Vài nét về tác giả:
Tác giả Lê Thị Tâm Chung là hội viên Hội nhà văn Hải Phòng.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Tự tình lá (Nhà xuất bản HNV 2015)
– Lá tự tình (Nhà xuất bản HNV 2017)
– Lá múa (Nhà xuất bản Văn học 2020)
THÁNG BA LẠI NHỚ...
Nhặt bông hoa gạo sân chùa
Tháng ba sắc đỏ yểm bùa mắt môi
Vần say thất lạc đâu rồi
Để câu đắm đuối mải hồi hộp đêm?
Này thì nhớ, này thì quên
Này thì thổn thức, này thêm hững hờ
Trách người gieo quẻ ỡm ờ
Giận người thả tứ vu vơ, ngọt ngào
Thương người thương đến nôn nao
Nhớ người như thể cồn cào ruột gan
Phải đâu "muôn dặm quan san"
Thời gian cách mặt, không gian cách lòng
Này thì đợi, này thì mong
Này thì bối rối, này rong ruổi tình
Tháng ba u uẩn sân đình
Bời bời hoa gạo, lặng thinh một người!
MỘT NGÀY...!
(Kính dâng hương hồn cha tôi, liệt sĩ Lê Hạnh Kiểm)
Một ngày nhận lệnh đi "BÊ"
Cha phấn khởi sắp được về quê hương
Mẹ lo lắng, mẹ bồn chồn
Chồng xa, con nhỏ dập dồn khó khăn
Cha cười: Em cứ yên tâm
Hẹn ngày thống nhất non sông Anh về!
Mẹ tôi hai mắt đỏ hoe
Bụng mang dạ chửa nặng nề tiễn cha *
Chúng tôi sơ tán vắng nhà
Cha sang ôm ấp, hít hà rồi đi!
Một ngày u ám, não nề
Lễ truy điệu với bốn bề khói hương **
"Chiêu hồn tử sĩ" bi thương
Gia đình, đồng nghiệp mắt vương lệ nhoà
Vợ khóc chồng, con khóc cha
Tiếng kêu xé ruột, vỡ oà: Cha ơi!
Năm con nheo nhóc, bé còi
Vợ hiền đứt gánh giữa đời chênh chao!
Chiến tranh ai muốn đâu nào!
"Vợ, con liệt sĩ" nghe sao đắng lòng
Một đời phận mẹ long đong
Nuôi con khôn lớn
Thờ chồng thủy chung
Một ngày thống nhất non sông
Về quê gặp NỘI ***
Lưng còng đợi cha
Đợi cha, hai mắt NỘI lòa
Sau ngày giỗ,
NỘI lìa xa cõi trần
Một ngày xúc động vô ngần
Đồng đội tìm được mộ phần của cha
Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà
Cha cùng đồng đội từ xa tụ về! ***
Một ngày rực rỡ nắng hè
Cờ hoa phấp phới, nhạc xe tưng bừng
"Bà mẹ Việt Nam anh hùng"
Truy tặng cho NỘI rưng rưng cả nhà ****
Chiến tranh giờ đã lùi xa
Dâng hương tháng bảy nhớ cha nghẹn lòng
Thương cha con viết đôi dòng
Người ra đi với núi sông thanh bình!
—————
* Khi cha tôi nhận lệnh đi chiến trường B, mẹ tôi đang mang thai em út tôi hơn sáu tháng.
** Cha tôi hy sinh ở chiến trường B cuối chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968.
*** Năm 1975 thống nhất đất nước. Các cháu vào thăm bà Nội. Nội đã lòa hai mắt vì thương nhớ con trai. Khi biết cha tôi đã hy sinh. Bà chờ giỗ cha tôi xong và cũng mất sau ngày đó.
Bà được truy tặng danh hiệu BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
**** Sau nhiều năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, được đồng đội giúp đỡ, năm 1994 cha tôi đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của quê nhà: Huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
CỨ ĐI ĐI...!
CỨ buông tay thử một lần
ĐI rồi liệu có mỏi chân trở về...?
ĐI nhiều có tỉnh cơn mê...?
MỆT nhoài sau những tái tê muộn phiền
THÌ đừng quên chốn bình yên
VỀ bên mái ấm cùng em ngọt ngào
VỚI yêu thương vẫn dạt dào
EM chờ đợi với khát khao, nồng nàn!
SÁNG Ở PHỐ THỢ
Lũ trống gáy xớn xác
Gọi lũ mái cục tác
Đánh thức cả phố thợ
Dậy sớm đón gió mát
Nắng tỏa khắp mặt biển
Lấp lánh những vẩy bạc
Sóng biển giỡn với cát
Thách thức mọi bão táp
Phượng vĩ đã thắp lửa
Thấp thoáng những toán thợ
Dáng chắc nịch, vạm vỡ
Mắt sáng, mặt hớn hở
Vội vã đến xưởng máy
Lỉnh kỉnh những dụng cụ
Những tiếng đục, tiếng búa
Tiếng chạm, khắc chát chúa
Dẫu nắng nóng chảy mỡ
Mặc khí hậu khắc nghiệt
Nhóm thợ vẫn cố gắng
Thực hiện đúng kế hoạch
Đất Cảng đã đổi mới
Đón các bạn Quốc tế
Các bạn khắp đất nước
Đến ngắm biển, ngắm phố!
HỮU XẠ...
(Tặng nhà thơ Lê Phương Liên)
Nửa đời miệt mài con số
Văn chương đã kịp khoe đâu
Về hưu mải mê câu chữ
Thỏa lòng mong ước bấy lâu!
Thảnh thơi cùng thơ cất cánh
Dấu chân in khắp mọi miền
Cảm xúc thăng hoa lấp lánh
Ngọt ngào, háo hức từng đêm
Tự ví mình như ngọn cỏ
Mỏng manh tựa “ Hoa cỏ may”
Níu chân bao người qua lại
Khao khát hoà cùng trời mây
Mặc kệ thị phi đơm đặt
Bao nhiêu lắt léo đời thường
Đến thì nụ bung, hoa nở
Bởi "Hữu xạ tự nhiên hương".
EM...
Chỉ là vầng trăng khuyết
Khuất lấp sau làn mây
Đợi đến rằm trăng tỏ
Khát khao anh lấp đầy
Mong manh lá trên cây
Rung rinh theo chiều gió
Xuân về vui hớn hở
Tắm diệp lục đắm say
Không là hồng, là cúc
Khoe sắc hương nồng nàn
Em ngu ngơ cỏ dại
Chẳng giận hờn, thở than
Xin hai chữ bình an
Buông bỏ không tiếc nuối
Tham, sân, si, danh, lợi
Chỉ dịu dàng cùng... thơ!
ƠI CHÀNG TRAI, CÔ GÁI TÀY!
Này cô gái Tày anh yêu
Ơi! Cô gái Tày anh quý
Khuôn mặt em hồng hào
Mái tóc em ướp hương hồi, hương quế
Đôi tay em khéo léo đường kim mũi chỉ
Đôi chân em mập mạp, gót chân dày
Em chăm cuốc nương làm rẫy
Em giỏi cõng chữ lên rừng
Ánh mắt em dịu dàng
Trái tim em nhân hậu!
Anh ngắm em tháng Chạp
Anh mê câu then, câu hát lượn em ngân
Say tiếng đàn tính của em
trong lễ hội mùa xuân
Ta hẹn nhau đêm Khe Vằn hát đối
Tiếng hát vọng vang suốt chiều dài biên giới
Bình Liêu yên bình trong sương!
Ơi chàng trai Tày em thương
Này chàng trai Tày em mến
Em ngắm anh tháng ba
Gương mặt anh thật thà
Thân hình anh vạm vỡ
Không ngại việc nhà nông
Thẳng tắp đường cày, đường bừa
Gọn gàng thu ngô, gặt lúa
Chẳng quản trèo đèo, lội suối
Săn con thú, thu mật ong rừng
Em hẹn anh phiên chợ Hoành Mô
Nhộn nhịp bán mua quế, hồi, thảo quả...
Cuộc sống bộn bề vất vả
Anh gom cảm xúc vào thơ!
Mẹ giục anh “dự lùa”*
Mẹ mời thầy Mo chọn ngày “Tềnh lù”
Nhà trai tưng bừng làm lễ “Quá tu”
Đón em về làm dâu hiền, vợ thảo
Em: Cô gái Tày tần tảo
Anh: Chàng trai Tày năng động, mộng mơ!
* Tiếng Tày: dự lùa (Cưới xin); Tềnh lù (Ăn hỏi); Quá tu (Bước qua cửa)