió làm khoảng sân ngập trong cành lá và rác rưởi.
Nhưng đó không phải là điều ghê gớm nhất. Thứ đã đánh gục sự kiên nhẫn của Hùng chính là những tiếng khóc. Bé Na ốm nên rất dễ quấy, Hùng đã nổi cáu khi con nôn hết mớ thuốc vừa uống xong. Tai hại quá, sao lại ra nông nỗi này. Đâu phải là Hùng không thương con, nhưng giá cho Hùng làm những việc khác, nguy hiểm cũng được, nặng nhọc cũng được, chỉ cần không phải những việc thế này. Hùng không đủ kiềm chế để giải thích cho con hiểu bài tập toán, nước mắt con rơi trên trang vở nóng hổi. Cả hai đứa con nức nở òa lên: “Con nhớ mẹ”. Và đó chính là nhát dao kết liễu tinh thần của Hùng.
…
Hùng châm điếu thuốc, ngoài trời mưa to quá. Trong lòng Hùng cũng có một cơn mưa. Những suy nghĩ vẩn vơ như khói thuốc cứ lảng vảng trong đầu Hùng. Dường như bấy lâu nay Hùng đã quá vô tâm với gia đình này. Nhìn cách 2 đứa con gọi video call cho mẹ, Hùng cảm thấy mình là người đứng bên lề cuộc sống của ba mẹ con. À, không chỉ ba mẹ con, đến Milu cũng xem người nhặt nó về chỉ là một vai phụ trong tổ ấm này. Những lần công tác xa nhà kéo dài hàng tháng trời của Hùng trở nên rất bình thường với hai đứa trẻ, nhưng chỉ cần mẹ vắng nhà một hôm, sự nhớ nhung có thể thấy được rõ ràng trong đôi mắt thơ ngây của chúng.
Tự dưng Hùng thấy mình có lỗi quá. Hùng mường tượng ra lịch trình hàng ngày của vợ. Đầu tiên phải thức dậy sớm để chuẩn bị cho hai đứa trẻ đến trường, rồi tới cơ quan làm việc, chiều đón con tan học, đi chợ, chuẩn bị cơm tối. Tất tần tật việc nhà sau bữa cơm được thực hiện một cách hoàn hảo. Chính sự hoàn hảo đó đã làm Hùng sống trọn vẹn với đam mê nghề nghiệp. Hùng đã bao giờ chăm sóc con ốm đâu để thấy rằng nó vất vả hơn nhiều khi vật nhau với một tên cướp, Hùng đã học cùng con bao giờ đâu để biết rằng có những sự kiên nhẫn còn cao hơn cả mai phục nghi phạm, Hùng cũng chưa từng thử hết các việc nhà để hiểu rằng sự tỉ mỉ không chỉ được sử dụng khi làm hồ sơ vụ án. Ôi thế ra lâu nay những kỹ năng nghề nghiệp mà Hùng rèn giũa tưởng chừng như sắp đạt đến độ chín lại chẳng là gì so với việc tạo ra và gìn giữ một hậu phương vững chắc.
Nga chưa hề than phiền hay làm cho Hùng lo lắng về việc nhà, chỉ có những lần Hùng say rượu thì Nga mới “cằn nhằn” để chồng giữ gìn sức khỏe. Làm sao có thể không than phiền vì đã cống hiến hết mình cho gia đình này nhỉ? – Hùng suy nghĩ. Bởi chừng ấy công việc nhà đủ để Hùng lao tâm, lao lực, chẳng đầu óc đâu mà nghĩ đến công việc nữa. Ấy thế mà Nga vẫn đủ khả năng để làm tốt trách nhiệm của một người chỉ huy ở công an cấp cơ sở.
Đợt dịch vừa qua, công an xã TA được tuyên dương là đơn vị có thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch covid-19, và đương nhiên nữ trưởng công an xã được khen thưởng vì những thành tích nổi bật của mình. Hùng không vui lắm, vì vết thương trên tay vợ mãi hơn 1 tháng sau mới lành, đó là lần khống chế đối tượng thông chốt kiểm soát của lực lượng chức năng. Khám xét thì phát hiện ra một lượng ma túy đủ để đưa hắn vào tù. Dù vẫn có người bảo sự kiện ấy chỉ là may mắn, nhưng dần dần nữ chỉ huy đã thể hiện được bản lĩnh, sự gan dạ không kém bất kỳ đồng nghiệp nam nào. Nhưng có phải chính vì khả năng cân bằng giữa việc nhà và việc công ấy mà Nga đã làm cho Hùng trở thành một người vô tâm với gia đình hay không? Kể cả khi chấn thương, Nga cũng đâu phiền Hùng phải giúp đỡ việc nhà.
Nhưng ngẫm lại, Hùng thấy thương vợ quá. Việc ở xã hầu như là không có đầu – cuối, tất tần tật những gì liên quan đến dân thì đều là việc của công an xã. Sau đợt dịch, tưởng chừng lực lượng cấp xã được nghỉ ngơi một chút thì đến đợt cao điểm làm căn cước công dân. Những điểm làm căn cước trên cả nước dường như không bao giờ tắt đèn, các đơn vị khác đều cử người tăng cường phục vụ công tác quan trọng này. Qua lời kể của con gái lớn, có những hôm sau khi tan trường, hai chị em được mẹ đưa về công an xã, ăn và học tại phòng làm việc của mẹ rồi mãi mới về nhà. Đó cũng là những hôm cao điểm công tác của Hùng. Nhưng Hùng chỉ bận việc của ngành, Nga một tay chỉ huy công tác đơn vị, một tay lo cho gia đình. Nghĩ đến cảnh hai cô con gái ngồi ngủ gục trên bàn làm việc của mẹ, Hùng thấy vị thuốc lá đắng chát và cổ họng cay xè.
…
Nga báo là sẽ đi công tác một tuần. Việc đột xuất nên bảo chồng phải thu xếp nghỉ phép gấp. Đây là lần đầu tiên Nga nói mà như ra lệnh với Hùng. Trước giờ mấy khi Hùng nghỉ phép, nhưng khi nghỉ phép phải là những việc quan trọng như cưới vợ, chờ hai đứa trẻ ra đời, hoặc về quê thăm ba mẹ ốm. Nhờ chuyến công tác này của Nga mà Hùng nhận ra rất nhiều điều, nhận ra phía sau lưng mình là một hậu phương vô cùng vững chắc, nhận ra người phụ nữ của mình thật tài giỏi khi cân bằng được áp lực công việc và gia đình để vươn lên.
Hùng đi vào kéo chăn cho con gái lớn. Đánh thức con gái nhỏ dậy vệ sinh để khỏi phải làm ướt nệm như hôm đầu tiên. Bao lâu nay vợ mình đêm không tròn giấc mà Hùng không biết. Sáng mai, Hùng định sẽ quét cái sân, mấy hôm rồi mưa nên nhìn ngổn ngang cành lá quá, Hùng cũng sẽ dọn dẹp nhà cửa để hôm sau đón vợ về sau chuyến công tác ở Đà Lạt, nàng sẽ hài lòng vì mọi thứ vẫn ổn.
…
Trong lúc đang ngồi ở quán café chờ đến giờ rước bé Na thì Hùng gặp Thiên, bạn cùng khóa ở Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Thiên giờ là trưởng công an một xã ở Tây Ninh, cũng được bổ nhiệm trong đợt cao điểm tăng cường về xã. Nhìn hành trang lỉnh kỉnh, Hùng mới biết là Thiên cũng vừa xong chuyến tập huấn ở Đà Lạt dành cho trưởng công an các xã, phường, thị trấn khu vực phía Nam, đang trên đường trở về Tây Ninh thì dừng lại đây uống nước, nghỉ ngơi.
– Vợ mình cũng đi chuyến này. Bạn có gặp không? Cái Nga lớp quản lý hành chính ngày xưa ấy. – Hùng bóc gói thuốc mời bạn, giọng phấn khởi.
– Nguyễn Thanh Nga, người Bến Tre, khóa mình có mấy nữ đâu sao mà không nhớ được. Mình có thấy ảnh đám cưới trên facebook mà. Mấy anh em chung khóa giờ làm ở xã nhiều lắm, cũng có hội họp sau giờ tập huấn, nhưng mà Nga không có dự lớp này. Báo cáo viên điểm danh các buổi học đều vắng. – Thiên đón lấy điều thuốc từ người bạn cũ, ánh mắt tỏ vẻ mệt mỏi sau một chặng đường xa.
Câu trả lời của Thiên như một dấu chấm hỏi làm bằng kim loại nặng hàng tấn rơi vào lòng Hùng. Thế này là thế quái nào nhỉ? Hùng cố gắng kết thúc buổi gặp ngẫu nhiên này với sự bình tĩnh cao nhất, khi cổng trường mẫu giáo mở ra.
Lửa bắt đầu cháy trong đầu, rồi lan khắp cơ thể. Hùng không thể suy đoán được điều gì. Hùng gọi điện thoại hơn chục cuộc, gửi hàng tá tin nhắn nhưng không có phản hồi. Giờ này Nga đang làm gì, ở đâu, với ai? Hùng gửi con cho nhà hàng xóm trông hộ rồi tức tốc chạy về xã TA với cái đầu sôi sùng sục. Những cảm giác chờ mong, thương yêu người vợ giỏi việc nước đảm việc nhà phút chốc tan biến. Hùng đang xâu chuỗi lại các sự kiện bằng sự nghi ngờ. Sự vắng mặt thường xuyên của Hùng ở ngôi nhà này có thể là thời cơ cho một kẻ khác. Hùng buồn lắm, buồn và tức, Hùng cảm thấy mình sắp phát điên.
…
Khi Hùng đến nơi, Nga đang nhận bó hoa từ tay thượng tá Quang, phó trưởng công an huyện. Đó chính là người tin tưởng đề bạt Nga từ một cán bộ bình thường lên đội phó và sau đó là trưởng công an xã. Hùng đứng nép ngoài cửa phòng, nhìn gương mặt và nụ cười của của vợ mà lòng Hùng nặng trĩu.
…
Mãi đến khi chị Phương, chủ tịch hội phụ nữ huyện giục, thì Hùng mới bước vào phòng. Hôm nay thượng tá Quang, đại diện lãnh đạo Công an huyện cùng chỉ huy Đội tham mưu và công an xã TA đến thăm và mừng Nga xuất viện, đồng thời thưởng nóng cho nữ trưởng xã vì thành tích đột xuất. Trong quá trình phối hợp với công an huyện triệt phá sòng đá gà nằm sâu bên trong khu vực rừng cây của xã TA, Nga đã đón chặn thành công đối tượng cầm đầu của sới bạc được cho là lớn nhất huyện này. Khi đồng đội đến tiếp ứng và khống chế thành công nghi phạm, thì Nga đã gục xuống với một vết dao đâm. Thế là chương trình tập huấn dành cho chỉ huy công an các xã đã trở thành một ca cấp cứu. Nga nhất quyết không để cơ quan báo tin này cho gia đình.
– Làm thế nào mà em vẫn chuyện trò bình thường với anh và hai con như chưa hề có chuyện gì xảy ra? – Hùng cố nén cảm xúc, nhưng đôi mắt ầng ậc nước báo hiệu rằng Hùng sắp không kiềm chế được.
– Em đã không chăm sóc được cho cả nhà nên càng không muốn mọi người phải lo lắng thêm. Bé Na đã khỏe chưa anh? – Giờ thì Nga không còn giấu gương mặt nhăn nhó vì cơn đau ở vết thương để nói chuyện với Hùng nữa.
Hùng chực vồ lấy Nga vào lòng nhưng may là chiếc giường bệnh viện làm Hùng nhớ ra mình đang ở đâu.
Thượng tá Quang ra hiệu rút quân: “Chắc là vợ chồng còn có nhiều chuyện muốn nói với nhau lắm nhưng hãy để dành cho tối nay, thủ tục xuất viện đã xong rồi, xe cơ quan đang chờ phía dưới, cô Nga muốn về nhà bằng xe chồng hay là xe công?”. Cả phòng nhìn nhau cười, khuôn mặt Hùng giờ mới giãn ra, dù sự áy náy và xót xa vẫn nằm nguyên trong lòng.
…
Sáng hôm ấy, con Milu đã bắt đầu quấn chân Hùng, 2 cô gái tươi cười theo ba ra xe để bắt đầu một ngày mới ở trường. Ngoài sân, những chậu hoa đang nở bừng trong nắng sớm. Những cơn mưa đã qua đi, cũng đột ngột như cách nó đến. Hùng còn 3 ngày phép nữa, Hùng sẽ dành trọn vẹn thời gian để chăm sóc tổ ấm của mình. Đôi lúc, những sự kiện bất ngờ xuất hiện sẽ làm suy nghĩ và hành động của mọi người thay đổi.
Nga thả mình xuống chiếc võng dựng trước hiên nhà, nhìn theo bóng chồng và các con đi ra cửa. Đã lâu lắm rồi Nga mới cho phép mình nghỉ ngơi, mặc dù đây là kỳ nghỉ bất đắc dĩ. Cơn gió mang theo hương hoa của bụi hồng đang nở rộ trong vườn. Chúng đã phải mạnh mẽ vươn lên từ nền đất cứng, chịu sự thử thách của nắng mưa rồi mới có thể tỏa hương, khoe sắc. Những bông hoa như đang mỉm cười với Nga, như cách cả nhà nhìn nhau cười vào ban sáng.