Vài nét về tác giả:
Francis Scott Key Fitzgerald (1896 – 1940) là một tiểu thuyết gia, nhà tiểu luận và nhà văn viết truyện ngắn người Mỹ. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết miêu tả sự xa hoa và dư thừa của Thời đại Jazz, thuật ngữ mà ông đã phổ biến trong tuyển tập truyện ngắn Tales of the Jazz Age (Truyện kể Thời đại Jazz). Trong suốt cuộc đời mình, ông đã xuất bản 4 tiểu thuyết, 4 tuyển tập truyện ngắn và 164 truyện ngắn. Mặc dù ông đã thành công và trở nên giàu có vào những năm 1920, Fitzgerald chỉ được hoàn toàn công nhận sau khi qua đời và hiện được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20.
Francis Scott Key Fitzgerald sinh ra trong một gia đình trung lưu tại Saint Paul, Minnesota, và lớn lên ở tiểu bang New York. Ông từng học Đại học Princeton, nơi ông kết bạn với nhà phê bình văn học tương lai Edmund Wilson. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông This Side of Paradise (Phía bên đây thiên đường) chính thức ra mắt vào năm 1920 và bán được hơn 40000 bản trong năm đầu tiên. Với lần ra mắt quá đỗi thành công này, danh tiếng của Fitzgerald được biết đến khắp nước Mỹ. Những nhà phê bình gọi tác phẩm này là “cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất năm” và báo chí ca ngợi “đây là một trong những tác phẩm chân thực nhất về đời sống sinh viên ở Mỹ”.
Tiểu thuyết thứ hai của ông, The Beautiful and Damned (Đẹp và đáng nguyền rủa) ra mắt vào năm 1922 đã đưa ông đến gần hơn với giới tinh hoa. Để duy trì lối sống thịnh vượng, Fitzgerald viết nhiều câu chuyện cho các tạp chí có tiếng như The Saturday Evening Post, Collier’s Weekly và Esquire. Trong thời gian này, Fitzgerald thường xuyên đến châu Âu, nơi ông kết bạn với các nhà văn và nghệ sĩ hiện đại của cộng đồng người lưu vong “Thế hệ Đánh mất”, trong đó có Ernest Hemingway. Tiểu thuyết thứ ba của ông, The Great Gatsby (Gatsby Vĩ Đại) được xuất bản vào năm 1925, trở thành một tác phẩm kinh điển nổi tiếng toàn thế giới.
Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống xin trích đăng một chương trong tác phẩm “Gatsby Vĩ Đại” của nhà văn F. Scott Fitzgerald.
Chương 1
Hồi tôi còn nhỏ, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay:
“Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu.”
Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay rất hiểu nhau mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kì quặc, nhưng đồng thời cũng khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác. Những đầu óc không bình thường nhanh chóng nhận ra và gắn bó với đức tính này khi nó biểu lộ ở một người bình thường. Bởi vậy, ở trường đại học tôi bị mang tiếng oan là kẻ ranh mãnh vì tôi nghe thấu những nỗi đau khổ thầm kín của các tay chơi bừa bãi mà tôi không quen biết. Phần lớn không phải do tôi tìm cách moi chuyện. Thường tôi giả vờ ngủ hay đang chăm chú vào việc gì đó, thỉnh thoảng còn tỏ ra hơi khó chịu nữa, mỗi khi tôi nhận thấy qua vài dấu hiệu không thể nhầm lẫn được là lại sắp có chuyện tâm sự đây. Bởi vì những chuyện tâm sự của các chàng trai trẻ, hay ít ra những lời lẽ mà họ dùng để diễn đạt, thường là góp nhặt từ người khác và mất hết ý nghĩa vì rõ ràng đã bị cắt xén đi nhiều chỗ. Không bình phẩm nghĩa là còn hy vọng, hy vọng mãi. Tôi e bỏ sót điều gì đó nếu tôi quên nói, như cha tôi đã khẳng định một cách hợm hĩnh và tôi hợm hĩnh nhắc lại ở đây, rằng ý thức về phép lịch sự cơ bản không được chia đều cho mọi người khi họ ra đời.
Sau khi khoe tính khoan dung của mình, tôi cũng phải thú nhận rằng sự khoan dung ấy có giới hạn. Cách cư xử của ai đó có thể phát triển trên nền tảng là đá rắn hay đầm lầy, nhưng quá một mức độ nào đó thì tôi bất cần biết nó được xây dựng trên nền tảng gì. Khi tôi ở miền Đông trở về, mùa thu vừa rồi, tôi những muốn tất cả mọi người đều mặc đồng phục và vĩnh viễn đứng ở tư thế nghiêm về mặt đạo đức. Tôi không còn muốn những cuộc thâm nhập ồn ào với đặc quyền dòm ngó vào tận trái tim con người. Trong phản ứng ấy, tôi chỉ chừa ra có Gatsby, người được lấy tên đặt cho cuốn sách này, một con người tiêu biểu cho tất cả những gì mà tôi thành thật khinh bỉ. Nếu nhân cách là một chuỗi liên tục các cử chỉ đúng dụng ý của mình thì con người này có một cái gì đó huy hoàng, tính nhạy cảm sắc bén với những hứa hẹn của cuộc đời, tưởng chừng người ấy giống như nhiều cỗ máy phức tạp ghi lại các trận động đất cách xa hàng vạn dặm. Sự ứng cảm nhạy bén ấy hoàn toàn không phải là tính dễ xúc động mềm yếu được tâng bốc là “khí chất sáng tạo”. Nó là một khả năng hy vọng hiếm có, một thái độ sẵn sàng ứng phó với các biến cố trong đời, sẵn sàng đến lãng mạn, mà tôi chưa hề thấy ở một ai khác và có lẽ sẽ không bao giờ thấy lại nữa. Không, kết cục Gatsby hóa ra là một người tốt. Chính những gì ám ảnh Gatsby, chính làn bụi nhơ nhuốc ám theo những giấc mơ của Gatsby đã tạm thời làm tôi mất hứng thú với nỗi đau buồn ngắn ngủi và niềm vui chốc lát của con người.
(Chuyển ngữ bởi Hà Linh)