(NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA – PCT HỘI NHÀ VĂN VN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO LAO ĐỘNG)
1. Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra năm 2021 đề ra 1 số nhiệm vụ, mục tiêu trong giai đoạn mới, tiêu biểu như chấn hưng, đầu tư vào văn hóa, chăm lo hơn cho đời sống nghệ sĩ, nghệ nhân văn hóa… Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, sau 3 năm kể từ đó, hội nghị đã tác động thế nào tới nền văn hóa nước nhà và đời sống của những nghệ sĩ, người làm văn hóa trên cả nước?
– Việc quan tâm đến văn hóa là một chủ trương lớn, rất đúng đắn, từ thời cụ Hồ, ta đã rất quan tâm đến văn hóa. Văn hóa và kinh tế là đôi cánh giúp đất nước bay lên. Cả hai phải song hành cùng nhau, thì đất nước mới phát triển được và phát triển bền vững.
Nhiều năm qua, chúng ta đã có những bước tiết lớn về kinh tế, để nước ta hội nhập với thế giới. Nhưng văn hóa thì chưa xứng tầm. Một vài tỉnh chỉ quan tâm đến xây những ngôi chùa rất to, có nhiều tiền cúng dường, không chỉ trang trí mà cả ứng xử cũng có phần xa lạ với Đạo Phật, nơi này tranh nhất nhì với nơi kia, về việc dựng những bức tượng lớn mà tưởng rằng đó là đầu tư cho văn hóa. Không phải đâu. Văn hóa cơ bản nhất vẫn là đời sống xã hội trong lành, thuần phong mỹ tục được đề cao, đạo đức và trí tuệ con người, được coi trọng. Công tác cán bộ là chọn cho được những người tải giỏi nhất ra giúp nước, bất kể là ai, ở đâu, miễn là có tài thực, trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, với sự nghiệp cách mạng, không cần họ là con ông này bà kia, đã gửi gắm cất nhắc cho nhau. Cũng chưa bao giờ những án mạng khốc liệt lại xảy ra trong cùng một gia đình, cha con vợ chồng, anh em ruột vì đất đai, tiền bạc… Đó là văn hóa, nền tảng và cả đỉnh cao văn hóa đều từ đó mà ra. Ấy là chưa kể đến văn học nghệ thuật mà các tác phẩm sẽ lưu lại những giá trị của ngày hôm nay cho muôn đời sau. Cái tầm nhìn của Bác Hồ, làm sao để đất nước ta sánh với các cường quốc 5 châu mới là vấn đề lớn nhất của văn hóa. Ba năm qua, chúng ta đã có những thành tựu nhất định, nhưng những năm tới, tôi hy vọng, chúng ta sẽ bước lên những đỉnh cao hơn và thực chất hơn.
2. Nhà thơ đã từng trực tiếp tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc đợt vừa rồi cùng nhiều đại biểu tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Nhà thơ có thể chia sẻ ý kiến về tư tưởng phát triển văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
– Điều đó cả nước đã biết. Nhất là vài năm gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho xuất bản các tác phẩm của mình, trong đó ngoài công tác xây dựng Đảng, đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, Văn hóa là điều được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm. Đồng chí nhắc chúng ta luôn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi“.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà văn hóa lớn, kế tục xuất sắc các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và các vị lãnh tụ tài danh khác. Nhiều học giả cũng đã bàn rất nhiều về vấn đề này, nên tôi thấy mình không cần phải nói nữa. Tôi chỉ muốn thêm một điều thôi, điều này thì ai cũng thấy: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương trong vắt.
Tôi rất hiểu điều này. Cháu ông là một cán bộ, một đồng nghiệp của tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Cô chẳng có chức vụ gì, chỉ là công chức thấp nhất trong đội ngũ công chức. Hàng ngày cô vẫn đi làm bằng chiếc xe cúp, loại xe bãi rác của Nhật, xe cúp 79 – 81. Con trai con gái ông cũng vậy, chỉ là những công chức bình thường, không có chức tước gì, mặc dù họ rất thông minh và tài giỏi. Không phải chỉ Tổng Bí thư là một tấm gương, mà gia đình ông, con cháu ông cũng là những tấm gương rất đỗi trong sáng. Chính vì thế mà người dân mới thương tiếc ông. Và rồi người ta sẽ thờ ông, như thờ Bác Hồ, bác Giáp và bây giờ là bác Trọng….
(Theo báo LAO ĐỘNG)