Truyện ngắn của Vũ Đảm
Nhà Nhân và nhà Bành là hàng xóm với nhau, vườn kề vườn, ao kề ao. Diện tích của nhà Nhân nhỏ hơn nhưng được ông giáo Thụ là cha của Nhân quy hoạch mang đậm tính làng quê; một ngôi từ đường họ Phạm cổ kính; một ngôi nhà mái ngói năm gian toàn gỗ lim mang dấu ấn thời gian gần bốn trăm năm được xây dựng từ đời cụ tổ thế kỷ 17; một cái ao rộng sáu sào Bắc bộ, bên dưới nuôi nhiều loại cá chép, trắm đen, trôi, mè, rô, tôm tép, trên bờ là hàng tre xanh rì rào gió thổi; một vườn cây ăn trái với mít, vải, nhãn, vối, roi, cam, bưởi, chuối, na và một vườn hoa với năm mười loại hoa đua nhau khoe sắc. Và tiếng chim mỗi sáng mỗi chiều ríu rít trên những ngọn cây càng tôn thêm cuộc sống tuy thanh đạm nhưng thanh bình của nhà Nhân.
Nhà Nhân lúc nào cũng có khách, người ta đến chơi với ông giáo Thụ, một hiệu trưởng trường làng đã về hưu, tốt bụng, quý người và hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Họ đến để trò chuyện, tâm sự với ông giáo; ăn trái cây, uống nước chè xanh từ vườn nhà ông hay vào thư viện gia đình có hàng ngàn cuốn sách để đọc tại chỗ hoặc mang ra chỗ gốc cây nào râm mát để đọc.
Nhà Bành, vườn ao rộng hơn, bố Bành là ông Túy, một quan chức tỉnh giàu có về hưu nên nhiều tiền xây hẳn một cái biệt thự to nhất nhì tỉnh, hiềm một nỗi cánh cổng sắt lúc nào cũng đóng im ỉm, chỉ mở ra khi có ô tô hay người nhà ra vào.
Nhân và Bành cùng tuổi cùng học trường làng, lớn lên Nhân học giỏi thi đỗ đại học Sư phạm theo nghề bố, giờ làm hiệu phó trường làng. Bành học dốt, thi đại học ba môn được năm điểm nên bố xin cho vào Sở tài chính làm việc rồi đi học tại chức, nhờ bố sắp xếp, giờ cũng leo lên được chức Phó giám đốc sở, nghe đâu năm tới lên làm giám đốc.
Bao đời nay, hai nhà tuy là hàng xóm láng giềng nhưng ít giao thiệp với nhau, trừ lúc ma chay cưới xin, ông giáo Thụ đích thân sang nhà bên này, còn ông Túy chỉ sai vợ hoặc con sang nhà bên kia. Có lần, Nhân hỏi bố:
– Nhà ông Túy quan chức, giàu có coi thường dân nghèo nên bố không muốn giao thiệp à?
– Đó chỉ là một phần.
– Thế phần nhiều là gì?
– Họ là người hàng xóm xấu bụng nếu không muốn nói là kẻ thù truyền kiếp của gia đình ta.
Nhân định hỏi cho rõ ngọn ngành nhưng thấy mặt bố thẫn thờ, từ hai khóe mắt có cả nước mắt chảy thì lại thôi. Nhân ngẫm nghĩ, ngay cả đến Nhân với Bành ngày còn bé chơi với nhau thân thiết là thế, cùng đá bóng, cùng tắm sông, cùng thả diều, cùng hát nghêu ngao trên lưng trâu, thậm chí hai đứa còn cùng yêu một cô bạn xinh đẹp nhất lớp nhưng không có đánh ghen, đứa nọ nhường người yêu cho đứa kia, thế mà càng lớn lên tình bạn càng nhạt dần theo năm tháng, cho đến khi Nhân đi Hà Nội học đại học thì mỗi khi gặp Bành ở làng, chỉ còn là cái gật đầu xã giao.
Thôi kệ, nhà ai người nấy ở, cơm ai nhà nấy ăn, việc ai nhà nấy làm, chuyện thù hằn của các cụ xưa kia bỏ qua, không là hàng xóm hữu hảo với nhau thì cũng không nên gây thêm mối bất hòa với nhau. Nhân nói với bố như thế và ông giáo Thụ cũng bảo Nhân nghĩ như thế là tốt, chính ông cũng muốn như thế nên mới không kể cho Nhân nghe về mối thù truyền kiếp của hai gia đình nhưng ông dặn Nhân không bao giờ được tin họ, phải luôn đề phòng cảnh giác, ngay cả khi ông chết đi thì Nhân vẫn phải căn dặn con cháu đời đời kiếp kiếp không được làm việc xấu, không được gây thù hằn với nhà hàng xóm nhưng luôn luôn phải cảnh giác, chớ tin vào những lời hứa đường mật của họ.
Chả hiểu có phải lời ông giáo Thụ nói trở thành cái điềm hay không mà dạo này ông thường xuyên nhắc lại cho Nhân nghe vì sự sang thăm ông giáo, sang chơi với Nhân thường xuyên của Bành. Mỗi lần sang chơi, Bành đều biếu ông giáo Thụ khi thì cân chè Thái Nguyên loại hảo hạng, không phun thuốc sâu, không sao hóa chất, khi thì chai rượu ngoại xách tay mà Bành đi công tác nước ngoài về. Ông giáo cảm ơn, nói sang chơi là quý rồi, không phải quà quáp gì đâu. Biếu bố không được thì Bành biếu con, Nhân có tính hay cả nể, lại thấy mấy món quà đó cũng không lấy gì làm to tát cho lắm nên nhận để Bành khỏi chạnh lòng. Ông giáo Thụ biết con nhận quà, bụng không ưa nhưng cũng không phản đối, ông cũng nghĩ như Thụ, chai rượu, cân chè có đáng gì. Rồi việc Bành hay mời Thụ đi ăn nhậu trên thành phố, ông Thụ cũng chỉ nhắc qua nhưng đến khi thấy con nhận hẳn một cái máy tính xách tay trị giá hai chục triệu mà Bành tặng thì ông giáo Thụ giận ra mặt:
– Sao con lại nhận máy tính của người ta, hàng chục năm nay họ có sang nhà ta chơi đâu, nay lại năng sang, năng quà cáp là chuyện không bình thường.
Nhân phân trần:
– Thì nay họ nghĩ lại, muốn sống hòa khí với hàng xóm, ta cũng không nên câu nệ, đến thế giới bây giờ họ còn xích lại gần nhau huống chi là hàng xóm tối lửa tắt đèn với nhau.
Đến nước này thì ông giáo Thụ đành mang cả cuốn gia phả của dòng họ Phạm ra, chỉ cho Thụ biết về những âm mưu và hành động hãm hại của nhà hàng xóm mấy đời gần đây với cha ông bên này, trong đó có hai vụ cướp đất, hai lần đánh người gây thương tích, ba vụ kiện cáo làm khuynh gia bại sản, nghiêm trọng nhất là thời cải cách ruộng đất đã vu oan cho ông cụ thân sinh ra ông giáo Thụ là địa chủ, mật thám ngầm cho Pháp nên bị xử bắn oan. Ông giáo Thụ bảo Nhân, họ là hàng xóm nhưng là kẻ thù truyền kiếp rất hay lật lọng và luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để hại người, chiếm đoạt đất đai, ao chuôm và đuổi nhà ta ra khỏi mảnh đất đang sống, đó là bản chất của họ mà đã là bản chất thì không bao giờ thay đổi được. Ông giáo Thụ nhắc lại nhiều lần, một người hàng xóm bình thường bỗng dưng đem cho mình vật gì có giá trị lớn đã phải nghi ngờ huống chi lại là kẻ thù truyền kiếp, nếu không mang trả lại cái máy tính thì sẽ có ngày hối không kịp. Nhân cũng đã thấy nghi ngờ, chỉ sau cái câu hỏi thầy giáo Nhân đã có máy tính xách tay chưa của Bành? Nhân thực thà đáp ở trường có máy tính để bàn nhưng chỉ là để soạn thảo công văn mà chưa nối mạng vì kinh phí trường quê còn nghèo thì Bành đã bảo bây giờ internet đã tràn về đến từng ngõ xóm, thầy giáo không có máy tính xách tay, nối mạng thì mù tịt về thông tin. Thế là Bành mang cái máy tính xách tay mới tinh có cả nối mạng 3G đem tặng Nhân, nói rằng họ tặng Bành nhưng Bành có rồi, không dùng nó cũng hỏng.
Nhân đã định đợi đến thứ bảy, Bành về quê, Nhân sẽ mang máy tính xách tay sang trả, nói lý do ông giáo Thụ kiên quyết không cho nhận thì thứ năm, Bành đã sang, nói rằng có việc quan trọng muốn bàn với nhà bên này. Nhân hỏi việc quan trọng gì? Bành giở một tấm bản đồ ra, bảo rằng mới tìm thấy do cụ tổ chín đời để lại và theo tấm bản đồ này thì cái ao của nhà Bành bao gồm cả ao của nhà Nhân. Nhân trố mắt:
– Nghĩa là ao của nhà tôi bây giờ là ao của nhà ông?
– Đúng thế!
– Nhưng ao của nhà tôi cũng có từ hàng trăm năm nay, lại có giấy chứng nhận của ủy ban xã.
– Nhưng lịch sử lâu đời hơn là ao của nhà tôi, tôi sẽ đòi lại nhưng vì tình hàng xóm láng giềng nên tôi chỉ đòi lại một nửa ao, còn nửa ao tặng nhà ông. Tôi hy vọng ông cụ nhà ông và ông sẽ trao lại một nửa cái ao cho bên nhà tôi một cách tình nghĩa, tiền phá bờ ao cũ, xây lại bờ ao mới, gia đình bên tôi sẽ chịu kinh phí.
– Đồ ăn cướp!
Nhân không chịu được nữa chỉ vào mặt Bành chửi và đuổi Bành cút ra khỏi nhà. Bành không chửi lại, chỉ nhếch miệng cười và lấy trong túi ra chiếc băng đĩa đặt lên bàn, nói hãy xem rồi nghĩ kỹ lại kẻo hối hận. Nhân tưởng đó là băng quay về cái ao nên đem chiếc máy tính xách tay mà Bành tặng ra, lắp băng xem. Nhân choáng váng, đó là cảnh quay mà Nhân làm tình với cave trong nhà nghỉ. Nhân bị Bành lừa, trong một lần nhậu, Bành cố ép cho Nhân uống say rồi đưa vào nhà nghỉ bảo nghỉ trưa tí cho hết say rồi hãy về. Đang lúc Nhân mê man thì một em chân dài trẻ đẹp trần như nhộng được Bành bố trí trước đi vào, cởi bỏ hết quần áo của Nhân, ôm ghì lấy Nhân, thế là Nhân sập bẫy. Cũng tưởng là Bành muốn cho Nhân chơi bời cho biết mùi đời tí chút chứ nào ngờ Bành lập sẵn mưu đồ thâm hiểm, bố trí camera quay chi tiết từng góc độ.
Nhân biết, nếu không thuyết phục được bố trả cho nhà Bành một nửa cái ao, Bành sẽ đưa cái băng này ra xã, lên Phòng Giáo dục & đào tạo huyện, Nhân sẽ bị cách chức Phó hiệu trưởng, thanh danh sẽ bị hoen ố. Đến nước này thì Nhân không thể không nói sự thật cho bố biết. Nhân tưởng bố sẽ gầm lên, thậm chí sẽ tát vào mặt Nhân mấy cái nhưng không, ông giáo Thụ vẫn ngồi trầm ngâm, khuôn mặt ông có vẻ bình thản nhưng tim ông thì đau nhói.
– Con sẽ làm đơn lên xã, lên huyện, lên tỉnh?
– Không ăn thua, ba nơi này họ đều quen biết, hơn nữa họ lại có nhiều tiền.
– Vậy chả nhẽ nhà ta mất không nửa cái ao hơn một ngàn m2?
– Cứ để xem họ làm gì đã, bố sẽ có cách nhưng đòi được ao thì con phải tự kiểm điểm, xin từ chức và Phó hiệu trưởng đi.
– Nhưng con bị nó lừa!
– Nó lừa con nhưng nếu con không ham hố mà có bản lĩnh thì sao bị lừa. Cái này đừng trách nó mà hãy trách chính mình.
Nhân thấy bố nói đúng, nếu như Nhân nghe lời bố không nhận quà cáp của Bành, nếu như Nhân kiên quyết đẩy cái con cave ấy ra thì hậu quả đã chả xảy ra, nhưng nó trẻ và đẹp quá làm cho Nhân vốn là một nhà giáo mẫu mực cũng không cưỡng nổi dục vọng. Khi về đến nhà, Nhân ngượng ngùng không dám nhìn mặt bố, đêm không dám ôm vợ. Cũng chỉ duy nhất có lần ấy, những lần sau, Bành mời Nhân đi, anh đều từ chối.
Bành không sang nhà Nhân nữa mà gọi điện nói rằng nếu không tự giác cắt một nửa cái ao, nhà Bành sẽ thuê người phá bờ ao chung và cho xây dịch vào. Nhân quát lên trong máy tao sẽ kiện chúng mày ăn cướp. Bành cười to bảo cứ đi mà kiện, con kiến mà kiện củ khoai, tao cũng sẽ đưa cái băng làm tình với cave của mày cho Phòng giáo dục & Đào tạo huyện. Nhân hét lên, đồ lừa đảo!
Một sáng thức dậy, Nhân thấy một hàng rào dây thép gai đã được chăng sang một nửa phía ao nhà mình. Nhân liền chạy vào gọi bố, ông giáo Thụ đi ra, nhìn thấy hàng rào, ông biết ngay là nhà hàng xóm đã bắt đầu thực hiện công cuộc lấn chiếm. Nhìn hàng rào dây thép gai, ông giáo Thụ đau nhói như thể những chiếc gai thép nhọn kia đang đâm vào cơ thể, ông đã hết sức nhún nhường, kìm nén vì tình nghĩa hàng xóm nhưng đến lúc này thì ông cũng không chịu nổi nữa, ông liền đi sang nhà hàng xóm để gặp ông Túy. Lúc này, ông Túy và Bành đang trò chuyện ở phòng khách:
– Cụ nội nhà ta giỏi địa lý, nói rằng nếu ao nhà mình dịch sang nhà bên hàng xóm được vài trăm m2 rồi xây trên đấy cái điện thờ thì nhà mình sẽ phát quan to hơn.
– Ông thầy ở Quảng Ninh xem cho con cũng nói y chang thế, nếu tiến hành nhanh, biết chạy đúng cửa, có thể khóa này con sẽ làm chủ tịch tỉnh. Nhưng sao mình không dùng tiền để mua mà phải dùng thủ đoạn lấn chiếm, hay mua thì không thiêng?
– Đất, ao của tổ tiên đời nào họ bán.
Vừa nhìn thấy ông giáo Thụ đi sang, Bành lẩn vào trong nhà, ông Túy mời ông giáo Thụ ngồi, rót trà mời khách. Ông giáo Thụ hỏi:
– Có đúng là cái hàng rào dây thép gai là của nhà ông cắm sang ao nhà tôi?
– Tôi có nghe cháu nó nói, lịch sử xa xưa cả cái ao ấy là của nhà tôi, các cụ nhà tôi thương các cụ nhà bên ấy nghèo nên cho mượn một nửa cái ao để nuôi cá. Nay cũng đã đến lúc bên ấy nên trả lại cho nhà chúng tôi.
– Chứng cứ đâu?
– Đây, cái bản đồ từ thời cụ tổ chín đời nhà tôi…
Ông giáo Thụ ngắt lời:
– Bịa đặt trắng trợn, ông nên bảo con tháo dỡ hàng rào đi để giữ tình xóm giềng.
Ông Túy bảo với ông giáo Thụ, ao các cụ cho mượn, nay con cháu chúng tôi đòi lại cũng là chuyện thường tình, lẽ ra đòi cả ao nhưng vẫn để lại cho bên ấy một nửa, sẵn sàng viết giấy cam kết sẽ không bao giờ đòi lại. Ông giáo Thụ cười mỉa mai cảm ơn tấm lòng tốt bụng của người hàng xóm.
Người làng hay tin về việc gia đình ông Túy cắm hàng rào dây thép gai đòi lại ao thì bất bình trước hành động ngang ngược của bố con ông Túy. Nhiều người bảo bố con ông ngu, tham lam, thời buổi bây giờ mà còn dùng vũ lực, quyền lực, tiền bạc để uy hiếp người khác đâu có dễ; có người đi ngang qua nhà ông Túy chõ mồm vào chửi, quan tham kia hãy trả lại ao cho nhà người ta, không thì dân làng ỉa vào mặt đấy! Một số kẻ nghiện rượu, nghiện ma túy, được Bành cho tiền để lấy lòng thì oang oang bảo rằng, ao nhà người ta thì người ta đòi lại có gì mà lạ! Cũng có rất nhiều người đến nhà ông giáo Thụ nói rằng ông làm đơn kiện đi. Phản ứng mạnh mẽ nhất vẫn là người trong họ Phạm, nhiều thanh niên mang theo dao, gậy định kéo sang nhà ông Túy để đập phá nhưng được ông giáo Thụ can ngăn, làm thế là vi phạm pháp luật, mắc mưu nhà họ, chẳng những phải bồi thường mà còn bị đi tù, ông hứa với chức trách của một trưởng họ, ông sẽ đòi lại được phần ao bị hàng xóm lấn chiếm mà không cần phải đổ máu. Đám thanh niên họ Phạm vốn đã tự hào về ông trưởng họ được cả làng kính trọng, nay lại được nghe những lời phân tích có lý có tình của ông nên không dám manh động nữa.
Ông giáo Thụ bàn với Nhân, kiểu gì thì cha con nhà hàng xóm cũng sẽ dùng cái băng đĩa quay cảnh Nhân làm tình với cave để làm chiêu bài đánh đổi lấy ao. Nhân nói với bố, hay là đành mất nửa cái ao để giữ lấy danh dự cho Nhân cho bố? Ông giáo Thụ nói với giọng nhẹ nhàng nhưng Nhân càng nghe càng thấy sâu sa, thấm thía. Ông bảo nếu nhân nhượng vụ này, họ sẽ lấn tới nhiều vụ khác, chi bằng trước hết mình cứ tự làm đơn xin từ chức, họ thấy mình không sợ, họ sẽ sợ.
Nghe lời ông giáo Thụ, Nhân đã làm bản kiểm điểm, xin từ chức gửi Ban giám hiệu nhà trường. Chưa đầy năm phút sau, cái tin này đã được điện thoại di động đến cho Bành biết. Bành hỏi bố:
– Hàng xóm không sợ mình, mình phải làm thế nào?
– Cứ để xem họ sẽ làm gì tiếp theo.
Thấy nhà Bành vẫn không chịu dỡ bở cái bờ rào dây thép gai, Nhân nghe lời bố gửi đơn ra xã, cán bộ xã ăn tiền của Bành nên mời hai gia đình ra tự giải quyết. Nhân làm đơn lên huyện, đơn lại chạy về xã; xã lại mời hai gia đình ra để hòa giải. Nhân làm đơn lên tỉnh, tỉnh đề nghị ủy ban huyện giải quyết, huyện lại chuyển đơn đề nghị ủy ban xã giải quyết. Cứ thế đơn chạy vòng vo, ông giáo Thụ bực lắm. Lần này đích thân ông giáo Thụ ra tay.
Hay tin ông giáo Thụ chuẩn bị đi Hà Nội nộp đơn kiện lên trung ương và mời báo chí về phanh phui sự thật, ông Túy sai Bành mời ông giáo Thụ sang nhà, vẻ thân thiện:
– Hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, có gì cùng nhau giải quyết, cần chi phải quốc gia hóa cái ao cỏn con này!
– Vậy thì nhà ông hãy dỡ bỏ hàng rào chiếm ao đi.
– Đó là ao mà lịch sử cha ông chúng tôi cho bên ấy mượn, chúng tôi đòi lại chứ có lấn chiếm đâu. Thôi để giữ hòa khí hàng xóm, mỗi bên nhịn đi một tí, chúng tôi chấp nhận chỉ đòi lại một phần tư cái ao, còn ba phần tư xin tặng lại nhà ông!
– Không, một tấc đất của cha ông, chúng tôi cũng không để mất dù có phải đánh đổi bằng máu!
Ông giáo Thụ nói xong bỏ ra về, ông Túy vẫn bám theo thuyết phục, có gì để hai gia đình cùng giải quyết, đừng kiện lên trung ương, đừng mời báo chí về rùm beng cả lên. Ra đến ngõ, bỗng ông Túy hoa mắt, đầu óc quay cuồng vì huyết áp tăng cao, ông ngã tòm xuống ao. Lúc ấy vắng vẻ, giá như ông giáo Thụ cứ bỏ đi thì ông Túy đã chết đuối nhưng không, ông đã nhảy xuống ao, sức ông đã yếu, người ông Túy lại cao to lên ông chỉ bên được cái đầu ông Túy lên khỏi mặt nước rồi kêu mọi người ra giúp. Bành là người chạy ra đầu tiên, nhảy xuống ao, bế ông Túy vào nhà sơ cứu rồi đưa bố lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Ông Túy nằm điều trị năm ngày thì xuất viện. Ông giáo Thụ đinh ninh rằng, sau khi được mình cứu khỏi bị chết đuối, ông Túy sẽ trả ơn ân nhân bằng cách dỡ bỏ hàng rào lấn chiếm ao đi nhưng ông đã choáng váng khi ông Túy làm đơn tố giác cho cơ quan công an về việc ông giáo Thụ cố tình đẩy mình xuống ao hòng giết người. Kẻ làm chứng là Bành, nghe thấy ông Túy kêu cứu, từ trong nhà chạy ra thì thấy ông giáo Thụ đang cố dìm đầu ông Túy xuống nước!
Đúng cái lúc cả làng, cả xã đang chấn động, bàn tán xôn xao cho rằng ông giáo Thụ quá uất ức về việc gia đình ông Túy chiếm ao nên đã làm liều thì anh Thức, một Việt kiều Mỹ ở làng bên cạnh tìm đến nhà ông giáo Thụ mở cho mọi người xem đoạn băng Video quay cảnh ông giáo Thụ và ông Túy từ trong nhà đi ra ngõ, ông Túy đang đi phía sau tự dưng lăm tõm xuống ao, ông giáo Thụ nhảy xuống cứu, rồi Bành từ trong nhà chạy ra nhảy xuống ao bế bố lên bờ. Bấy giờ dân làng mới vỡ lẽ, thì ra anh Thức vừa ở Mỹ về thăm quê, từ nhỏ anh đã thích bơi lội dưới ao nên hình ảnh ao làng đã ăn sâu vào tâm trí anh. Khi về quê, anh đã thất vọng, than ôi những cái ao làng anh xưa kia trong vắt là thế mà bây giờ đã bị lấp hết đi để xây nhà, mấy cái còn lại thì bị ô nhiễm đen ngòm. Vậy nên khi đi qua hai cái ao giáp nhau của nhà ông giáo Thụ và nhà ông Túy, thấy ao vừa rộng vừa trong, có cả hoa sen nở nên anh Thức đã dừng lại quay camera. Vì đang vội lại thấy đã có người cứu được ông Túy nên anh Thức đi luôn.
Sáng hôm sau, cái hàng rào dây thép gai lấn sang nhà ông giáo Thụ đã biến mất. Ông Túy đích thân sang nhà ông giáo Thụ van xin ông đừng kiện ông ra tòa về cái tội mà mình vu oan ông giáo Thụ đẩy mình xuống ao, hòng giết người! Ông giáo Thụ bảo: Được! Ông Túy thở phào, rút sẵn ra tờ giấy, cái bút mang theo:
– Ông làm ơn ghi cho tôi mấy chữ sẽ không kiện tôi rồi ký vào.
Ông giáo Thụ bảo:
– Kẻ tiểu nhân mới hay nói một đằng làm một nẻo, tôi không thế!
Bỗng ngoài sân có tiếng mấy ông cụ hàng xóm sang chơi, cất tiếng chào:
– Ông giáo có nhà không đấy?
Ông giáo Thụ đứng lên, đi ra sân, vồn vã:
– Vâng, mời các cụ vào xơi nước!