Từ Ngày Thơ Đài Loan đến Ý Thức Quê Hương

Home NHÀ VĂN & CUỘC SỐNG Đối thoại với cuộc sống Từ Ngày Thơ Đài Loan đến Ý Thức Quê Hương
Từ Ngày Thơ Đài Loan đến Ý Thức Quê Hương

Sao Khuê

(Thực hiện)

Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã chia sẻ về sự vinh dự được mời tham dự và nhận giải thưởng tại Ngày thơ Đài Loan 2024. Ông nói về sự hấp dẫn của thơ và con người trong tác phẩm của mình, thu hút sự quan tâm của giới văn học Đài Loan. Ông cũng so sánh và chia sẻ cảm nhận về sự khác biệt giữa Ngày thơ Đài Loan và Liên hoan thơ quốc tế Malaysia.

GS Tưởng Vi Văn, người đã giới thiệu thơ của ông tới bạn đọc Đài Loan, cũng là một phần quan trọng trong sự kiện này. Cuối cùng, ông muốn nói về những suy nghĩ và cảm xúc của mình với cộng đồng người Việt ở Đài Loan, nhấn mạnh ý thức về quê hương và hạnh phúc của việc được sống trong quê hương của mình.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh nhận giải thưởng Cống hiến và Huy chương văn học Đài Loan

Thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh, trong Ngày thơ Đài Loan 14/3/ 2024, ông được mời tham dự, đọc thơ, nhận giải thưởng Cống hiến và Huy chương văn học Đài Loan. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về điều đó được không? Vì sao ông có được vinh dự đó?

+  Năm 2018, tập thơ “Đi ngang thế gian” của tôi được các bạn Đài Loan dịch, xuất bản và phát hành ở Đài Loan bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Đài, sau đó tôi được bạn mời sang thăm Đài, ra mắt sách. Và như thế, tôi là người Việt đầu tiên được bạn mời sang với tư cách cá nhân và tập thơ của tôi cũng là tập thơ Việt Nam đầu tiên được dịch sang tiếng Đài. Tôi đã kí hợp đồng nhượng bản quyền 20 năm cho bạn. Tôi rất vui khi biết bạn đã chọn tập thơ của tôi vào trong chương trình dạy và học ở khoa Việt Nam học trường Đại học quốc gia Thành Công. Bạn đã cấp bằng ghi nhận tôi là người tiên phong xây dựng có hiệu quả mối quan hệ bang giao Văn học Việt – Đài. Giáo sư Tưởng Vi Văn, người dịch và giới thiệu thơ tôi với bạn đọc Đài Loan, trong lần họp báo ở Hà Nội khi tập thơ tôi ra đời, đã nói rằng: “Thơ Trần Nhuận Minh không có biên giới. Những vấn đề tác giả nêu ra là những vấn đề chung, được quan tâm không chỉ ở Việt Nam hay Đài Loan. Bất cứ nước nào dịch thơ Trần Nhuận Minh cũng sẽ được tiếp nhận dễ dàng”… Đài Loan, 1 trong 20 quê hương của thơ tôi ở nước ngoài.

Điều gì ở thơ và con người thơ Trần Nhuận Minh thu hút sự quan tâm của giới văn học Đài Loan?

+ Thực ra điều này, các bạn Đài Loan trả lời thì rõ hơn. Còn tôi, tôi tự thấy mình đồng cảm với các bạn, thơ mình chân thực, yêu thương và trân trọng con người. Cũng có thể, các bạn tìm thấy ở thơ tôi những nỗi niềm gì đó của chính các bạn chăng? Nếu vậy, thì tôi rất cảm ơn và thực sự thấy mình là một người hạnh phúc. Tôi rất yêu câu nói cửa miệng của nhiều người Đài: “Ông có cần tôi giúp ông một việc gì không”. Khi tôi trả lởi: “Cảm ơn. Không” thì tôi thấy gương mặt họ thoáng buồn.

Cảm nhận của ông khi tham dự Ngày thơ Đài Loan? Có gì mới mẻ hoặc khác biệt so với Liên hoan thơ quốc tế ở Malaysia mà ông vừa tham dự tháng 12 năm 2023?

+ Ngày thơ Đài Loan có nhiều nét khác biệt. Bạn lấy ngày 14 tháng 3 hằng năm làm Ngày thơ Đài Loan, ngày mà năm 1947, một nhà thơ Đài Loan, Công tố viên Vương Dục Lâm bị bắt và bị sát hại, khi ông mới có 28 tuổi. Chúng tôi đã gặp hai con trai của ông trong ngày kỉ niệm bi hùng này, khi Đài Loan dựng tượng ông và khai trương công viên mang tên ông. Vì thế, cả Ngày thơ, chỗ nào cũng tràn đầy hình ảnh, tư tưởng và những bài thơ của Vương Dục Lâm. Đặc biệt Đài Loan, từ Ngày thơ này, có giải thưởng văn học giành cho các tác giả viết bằng tiếng Đài từ 28 tuổi trở xuống và chắc chắn, lực lượng này sẽ là chủ chốt của thơ Đài Loan viết bằng tiếng mẹ đẻ trong một tương lai không xa. Tôi đã gặp nhiều nhà thơ Đài Loan, được mời tham dự nhiều lần Ngày thơ Việt Nam, tổ chức hằng năm tại Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh và được biết, các bạn hiểu khá rõ về Ngày thơ Quảng Ninh, Ngày thơ Việt Nam. Vì thế, các bạn tổ chức Ngày thơ của mình có một số nét tương đồng, nhưng về cơ bản thì khác hẳn. Tôi nghĩ thành công của Ngày thơ Đài Loan là ở chỗ đó. Liên hoan thơ quốc tế Malaysia tháng 12/ 2023, có phần hàn lâm hơn, với 100 nhà thơ tham gia, trong đó có 81 nhà thơ đến từ nhiều quốc gia và châu lục. Ở đó, có chương trình tiếp xúc và đọc thơ ở nhiều nơi, cùng 3 cuộc hội thảo về thơ mang tính nhân loại, ví như thơ và quyền con người, ví như trách nhiệm của nhà thơ trước một thế giới đầy bất trắc? Và văn hóa đọc có còn cần nữa không? Thơ sẽ thế nào, khi mà trí tuệ nhân tạo phát triển đến mức, các robot cũng có thể làm thơ được… Tôi nghĩ, những vấn đề đó, có lẽ cũng sẽ là điều cần quan tâm của cả Ngày thơ Đài Loan ở nhiều lần sau…

Nhà thơ Trần Nhuận Minh bên tượng nhà văn Diệp Thạch Đào tại Đài Nam (Đài Loan)

Ở sự kiện này, GS Tưởng Vi Văn quan tâm rất nhiều đến văn học Đài viết bằng tiếng Đài và kết nối với cộng đồng văn học toàn cầu. Bản thân ông thấy thế nào về việc đó?

+ Trong sáng tác văn chương, ngôn ngữ là vấn đề rất quan trọng, để bộc lộ bản sắc và hồn vía của một dân tộc. Giáo sư Tưởng Vi Văn, phấn đấu dường như không biết mệt mỏi và rất đáng khâm phục, để góp phần phát triển nền văn học viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi nghĩ đó là việc làm rất chính đáng, cũng như văn học Việt Nam viết bằng tiếng Việt Nam, cũng phải trải qua biết bao gian truân, mới có được những thành tựu như bây giờ. Vấn đề là làm sao có tác phẩm hay, có tầm lớn, viết bằng tiếng Đài, còn việc kết nối nó với văn học toàn cầu là vấn đề thứ 2, dù sao cũng dễ dàng hơn. Tôi rất vui, thấy văn học Đài đang bước những bước đi đầy quả quyết với những kết quả đáng tự hào. Tôi nghĩ, thế giới đứng ở bên cạnh các bạn, đang chờ đón những tác phẩm xuất sắc của các bạn viết bằng tiếng Đài, để làm phong phú thêm diện mạo đa dạng của nền văn học toàn nhân loại trong một thế giới phẳng.

Ở tuổi 80, việc một nhà thơ vẫn di chuyển qua các đường biên, nỗ lực mang thơ Việt Nam giao lưu với các bạn thơ quốc tế, ông có động lực nào để dấn bước?

+ Tôi rất vui, thấy thơ Việt ngày càng hội nhập có hiệu quả với bạn bè quốc tế, trong đó có thơ tôi, dù còn rất khiêm nhường. Chính điều đó là động lực để tôi vượt qua các rào cản của ngôn ngữ, của tuổi tác.

Có điều gì ông muốn chia sẻ với cộng đồng người Việt ở Đài Loan?

+ Tôi đã gặp nhiều em, nhiều cháu người Việt đang làm các việc bình thường ở Đài Loan, như những người Đài thực thụ… Nhiều em đã lấy chồng lấy vợ người Đài, đã có đến 2 – 3 con, có con đã là kĩ sư, nhạc sĩ, ca sĩ có tên tuổi… gia đình rất hạnh phúc. Có em đã đưa được cả cha mẹ sang đây để phụng dưỡng tuổi già. Đã có đến nửa triệu người Việt là công dân Đài Loan. Cùng với đời sống kinh tế sung túc, người Đài đã có chất lượng sống cao hơn và tầm văn hóa cao hơn, họ rất thân thiện và rất thích được giúp đỡ người khác. Tôi đã có 2 bài thơ viết về việc này khi thăm Đài Loan năm 1918, một, viết về một ông nhân viên phủ Tổng thống, chủ nhật nào cũng đến một khách sạn, để giúp người tàn tật hay già yếu… và hai, về một ông già đứng bên cạnh gờ đường trong hành lang, luôn nhắc ai đi qua cần chú ý, kẻo vấp ngã. Cả 2 bài này, cùng với 1 trường ca, tôi viết về cô ca sĩ Đài Loan, in trong tập thơ “Đi trên quê hương Goethe,” đã xuất bản bằng 7 thứ tiếng. Từ Hà Nội sang đây, giờ bay bằng từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh, nghĩa là, có thể đi và về được trong ngày. Tôi đã đi thăm 15 quốc gia, ở đâu, cảnh quan cũng tươi đẹp, con người cũng thân thiện hài hòa. Nhưng cái cảm giác về sự ấm nồng mà ta thường chỉ thấy có ở quê hương Việt Nam, thì tôi chỉ thấy có ở Đài Loan mà thôi. Tôi nói thế, để mừng cho các bạn người Đài gốc Việt của tôi, rằng, không ai chọn được cha mẹ, chọn được quê hương. Nhưng các bạn may mắn hơn, đã chọn được quê hương của mình, cho mình. Ở trên đời, đó thực sự là một hạnh phúc lớn. Các bạn có thấy như thế không?

Leave a Reply

Your email address will not be published.