Vài nét về tác giả: TRẦN VĂN PHÚ
Bút danh: Trần Ngọc Phú
Sinh năm 1952 tại Thành phố Thái Bình
Kết nạp Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 01 tháng 05 năm 1974. Nơi kết nạp: Chi bộ đại đội 3, tiểu đoàn 1, trung đoàn 273, Sư đoàn 341, QK 4.
Tốt nghiệp trường Trung cấp cơ khí Thái Bình và Trung cấp kế toán Thái Bình
Cấp bậc: Trung úy. Chức vụ: Trưởng tiểu ban Dân địch vận Trung đoàn.
KẺ VƯỢT NGỤC
Không hiểu do dưới mặt đất, hay cố tình cho mọi người ngắm cao nguyên từ trên cao để quảng bá du lịch mà máy bay lượn mấy vòng rất thấp trước khi đáp xuống đường băng. Du khách được chiêm ngưỡng trời đất, rừng xanh bạt ngàn, những mái nhà ẩn hiện trong mây, những sườn đất đỏ son, mênh mang sắc vàng dã quỳ, loài hoa biểu tượng của Đà Lạt đang chính mùa đẹp mê hồn. Ai cũng sửng sốt ngỡ ngàng như lạc chốn thần tiên.
“Ông Hùng! Tôi đang ở rất xa, đúng là tôi tránh giáp mặt ông vì chuyện xưa. Chuyện của mười con vịt mà tôi đã đập chết. Tôi biết ông đợi gặp tôi giải quyết ân oán. Ngày đó chưa đủ 18 tuổi, ông vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ, ngoài trách nhiệm của thanh niên phải tòng quân khi đất nước đang có chiến tranh, còn vì căm thù cái chết của 10 con vịt. Ông đi bộ đội để sau này về được thì sẽ trả thù. Ông đã chiến thắng, ông đã trở về, tôi biết ông quá phép vì đợi tôi. Khi biết ông về phép, một vài người thân khuyên tôi lánh đi một thời gian. Vâng! Trước tôi là kẻ cơ hội hèn nhát, bây giờ tôi cũng vẫn là thằng đàn ông hèn nhát không dám đối mặt với sự thật, mặc dù chuyện đó tôi hoàn toàn đúng. Song cái đúng cứng nhắc, nghĩ kỹ hơn thì có cả phần độc địa tàn ác ở đấy. Ông Hùng! Ông cũng hiểu rằng thời đó đập chết vịt phá lúa hay đập chết chó, tất cả đều có nghị quyết của Đảng ủy xã. Là thanh niên tích cực, đang là đối tượng phấn đấu vào Đảng thì chúng tôi phải làm, phải đi săn chó để đập chết, đi canh coi đồng bảo vệ lúa, sẵn sàng đập chết cả đàn vịt, ngan, ngỗng phá lúa, nên tôi không sai. Tôi đã thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, được biểu dương, được khen thưởng. Chính vì tôi không sai nên ông rất căm hận nhưng không làm gì được. Đập chết đàn vịt của ông là việc cứng nhắc thái quá, những chú vịt con mới nở sao đã phá được lúa, nhưng vì thành tích tôi vẫn xuống tay. Nghị quyết Đảng ủy xã đâu có nói là chỉ đập chết vịt, đập chết ngan ngỗng loại to, nên vịt là vịt, to nhỏ cũng là vịt, vịt đã xuống đồng rúc lúa phải đập chết.
Ông Hùng! Cũng vì thành tích đập chết được nhiều chó, nhiều vịt ấy mà tôi được kết nạp vào Đảng, giống như một số đảng viên được kết nạp Đảng chỉ vì có thành tích trong phong trào làm phân xanh, phân chuồng, phân bắc. Thời đó được vào Đảng là vinh dự tự hào lắm. Tôi biết một số bà con mỉa mai chúng tôi rất khôi hài, gọi chúng tôi là Đảng viên bèo dâu, Đảng viên phân xanh, Đảng viên giết chó, giết vịt…”
Đợi bố con em đọc xong bức thư, cô Hậu vợ của Thiểm quệt nước mắt nói: “Con lạy ông, chị lạy chú, ông và chú tha cho để nhà con về chứ cứ như thế này thì con khổ lắm, ở nhà bao nhiêu việc vất vả cần đến đàn ông. Con sẽ đền cho ông và chú cả trăm con vịt to, hay ý ông và chú bắt đền thế nào cũng được”. Những lời lẽ trong thư khơi dậy trong em cái bực, sự thù hận cùng khinh bỉ. Nhưng nghe người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi đẫy đà xinh đẹp năn nỉ làm em mềm lòng. Chưa biết xử lý thế nào thì bố em nói: “Thôi! Chị em cô về đi, gọi chú ấy về lo mà làm ăn, lo mà tu tâm tích đức, tôi khuyên em tha cho chú ấy. Quân tử báo thù mười năm chưa muộn, nhưng giờ đây chú ấy đã thấy mình sai, đã thấy mình hèn nhát và âu cũng là cái sai từ cơ chế mà ra, cái thời ấy nó như vậy. Thời cải cách nhiều người còn bị chết oan nữa ấy chứ! Đâu chỉ có một mình chú ấy, mà người như chú ấy trong xã, trong thôn, trong huyện nhiều lắm. Cái xấu phải bị trừng trị, làm sai, làm ác phải trả giá cho việc mình làm. Nhưng thôi, chú ấy đã viết thư và cô cũng đã có lời xin, tôi bảo em tha cho chú, người cùng làng cùng xã với nhau, cái tình nó nặng lắm”. Quay sang em ông nói:“ Hùng! Con quá phép cũng lâu rồi. Con phải vào đơn vị ngay, nghe nói đơn vị con lại đang làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam đánh bọn Pôn Pốt, quá phép lâu đơn vị sẽ nghĩ không đúng về mình”.
Người em gái cô Hậu như đứng nép vào chị không nói gì, thi thoảng liếc mắt e lệ có ý dò xét thái độ em. Mấy lần ánh mắt em và Hoa (tên người em gái) gặp nhau, Hoa bối rối vội nhìn đi chỗ khác, còn em cũng chợt thổn thức. Tự nhiên trong đầu em thoáng nghĩ tại sao những ngày qua mọi người cứ gợi ý giới thiệu em tìm hiểu người nọ người kia, mấy lần xem mặt mà em không có cảm tình, không có rung động với ai. Sao mọi người không giới thiệu em gặp và tìm hiều cô gái này nhỉ? Sau lời bố, em quay nhìn hai chị em Hậu nói:“ Thôi! Chị nói anh ấy về đi, tôi tha cho anh ấy đấy, chị không phải nói đến chuyện đền bù gì cả”. Nói xong tự nhiên em thấy nhẹ người như vừa trút đi được gánh nặng đeo đẳng đã lâu. Không hiểu là do lời lẽ bức thư, sự sám hối hay do thái độ khổ sở cầu khẩn của cô Hậu, hay do đôi mắt đẹp của Hoa mà mọi việc được giải quyết nhanh bất ngờ như vậy. Cô Hậu bỗng bừng tươi hẳn lên đứng dậy cầm lấy tay em nói:“ Chị ơn em, chị ngàn lần biết ơn ông và em đã bỏ qua chuyện này, suốt đời con ghi nhớ. Chị em con xin phép về, vậy bao giờ chú lên đường vào đơn vị? Chị chúc chú trả phép đi chiến đấu gặp nhiều may mắn”.
Anh thấy đấy, nghĩ lại những năm tháng chúng mình đã sống cũng thật nhiều buồn, vui. Cái ham vọng làm giàu của cậu con trai 16 tuổi tích cóp tiền mua được 10 quả trứng rồi nhờ gà ấp nở thành 10 con vịt, hy vọng 10 con vịt sẽ lớn thành đàn vịt rồi phát triển lên trăm con ngàn con. Thế mà vui được mấy ngày thì xảy ra sự cố. Hôm đó vừa đi làm về quá bất ngờ, quá căm giận, sau khi biết được kẻ đập chết đàn vịt của em là tay Thiểm, em cầm luôn cái cào chạy đến nhà hắn định cho hắn một trận. Hắn đang ăn cơm sợ quá bỏ bát đũa chạy vội lên xã báo. Hai người dân quân với hai khẩu súng trường đến bắt, áp giải em về trụ sở xã với lý do hành hung cán bộ. Họ giam em một ngày ở xã, có ý sẽ giải em lên công an huyện. Bố em phải đến năn nỉ ông bí thư xã để em không bị giải đi. Ông bí thư nói với bố em là về động viên em nhập ngũ vì chỉ tiêu nhập ngũ của xã đang còn thiếu. Em chưa đủ tuổi nhưng nếu em xung phong nhập ngũ thì xã sẽ bỏ qua về chuyện này. Em được về và chỉ mấy ngày sau trở thành bộ đội. Trước khi nhập ngũ, em còn được kết nạp vào Đoàn thanh niên nữa chứ. Hồi đó trong đơn vị luôn biểu dương em là thanh niên có ý chí tình nguyện đi bộ đội khi chưa đủ tuổi. Nhưng họ đâu có biết nội tình sự nhập ngũ trước tuổi của em là như vậy.
“Hồi đó nghe nói Hùng bị bắt giam ở trại Đồng Ban gần núi Bà Đen, bị cầm tù cực khổ lắm? Sự tình thế nào kể lại cho anh nghe thực hư ra sao?” – Tôi hỏi Hùng, Hùng nói: “Đúng là như vậy anh à, số em nó đen thế, chuyện thế này:
Nghe lời khuyên của bố, em sang nhà anh Thư cùng về phép, hai anh em bàn nhau quyết định hai ngày nữa xuống thị xã vào trạm khách để đi tầu vào Nam. Thời đó kinh tế cả hai miền rất khó khăn nên những người đi phép hay đi công tác từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam đều mua kèm theo những sản phẩm quê hương hay hàng hóa, bán lại kiếm ít tiền lời làm lộ phí. Bố em cũng mua gom được ở đâu đó mười hộp sữa ông Thọ. Sữa ông Thọ được sản xuất ở miền Nam chuyển ra miền Bắc và giờ đây lại được chuyển vào Nam do miền Nam khan hiếm đắt đỏ hơn. Ông mua cho em hai kilôgam thuốc lào và hai kilôgam thuốc lá sợi Lạng Sơn, mấy chục cái khăn mặt bông, mấy bó bút bi. Thấy bảo những thứ này trong đó khan hiếm có lời lắm. Anh em em nhập trạm được giải quyết đi ngay vì lý do vào đơn vị để đi chiến đấu ở biên giới. Sau ba ngày đêm, sáng ngày thứ tư tầu tới ga Hòa Hưng Sài Gòn. Anh em mình làm quân quản nên thông thạo đường phố, em bắt luôn xe Lam vào Chợ Lớn vì biết ở đấy bán được giá cao. Anh Thư cũng có mấy thứ hàng hóa giống như em. Tới khu vực Chợ Lớn, thấy anh em em mang hai ba lô đầy căng, dân buôn chạy theo chèo kéo hỏi mua, biết dân chợ trời mua bán hay lừa đảo, anh Thư nói về chỗ đóng quân ngày trước đã rồi hãy mang dần ra bán. Anh Thư đi trước còn em bị mấy người cứ níu kéo lằng nhằng không dứt ra được. Em quát lớn: “Bỏ ra cho tôi đi!”. Một tốp bộ đội tay đeo băng Kiểm soát quân sự, một người đeo súng ngắn còn hai người mang súng AK đến. Dân buôn thấy có kiểm soát quân sự thì bỏ đi hết, em đang định đuổi theo anh Thư thì tổ kiểm soát giữ lại hỏi giấy tờ. Sau khi xem giấy, họ nói là em đã quá phép hơn ba mươi ngày, rồi hỏi em mang hàng hóa gì mà đầy ba lô. Em nói có ít đồ ngoài Bắc mang vào làm quà cho anh em. Họ yêu cầu em về trạm kiểm soát, bắt em bỏ hết tư trang cùng số hàng hóa trong ba lô ra. Họ lập biên bản giữ em ở lại nói là em đi buôn bán. Em cãi với họ là tôi mua vào làm quà cho anh em. Họ nói quà gì mà nhiều thế, mà sao lại ra chợ mua mua, bán bán với dân ở chợ? Em giải thích là đơn vị tôi trước làm quân quản đóng quân ở gần đây, hiện tại đơn vị đang đi chiến đấu ở biên giới. Tôi mang quà vào cho anh em, mang thêm ít thuốc lào, thuốc lá, mấy hộp sữa vào bán vợi đi lấy tiền lời chi phí đi đường, bộ đội ai đi phép cũng vậy. Họ nói em phạm kỷ luật, đã quá phép lâu lại còn mua bán đổi chác vi phạm tác phong quân nhân. Họ giữ toàn bộ hàng hóa, em không nghe, tranh cãi, cương quyết đòi lại số hàng đó.
Trạm kiểm soát quân sự này toàn là bộ đội trẻ người miền Nam, nói thế nào họ cũng không nghe. Thấy em cãi cự căng quá, tay thượng sĩ trạm trưởng nói: Chúng tôi giữ hàng hóa và cho đồng chí đi, đồng chí không chịu đi thì bây giờ chúng tôi giữ cả đồng chí lại để mai bàn giao lên cấp trên. Chúng tôi có lệnh kiểm tra và bắt giữ toàn bộ quân nhân tụt tạt vi phạm chính sách, vi phạm kỷ luật quân đội. Em bàng hoàng cả người vì họ giữ toàn bộ hàng hóa, vậy thì mất hết mấy chục đồng gia đình gom góp. Việc mua hàng hoá kết hợp thì ai mà không mua, cũng có nhiều nhặn gì đâu, số hàng hóa này là cả gia tài, họ giữ thật vô lý. Đi bộ đội chiến đấu mãi năm, sáu năm mới được về phép ai mà không nghỉ quá phép. Nếu tính cứ một năm theo chế độ thì được nghỉ phép 12 ngày mà em có 6 năm bộ đội thì tổng cộng cũng phải được nghỉ 70 đến 80 ngày mới đúng chứ. Thế mà theo giấy phép em được nghỉ có 30 ngày. Hầu hết bộ đội đều nghỉ quá phép, hòa bình rồi đó là việc bình thường, thế mà ở đây họ vin vào cái cớ quá phép để thu số hàng đó. Dịp này hàng hóa khan hiếm nên họ thấy số quà của em thì sáng mắt lên. Nói mãi mà họ không thông cảm, em thấy họ cứ thì thầm to nhỏ bàn tính với nhau. Tối họ mang cho em đĩa cơm và nói em nghỉ ngay tại phòng trực của trạm. Lúc ấy, em có thể bỏ đi vì họ không có ý gì là quản lý canh coi. Nhưng nghĩ số hàng hóa đó mình bỏ đi thì mất hết, vả lại xét thấy mình không có lỗi gì to lớn nên em ở lại. Nằm nghĩ ngợi lung tung, rất mệt do mấy ngày đi đường mà không thể ngủ được, anh Thư không biết thế nào, đúng là cái số mình đen thật.
Đêm đã muộn, thành phố im ắng không còn tiếng người tiếng xe. Họ nói mai giao em lên thành phố. Em nghĩ lên đó mình trình bầy lý do hoàn cảnh, họ dễ thông cảm hơn nên cũng thấy yên tâm. Thấy tốp kiểm soát vừa đi tuần về cứ tự nhiên lấy sữa, đường của em ra pha nước uống, lấy thuốc lá ra hút. Em bật dậy ra quát mắng họ sao lại tự động lấy quà, lấy đồ của tôi ra sử dụng. Họ cười nói, họ lấy dùng thử thôi chứ làm gì mà ầm lên. Em càng bực và càng cự nự họ. Thấy ồn ào tay thượng sĩ trạm trưởng xuống hỏi có gì mà ầm ĩ vậy? Em nói: Các ông giữ tôi nhưng ai cho phép các ông tự tiện lấy quà của tôi sử dụng? Tay thượng sĩ nói: Đây là hàng hóa buôn bán phạm pháp chúng tôi tạm giữ lại để mai giao cho cấp trên giải quyết, anh em lấy dùng là sai nhưng thôi đồng chí cứ bình tĩnh, anh em đã trót dùng cái gì thì mai chúng tôi mua bù, mai đồng chí lên trung tâm họ giải quyết, đồng chí đừng ầm ĩ nữa. Nghe nói vậy tôi cũng dịu cơn bực không nói gì nữa.
7 giờ sáng hôm sau, họ đưa cho một ổ bánh mì và nói: Đồng chí ăn sáng đi rồi cho biết ý kiến thế nào? Em vừa nhai bánh vừa nghĩ không biết họ nói thế là có ý gì! Ăn xong ổ bánh, tay đội trưởng mang cho em cốc nước rồi hỏi tiếp: Bây giờ đồng chí nghĩ sao? Em nói: Có gì tôi đã nói với các đồng chí tối qua rồi, các đồng chí hứa sáng nay mua bù cho tôi các thứ và giao tôi lên trên để giải quyết mà! Tay thượng sỹ nhìn em như muốn nói điều gì mà em không hiểu được. Thấy khó hiểu em lại giục đề nghị giải quyết để em còn về đơn vị. Tay thượng sĩ nói: Nếu đồng chí muốn giải quyết tại đây thì chúng tôi lập biên bản thu số hàng hóa này và cho đồng chí về. Nếu đồng chí không đồng ý thì chúng tôi sẽ giao đồng chí và số hàng hóa lên cấp trên. Tôi phản ứng nói các ông không thể thu hàng hóa là quà của tôi được, các ông cứ giao tôi lên cấp trên để họ giải quyết. Thấy thái độ em cương quyết như vậy, tay thượng sĩ không nói gì thêm nữa mà sẵng giọng nói với nhân viên: Các đồng chí điều xe Jeep giao chuyển đồng chí này về trung tâm. Họ cho tôi lên xe cùng hai người áp tải đeo băng đỏ kiểm soát quân sự mang súng AK chở em về đường Tô Hiến Thành chỗ khám Chí Hoà gần khu vực Sư đoàn bộ của mình đóng cũ. Một người vào báo cáo gì trong đó khi ra cùng thêm hai người ở trung tâm, họ đưa em vào phòng như là bàn giao cho nhau. Mấy phút sau tổ kiểm soát Chợ Lớn đi về còn lại em và mấy người trong trung tâm, có một người mang quân hàm thiếu úy. Em chưa kịp trình bày thì tay thiếu úy giọng rất đanh: Đồng chí có phải tên là Phạm Mạnh Hùng? Em nói: Đúng rồi! Tay thiếu úy nói: Đồng chí đứng dậy! Em đứng lên thì hắn hô:“ Nghiêm! Hắn gằn gọng nói: Quân nhân Phạm Mạnh Hùng đã vi phạm kỷ luật quân đội, đi phép quá hạn lâu, sống lang thang, buôn bán trái phép lại còn cãi cọ với kiểm soát quân sự, các đồng chí đưa xuống phòng số 2, chiều chuyển lên Đồng Ban, số hàng hóa buôn bán trái phép tịch thu để xử lý!’. Họ không cho em nói, không cho trình bầy gì cả mà áp giải đi luôn, đẩy em vào trong phòng giam. Hai người kiểm soát đóng sầm cánh cửa sắt nặng nề cài chốt khóa cửa. Em bàng hoàng không biết nói thế nào, không kịp phản ứng gì cả vì quá bất ngờ, nghĩ ngay bọn này đểu, nó lừa mình bắt giam mình! Định thần một lúc quen ánh sáng em thấy trong phòng cũng có mấy người chắc cũng hoàn cảnh như mình.
Buổi trưa sau khi cho chúng em mỗi người một ổ bánh mì, họ nhét chúng em lên chiếc xe Đốt, loại xe thùng kín chở phạm nhân. Mọi người nhao lên phản đối, hỏi các ông chở chúng tôi đi đâu? Tay đội trưởng nói: Chúng tôi chở các anh lên Đồng Ban. Em hỏi Đồng Ban là ở đâu, họ nói đó là nơi tạm giữ quân nhân vi phạm kỷ luật, các ông cứ lên đó rồi biết. Xe kín, đường xóc, khoảng ba giờ chiều thì tới nơi, họ bàn giao bọn em cho ban quản lý trại. Lúc này thì họ coi bọn em là tù nhân thực sự. Cách xưng hô không còn cái danh từ đồng chí nữa mà thay vào đó là anh này, anh kia. Đây là khu doanh trại của quân VNCH cũ, họ lấy làm trại giam quân nhân. Xung quanh trại có nhiều lớp dây thép gai, cổng ra vào hai lớp, có các chòi canh ở các góc. Bộ đội trẻ toàn người miền trong, ai cũng đeo súng AK. Họ dồn bọn em vào một phòng, lấy trích ngang xong họ nói: Hiện tại đất nước đang có chiến tranh dọc biên giới Tây Nam. Trong nước thì các phần tử phản động câu kết với bọn lưu vong đang tìm cách chống phá đất nước. Là quân nhân trong lúc có chiến tranh mà các anh lại vi phạm kỷ luật sống lang thang, buôn bán trái pháp luật. Chúng tôi có lệnh bắt tất cả các quân nhân vi phạm về đây giam giữ cải tạo. Thời gian giam giữ ở đây là do các anh cải tạo tốt hoặc sau khi chúng tôi thông báo cho đơn vị cử người lên đón thì các anh được trở lại đơn vị của mình, họ xét kỷ luật theo vi phạm của các anh. Hiện tại các anh là quân nhân vi phạm kỷ luật nên mất quyền tự do. Hàng ngày phải học tập, phải đi tăng gia sản xuất, tối phải giam, thậm chí mấy ngày đầu bị cùm. Chế độ ăn uống theo quy định, ai trốn trại, vệ binh có quyền nổ súng.
Ôi, thật bất ngờ, cứ như người bị rơi xuống vực, chúng em nhao nhao phản đối nhưng không có tác dụng, vệ binh có súng, họ vặn tay đánh người rất thô bạo. Chiều muộn họ cho bọn em vào phòng tắm, có người canh coi, rồi ăn cơm. Gọi là ăn cơm chứ có hai phần bo bo một phần cơm với mấy miếng dưa chuột muối mắm chượp, mẩu cá lục khô. Họ giục ăn nhanh rồi giục đi làm công việc đào thải cũng nhanh, họ lùa bọn em vào từng phòng giam. Họ cùm chân bọn em theo kiểu họ gọi là “Huynh đệ chi binh” như vỏ bao thuốc lá Rubi in hình người lính VNCH chân co chân duỗi. Cùm là tấm gỗ dầy khoảng 5 – 6 cm rộng khoảng nửa mét được xẻ dọc làm đôi, cứ cách nửa mét thì khoét nửa trên nửa dưới để khi tấm gỗ trên bập xuống tạo thành một lỗ tròn rộng hơn cổ chân một chút. Tấm gỗ được gắn vào hai trụ sắt to chôn chặt cứng xuống nền xi măng. Tấm gỗ ngang tức là cái cùm dài cách mặt đất gần một mét, một đầu có bản lề sắt to, một đầu có khóa chốt. Người bị cùm một chân đứng dưới đất còn một chân tra vào lỗ cùm. Như vậy khi ngủ là ngủ đứng hai tay ôm gục vào ván cùm để ngủ. Cả đêm chỉ đứng một tư thế như vậy không cho đổi chân. Cứ năm người chung một dãy cùm, anh em em phản đối rất dữ nhưng bị mấy vệ binh đánh, cưỡng bức cùm bọn em bằng được. Họ nói: Ai vào đây cũng phải cùm năm đêm, ban ngày thì đi lao động phát cây tăng gia tự túc. Nếu sau năm ngày mà chấp hành tốt thì không bị cùm nữa mà chỉ phải đi lao động thôi. Còn ai có thái độ không tốt cãi cự cán bộ quản giáo, có ý định trốn trại thì bị cùm tiếp.
Quá uất ức, căm phẫn nhưng không kêu ai được. Lúc ấy chỉ muốn có vũ khí, có thuốc nổ cho nổ tung khu vực này. Mình có lỗi gì, có sai gì quá đâu mà bị cực hình khổ sai như vầy. Càng nghĩ càng thấy uất hận cái bọn đểu, nó định cướp không số quà, số hàng hóa của mình. Mình phản đối căng quá thì chúng lập mưu hại mình, biết thế này thì cho bố chúng nó. Nhưng ở đời ai biết trước được lại có nhà giam, nhà tù thế này. Mình đang là quân nhân chỉ có chậm phép mà lại bị giam giữ ác độc như vậy. Số mình thật đen, không biết anh Thư hiện giờ ở đâu đã về đơn vị chưa, có bị bắt giữ như mình thế này không? Chắc là anh không bị bắt, nếu bị bắt giữ thì đã gặp nhau ở đây. Uất ức quá, bị cầm tù khổ nhục thế này làm sao thoát ra được hoặc nhờ ai báo đơn vị cơ chứ. Nghĩ ngợi miên man rồi ai cũng ôm tấm ván gục đầu ngủ. Mỏi chân quá thì hai tay gần như đu vắt qua tấm ván cùm cho chân đỡ bị tê. Đêm buồn đái buồn ỉa cũng phải chịu đựng, kêu gào gì thì cũng không ai nghe, không ai xuống mở cùm, chẳng lẽ cắn lưỡi mà chết không thiết sống nữa.
Đến 5 giờ 30, sáng rõ mới có vệ binh đến mở cùm. Khi thanh cùm được nâng lên, rút được chân xuống có ai đứng được đâu, chân xưng vù, ai cũng ngồi phịch xuống đất duỗi hai chân hoặc nằm ngửa ra một lúc mới cử động được. Chúng em bị dồn đi làm vệ sinh. Họ phát cho mỗi người một cái khăn mặt xanh, bàn chải răng thì làm gì có. Được ra ngoài, được khỏi cùm gió mát làm cho tỉnh táo sức khỏe hồi phục lại rồi được ăn sáng, uống nước. Số mới nhập trại hơn mười người được dồn vào một phòng đợi, cán bộ đến họp phổ biến công việc. Nhìn ra ngoài sân các trại viên khác đang tập hợp, ai cũng có công cụ như dao, cuốc xẻng, có đến cả trăm người đủ các lứa tuổi, có lẽ họ đã quen với công việc, quen với bị quản giáo quản thúc, nên mọi người hàng ngũ chỉnh tề. Lực lượng vệ binh quản giáo rất nhiều, họ áp giải mọi người đi lao động.
Một ông tự giới thiệu là đại úy trại phó nói chuyện, có mấy vệ binh đeo súng AK, bao se đạn rất gọn gàng canh gác. Một người đeo quân hàm thiếu úy ngồi bàn ghi chép. Họ hỏi lại trích ngang, hỏi lý do tại sao bị bắt. Từng người một kể về lý do của mình, tựu chung lại đều là lý do đi phép quá hạn. Có người trễ phép đến 3 tháng, đa phần là hạ sĩ quan, cũng có mấy người là sĩ quan cấp thiếu úy, trung úy.
Mọi người phản đối việc bắt giữ quân nhân không hợp pháp và đối xử thậm tệ, yêu cầu phải báo cho đơn vị biết. Đợi mọi người phản ảnh xong, ông đại úy trại phó từ tốn nói: Đúng là hiện tại việc bắt và giam giữ các anh riêng tôi cũng thấy rất áy náy. Hầu hết các anh đều có tuổi quân cao, đã tham gia chiến đấu ở các đơn vị góp phần giải phóng miền Nam. Tôi tin rằng các anh cũng có nhiều công trạng, nhưng hiện giờ sau hơn hai năm đất nước đã thống nhất, bè lũ phản động câu kết với các thế lực ở nước ngoài điên cuồng phá hoại thành quả cách mạng của ta. Chúng ta đã bắt được rất nhiều phần tử phản động, các toán giản điệp tung về từ nước ngoài, chúng khai là đã móc nối được với nhiều phần tử tay chân của chế độ cũ, đặc biệt là móc nối với một số cán bộ, bộ đội cách mạng làm nội ứng trong các đơn vị. Rõ nhất là vừa qua cơ quan phản gián của ta đã lấy được danh sách các phần tử gián điệp nằm vùng, trong đó có cả những nhân vật trong chính quyền. Chúng sẽ tổ chức bạo loạn, đặt mìn phá hoại, ám sát cán bộ, cụ thể nhất là chúng vận động lôi kéo phần tử bất mãn, xúi giục người Hoa biểu tình. Đã nổ mìn tại Hồ Con Rùa và một vài nơi khác. Đặc biệt các thế lực phản động đã kích động bè lũ phản động Pônpốt – Iêngxari gây chiến tranh tàn sát nhân dân dọc biên giới, chiếm các đảo Thổ chu, đảo Hòn Khoai, đảo Hòn Thực v.v… Chúng tàn sát và bắt đi tất cả dân sống trên đảo. Chính vì vậy Quân khu 7 được giao nhiệm vụ bắt giữ tất cả các quân nhân tụt tạt, không có giấy tờ hợp lệ, quá phép dài hạn, sống lang thang vi phạm tác phong quân nhân. Chúng tôi được lệnh bắt và giam giữ từ cấp đại úy trở xuống. Trại quy định những quân nhân đưa về đây phải bị cùm giam 5 ngày, phải đi lao động dưới sự quản giáo của vệ binh. Các anh bị giam giữ đến khi nào đơn vị đến nhận người, còn không thì đợi đến khi nào có mệnh lệnh mới thì sẽ thực hiện theo. Chúng tôi chỉ biết thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, mặc dù chúng tôi cũng cảm thấy rất áy náy. Tôi nhắc lại các anh vi phạm kỷ luật bị giam giữ nên mất quyền quân nhân. Việc xưng hô cũng phải thay đổi, các chế độ thì hưởng theo chế độ của trại. Mọi sinh hoạt có nội quy của trại, ai vi phạm nội quy hoặc bỏ trốn, bắt được sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí lúc truy đuổi, vệ binh có quyền bắn. Tôi mong rằng các anh sẽ chấp hành tốt trong thời gian tại đây. Sau đây các anh đọc kỹ, học kỹ, thuộc các nội quy của trại, chiều nay bắt đầu được phát dụng cụ lao động đi tăng gia sản xuất. Thật bất công, thật ức nhưng biết làm gì được, tự nhiên mình trở thành tù nhân khổ sai. Có lẽ ai cũng nghĩ đến việc trốn trại, nhưng trốn bằng cách nào?
Một giờ chiều chúng tôi bị lùa đi lao động, cụ thể là được ra khỏi trại, ra khỏi cái doanh trại của quân VNCH có hàng chục hàng rào dây thép gai. Ra khỏi cổng trại ai cũng nghĩ đến việc trốn trại nhưng đây là rừng rú hẻo lánh phải tìm hiểu đã, vả lại số vệ binh quản giáo rất đông, súng lăm lăm trong tay sẵn sàng nhả đạn. Công việc lao động cũng không quá vất vả, chỉ là chặt cây phát rẫy, những cây săng lẻ thật to, những bụi tre gai dầy đặc cũng dùng sức người chặt hạ, để cho héo rồi đốt, mục tiêu là lấy đất tỉa ngô, trồng sắn, trồng khoai lấy lương thực. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, chế độ cùm, chế độ giam giữ chúng em đúng như ông trại phó nói, đi làm về ăn uống xong, họp một lúc đến 21 giờ là bị cùm. Sau 5 ngày cùm thì đợt trại viên cùng em không bị cùm nữa, được ngủ nền xi măng, muỗi rất nhiều mà không có màn. Cái ý chí vượt ngục của em ngày càng nung nấu. Em làm quen, tâm sự với hai người, họ cũng cùng ý chí như em. Chúng em tranh thủ lúc phát rẫy hoặc giải lao vờ nói chuyện nhưng bàn kế hoạch trốn trại. Phải tính kỹ từng thứ một, phải xác định phương hướng, phải chuẩn bị thức ăn mỗi hôm phơi một ít cơm tích lại thay lương khô. Lợi dụng lúc chặt những cây có đường kính nhỏ, trèo lên xác định hướng, rất may có ngọn núi Bà Đen làm chuẩn. Chúng em bàn nếu trốn thì sẽ chạy về phía Campuchia rồi vòng trở lại sau. Thời gian hành động chọn buổi chiều gần hết giờ, lúc này quản giáo mỏi mệt sinh chủ quan, trời cũng gần tối, việc tìm bắt cũng khó. Đang mùa mưa nên vấn đề nước uống không phải lo, thuận lợi nhất là chiều nào trời mưa sẽ hành sự. Mấy ngày tiếp theo bọn em cứ âm thầm chuẩn bị cả về tư tưởng ý chí, chuẩn bị lương thực dự phòng, một mặt thì chấp hành lao động tốt như trại viên gương mẫu.
Rồi thời cơ mong đợi đã đến. Hôm đó khoảng bốn giờ chiều, gió ào ào thổi mây đen vần vũ, cơn giông ập về, mọi người nháo nhác tránh trú vào các gốc cây to. Các quản giáo vội lấy nilon mặc tránh mưa, nên việc quan sát không tập trung. Hơn nữa bãi lao động là khu vực rất rộng không thể bao quát hết được. Ba anh em lỉnh dần vào chỗ rừng chưa phát, không quên lấy số lương thực được gói kỹ đã cất dấu trong hốc cây từ trước. Khi đã cách chỗ lao động khoảng sáu, bẩy mươi mét thì nghe tiếng còi rúc lên cùng tiếng hô, kèm theo tiếng súng AK bắn chỉ thiên báo hiệu trại viên trốn. Thế là bọn em ù té chạy, cứ chạy sâu vào rừng càng xa càng tốt. Mưa ập xuống mỗi lúc một to kèm theo sấm chớp như ủng hộ chúng em. Chúng em chạy luồn lách trong rừng ước chừng đã xa lắm mới dừng lại nghỉ, nhận định trại chưa thể tổ chức đi lùng bắt ngay được vì trời tối, trời mưa và lực lượng tìm bắt chưa biết tin trại viên trốn, lực lượng quản giáo lao động thì phải áp tải trại viên về không thể đuổi bắt chúng em. Nhận định như vậy, ba anh em đứng lại thở rồi cắt rừng đi tiếp. Càng đi càng thấy rừng sâu thăm thẳm. Vừa đi vừa ăn cơm khô cho có sức khỏe, qua các khe suối nước mưa đã ngập tràn. Chúng em cứ băng băng đi tiếp, mỗi người đều có một con dao phát rẫy nhưng không dám phát cây mở đường mà phải luồn lách đi tránh để lại dấu vết. Với kinh nghiệm, bản lĩnh của người lính chiến thực thụ, ý chí quyết tâm trốn trại cùng sự đồng lòng nên bây giờ giữa rừng sâu hoang vu không thấy sợ, không thấy bị lẻ loi, đôi lúc còn cảm thấy ba anh em như là tổ trinh sát đang đi làm nhiệm vụ.
Cảm giác quá nửa đêm đã rất xa trại, gặp suối và có nhiều hầm hố, bọn em đoán là căn cứ bộ đội trước kia. Vùng này như vậy rất hẻo lánh, cứ đi tiếp thì sẽ sang đất Campuchia, sẽ có những con đường mòn dọc biên giới, có dân cư hoặc có các đơn vị bộ đội, hay du kích chốt giữ. Cũng đã mệt, mưa tạnh cảm giảc như đã được tự do, đã được an toàn bọn em quyết định ngủ lại để sáng mai dò đường đi tiếp. Vẫn phải cảnh giác. Đi sâu vào trong rừng một quãng nữa chọn mỗi người một cây có chạc ba, trèo lên ngủ cho an toàn. Rừng ở đây hổ báo chắc không có nhưng đề phòng rắn rết hoặc bò cạp kiếm ăn đêm không may giẫm phải. Mệt và lo lắng, bọn em chìm ngay vào giấc ngủ.
Tiếng gà gáy, tiếng chim báo hiệu trời sáng, em hé mắt quan sát định hình lại, trời còn tối lắm. Mọi người đã thức nhưng đều ngồi im trên cây. Sáng rõ, quan sát thấy không có gì nguy hiểm, chúng em tụt xuống đi vệ sinh, để giữ bí mật mỗi người đào hố rồi thải xuống, xong việc lấp đất, lấy lá cây phủ xóa dấu. Rừng miền Đông thật đẹp có đủ loại cây to cây nhỏ, trên những cây cao có nhiều giò phong lan với chùm hoa lung linh thơm ngát, tiếng chim hót, tiếng gà gáy, dế kêu cảm giác như trở lại người lính chiến năm xưa ở rừng. Bâng khuâng rồi bừng tỉnh lại thấy hiện tại đang trong hoàn cảnh rất trớ trêu. Đang là người lính chiến thắng, tự nhiên trở thành tù khổ sai rồi lại đang là tù vượt ngục. Càng nghĩ càng thấy căm tức, tủi thân nghẹn lòng phát khóc, nhưng khóc ở đây có ích gì? Ý chí mách bảo phải hiểu, phải đối diện với thực tế phũ phàng này, chỉ có vượt trại thành công mới trở lại được cuộc sống tự do và quyền lợi quân nhân. Hiện tại coi như chúng em đã đạt được 50% mục tiêu đó. Phải ý chí, phải quyết tâm, nhưng cũng còn phụ thuộc vào sự may rủi. Mọi người bàn bạc, thấy vui rồi lại thấy lo trên từng khuôn mặt, thống nhất tiếp tục tìm đường ra khỏi rừng về Sài Gòn, về đơn vị, ghi nhớ địa chỉ của nhau, phòng có người thoát được, có người không thoát được thì tìm cách báo cho đơn vị nhau biết để họ lên trại đón về như lời người trại phó nói. Việc sợ trại tổ chức đi truy bắt không lo nữa vì cũng đã cách trại rất xa, trại có tổ chức tìm kiếm cũng chỉ loanh quanh một hai kilômét là cùng.
Theo kế hoạch bọn em đi về hướng Đông. Cứ men theo rìa rừng mà đi, người nọ cách người kia khoảng mười mét. Quá trưa rồi đến chiều, đã thấy nương khoai sắn. Gần tối tới một con suối thấy im ắng không có người, ba anh em cụm nhau cạnh suối nghỉ ngơi, vét nốt cơm khô ăn. Lúc qua rẫy, moi được mấy củ khoai tiện thể rửa sạch đất gặm cho đỡ đói. Mệt, rất mệt, cái mệt ập xuống, người như nhũn hết ra, cả ba ngả người nằm nghỉ. Bỗng có tiếng quát: Nằm im! Các anh đã bị bắt. Anh em bật nhổm dậy thấy mấy người đang chĩa súng xung quanh, có người hô tiếp: Ngồi im! Rồi một người nói: “Các anh là tù trốn trại, chúng tôi được thông báo thế!”. Nhìn trang phục của họ không phải là bộ đội mà là du kích, súng cũng vậy, người thì súng AK, người thì súng AR15 của Mỹ. Họ đeo bao se đạn, thắt lưng đủ trang bị giao găm, lựu đạn, bình tông nước. Họ sấn tới trói tay chúng em lại. Sau phút bàng hoàng, định tâm lại em nói: “Chúng tôi là bộ đội chủ lực nhưng vì đi phép, trả phép vào muộn nên quân cảnh bắt lên đây chứ chúng tôi không có sai phạm gì. Biết đơn vị đang đi chiến đấu ở biên giới, chúng tôi vượt trại để về đơn vị thôi, vì vậy các đồng chí không cần trói, đau lắm”. Họ nói: “Đau các anh cũng phải chịu, chúng tôi sẽ giải các anh về ấp rồi mai giao lên xã tùy họ xử lý”. Họ dẫn chúng em về một cái lán gần đó, có những ngôi nhà nhỏ bằng cây lợp lá. Đây là ấp kinh tế mới không trù phú, nhưng là vùng biên giới nên vấn đề quân sự có vẻ bài bản. Để chúng em ở đó, họ cũng rất tử tế, không quát tháo nữa, cho chúng em ăn và uống nước, dẫn giải từng người đi vệ sinh. Sau khi ăn uống vệ sinh, họ lại trói chúng em lại đó. Một người như là đội trưởng nói: “Bây giờ các anh ở yên đây, sáng mai chúng tôi sẽ dẫn các anh lên xã. Họ nói thêm: Đây là biên giới, bọn thám báo, trinh sát của Khmer đỏ hay mò vào lắm, mấy xã trên chúng vào giết rất nhiều người. Quanh đây chúng tôi đã gài mìn, các anh mà bỏ trốn hay đi ra ngoài vướng mìn các anh phải chịu. Bây giờ chiều tối rồi chúng tôi phải đi họp nên phải trói cả chân cả tay các anh lại”.
Thế rồi họ trói bọn em mỗi người vào một cái ghế tựa, trói cả tay cả chân bằng dây dù. Em cố gồng người lên kêu đau để cho dây trói lỏng. Đã hết sợ, em lại nghĩ cách trốn tiếp chứ không thể ngồi yên ở đây để mai họ giải lên xã rồi lại giao lại cho trại tù thì nguy to. Trói xong, thấy họ đi ra ngoài cụm nhau như bàn bạc việc gì vẳng nghe tiếng: “Trói thế không ai chạy được đâu, cứ đi nhậu đi không sợ họ trốn”. Nghe xong họ bàn bạc em biết là ấp có đám cưới và chiều nay họ đi nhậu, có tiếng nhạc vẳng xa xa chắc tiệc nhậu hấp dẫn nên không ai muốn ở lại coi, họ trói kỹ chúng em vì thế. Chúng em vờ ngoan ngoãn nghe lời, không có gì thể hiện chống đối nhưng trong đầu mỗi người đều có tư tưởng phải trốn bằng được, cầu mong cho mấy ông du kích đi nhậu hết thì thuận lợi cho kế hoạch lắm. Họ có vẻ lưỡng lự vòng đi vòng lại, em vờ xin nước uống và nói: “Các anh đi họp thì cho chúng tôi uống nước chứ hôm nay đi nhiều mệt khát nước lắm”. Họ nói: Các anh mới uống nước rồi thôi, chúng tôi đi họp một lúc khi về sẽ cho các anh ăn uống tiếp. Em nói thêm: Vậy các anh đi nhanh lên nhé!
Sau khi quan sát kỹ không có ai canh gác, họ đã đi nhậu hết, ba anh em thì thầm với nhau cởi dây trói, sau một lúc cựa quậy, anh Vĩnh, lính trinh sát đã cởi được dây trói tay, anh cởi dây trói chân, sau đó giúp cởi trói cho hai anh em em. Đúng là lính trinh sát có khác, giỏi cả cởi trói nữa! Trời nhá nhem tối, im ắng một lúc anh em lẳng lặng lủi ra nương sắn rồi đi nhanh vào rừng. Tới bìa rừng là ù té chạy, chạy được một quãng thì có tiếng tri hô đuổi theo cùng những loạt súng bắn về hướng chúng em. Em cắm đầu cắm cổ chạy luồn lách giữa các bụi cây, lúc lâu sau thì không còn tiếng người, tiếng súng nữa. Tạm dừng lại thở, trời đã tối, trong rừng càng tối hơn. Em đứng đợi mà không thấy hai anh kia đâu, đợi lúc nữa cũng vẫn không thấy, chỉ có những tiếng kêu của côn trùng. Như vậy rừng rậm, mạnh ai nấy chạy nên anh em đã lạc nhau. Nỗi buồn, nỗi lo ập đến, giờ đây giữa rừng âm u chỉ có một mình với tiếng côn trùng rả rích, những cành cây mục phát ánh xanh lân tinh lập lòe như ma trơi.
Đi nữa hay ngủ nghỉ tại đây? Thật khó quyết định. Ở lại thì sợ gần du kích biết đâu họ lần mò bắt được mình, đi nữa thì khó phân biệt phương hướng, biết đi đâu. Giờ đây trong tay không có dao, có búa, nói gì đến súng. Khổ quá, càng thấy khổ thấy lo, càng căm bọn kiểm soát quân sự đểu cáng đưa đẩy mình vào hoàn cảnh này. Trong lòng chợt nghĩ đến trả thù nhưng trả thù sao được khi đang cô đơn trong rừng đêm thế này. Uất quá, nước mắt em dàn dụa khóc nghẹn không thành tiếng. Bình tâm lại thấy cần phải có nghị lực, muốn vượt qua được những khổ ải này rồi trả thù sau, miễn là phải thoát được về đến Sài Gòn đã. Ý chí, sức mạnh và bản lĩnh của người lính chiến ập về. Những bài học mấy năm trước khi huấn luyện cách tìm phương hướng, kỹ năng sống trong rừng, em nhớ lại, cố đợi trăng lên, xác định hướng Đông, phải đi tiếp ra chỗ rừng thưa quan sát. Hôm nay là đầu tháng âm lịch trăng khuyết mọc là hướng Đông, mình sẽ đi về hướng đó. Đi được một quãng xa đã phát hiện chuẩn hướng, gặp một cây to, em ngồi tựa vào gốc rồi ngủ lịm đi lúc nào không biết. Tỉnh lại thì trời đã tảng sáng, giật mình quan sát xung quanh, tất cả vẫn yên tĩnh ngoài những tiếng gà, tiếng chim. Định bụng đợi sáng hẳn mới đi, em thấy cây gỗ ngay trước mặt như chuyển động, chẳng lẽ mắt mình có vấn đề, dụi mắt mấy lần, đúng cây gỗ đang chuyển động thật, nó chuyền động rất êm, nhẹ nhàng không có tiếng động. Nhìn kỹ ôi chết cha, không phải cây gỗ mà là con trăn da loang lổ như cây gỗ cháy, tròn bằng bắp đùi, dài mấy mét nhưng quãng giữa phình rất to, chắc con trăn này mới ăn được con thú gì nên bụng nó phồng như thế. Thật may cho em, chứ gặp nó đang đói bụng thì chắc chắn em là mồi ngon của nó rồi. Nghĩ nhanh như vậy, em nhẹ nhàng lùi vòng sang phía sau cây rồi chạy nhanh thoát khỏi con thú nguy hiểm.
Em cứ đi theo hướng Đông, khát thì có suối, nhưng rất đói. Tới chiều gặp một vạt rẫy. Em nấp ở bìa rừng theo dõi, thấy một ông khoảng 50 tuổi đang thu dọn. Lúc sau, khi biết chắc là không có ai khác, em mạnh dạn ra chỗ ông. Em chủ động chào, ông giật mình hỏi: Chú đi đâu? Em nói: Cháu đi làm kinh tế nhưng vừa rồi giông bão lốc đổ nhà bây giờ tính về Sài Gòn xin tiền bà con mua mấy tấm thiếc lợp nhà, mà đi thế nào lạc chưa biết đường ra. Quan sát em một lúc, thấy em cũng không có gì nguy hiểm, ông nói: Tôi biết rồi, các chú là hay lạc lắm. Cũng chiều rồi, chú về nhà tôi nghỉ đã rồi tôi giúp! Em lưỡng lự, lời nói và thái độ của ông thân thiện nhưng em vẫn sợ, ngại ông gài bẫy, dẫn mình về rồi báo cho du kích hoặc công an đến bắt. Đang ngần ngừ thì ông nói tiếp: Chú không phải sợ, tôi đã giúp cho mấy người rồi. Tôi theo đạo Thiên Chúa, được răn dạy nhiều, tôi không làm điều ác đâu mà chú lo. Đường khó đi, chỉ đường cho chú cũng vẫn dễ bị lạc, không may lại gặp dân quân du kích chú không về được Sài Gòn đâu. Nghe ông nói và cử chỉ ông em xuôi lòng đi theo. Ông đưa cho em cầm con dao và cái gùi bỏ ít rau rừng và mấy bắp ngô vào, ông vác theo bó củi khô. Ông nói: Ở đây vắng lắm, chỗ nhà tôi cũng vậy, ai hỏi thì nói chú bà con với tôi ở Sài Gòn đi làm kinh tế trên này đến thăm, ông nói tên của ông, trước kia ở Sài Gòn chỗ nào. Em yên tâm đi theo ông về nhà.
Đi khoảng hơn một kilômet thì tới nhà ông. Căn nhà nhỏ nhưng ngăn nắp gọn gàng, trong nhà bàn ghế đơn sơ có ban thờ Chúa, tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh câu rút cùng dòng máu đỏ từ nơi đóng đinh. Ông nói, nhà bây giờ chỉ có hai vợ chồng tôi thôi, mấy đứa con chúng về đây không chịu được lại quay lên Sài Gòn rồi. Hôm qua bà ấy mới lên Sài Gòn với chúng nó, vì vậy hiện giờ chỉ có tôi với chú thôi, chú giúp tôi nấu cơm mình cùng ăn. Thế là em phụ ông nấu cơm. Ông đưa cho em bộ đồ và nói: Chú thay bộ đồ đang mặc trông lấm láp quá, mặc tạm bộ đồ này sáng mai đi thì mặc lại. Chú cứ tắm rửa nghỉ ngơi không ngại gì, mấy nhà gần đây cũng đều có đạo hết không sợ ai thóc mách đâu. Cơm nước xong ông nói như tâm sự: Tôi trông chú hiền khô mà sao lại ra nông nỗi này? Chú nói nhà đi làm kinh tế, chú bị lạc tôi không tin, tôi biết chú mới ở trong trại Đồng Ban ra. Trại ấy bây giờ toàn giam các ông bộ đội giải phóng. Hôm qua có thông báo ba người trốn trại mà. Vậy còn hai chú kia đâu? Đến nước này thì em nói thật, kể hết với ông sự tình tại sao lại bị bắt giam và sự vụ trốn trại. Em nói đúng là còn hai người nữa, nhưng lúc chạy khỏi chỗ du kích mỗi người mỗi ngả không biết họ giờ ở đâu, cháu may mắn được ông giúp đỡ, cháu về được Sài Gòn, về đơn vị để cùng anh em ra biên giới đánh bọn Khmer đỏ. Cháu không quên ơn ông, sau này có dịp cháu sẽ cảm tạ ông. Ông nói: Tôi giúp người không phải để lấy ơn, mà làm ơn làm phước, làm điều thiện điều tốt theo răn dậy của Chúa. Trong kinh thánh, Chúa luôn hướng thiện cho mọi người, mong chú về được Sài Gòn, thoát khỏi trại giam là tôi vui rồi. Nhưng từ đây về Sài Gòn qua mấy trạm kiểm soát của công an, quân đội, thuế vụ, quản lý thị trường gọi là trạm kiểm soát liên ngành chặt lắm. Hàng hóa từ con gà, mấy cân gạo hay mấy cân đường mía, thực phẩm, tôm cá họ thu giữ bắt lại hết không cho mang về Sài Gòn, hòng làm cho cuộc sống của dân Sài Gòn thật khó, ép họ phải về quê, phải đi xây dựng vùng kinh tế mới. Những người qua trạm bị xét giấy tờ tùy thân kỹ lắm. Tình hình chiến sự biên giới bộ đội bị chết bị thương quá trời, nhiều chú bỏ đơn vị về Sài Gòn, nhiều chú cũng bị bắt lại, họ giao lại cho đơn vị hoặc giao về trại Đồng Ban như chú ấy, để tôi nghĩ cách.
Em nghẹn lòng cảm kích, nước mắt chảy đầm đìa, cầm hai tay ông nói: Con ơn ông thật nhiều. Nghĩ phúc nhà còn tốt, gặp được người tốt quá. Ông nói: Chú không phải nói nhiều, cầu mong cho chú thành công. Đường đời mà, mình giúp người thì người khác lại giúp con cháu mình, Chúa dậy con chiên phải luôn làm điều thiện, Chúa luôn ban phước lành cho mọi người, rồi ông giục em đi ngủ.
Ba giờ sáng hôm sau nghe tiếng lục ục, thức dậy đã thấy ông nấu cơm đun nước, ông hỏi đêm qua có ngủ được không? Em nói cháu ngủ ngon, ngủ say quá. Ông nói tiếp: Giờ chú làm vệ sinh, ra suối rửa mặt, vào ăn cơm sáng rồi ta đi, tôi nghĩ cách rồi. Em đi làm vệ sinh rồi vào cùng ông ăn cơm. Cơm chỉ có rau rừng luộc chấm nước mắm, khô cá mà ngon quá. Ăn xong ông nói: Bộ đồ tôi đã hong khô rồi, chú mặc vô, chú không nên mặc quần dài như vậy không giống người địa phương. Chú nghe tôi xé ngang lưng đùi mặc mát mẻ, và bỏ đôi dép râu, đi đôi dép nhựa tổ ong này giống người đi làm rẫy hơn. Em thấy ông nói có lý và làm theo. Ông nói tiếp: Từ đây ra lộ khoảng ba cây số, tôi sẽ đi cùng chú tới lộ đón xe. Tôi cho chú 5 đồng để trả tiền vé. Muốn qua trạm Suối Sâu thì chú phải khoác cái lồng này. Ông chỉ vào cái lồng bên trong có con trăn đất loang lổ đen trắng cuộn tròn to bằng cổ tay, ông đưa cho thêm đoạn cây có mấu đầu để móc vào cái lồng, ông nói ở trạm nếu họ có nghi chú là bộ đội thì chú cứ nói là đi làm kinh tế, nhà bị lốc đổ, giờ về Sài Gòn xin tiền bà con mua mấy tấm thiếc lợp mái, bắt được con trăn mang bán làm lộ phí, họ có mua thì bán luôn cho họ, còn họ tịch thu thì cũng vờ xin xỏ cho có lệ, nó chỉ giữ trăn chứ không giữ người đâu, con trăn này có giá khoảng 15-20 đồng đấy.
Em thật cảm động nghĩ kế sách hay quá. Ông kéo em lại đứng cạnh ông trước ban thờ Chúa, ông làm dấu thánh giá rồi lâm râm cầu nguyện. Em chắp tay không biết cầu nhưng cũng thành tâm xin Đức Chúa cùng thánh thần ban phước cho mình may mắn. Ông giục em uống nước rồi đi cho kịp xe. Tảng sáng thì tới lộ lớn, em mừng ứa nước mắt. Ông nói: Tôi đứng đây đợi xe cùng chú, chút nữa là có xe về Sài Gòn, chú lên xe thì tôi về. Vừa lúc đó thì có tiếng còi xe và ánh đèn pha loang loáng, chiếc xe đò màu xanh tuyến Tây Ninh – Sài Gòn táp vào cạnh đường, phụ xe hối nhanh, ông ẩy em lên xe nhắc: Chú ý con trăn đấy. Em hiểu ý ông dặn về cái kịch bản qua trạm mà ông đã bàn. Em lên xe ngồi hàng ghế cuối, xe chật ních người với hàng hóa. Em thầm nghĩ xe đông càng tốt cho mình. Đường xấu ổ voi, ổ gà nhiều em lại ngồi cuối nên rất xóc. Mọi người nói đủ thứ chuyện ồn ào kêu ca đời sống khó, rồi xoay qua chuyện giặc Pôn Pốt tàn ác giết dân mình nơi nọ nơi kia rất dã man. Có người nói bộ đội mình nhiều, súng đạn nhiều mà sao không đánh chết hết chúng nó đi, bọn này là phản chủ phản bạn lắm, bộ đội ta chết nhiều bị thương nhiều lắm, ngày nào cũng có xe chở liệt sĩ về chôn ở mấy nghĩa trang. Có người nói: Hòa bình được có hai năm mà lại chiến tranh mới khổ. Một người tiếp: Đấy, cái khổ, cái thiếu của mình bây giờ là do chiến tranh mà ra, thanh niên trai tráng lại phải ra trận hết trơn hết trọi, lấy sức đâu mà xây dựng kinh tế nữa. Em lim dim mắt vờ như đang ngủ nhưng tai thì căng ra nghe chuyện.
Xe chạy chừng một giờ, trời sáng hẳn, chú phụ xe nói to: Tới trạm, cô bác chuẩn bị hàng hóa đồ đoàn, kiểm tra liên ngành nghen! Mọi người ồ lên rồi ai cũng đứng lên sắp xếp hàng hóa tư trang của mình. Em cũng kéo cái lồng sát lại. Xe táp vào trạm, vừa dừng bánh, một tốp hai người thuế vụ, hai người bộ đội đeo băng đỏ khoác súng AK lên xe. Giọng người thuế vụ oang oang: Sao mang nhiều hàng hóa thế? Ai muốn qua thì đóng thuế nhanh nào! Anh ta vừa nói vừa len đi giữa hàng xe, chân đá vào các bao hàng, luôn mồm hỏi cái gì thế này bỏ ra xem nào? Tiếng mấy bà nói: Có mấy cân gạo thôi chú ơi! Người thì nói tôi chỉ có mấy cân đường còn đây là khoai mì, tôi vẫn đi mà chú. Mồm nói xin xỏ, nhưng tôi để ý mấy bà nhét tiền vào tay hai người thuế vụ. Hai người thuế vụ quát tháo lấy lệ, đe nẹt để lấy tiền hối lộ. Hai người kiểm sát quân sự cũng ngó nghiêng len đến tận chỗ em ngồi, một người hỏi giấy tờ. Em trình bầy là dân đi làm kinh tế mấy ngày trước nhà bị lốc đổ, mất hết giấy tờ, giờ về Sài Gòn xin tiền bà con mua thiếc dựng lại nhà. Họ nhìn em đăm đăm, xoi mói nghe chừng không tin. Một người hỏi: Anh là bộ đội hả? Em nói đâu có bộ đội gì mà mặc đồ như vầy, đây là đồ mấy chú đóng quân ở nhà em cho mặc đấy, các anh thấy quần có ống đâu. Một người nói, nhìn anh nghi lắm cứ xuống trạm rồi xem xét giải quyết, dịp này bộ đội bỏ ngũ nhiều lắm. Em nói các anh cho tôi đi cho kịp xe chiều còn về nữa chứ. Em vừa nói tay vừa kéo cái lồng trăn lại. Một người hỏi: Trăn của anh à? Em nói: Đúng rồi, nhà có con trăn mang về Sài Gòn bán cho họ nấu cao lấy tiền phụ đi đường. Người bộ đội kia hỏi: Anh bán bao nhiêu? Em nói: Lần trước tôi về Chợ Lớn ông người Hoa mua 15 đồng, con này to hơn con trước. Người bộ đội lại nói: Anh mang trăn rắn là động vật quý hiếm, lẽ ra là tịch thu đấy, thôi bán cho tôi. Trong lòng em mừng vì sự vụ đúng như kịch bản của ông bác, em nói luôn: Nếu anh thích thì tôi để rẻ cho anh, hôm khác tôi mang cho ông Chợ Lớn sau. Người bộ đội nói tôi trả ông 8 đồng đấy, em nằn nèo xin thêm 2 đồng cho chẵn. Ngần ngừ rồi người bộ đội rút tiền đưa cho em đủ 10 đồng, nói thêm: Thôi! Cho ông đi, lần sau có trăn thì mang vào đây nhé. Nói rồi anh ta xách luôn cái lồng trăn xuống xe. Chú phụ xe nói to: Đi tiếp nghen bà con! Xe nổ máy, mấy bà đi buôn ào ào khen hôm nay gặp hên, chứ mọi lần gặp mấy chú khác, thế nào cũng bị thu hàng hóa.
Em thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng, nghĩ về ông bác tốt và giỏi mưu kế. Khoảng gần trưa xe về tới bến Văn Thánh, mọi người ào lên chuẩn bị xuống xe. Xe dừng, hàng chục người ập tới tranh nhau hỏi mua hàng hóa và hỏi đi về đâu để chở. Em chưa xuống ngay mà ở trên xe đảo mắt qua cửa sổ xem có kiểm soát quân sự không. Thấy ổn, em bước nhanh xuống xe nói luôn người xe ôm chở đi, mặc cả giá sơ sơ, rồi hối xe đi nhanh ra khỏi bến. Sài Gòn vẫn như xưa, vẫn ồn ào tấp nập trong nắng trưa chói chang. Không mũ nón em cũng chẳng ngại, chỉ mong cho xe chạy nhanh tới trường lái xe Quận Mười, nơi người anh bà con là cán bộ dạy lái ở đó, hồi làm quân quản em thường tới chơi. Trả tiền nhanh cho xe ôm, em vào ngay cổng gác nói: Tôi là em anh Thu đến chơi xin gặp anh Thu. Người bộ đội gác hỏi em có phải Thượng úy Thu quê Thái Bình không? Em nói đúng rồi, người trực quay máy vào trong nói anh Thu có người nhà đến thăm, rồi bảo em vào phòng đợi. Em bước nhanh vào phòng ngồi xuống ghế thở phào như trút được gánh nặng, nghĩ mình đã thoát, đến đây thì không sợ bố con thằng nào nữa!
Đợi khoảng mươi phút thì anh Thu đi xe máy ra, trong trang phục sĩ quan đeo quân hàm thượng úy, anh vào ngay phòng khách. Nhìn thấy em, anh ngạc nhiên hỏi: Ủa! sao thế này? Thấy ngoài nhà nói là chú vào phép, lên biên giới ngay à, sao trước khi đi biên giới không đến chỗ anh chơi. Nhìn anh Thu em như òa khóc, nói: Anh cho em vào rồi em kể sau. Anh Thu chở em về phòng, pha cốc nước chanh đường đưa em, rồi hỏi: Nào! Chú kể tôi xem? Nước chanh đường lạnh ngon quá làm em tỉnh hẳn ra, em kể hết sự tình với anh Thu. Nghe xong anh lặng đi rồi nói: Chúng nó ác quá, mà chú cũng đen thật, cũng có phần sai ở mình. Chú biết không, dịp này chiến tranh biên giới ác liệt căng thẳng lắm, dân Hoa kiều ở Chợ Lớn thì liên tục biểu tình, tình hình quan hệ với Trung Quốc rất phức tạp. Vừa rồi ông Bá Thi mua được danh sách điệp viên. Chúng gài người vào các cơ quan, có cả kể hoạch bạo động cướp chính quyền nữa, cho nên họ mới làm như vậy. Thôi bây giờ thì hết phải lo, chú thoát được về đây là may lắm rồi, hai người chạy cùng chú bây giờ không biết sao? Tôi lấy quần áo cho chú đi tắm giặt rồi cơm cái đã. Ngủ trưa dậy chú xuống căng tin cắt tóc, chỉnh trang lại, rồi anh em mình tính. Chú chỉ ở đây thôi, không được ra ngoài đấy nhé!
Em răm rắp làm theo lời anh Thu. Chiều em nói anh Thu cho ghé qua nhà người quen chỗ Quận 11 hỏi tình hình anh Thư, nhưng anh Thu không cho đi. Theo kế hoạch ngày mai ăn sáng xong, anh Thu mượn xe ô tô của trường chở em về cứ của đơn vị ở tổng kho Long Bình. Anh dặn ai hỏi thì chỉ nói là đi phép bị ốm vào muộn, đi đường bị mất hết giấy tờ thôi, chứ đừng nói gì đến chuyện bị bắt bị giam nhé. Họ có kiểm điểm phê bình gì cũng được, mình đi phép mà vẫn vào đơn vị thế này là quý lắm rồi, có nhiều người còn quá phép dài hơn, khi vào đơn vị vẫn nhận vì lý do thiếu người, chiến đấu bị thương, hy sinh quân số hao hụt nhiều lắm.
Sáng hôm sau anh Thu mượn đơn vị chiếc xe zeep, cùng một người bạn đeo quân hàm trung úy và một người đeo quân hàm thượng sỹ lái xe. Anh mua cho em một túi quà và ba lô cùng tư trang. Một túi nữa gồm trà, kẹo bánh thuốc lá làm quà cho thủ trưởng ở cứ, anh nói để dễ nói chuyện. Em cảm động chẳng biết nói gì, trong lòng thật sự thổn thức trở lại đơn vị sau mấy tháng phép rồi gặp tai họa. Khoảng 8 giờ thì khởi hành. Sài Gòn phố xá vẫn đông nghẹt người, với em không có gì lạ lẫm, hai năm làm Quân quản chỗ nào mà không có dấu chân. Đường đông nhưng xe nhà binh rúc còi nên mọi người nhanh chóng nhường đường. Khoảng 9 giờ 30 tới tổng kho Long Bình, em nói với anh Thu vào cổng số 2, gần cứ của trung đoàn. Xe qua cổng đơn giản, người vệ binh gác cổng hỏi giấy tờ, anh Thu nói vào cứ trung đoàn 273, vệ binh mở cổng ngay. Em thật hồi hộp, cái hồi hộp không phải là sợ gì nữa mà thật sự cảm thấy nhớ đơn vị. Anh Thu hỏi đường vào Ban chỉ huy cứ, gặp ngay phó chính ủy Tiến, anh Thu nói là anh em họ hàng, em trình bầy như anh Thu dặn. Phó chính ủy Tiến giọng như phụ nữ căn vặn mấy câu rồi nói kháy: Sao anh không lấy vợ, đợi có con đã rồi hãy vào?Anh vào như thế là sớm đấy. Thôi, tôi nể anh em của anh đã đưa anh tận trung đoàn, uống nước đi rồi về đại đội thu dung lao động đào giếng cho khỏe đã, có đợt sẽ sang đơn vị. Đại đội đồng chí cùng trung đoàn, toàn sư đoàn đang chiến đấu lập nhiều chiến công lắm. Ông nói công vụ báo người quản lý lên nhận em. Ông nói thêm, về để biết đơn vị đã rồi lên đây ăn cơm trưa, tôi mời cơm mấy anh em. Anh Thu không nhận lời ăn cơm và đợi đồng chí phụ trách lên nhận người rồi anh về trường. Đợi một chút thì anh Thể lên, em chia tay anh Thu và mọi người, chào cảm ơn phó chính ủy Tiến rồi cùng anh Thể xuống đơn vị.
Đại đội 25B đúng ra là bộ phận thu dung có khoảng hơn một trăm người, đa phần là người quen trước ở các đại đội trong trung đoàn, đủ các thành phần như đi phép vào muộn, đi viện về vết thương nhẹ không đủ xếp loại thương tật, một số tư tưởng cáo ốm, một số không nhận quân hàm sĩ quan, không nhận nhiệm vụ chiến đấu, đa phần là lính lớp 71, 72, 74 có cả lính 75 nữa. Hiện tại hàng ngày mọi người chủ yếu là đào giếng và lao động linh tinh, công việc rất nặng nhọc, được cái cơm vẫn ba bữa. Không ai được tự do ra ngoài, ai vi phạm bị phạt, bị giam trong Container phơi ngoài nắng, mỗi bữa chỉ được ăn miệng bát cơm. Ông Tiến cho khoét cái lỗ đưa cơm chỉ nhỏ và cao bằng cái bát, để khi người đưa cơm mà xới đầy khi qua lỗ cũng bị gạt lại. Thi thoảng ông lại cho vệ binh cầm gạch đá ném vào Container thật mạnh tạo âm thanh lọng óc. Cán bộ cứ cố tình tạo việc lao động với kỷ luật hà khắc để mọi người không chịu được rồi phải sang với đơn vị chiến đấu.
Tháng 8 năm 1978 có đợt quân lực lấy quân, em trong danh sách đó về đại đội như anh biết đấy. Sau trận ngày 18 tháng 7 đại đội mình bị “xóa sổ” nên toàn lính mới chỉ một vài lính cũ bị thương đi viện về. Lúc đó các anh phân công em về làm tiểu đội trưởng của trung đội 1. Chốt gian nan vất vả lắm, trận ngày 1 tháng 10 bọn Pốt luồn vào vây đại đội mình có đến cả tiểu đoàn, may mà chúng vấp mìn sớm, anh em mình chiến đấu tiêu diệt được cả trăm thằng, thu hàng trăm khẩu súng. Trận đó em được xét đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau đó các anh điều em lên tiếp phẩm cho đại đội. Tháng 4 năm 1979 khi đơn vị làm nhiệm vụ Quốc tế, đang chiến đấu ở Công Pông Sư Pư thì các anh cho em về Việt Nam học Quân y, em đổi đời sang trang từ đó. Hồi ấy công an vũ trang lúc thì thuộc Bộ Quốc phòng lúc thì Bộ Công an quản lý. Họ thấy em đã qua hai cuộc chiến tranh nên cho em về bên Công an vũ trang rồi chuyển vào đây. Mấy chục năm rồi anh nhỉ, anh em mình tóc bạc hết cả rồi.
Tôi tò mò hỏi: Vậy chuyện vợ con, ông lấy vợ năm nào? Vợ người ở quê hay ở trong này, Hùng cười nói: Đúng là duyên số không ngờ anh à, em với tay Thiểm lại trở thành anh em đồng hao. Chuyện dài để lúc khác em kể. Cô ấy đảm đang lắm, mang nghề nấu rượu nuôi lợn vào trong này, chúng em sống khá lên từ lợn, từ rượu đấy anh. Hồi vào đây đất cát rẻ lắm, Đà Lạt đang còn hoang vắng, xin bao nhiêu đất cũng được ấy mà. Vậy cái chú Thiểm đập chết mười con vịt, rồi là anh em đồng hao với chú giờ ra sao? – Tôi hỏi. Hùng nói: Anh ấy mất hơn chục năm rồi anh à! Cái chết quá bất ngờ. Anh ấy ra ruộng giẫm phải cái đinh, chủ quan không ngờ bị vi trùng uốn ván chết tức tưởi lắm.
Tự nhiên nỗi buồn trong tôi ập đến, khó có thể giải thích được về cuộc sống và cái chết, phải chăng có luật nhân quả? Tôi ngước mắt nhìn xa xăm nghĩ ngày xưa Hùng mộng làm giầu bằng từ mười con vịt, nhưng làm giầu sao được khi mà chính sách của nhà nước có cho ai làm giầu đâu, cái gì cũng phải tập thể, cái gì cũng hợp tác xã “nước mạnh, dân giầu mà”! Chợt nhận ra mặt hồ có rất nhiều thuyền Vịt trang trí sặc sỡ đang bơi, trên thuyền là những cặp đôi tình tứ, có nhiều thuyền là người nước ngoài, có thuyền có cả em nhỏ cùng bố mẹ, một gia đình hạnh phúc, họ cùng đạp guồng thong thả tận hưởng không gian thơ mộng hồ Xuân Hương giữa muôn ngàn sắc hoa Đà Lạt. Tôi nói với Hùng: Ngày xưa ông mộng làm giầu từ mười con vịt, rất có ý chí mà không thể thực hiện được, mang theo bao thù hận. Bây giờ đất nước hòa bình, chúng ta chưa làm giầu được, nhưng anh em mình tự hào là người trai rất dũng cảm can trường trong chiến tranh. Thời đại công nghệ dành cho lớp trẻ. Những con vịt kia kìa, hạnh phúc từ đấy! Giầu lên từ đấy! Du lịch làm giầu cho đất nước, cho mọi người Hùng ơi!