Truyện ngắn – Y Nguyên
Nhóm tìm mộ có 6 người: một hướng đạo, hai thợ đào thuê, một thân nhân, một đại diện chính quyền địa phương, và một đại diện Bộ Chỉ Huy Quân Sự. Họ đang đi tìm mộ Liệt sĩ – binh nhất Nguyễn văn A, quê Tiên Lãng, Hải Phòng, hy sinh ngày 16/04/1967 tại chiến trường Nam Phú Yên.
Đúng hơn, nhóm có 7, tức thêm ông chủ đất, người sở hữu khoảng vườn nửa hoang nơi nhóm dừng chân. Nhưng ông chủ đất ý tứ đi cách một quãng xa, đóng vai quan sát viên. Vườn như nghĩa trang, lô nhô ken dày mồ mả!
Dò dẫm hơn nửa ngày mà vẫn chưa định vị chính xác. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Cuốc xẻng cắm lưỡi, chổng cán sốt ruột. Bọc, gói dồn đống sốt ruột. Bọc lớn bọc nhỏ; bên trong chắc đựng vải vóc, hương đèn, rượu mạnh cùng vài thứ linh tinh cần cho một cuộc bốc mộ. Có cả một vật hình khối, chằn chặn vuông, được trùm kín trong tấm vải đen, cột chéo góc. Chắc là quách. Một cái.
Điện thoại réo liên tục. Hết pin này thay pin khác. Tắt máy này mở máy khác. Nơi khỉ ho cò gáy, không có điện sạc pin, nhưng sóng Viettel thì vô tư. Sóng vươn dài vươn cao vươn xa, nơi nào có dấu chân người (lính), nơi đó có sóng! Viettel đang cần mẫn thông tin bằng giọng lề rề, mộng du của một nhà ngoại cảm. Chỗ anh đang đứng hả? Không, không phải, nhích sang trái 3 bước, thế…, giờ anh lùi lại, xoay sang hướng Bắc, hướng thẳng về căn biệt thự mới xây. Đúng, biệt thự…
Kim la bàn rung rung, chữ N trên mặt số xoay trùng mũi tên xanh hướng thẳng về một ngôi nhà mồ xây cao ngói đỏ mái cong, tường ốp đá granite cũng đỏ au, cột kèo thếp vàng sơn son, nền gạch men bóng láng.
Thấy chưa? Dạ thấy. Đến đó đi. Vâng… Người hướng đạo tỏ vẻ khá thạo việc, xăm xăm tiến tới ngôi nhà mồ. Tấm bia cẩm thạch vĩ đại choán mặt tiền, trên khắc chìm song ngữ Việt – Anh. Nội dung Việt ngữ ghi:
PHẦN MỘ
Cụ ông: Nguyễn Văn Đức
Sinh ngày: 1 – 1 – 1802
Tử ngày: 1 – 1 – 1902
Hưởng thọ tròn 100 tuổi
Các con, cháu, chắt đồng phụng lập
Nội dung Anh ngữ có hơi khác:
TOMB
Name: Nguyen Van Duc
Date of birth: Unknown
Date of death: 1 – 1 – 1902
Longevity: Unknown
The great-grandchildren, Tony Nguyen, served up(1)
Nhìn ngôi nhà mồ đáng giá bạc tỉ, sừng sững hoành tráng, ông thân nhân giật mình, tái mặt. Lạy trời, thầy đừng dại miệng bảo nó đang nằm tại đây, dưới những cột kèo bia đá sáng choang này, chết con…
-Dạ thưa, đến biệt thự rồi. Có phải…
-Bình tĩnh, chờ Thầy chút. Ấy chớ, không, không phải đó…. Rồi, OK. Giờ anh điều chỉnh la bàn, hướng mắt về phía Đông, bỏ qua ba căn nhà tạm. Rồi. Giờ anh nhìn tiếp xem có thấy ngôi nhà cấp 4 nào không. Nhà cấp 4 đầu hồi màu đỏ, bốn phía trồng sen. Thấy chưa? Thấy rồi thì báo…
Nhóm đổ dồn mắt theo hướng chỉ của la bàn. Chẳng thấy bóng nhà cửa đâu sất; chỉ mồ là mồ. Nhưng người hướng đạo vẫn chăm chú quan sát. Xong, trả lời chắc nịch:
-Thấy rồi; nhà tạm, 1, 2, 3…. À, nhà cấp 4 kia, đầu hồi màu đỏ, bốn phía trồng sen. Có, thưa Thầy…
-Tốt, đến đó đi. Rồi Thầy dạy tiếp…
Ông thân nhân vuốt ngực, thở xì thoát nạn.
Lếch thếch theo sau người hướng đạo, họ đi qua ba ngôi mộ đất cỏ nỉa um tùm, tiến đến một ngôi mộ xây đá hộc cũ kĩ. Đầu trụ bốn góc mộ gắn bốn búp sen vỏ gốm, cốt xi măng bị đập vỡ nham nhở. Đầu mộ, một lùm trinh nữ tua tủa gai đang đơm hoa đỏ rực.
Lần này thì đến phiên ông chủ đất tái mặt. Đó là mộ cha ông! Từ bỏ vị trí lẫn thái độ quan sát viên, ông sấn đến, vẻ nghiêm trọng, khẩn trương như muốn sẵn sàng ứng phó cùng bất trắc!
Viettel – ngoại cảm vẫn tiếp tục đều đều tỉnh bơ cái giọng mộng du, không để ý gì đến hiện tượng xúc tình bộc phát khá cực đoan kia. Đến chưa? Rồi hả? Tốt! Giờ từ góc nhà phía Bắc cứ tiến thẳng sang Tây, vượt qua con sông lớn tìm đến cái hồ. Hả? Không; chắc chắn có sông mà. Phải có sông! Đúng, phải qua sông. Thầy đã nghe vong nói rõ: phải qua sông! Yên tâm, đường nào rồi cũng đến Roma. Qua sông, tất sẽ gặp hồ…
Người hướng đạo lần này có vẻ lưỡng lự, băn khoăn; hết dòm xuống la bàn lại ngước lên, phóng mắt nhìn mông theo hướng Tây. Đúng hướng Tây; trùng phương với mũi tên trắng cắt ngang chữ W trên la bàn; không sai. Nhưng… đập vào mắt, cách chừng mười mét là tuyệt lộ: một hàng rào xanh um các giống dứa dại cùng duối mọc chen gai móc mèo, vú dẻ, chim chim và vài giống cây không tên. Bất lực. Người hướng đạo giơ tay ngoắc ông đại diện chính quyền. Rồi cả ông chủ đất. Ông chủ đất vừa hạ hỏa, đang có nỗ lực khôi phục và chứng minh thiện chí khi nhận ra rằng nguy biến đã qua:
-Hướng này có sông suối gì không?
-Không đâu anh. Sông cách đây hàng chục cây số, lội bộ mất nửa ngày đường…
Lạ quá; sao Thầy bảo…. Người hướng đạo lúng túng vò đầu bứt tóc. Trên cao, mặt trời lấp lóa, nắng chang như lửa đốt. Ruột gan mọi người cũng lửa đốt. Nhưng không ai dám lên tiếng, sợ người hướng đạo mất tập trung. Bên tai, viettel – ngoại cảm vẫn mộng du đều đặn. Hướng Tây, đúng hướng Tây, không sai…. Những bước chân lòng vòng đầy hoang mang đưa họ nhích dần đến chỗ tuyệt lộ, tức cái lũy duối chắn ngang. Lom khom ghé mắt thử dòm cầu may qua một lỗ thủng vừa đủ chó chui, mắt người hướng đạo chợt sáng lên, tay vỗ bộp trán, miệng thốt kêu à!
Bên kia, dưới chân rào, là một con mương nhỏ.
2.
Mương ấy, nói mấy chú nghe, xưa là con mương lỡ. Không to như mương cái; nhưng cũng không phải chỉ ở mức cái lạch như giờ! Mương được đào cắt ngang qua làng, mang nước dẫn thủy cấp cho cánh đồng trong, kẹt giữa chân núi và bìa xóm. Phải, thời Pháp. Không, hổng phải Mỹ đâu. Thời Mỹ bom đạn ùng oàng sống nay chết mai, bỏ ruộng bỏ làng lo chạy giặc tứ phương ai đứng đó đào mương? Ừ, là mương lỡ; nhưng do dong đất thổ cư trong làng cao nên mương phải đào sâu mới dẫn nổi nước. Chỗ thường đến ngực; nhiều chỗ còn sâu lút đầu! Con mương ấy, thời bình được chuyện mà thời chiến cũng được chuyện. Hết dẫn nước giờ nó… dẫn người! Thiệt mà, tui hổng nói điêu. Yên tui kể nghe. Do hai bên bờ mương um tùm cây cối, tre pheo trồng chống lở bờ nên mương thành địa đạo chuyển quân qua làng cho mấy ông Cách Mạng. Vừa đỡ lo bom pháo, vừa khỏi phải ngụy trang cây lá lôi thôi. Mỗi lần lính Quốc Gia dưới lộ càn lên, mương lại biến thành giao thông hào cho mấy ổng dàn hàng sắp ngang, kê súng bờ mương mà nã xuống! Mấy chú tính coi: dưới bắn lên dù quân đông súng mạnh, nhưng toàn bắn sảng, bắn cầu âu; trước mắt cây cối xanh um, có ông Cộng Sản nào điên chi ló đầu ra cho Quốc Gia nhắm bắn? Còn trên bắn xuống ư; toàn bắn có đích, mười phát trúng bảy! Thì… đồng đất trống trơn, hỏi mấy chú trốn chỗ nào? Nói thiệt, nghề đời, hai thằng uýnh nhau mà một trong tối một ngoài sáng thì thằng ngoài sáng chết chắc! Huống chi con mương lại vắt ngang, chạy suốt qua làng thành cái phòng tuyến tự nhiên nối nhau thông suốt, vừa tiện phòng thủ, vừa tiện tiếp ứng nhau. Thấy ngay là có đốt đuốc lính Quốc Gia cũng không tìm đâu ra một chỗ có cơ may chọt lủng! Mà có ráng chọt cho lủng thì má cũng đã sưng là cái chắc! Pháo kích hử? Có. Ca nông nện. Cả trực thăng nghiêng ngó, nã đại liên. Nhưng không sao; cứ hụp đầu, trốn kĩ đáy mương, chờ qua đợt pháo lại ngóc lên. Ừ, chết nhiều. Ấy là nói lính Quốc Gia. Trận nào cũng tải thương, tải xác hàng đống. Cách Mạng hử, có chết; nhưng lẻ tẻ thôi. Mấy ổng khôn, cho đào hầm bí mật cùng làng. Làng nhiều tre; cứ men theo các bờ, bụi tre mà đào hầm. Rễ tre giữ đất. Hầm vừa chắc chắn, vừa khó phát hiện. Trận nào thấy Quốc Gia làm dữ, nhắm hổng êm thì rút, lặn biến xuống hầm là xong. Bị pháo kích cũng một bài đó xài chung. Lặn hầm, miểng đạn pháo kích bay sàn sạt gãi ngứa trên đầu kệ cha, cứ ăn ngon ngủ yên. Trừ phi xui tận mạng, đạn ca nông rớt trúng ngay miệng hầm thì… thôi, trời kêu ai nấy dạ!
3.
Chùa cất từ thời các chúa Nguyễn, lưng tựa núi, mặt hướng đồng. Tiếng vùng biên địa nhưng chùa lớn bởi được trùng tu nhiều đời, được nhận sắc tứ, rất có tiếng!
Nghe bảo: Tổ là một Thiền sư đắc đạo du phương. Đi qua chốn này, nhìn thế núi thế làng, Tổ sáng mắt; nhưng lại vụt cau mày, phẩy tay toan dời gót. Có điều, con ngựa Tổ cưỡi lại dở chứng. Dù bị thúc hông, vụt roi cách mấy ngựa vẫn cứ hí vang, dựng hai vó trước xoay tròn, nhất định không chịu bước! Nghiệt súc, mày hại ta, ý quên, hại mày rồi. Theo ta từng ấy năm mà vẫn không ngộ nổi một chữ không. Cố chấp địa linh. Đừng trách…. Tổ lẩm bẩm thở dài. Và buông cương. Và xuống ngựa.
Chùa N mọc lên từ đó.
Ban đầu, trơ một tảng thạch bàn cùng cái hang nơi Tổ ăn nghỉ tọa thiền. Rồi thành cốc, thành am. Sau rốt mới thành chùa. Không kể Tổ, các đệ tử đời đầu của Tổ đều đạo lực cao cường, đạo hạnh viên mãn. Giúp dân nhiều. Cúng dường nhiều. Chùa nhỏ trùng tu thành chùa lỡ. Chùa lỡ trùng tu thành chùa lớn. Tổ và các đời trụ trì kế vị viên tịch đều được an táng sau chùa, trên xây bảo tháp.
Thầy M là đệ tử đời thứ 4, tức vị trụ trì đời thứ 5. Nghe kể: thầy tướng mạo phi phàm, mắt sáng, mình trường, đi sải bước băng băng, mặt dài như mặt ngựa!
Năm thầy M chính thức lãnh trách nhiệm trụ trì cũng là năm chiến sự miền Nam bắt đầu nóng. Làng, chùa tựa chân núi, lọt vào vùng xôi đậu, ngày Quốc Gia đêm Giải Phóng, rất mất an ninh. Các sư trẻ không chịu nổi áp lực, lần lượt bỏ chùa. Còn lại mỗi thầy M và một ông bõ. Ông bõ không họ hàng thân thích, sống trong chùa từ nhỏ, lại già quá!
Năm sáu lăm, quân đội Mỹ và Nam Hàn qua, chiến tranh leo thang ác liệt. Làng liên tục bị pháo kích. Tuần nào trong làng cũng nhà sập, người chết. Người làng tản cư gần hết. Nhiều người khuyên thầy M đóng cửa chùa tạm lánh. Còn thầy còn chùa, họ bảo. Thầy lặng nhìn Tổ đình nguy nga, nhìn gian chánh điện bề thế, nhìn những bảo tháp lô nhô sừng sững hậu viên, xong lắc đầu: sinh tử lẽ thường, thầy đã duyên nợ với đất này. Kiếp nạn là kiếp nạn chung. Phật pháp vì chúng sinh, người sống cần Phật, người chết càng cần Phật…
Chùa nằm vị trí chiến lược xung yếu. Ngày Quốc Gia, đêm Giải Phóng, cán bộ hai bên đều lân la dân vận, đề nghị thầy cộng tác làm tai mắt. Thầy trả lời, thẳng tuột: Mô Phật, người tu hành không tham gia chính sự, mong quí ông thông cảm. Dọa bắt, thầy cười: sợ bắt tôi đã không ở lại chùa. Mềm nắn rắn buông, rồi cũng yên. Tiếng dân vận địch vận đối đầu nhau; nhưng cán bộ cả đôi bên không ít gốc người làng. Gốc làng, đương nhiên nể thầy, quý Phật!
Thầy M cũng từ chối luôn cả việc xin gửi nhờ súng ống, đạn dược trong chùa. Có điều khi bên Giải Phóng nhờ việc lấy nhà chùa làm trạm trung chuyển lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, làm nơi tập kết thương binh để sơ cứu và đưa lên cứ thì thầy không từ chối. Nhờ thầy từ bi giúp đỡ; anh em trên cứ dạo này tiếp tế khó khăn; thiếu đói, bệnh tật nhiều lắm! Cán bộ Giải Phóng gặp thầy nhỏ nhẹ trình bày. Nói năng rất chừng mực, phải phép.
Thầy gật.
4.
Đó là trận thắng đầu tiên, sau một chuỗi dài những thảm bại của quân đội Quốc Gia trong nỗ lực nhổ bỏ cái bàn đạp tiếp vận – chuyển quân của Việt Cộng tại làng V; và tôi là nhân chứng sống (mặc dù bây giờ tôi không còn sống). Tôi có thể khẳng định, bởi tôi là người trong cuộc…
Và tôi lại càng có thể khẳng định, bởi tôi là một người trong cuộc ngoài cuộc!
Tôi, Nguyễn Văn B, trung sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng không trực tiếp tác chiến. Tôi là hạ sĩ quan thông dịch; nhiệm vụ chuyên tháp tùng, thông ngôn cho các sĩ quan cao cấp của quân đội Hoa Kì và Đồng Minh. Một may mắn lớn để tôi có điều kiện sống lâu và trở thành chứng nhân cho nhiều tồn nghi lịch sử, trong đó có trận Ba Tròng mà tôi sắp kể…
Công bình, trận thắng đó sẽ không có được nếu không nhờ sự yểm trợ đắc lực của trực thăng HU1A, ca nông 105 li, thiết giáp xa M113 và một lực lượng tham chiến thứ 4 mới nghe dường rất lạ: công binh; cụ thể là xe ủi đất!
Đó là sáng kiến của thiếu tá Kim Young Hee, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3, trung đoàn 2, Sư Bạch Mã lẫy lừng của quân đội viễn chinh Hàn Quốc! Thiếu tá Kim tốt nghiệp học viện quân sự quốc gia Hàn, từng tham gia nội chiến Triều Tiên, tốt nghiệp thêm khóa đào tạo chống chiến tranh du kích tại Philippines trước khi được điều sang Việt Nam. Còn nữa; thiếu tá dân Hàn nhưng nói tiếng Anh như gió!
Và cũng rất công bình khi nói rằng: đây không phải là trận thắng của quân đội Quốc Gia mà là trận thắng của quân Đồng Minh; cụ thể là tiểu đoàn 3 của thiếu tá Kim. Tất nhiên, nếu không tính đến sự yểm trợ của phi công Mỹ và tình báo Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi, hạ sĩ quan tốt nghiệp ưu hạng khóa đào tạo thông dịch viên quân đội, được lệnh điều động đặc biệt đi tháp tùng thiếu tá Kim trong suốt cuộc hành quân mang bí số Typhoon-CA25(2). Cuộc hành quân đã mang thêm về một ngôi sao trước niên hạn trên ngù vai thiếu tá Kim. Cuộc hành quân mà người Việt gọi đơn giản hơn: trận Ba Tròng!
Ba Tròng là tên xóm. Mà cũng có thể hiểu là ba cái thòng lọng tuần tự thít, xiết chặt, tiến tới nhổ bật cái gai cắm mắt nhức nhối hàng bao năm với quân đội, chính quyền Quốc Gia. Đó là một cuộc chơi thử nghiệm sức mạnh kết hợp của những phương tiện và tư duy chiến tranh hiện đại của Hoa Kì và Đồng Minh. Và cuộc chơi ấy, thiếu tá Kim được giao nhiệm vụ làm người chủ xướng!
Trong cuộc họp mật cùng bộ chỉ huy hành quân, sau khi nghe nội dung các tin tình báo về địa hình, nhân sự, quy luật hoạt động của Việt Cộng trú đóng tại làng V, thiếu tá Kim đã nhanh chóng quay truyền đạt mệnh lệnh hành quân cho các sĩ quan thuộc cấp. Thiếu tá nói tiếng Hàn, tôi chỉ nghe lõm bõm được vài từ tiếng Anh đan xen. Trong đó, có một từ được thiếu tá nhắc đi nhắc lại nhiều lần: clear all (3)!
Thêm nữa, trong số những thông tin được cung cấp bởi tình báo Việt Nam Cộng Hòa, có thông tin về chùa N và những hoạt động của thầy M. Không chi tiết lắm. Nhưng mới nghe phiên dịch đại cương thiếu tá Kim đã nhanh nhẹn bước tới, úp chụp bàn tay gân guốc lên vị trí chùa N trên tấm bản đồ hành quân. V.C’s lair, I’m sure. Wait!(4) Cười nhạt, bàn tay thiếu tá từ từ co lại, bóp nghiến!
5.
Đó là một mảnh vỡ kí ức. Mảnh vỡ cuối cùng. Khuấy đảo, mờ mịt và lộn xộn. Tất cả sôi sục, nháo nhào như trong một nồi lẩu nóng. Nồi lẩu nấu chung bằng thịt người, thịt gia súc; trộn cùng đất đá vữa vôi; trộn cùng tất tật những cây cối, tre pheo bạt ngàn từng làm nên màu xanh ngút mắt cho làng…
Clear all, xóa sạch – là tinh thần nền tảng, mục đích tối hậu của cuộc hành quân Typhoon-CA25. Và dàn đồng ca của thiếu tá Kim đã làm điều đó không tệ! Trực thăng trang bị đại liên, rốc két cùng pháo 105 li mặt đất bão lửa dọn đường, đốn không thương tiếc từ nhà cửa đến cây cối tre pheo, buộc Cộng quân phải rút xuống hầm cố thủ. Và tăng M113 hồng hộc tiến, cày, nghiến, hất tung những gì trên đường đi pháo binh, rốc két còn bỏ sót. Và xe ủi đất hạng nặng, con chủ bài chiến thuật của thiếu tá Kim cũng dàn hàng ngang, bắt đầu nhiệm vụ lột sạch tấm áo màu xanh của làng. Làng bị lột áo, trần truồng sau vết bánh xích, phơi ra cơ thể bầm dập, lở loét hoang hoác. Phơi ra các hầm bí mật. Vô số hầm bí mật – hoặc bị lật tung, hoặc bị nghiến sập.
Và, đoạn kết là bộ binh. Tràn lên, giải quyết tàn cuộc! Từng toán lính Hàn đen trũi thiện chiến rầm rập túa vào làng, rầm rập tông cửa từng ngôi nhà còn sót, tiểu liên đạn lên nòng lăm lăm. Vi xi?(5) Những họng súng đen ngòm hướng thẳng vào từng khuôn mặt tái dại, còn chưa hết kinh hoàng sau cơn bão lửa. Vi xi? Tiếng quát nhắc đanh gọn, kèm mũi súng thúc ngược vào ngực, vào trán. Vi xi? Vi xi? Vi xi???
Lắc thì còn cơ may sống. Dại dột gật là… ăn đạn!
Nhiệm vụ nhổ gai mà quân đội Quốc Gia bất lực đã được các Đồng Minh Nam Hàn giúp thực hiện hoàn hảo. Trên cả hoàn hảo. Đúng yêu cầu clear all của bộ chỉ huy hành quân. Cũng rất hoàn hảo cho riêng thiếu tá Kim với chiếc lon vai trung tá cùng chuyến đi phép một tháng đặc biệt hiếm hoi thời chiến dành cho các quân nhân. Riêng với tôi, nó không được hoàn hảo lắm. Một viên đạn AK47, (chắc là nhằm vào thiếu tá Kim) đã đi chệch mục tiêu. Và tôi, Nguyễn Văn B, hạ sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hi sinh vì tổ quốc; cái tổ quốc trần truồng, lở loét đang mịt mù khói lửa, đang quằn quại dưới cánh bay của chiếc trực thăng công vụ chở tôi cùng thiếu tá Kim bay thị sát, ra các mệnh lệnh hành quân cần thiết cho trận Ba Tròng!
Khó có thể tìm trong mảnh vỡ kí ức cuối cùng của tôi những tín hiệu bình tĩnh và mạch lạc hơn. Nhưng, dù khuấy đảo và lộn xộn cách mấy, tôi vẫn nhớ như in chi tiết thiếu tá Kim lạnh lùng chấm đúng tọa độ chùa N trên bản đồ hành quân, lệnh qua máy bộ đàm cho pháo binh bắn hủy diệt. Và tôi nhớ tôi đã gào lên: but it’s pagoda, major! Pa-go-da, sir….(6) Và thiếu tá đã quay nhìn tôi bằng cái nhìn lạnh lẽo, dửng dưng: yes, pagoda, so what?(7) Ngừng một giây, thiếu tá tiếp: listen, young man, this is war. W-a-r! Do you understands?(8)
Hình như tôi chưa kịp hiểu. Nhưng tôi cũng không còn thời gian để hiểu. Đó là chi tiết cuối, bên rìa mảnh vỡ, trước khi viên đạn AK47 lạnh lùng xuyên tim tôi…
6.
Nguyên bụi tre tướng, gai góc um tùm được đào, bứng sạch gốc. Hai thợ đào thuê không kham nổi; phải mướn thêm dân. Lại phải thương lượng, bồi thường cho chủ đất, chủ tre. Mất cả ngày trời, mệt bã!
Ông đại diện Bộ Chỉ Huy Quân Sự càm ràm: giá có quả bộc phá đánh oàng là thấy ngay. Dân trận mạc tụi tui từng phải nhổ những thứ còn ớn hơn nhiều. Khỏi lôi thôi; cứ oàng phát là xong! Đào thủ công vầy mới phải khổ…
Ngoại cảm – Viettel tạm im tiếng để tốp thợ đào thuê hì hục làm việc. Nhóm đã qua sông, tức con lạch nhỏ. Tìm hồ cũng không khó mấy. Đó là cái ao ông chủ đất kế bên đào để lấy nước tưới hoa màu.
Và đích; mộ nằm trong rừng chông xanh phía Đông hồ; được người hướng đạo giải mã là tại đây, dưới bụi tre!
Xuống nửa mét, bắt đầu đụng vào lớp đất thẫm đen; xáo lộn cùng những mảnh cật tre – vết tích đòn chống, đòn kê mục ruỗng lâu năm; xáo lộn cùng các mảnh tăng bạt, vải dù mủn nát. Thấy rồi. Thầy thiêng thật! Cuốc xẻng tập thể được lệnh dừng. Hai thợ đào thuê thạo việc bắt đầu mở rộng hầm, gạt hết lớp đất vàng bên trên, dùng bay cẩn thận moi xuống…
Xương.
Ban đầu, khi một chiếc sọ trồi lên, tất cả đều thở phào, nhẹ nợ. Ông thân nhân chảy nước mắt, miệng lầm thầm, chắp tay vái tứ phương. Theo lệnh người hướng đạo, hoa quả, rượu trà bày ra. Hương khói nghi ngút. Bạt nylon trải bên miệng hố. Những mảnh xương, ống xương trắng ngả vàng, thâm đen tuần tự được moi lên, xếp đống, chuẩn bị nhập quách. Suôn sẻ. Vẻ yên tâm hiện rõ trên từng khuôn mặt. Hai thợ đào thuê cũng phấn khởi, làm việc hăng như không biết mệt…
Nhưng khi moi được chiếc sọ thứ hai từ lòng đất thì mọi sự đang trôi chảy bỗng dưng hóa rắc rối!
Giờ thì những mảnh xương không thể nhập một mà buộc phải nghiên cứu để phân hai. Tiếp đến, chiếc sọ thứ 3 trồi lên; mọi người suýt chút phát điên. Trời đất! Chẳng lẽ giờ lại phải tính toán xương để… phân ba?
Viettel – ngoại cảm lại có việc. Bạch Thầy, không phải một mà tới 3 bộ. Sọ còn; nhưng xương cốt lộn bậy hết. Hả? có chuyện đó sao? Để Thầy hỏi vong…. Cha, gay chưa; vong bảo vong không muốn chuyện cùng Thầy. Vong muốn đối thoại trực tiếp. Vong bảo: chuyện hệ trọng! Bạch Thầy, phải làm sao? Bảo người làng tìm, mời giúp một cô Mẫu. Thỉnh vong nhập…
Ngỏ lời cùng ông đại diện chính quyền xã, ông lắc quầy quậy: thôi thôi; sự mê tín dị đoan, các vị tự liệu lấy chớ tôi hổng dính! Sau khó bề ăn nói…. Nạn quá, phải nhờ đám thợ đào phụ. Các em giúp dùm…, ông thân nhân vừa nói vừa kín đáo dúi tờ bạc vào tay chú thợ. Liếc mắt, thấy các chức sắc đều ngó lơ, chú thợ vững tâm: thôi khỏi, tiền bạc chi; bác chờ cháu chút…
Ba mươi phút, cô Mẫu được mời đến. Ông chính quyền lảng chỗ khác. Cô Mẫu phấn khởi ra mặt, áo xống hương hoa đèn nến chỉnh tề bắt đầu múa hát, thỉnh vong.
Mất thêm ba mươi phút. Cô Mẫu chừng đã khản cổ, sốt ruột, trán vã mồ hôi thì chú thợ đào – người đi mời cô – đang đứng bỗng ngồi phịch xuống, xếp bằng, người run sốt rét, mắt lạc thần! Từ cổ họng chú phát ra những âm thanh líu nhíu, mộng du, giống hệt giọng Viettel – ngoại cảm: nào, im, im, cho ta… nói chuyện cùng anh trai ta! Giọng Bắc.
Cô Mẫu dừng hát, thất vọng lườm chú thợ đào một cú lườm ăn tươi nuốt sống!
Ông thân nhân mếu máo: em ơi, có phải em đấy không? Em đây, giọng đã rõ ràng hơn. Anh đi tìm em; tìm lâu lắm rồi em ơi! Thu xếp về cùng anh; về mà đoàn tụ gia đình. Em không về đâu. Sao vậy, em ơi? Còn ai mà về? Bạn em giờ nằm lại phương Nam gần hết. Còn anh, còn gia đình, còn quê hương bản quán…. Thứ lỗi cho em; em đã quen người, quen đất. Em đã chọn đây làm quê hương. Em không muốn về. Mà các bạn em cũng không…
Ông đại diện Bộ Chỉ Huy Quân Sự sốt ruột, chen ngang:
-Xin hỏi đồng chí: hai người nằm chung với đồng chí có phải là chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân không?
-Đúng. Một người Nam, một người Bắc. Họ đang ngồi cạnh tôi đây.
-Vậy cũng liệt sĩ rồi. Xin đồng chí làm ơn nói giúp họ tên.
-Xin lỗi, họ không muốn. Đồng chí thông cảm…
-Vậy, xin hỏi giúp chính xác quê quán để chúng tôi biết đường làm chính sách…
-Họ nói quên rồi. Họ bảo đây cũng đất Việt, người Việt. Đây cũng nhà, cũng quê…
-Chà chà…, ông đại diện quân sự lắc đầu lui ra, cắn môi bực tức.
Ông thân nhân lại chen vô, tiếp tục mếu máo:
-Em không về thật sao, em ơi…
-Vâng, em không về. Mà các bạn em cũng vậy. Em đến đây chỉ để tỏ bày ý ấy. Mọi người đừng lo! Giờ chúng em phải lên chùa…
-Khoan, chùa nào? Đợi đã, em ơi…
-Chùa N…
Chú thợ đột ngột ngã vật sang bên, sùi bọt mép!
7.
Xương rốt cuộc rồi vẫn phải phân ba. Chia đều. Theo định lượng. Ủy ban xã điều thêm hai cái quách. Nhóm tìm mộ cũng đã làm hết khả năng. Có nhờ nhà ngoại cảm giúp; nhưng thầy bảo: Chuyện ấy Thầy thua; phải nhờ Viện Khoa Học Kĩ Thuật Hình Sự xét nghiệm ADN! Liên hệ Viện, được trả lời: xương đến 3 bộ, vỡ hàng trăm mảnh; lại 2 bộ không xác định được nhân thân; làm sao Viện gỡ ra?
Đành theo phép… liều liệu, bỏ chín làm mười!
Phần cho thuộc về binh nhất Nguyễn Văn A được ông thân nhân gói ghém, đưa về quê. Ông rơm rớm: chú nó vụng tính; chứ mình làm anh phải sáng. Sao có thể để em nằm nơi đất khách. Ai tu tảo mộ phần? ai cúng giỗ, ma chay?
Hai cái quách còn lại được ông đại diện Bộ Chỉ Huy Quân Sự và chính quyền địa phương lo thủ tục, kinh phí di dời về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ông đại diện bảo: chuyện đồng cốt tâm linh khẩu thuyết vô bằng; qui tập mộ liệt sĩ về nghĩa trang chung để tiện bề chăm sóc, khói hương là một chủ trương lớn; không thể tùy tiện làm khác! Hai phần mộ mới được khắc bia: Liệt sĩ: Chưa Biết Tên. Quê quán: Không Rõ. Còn ngày hi sinh lấy theo ngày trên giấy báo tử của binh nhất Nguyễn Văn A, tức ngày 16/04/1967!
Ông thân nhân của binh nhất A, trước khi lên đường về quê, có hỏi thăm đến chùa N – bảo để cúng dường và xin cái lễ cầu siêu. Chùa N??? Người làng V chợt à một tiếng, nhớ ra: có; nhưng nó đã đổ sập từ thời chiến tranh, đến giờ vẫn chưa xây lại.
Có điều, người ấy nói thêm, không ít người kể lại rằng: thi thoảng cứ đi ngang chùa vào những giờ thanh vắng lại nghe văng vẳng tiếng ê a tụng niệm hòa trong tiếng mõ chuông…
Đất Phú – cuối đông Nhâm Thìn
Y.N
(1) PHẦN MỘ
Tên: Nguyễn Văn Đức
Ngày sinh: Không rõ
Ngày mất: 1- 1 – 1902
Tuổi thọ: Không rõ
Chắt, Tony Nguyễn, phụng lập.
(2) Typhoon: bão nhiệt đới
(3) Xóa sạch, quét sạch
(4) Tao chắc chắn đây là hang ổ của Việt Cộng. Đợi đấy!
(5) Vi xi: V.C, tức Việt Cộng. Câu có thể hiểu: Mày có phải Việt Cộng không?
(6) Nhưng đó là chùa, thưa thiếu tá! Là CHÙA, thưa ngài…
(7) Ừ, chùa. Thì đã sao?
(8) Nghe này, anh bạn trẻ: đây là chiến tranh. CHIẾN-TRANH! Hiểu chưa?