Không biết từ bao giờ, trong nghị trường Quốc hội xuất hiện hai câu “ca dao” đầy tâm trạng:
“5 năm là một nhiệm kỳ – 9 lần chất vấn còn gì là xuân”.
Với những thông tin trên, cũng không khó để tìm ra lai lịch của nó. Về thời gian, có lẽ nó mới xuất hiện một vài chục năm nay. Lâu nhất là từ khi chất vấn và trả lời chất vấn trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi kỳ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội được truyền hình trực tiếp. Về tác giả, có thể nó thuộc về 2 đối tượng, của một thành viên bên trả lời chất vấn hoặc là sản phẩm của đám nhà báo theo dõi nghị trường “cám cảnh” mà “sinh tình?
Nhớ lại cách đây khoảng mấy chục năm trước, mỗi kỳ chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, cử tri cả nước hồi hộp theo dõi và xôn xao bàn luận.
Đường phố vắng hẳn đi, trên các quán trà đá vỉa hè, người dân xôn xao bàn luận ông này nói hay, bà kia hỏi nhạt… với tâm trạng đầy háo hức. 4 “danh tướng” mỗi lần “xuất khẩu” đều gây “bão” dư luận đến mức đi vào “thành ngữ”: “Nhất Thước (Trung tướng Nguyễn Quốc Thước) – nhì Trân (GS Nguyễn Ngọc Trân) – tam Lân, (GS Nguyễn Lân Dũng) – tứ Quốc (Nhà nghiên cứu Lịch sử Dương Trung Quốc)” cùng các “danh tướng” không kém “lẫy lừng” như GS Nguyễn Minh Thuyết, ĐB Đỗ Trọng Ngoạn và nhiều vị khác.
Gần đây, còn xuất hiện các “nữ tướng” như ĐB Ksor H’Bơ Khăp (hiện là Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai), ĐB Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban
Tư pháp) hay nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân…
Nhìn chung, họ là các đại biểu giàu tài năng, trí tuệ, đặc biệt là những ý kiến thẳng thắn, mang tinh thần xây dựng, trách nhiệm với dân, với nước nên được cử tri yêu mến, kính trọng.
Về nội dung, công bằng nhìn lại từ “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn chưa cao. Không ít những câu hỏi dàn trải cùng những kêu ca, phàn nàn, đòi hỏi và thậm chí, có đại biểu còn lợi dụng diễn đàn này để khen, để tâng bốc bên trả lời chất vấn. Về trả lời chất vấn, do còn nhiều bỡ ngỡ nên không ít những kể lể, “thanh minh, thanh nga” và cả những lời hứa xong… để đấy.
Để nâng cao chất lượng, Quốc hội đã không ngừng đổi mới. Đặc biệt là ở nhiệm kỳ này, công tác giám sát – một trong ba chức năng chính của Quốc hội (lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước) được quan tâm mạnh mẽ khiến các phiên chất vấn, trả lời chất vấn càng quyết liệt và thực chất.
Một điều đáng mừng là nếu trước kia, không ít nội dung chất vấn thiên về đòi hỏi và “qui kết” thì gần đây là mổ xẻ, bàn bạc để tìm ra phương thức thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Sự đổi mới này khiến các phiên chất vấn vừa căng thẳng, vừa quyết liệt nhưng mang tinh thần xây dựng, cùng sẻ chia trách nhiệm và cùng hành động. Sự gắn kết giữa bên chất vấn và trả lời chất vấn đã mang lại những hiệu quả rõ nét và theo tôi, đây mới là mấu chốt, là trọng tâm cần hướng tới.
Biết rằng, để mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn hiệu quả, cả người chất vấn và trả lời chất vấn đều mất rất nhiều thời gian, tâm sức và không ít căng thẳng. Song, có một cuộc “sát hạch” còn áp lực hơn, đó là phiên lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.
Công bằng, với phương thức có 3 mức – Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp kiểu “hai đánh một…” – tín nhiệm cao + tín nhiệm tức là vẫn tín nhiệm, chỉ có tín nhiệm thấp mới xem xét xử lý thì việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính răn đe, nhắc nhở là chủ yếu. Thực tế cho thấy, đến thời điểm này
(tháng 7.2023) chưa có vị nào tỉ lệ tín nhiệm thấp vượt quá 50% cả, song không vì thế mà không áp lực.
Nói gì thì nói, nếu kết quả không ở TOP dẫn đầu thì cũng đừng rơi vào “đội hình” chót bảng bởi ở vị trí này, nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, uy tín bộ ngành mà còn… ngại chết đi được với đại biểu, với cử tri và với dư luận.
Tuy nhiên, có một điều băn khoăn không nhỏ, đó là cùng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công cuộc chỉnh đốn Đảng đang diễn ra quyết liệt, tại sao những hành vi tiêu cực, tha hóa biến chất của cán bộ, đảng viên vẫn còn không ít ở mọi cấp, mọi nơi?
Khi tôi viết bài này, xã hội đang diễn ra 2 vụ việc rất đáng xấu hổ. Vụ thứ nhất giá trị không cao, 3 con dê bị bắn trộm chắc chỉ trên chục triệu đồng nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân.
Vụ thứ hai, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu. Trong số 54 bị cáo, không ít là cán bộ có chức, có quyền, thậm chí nhiều người quyền cao, chức trọng với các tội danh rất nghiêm trọng, mức án cao nhất có thể là tử hình bởi hành vi táng tận giữa lúc thiên tai, dịch bệnh còn đè đầu, bóp cổ người dân.
Trở lại với băn khoăn nói trên, trong khi chúng ta có khá đầy đủ các công cụ, từ hành lang pháp lý, công tác giám sát, sát hạch và cả tuyên truyền, vận động… song, tại sao các vụ tiêu cực, tham nhũng, tha hóa biến chất vẫn còn không ít và ngày càng tinh vi, ác độc mà vụ Việt Á tới đây với những quan chức còn cao hơn nữa bị đem ra xét xử thì thật là không hiểu nổi!
Có lẽ, đã đến lúc cần phải xem lại toàn bộ phương thức, qui trình tìm ra “lỗ thủng” của tấm lưới để công cuộc phòng chống tham nhũng hiệu quả như mong đợi.
BÙI HOÀNG TÁM