Đề tài về Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng mãnh liệt với các văn nghệ sỹ theo dòng thời gian vô tận… Bởi vì đó là một con người suốt đời tận trung với Nước, tận hiếu với Dân, tận hiến đời mình cho Việt Nam và nhân loại. Ngày 14/7/1969, trả lời một nhà báo nữ Cu Ba, Người khẳng định: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi!”. Câu trả lời khiến mỗi người Việt Nam chúng ta mắc nợ suốt đời. Chính vì vậy, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật về Người là niềm say mê tự nguyện, là bổn phận thiêng liêng của mỗi văn nghệ sỹ, nhằm khẳng định: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công lao trời biển của Người đối với Nhân dân ta, Tổ quốc ta và nhân dân thế giới. Một trong những người thành công về đề tài này là nghệ nhân điêu khắc đá Triệu Hoàng Giang ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Chúng ta hãy ngược dòng thời gian để tìm hiểu về con người đặc biệt này, một người có “đôi bàn tay vàng” do thượng đế ban tặng. Giang là con út trong một gia đình có 06 người con. Quê anh đất chật, người đông, lắm đồi, nhiều sỏi. Bình quân đất nông nghiệp trên đầu người là 288m2, bù lại người dân nơi đây luôn ham làm, ham học, ham tiến bộ, sống có nghĩa, có tình. Năm Giang lên 08 tuổi, cha anh qua đời, gánh nặng mưu sinh dồn lên đôi vai tảo tần của người mẹ. Những năm tháng chìm trong khó khăn, gian khổ nhưng mẹ anh quyết nuôi các con thành người, không để đứa nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chữ. Thời chiến tranh, lần lượt 04 người anh của Giang lên đường ra mặt trận; một anh là liệt sỹ, 03 anh trở về. Những ngày đầu đến trường, Giang đã sớm bộc lộ năng khiếu đặc biệt về hội họa và nặn thủ công. Anh luôn là “họa sỹ” trang trí báo tường cho lớp hoặc vẽ tranh minh họa cho các thầy, cô giáo. Anh thuộc rất nhiều bài thơ, bài hát và các mẩu chuyện về Bác hồ. Đặc biệt bài thơ “Ảnh Bác” của Trần Đăng Khoa và bài hát “Em mơ gặp Bác Hồ” của Phạm Tuyên… Năm 1978, học hết cấp III, anh được tuyển đi học ở Bun-ga-ri, ngành cơ khí. Những năm tháng không thể nào quên ấy, ở nước ngoài hễ gặp người Việt Nam họ đều hô: “Việt Nam – Hồ Chí Minh, Việt Nam – Hồ Chí Minh, Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Niềm tự hào về đất nước, về Bác Hồ trào dâng trong trái tim những người con Đất Việt, đặc biệt đối với Giang. Anh học nghề cơ khí ở thành phố Vi-đin gần biên giới Thổ Nhĩ Kì, nơi có nghề điêu khắc đá nổi tiếng thế giới. Những ngày chủ nhật, anh tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền và tranh thủ học các nghề khác. Một người bạn ở Bun-ga-ri đã đưa anh sang Thổ Nhĩ Kì xin học nghề điêu khắc đá. Người thầy đó trao đổi thẳng thắn với Giang: “Đây là một nghề rất khó, phải khổ công, khổ luyện và phải có tài năng may ra mới có cơ hội thành công, nếu học xong, anh ở lại đây hay về Việt Nam?”… Giang trả lời: “Em trở về làm nghề ở Việt Nam”. Người thầy đó yên tâm, nhận anh làm học trò và truyền nghề cho Giang… Anh tự mình học việc theo một lịch trình rất nghiêm ngặt, không quản ngày đêm, không ngại mưa nắng. Đây chính là cơ duyên giúp anh thực hiện ước mơ, hoài bão và sự nghiệp của mình.
Năm 1988, anh trở lại Bun-ga-ri lần thứ hai với tư cách là phiên dịch cho các đoàn xuất khẩu lao động, anh có dịp để nâng cao tay nghề. Gặp lại người thầy cũ, ông ân cần hỏi Giang: “Con chọn đề tài gì?”, không ngần ngại, Giang trả lời: “Đề tài suốt đời của con là: Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh!” Ông nhìn thẳng vào đôi mắt Giang, tin tưởng và cổ vũ: “Con chọn đúng, phải có cái gì để lại cho hậu thế, Hồ Chí Minh là nhân vật huyền thoại từ khi còn sống, một lãnh tụ hoàn hảo bậc nhất của thế kỷ XX!…”. Lời thầy như ngọn đuốc chỉ đường theo Giang suốt cuộc đời…
Năm 1991, Giang về nước, giữa bộn bề khó khăn của đời sống và những trở ngại không đáng có, anh chấp nhận và tìm cách tháo gỡ. Anh cùng vợ chọn phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, để duy trì cuộc sống, nuôi dạy các con và từng bước thực hiện ước mơ và sự nghiệp của mình. Với lưng vốn có được, vợ chồng anh mua một khu đất ở ven đường gần chợ Sơn Vi để thuận việc mưu sinh. Anh nhận chữa đồng hồ, khắc đá bia mộ, vẽ ảnh chân dung với giá hợp lý nên rất đông khách. Vợ anh, chị Bùi Thị Kim Tình, thuộc lớp người “đẹp người, đẹp nết”, chị hiểu chồng và yêu thương chồng hơn cả bản thân mình. Chị nhận mọi khó khăn, vất vả về mình để cho anh yên tâm làm việc. Chị làm thợ may kiêm bán hàng tạp hóa, mùa hè tranh thủ bán bia hơi, có khi chị nhận cả việc cấy thuê, gặt thuê… Cứ thế, cuộc sống ngày một ổn định, khó khăn, vất vả cứ vơi dần theo năm tháng.
Thời gian này anh tranh thủ tích lũy thêm các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc đời cách mạng huyền thoại với những mốc son ở những bước ngoặt của lịch sử. Từ năm 2000 đến nay, Giang đã nhận được sự giúp đỡ đặc biệt của Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, của một số cơ quan và nhiều tướng lĩnh trong Quân đội. Trở lại câu chuyện đi tìm đá, nguyên liệu quyết định sự thành bại của nghề nghiệp. Mấy tháng trời lang thang nay đây mai đó, băng đèo, lội suối. Tuần này ở Thái Nguyên, tuần sau đã có mặt ở Vĩnh Phúc, rồi Ninh Bình, Đà Nẵng, vẫn chưa tìm ra loại đá đạt chuẩn quy định. Rất may, có một người bạn của anh công tác ở trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội, đã giúp anh địa chỉ mà anh cần tìm, đó là núi Nhồi, Thanh Hóa. Anh đã có báu vật ở trong tay, Giang nghĩ “Chắc Bác Hồ phù hộ mình!”. Từ năm 1996 đến năm 2023, 27 năm đã trôi qua, anh chỉ tập trung vào một công việc duy nhất: Hoàn thành chuỗi tranh khắc đá về Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lại cho hậu thế… Mỗi bức tranh là một thông điệp, là những bài học về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, là công lao trời biển của Người đối với Nhân dân ta, Tổ quốc ta… Anh đã hoàn thành gần 40 bức tranh khắc đá. Hầu hết là kích cỡ 37×47,5 cm, một số bức có kích cỡ 60×80,7 cm. Từ “Nhà Bác ở làng Sen” đến “Tafu La Trevile trên đường sang Pháp”, “Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội Tua”, “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập”, “Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới”, nhiều bức tranh về Bác Hồ với các tầng lớp nhân dân, đến “Bút tích một trang trong Di chúc của Bác Hồ”… Anh đã quyết định dâng tặng 05 bức tranh cho các địa chỉ đỏ sau đây: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Điện Biên, Bảo tàng Quân khu II và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đã gửi thư khen ngợi, động viên, khích lệ, tiếp lửa cho anh trong chặng đường đi tới. Cũng ít ai biết, ở Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử đặc biệt Đền Hùng, có một tấm bia đá màu xanh đen khắc ghi lời dạy của Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên phong (F308) ngày 19/9/1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”
Đó cũng là lời của Non nước, của Lịch sử, về lẽ trường tồn của dân tộc Việt Nam!
Tác giả của tấm bia đó chính là nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, tên của anh được khắc bằng chữ nhỏ ở phía sau tấm bia. Có một lần Giang tâm sự cùng tôi: Gần 04 năm trời em quên ngủ, quên ăn về hai bức tranh: “Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới” (làm 27 tháng) và “Bút tích một trang Di chúc của Bác Hồ” (làm 19 tháng), có những lúc khó khăn tưởng như thất bại, em lại thấy Bác hiện ra nhìn em bằng đôi mắt thánh nhân và lời nhắc nhở ân cần: “Giang ơi, hãy cố lên, thành công đang chờ cháu ở phía trước!…”. Thế là em lại có thêm nghị lực để vượt qua tất cả!…
Nhìn những lần Giang lao động miệt mài, mê say ở xưởng chế tác đá tại gia đình trong bộ quần áo công nhân bám đầy bụi đá, cạnh đó là những dụng cụ nghề nghiệp: máy cắt đá, kính lúp, các loại mũi khoan có cả mũi kim cương, các loại đục… chao ôi là vất vả, chao ôi là cực nhọc! Thế mà Giang vẫn kiên trì cùng năm tháng để thực hiện ước mơ và sự nghiệp của mình. Hai mươi bảy năm làm việc liên tục (1996 – 2023), giờ thì sức khỏe của anh đã giảm đi nhiều, đó cũng là lẽ thường tình… Nhiều tờ báo đã có bài viết về anh như báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân, báo Quân khu II, báo Sài Gòn giải phóng… Các đài truyền hình: Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Truyền hình Thông tấn, VTV1, VTV4… đã có những chương trình riêng về anh, họ đều cảm phục, đều kinh ngạc về thành quả lao động nghệ thuật siêu hạng của anh về đề tài
Bác Hồ. Hiện tại ở gia đình Giang đã có một bảo tàng “mini” – Đó là chuỗi tranh khắc đá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất…” như Tổ chức UNESCO đã vinh danh. Đó chính là tài sản vô giá mà Triệu Hoàng Giang để lại cho hậu thế! Gần đây, tôi có nhiều lần gặp gỡ với Giang, chúng tôi quen nhau từ năm 1995 đến nay. Tôi hỏi anh về những bí quyết thành công của nghề nghiệp. Anh trả lời: “Làm nghề gì cũng vậy, phải kiên trì, phải mê say như bị bỏ bùa; Với lao động nghệ thuật dứt khoát phải có năng khiếu bẩm sinh trời cho; những bức tranh khắc đá về Bác Hồ phải lột tả được cái hồn ở gương mặt, ánh mắt và nụ cười; phải thể hiện được phong thái ung dung của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng… Trên tất cả là niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Bác!…”. Những lời tâm sự đó giúp tôi thêm quý, thêm yêu, thêm trọng Triệu Hoàng Giang, nghệ nhân điêu khắc đá siêu hạng của quê hương Đất Tổ. Tôi lại hỏi về tâm nguyện của anh đối với công trình nghệ thuật siêu hạng này? Giang trầm ngâm rồi trả lời: “Thật lòng em rất muốn có một bảo tàng tư nhân về Bác Hồ, lõi thì có rồi, còn cái vỏ đang ở ngoài tầm tay, như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị (khóa XI) đã gợi mở với phương châm xã hội hóa, mong rằng sẽ có những tập thể, những cá nhân trong và ngoài nước cùng tác giả hiện thực hóa tâm nguyện này!”. Tôi mong tâm nguyện của Giang sớm trở thành hiện thực!
Hân hạnh được chiêm ngưỡng công trình siêu hạng của anh ở Bảo tàng “mini” tại gia đình, một tác giả thơ ở Phú Thọ đã viết:
“Cứ tưởng đá chỉ là đá thôi,
Với bàn tay con người,
Đá có hồn, đá trở thành lịch sử
Đá cùng con người ca ngợi lãnh tụ:
Việt Nam – Hồ Chí Minh!
Việt Nam – Hồ Chí Minh!
Việt Nam – Hồ Chí Minh!…”
Đó cũng là cảm nhận của mỗi chúng ta về chuỗi tranh khắc đá của nghệ nhân siêu hạng Triệu Hoàng Giang với đề tài Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở những mốc son với những thời điểm bước ngoặt của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.
Phú Thọ, 20/3/2023
N.Đ.X