Dịch giả Vy Nguyễn, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, rút trong tập “Những lá thư viết từ cối xay gió” của nhà văn Pháp Alphone DAUDET.
Đêm ấy, tôi không sao ngủ được. Gió Mistral* như cơn cuồng phong giật từng hồi nổi giận, và những tiếng gào thét của nó làm tôi thao thức cho đến tận sáng. Lắc lư một cách nặng nề, cây quạt gió quay thiếu cánh phát ra nhưng âm thanh tựa gió bấc gào, giống hệt cánh buồm con thuyền bị gió giật bay tả tơi, toàn thân chiếc cối xay gió rung lên kêu răng rắc. Những viên ngói bị gió xới lật bay khỏi mái nhà rơi tứ tung. Phía xa xa, trên ngọn đồi, những cây thông chen chúc nhau, nghiêng ngả, xào xạc trong đêm. Với cảnh tượng ấy, chúng ta ngỡ mình đang bồng bềnh ngoài biển khơi…
Chính điều này, làm tôi nhớ lại chứng mất ngủ kinh niên hàng đêm của tôi cách đây ba năm về trước, khi ở trên ngọn hải đăng thuộc quần đảo Sanguinaires, địa phận bờ biển Corsican, sát lối vào Vịnh Ajaccio.
Ở đây, với tôi cũng còn là một góc chiêm ngưỡng tuyệt đẹp mà tôi đã tìm thấy để mộng mơ và tĩnh lặng.
Bạn hãy tưởng tượng đó là một hòn đảo màu đỏ nhạt với dáng vẻ bề ngoài hoang sơ; ngọn hải đăng ở đầu mũi, tòa tháp Giê-noi cổ kính tọa lạc ở phía bên kia, nơi vào thời của tôi, có một con đại bàng vẫn đậu trên đó. Bên dưới, sát mép nước, là một cái nhà trại hủi đổ nát, cỏ mọc um tùm khắp nơi; ở trên nữa là những khe thung lũng nhỏ hẹp, bụi cây, những tảng đá lớn, một vài con dê hoang, những chú ngựa giống nhỏ Corsican đang nô đùa tung bờm trước gió; cuối cùng ở tận tít trên cao, giữa xoáy lốc chim biển, là ngọn hải đăng, móng bệ được xây và quét vôi màu trắng, chỗ này, những người gác đèn thường đi lại dạo chơi, cánh cửa vòm màu xanh lá cây, ngọn tháp nhỏ bằng gang, và trên cùng là chiếc đèn lồng cỡ lớn, có kết cấu nhiều mặt, phản quang với ánh nắng trời, thậm chí ngay cả khi ban ngày…. đó là quần đảo Sanguinaires, hệt giống như tôi đã nhìn thấy tận mắt trong đêm nay, trong âm thanh gầm rít như bão của rừng cây thông. Chính trên hòn đảo đầy mê hoặc này mà trước kia khi chưa có cối xay gió, tôi đã vài lần lên giam mình trên đó để hít thở bầu không khí trong lành, và tìm nơi tĩnh tại.
Thời gian đó tôi đã làm gi?
Công việc mà tôi làm ở đây, thậm chí còn ít hơn. Mỗi khi gió bấc hoặc gió mistral thổi không quá mạnh, tôi thường đến đứng giữa hai tảng đá sát mép nước giữa bầy chim mòng biển, sáo, nhạn và cứ tư thế ấy gần như cả ngày với tâm trạng sững sờ, đê mê, sung sướng hơn là thú ngắm biển, trời. Bạn chắc hiểu cho tôi, đúng không? Chúng tôi không nghĩ thậm chí cũng chẳng mơ mộng gì hơn. Toàn bộ thân xác của bạn bỗng phân rã, tan biến đi. Chúng ta chỉ là con mòng biển đang ngụm lặn, là làn sương mỏng tang trôi nổi bồng bềnh dưới ánh nắng mặt trời giữa hai đợt sóng, là làn khói trắng mong manh của con tàu chở khách đang rời bến, là thằng nhỏ ngụm lặn lấy san hô với mảnh vải đỏ phất phơ trên tay, là hạt sương mỏng manh, là tất cả, loại trừ thân xác chính mình… Ôi! Tôi đã trải nghiệm những giây phút đẹp đẽ, mơ mộng như thế trên hòn đảo của mình!…
Những ngày gió lộng, không thể đứng trên lan can tàu được, tôi giam mình trong cái sân của trại hủi, một khoảng sân nhỏ sầu thảm, đầy mùi thơm hoa hương thảo và ngải cứu dại, và cũng chính ở đó, tôi ép người vào mảng tường cũ, để cho cái mùi thơm huyền ảo ấy bung, lan ra, rồi nhấm nháp nỗi buồn đang nhẩy múa dưới tia nắng mặt trời trong những túp lều xếp bằng đá, cửa nhìn ra bốn xung quanh, hệt những khu nhà mồ cũ. Đôi khi nghe có tiếng đập cửa, tiếng bước chân di chuyển trên cỏ… đó là con dê đến tránh gió gặm cỏ. Khi thấy tôi, nó sững sờ dừng lại, lặng im trước mặt tôi, vẻ mặt hoạt bát, đôi sừng vểnh lên, nhìn tôi với ánh mắt ngơ ngác…
Khoảng năm giờ chiều, qua thông báo của bộ phận gác đèn, tôi biết đã đến giờ ăn tối. Và rồi, men theo lối mòn quanh co xuyên qua các bụi rậm trùm phủ sát ra ngoài mặt biển, tôi thong thả quay trở lại ngọn hải đăng, tôi có cảm giác dưới mỗi bước chân tôi đi lên, phía dưới như mở rộng ra trên nền trời bao la sóng nước và ánh sáng dường như được trải rộng ra theo mỗi nhịp bước chân tôi.
Ở trên này thú vị. Tôi còn thấy cái phòng ăn đẹp này được lát những phiến đá hoa rộng, tường ghép gỗ sồi, ở giữa nhà nồi súp cá đang nghi ngút khói, cửa lớn mở rộng trông ra vườn hoa bài trí bằng cảnh vật nhũ đá, tất cả loang lổ nhuốm màu của cảnh chiều tà… Những người thợ gác đèn đã có mặt ở đó, đang chờ tôi để bắt đầu khai bữa. Họ cả thẩy có ba người, một người là người Marseillais, còn hai người kia là người Corsican, cả ba đều thấp bé, râu rậm, cùng có khuôn mặt thô ráp, nứt nẻ, và đều khoác áo lông dê, dù vậy, dáng vẻ và tâm tính họ lại hoàn toàn trái ngược nhau.
Qua phong cách của những người này, chúng tôi cảm nhận được ngay sự khác biệt giữa hai chủng tộc. Người Marseillais thì khéo léo, sôi nổi, luôn chân luôn tay, lúc nào cũng bận rộn, chạy quanh đảo từ sáng đến tối, làm vườn, câu cá, thu lượm trứng gà đẻ hoang, phục kích trong các bụi rậm để bắt một con dê cái khi nó đi ngang qua để vắt lấy sữa; đặc biệt, họ luôn luôn mang bên mình món sốt tỏi hoặc xúp cá khi ra khỏi nhà.
Người Corsican thì lại khác, ngoài công việc ra, họ hoàn toàn không quan tâm gì khác; họ tự coi mình như những công chức, và khi có thời gian rảnh trong ngày, họ chỉ ngồi bó gối trong bếp chơi bài thâu đêm, và chỉ dừng tay để châm thuốc với vẻ mặt nghiêm túc hoặc dùng kéo cắt vụn những sợi thuốc to màu xanh trong lòng bàn tay…
Ngoài những đặc tính trên, cả ba dòng tộc gốc Marseillais và Corsica đều là những người tốt, giản dị, ngây thơ và ân cần với khách, cho dù qua ý tứ, vẫn thấy họ tỏ ra là một mẫu quý ông khác lạ…
Thôi hãy gác lại chuyện đó! Xin mời đến cận cảnh trong ngọn hải đăng để giải tỏa hiếu kỳ!… Chỉ những người gác đèn biển mới cảm nhận được thời gian những ngày nghỉ là dài và mới sung sướng như thế nào khi đến lượt mình được lên đất liền… trong những mùa biển lặng thì niềm hạnh phúc ấy đến với họ đều đặn hàng tháng. Mười ngày trên đất liền sau ba mươi ngày làm việc trong ngọn hải đăng, đó là theo quy định; nhưng vào mùa đông và mỗi khi thời tiết xấu thì chẳng còn quy định nào cả. Gió thổi, sóng dâng cao, quần đảo Sanguinaires phủ bọt trắng xóa, những người gác đèn vẫn phải mắc kẹt hai ba tháng tiếp theo, thậm chí nhiều lúc còn rơi vào tình cảnh khủng khiếp.
“Đây là điều đã xảy ra với bản thân tôi, thưa ông” – có một lần, ông già Bartoli đã kể lại với tôi, khi chúng tôi đang ăn tối – “nó đã đến với chính tôi cách đây năm năm, cũng ngay tại chiếc bàn chúng ta đang ngồi, vào một buổi tối mùa đông, giống như bây giờ. Tối hôm đó, chỉ còn hai chúng tôi ở ngọn hải đăng, tôi và một đồng nghiệp, anh Tchéco… Còn những người khác đang ở trên đất liền, người thì ốm đau, người thì đang nghỉ phép, tôi cũng không rõ nữa… Chúng tôi sắp kết thúc bữa tối, một cách yên bình… thì đột nhiên, anh bạn tôi ngừng ăn, nhìn tôi với ánh mắt kỳ dị! Rồi đột nhiên ngã gục xuống bàn, hai tay giang ra chới với. Tôi nhoài người sang bên anh, lay, lắc, tôi gọi:
– Này…! Làm sao thế! Ché ơi…
Chẳng có phản ứng gì hết, và anh ấy đã chết… Bạn có thể phán xét tùy theo mức độ xúc cảm nào đấy. Tôi đứng thần người ra như kẻ mất hồn hơn một tiếng đồng hồ, run rẩy trước cái xác này, rồi một ý nghĩ chợt đến: ‘Hãy đốt đèn biển lên!’. Tôi chỉ có đủ thời gian trèo vào trong cây đèn làm theo mệnh lệnh ấy. Đêm đen đã bao trùm trong đó… Tối như hũ nút, thưa ngài! Biển và gió không còn hiền hòa như khi bình thường nữa. Lúc nào tôi cũng có cảm giác như có ai đó đang gọi mình từ phía dưới cầu thang. Theo đó, cùng lúc là cơn sốt, cơn khát ùa đến! Nhưng mà không thể làm tôi ngã gục… Tôi rất sợ người chết. Tuy nhiên, khi trời hừng sáng, lòng dũng cảm đã giúp tôi bình tĩnh trở lại. Tôi bế anh ấy đặt lên giường; lấy tấm ga đắp phủ lên trên, làm dấu thánh giá cầu nguyện, rồi nhanh chóng phát tín hiệu báo động.
Thật khủng khiếp, biển động dữ dội quá; tôi gọi khản giọng, gọi mãi mà chẳng một ai đến… Chỉ mình tôi ở đây, trong ngọn hải đăng này với Tchéco tội nghiệp của mình, và chỉ Chúa mới có thể biết còn phải đợi bao thời gian nữa… Tôi hy vọng có thể để anh ấy ở bên mình đến khi có tàu thuyền cập đảo! Nhưng trong vòng ba ngày nữa thì chẳng thể có được… phải làm sao đây? Chuyển anh ấy ra ngoài? Hay là chôn anh ấy ở đây? Đá trên đảo quá cứng và quạ nhiều quá. Chính lòng vị tha đã giúp tôi không thể bỏ một tín đồ cơ đốc này lại cho lũ quạ được. Vậy là, tôi nghĩ ngay đưa bạn tôi vào một trong những túp lều của trại hủi… Công việc bất đắc dĩ và không mấy vui vẻ này đã làm tôi mất hẳn cả buổi chiều, và tôi cũng xin trả lời với ông rằng cần phải có thêm lòng can đảm nữa. Vâng! Thưa ông, thậm chí đến ngay cả hôm nay, khi tôi đã an tọa phía bên này hòn đảo vào một buổi chiều gió lộng, tôi vẫn cảm thấy như mình đang vác một xác người chết trên vai…”
Thật tội nghiệp cho ông già Bartoli! Mồ hôi trên trán ông vẫn túa ra, mỗi khi nhớ về chuyện ấy.
*
Những bữa ăn của chúng tôi thường kéo dài bởi những câu chuyện về: ngọn hải đăng, biển cả, những vụ đắm tàu, những mẩu chuyện về các vụ cướp trên đảo Corses… Rồi khi đêm xuống, người gác ca đầu tiên thắp cây đèn xách tay lên, cầm lấy mũi dáo, cái cốc, chiếc mặt nạ Plutarque có viền tua màu đỏ, quyển số nhật ký Sanguinaires rồi mất hút vào phía bên trong. Một lát sau, khắp ngọn hải đăng vang động do va chạm của những sợi dây xích, ròng rọc puli chuyển động, âm thanh lên dây cót của chiếc đồng hồ quả lắc.
Còn tôi, lúc này, tôi leo lên sân thượng ngồi hóng mát. Mặt trời đã xuống rất thấp, càng lúc càng chìm sâu xuống mặt biển hơn, để lại sau nó là toàn bộ đường chân trời. Gió mỗi lúc một mạnh thêm, cả hòn đảo chuyển sang màu tím nhạt. Trên bầu trời, ngay sát đầu tôi, một con chim lớn nặng nề bay qua: đó là con đại bàng từ tháp Genoa đang quay trở lại… Phút chốc, sương mù trên biển cuộn dâng lên. Lúc ấy, chúng tôi không còn nhìn thấy gì ngoài đường viền bọt biển trắng xóa bao bọc xung quanh hòn đảo… Đột nhiên, trên đầu tôi, một luồng ánh sáng dịu êm bừng lên. Ngọn đèn biển đã được thắp sáng. làm toàn bộ hòn đảo chìm trong đêm đen, luồng tia sáng chiếu rọi vọt tít ra khơi xa, và ở đó, tôi cũng bị chìm ngập trong bóng đêm, dưới luồng ánh sáng khi nó quét chiếu lướt qua tôi… Nhưng gió vẫn còn thổi mạnh lắm. Chúng tôi phải quay lại. Mò mẫm đường đi, tôi đóng cánh cửa lớn lại, chốt chặt song sắt; rồi, mò mẫn, lần theo chiếc cầu thang nhỏ bằng gang rung lắc và kêu vang dưới chân, cuối cùng tôi cũng lên được đỉnh ngọn hải đăng. Ở trên đây, đã thấy có chút ánh sáng.
Bạn hãy tưởng tượng cây đèn Carcel khổng lồ với sáu hàng bấc, các mặt đèn được xoay xung quanh một cách từ từ, một số mặt bên này có tấm kính lớn bất động che chắn, còn các mặt bên kia nhìn ra trước một tấm kính lớn được chốt chặt để che không cho gió lùa làm tắt ngọn đèn… Vừa bước vào trong, tôi đã bị lóa mắt. Những đồ bằng đồng này, những hộp thiếc này, những phản chiếu lấp lánh của vật dụng kim loại màu trắng này, những mảng tường pha lê bom bê tạo thành những vòng tròn lớn màu xanh lam, tất cả sự huyền ảo lung linh ấy, cùng với những tia sáng nhấp nháy này gây cho tôi cảm giác chóng mặt.
Tuy vậy, rồi thì dần dần, tôi cũng quen với khung cảnh này, tôi đến ngồi ở sát dưới chân cây đèn, cạnh bên người gác, đang đọc to tác phẩm của Plutarch để khỏi bị ngủ quên…
Bên ngoài là màn đêm, vực thẳm. Trên chiếc ban công nhỏ được bao bọc bởi tấm kính, gió rít lên gào thét như điên dại. Ngọn hải đăng rung lên kêu răng rắc, biển gầm thét. Ở phía đầu hòn đảo, những đợt sóng dâng cao đập vào những tảng đá ngầm, tạo thành những âm thanh nghe như tiếng gầm đại bác… Đôi khi, lại như có một bàn tay vô hình đập vào ô cửa kính: một con chim nào đó đi ăn đêm, bị luồng ánh sáng làm lóa mắt, va đầu vào cửa kính… Trong chiếc đèn lồng lộng lẫy và ấm áp, không có gì ngoài tiếng tí tách của ngọn lửa, tiếng dầu nhỏ giọt, tiếng dây xích bung ra, và một giọng đọc ê a về cuộc đời của Demetrius xứ Phalerum…
Vào nửa đêm, người trực gác thức dậy, nhìn lại ổ khóa lần cuối, rồi chúng tôi đi xuống phía dưới. Trên cầu thang, chúng tôi gặp đồng nghiệp trực ca hai đang dụi mắt đi lên; chúng tôi đưa cho anh ta cái bình, quyển sổ trực Plutarch… Sau đó, trước khi lên giường ngủ, chúng tôi ghé qua xem căn phòng phía trong một lát, tất cả còn ngổn ngang dây xích, quả đối trọng lớn, thùng thiếc, dây thừng, và cũng ở đó, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu mờ mờ, người gác đèn ca trước đã viết vào cuốn sổ lớn của ngọn hải đăng, luôn để mở:
Nửa đêm. Biển động. Giông tố. Tàu ở khơi.
—————
Ghi chú: *Gió Mistral (mistral theo tiếng của vùng Languedocien, mestral theo tiếng Catalan, maestrale theo tiếng Corse) ở Pháp là loại gió lạnh và khô, thổi hầu hết vào các mùa trong năm, nhưng mạnh nhất là vào mùa đông và mùa xuân. Chúng thổi từ phía Tây Bắc hoặc phía Bắc của lục địa Châu Âu dọc theo thung lũng sông Rhône xuống Địa Trung Hải. Gió này cũng ảnh hưởng đến vùng Sardina của Italia. Lời người dịch