Vài nét về tác giả:
Nhà văn Phan Mai Hương, dân tộc Mường, quê tại Hòa Bình, là Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại. Chị là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số Việt Nam và hội viên Hội VHNT Hòa Bình. Hiện nay chị đang làm việc tại Hà Nội với nghề viết báo, viết văn. Thể loại sáng tác chính của chị là: truyện ngắn, tản văn, bút ký, tùy bút, lý luận phê bình văn học. Tác phẩm đã xuất bản: 10 tập văn xuôi và 1 tập thơ. Chị đã đạt 9 giải thưởng văn học các chuyên ngành.
Tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống xin giới thiệu với bạn đọc một truyện ngắn của nhà văn Phan Mai Hương.
Y
ĐƯỜNG CHỢ GÁNH GỒNG
Truyện ngắn của Phan Mai Hương
J
Tôi vẫn không hiểu tại làm sao, chỉ một cú ngã từ trên giường xuống đất mà khiến một người cả đời không cần nửa viên thuốc cảm cúm như bà lại nhanh chóng bay về cõi mây trắng. Buổi sáng, bà ngủ dậy quờ chân xuống giường tìm dép và ngã. Mẹ nói, con người ta nếu không bệnh tật ốm đau thì cũng phải bị cái gì thì mới đi được chứ. Bố nói, bà gần trăm tuổi mà đi nhẹ nhàng như thế là bà rất thương con thương cháu đấy. Nghe giọng nói của bố đầy thương xót, tôi biết bố đau đớn lắm. Bà nội vốn chiều bố, hồi nhỏ bố chỉ có việc học, đi chơi có bà vú cõng trên lưng, mười bảy mười tám tuổi chưa phải cầm đến cái chổi. Tôi kể cho mẹ là ngủ mơ thấy bà nội về, mặc áo màu nâu sẫm. Mẹ lừ mắt gạt phắt đi, trẻ con chỉ nghĩ vớ vẩn, ngồi trong lớp thì để tâm vào mà học hành, đến là mệt với chị em chúng mày. Xong mẹ xỏ chân vào ủng ra vườn tưới rau. Tôi thấy mẹ tận tâm lo hết việc nhà chồng, nhưng rất ít khi nhắc đến bà nội.
Trong trí nhớ từ thuở ấu thơ, tôi chưa từng thấy bà nội thong thả an nhàn phút nào. Từ lúc biết nhớ và hiểu chuyện, tôi đã thấy bà luôn tất bật gánh hàng bằng chiếc đòn gánh cong cong như đường parabol vắt ngang. Chiếc đòn gánh to bản và mỏng, chuốt lẹm gần hết phần bụng, chỉ còn lại phần cật nên dẻo quánh, đè nặng trên vai. Bà mải mốt bước sải, hai đầu quang nặng lên xuống nhịp nhàng theo nhịp chân, mặc dù cồng kềnh lồng gà vịt nặng trĩu trên đôi vai mỏng như lá lúa. Phải nói thêm, bà đẹp chuẩn như hoa hậu, tuy tuổi già rồi mà da vẫn trắng mịn màng, miệng nhỏ xinh, hồi con gái chắc hàm răng trắng đều tăm tắp hạt bắp. Bà kể thời của bà nếu không nhuộm răng đen và ăn trầu thì không đẹp, khó lấy chồng. “Thế sao bà không nhuộm răng đen cho xinh hơn người ta?”, tôi hỏi. Bà cười cốc vào đầu tôi mắng yêu, cha bố nhà cô. Rồi bà kể nhuộm răng phải theo quy tắc cầu kì lắm. Thuốc gồm lá và rễ cây thầy lang chế theo công thức gia truyền, ngậm thuốc đủ trăm ngày, ăn uống được bỏ ra, ngày một bữa cháo loãng nuốt chửng, nhai sẽ làm bong thuốc. Ăn phải kiêng đồ nóng, đồ tanh, đồ lạnh, việc kiêng khem kéo dài cả năm trời. Khi răng lên nước đen nhánh rồi phải thường xuyên đánh bóng mặt răng bằng miếng cau khô thì mới đẹp. Bà bảo nhuộm răng mà không cẩn thận tỉ mỉ thì nham nhở nhuôm nhuôm xấu vô chừng. Vì cách thức nhiêu khê rắc rối cho nên muốn nhuộm được răng phải nhà giàu, hoặc có mẹ cha chăm sóc. Bà xa nhà tự kiếm sống từ nhỏ, sao nhuộm được răng. Bà cũng không ăn trầu, bảo nghiện cái gì khổ cái đấy, tự dưng mình là nô lệ của nó, đấy như bố mày đi đâu cũng kè kè cái điếu cày, hôi hám cả cái con người ra.
Lân la kể mãi, bao giờ cũng đến lúc bà khoe mái tóc dài đến khoeo chân cuốn trong khăn nhung the đen nhóng nhánh, xưa tóc mây óng ả, giờ tóc bạc vẫn chặt lọn tay. Bà bảo cái răng cái tóc là góc con người, con gái nhớn nhao rồi đầu tóc quần áo phải gọn gàng, đưa đầu đây bà xem có con chấy nào không. Vừa vạch tóc ra tuốt chứng chấy cắn tanh tách, bà lẩm bẩm con mẹ nhà mày ẩu đoảng chả ngó đến tóc tai con cái gì cả, quần áo nhà cửa toàn mùi nước đái khai mù, ở yên đấy bà đun nồi bồ kết gội đầu. Bà nói đúng, tôi không cãi, mảnh sân đất nhà tôi mọc rêu trơn nhẫy khai mù, tối nào lũ em tôi cũng ra hiên ngồi tè vì sợ ma. Mẹ quát tháo dọa roi nhưng chúng sợ ma hơn sợ roi, vả lại lúc tè mẹ không biết, mẹ còn chúi mũi vào soạn giáo án và chấm bài, lúc nào tôi cũng thấy mẹ bận rộn bài vở.
Gội đầu xong bao giờ tôi cũng mè nheo, ơ sao cháu không đẹp như bà nhỉ. Bà cười cha bố cô, đẹp mà làm gì, mài ra ăn được đâu. Sống mà không có tiền thì mới chết, chứ xấu thì chả chết ai nào. Rồi bà lúi húi mở cái túi nhỏ xíu cài tận trong lưng quần ra cho xem chuỗi nhẫn vàng đến vài chục cái. Bà bảo, khi nào cháu đi lấy chồng bà sẽ cho vài chiếc để vốn làm ăn. Giờ thì bà phải tích cóp để sau này ốm nằm một chỗ còn có tiền thuê người cháo lão thuốc thang. Có tiền là có người hầu mình. Cái nhà chị Mai thợ may ngõ Bờ Sông nó bảo bà ốm mệt cứ gọi cháu, nhưng bà bảo có cháu gái rồi. Sau này hầu bà, có gì bà cũng dành cho hết. Tôi bảo, bà không cần phải cho cháu đâu, để đấy dưỡng già. Tôi ngả vào lòng bà tin cậy và thoải mái, yên tâm vô chừng. Tôi không thích nghe bà nói sau này chết sẽ như nào, người già khó hiểu thật…
Cổng trường tôi học có cây phượng già lẫn vào hàng phi lao vi vu gió, lưng còng ngã rạp sát mặt đê, giờ ra chơi chúng tôi ngồi trèo vắt vẻo. Bà gánh hàng xuống chợ nhìn thấy, gào ầm lên gọi tôi xuống. Mấy đứa bạn hỏi, cậu quen bà ấy à, tôi vờ không nghe thấy, bơ luôn bà đang đợi. Lúc lâu không thấy tôi ra, bà cất gánh lên vai. Tôi lén nhìn theo hút bóng bà tới chỗ rẽ đường chợ, lũ bạn mải chơi đùa chả đứa nào để ý đến bà bán gà vịt nghỉ gánh dưới chân đê. Tiết cuối môn Văn, chả chữ nào vào đầu, đói thắt ruột chộn rộn đàn kiến bò bụng, tôi nghĩ đến miếng bánh đúc gạo mịn màng nổi gồ lên hạt lạc béo bùi, con bún rối trắng nuột nà gói trong miếng lá chuối xanh tươi, và bà mướt mải mồ hôi đứng đợi.
Trưa đi học về, bố nhắc chiều con Vy lên dọn hàng cho bà. Hàng của bà là bọn gà vịt ngan ngỗng nhốt trong những cái lồng cồng kềnh và thối hoăng. Chúng sốt ruột kêu quang quác inh ỏi khi bà đợi khách, chúng đập cánh phành phạch dẫm chân bèn bẹt khi phởn chí. Có lần con ngan cái già thản nhiên cong mông lên phẹt một bãi to tướng bắn lên quần áo tôi một đường cầu vồng. Con ngan già khốn kiếp ấy không biết tôi có mỗi bộ cánh mồi. Mỗi buổi học về, tôi hì hục giặt giũ, vuốt phẳng phiu rồi mới phơi, tôi không thích mặc quần áo nhăn nhúm. Tôi thấy việc buôn bán gà vịt của bà cứ nhếch nhác bẩn thỉu, không sang trọng như quầy bán vải của bà Đường, hay thơm phức như quầy bánh kẹo của cô Lan.
Đang giữa mùa đông sương muối, hơn năm giờ ráng chiều vàng hoe, trong chợ đã sẫm tối, dáng bà ngồi nổi bật bệ vệ giữa đống lồng gà vịt. Tôi bị xị ngồi xuống chiếc ghế gỗ mòn nhẵn bóng loáng hơi lõm xuống, mặt chỉ tươi lên khi bà đưa cho chùm nhãn. Trước mặt, chiếc lồng cật nứa nhốt hai con gà mái. Bọn gà ấy chắc phải ấp nở nhiều lứa rồi, cánh và đuôi của nó xơ xướp tã tượi. Cạnh là hai chiếc lồng nhốt mỗi lồng hai con vịt, thi thoảng lại vục mỏ sục sạo vũng nước rồi lắc lắc mỏ, nước bẩn bắn tung tóe như mưa. Tôi nghịch ngợm vứt nắm vỏ nhãn vào, hai con vịt hứng chí đập cánh phành phạch, đạp bừa phứa, bùn nhão vung lên như hoa cà hoa cải, bắn vào quần áo mặt mũi. Chợt có khách mua hàng, tôi vội vàng đứng lên núp sau quầy hàng khô kế bên.
Ông khách dáng cao lòng khòng, mặc bộ quần áo bộ đội sờn, đi dép cao su, đầu đội mũ lá, dắt xe đạp phượng hoàng nam cao ngồng xanh cánh trả đã lấm tấm bong sơn. Ông khách đi vào dãy bán gà vịt một cách rón rén. Lời mời chào vồn vã nổi lên nhao nhao: ‘‘Bác mua gà cháu đi ạ…’’, ‘‘Anh ơi, xem gà của em này’’ khiến ông lúng túng. Ông phân vân nhìn xung quanh rồi ngó xuống bu gà hỏi con gà này bao nhiêu hở cụ. Ông chọn bà cụ bán hàng chứ không phải chọn gà. Bà đưa tay lên quệt nhanh vệt bùn bám, tay túm chân con gà mái nâu đang ngật ngừ gà gật, bà lôi con gà ra khỏi lồng. Bà bảo con gà này ốm rồi, chú ăn tôi lấy nửa giá thôi, hay chú mua vịt đi.
Ông khách ngần ngừ cám ơn rồi đi sang chị bán gà bên cạnh. Tôi thấy chị ta túm hai chân, lấy cái giẻ để trên nan lồng lau thật nhanh mặt con gà mái hoa mơ, một tay vuốt cổ dựng mỏ và vuốt miết vào mào. Xong xởi lởi mồm năm miệng mười, đây nhá anh xem con gà mái này nhá, béo lắm đấy, vừa đẻ một lứa, chim ra ràng gà mái ghẹ là ngon nhất, tối chợ rồi em bán rẻ cho, cứ yên tâm con này béo lắm, anh nhìn xem mào đỏ chon chót đây này. À cổ vẹo vì nó bị chèn trong lồng chật quá đấy mà, may còn chưa đạp nhau gẫy chân đấy. À, mà nó vẫn đói nguyên nhá, anh sờ mà xem, diều nó mềm nhũn đây này, chứ mua chỗ khác thì mất cái diều vài ba lạng. Miệng nói tay nắn chỗ cái diều to phồng mềm nhũn của con gà, trong khi cổ nó vẫn ngoẹo sang một bên, mắt lờ đờ. Ông khách cứ ngẩn ra nghe chị ta nói và mắt nhìn chăm chú vào con gà. Đúng ra là ông khách không kịp nói chen vào, mà còn biết nói gì nữa vì chị bán gà nói đúng quá rồi. Cuối cùng ông khách hỏi con gà bao nhiêu tiền.
Ông khách đi khỏi, chị bán gà lục bị cói lấy chai nước rửa tay dính đầy lông gà và mảnh vỏ ớt đỏ rực. Gói ớt chỉ thiên rơi theo vãi xòa ra nền đất.
Trong dãy hàng gà vịt bà bán được ít nhất. Các hàng bên cạnh không thích bà bởi tính thẳng, bán đúng giá, gà vịt có gì nói đấy. Chợt nghĩ đến ông khách mua gà, tôi mong con mái hoa mơ không chết trước khi bị cắt tiết.
Hôm sau đến lớp, nghe cái Vân kể chuyện vợ chồng hàng xóm nhà nó cãi nhau, vì ông chồng đi chợ mua phải con gà rù, mang về đến nhà nó chết thẳng tưng cứng cựa, không kịp cắt tiết. Bà vợ mắng xối xả, rằng chả biết cái gì cứ suốt ngày thơ với văn, ra chợ mắt cứ tít lên con đĩ bán gà nói như nào cũng nghe. Ông chồng nói, mình đun nước thịt luôn đi, lúc mua con gà đã chết đâu. Bà vợ nói to hơn, thế thịt gà rù ngon hay gà lành thì ngon, số tôi khổ vớ phải ông chồng trên mây trên gió. Nghe tiếng cánh cửa đóng sầm, tiếng lục cục dao thớt dưới bếp, chắc bà vợ đun nước làm lông con gà chết. Kể xong, cái Vân hỏi, cậu có bà nội bán gà ở chợ phải không? Tôi cãi ngay, bà tớ không bán gà rù, nhá. Cái Vân không biết là tôi tự hào về bà biết bao nhiêu, tôi xuýt giận nó, may mà nó kịp xin lỗi tôi. Chợt nhớ nhiều lần bà bảo tôi trời đất, buôn bán có nhân quả hết, cứ đúng mà làm thì chẳng sợ gì.
Mùa đông năm ấy, sương muối kéo dài, gà lây nhau rù, đang chạy nhảy mổ thóc ở sân bỗng quay tròn mấy vòng như lên đồng rồi lăn ra chết, khi mổ thịt vẫn trắng phau nhưng máu đọng đầy bụng. Mẹ tiếc xót xa lẩm bẩm, thế là mất cái Tết rồi. Trên đường đi học về tự dưng tôi nghĩ đến đàn gà của bà. Chạy sang, bà đang nhồi cơm tỏi cho gà ăn. Xong bà vào bếp trút hết gà kho gừng vào cặp lồng bảo tôi mang về. Lúc đi qua cỗ quan tài tôi lục xem na và chuối dấm chín chưa. Đấy ngay cả việc bà mua sẵn cỗ quan tài cũng là chuẩn bị chu đáo cho ngày chết. Tôi kêu lên, bà ơi cả na và chuối chín nhũn rồi. Bà nói giọng tiếc rẻ, thôi chết bà quên đấy, xem quả nào còn ăn được thì mang về cho em ăn với, vứt đi phí hoài. Về nhà, chưa kịp nói gì thì mẹ quát ầm ĩ, mày chơi bời ở đâu mà đến bữa không về ăn cơm? Mẹ xem cái túi quả tôi mang về và lẩm bẩm, quả ngon lành thì không cho, sắp thối nhũn ra vứt đi thì tiếc, không ăn nổi thì mới cho chứ gì. Tôi bảo mẹ là tại bà quên. Mẹ quát, im ngay, nói leo tao cho mấy roi đấy, nhớ chưa, ai cho phép mày ăn cơm mèo nói leo các cụ.
Tôi len lén mang cặp lồng thịt gà xuống bếp, không biết vì sao mẹ nổi giận. Mẹ quát lớn, mày lại mang cái gì về nhà thế. Tôi bảo bà cho thịt gà kho. Hừm chắc lại gà rù chết chứ gì, chứ tự dưng bà mày thịt gà đâu, gà nào bà mày chả mang chợ bán, tao lạ gì. Tôi cãi mẹ, bà muốn ăn gà thì thịt, không phải đợi gà rù mới thịt như nhà mình. Mẹ nổi giận, mày dám cãi à, nhỡ gà rù lây sang gà nhà thì sao. Đứng im cho mẹ quật hai roi, không khóc mà trong lòng ấm ức, tôi không đáng bị đánh đòn. Tôi nghĩ mẹ không công bằng với bà. Mãi sau này tôi mới ngộ ra, người ta làm khổ nhau chỉ vì không chịu hiểu nhau.
Tiết lập đông, sương muối lạnh buốt cắn vào tận xương. Hành lang bệnh viện vắng tanh. Cô bác sĩ trẻ bước ra từ buồng hậu phẫu, tay bê khay, trên có gói vuông bọc vải trắng rảo nhanh về cuối hành lang, nơi nhà xác. Lát nữa, cô sẽ đặt cái gói này lên mặt cái bàn kẽm lạnh lẽo, rồi lấy lồng bàn sắt úp lại. Nga tốt nghiệp bác sĩ, vừa đi làm được mấy ngày, khoa sản thiếu người phải kiêm luôn việc hộ lí. Đầu giờ chiều ông Ky lùn sẽ đến để mang cái xác trẻ sơ sinh này đi chôn. Ông Ky lùn có nước da sần sùi đỏ ửng như vỏ cam sành, thân hình kì dị, vai u gồ lên, người lùn tịt, chân ngắn vòng kiềng bước đi khuỳnh khoàng như con gấu. Vật bất li thân của ông là chai rượu và cái thuổng đào đất. Ông đào cái hố nho nhỏ chôn xác trẻ sơ sinh ở mảnh vườn rộng ở cuối bệnh viện, nơi tiếp giáp với cánh đồng. Rảnh rỗi, ông rấp dây lang, vồng lá xanh um thì cắt về nuôi lợn, cuối vụ đào thúng củ đỏ tía béo mẫm. Sáng nay ông Ky lùn không đến, cho nên bác sĩ Nga phải đưa đứa trẻ sơ sinh ra nhà xác, làm thay ông Ky Lùn. Đôi khi ông cũng bận việc nhà, vắng buổi sáng nhưng chắc chắn buổi chiều ông có mặt. Chưa khi nào ông vắng mặt ở khoa Sản quá một ngày, kể cả lễ tết. Không biên chế, nhưng mọi người đều coi ông là nhân viên khoa Sản.
Bác sĩ Nga đang mở khóa cửa nhà xác thì có tiếng gọi thất thanh, bác sĩ ơi đợi tôi. Người đàn bà cỡ tuổi sáu mươi hớt hải chạy tới, trên khuôn mặt trái xoan lăn tròn những giọt mồ hôi. Bà nói trong nước mắt, xin cô cho tôi nhìn mặt cháu tôi. Cô bác sĩ nói vẻ thông cảm, con bé chết rồi, bà xem làm gì. Bà năn nỉ, cho tôi nhìn mặt cháu tôi lần cuối, con đầu cháu sớm cô ạ.
Cô bác sĩ miễn cưỡng mở gói vải trắng ra, trong bọc là một bé gái nhỏ xíu trắng nhợt như con cá mắc cạn, đầu trọc lốc chỉ to hơn cái bóng đèn, mắt nhắm nghiền. Bà nhìn mặt cháu gái hồi lâu như muốn ghi nhớ hình ảnh cuối cùng của bé. Chợt bà có linh cảm như môi bé còn vương chút sinh khí. Bất giác, bà đưa tay lên đầu nhổ một sợi tóc để ngang mũi đứa bé. Sợi tóc động đậy, bà mừng rú lên ôm lấy cái gói vải từ tay bác sĩ, trời ơi cháu tôi còn sống, cô đưa giả cháu tôi đây. Cô bác sĩ giằng lại, chiếc khay rơi xuống nền gạch lạnh lẽo xoảng lên một âm thanh chói tai. Bà áp chặt cháu gái lạnh toát vào ngực, hổn hển nói giọng van vỉ, cháu tôi còn sống, tôi xin cô đấy, cô cho tôi xin một lọ sâm Cao Ly. Bác sĩ Nga từ tốn giảng giải, từ hôm đẻ ra đến nay ba ngày rồi, không bú, không ỉa đái, không khóc, sao mà sống được, bà đưa đây tôi làm nốt cho xong việc nào.
Bà vẫn ôm chặt cháu vào ngực, hà hơi thổi vào miệng bé, giọng năn nỉ, tôi xin cô đấy, cháu tôi vẫn còn thở, cô cho tôi xin lọ sâm nước, may ra cháu tôi được làm người. Cô bác sĩ liếc ra hành lang vắng lặng, cúi xuống nhặt cái khay. Bác sĩ Nga nói, bây giờ bà bế cháu theo tôi về phòng thuốc. Bác sĩ đưa cho bà lọ sâm nước và dặn, bây giờ bà nhỏ một giọt, cứ sau một tiếng đồng hồ thì nhỏ tiếp một giọt, cầu may thôi bà ạ, nếu con trai còn có sức, đằng này là con gái, lại có cân hai cả tã lót, con gái bảy tháng không sống được đâu, à bà nhớ sưởi ấm cho con bé nhá, rét thế này người lớn cũng chết rét ấy chứ, có thế nào bà cứ gọi, nay cháu trực. Giọng cô bác sĩ đã mềm mại thân tình hơn. Bà mừng quýnh như vớ được vàng, vâng cô cho tôi xin, cảm ơn cô, cầu giời cầu Phật may ra thì cháu tôi sống được. Bác sĩ vừa quay vào sắp sếp các lọ thuốc trong tủ, bà liền nhỏ vào cái miệng bé tí xíu như lỗ đồng xu ba bốn năm giọt liền, bà không đếm số giọt. Bà linh cảm cháu gái bà sẽ sống làm người.
Bế con bé về phòng, liếc nhìn con dâu trẻ đang vùi mặt vào chăn khóc nức nở vì ngỡ con gái đã chết. Bà im lặng, hối hả lục túi đồ lấy áo len, chăn bông quấn cho cháu. Bà chạy đi xin hai chai nước truyền đã dùng hết, đổ nước nóng vào, kẹp hai bên sườn cháu gái, dùng tã khéo léo buộc lại. Hai chai nước nóng cùng con bé trong bọc tã lót chăn bông, bế mới vừa tay.
Khi cầm chắc cháu gái đã được ấm áp trong chăn bông, bà mới bảo con dâu, từ mai tao không đi bán hàng nữa, tao ở nhà bế con bé cho, chẳng may hôm nay con bé mà chết thì bố nó giết tao. Làm mẹ gì mà vụng thối vụng nát, mấy ngày giời con bé không hột sữa vào người chẳng đói lả đi à, may mà tao đến kịp…!!!
Từ lúc ấy mắt bà không rời cháu một giây nào, tay khư khư cầm chai sâm nước liên tiếp nhỏ giọt vào cái miệng bé tí xíu, mỗi phút cảm giác môi con bé hồng lên và như động đậy. Sáu tiếng đồng hồ nặng nề trôi qua ngỡ như dài bằng sáu năm. Bà hồi hộp không dám mừng khi thấy môi cháu gái hồng lên màu sự sống. Mặc kệ sự mong chờ thắt ruột thắt gan, con bé nằm im lìm trong bọc tã. Chốc lát, cô bác sĩ lại chạy sang hỏi han sao rồi bà. Chai nước hơi âm ấm, bà mở bọc tã thay chai nước nóng. Bà bế cháu gái nhẹ nhàng ấp vào ngực, cái bọc cựa quậy rồi ọ ẹ, rồi oe oe.. bà mừng rỡ chạy sang phòng trực, ôi bác sĩ ơi cháu tôi khóc rồi, cháu tôi sống rồi…
Sau này nghe mẹ kể, nhâm nhẩm đau bụng nghĩ động thai, ngờ đâu vừa đến viện tôi chui tọt ra. Sau vụ xuống nhà xác hụt ấy suốt ba tháng trời ròng rã, mẹ và bà thay nhau ôm tôi cả ngày lẫn đêm, không dám đặt xuống giường sợ tôi chết rét. Tôi không chịu bú. Cả tháng trời, mẹ phải vắt sữa ra bát và bón bằng thìa, miệng tôi lại nhỏ xíu, nên sữa cứ trào ra ngoài. Bà mắng mẹ, đần và vụng thế không biết cho con bú mà cũng đẻ. Sau này, cả đời mẹ không quên câu mắng ấy dù mẹ đã đẻ thêm hai đứa em nữa. Mẹ tự ái ghê lắm, sau này mẹ cứ nhắc lại suốt. Vì thế tình cảm mẹ chồng nàng dâu vốn đã lỏng lẻo nay thêm xa cách. Tôi không hiểu người lớn, khi nào cũng nói bận rộn bao việc vậy mà cứ nhớ linh tinh vớ vẩn. Tôi lớn lên trong nỗi mong bà, tôi buồn khi bà không đến nhà tôi chơi, bà không bao giờ ăn cơm nhà tôi, mà chỉ ngang qua đưa cho lũ cháu quả na, chùm nhãn, nải chuối, xong là về luôn. Mẹ lên nhà bà khi tết nhất giỗ chạp. Ngày thường có gì liên quan đến bà thì mẹ có tôi và bố để sai khiến. Trẻ con chóng quên, tôi vẫn yêu bà và không hiểu nổi tại sao mẹ không yêu bà như tôi.
Vào mùa mưa, nhà tôi dột trong nhà như ngoài sân. Mái nhà tôi lợp bằng ngói phế phẩm, loại ngói cong vênh, cháy sém đen xì mà bố xin mua ké khi xây trường. Nếu mưa không gió thì dột vài chỗ, có gió nước mưa hắt qua chỗ hở xiên xuống, trong nhà thành ngoài trời. Mẹ bắc thang trèo áp mái, bố cầm cái sào dài ngoẵng kẹp mảnh giấy dầu, ni lông, mảnh nứa đưa lên để chèn vào. Bố cau có nhăn nhó, mẹ quát inh om, cả nhà cứ ầm ĩ át cả sấm chớp mưa gió. Tôi xem chỗ dột nước chảy ồ ồ xuống thì lấy xô chậu thùng hứng, đầy bê đổ ra sân. Lần nào mưa xong bố cũng nói gắng xây lấy gian nhà. Mẹ lo lắng bảo đào đâu ra tiền, vay nợ thì không dám, cũng không ai có cho nhà mình vay, mà vay rồi phải nghĩ làm gì ra để trả. Tháng có vài đồng lương chưa hết tháng đã hết tiền, ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, tôi chịu thôi. Nói xong, mẹ lấy ủng lội ra vườn rau.
Bố ngồi thừ bên chén trà nguội ngắt, bắt đầu tính toán làm theo kiểu của mình, mua gom từng xe cải tiến xỉ than, vài cân xi măng và vôi. Mỗi chiều từ trường về, bố mải miết trộn vữa đóng gạch, cần mẫn như kiến tha mồi, từng ki gạch xỉ cũng lớn dần theo năm tháng. Đống đá dành để bổ móng đổ ở gốc ổi là mua rẻ của mấy chú công nhân công trường mang bán trộm, chị em tôi trèo lên đống đá là với tới chùm ổi chín. Khi đào hố tôi vôi cạnh đống đá, bố cấm tiệt không cho trèo ổi. Tôi không biết khi nào bố đủ tiền xây nhà.
Bất ngờ, sáng chủ nhật bà xuống nhà tôi. Bố đang đóng gạch ngẩng lên hỏi, nay bà không đi chợ à. Bà bảo nay có tí việc nên nghỉ chợ, chị em cái Vy đâu rồi, Vy ơi, vừa gọi bà vừa lật chiếc mẹt nhỏ lục trong thúng, đưa cho chị em tôi túm vải thiều và cái chân giò lợn. Trước khi cất gánh lên vai bà nói với bố, anh làm gì cũng phải giữ sức khỏe đấy, thiếu đâu tôi bù cho anh chị, đổ cái mái chắc chắn vào cho nhà khỏi dột. Vy ơi, chiều lên bà nhờ việc này nhé.
Tôi lên nhà bà lúc đầu giờ chiều. Bà đưa tôi xem xấp giấy ghi nợ bằng những tờ giấy vở học sinh và bảo đi đòi tiền. Bà dặn từng địa chỉ và bảo đến gặp người ta thì nói như thế này… Tôi đến nhà ông Thiện thợ mộc, gọi cửa và phải đợi lúc lâu cánh cửa mới mở, và cái đầu bù xù râu tóc của một ông già nhô ra, tay cầm cái bào sắc lẹm, trên bàn mộc có thanh gỗ bào dở. Tôi chào ông và nói mình là ai, rồi đưa mảnh giấy ghi nợ, nói thêm bà cháu bị mệt, ông cho cháu xin lại số tiền đã vay. Ông dừng tay bào và nói hiện giờ ông không có tiền, về nói lại với bà khi có tiền ông sẽ mang sang, không phải đến đòi đâu. Tôi nhìn trong nhà thấy bàn ghế giường tủ đẹp đẽ, chắc ông không túng thiếu. Tôi còn đến vài địa chỉ nữa, tất cả họ đều nói không có tiền hoặc không có ý trả nợ. Tôi nghĩ có khi vì bà đã già, sống một mình, thân cô thế cô dễ bắt nạt, sau này lớn tôi mới biết cho vay tiền thì dễ nhưng đi đòi thì khó lắm, có khi mất cả bạn bè họ hàng.
Tôi về, đưa lại tập giấy vay nợ, bà chọn một cái đưa cho tôi bảo về đưa bố. Tôi đọc tờ giấy thấy ghi nợ vay sáu thuyền muối, quy ra vàng là bốn lạng, thời điểm vay tháng 1 năm 1940, người vay nợ ở Tuyên Quang. Bố tôi cầm giấy lên Tuyên đòi nợ, nhưng người vay đã chết, con trai ông ấy nói không biết gì chuyện nợ nần này. Sau mấy ngày, bố tôi trở về với vẻ mệt mỏi. Mẹ cáu kỉnh nói, bà có tiền cứ giắt kĩ vào vành váy, keo kiệt với con cháu, nghe thiên hạ nịnh nọt lừa cho hết tiền. Bố nghe mẹ ca cẩm, liền than vãn khổ thân bà cụ, ăn chả dám ăn tiêu chả dám tiêu, cả đời ki cóp cho cọp nó xơi. Lão Thiện thợ mộc bất nhân nhất cầm của bà cụ năm triệu đồng, lấy trừ nợ cỗ quan tài bảy tám trăm ngàn đắt khét ra, còn lừa gỗ vàng tâm, tâm gì mà tâm có mà cho mọt gặm. Tính ra ban đầu bà cụ hùn vốn mua gỗ làm chung, lão ấy đóng đồ rồi bán chia lãi, lão ấy tệ ở chỗ là lừa bà cụ cả vốn lẫn lãi.
Mẹ hỏi, thế chỗ con mụ Mai bác sĩ thì sao, cũng cầm kha khá tiền của bà đấy thôi. Bố giải thích, thì bà cụ cho mụ Mai vay tiền là nể mà cho vay thôi, vì bà muốn tiêm thuốc bổ thì lại nhờ mua thuốc, rồi gọi mụ Mai sang tiêm hộ. Khi nhờ người ta thì được chả nhẽ khi người ta hỏi vay tiền lại không cho. Cũng tại mẹ mày không qua lại, bà mới phải nhờ người ngoài. Mẹ lừ mắt lườm nguýt bố, không đáp lời. Rồi chừng như biết lỡ lời, bố nói lảng, à mẹ nó này, hôm rồi bà đưa thêm tiền đổ cái mái bằng đấy, bà nhắc đừng tiếc tiền, nếu thiếu bà đưa tiếp, phải xem thợ làm cho chắc chắn chẳng có mưa lại dột. Nói xong bố im lặng, vì biết nói thêm câu nữa là cãi nhau, nhịn cho êm nhà cửa, nói thế là mẹ tự biết.
Hôm đổ mái nhà, bà mang đến cân gạo nếp, con gà làm sẵn, nải chuối, chùm vải thiều, gói hoa ngọc lan và dặn đồ xôi luộc gà, thắp hương thổ công trước, sau rồi ăn. Tôi hỏi, trưa bà qua ăn cơm ạ? Bà bảo bố con nhà mày cứ ăn cơm đi, bà còn răng đâu mà ăn thịt gà, bà có bún và bánh đúc rồi, mà cũng tiện cả cho lũ gà vịt nữa. Bà nói tôi mới nhớ bà gãy hết răng chỉ nhai bằng lợi không, miếng gì ngon bà cũng chẳng cần.
Tôi cứ nằn nèo mượn bằng được cuốn tạp chí, vì đã quen nhẵn mặt tôi nên dù khó tính thì cô nhân viên thư viện trường cũng đồng ý. Tôi giấu cuốn tạp chí xuống dưới chồng sách giáo khoa, chứ để trong cặp sách, lũ em mà lục thấy lôi ra mách bố thì tôi chết đòn. Bố cấm tôi đọc sách, sợ tôi sao nhãng việc học.
Chủ nhật, mấy mẹ con ngồi xúm xít trò chuyện và chải tóc bắt chấy. Tôi bảo mẹ, con biết tại sao bà nói mẹ vụng thối vụng nát rồi. Mẹ lườm, mày biết gì, chỉ nói leo là giỏi. Tôi vội nói, con biết thật mà, là do con đọc cái này, mẹ đọc đi. Tôi đưa cho mẹ cuốn tạp chí Tài hoa trẻ, mẹ đọc trang bốn mươi lăm nhá, bài ‘‘Cách chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông.’’ Mẹ cầm cuốn tạp chí và cắm cúi đọc, mặc kệ mấy chị em tôi vẫn chí chóe trêu nhau. Đọc xong tôi thấy mẹ ngồi thừ ra chiều suy nghĩ, nét mặt mẹ dịu hẳn xuống, mẹ hỏi tôi mượn sách ở đâu.
Đêm khuya, đã lên giường nằm nhưng chưa ngủ, tôi nghe lỏm mẹ nói nhỏ với bố. Bao nhiêu năm tôi oán bà nội là không phải mình ạ. Tôi đọc bài báo này mới biết, thế ra là hồi mới sinh con Vy không biết bú là vì trẻ sinh thiếu tháng cơ hàm chưa phát triển, môi nẻ, trời mùa đông ấy lại lạnh quá. Bà nội có mắng tôi vụng thối vụng nát, nói ra thì cũng đúng, vậy là bao nhiêu năm đã qua…! Mẹ bỏ lửng câu nói rồi thở dài. Bố bảo, sắp đến giỗ đầu bà rồi đấy, đúng là sống thì lâu chết chẳng mấy chốc…!
Đêm ấy, tôi mơ thấy bà thong thả bước thư thái nhàn hạ, che trên đầu là chùm hoa phượng nở đỏ thắm. Dưới lòng sông con nước lũ đỏ ngầu dềnh lên, nước mấp mé chực vỗ mặt đê. Mẹ bảo, cả nhà này chỉ có con Vy là mơ thấy bà về, như thể bà nội chỉ là của nó thôi.