Danh y Tuệ Tĩnh từng nói: “Nam dược trị Nam nhân” và thực tế từ hàng nghìn năm, trước khi Tây y được du nhập vào nước ta (cách nay hơn 1,5 thế kỷ) ông cha ta vẫn thường chữa bệnh bằng Đông y. Triết lý của Đông y rất đơn giản “thông bất thống, thống bất thông” (khi cơ thể thông suốt thì không đau, khi đau thì không thông suốt), nhưng rất sâu sắc: chữa bệnh kèm với nâng cao thể lực của cơ thể. Ông cha ta thường quan niệm: vi trùng thì ở đâu và lúc nào cũng có, nếu cơ thể yếu thì chúng sẽ thâm nhập và gây bệnh. Do vậy chữa bênh bằng Đông y thường chậm, nhưng chắc, bởi chữa bệnh bao giờ cũng đi với nâng cao thể trạng của cơ thể. Đông y thua Tây y khi người bệnh mắc bệnh cấp tính, mắc những bệnh có vi trùng, nhưng hiện nay những bệnh có vi trùng, những bệnh hay lây nhiễm ngày càng ít thì vai trò của Đông y càng quan trọng. Ngày nay người ta (nhất là những người cao tuổi) thường mắc các bệnh không lây nhiễm, như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, ung thư…(nhất là ở những nước phát triển), do vậy không phải ngẫu nhiên ở những nước này vai trò của Đông y, chữa bệnh bằng Đông y ngày càng được coi trọng.
Còn ở ta thì sao? Về mặt lý luận không ai “dám” coi thường Đông y. Người ta thường đề cao Đông y và phương châm chữa bệnh “Đông Tây y kết hợp” là câu nói cửa miệng của bất cứ cơ sở y tế nào. Nhưng thực tế thì Đông y chưa bao giờ được coi trọng, nếu không muốn nói là bị coi thường. Người viết bài này đã hơn một lần được nghe các bác sĩ Tây y miệt thị Đông y. GS Nguyễn Tài Thu có lần nói với tôi: ông từng được 30 tổng thống, thủ tướng các nước nhờ châm cứu để đại phẫu, nhưng chưa từng được một cán bộ cao cấp nào của ta nhờ cả. Và rất nhiều người Việt Nam không hề biết đến sự tồn tại của Viện châm cứu do giáo sư sáng lập. Về việc số lượng ở trung ương cũng như ở các địa phương các bệnh viện Tây y chiếm số lượng tuyệt đối so với bệnh viện Đông y, nhiều người bệnh ở các địa phương không biết rằng ở địa phương mình có tồn tại các bệnh viện Đông y. Các bệnh viện lớn thường có các khoa Đông y, nhưng không được coi trọng. Người bệnh cũng ít khi đến khám tại các khoa Đông y. Hàng chục năm nay số thầy thuốc Đông y được cấp phép rất ít, mà người dân lại “thích” chữa bệnh bằng Đông y, nên đã thường xuyên xảy ra những trường hợp chữa bệnh không phép. Người dân và các lương y phải chịu trách nhiệm, nhưng không phải vì thế mà ngành y tế vô can.
Rồi với những bệnh trạng có nhiều người mắc, ngành y tế phải trả lời dứt khoát: bệnh nào Đông y không chữa được, bệnh nào có thể Đông Tây y kết hợp? (Gần đây ngành y đã trả lời dứt khoát là ngành Đông y không thể chữa được bệnh cao huyết áp. Đúng sai như thế nào sẽ hạ hồi phân giải, nhưng là một việc làm rất đáng hoan nghênh). Khi người bệnh hỏi ý kiến thầy thuốc thì bao giờ cũng được trả lời: cần đến thăm khám ở các bệnh viện (cũng có nghĩa là các bác sĩ Tây y). Một việc chúng tôi nghĩ là ngành y tế cần làm ngay là lên một danh mục các loại bệnh nào dứt khoát phải chữa bằng Tây y, bệnh nào có thể chữa được bằng Đông y và loại bệnh nào có thể Đông Tây y kết hợp. Việc làm này theo chúng tôi là khó nhưng không thể không làm được. Ở đây chúng tôi không nói đến những bài viết trên mạng xã hội (vì đúng sai lẫn lộn), mà chỉ nói đến những bài viết trên các phương tiện truyền thông chính thống. Rất nhiều bài viết mập mờ khiến cho người đọc không hiểu hoặc hiểu lầm: là chữa Đông y không thể khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ nặng lên, thậm chí dẫn đến tử vong.
Gần đây chúng tôi thấy trên các phương tiện truyền thông chính thống (đặc biệt là kênh Truyền hình Thông tấn và các kênh của Truyền hình Trung ương) thường xuyên phát các chương trình Chữa bệnh cùng chuyên gia hoặc Hành trình hy vọng trong đó thường khuyên bệnh nhân dùng thực phẩm chức năng. Câu nói: Sản phẩm này không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh, chỉ được nói cho có, chứ người nói và người nghe đều có vẻ không tin (vô tình hay cố ý?). Nhiều thực phẩm chức năng được tuyên truyền như thuốc chữa bệnh, thậm chí là thuốc chữa bệnh công hiệu, có hiệu lực lâu dài. Có loại thực phẩm chức năng đã có mặt trên thị trường mười mấy năm nay (nhưng vẫn cứ được tuyên truyền là thực phẩm chức năng). Vậy ngành y tế cần có danh mục rõ ràng (và tuyên truyền rộng rãi) sản phẩm nào mãi mãi chỉ là thực phẩm chức năng, sản phẩm nào có thể chuyển thành thuốc chữa bệnh. Cứ theo các phương tiện truyền thông chính thống, thì thực phẩm chức năng tràn ngập thị trường chữa bệnh, và nó có tác dụng lâu dài, lại không có tác dụng phụ vì được sản xuất bằng các thảo dược. Tất cả các công ty sản xuất thực phẩm chức năng đều là các công ty dược với những thành tựu nghiên cứu của các viện nghiên cứu, các cơ sở y tế có uy tín… người bệnh cứ như rơi vào một trận đồ bát quái các thực phẩm chức năng được quảng cáo gần như một trăm phần trăm… Vậy đâu là do các công ty sản xuất “tích cực” quảng cáo, đâu là do nó được người bệnh ưu tiên sử dụng. Chúng tôi nghĩ tất cả phải được rõ ràng, minh bạch. Các cơ quan quản lý phải vào cuộc phải phân định trắng đen rõ ràng, chứ không phải chỉ nhắc lại những điều mà người ta đăng ký. Riêng người viết bài này thấy rất nhiều thực phẩm chức năng có những bài thuốc Đông y quý. Vậy thì ngành y tế cần kết luận, tránh để người bệnh phải phân vân hay tự lựa chọn. Và cũng có một điều cần ngành Y tế khẳng định rõ ràng là vai trò của Đông y trong chữa bệnh hiện nay, tránh tình trạng tù mù. Như thế sẽ dẫn đến việc cần làm ngay là cần tổ chức lại các tổ chức Đông y và những người chữa bệnh bằng Đông y. Chúng tôi cứ có cảm giác các Hội Đông y, các bệnh viện Đông y… tồn tại cho có hơn là tác dụng chữa bệnh cụ thể của nó.
Ở ta thường có thói quen là cái gì cũng có, nhưng hoạt động ra sao, có hiệu quả không thì chẳng mấy ai để ý. Nhà thơ Cù Huy Cận – một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, sinh thời có lần đã nói Nhà nước giao việc ít, thì sáng tác nhiều, giao việc nhiều thì sáng tác ít. Có lần thấy cán bộ hội túm năm tụm ba tám chuyện; ông nói: “Nếu không có việc gì thì vào phòng mà đọc báo. Đứng túm năm tụm ba như thế này, người ta lại bảo là mình không có việc!”. Nói điều này chúng tôi chỉ muốn dẫn đến kết luận: mỗi tổ chức, những công việc nào không cần thiết thì cần loại bỏ, để khỏi tốn tiền ngân sách, cũng là tiền của dân. Còn tổ chức nào, công việc nào cần thiết cho đời sống, thì phải tạo điều kiện cho nó hoạt động. Đừng để như ngành Đông y, không ai nói là không quan trọng, nhưng nó cứ tồn tại dạng èo uột, mà không ai phải chịu trách nhiệm, không ai, không tổ chức nào để ý đến.
Trần Bảo Hưng