Dịch từ nguyên bản tiếng pháp của tác giả Roman Ivanytchouk – nhà xuất bản Kiep DRIPRO năm 1983
Người dịch: Dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ
Tuyết phủ kín dọc con đường vặn vẹo, ngoằn nghèo giống như con rắn trắng đang trườn bò. Hàng cột điện bên đường xếp nối đuôi nhau như những người khách bộ hành mệt mỏi. Gió rít lên trên những sợi dây điện tạo cho ta cảm giác lạnh, đơn điệu và buồn. Tôi trở về nhà mình ở khu ngoại ô. Tôi không cảm thấy lạnh, niềm hạnh phúc đang sưởi ấm lòng tôi.
Mặc bản nhạc buồn đang ngân lên trên các sợi dây điện nhưng trái tim tôi thì tràn ngập niềm vui. Tôi vẫn đi và tiếp tục đi. Bóng tôi đang về bao phủ khắp mặt đất, bóng tối lạnh lẽo của đêm Nô en.
Bỗng, hình như, có ai đó nói vọng ra, vang lên từ trong đêm tối tĩnh lặng những từ sắc lạnh: “Mày là một thằng ăn cắp”. Lời người ấy phát ra chưa hẳn là một bản luận tội nhưng lại giống như bản án, một quyết định của quan toà. Tôi run rẩy như một quả bóng xì hơi. Ai đã nói những từ này? Tôi đảo mắt nhìn quanh, lục tìm trong ký ức, nhưng nào có thấy gì ngoài sự tĩnh lặng:
– Mày là một thằng ăn cắp.
Tôi tiếp tục lục soát trong hồi ức của mình… những từ kinh khủng này từ lâu vẫn theo tôi như một cái bóng và tôi biết rằng sớm hay muộn thì nó cũng sẽ đối mặt giống như tôi và cái bóng của chính tôi vậy. Và bây giờ, lời phán xét đã được đưa ra, khi mà những cặp mắt vô hình (theo suy nghĩ của tôi) đang dồn về phía tôi như một bản kết tội. Vâng, xin các bạn hãy cho phép tôi được lên án mình như vậy.
Vâng, tôi là một thằng ăn cắp! Tôi đã cướp niềm hạnh phúc từ tay của kẻ khác. Không, chưa đúng tôi đã lấy đi niềm hạnh phúc mà nó không thuộc về tôi, tôi chỉ bồi đắp niềm hạnh phúc cho riêng mình bằng hạnh phúc từ tay người khác. Xin hãy nghe, có thể bạn sẽ tìm thấy một chút độ lượng trong hành động ứng xử của tôi.
Một chiều mùa thu, tôi đang ngồi trên chiếc ghế băng ở công viên thành phố. Những dải mây trắng bồng bềnh trôi trên trời bị những cơn gió thu xé tan nát hệt như những dòng suy nghĩ của tôi. Tôi thích thú được ngắm nhìn và thả mình theo những áng mây như vậy.
Một bé gái nhỏ, váy ngắn màu đỏ bỏ lại cái xô đầy cát, đang bẽn lẽn, rón rén tiến lại gần tôi.
– Cháu là ai?
– Cháu đang trốn mẹ cháu để mẹ cháu không tìm thấy cháu và…
Cô bé đưa ngón tay nhỏ của mình sờ sờ lên đầu gối tôi.
– Chú có bộ áo quần mới nhỉ và mẹ cháu cũng sẽ mua cho cháu một đôi giày đẹp.
Cô bé lại đưa tay sờ lên mặt của tôi.
– Chú ơi, chú có râu ở đây này? Nó hỏi nhưng đột nhiên hạ ngón tay nhỏ xíu của mình xuống.
– Mặt của chú bị ướt, hãy nói đi chú khóc à?
Ngay lập tức, tôi bế cháu bé lên, ghì chặt vào lòng và hôn lên đôi má đỏ và thơm của nó.
– Cháu con ai?
– Mẹ cháu.
– Thế mẹ cháu ở đâu?
– Ở đằng kia… cháu đang nấp mẹ cháu đấy.
– Mẹ cháu sẽ tìm thấy cháu?
– Đúng đấy ạ!
– Và chính cháu, cháu sẽ dẫn chú đi với cháu.
– Và cũng như mẹ cháu, chú có dẫn mẹ cháu đi nữa không?
Tôi ngắm nhìn cháu gái nhỏ, ngạc nhiên và im lặng.
Một phụ nữ trẻ bước nhanh trên lối đi. Cô nhìn lướt xung quanh mình và lên tiếng gọi:
– Louba! Louba!
Cô bạn nhỏ thì thầm với tôi:
– Mình nấp đi chú, đằng sau bụi cây này!
Tôi làm ngay đúng như chỉ dẫn của Loubka! Chúng tôi ngồi xổm đằng sau một cây hoa đinh rậm rạp và chăm chú quan sát. Cô bé giống như một chú chuột tinh nghịch vừa dõi theo chiếc váy xanh của người mẹ với ánh mắt tinh quái, vừa đặt bàn tay nhỏ bé của mình lên miệng để tiếng cười khỏi bật ra. Qua kẽ lá, tôi cũng vậy, ngắm nhìn người phụ nữ trẻ: dáng người nhỏ nhắn, nước da màu nâu, trên khuôn mặt thoáng vẻ lo âu.
– Louba! Hãy dẹp bỏ cái trò tinh nghịch này đi, trả lời mẹ nào!
– Mẹ ơi! Con và chú ở đây mà!
Một nụ cười thoáng hiện trên khuôn mặt lo âu của người mẹ.
– Con làm gì ở đấy, nhỉ? Mẹ sẽ không bao giờ còn ra công viên chơi với con nữa.
Ngay tức khắc, con bé giống như một chú chim sẻ thoắt đi thoắt lại rồi dúi đầu vào váy mẹ thủ thỉ.
– Thôi đừng mắng con làm gì, con đang ở đây cùng với chú mà…
Tôi phủi những hạt cát dính trên quần và ngượng nghịu chống chế như người có lỗi.
– Hãy tha thứ cho, tôi đã không thể không chiều theo sở thích con gái chị!
Người mẹ cười rộ lên trẻ trung, tinh khôi và độ lượng.
– Ô, tôi hiểu con gái tôi mà! Nàng nói với giọng tự hào. Xin anh thứ lỗi cho nhưng đã đến lúc mẹ con tôi phải trở về nhà rồi.
Tôi chào đáp lại nhưng bất chợt Loubka chạy theo tôi, giọng khẩn khoản:
– Này chú! Chú không đi với mẹ con cháu sao?
– Loubka! Con không thấy xấu hổ. Người mẹ quở trách. Lại đây với mẹ nào!
– Nhưng mẹ ơi, chú có hứa với con là chú dẫn con về mà! Cô bé nói với giọng nghiêm túc như người lớn.
Bất chợt nàng tiến lại cầm tay cô con gái. Nàng nhìn tôi bằng ánh mắt ghen tị, trách móc, thẫm đẫm đau khổ: “Thôi đủ rồi! Còn trò gì nữa đây, mẹ đã quá mệt mỏi như thế này rồi đấy”. Rất có thể nghe nàng nói vậy mà tôi đã cầm tay cô bé nói:
– Thế thì chú đi với cháu! Cháu tin chứ?
Chúng tôi cùng nhau bước trong im lặng. Duy chỉ có con bé là tung tẩy vừa chạy vừa líu lo:
– Mẹ ơi! Có 2 con sâu đất to như ngón tay út của mẹ đây này! Liệu những con chim sẻ có sà xuống vần vò, ăn thịt nó không hả mẹ? Con muốn một mình ngồi chơi trên chiếc ghế băng nhưng có thằng nhóc lại đến đuổi con và dọa rằng cha nó sẽ tới. Vậy thế là con phải vắt chân lên cổ mà chạy!
Con bé lại tiếp:
– Mẹ ơi! Chúng ta có thể nhào nặn một chiếc bánh với sáp ong hay thành những con búp bê được không? Con quay của con đã bị vỡ và chú đây sẽ chữa nó cho mình, đúng vậy không? Mẹ ơi! Mẹ cũng đã từng nói rằng những người lớn thì không bao giờ khóc, nhưng chú đây, chính chú đã khóc…
Người mẹ nhìn tôi.
– Không đúng thế đâu. Tôi ngượng nghịu chống chế!
– Loubka này còn chưa biết nói dối đâu.
– Không, dường như với nó mọi chuyện thật đơn giản. Mặt trời chiếu rọi và những giọt mồ hôi…
– Vâng, bây giờ đang mùa hè. Nàng đáp lại với giọng điệu thân mật.
Không biết lời biện minh có tác động đến mức nào mà nàng trở nên thân mật với tôi ngay (người ta không muốn sống cô đơn với chính nỗi khổ đau của mình) bởi vì nàng đã bắt đầu kể chuyện, hỏi han về công việc, về chỗ ở của tôi. Tôi trả lời với vẻ dè dặt. Thi thoảng tôi ngắm nhìn đôi gò má gầy xanh, không, chưa hẳn là gầy xanh mà nó tinh tế như nét vẽ: hàng lông mày đen, dày rậm về phía mũi, cặp mắt âu lo, thoáng buồn ngay cả khi cười. Nàng vừa giống nhiều người quen mà tôi đã gặp nhưng lại có cái gì đó không hoàn toàn giống họ. Cuộc đời đã để lại trên khuôn mặt nàng những dấu vết khó phai, ánh mắt phản chiếu một trải nghiệm đau buồn, nhưng dù thế nào nàng vẫn luôn trẻ trung và quyến rũ.
Bỗng nhiên tôi tự hỏi: tại sao cô bé lại đề nghị dẫn mẹ mình về nhà tôi. Những đứa trẻ thường không thích nói ra mồm những điều như vậy.
– Ông xã của em là ai?
Nghe câu hỏi này nàng thực sự bối rối, một chút phẫn uất hiện lên trên khuôn mặt, nàng nhìn tôi bằng cặp mắt ngấn lệ nhưng đầy thách thức. Tôi thực sự hối hận vì đã đặt câu hỏi này nhưng trời cũng đã tối rồi. Có thể nàng đã ly hôn, là gái chửa hoang, hoặc góa bụa. Nhưng cụ thể hơn là trong trường hợp nào? Câu hỏi của tôi sao mà vô tâm, thô thiển đến vậy! Tôi đang chờ đợi nàng cự lại tôi, hoặc mạnh hơn là trả miếng bằng hành động dữ tợn. Ngược lại với sự đón đợi, tôi chỉ nghe thấy nàng nói nhẹ nhàng:
– Chồng tôi làm với anh… ở tòa soạn đấy.
Câu trả lời còn làm tôi ngạc nhiên hơn. Tại sao nói câu này xong nàng lại bối rối?
– Anh nhà tên gì?
– Andrichout, Petro…
Đến đây thì tôi hiểu tất cả. Petro là bạn đồng nghiệp của tôi. Tôi nhớ lại những lần nói chuyện với anh ấy, những suy nghĩ, quan điểm của anh về phụ nữ. Đặc biệt trong một lần trò chuyện thân tình với nhau, Petro đã hỏi tôi: “Bạn đồng nghiệp thân mến! Thật khủng khiếp và không có gì tồi tệ hơn là khi không thể tìm thấy tiếng nói chung với người bạn đời của mình!… Ông nên lấy vợ, hãy tìm một phụ nữ mà cô ta cũng có cùng học thức như ông nhé”.
Phải chăng sau lần trò chuyện ấy, bây giờ, nó lại liên quan đến người phụ nữ mà đang bước đi bên cạnh tôi đây. Vậy thì tôi đã có lý do để bắt bẻ bạn đồng nghiệp của tôi. Lúc này, tôi mới quan sát kỹ người phụ nữ trẻ. Có phải thực sự nàng đã không còn là người bạn đời với Petro?
– Mẹ con tôi đến nơi rồi! Người mẹ nói khi đến trước cửa nhà ở đầu phố Chopin.
– Xin chào…
Nhưng Loubka đã kéo tay tôi.
– Mời chú vào nhà với mẹ con cháu đi. Chúng ta sẽ làm bánh nhào với mật ong.
– Để lần khác thôi, cháu Louba.
– Lần khác ư? Thì đợi đến bao giờ ạ? Nói đi chú!
– Ngày mai, đồng ý không?
– Vâng thì ngày mai! Mẹ ơi ngày mai chú đến nhà mình!
– Xin anh đừng đến! Nàng thì thầm khe khẽ cốt để Loubka không nghe thấy.
Tôi chấp nhận lời đề nghị của nàng mà không nói gì.
Hàng ngày, hàng tuần qua nhanh nhưng lần gặp với hai mẹ con Loubka ấy không làm tôi nguôi ngoai. Có cái gì đó tươi mát, thánh thiện, nó mang lại cho cuộc đời sự đẹp đẽ, đáng yêu hơn. Thưa vị quan toà thân mến, cứ mỗi khi nghĩ về những lần tranh luận với Petro là tôi lại thêm nản lòng.
Thế mà, hình bóng của người phụ nữ lạ này lại luôn bám đuổi và chống lại với mong muốn của tôi. Sự bám đuổi ấy, được phản ánh theo những cách khác nhau: Đôi khi là bộ mặt choáng hơi men của anh bạn đồng nghiệp làm tôi nổi giận, lúc thì lại là lời nói thái quá của anh ấy làm tôi cáu giận, và trên tất cả là cái cớ được gặp Loubka nhưng kỳ thực là tôi muốn gặp nàng.
Vào một ngày, không có lý do chính đáng, tôi có việc phải đi qua phố Chopin. Tôi lướt nhanh qua phố đảo mắt tìm số nhà của tòa nhà mà nàng đang ở, rồi tự nhiên cảm thấy rất thất vọng vì không nhìn thấy một ai.
Từ lần đó, tôi hay đi qua đấy. Việc đó mang lại cho tôi sự thích thú lạ lùng. Tôi làm việc tốt hơn, không còn cảm thấy đơn độc. Tôi không biết ai là người mà tôi muốn gặp hơn: đứa trẻ hay là nàng. Loubka đối với tôi như là hiện thân của niềm hạnh phúc vợ chồng còn người mẹ…
Tình cờ, một lần tôi đã gặp lại hai mẹ con nàng.
Người bạn nhỏ của tôi đang ngồi trên cửa sổ tầng 2, mắt dán vào cửa kính. Tôi ngước mắt lên và giơ tay vẫy vẫy, cô bé nhận ngay ra tôi. Nó đập đập những ngón tay nhỏ xíu vào rèm cửa.
– Chú, chú ơi, vào nhà chơi với mẹ con cháu đi!
Tôi hơi lưỡng lự.
– Chú, chỉ có mình cháu ở nhà thôi. Vào đi, cháu đang buồn. Cháu sẽ mở của cho chú ngay đây.
Tôi quyết định vào.
Louba sà vào lòng tôi nói chuyện bi bô:
– Mẹ cháu đi kiếm củi ở chợ. Mẹ cháu hàng ngày vẫn đi như thế bởi vì nhà cháu không còn gaz, và bố cháu thì chỉ về nhà khi đêm đến. Cháu có rất nhiều sáp ong nhưng nó bị khô bởi vì cháu không biết làm. Vậy chú, hãy giúp cháu và nhớ làm cho cháu một con búp bê nhé!
Tôi nhào nặn sáp ong còn cô bé liên hồi kể.
– Giờ cháu luôn ở nhà một mình, bố cháu thường xuyên vắng nhà còn mẹ cháu thì ban ngày vắng mặt suốt. Nhưng cháu buồn nhất là khi con mèo Minet của cháu nó ngủ. Chú không có mèo, còn cháu thì cháu có một con, con mèo này nó ngủ nhiều quá. Mẹ cháu ngủ rất ít bởi vì mẹ cháu ngủ muộn và dậy sớm. Chú ạ, cháu đã lên 6 tuổi rồi. Chỉ còn ít thời gian nữa là cháu sẽ đi học. Cháu sẽ cố học cho giỏi để mọi người không gọi cháu là “kẻ đại ngu”.
– Ai mà gọi cháu như vậy?
– Hôm qua bố cháu đã mắng mẹ cháu là dốt như bò. Bố cháu đã vứt quyển sách vào đầu mẹ cháu. Mẹ cháu đã đưa cho cháu quyển sách đó vì mẹ cháu không có thời gian để đọc. Quyển sách này không đẹp vì nó không có hình vẽ.
Cuộc trò chuyện của chú cháu tôi bỗng bị cắt ngang bởi tiếng kêu kẹt cửa. Người mẹ bước vào nhà. Nàng đặt bó củi vào góc nhà. Tôi tiến lại gần, chìa tay ra. Sự lúng túng, bàn tay hơi run, một thoáng sợ hãi hiện lên trong đôi mắt sâu thẳm của nàng. Nhưng rồi nàng thẽ thọt, giọng hơi lạnh lùng:
– Anh đến thăm chồng tôi đấy à?
– Không, chính bé Loubka đã mời tôi đến.
Nàng im lặng, còn tôi đứng lên.
– Xin lỗi. Tôi không nghĩ sự có mặt của tôi lại làm em thất vọng.
Mặt nàng đỏ dần lên, đôi mắt ngân ngấn lệ như chực khóc. Sự dằn lòng của nàng khiến tôi ngạc nhiên.
– Không hẳn thế đâu mà có khi… Nàng ấp úng, mắt vẫn nhìn xuống.
– Cho phép tôi được đến thăm Loubka?
– Tốt hơn là đừng anh.
– Thôi, xin chào.
Không một ai đáp lại câu chào của tôi, cũng chẳng có ai tiễn tôi ra cửa. Chỉ đến khi tôi đã xuống phía dưới, Loubka nhào xuống cầu thang giống như một cơn gió, nhảy lên ôm cổ tôi, ghì chặt lấy tôi, vuốt ve dịu dàng như cha và con. Tôi hôn túi bụi trên khuôn mặt của nó và không sao kìm được những giọt nước mắt của mình. Lúc đó ở ngoài hành lang nàng cũng đang tức tưởi khóc. Nàng cũng không thể nào kìm nén được nữa.
Lần đầu tiên trong đời, tôi trở nên một người giàu có. Tôi ra về như một kẻ chạy trốn, thậm chí quên cả hôn nàng khi ấy đang khóc tức tưởi. Tôi sợ lấy đi ở đây quá nhiều hạnh phúc và cũng lại sợ để nó rơi rụng khi trên đường trở về.
Chỉ đến khi đã ở trong nhà rồi, tôi mới hiểu, niềm hạnh phúc này, niềm hạnh phúc của tôi được tạo ra từ cái hôn con trẻ, từ những giọt nước mắt của người mẹ lại nảy nở trên cánh đồng hạnh phúc của kẻ khác, mà không một ai có quyền được gặt hái trên đó.
Tôi không thể đến để gặp mẹ con nàng nhưng tôi cũng không thể sống mà thiếu họ. Tôi luôn cần họ và họ cũng luôn cần tôi.
Không dám đến nhà, tôi đợi ở ngoài phố, tôi quan sát cửa sổ của nhà nàng hàng giờ, tôi đứng như một thằng điên ở góc phố để mong được gặp nàng.
Cuối cùng thì tôi cũng được gặp nàng. Buổi tối hôm đó, một mình nàng đi ra phố và nàng gọi tôi ở cuối con đường.
– Việc này không thể kéo dài hơn được nữa đâu. Nàng nói. Em biết rồi… anh cứ đến đây như thế này vào các buổi tối là không thể chấp nhận được. Vâng, không thể chấp nhận được! Nàng tiến sát đến bên tôi, cầu xin tôi đừng nên tiếp tục như thế và cũng xin thứ lỗi cho tình yêu của nàng.
Tôi hỏi:
– Mẹ con em sống thế nào?
– Giờ thì tốt hơn nhiều rồi… Nàng nói và không từ chối những nụ hôn mà tôi dành cho nàng.
Và rồi nàng cầu xin tôi rời khỏi đây ngay.
– Chỉ là với em thôi sao…
– Mà đó chính là sự điên rồ…
Vâng, chính sự điên rồ đã lên tiếng. Người ta không thể che giấu tội ác. Cần phải nói với mọi người về điều đó, cũng như là phải lên án nó.
Và tôi trở về. Tôi trở về một mình đơn độc nhưng là với tình yêu, sự tuyệt vọng, niềm đau khổ, và cả sự hận thù của niềm hạnh phúc đã bị đánh cắp.
Tôi trở về, sau khi đã để lại một chút cái tôi cho hai cá thể thân yêu trên cánh đồng của kẻ khác.
“Mày chỉ là một thằng ăn cắp!” – Tôi đã nghe thấy bản luận tội của mọi người và của cả chính lương tâm mình. Vâng, đúng tôi là một kẻ ăn cắp. Nhưng chính các ngài, những người đã lên án tôi, có thể cũng sẽ tìm thấy ít nhất trong trái tim mình sự biện hộ cho những hành động của tôi?
Mỗi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc. Phải chăng tôi chỉ là kẻ có tội khi niềm hạnh phúc của tôi lại mỉm cười với chính tôi trong ngôi nhà của kẻ khác, rằng nó cũng khó khăn như khi chính tôi phải nhặt một viên thủy ngân đã rơi xuống đất hoặc thu vét ánh sáng yếu ớt của ánh mặt trời chiếu rọi những vệt đốm vàng lúc hửng đông trên tường nhà?