PGS. TS. NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP
Nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam;
Chủ tịch Hội đồng LLPB Hội Nhà văn Việt Nam
Sau ngày 30/4/1975, chiến tranh chống Mỹ kết thúc và mở ra một chương mới trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Kể từ thời điểm này, cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận và khủng hoảng kinh tế, đồng lòng bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Cùng với sự thống nhất chủ quyền và lãnh thổ, hai nền văn học tồn tại trong hai chính thể khác nhau đã thống nhất thành một thể, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giờ đây, khát vọng “nối vòng tay lớn”, hoà hợp dân tộc sau những biến động dữ dội của lịch sử là khát vọng của hàng chục triệu người. Để biến khát vọng thành hiện thực, cần phải biết khép lại quá khứ trên tinh thần hoà giải, chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng khép lại không có nghĩa là lãng quên. Bởi để có được hoà bình, chúng ta đã phải trả giá bằng rất nhiều xương máu, mồ hôi và nước mắt. Đó là một sự thật lịch sử cần được tôn trọng.
1. Những thành tựu chủ yếu
Cùng với sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học Việt Nam sau 1975 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng.
Nhìn tổng thể, phần lớn đội ngũ cầm bút là những nghệ sĩ giàu lòng yêu nước, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, gắn bó máu thịt với tổ quốc và nhân dân. Nhiều nhà văn đã trải qua những giờ phút đối mặt với sinh tử, họ đến với hoà bình từ khói lửa của chiến tranh. Từ trong chiến tranh, họ luôn mang khát vọng hoà bình. Đó là những nghệ sĩ – chiến sĩ vượt lên mọi thử thách, hy sinh để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Rồi chiến tranh đi qua, mang trong mình những chấn thương dai dẳng, họ vẫn tiếp tục cầm bút. Không chỉ các nhà văn trong nước mà nhiều nhà văn người Việt ở nước ngoài cũng thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc bằng những trang viết nặng tình quê hương, xứ sở.
Khác với văn học 1945 – 1975, văn học Việt Nam sau 1975 tồn tại và phát triển trong một bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội mới. Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu, toàn cầu hoá và kinh tế thị trường, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, internet và truyền thông hiện đại đã tạo nên khuôn diện mới của thời đương đại. Đây là những yếu tố tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, văn hoá và văn học Việt Nam.
Trong lĩnh vực sáng tác, sự đổi mới văn học bắt đầu từ sự tìm kiếm một ý thức mỹ học mới. Mỹ học thời chiến đã được thay thế bởi mỹ học thời bình, cái nhìn sử thi đã dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự – đời tư. Từ giã “một thời lãng mạn”, nhà văn Nguyễn Khải nói lên tâm thế sáng tạo của nhiều nhà văn đương đại: “Tôi thích cái hôm nay, cái ngổn ngang bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ, mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ”. Cái “hôm nay” chính là thứ thực tại đang chuyển động, chưa bao giờ hoàn kết. Những quy phạm nghệ thuật cũ, những nhận thức cũ cần phải được thay thế bằng cái nhìn mới để thích ứng với sự chuyển động của thực tiễn. Kinh tế thị trường, đô thị hoá và nhịp sống đương đại đã cuốn con người vào vòng xoáy khốc liệt của nó, làm đảo lộn nhiều giá trị khiến không ít người đánh mất bản lĩnh, chạy theo lối sống thực dụng, sùng bái vật chất, vô cảm trước nỗi đau đồng loại. Con người dường như trở nên cô đơn hơn và luôn thấy mình bất an trước vô vàn mối quan hệ phức tạp, khó lường của thời hậu chiến. Những biến động này đã được nhiều cây bút nhạy bén nhất của văn học Việt Nam như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng… miêu tả một cách sắc nét vào những năm đầu thập kỷ 80. Bắt đầu từ 1986, với tinh thần “nhìn thẳng sự thật”, “nói thẳng sự thật”, nhiều cây bút đã thực hiện hàng loạt truy vấn, đối thoại trong trang viết của mình. Cao trào Đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 80 và tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng. Về văn xuôi là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… Về thơ là Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái, Inrasara…Về kịch là Lưu Quang Vũ, Xuân Trình… Trong môi trường dân chủ xã hội được mở rộng, tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, văn học sau 1975 đã cố gắng miêu tả đời sống trong tính đa chiều với nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo. Nhờ đó, văn học Việt Nam đương đại đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật. Người đọc bắt gặp trong văn học đương đại sự hiện diện của nhiều loại hình diễn ngôn nghệ thuật như diễn ngôn chấn thương, diễn ngôn sinh thái, diễn ngôn đô thị, diễn ngôn lịch sử… Bên cạnh văn học dòng chính/ trung tâm là sự sôi động của văn học dòng phụ/ ngoại vi. Hình thức xuất bản và truyền bá văn học cũng hết sức đa dạng với loại hình xuất bản truyền thống/ chính ngạch và xuất bản phi truyền thống (internet)/ tiểu ngạch… Việc đẩy mạnh giao lưu văn hoá quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ truyền thông hiện đại đã mở rộng cánh cửa cho nhiều trào lưu tư tưởng, văn hoá, nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại của thế giới thâm nhập vào hệ sinh thái nghệ thuật Việt Nam, góp phần kích hoạt sự phiêu lưu sáng tạo của nghệ sĩ, đặc biệt là những cây bút ưa tìm tòi, thể nghiệm. Đáng chú ý là một số cây bút xuất sắc đã nhận được nhiều giải thưởng văn học quốc tế có uy tín. Thực tế ấy đặt ra một phân vân: phải chăng văn học Việt Nam đã xuất hiện những đỉnh cao nghệ thuật (dù hiếm hoi) nhưng chúng ta chưa nhận thấy hết giá trị đích thực và tầm vóc mĩ học toát lên từ những tác phẩm này?
Trong lĩnh vực lý luận, phê bình, ý thức đổi mới tư duy nghiên cứu và nỗ lực hiện đại hoá lý luận, phê bình đã giúp cho đời sống lý luận, phê bình có nhiều khởi sắc. Sự thay đổi nhãn quan khoa học, việc mở rộng tiêu chí đánh giá giá trị trên nền tảng nhân văn hiện đại đã giúp cho lý luận, phê bình dần thoát khỏi lối phê bình áp đặt, máy móc, giáo điều. Về tổng thể, lý luận, phê bình văn học Việt Nam đương đại lấy mỹ học marxist, đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đồng thời chú trọng việc mở rộng biên độ nghiên cứu và phương thức tiếp cận trên cơ sở kế thừa tinh hoa văn hoá dân tộc và những thành tựu khoa học xã hội và nhân văn hiện đại của thế giới. Từ sau 1975, nhiều tư tưởng mỹ học và lý thuyết văn học hiện đại của phương Tây đã được dịch, giới thiệu, vận dụng một cách hiệu quả như thi pháp học, tự sự học, cấu trúc luận, ký hiệu học, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lý thuyết diễn ngôn… Đây là những cú hích quan trọng để lý luận, phê bình văn học sau 1975, đặc biệt từ Đổi mới đến nay có sự đổi mới thực sự, từng bước hội nhập với trình độ nghiên cứu văn học của khu vực và quốc tế.
2. Hạn chế, bất cập
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã nói ở trên, đời sống văn học Việt Nam sau 1975 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì sao đã 50 năm trôi qua tính từ 1975, văn học Việt Nam vẫn quá hiếm những đỉnh cao nghệ thuật? Đây là nỗi băn khoăn, trăn trở của rất nhiều bạn đọc. Ở đây, xin được nói đến một số hạn chế, bất cập cơ bản trong văn học đương đại như sau:
Thứ nhất, thiếu tương xứng giữa lượng và chất: Số lượng xuất bản phẩm văn học, cả sáng tác và lý luận, phê bình từ sau 1975 là vô cùng phong phú về chủng loại nhưng còn khiêm tốn về chất lượng. Đây là một thực tế cần được tìm hiểu, phân tích thấu đáo. Điều đáng nói là việc chúng ta chưa tạo được nhiều sản phẩm nghệ thuật ưu tú, những “bách khoa thư” đồ sộ đủ sức tái hiện một cách sinh động số phận và khát vọng của dân tộc trong tính sâu sắc, rộng lớn và kỳ vĩ. Vẫn còn không ít nhà văn quá say mê với cái tôi riêng tư nhỏ hẹp hoặc chạy theo những thời thượng nghệ thuật mà chưa dấn thân một cách quyết liệt để chạm tới lõi sâu của lịch sử, văn hoá và khát vọng của dân tộc để tạo nên những tác phẩm cao về tư tưởng, sâu về nghệ thuật. Còn quá ít nhà văn đủ sức mở ra những chiều kích mỹ học mới mẻ, hiện đại. Việc phản biện, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội, tệ tham nhũng, sự tha hoá và thói vô cảm của con người nhằm cảnh báo sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là hết sức cần thiết, nhưng cũng không được xem nhẹ sứ mệnh của văn học là khơi thức tinh thần hướng thiện, lối sống cao đẹp, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng trên tầm nhìn nhân văn hiện đại. Đây là những yêu cầu rất cao mà bạn đọc cần đến sự mẫn cảm và tài năng sáng tạo của nhà văn.
Thứ hai, mặt trái của kinh tế thị trường và sự phân hoá, biến đổi trong thị hiếu tiếp nhận có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học. Mặt tích cực của kinh tế thị trường là giải phóng sức sáng tạo, hình thành thị trường văn học và tạo ra không gian mới cho phép sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Mặt trái của nó là “dung dưỡng” cho khuynh hướng thương mại hoá và tạo môi trường cho văn học giải trí có điều kiện bùng nổ như nấm sau mưa. Phê bình cánh hẩu, thù tạc hay PR tác phẩm một cách dễ dãi cũng chính là biểu hiện của tình trạng thương mại hoá trong lĩnh vực phê bình. Trong trường hợp này, nhà phê bình tự đánh mất vai trò “ngự sử” của mình và góp phần tạo nên sự loạn chuẩn, lệch chuẩn trong đánh giá và thưởng thức nghệ thuật. Rộng hơn, kinh tế thị trường và sự phát triển vũ bão của văn hoá đại chúng cũng là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của văn hoá và văn học tinh hoa. Đây là một thực tế đòi hỏi chúng ta phải có những điều chỉnh khoa học để đưa ra chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật đương đại hợp lý, khả thi.
Thứ ba, việc tiếp thu ảnh hưởng văn học, nghệ thuật hiện đại của thế giới là vô cùng cần thiết để văn học Việt Nam nhanh chóng hội nhập với văn học nhân loại. Tuy nhiên cần tránh cực đoan trong tiếp nhận, tránh rơi vào tình trạng sính ngoại mù quáng. Cũng không vì ý thức phản tư hoặc nhân danh ảnh hưởng nghệ thuật hậu hiện đại để xuyên tạc và giải thiêng lịch sử một cách tuỳ hứng vì về bản chất, những giá trị đích thực sẽ không thể giải thiêng bằng những lý do ngoài nghệ thuật. Giải thiêng cần được hiểu như là một phương diện của chủ nghĩa nhân văn hiện đại để “người gần người hơn”. Một số cây bút, bất chấp sự khác biệt văn hoá đã miêu tả đời sống một cách quá mức tục tĩu, hoặc do nhìn nhận đời sống một cách méo mó đã viết nên những trang viết sống sượng khiến độc giả phản ứng gay gắt. Thiết nghĩ, đây cũng là bài học kinh nghiệm trong giao lưu văn hoá. Bản lĩnh của nhà văn trong tiếp nhận tinh hoa văn hoá dân tộc nhân loại là chủ động tích hợp để chuyển hoá thành năng lượng sáng tạo, từ đó kiến tạo diễn ngôn nghệ thuật độc đáo đủ sức chinh phục người đọc.
3. Một số giải pháp phát triển văn học
Về quan điểm và phương châm phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, dân chủ, nhân văn, giàu bản sắc dân tộc chúng tôi cho rằng Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã xác định rất cụ thể và sát đúng với thực tiễn văn học, nghệ thuật đương đại. Ở đây, xin được nêu lên ba nhóm giải pháp cơ bản để chúng ta cùng thảo luận như sau:
Thứ nhất, nhân tố quan trọng nhất quyết định tầm vóc của một nền văn học là tài năng, tâm huyết của người cầm bút. Vì sao đã 50 năm trôi qua, chúng ta vẫn ít có những kết tinh nghệ thuật xứng tầm kiệt tác? Văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới? Đó là những câu hỏi và cũng là kỳ vọng đặt ra cho tất cả chúng ta, trước hết là cho nhà văn. Chúng ta phải làm gì để tạo điều kiện tối đa nhằm giải phóng triệt để cá tính sáng tạo và tiềm năng sáng tạo của nhà văn? Rõ ràng, một không gian tinh thần rộng mở, một cái nhìn khoáng đạt trong nhìn nhận, đánh giá sẽ giúp cho nhà văn “tự cởi trói” để tự do phiêu lưu trong trong sáng tạo nghệ thuật. Muốn mới, lạ nhà văn phải vượt lên cái cũ để nhìn nhận đời sống từ mỹ học của cái khác. Hơn nữa, trong đời sống nghệ thuật đương đại, cần nhìn thấy rõ hơn sự tương tác giữa viết và đọc, giữa sáng tạo và tiếp nhận vì tiếp nhận cũng cần đến sự đổi mới về trình độ thưởng lãm nghệ thuật để nhận thấy và mở lòng trước những cách tân. Đúng hơn, nhà văn lớn cần đến người đọc lớn, và người đọc lớn đòi hỏi phải có nhà văn lớn tương ứng. Đó là chiều sâu của tư duy đối thoại và sự vận hành của đời sống văn học, nghệ thuật đương đại. Gần đây, với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, không ít người lo lắng AI có thể thay thế công việc của nhà văn. Xin thưa, AI không bao giờ thay thế được nhà văn bởi văn chương là câu chuyện của tâm hồn, cá tính và phong cách. Cho dù rất thông minh, nhưng AI không thể có những thổn thức, những nỗi đau, niềm hạnh phúc và sự “mê sảng tinh thần” như A. Pushkin từng nói về quá trình sáng tạo và sự tận hiến trong nghệ thuật của nhà văn.
Thứ hai, tăng cường mở rộng giao lưu văn hoá quốc tế để mạnh đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy giao lưu văn hoá là con đường hiệu quả để hiện đại hoá văn học. Tuy nhiên tiếp nhận văn hoá nhân loại khác với mô phỏng, bắt chước một cách thụ động. Cần phải hình thành bộ lọc văn hoá chủ động, tiếp nhận một cách hợp lý, gắn tiếp nhận với tiếp biến, từ đó mở ra những sinh lộ sáng tạo mới. Trong giao lưu văn hoá, cần chú ý thích đáng đến sự kết hợp giữa nhân tố nội sinh và nhân tố ngoại sinh, giữa truyền thống và hiện đại để tránh rơi vào tình trạng cực đoan, thậm chí hư vô trong sáng tạo nghệ thuật. Đây là bài toán nan giải, cần đến bản lĩnh và cách ứng xử thông minh của nhà văn trong thực hành nghệ thuật.
Thứ ba, đẩy mạnh sự phát triển của lý luận, phê bình văn học vì lý luận, phê bình chính là sự tự ý thức của văn học về chính nó. Một mặt, lý luận, phê bình văn học phải nhanh chóng cập nhật trình độ nghiên cứu hiện đại của thế giới, phải tích cực đổi mới phương pháp nghiên cứu, vừa chú trọng phát triển nghiên cứu chuyên ngành, vừa mở rộng nghiên cứu liên ngành. Mặt khác, cần đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung, phát triển di sản lý luận, phê bình marxist và mỹ học truyền thống nhằm tạo nên sự tích hợp các nguồn năng lượng tri thức văn hoá. Để có được sự phát triển đúng đắn, lành mạnh, văn học đương đại cần đến một đội ngũ quản lý văn học, nghệ thuật tinh thông nghề nghiệp, xứng đáng là “bà đỡ” cho những giá trị nghệ thuật mới ra đời. Cần coi đây là một phương diện quan trọng liên quan đến tính hiệu quả của thiết chế văn hoá, nghệ thuật nhằm tạo dựng hành lang tư tưởng khoáng đạt, đủ sức kích hoạt tối đa năng lượng sáng tạo của nhà văn, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học mới của tương lai.