Vài năm gần đây, thể loại tiểu thuyết đã khởi sắc trở lại sau một thời gian dài trầm lắng. Cho dù nhu cầu hưởng thụ và sáng tác tiểu thuyết vẫn luôn có trong bạn đọc và thôi thúc những người cầm bút. Trên thực tế tiểu thuyết chưa bao giờ đứt đoạn trong tiến trình văn học, nhưng nó đã phải mất tới vài thập niên vất vả âm thầm sinh nở trong lặng lẽ.
Được ví là “đại bác” của nền văn học, tiểu thuyết có vai trò quan trọng hàng đầu của thể loại văn xuôi, là không gian lý tưởng cho trí tưởng tượng và tư duy nghệ thuật tổng hợp ở mức cao nhất. Chỉ có nó mới đủ sức, đủ điều kiện để khám phá, phản ánh và lưu giữ đầy đủ bóng hình, chiều sâu cuộc sống cùng những biến động lớn của thời cuộc.
Để thể loại chủ công này trở lại chỗ đứng của nó, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của nền Văn học, tiểu thuyết cần tới rất nhiều yếu tố. Nhu cầu của bạn đọc bao giờ cũng là yếu tố đầu tiên. Sự tích lũy vốn sống, tài năng cùng trách nhiệm của nhà văn. Và không thể thiếu sự giúp đỡ của các cơ quan có trách nhiệm, sự chung tay của các nhà doanh nghiệp vì sự phát triển của Văn hóa Việt Nam. Và hôm nay tờ “Thời báo Văn học, Nghệ thuật” tạo điều kiện để các nhà văn thêm một dịp sáng tác, thể hiện trách nhiệm của mình vào phản ánh tiến trình đổi mới của đất nước.
Về nội dung và đối tượng phản ánh, hàng trăm năm qua đất nước ta trải qua những khúc quanh lịch sử đầy bi tráng. Từ chiến tranh sang hòa bình rồi nay là đổi mới, hội nhập toàn cầu. Con người, đối tượng phản ánh đồng thời là đối tượng hưởng thụ văn học, cũng đổi thay rất nhiều. Từ con người cá nhân lẩn trong con người xã hội; con người trong thời chiến gắn với quan niệm xấu tốt, địch ta. Con người thời hậu chiến bắt đầu được nhìn nhận đa chiều hơn, cá nhân con người được chú ý hơn nhưng chưa thật đầy đủ. Và nay trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, nhận thức về xã hội về cộng đồng về bản thân của con người đã khác lắm. Con người bộc lộ bản chất của nó với đủ chiều kích. Đặc biệt “cái tôi”, “cái ý thức cá nhân” được nâng lên ở tầm mức cao nhất. Rồi sự xuất hiện con người ảo trong cuộc sống thực. Trí tuệ nhân tạo AI đang tạo ra cả những “con người máy” với kỳ vọng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực đời sống…
Hiện thực ấy buộc các nhà tiểu thuyết phải nhìn nhận và phản ánh con người với tư cách “nhân vật” một cách đa chiều, phong phú, phức tạp với những may rủi, đa đoan của số phận, đa diện, đa tính cách, đa nhận thức, đa trí tuệ… trong sự vận động biến đổi vô cùng nhanh chóng của xã hội.
Về nghệ thuật, xu hướng phản ánh theo mô típ truyền thống ẩn thân vào nhân vật, hòa trộn vào đó những thủ pháp như độc thoại nội tâm, kỹ thuật dòng ý thức, mô típ giấc mơ, đồng hiện, song hành với hoài niệm, kí ức vẫn chiếm số đông. Xu hướng phản ánh quá khứ, lịch sử đôi khi chỉ là cái cớ để sáng tạo ra một “lịch sử mới” có những tác phẩm thành công nhưng phần nhiều không đạt được kỳ vọng. Tiểu thuyết theo xu hướng tự truyện kết hợp với hư cấu tưởng tượng bịa tạc ra một thế giới không có thực, một kiểu hiện thực giả định và thả trí tưởng tượng của mình bay trong đó được các cây bút trẻ áp dụng nhiều. Đặc biệt xu hướng văn học mạng vừa thực vừa ảo, không cần nhân vật, không cần cốt truyện. Hành văn nhanh, ngôn từ tự do, có khi bất cần quy tắc đang có chiều hướng phát triển. Song đáng lo ngại, nhiều “tiểu thuyết mạng” trong cái “văn học mạng” ấy đang khai thác bạo liệt đề tài tình dục nhằm vào lớp bạn đọc mới lớn, tò mò, háo hức không nhận ra đó là thứ “phản văn học” đầu độc lớp trẻ.
Suy cho cùng, văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng về bản chất vẫn là câu chuyện về cõi nhân sinh, lấy con người làm đối tượng miêu tả, sáng tạo nghệ thuật, vừa là đối tượng phục vụ. Trước sau, mới cũ gì thì mục tiêu của văn học vẫn là sáng tạo cho được những nhân vật có sức lôi cuốn người đọc ở cả hành động, tâm trạng, trong một kiếp sống không hề đơn giản của nó. Nhân vật ấy sống trong môi trường nghệ thuật thẩm mĩ nào, hướng tới đông đảo người đọc với một lương tâm hướng thiện, trách nhiệm và niềm thao thức về lẽ phải làm người. Thái độ trước những sai trái, vô cảm, bất công trong cuộc sống nhân sinh…Chỉ có như thế mới đem lại cho bạn đọc niềm khoái cảm sâu xa, niềm vui, trách nhiệm và cả nỗi buồn thánh thiện, sự khắc khoải âu lo đáng trân trọng.
Trở lại với câu chuyện của hôm nay, cuộc thi “tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước” do “Thời báo Văn học Nghệ thuật” phát động vào lúc này là đúng thời điểm.
Đất nước ta trải qua mấy chục năm đổi mới đang ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế. Đời sống tăng trưởng, kinh tế tạo được nền móng vững chắc, chịu đựng được những biến động lớn của thời cuộc. Lớp người mới Việt Nam tiệm cận với công dân thế giới văn minh. Những võ công hào hùng dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước trong quá khứ bước vào mốc kỷ niêm lớn: 80 năm thành lập nước. 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Các lực lượng vũ trang góp công lớn vào những thắng lợi trên cũng chạm mốc truyền thống 80 năm thành lập Quân đội nhân dân (2024); 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (2025) … Trên cái nền lịch sử oai hùng ấy, và trên thành tựu của công cuộc đởi mới đất nước cuộc thi tiểu thuyết của “Thời báo Văn học Nghệ thuật” là dịp để các nhà văn mang đến cho người đọc nhận thức những bước thăng trầm của dân tộc, võ công dựng nước, giữ nước của cha, ông ta, sự hy sinh to lớn của các thế hệ trước và cuộc sống phát triển tốt đẹp trong quá trình đổi mới hôm nay.
Tư duy tiểu thuyết dù bằng hình thức nào, sáng tác theo xu hướng nào, vẫn là nhận thức, khám phá và nghệ thuật phản ánh số phận con người. Tôi hy vọng trong cuộc thi tiểu thuyết này, các nhà văn xây dựng được những hình tượng sinh động về con người Việt Nam biết trân trọng quá khứ. “Sánh vai với các cường quốc năm châu” như thế nào. Phản ánh tâm hồn, cốt cách Việt Nam; trách nhiệm, trí tuệ, kỹ năng, tài năng của con người Việt Nam trong vị thế của một công dân toàn cầu như thế nào.
Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ việc làm của “Thời báo Văn học Nghệ thuật”. Một tờ báo dũng cảm. Tuổi đời của báo chưa nhiều, quy mô của một cuộc thi tiểu thuyết đòi hỏi công sức rất lớn: tài tổ chức, sự tâm huyết với nền văn học nước nhà và kinh phí bỏ ra không nhỏ. Song đặc biệt hơn, tờ báo phải đủ uy tín mới thu hút được đông đảo các cây bút tiểu thuyết nhiệt tình tham gia. Điều ấy thể hiện rõ khi rất nhiều gương mặt nhà tiểu thuyết tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện diện tại đây.
Tôi gọi “Thời báo Văn học, Nghệ thuật” là “Tờ báo dũng cảm” vì nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là tờ báo đầu tiên trong làng báo đứng ra tổ chức một cuộc thi tiểu thuyết. Đề nghị tờ báo tiếp tục “dũng cảm chọn ra được những tác phẩm xứng đáng”. Chỉ có tác phẩm đạt giá trị văn học cao mới có bạn đọc, mới đạt được mục đích của cuộc thi và đóng góp thực sự cho văn học. Nỗ lực của những người tổ chức và lãnh đạo tờ báo đã thể hiện rõ. Còn lại là trách nhiệm và tài năng của các cây bút tham gia cuộc thi.
Xin cám ơn “Thời báo Văn học, Nghệ thuật”, cám ơn lãnh đạo Liên hiệp các hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan, doanh nghiệp tạo điều kiện giúp đỡ cuộc thi tiểu thuyết giàu ý nghĩa này.
Nguyễn Trọng Tân