Thông tin từ gia đình và Hội Nhà văn TP.HCM cho biết: Nhà văn – nhà phê bình uyên bác Mai Quốc Liên đã trút hơi thở cuối cùng lúc 1 giờ 5 phút sáng ngày 10.3.2024.
Do tuổi cao sức yếu, bị bệnh tai biến mạch máu não và viêm phổi cấp, nên dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhà văn – nhà phê bình Mai Quốc Liên đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), hưởng thọ 85 tuổi.
Linh cữu nhà văn Mai Quốc Liên quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia phía nam, số 5 đường Phạm Ngũ Lão, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ lúc 10 giờ, ngày 11.3. Lễ động quan diễn ra vào lúc 14 giờ 30 phút, ngày 12.3, sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Nhà văn, nhà Hán học, GS-TS Mai Quốc Liên sinh ngày 8.6.1940, tại xã Điện Phước, H.Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Mai Quốc Liên tốt nghiệp Đại học Văn (Đại học Tổng hợp, Hà Nội), Đại học Hán học, Cao học Hán học (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam), Tiến sĩ Văn học.
Quá trình công tác, ông từng giữ các chức vụ: Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam); chuyên nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam và Trung Hoa, đồng thời viết tiểu luận – phê bình văn học. Ông là Ủy viên Hội đồng lý luận – phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, Ủy viên hội đồng chức danh Giáo sư ngành Văn học, từng là Ủy viên Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh của Bộ Khoa học Công nghệ (ngành Văn – Ngữ – Sử) của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tham gia các chuyến học tập, nghiên cứu và dự hội thảo ở nhiều nước: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Ý…
Nhà văn Lê Quang Trang từng dành những trang viết xúc động về nhà văn, GS-TS Mai Quốc Liên: “Trong con mắt nhiều người, nhà văn Mai Quốc Liên được xem là một trong số ít ngòi bút uyên bác của Hội Nhà văn, cả Hội TP.HCM và Hội T.Ư. Chịu đọc, trí nhớ tốt, kết hợp được cổ kim đông tây, lại theo sát thời cuộc, nên sự liên tưởng liên kết các vấn đề trong tư duy của anh được nhiều người vị nể, khâm phục. Tôi kinh nghiệm ra điều này sau gần 50 năm công tác và cộng tác với nhau từ ngày đầu miền Nam giải phóng, thời cùng làm báo Văn nghệ Giải phóng đến bây giờ”.
Cũng theo nhà văn Lê Quang Trang: “Tôi thấy anh cũng là ‘người kim chất kim’, vì những hoạt động cho văn học nghệ thuật đương thời. Tập thơ Vị mặn biển đời, mà anh tự nhận là người làm thơ “nghiệp dư”, nhưng nếu ai đã từng đọc, sẽ thấy ở đây một tâm hồn nhạy cảm, nhiều bài cấu tứ chắc, giàu ý vị, từ ngữ chắt lọc, ý thơ sâu và bổ ích. Song hoạt động quan trọng của anh trong văn nghệ vẫn là lý luận phê bình, với phương pháp làm việc khoa học, một cảm quan sắc sảo, vốn hiểu biết sâu rộng và trí nhớ tuyệt vời. Với trách nhiệm Giám đốc Trung tâm Quốc học và Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt cùng nhiều việc khác, công việc ngập đầu như anh thường than, nhưng anh vẫn theo sát và nắm bắt thường xuyên những nét cơ bản, nổi bật của tình hình văn nghệ, có ý kiến và bài viết kịp thời về các hiện tượng văn nghệ mới, biểu dương những tác phẩm tốt, phê phán những khuynh hướng lệch lạc, tiêu cực tác động vào sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình”.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã xuất bản hơn 10 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm tiểu luận, nghiên cứu, phê bình có giá trị: Nhà thơ, cơn bão và những cánh hoa (1979); Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ (1986); Trước đèn (1992); Phê bình và tranh luận văn học (1998); Tạp luận (1999). Chuyên luận: Ngô Thì Nhậm trong nền văn học Tây Sơn (1985).
Chủ biên, biên khảo, dịch thuật: Ngô Thì Nhậm tác phẩm (1980); Khảo luận “Văn chiêu hồn” (1991); Nguyễn Du toàn tập(1996); Nguyễn Trãi toàn tập (2002); Cao Bá Quát toàn tập (2003).
Thơ: Vị mặn của biển cả (2003).
Nhà văn Mai Quốc Liên từng vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ.
Nhà thơ Phùng Hiệu – Lê Công Sơn
Nguồn: Báo Thanh Niên