Vài nét về tác giả:
Tác giả Nông Văn Kim, sinh năm 1944, dân tộc Tày, quê quán và nơi ở hiện nay: Thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn. Ông đã xuất bản 01 tiểu thuyết, 02 tập truyện ngắn, 01 tập truyện và ký.
Giải thưởng:
– 01 giải nhì, 03 giải nhất các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật do Hội VHNT Bắc Kạn tổ chức.
– 01 giải C, 02 giải khuyến khích, Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, 01 giải Khuyến kích của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.
Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống xin giới thiệu với bạn đọc chùm truyện ngắn của Nông Văn Kim.
ĐẮNG LÌNH
Chợ Chộc Hin nằm ngay trung tâm vùng giáp ranh hai tỉnh biên giới; cái chợ không ai rõ, nó được hình thành từ đời nào, người già nhất ở bản Pác Khoang này nói rằng, từ nhỏ đã nghe nói nó có từ lâu rồi. Cái tên Chộc Hin cũng từ cái dáng hình khối núi đá có từ thời khai thiên lập địa mà ra, Người già nói, ấy là cái cối đá, ông Tài ngào đang đục dở thì nghe tin cha lâm bệnh, đành tạm bỏ lại về thăm cha, rồi không trở về nữa. Nó có dáng hình một cái cối đá khổng lồ với bốn bề quây bằng đá như một bức tường thành, phía trong có một khoảnh đất, có con suối trong vắt từ mỏ nước ngầm phun ra, rồi lại chảy ngầm đi, quanh năm xanh um cây trái, là thế giới riêng của các loài động vật chuyên ăn quả như loài khỉ, cầy quả, sóc bay… nơi đó người ta gọi là Thẳm Lình. Là nói như vậy nhưng chưa ai trèo được vào phía trong do địa hình rất hiểm trở. Người già kể lại, vào thời loạn lạc ở phương Bắc, tướng Trung á Dệt, Lục á Sung đem tàn quân qua đây, đã lấy đây làm nơi luyện quân, tích lương thảo, tính kế lâu dài. Họ đã khai khẩn vùng đất này thành một vùng trù phú đủ lương thực nuôi quân, đồng thời chiêu thợ khai thác các mỏ vàng trong vùng. Trung á Dệt đã xây một toà tháp bằng gỗ đồ sộ to, cao ngang mặt thành đá để đưa vào đó những của cải quí do cướp bóc và khai thác được. Nhưng rồi lại bị thế lực khác đánh bại, trong cơn nguy kịch, phải bỏ của chạy lấy người, họ đã đốt cháy toà tháp bằng gỗ, triệt đường ra vào khu thành đá, bỏ lại đội quân coi kho trong đó chết dần vì đói khát. Sau đó người dân quanh vùng chứng kiến đàn quạ đông hàng trăm, hàng ngàn con, đậu kín trên các mỏm đá hàng tháng trời. Từ đấy về sau, Chộc Hin thành điểm hẹn của những kẻ tham của, liều mạng đã tìm cách trèo vào đó để tìm kho báu; Lâu lâu lại thấy đàn quạ bu lại, ấy là lại có kẻ nào đó bỏ mạng phơi xác trên các hẻm đá.
Chợ Chộc Hin nằm ngay ngã ba con sông, mấy ngả đường mòn dẫn đến các vùng của nhiều tộc người, người Kinh, người Khách bám ngã ba sông, người Thổ, người Nùng ở các thung lũng, người Mán các cùm lưng chừng núi, xa hơn nữa khoảng một ngày đường, tít trên núi cao quanh năm mù sương là người Mèo. Là chợ châu lỵ nên đủ các hạng người từ kẻ ăn mày đến quan quân, chức dịch hàng tổng hàng xã… Chợ mua bán đủ các thứ thượng vàng hạ cám từ vải vóc quần áo, hàng ăn đến mớ cỏ cho hội lãi trâu; Choang.. choang.. choang là hàng rèn ngay cuối chợ, .. éec… éec.. là hàng lợn, người ta mua bán từ những con nhỏ bằng bắp chân đến con khiêng hai. Một ngày kia người ta thấy xuất hiện một ông già bán một thứ hàng trước kia chỉ có đưa ở bên Tàu về, thứ hàng đó đen đen nâu nâu dạng bột ướt đựng trong một cái hộp có nắp được tiện rất cẩn thận bằng gốc cây mai. ông già người nhỏ thó nhưng gân guốc, có đôi bàn tay với những ngón dài, khuôn mặt phúc hậu với đôi mắt sáng, nhìn thẳng, ông có cái tính nhẫn nại, nói chậm rãi nhỏ nhẹ khi tiếp chuyện với mọi người. Ông tên là Căng, (theo tiếng Thổ là tên loài vượn cùng họ với loài khỉ) cha mẹ đặt tên như vậy có lẽ bởi biệt tài leo trèo có từ hồi còn trẻ, ông chuyên trèo hái trám đen, bắt chim Yểng non trên ngọn đa, tắc kè trên núi đá, lâu dần thành một nghề. Ông ngồi trên một mô đất bằng, nửa đất nửa đá nhỉnh hơn cái mâm ăn cơm, thế cũng đủ vì ông chỉ có một mặt hàng duy nhất đựng trong cái hộp… Khách mua phần lớn là các bà, các chị, họ mua với số luợng không nhiều, vài ba hào một thang trị giá bằng ba bốn, ống gạo, hàng được sắn bằng một chiếc thìa bằng gỗ, rồi gói vào trong tờ giấy Toọng mò (giấy bản). Đó là Đắng Lình (huyết lình). Nó là vị thuốc quí nhưng cực kỳ hiếm, nó là máu hành kinh hàng tháng, là nhau thai của khỉ cái khi chúng đẻ; loài khỉ khôn ngoan thường chọn nơi sạch sẽ, kín đáo để làm vệ sinh cá nhân và đẻ con. Phải là nơi có đàn khỉ rất đông, hàng mấy trăm con, mới có lượng huyết lình có thể thu gom được. Sự hiện diện của ông cùng vị thuốc Đắng Lình ở chợ Chộc Hin là một sự kiện gây xôn xao dư luận, nhất là những kẻ lâu nay quan tâm đến Thẳm Lình. Thiên hạ kháo nhau, có phải Đắng lình thật không? rồi họ đánh cuộc với nhau bằng cả chum rượu, thật hay giả? Cho đến một hôm, có ông lang người Khách đến xem, xoa xoa trong lòng bàn tay, đưa lên mũi ngửi rồi nếm. Ông ta đặt bát rượu cộc xuống bàn rồi phán: đây đích thị là Đắng lình, nó còn tốt hơn cả của mấy vị bán thuốc người Khách lấy từ bên Tàu về. Vậy là ông Căng đã vào được Thẳm lình; sự kiện này đã như một bẳng nước lạnh dội tắt khát vọng về kho của vốn như một đám lửa vẫn âm ỷ cháy từ bao đời nay, họ lý sự, “chẳng có kho của nào cả, nếu có ông Căng tội gì phải bán Đắng lình”. Cũng từ đấy thiên hạ không được chứng kiến cảnh đàn quạ đậu kín trên thành đá Chộc Hin nữa. Mọi sự tập trung lại chĩa về phía lão Căng, lão lên Thẳm lình bằng con đường nào, trong đó chắc có nhiều điều lạ lắm, nhưng việc này cũng khó như trèo lên Thẳm lình vì ông Căng rất kín chuyện, ông không thuốc lào, không uống rượu, không tham ăn nên mọi cám dỗ nơi chợ búa không lay chuyển được ông… Bọn người hiếu kỳ đành lắc đầu bó tay.
Sự hiệu nghiệm của vị thuốc Đắng lình đã trở thành giai thoại của mọi người. Với vết thương hở toác, chỉ cần rắc ít bột Đắng lình là cầm máu, qua một đêm là vết thương khép miệng. Đặc biệt nhất là chữa bệnh cam; những đứa trẻ từ khi đẻ ra đến 10 tuổi hễ cứ ốm đau liên miên đều là bệnh cam, cam có nhiều loại; cam mốc (cam bụng) đứa trẻ đi ngoài lâu ngày phân lỏng, màu xanh, tanh ngòm; cam béo, đứa trẻ béo bệu, vàng bủng; cam héo (cam gầy) đứa trẻ gầy mòn đi dù có ăn bao nhiêu cũng không lại sức được, ngoài ra còn nhiều thứ cam khác. Đứa trẻ đã bị cam nếu không chữa kịp thời sẽ dẫn đến chết yểu hoặc nhẹ hơn là mù loà. Cam không chừa ai, kể cả những đứa trẻ con nhà giàu, ăn uống không điều độ càng dễ bị. Tục ngữ có câu “Lục nựa, lục pia, tha tòng ngáo; lục phiác, lục nhả mả lừn lừn” có nghĩa là “Con nhà ăn thịt, ăn cá gầy trố mắt, con nhà rau cỏ, lớn ầm ầm” . Bởi thế khách hàng của ông mới có đủ loại, từ con của kẻ cầu bất cầu bơ không có hòn đất ném quạ đến con của kẻ có của ăn của để, các chức sắc có máu mặt trong vùng, chánh tổng, lý trưởng đến trưởng thôn, thủ bạ, khán hộ bên người Thổ, thống lý bên người Mèo, Bang tá bên người Khách, quản chiểu, động trưởng bên người Mán không ai không dưới một lần có con hoặc cháu dùng thuốc của ông. Bởi thế mới có câu chuyện ngày chợ phiên tháng hai năm Nhâm ngọ đó, cậu cơ mặt rỗ bị cai cơ đánh ngã trước bàn dân thiên hạ. Số là cậu cơ mặt rỗ mới được chuyển đến, đúng vào ngày chợ, mùa hoa đào, cây đào cổ thụ ngay chỗ ông ngồi đang thì trổ hoa rất đẹp, cậu quát ông già tránh ra; đang lúc ông ngơ ngác chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện, cậu cơ liền đạp vào ông già, cầm ỗng thuốc ném xuống đất. Cả chợ bu lại, hàng trăm cặp mắt nhìn cảnh tượng ấy vừa sợ hãi vừa bất bình. Bỗng một người từ đâu sấn đến, giáng cho cậu một cú đấm như trời giáng, khiến cậu ngã quay lơ. Hăng tiết, cậu ta chồm dậy mặt đầy sát khí, nhưng bỗng khựng lại quì mọp xuống vái lấy, vái để. Mọi người nhìn lại, hoá ra đó là thầy cai, (sau này mới hiểu, cách đây một năm thuốc Đắng lình đã chữa khỏi đứa con của thầy cai mười mươi bị mù). Phấn khích, thầy đứng lên mô đá chém tay vào không khí “Mọi người nghe đây, ông Căng đây là ân nhân của mọi nhà ở đất Chộc Hin này; từ nay hễ kẻ nào động đến ông lão, hãy lấy đó làm gương”. Chợ đang đông, một đồn mười, rồi mười đồn thành trăm, chẳng mấy ngày câu chuyện loang ra đến bốn năm chợ ngoại vùng, có chợ xa đến hai ngày đường. Từ đấy, cái ô nửa đất nửa đá mới nhỉnh hơn cái mâm lão ngồi ở Chộc Hin không kẻ nào dám động đến, kể cả thời náo loạn nhất; thời Chộc Hin chứng kiến mọi sắc cờ, mọc lên và thay đổi như nấm gặp mưa, nào là cờ Tam tài, cờ mặt trời mọc, Tàu tưởng, Lâm thao, phỉ Châu Súi Dìn. Cách mạng thành công, Pháp nhảy dù chiếm Việt Bắc, thổ phỉ hoành hành; Pháp chạy, phỉ tan… Dân làng vào đổi công, rồi hợp tác bản, hợp tác toàn thôn, rồi toàn xã, các ngành nghề từ anh cắt tóc, quán nấu ăn, mấy anh mổ lợn… đều phải vào HTX. Riêng ngành của ông chỉ có một mình nên chẳng hợp tác được với ai. Rồi mậu dịch quốc doanh, cửa hàng thương nghiệp bán hàng phân phối theo sổ… rồi đến cửa hàng dược phẩm, sau nhà cửa hàng mọc lên một lò nấu, trên đó chễm chệ cái nồi to bằng cái bồ thóc; ngày đêm nghi ngút khói nấu cao từ cây Hi thiêm, Bách bộ… thu mua tại chỗ. Cửa hàng bán ra (cũng theo phân phối) nào rượu ngũ gia bì, phong thấp, thân quen hơn có tam thất, thuốc bổ B12… Riêng góc ngồi của ông vẫn vậy. Khách không hề giảm đi mà còn tăng lên. Đã có tiếng xì xầm, hàng của ông đã xuống tận Hà Nội, vùng xuôi gần biển… Vì ở đó có những đứa trẻ con của các vị nhà giàu, lắm tiền nhưng bị suy dinh dưỡng do… biếng ăn.
Ông Căng được hơn sáu mươi tuổi thì ông bàn giao cho con là Báng lúc đó đã vào tuổi hơn bốn mươi, ông Báng ngồi vào chỗ thân thuộc của pa, hai người hao hao giống nhau nên nhiều người vẫn lẫn lộn khi gọi tên cha, khi gọi tên con, ông chỉ cười hiền. Từ đấy, mọi sự soi mói lại hướng cả về người kế thừa, những người hiếu kì tìm mọi cách moi cái bí mật về Thẳm lình. Nhưng, như người cha, ông Báng lại làm họ thất vọng.
Tôi với ông Báng là chỗ họ hàng xa, nếu tính theo thứ tự tôi gọi ông bằng cậu, con út của ông có những năm học với tôi nên ông hay gọi tôi là anh giáo. Ông rất quí tôi. Một buổi chiều, thằng con trai út của ông đang học trường Cao đẳng Sư phạm tìm đến tôi:
– Thưa thầy, Pa em nhắn thầy lên gặp!
Tôi chột dạ:
– Thế có việc gì, Pa có khoẻ không?
– Pa em vẫn khoẻ, Pa bảo nhớ thầy quá mà…!
Tôi đã có một đêm thức trắng với ông, câu chuyện về Thẳm Lình đã được hé mở sau bao năm nằm kín trong bóng tối.
… Pa tôi phát hiện ra con đường lên Thẳm Lình như có một sự sắp đặt nào đó của số phận. Hồi đó lời đồn về kho vàng vẫn như đang ngọn lửa lúc cháy âm ỷ, lúc lại bùng lên. Một hôm đi trèo trám đen ở khu thành đá bỗng nghe tiếng rên như tiếng khóc của trẻ con. Để ý lắng nghe, tiếng rên phát ra từ trên ngọn cây; bèn trèo lên xem sự lạ này. Lên đến nơi, hoá ra là con khỉ con bị buộc bằng những vòng quấn của dây rừng vào cành cây. Đoán ra ngay đó là con khỉ mẹ bị thương nặng đã buộc con trên đó trước khi buông tay rơi xuống. Bế con khỉ trèo xuống, vạch lá tìm quanh gốc cây, thấy con khỉ mẹ đã bị chết cứng từ khi nào, hai tay vẫn khư khư ôm cái bụng trương phình, một đoạn ruột lòi ra xanh lè; ông hiểu, một kẻ bất lương nào đó đã bắn con khỉ mẹ khi đó đang cõng con. Một năm trời khỉ con lớn lên trong tay ông, ba tháng theo ông trèo trám, sáu tháng theo ông đi bắt yểng non, bắt tắc kè trong hõm đá… Thế rồi một ngày kia, tự nhiên nó biến mất. Ông bần thần vào ra như mất một người bạn. Đúng ba hôm sau, khi ông đi rừng vừa về đến nhà thì chợt nghe tiếng “xoà, xoà, xoà”, cành cây lay động như có trận gió lớn. Định thần nhìn kỹ đó là cả một đàn khỉ hàng chục con đang rời khỏi nhà ông trèo cây lên núi, ông vào nhà, con khỉ vẫn ngồi đó nhìn ông, cất tiếng “khẹch, khẹch khẹch”; ông bế nó lên, cảm thấy nó béo ra, mũm mĩm hơn mọi khi, nhìn kỹ, dưới lớp lông tơ nơi ngực nó, cặp vũ nhú lên, núm vũ đỏ mọng, ông chợt hiểu, “à mày lớn rồi, đã đến ngày tìm bạn đời, thôi mày cứ đi đi, tao không ích kỷ giữ mày lại đâu, dù rất buồn” ông mở hòm gỗ lấy ra một ống lạc khô, cho vào túi nải treo vào cổ nó. “thôi mày đi theo bạn đi, nhớ về thăm tao nhé”. Nó lại nhìn ông “Khẹch, khẹch” rồi trèo lên xà nhà qua đầu hồi nhảy lên cành cây dâu da, không xa nổi lên tiếng “úi úi” của bọn khỉ. Bẵng đi hơn mười hôm nó lại trở về, lần này nó tỏ ra lưu luyến khác thường. Nó cầm tay ông như trẻ con, kéo tay về phía núi. Ông nghĩ hay là nó muốn chỉ cho ông cái gì, ông liền đi theo nó. Con khỉ nhanh nhẹn đến gốc cây Bàm Bàm từ từ leo lên, vừa đi vừa ngoái nhìn ông như chờ đợi. Ông nhìn cây Bàm Bàm, nó như một cái thang vút lên cao, chui vào một hõm đá nhô ra như mái nhà, ông nghĩ, có tài mấy cũng không thể vượt qua chỗ đó được. Bỗng thân cây lay động như đánh đu, con khỉ biến mất, ông đang chăm chú ngó nhìn lên thì nó lại xuất hiện, nó kêu lên “ui.. ui” rồi đu dây nhảy vào vách đá thẳng đứng như biến vào đó. Ông chợt hiểu “à có một cửa hang thông vào”. Không mấy khó khăn, ông trèo lên đó. Quả thật một hốc sâu hiện ra vừa một người lom khom bước vào… ông đu dây, lấy đà nhảy vào đó… Từ ngày đó, ông trở thành chủ nhân duy nhất của Thẳm Lình.
Tôi ba tuổi đã biết trèo qua cạm cửa với bốn thanh chắn, tám tuổi đã trèo qua khe hổng trên cánh cửa ra ngoài. Cái tên Báng (Báng theo tiếng Tày là tên gọi loài sóc bay – Báng Mèo) không phải là tên cha sinh mẹ đẻ mà do thiên hạ gọi mãi thành quen. Đúng mười tám tuổi, nghĩa là sau bốn năm trèo trám; Pa đưa cho tôi những dụng cụ để leo trèo, đó là năm mươi sải dây bằng Thau Nặc (là một loại dây rừng) được chia làm ba đoạn. Thau nặc dóc lấy vỏ, đem ngâm nước bảy ngày, đập dập rửa bỏ phần thịt chỉ giữ phần sơ, phơi khô, bện thành sợi to bằng ngón tay cái, nó mềm hơn dây Po, dai và cứng hơn dây vải để khi quăng xa không bị rối; một cuộn dây nhỏ bằng chiếc đũa ăn. Năm cái đinh bẵng lõi gỗ nghiến đẽo tựa như chiếc răng bừa để cắm vào các hốc đá, Nếu gặp sự cố không trèo được đành phải dòng dây tụt xuống, nút cố định phía trên được buộc bằng nút sống rồi buộc dây nhỏ vào đầu dây to, xuống hết đoạn dây, chỉ cần giật dây nhỏ là nút bung ra, thu lại đoạn dây. Ấy là cẩn thận như vậy nhưng ít khi phải dùng cách ấy, chỉ gặp hôm trời mưa, trơn trèo lên được chứ trèo xuống rất khó mới phải dùng cách âý. Cuối cùng là một tấm vải đỏ hộ mệnh; trước khi đưa chân trèo lên bậc đá đầu tiên, khoác tấm vải chéo qua vai, chắp tay khấn thần linh thổ địa, xin phép được vào Thẳm Lình linh thiêng, để lấy thuốc trị bệnh cứu người. Lúc ấy ta bỗng trở nên một người khác, quên hết độ cao, quên hết hiểm nguy, mỗi bước chân dường như có ai đưa lối. Phải tuân thủ các nguyên tắc; thứ nhất, ba ngày trước khi trèo, không gần phụ nữ, tắm nước bồ kết, lá xả, quần áo ngâm bằng nước tro, giặt sạch bằng nước lã. Không rượu, không thuốc lào để giữ mùi và tấm lòng sạch như cỏ cây, muông thú. Nguyên tắc thứ hai là chỉ đi một người, chỉ một người để khi đã vào được đó sẽ cắt đứt hoàn toàn sự liên hệ với đồng loại bên ngoài, đi một mình khi gặp trở ngại sẽ phát huy cao nhất khả năng chịu đựng của con người trước sự sống còn.
Hôm đầu tiên, dẫu đã được Pa dặn kỹ nhưng khi đặt chân lên mỏm đá đầu tiên đi đến đích, ông đã không dưới ba lần có cảm giác gai người, lạnh sống lưng. Đoạn thang trời leo bám theo cây bàm bàm, sau năm sáu lần đánh đu lấy đà rồi buông bỏ dây, nhảy vào đó, nếu trượt tay, hay non đà… dưới đó là lởm chởm đá nhọn. Chỉ có một con đường duy nhất để đặt chân lên đoạn tiếp theo vào Thẳm Lình. Đoạn đường “vây lưng cá mo” nghĩa là phải với tư thế cưỡi ngựa vượt qua khoảng ba mươi sải tay trên mỏm đá tai mèo nhô lên như vây lưng con cá, hai chân quặp hai bên, chống tay xê dịch từng đoạn một trong không gian trống trải, hai bên là vực sâu, gió rít từng cơn như chực thổi bay con người ra khỏi mỏm đá; rồi đoạn da lươn trơn tuột như da lươn, không có chỗ cho tay vịn… Vào đến Thẳm Lình, ông thực sự ngõ ngàng như vào động tiên, trong câu chuyện cổ tích… Hôm ấy đã vào khoảng non trưa, ánh mặt trời xiên chéo xuống đáy hang thành một luồng sáng, nó xuyên qua thảm hơi nước đang bốc lên, tạo nên vô vàn những chiếc cầu vồng bảy sắc. Ông ngồi xuống phiến đá, nhắm mắt với tư thế thiền…rồi từ từ mở mắt để quen dần với không gian nửa tối nửa sáng ấy. Chưa đầy ấm nước sôi, bắt đầu nghe tiếng “úi.. úi.. khộc… khộc” của bầy khỉ. Định thần nhìn kỹ thấy có những cái đầu lấp ló sau các hốc đá. Đầu tiên là mấy chú khỉ con, sau đó khỉ nhỡ, rồi bầy khỉ cái… những cặp mắt nhìn rất chăm chú, rồi chúng nhìn nhau “khộc, khẹch.. khộc khẹch” hình như chúng bảo nhau đấy là kẻ lạ mặt. Với động tác rất chậm rãi, ông luồn tay vào túi nải, bốc ra một nắm quả lạc, từ từ xòe bàn tay ra để chúng nhìn thấy, rồi ném xuống khoảng đất bằng trong hang ngay trước mặt mấy con khỉ con. Chúng chăm chú nhìn, sự im lặng bao trùm như chờ đợi cái gì. Bỗng có tiếng “úi… úi… úi” cất lên như một hiệu lệnh, bầy khỉ nhào ra chỗ nắm lạc vừa ném xuống, rào rào như một trận gió.
Thẳm Lình rộng và sâu, rất nhiều ngách khác nhau, Pa đặt tên hang nước, hang dơi, hang trời. Con đường thông lên ngọn núi Pa gọi là hang trời ở đoạn giữa hang trời là nơi có Đắng Lình. Chỉ có hơn hai trăm sải tay mà leo hàng nửa buổi, phải men theo bờ đá nhẵn thín bởi bước chân khỉ mà đi; trơn như da lươn, nếu chẳng may trượt chân… dưới đó là vực sâu lởm chởm đá. Rồi con đường nhẵn đó đột ngột thu nhỏ lại, chui vào một hốc đá tối om, vào khoảng hơn hai chục bước chân nữa: Một mùi nồng nặc, tanh tưởi sộc vào mũi. Định thần lại, nhìn kỹ trong cảnh tranh tối tranh sáng trên một sàn bằng đá thoai thoải rộng chừng cái nền nhà ba gian; có những hốc nhỏ, nhẵn nhụi to bằng cái bát tống lổn nhổn máu và những mảnh thịt bùng nhùng, dùng thìa gỗ nạo vét, cho vào ống, có những nơi chỉ có máu đọng thì dùng cục bông thấm lấy, về đến nhà mới nhúng nước vắt ra.. tất cả ủ trong ống để tụ hoại rồi phơi nắng nhẹ sẽ được một thứ bột đặc sền sệt đó là Đắng lình. Cứ ba tháng vào Thẳm Lình một lần, tháng ba, sáu, tháng chín và mười hai hàng năm. Có lúc khách hàng cần gấp phải vào sớm hơn nhưng sẽ không được nhiều.
Một lần đang ngồi ngắm đàn khỉ nô đùa, bỗng thấy ba bốn con dìu một con khỉ to hình như là bị thương lên hang trời, thấy lạ, ông bám theo, đến đoạn cuối hang, ông bàng hoàng trước một cảnh tượng lạ lùng, con khỉ vừa mang lên đã chết được đặt nằm ngay ngắn trên một nền phẳng bằng đá, cạnh đó có hàng chục bộ xương khỉ, có bộ còn bốc mùi thịt rữa, có bộ đã hoá thạch trắng lốp…Thì ra đây là nghĩa địa của đàn khỉ… Ông lặng đi hàng giờ trước cảnh tượng đó. Từ đấy về sau, ông không bao giờ đặt chân lên ngách hang đó nữa, lòng tự nhủ lòng không bao giờ được quấy rầy vong hồn của những con vật đã được đồng loại của chúng an táng chu đáo tại nơi thâm sơn cùng cốc thâm nghiêm này.
Lâu dần Thẳm Lình trở nên chốn thân quen của ông, ông bắt đầu cảm thấy nhớ hang và đàn khỉ, có lần ông đã lang thang trong đó hàng ngày trời. Hang dơi, nằm khoảng lưng chừng núi, vòm hang rất rộng tựa như một chiếc chảo khổng lồ úp xuống, đen ngòm bởi đàn dơi bám dày đặc, dưới đất một lớp chất đen đen xôm xốp ngập đến đầu gối, khẳm mùi nước giải, đó là những đống phân dơi chồng chất không biết có từ đời nào, trên thành vách hang những đám diêm sinh kết tủa bám trắng lung linh sắc màu như người ta gắn lên đó những vật trang trí bằng thuỷ tinh vụn. Một lần, tính tò mò đã làm hại ông, ông quên lời Pa dặn “Không bao giờ được bước vào hang nước”. Hôm đó, đôi chân ông đã đưa ông xuống hang nước. Mùa cạn, nền suối khá rộng, lòng suối trơ cát trắng. Từ xa nhìn thấy những vật loằng ngoằng, trăng trắng, tiến lại gần ông giật thót mình, đó là một bộ xương người, tư thế nằm, tay chới với nửa trên cạn nửa dưới nước. Sực nhớ đến lời đồn về kho báu của Trung á Dệt. Không biết có ma lực nào dẫn dắt, ông lần vào hang… Chao ôi, những bộ xương người nằm rải rác từ lòng suối nối tiếp vào hang. Trống ngực đập thùm thụp, bỗng một luồng khí lạnh xộc vào mũi, cảm giác buốt lạnh xuyên lên tận đỉnh đầu; ông rùng mình, mắt hoa, chân như chực khuỵu xuống. Ông sực tỉnh, phải đi ra, càng nhanh càng tốt, lảo đảo ngã dúi dụi, lại cố bò dậy. Không nhớ ông đã ra khỏi hang như thế nào, chỉ biết khi tỉnh lại đã sang ngày hôm sau… Khi đó mặt trời đã xiên chéo xuống lòng hang. Cảm giác đầu tiên là đau ê ẩm khắp người, chân tay nặng chịch tưởng chừng không nhấc nổi, trong miệng ngậm đầy một thứ gì chua chua, đăng đắng. Móc tay đưa ra xem, thì ra là những lá thuốc đã được nhai vụn từ khi nào! Ông sực nhớ, đây rồi, thuốc khỉ, trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về những con khỉ bị thương đã biết hái thuốc tự chữa cho mình; ông vội tán mỏng ra để trên lòng bàn tay, tỷ mẩn xem từng mẩu lá còn lành, nhặt lên xem những mẩu lá còn vương lại gần đấy, thì ra có bốn, năm vị ông nhận ra được, nó nằm trong toa thuốc của thầy quyền (võ sư), còn phần lớn không nhận ra cây gì. Ông đưa tất cả vào mồm, nhai nuốt hết cái thứ nước chua chua, đăng đắng ấy; rồi, khép mắt ngồi xếp bằng, bất động trên tảng đá. Như đi vào một giấc ngủ. Thời gian trôi đi có lẽ khoảng bằng hai nồi cơm chín, bỗng nhận ra cái gì đó bò trong bụng, cảm thấy đói, chân tay nhẹ hẫng, như chưa hề có điều gì xảy ra, như vừa qua một giấc mơ. Lục tìm gói cơm để trong túi nải treo ở cột đá có phần nhô ra như một cánh tay người, túi rỗng không, thì ra bầy khỉ đã chén sạch.
Từ đấy cho đến nay ông không bao giờ đặt chân đến hang nước và hang nghĩa địa.
Sự bình yên Chộc Hin dành cho ông được hơn hai mươi năm.
Một ngày chợ năm trước, thằng Cắm Vày bỗng từ đâu lù lù xuất hiện, ôm theo một túi du lịch căng phồng, ngồi cách mô đất của ông năm chỗ ngồi. Nó bán thuốc Trung y. thượng vàng hạ cám có cả, ngăn trên là thuốc chữa bệnh, nó nói, có thuốc Tây bên Ca Na Đa gửi về, thuốc Trung y cổ truyền của cụ Hoa Đà từ thời Tam quốc… Ngăn dưới là thuốc diệt chuột, thuốc gây xảy thai cho phụ nữ. Thời gian đầu, hàng nó đông, người ta bu lại chủ yếu nghe cái mồm của nó là chính, chứ mua bán là phụ, chỉ bán được rặt toàn thuốc diệt chuột, lâu lâu bán dấm bán dúi được một gói cho một chị nón cụp che mặt. Rồi, thằng Vày sán đến chỗ ông, săng sái tán dương vị thuốc Đắng Lình, nó nói ngay trong Tử Cấm Thành bên Tàu các hoàng tử, công chúa đều dùng thuốc này, mà thuốc của họ đâu có được nguyên chất như của ông Báng, tự thu hái, chế biến. Buổi đầu ông thấy khó chịu nhưng lâu lâu quen dần, vả lại nó cũng chẳng nói xấu gì ông. Có lần, nó dẫn đến năm sáu vị khách mua một lúc gần hết số hàng trong hộp của ông. Một hôm chợ, trời mưa rả rích, ông đang ngồi thu mình dưới chiếc nón rộng vành, thằng Vày lại đến, nó cắm lên trên đầu ông một chiếc ô to tướng, có thể che được cho cả bốn năm người ngồi. Nó sởi lởi:
– Thôi trời mưa, hàng cháu chẳng bán được, cháu ngồi đây giúp ông bán hàng cho vui. Ông dịch ra cạnh, nó ngồi vào chỗ ông, miệng liến thoắng, tay thoăn thoắt xúc xúc, gói gói. Hôm đó nửa buổi chợ đã bán hết số thuốc. Nó cầm cái hộp rỗng không, dốc ngược.
– Hộp này đầy, ông bán được bao nhiêu tiền
– Phải được một gánh gạo.
– Hầy, phiên sau ông cứ đem đây, ngồi chơi, để cháu bán giúp, đằng nào cháu cũng ngồi bán mà. Bảo đảm bán được cho ông không mất một xu.
Xong chợ, nó cười hề hề đưa xấp tiền cho ông, cầm đếm lại thấy dư ra khá nhiều, ông đưa trả lại nó phần dư,
– Đây công anh bán giúp.
– Ô hay, ông này, bán được bao nhiêu là phần của ông, cháu là ai mà dám lấy tiền của ông; vả lại, ngồi vào chỗ của ông, phần cháu cũng bán được thêm nhiều lên mà.
Ông nghĩ bụng “mấy thằng nói, thằng Vày là thằng tráo trở, với ai chứ, với ta nó thật thà”. Từ đấy ông đưa hàng cho thằng Vày bán, chẳng cân đo đong đếm gì, thằng Vày trả ông rất sòng phẳng, thế là ông có thời gian lên núi khi thì đôi yểng, mấy cặp tắc kè, mấy củ bình vôi tía .
Một hôm, tự nhiên nỗi nhớ chợ cồn cào nổi lên trong lòng, ông lần ra chợ. Mấy ông bạn quen quây lấy ông.
– Mừng cho ông phát sòi nhé.
Ông ngơ ngác:
– Là chuyện gì vậy?
– Hầy, ông giấu làm gì, bọn tôi không cướp của ông đâu mà sợ.
Thấy ông ngơ ngác. Một ông cười:
– Thằng Vày phô ra hết rồi, ông vừa tìm được một ổ Đắng Lình lớn, bán cả năm không hết.
Ông nghĩ bụng “Đúng là cái thằng phét lác”. Hôm ấy thằng Vày cho con mang tiền đến trả ông.
Một buổi chiều, một người mẹ trẻ cõng đứa con lên tìm ông, đặt đứa con trai chừng năm tuổi xuống phản, nó rên lên, tay ôm đầu gối. Chị khẩn khoản:
– Cháu đưa con lên phiền ông xem giúp.
– Cháu bị làm sao hà? Vừa hỏi ông vừa cầm tay thằng bé, bàn tay nhỏ nhắn nhưng bắp tay tròn lẳn rắn chắc, chứng tỏ đây là đứa bé hiếu động chạy nhảy suốt ngày.
– Cháu nghịch dao, bị chặt vào đầu gối, rắc thuốc Đắng lình từ sáng hôm qua, sao nó không đỡ như mọi lần.
Ông nhìn kĩ, vết thương khá sâu, hở toác, thớ thịt thối xanh lè rỉ ra nước vàng bốc mùi hôi thối.
– Cháu lấy thuốc với ai?
– Cháu lấy ở chỗ anh Cắm Vày, anh ấy nói là thuốc ông gửi bán, hiệu nghiệm trăm phần trăm.
– Cháu có mang về đây ít nào không?
– Cháu còn một nửa chưa dùng.
Chị ta lần tay vào túi lấy ra một gói nhỏ bằng giấy bản, một bên góc bị nước thấm ướt. Lần giở gói giấy ra, ông bàng hoàng, trong tay ông là gói bột đen xịt lổn nhổn đất vụn, bột lá cây trộn máu còn tươi. Ông Đưa xuống bát nước lã khoắng lên, đổ xuống mặt tờ giấy, nước thấm đi để lại đất vụn, ít thịt băm như nhân tiết canh, đích thị là phổi lợn… Mặt ông đanh lại hừm lên một tiếng trong cổ họng. Người mẹ trẻ chăm chú theo dõi từng cử chỉ của ông, thốt lên:
– Sao à ông!
Ông buột miệng:
– Thằng Cắm Vày, mày thất đức đến thế là cùng.
Ông bế thằng bé đặt lên ghế cao, nhìn vào mặt nó, nói như người có lỗi:
– Cháu chịu đau tí nhé, ông sẽ chữa khỏi cho cháu, may mà mẹ cháu đưa đến kip.
Thằng bé gan góc nhìn ông rửa, nạo hết phần thịt hoại tử, đến khi máu tươi rỉ ra, ông mới lấy phần thuốc của ông rắc vào.
– Xót lắm đấy, cháu chịu khó nhé.
Thằng bé nghiến chặt răng, mặt đanh lại thản nhiên nhìn ông.
Ông cười:
– Cháu của ông gan như Quan Công rồi đó.
Nó nhoẻn miệng cười.
Ông không hiểu mình đã kìm nén ra sao mà không cho thằng Cắm Vày một cái bạt tai. Nó đứng chắp tay trước mặt ông, như một cục thịt, nhìn vào chỉ thấy bụng là bụng, chưa cao đến mét rưỡi, nó phải ngửa cái mặt tròn phèn phẹt, trán nhẵn thín lên quá đỉnh đầu, bóng ướt như đít trẻ con để nhìn ông. Nó há cái mồm rộng đến mang tai phô ra bộ răng vẩu có hai răng cửa chìa ra như mõm nghé con ngửi sữa mẹ. Nó thẽ thọt:
– Ông à, cũng do miếng cơm manh áo cả. Ông nhìn xem, thiên hạ có ai thật thà như ông cháu mình không?..
Thấy ông lặng im, nó rủ rỉ:
– Từ xưa, ông cha ta nói “ Nộc quai nộc kin, nu quai nu kin” (chim khôn chim ăn; chuột khôn chuột ăn) ông xem những nhà mấy tầng kia, xe to xe nhỏ kia, nếu làm ăn thật thà làm gì có được.
Ông nghiến răng:
– Nhưng đây là thuốc, làm giả là giết người mày không sợ trời phạt à?
– Người chết là do số, đến bệnh viện to thế kia, có đầy đủ bác sĩ thế kia, bệnh nhân vẫn chết thì đã sao nào; người ta nói “Phúc chủ mạnh thầy”, ông cháu ta bán thuốc nhờ vào cái phúc chủ mà sống ông à.
Ông bàng hoàng trước lý lẽ của thằng người trước mặt ông, nó khác ông quá, giữa nó với ông như nước với lửa. Thằng Cắm Vày tưởng ông đã xiêu lòng, nó rút trong túi ra một xấp tiền, đặt lên bàn trước mặt ông.
– Thôi bây giờ cháu với ông đánh bài ngửa, ông không cần phải lặn lội vào Thẳm Lình, chỉ cần nói là Đắng lình của ông bán cho. Hàng chợ cháu vẫn trả cho ông đều đều số tiền như mọi lần vẫn trả. Nó nhăn nhó:
– Cháu đang có mối ăn hàng lớn tận Hà Nội, ông cố giúp cháu với!
Ông rùng mình trước sự táo tợn của thằng Vày; cầm xấp tiền đập xuống bàn trước mặt thàng súc sinh, quay ngoắt ra cửa, bước thẳng. Còn nghe tiếng nó nói với theo
– Này, này ông nghe cháu nói hết đã!
Đúng phiên chợ sau đó, có người kháo nhau “Cắm Vày đã thuê người vào được Thẳm Lình, đã lấy được Đắng lình”. Ông giật mình nghĩ “Vậy là vẫn sẽ còn những người bị lừa, sẽ có bao nhiêu người chết, bao nhiêu đứa trẻ bị mù vì thằng Cắm Vày đây”. Suốt mấy đêm liền, ông không ngủ được, hình ảnh đứa cháu trai đầu gối bị nứt toác, hở thịt thối xanh lè, chảy nước vàng cứ mãi ám ảnh ông; Thôi, mình cũng có lỗi trong chuyện này, đã vô ý giao hàng cho nó bán, để nó lợi dụng. “Ông cháu mình” vậy là đã lôi ông xuống ngang hàng với nó, ông đã trở thành kẻ đồng loã với phường buôn gian, bán lận. Một nỗi giận trào dâng. Ông quả quyết: “ Vậy thì ta là người buộc dây, ta sẽ phải cởi dây vậy”. Ông lấy ra cuộn dây, tấm vải đỏ phủi sạch bụi, cuộn gọn lại, cho vào túi nải.
Non trưa, ông đã xuống đến hang đúng lúc ông mặt trời chiếu rọi chéo xuống đến đáy hang, vắng ngắt vì lũ khỉ đã ra đi kiếm ăn. ông ngồi bần thần hồi lâu, trút mớ lạc trong túi nải ra, bốc chia làm nhiều phần, bỏ xuống các hõm đá tựa như những cái bát. Vịn tay vào hình con khỉ đứng; ông nhớ những năm đầu nó mới như một cái măng, sau đó lớn dần lên thành hình một con khỉ, đứng ngước mắt, há mồm hứng những giọt nước như dòng sữa mẹ tý tách rơi xuống; ông nghĩ, nếu cứ đà này mười năm nữa mồm con khỉ sẽ chạm đến bầu vú trên cao, ông lầm bầm nói như với những người bạn “Ta không thể chờ ngày đó được nữa; Từ nay ta sẽ không bao giờ lên đây, thôi chào chúng mày”, nước mắt ông trào ra,
Leo theo cây Bàm Bàm xuống đến đất. Ông rút dao nghẹn ngào:
– Ông đã mọc ở đây hàng mấy trăm năm, tôi đã hai đời nhờ ông mà lên được Thẳm Lình lấy thuốc cứu người. Bây giờ thời thế đã đổi thay. Đã có bọn người mượn tiếng ông, tiếng tôi để lừa thiên hạ… Tôi hoá kiếp cho ông, để giữ được sự trong sạch của ông với người đời ông nhé!
Phập.. Phập.. Phập, từ thân cây Bàm Bàm cổ thụ bật ra những thớ thịt đỏ lòm, thân cây run lên bần bật, nhựa ứa ra, đỏ như máu. Nhát dao cuối cùng “cho..a..ng” vào đá, bật trở lại, bập vào đầu gối, máu tứa ra, ông ôm chân ngồi xuống. Máu của ông, máu cây Bàm Bàm nhỏ xuống thấm ướt đám đất mọc đầy rêu xanh.
*
Bàn tay gân guốc với lấy một cuộn giấy to khổ, trải ra mặt bàn. Ông khẩn khoản:
– Anh giáo viết cho tôi, ba tờ, nội dung “Thẳm Lình từ nay không còn Đắng lình, mọi thứ đang được bày bán đều là đồ giả, bà con đừng mua, kẻo bị đánh lừa.
Bế Văn Vàng tức Báng – Đắng lình
Điểm chỉ..”
Tôi bàng hoàng nhận ra khuôn mặt ông bỗng dại đi, những thớ thịt nổi lằn lên như có những con trạch chạy ngầm trong đó, khiến nó méo mó, phụng phịu như chực bật lên tiếng khóc. Lần đầu tiên tôi biết được họ tên đích thực của ông, cũng là lần cuối ông giao tiếp với đồng loại bằng cái tên cha sinh, mẹ đẻ đặt ra cho mình.
Tay tôi run run, suýt làm đổ cả khay mực xuống tờ giấy trải phẳng phiu được chèn lên đó bằng bốn hòn sỏi. Cắn chặt môi, như một cái máy, tay tôi vẽ lên tờ giấy những ký tự “từ nay không còn Đắng lình”
Ngày mai, Chộc Hin lại đến ngày chợ phiên.
Bắc Kạn, tháng 9 năm 2008
———————————————
Mộc tinh
Ngày ngày, máu rừng vẫn đang chảy.
Ngày ngày, người ta vẫn hỏi nhau:
“Lâm tặc là ai”
Từ Khuôn Lình lên Thượng Pha của người Nùng chỉ một quăng dao, nhưng đi qua hết đường đó phải mất nửa buổi, vì đó là đường mòn vắt qua keng đá, người, người Tày làng dưới gọi là Cạm Bẻ (rào chắn dê). Ở đấy, từ xưa là rừng bạt ngàn nghiến, lim, lát… Vào thời cột ngoàm chôn đất đến cột đục xâu xiên kê đá tảng, dân bản địa cũng chỉ dùng toàn gỗ mềm: xoan, kháo, dổi, chò ổi, lát, muồng muồng… vì các loại gỗ này vốn không bị mối mọt ăn, dễ gia công phù hợp với dụng cụ dao, búa, cưa, đục thời bấy giờ. Phải đến những năm bảy mươi thế kỷ trước, bắt đầu là mấy nhà người xuôi lên khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới và những người khá giả bắt đầu đúc gạch, nung vôi làm nhà xây, mới bắt đầu dùng đến nghiến, lim để làm xà vượt, khung, chấn song cửa. Cũng chẳng suy suyển mấy đến rừng nghiến vì số người có điều kiện xây nhà cấp bốn trong địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sau sự kiện chiến tranh biên giới, dân đói, người ta bung ra phá rừng, lấy đất để trồng cây lương thực, lấy cái ăn, thế là bao nhiêu rừng, kể cả rừng gỗ quí cũng bị tàn phá… Gỗ quí một phần bị đốt, một phần được tận thu để làm vật liệu xây dựng. Vào những năm cuối của thế kỷ hai mươi, công tác bảo vệ rừng được đề cao, với lực lượng kiểm lâm hùng hậu từ trung ương đến địa phương thì cơ bản rừng nghiến, lim tập trung đã không còn, chỉ còn lại ở những nơi xa, hẻo lãnh được khoanh lại thành Rừng cấm, Khu bảo tồn…
Riêng cây nghiến còn sót lại nơi Cạm bẻ vẫn sừng sững thách thức với thời gian. Bởi nó là cây Slấn (cây miếu thờ). Người già kể, ngày xưa, nơi đây là một đám nương lúa. Một ngày kia, nơi búi dưa hấu đang thì chín, ngay bên cuống quả còn rỏ nhựa, có một đồng bạc trắng cùng một mẩu giấy viết vội “Tôi có việc qua đây, đang ốm, mệt xin chủ nương mua một quả ăn đỡ khát”. Một đồng bạc trắng mua một quả dưa, một cái giá quá lớn, chứng tỏ đây là một “Tài có” (1), đã gây sự chú ý của chủ nương, lần theo vết cỏ gẫy rạp đến hết nương lên mấy gộp đá, ông ta thất kinh thấy một người nằm chết bên cây nghiến non. Chức dịch tổng, xã và trưởng thôn sở tại vào nghiệm thi, thi thể nằm đè lên một cái túi nặng chịch, mở ra, ai nấy bàng hoàng, đó là những thỏi vàng. Mảnh giấy với nét chữ rắn rỏi, chứng tỏ đây là một “sính sáng” (2): “Tôi họ Lộc, mang ít của cải về quê… đến đây lực đã kiệt, số đã vận… Âu cũng là số trời, muốn số của cải để lại cho đất này. Ai có duyên gặp tôi đây, hãy dùng một phần mười của này chôn cất và thờ cúng tôi, còn lại giao làng, xã làm công quỹ giúp những kẻ chẳng may gặp khốn khó, hoạn nạn”. Thư chỉ ghi họ, không để lại tên, quê quán. Nhưng, có một sự lạ, chủ nương cũng họ Lộc… Hay đấy là lộc từ tổ tiên xa xưa giao sứ mạng này cho thế hệ mình? Gia đình họ Lộc bèn mời thầy Tào cao tay ấn nhất vùng làm đám ma tử tế, cả họ đội tang, y như người thân của mình. Số tiền còn dư góp vào làng, dựng một miếu thờ ngay bên cây nghiến non. Cây nghiến trở thành chứng nhân, chứng kiến những đổi thay của trời đất và con người trải qua bao thế hệ, giữa lòng cộng đồng nó đã thành tinh, mấy ông có chữ gọi là Mộc tinh.
Nhiều người còn nhớ, khoảng giữa thập niên sáu mươi, người ta bài trừ mê tín dị đoan. Ban chủ nhiệm hợp tác xã đã quyết định hạ cây nghiến để xẻ lấy mấy thanh xà làm nhà hội trường, nhiều người sợ nên đã phải phân công những người cốt cán trong đội sơn tràng… Không hiểu sao, cả buổi chiều chỉ phát xong dây dợ, dựng được đà thì màn đêm buông xuống. Họ ngủ tại lán cạnh gốc cây, đang chập chờn vào giấc ngủ. Bỗng nghe tiếng lao xao của tốp người. Xa xa, một ngọn đuốc to, sáng rực, đang tiến lại gần họ… Mấy người bấm nhau, căng mắt nhìn, ai nấy chột dạ, hay là làng có chuyện gì nên đang đêm phải cho người đến gọi. Nhưng, sao thế kia? người gì mà lừng lững đi qua dốc qua khe thẳng bằng như trên đường cái quan… Trong số họ, có một cậu là con của một người làm Pựt, anh ta bỗng buột miệng: “Chợ lẻo pây đu bối cẩn tàng” (ma đi chơi không cần đường). Thế là cả hội tá hỏa, dắt díu nhau về làng trong đêm.
Từ đấy, không ai dám bén mảng đến gốc cây đó nữa.
Mấy năm gần đây, dân giàu lên nhanh, người người làm nhà xây, nhiều nhà ba, bốn tầng. Cộng thêm bên Tàu hút lượng hàng thớt nghiến lớn nên nhu cầu bỗng tăng vọt, giá cao ngất ngưởng. Thế là cuộc chiến giữa người giữ và phá bắt đầu, nó như một trò ú tim. Trong giới lâm tặc lan truyền một lời thách đố “Đố ai hạ được cây nghiến Cạm bẻ”. Hàng chục năm, câu đố đó chưa ai giải được. Ngay cả khi con đường liên xã mở rộng vòng tránh qua sau núi, nơi gốc cây nghiến trở nên rậm rạp, cũng không ai dám chặt hạ vì dùng búa phải mất mấy ngày, vừa phát ra tiếng động lớn, nếu lộ ra bị tịch thu trắng, còn bị phạt nặng.
Cách đây bốn năm, trong số người lên mua tre, nứa, mỡ, xoan đồi rừng có một người khá đặc biệt, anh ta còn trẻ, trên bốn mươi mà tóc bạc trắng, hay ngửa mặt nhìn trời, mấy ông về hưu bảo, anh ta có dáng ngưỡng thiên, phong thái Đặng Tiểu Bình. Đó là Tú bạc, anh ta vốn là một chiến sĩ công an quản giáo. Số phận Tú Bạc ngoặt sang hướng khác bởi một sự tình cờ, do cuộc gặp gỡ với một người tù làm nghề buôn gỗ, anh ta bị gãy cầu do một phi vụ “được ăn cả, ngã về không”, mất mát quá lớn, khiến anh ta phát khùng, cho rằng những kẻ bảo kê ăn tiền anh ta đã nuốt lời hứa, bèn khai ra tất tật đường dây ăn chia từ thôn lên xã lên đến huyện…những lời khai chẳng ai hỏi khi ra tòa. Còn bị đe, nếu khai lung tung ra sẽ tính thêm tội vu khống, tòa chỉ kết tội trên số lượng hàng vi phạm, chiếu khung hình phạt, anh ta đành ngậm bồ hòn chịu cái án ba mươi sáu tháng tù. Vào tù, mới có thời gian ngẫm lời tay thầy bói mù ở chùa Hương, “cậu vượng cung tài, nhưng suy cung lộc… dẫu làm được bao nhiêu của cải cũng sớm đội nón ra đi, thậm trí còn mang họa”. Đặt thêm một tờ hai trăm ngàn nữa, anh ta hỏi: “vậy tôi phải làm sao phát huy được tài năng”. Tay thầy bói mù cầm tờ tiền, đưa lên mũi ngửi “cậu có lòng thành như vậy, tôi chẳng giấu gì, cậu hãy tìm người để phò, để nương nhờ lộc người ta”. “Làm sao để nhận ra người tài”, tay thầy bói lặng im. Đặt thêm tờ hai trăm nữa: “Cậu hãy nghe đây, đây là bài thơ về nhân tướng học, nếu có duyên chỉ nghe một lần là thuộc và ngộ được”, ông ta dạy thêm: “Sợ nhất là kẻ anh hùng.. sợ nhì là kẻ bần cùng liều thân, nếu cố kết được hai kẻ này về mình thì trăm việc chắc thắng chín mươi”.
Trong một lần gặp, nhác thấy thần thái Tú bạc, anh ta bỗng nhớ đến lời dạy của tay thầy bói, như vớ được của, anh ta đã tìm cách hẹn, xin gặp riêng, khai ra lô thớt nghiến giá gần tỷ bạc đang cất giấu dưới ao, mùa này nước cạn có nguy cơ bị lộ. Thế là phi vụ làm ăn đầu tiên giữa một người tù và người coi tù được được khởi sự và hoàn thành trót lọt.
Tú bạc bị kỷ luật, bị ra khỏi ngành vì tội bật đèn xanh cho hai tù nhân “trốn trại ra ngoài ba ngày”. Với sự phò tá đắc lực của tay buôn gỗ vượng tài suy lộc, anh ta thiết lập đường dây buôn gỗ. Đầu tiên, Tú bạc mở mấy xưởng chế biến gỗ ở những nơi trọng yếu, dần dà, tiến dần về nơi còn nguồn hàng lớn… Khu bảo tồn, Vườn quốc gia. Anh ta hăng hái xin đất, bỏ vốn trồng rừng tận nơi vùng sâu, mà trồng ra trồng chứ không lem nhem như mèo cào của mấy lâm trường. Mời lãnh đạo tỉnh, báo đài lên thăm, đưa tin về những cánh rừng xanh tốt của mình. Rừng cây được hai tuổi, để động viên những người trồng rừng, Tú bạc phát không cho mỗi gia đình đối tác một cưa lốc để tiện… tỉa cành, cắt dọn những thân gỗ chết mục, lõi còn sót lại, tận dụng làm… củi, sẵn sàng mua lại những khúc gỗ lớn nhỏ đó với giá cao hơn giá củi. Một lần lên Cạm bẻ, thấy một tốp người ì ạch khiêng một chiếc tủ đứng bằng gỗ ép, qua keng đá, anh ta lân la hỏi chuyện, vớ ra, chiếc tủ mua triệu chín, thuê người khuân vào thôn mới ráp lại hết triệu hai, ấy là chưa tính tiền bữa rượu thịt “Lau, rửa tủ mới”. Anh ta nói với trưởng thôn:
– Anh sống trong rừng gỗ quí mà để bà con phải mua tủ gỗ ép vừa đắt vừa chóng hỏng lại nặng nề, coi sao được.
Trưởng thôn gãi tai:
– Lực bất tòng tâm, mấy tay có tiền thì đi làm ăn nơi xa, còn mấy anh muốn học, muốn làm lại thuộc hộ nghèo lấy tiền đâu đi học và mua máy móc.
– Anh yên tâm đi, tôi cho anh mượn một xưởng mộc đang không có việc làm, có cả thợ lành nghề vận hành. Anh chọn người và địa điểm, sau đó cho người ra khuân vác từ đường cái vào, sáu tháng đầu làm thử, tôi đào tạo thợ cho anh không lấy tiền, chỉ lấy sản phẩm, ưu tiên bán lại cho bà con trong thôn. Sau sáu tháng, nếu cảm thấy làm ăn được, tôi bán xưởng cho anh.
Tú bạc trở thành người bạn đáng tin cậy của người làm rừng nơi vùng cao. Trong hội nghị tuyên dương những gương mặt làm kinh tế giỏi, Tú bạc lọt vào tốp mười của tỉnh, được Phó chủ tịch liên đoàn lao động gọi là “đồng chí Tú”. Danh bạ điện thoại trong máy của anh ta có số của nhiều vị trong giới “đại gia”, vị nào cần gỗ nghiến hoặc cho mình hoặc cho “người nhà” cứ phôn cho, y rằng: “Rất khó Anh à… đấy là mặt hàng độc mà… Nhưng với Anh, em đâu dám chối từ…”. Thế là có ngay số hàng theo yêu cầu, cả với tấm gỗ bằng bàn tay cũng có đủ dấu búa.
Để áp được lưới cưa vào lớp vỏ sần sùi của cây nghiến Slấn, Tú bạc phải mất gần ba năm. Chi hậu cho cậu Chướng bói, cúng thần linh thổ địa đặt quẻ, xin đổi cây nghiến bằng vàng mã. Lựa ngày mưa to, có sấm sét, điều hai thợ giỏi nhất, trong ba chục phút phải cưa được ba mạch vào thân cây nghiến có đường kính mét tư. Hai mạch cắt thành một khối gỗ hình tam giác, một mạch phía đối diện, sao cho không được đổ ngay, rồi lẳng lặng ra về, không được để lại dấu vết. Chục ngày sau, có người đến báo, cây nghiến Slấn đã bị đổ. Trưởng thôn tức tốc báo xã và kiểm lâm, cây nghiến đã bị ai đó cưa trước đó đến chục ngày, vết cưa đã khô, khó có thể tìm ra thủ phạm. Bèn lập biên bản để nguyên hiện trạng cho đến khi nó tự mục.. trở về với đất.. Trưởng thôn than:
– Phải đến mười đời trưởng thôn mất ăn, mất ngủ để canh giữ không công khối tài sản này! Người già trong làng quả quyết: “Không phải điều với tra gì cả, thằng nào chặt sẽ bị trời phạt, chẳng sớm thì muộn sẽ lòi mặt ra thôi”.
Là người sành sỏi trong giới gỗ, nhưng lần này, khi đạp chân lên thân cây gỗ, Tú bạc vẫn thoáng giật mình, gai gai người, hình như có một tia chớp lóe nhanh từ phía chân trời. Nhưng, anh ta nghĩ, có lẽ là sự xúc động của mình trước thành quả, nó đẹp quá, thẳng băng không gợn một vết sần, lại đổ rất đẹp trên địa thế thuận lợi…! Phải nhanh chóng làm thịt ngay. Về thợ, giao mấy tay dùng hàng đen mới dai sức, nếu chẳng may bị lộ cũng dẻo mép nhận tội, chỉ làm thuê cho ông chủ giấu mặt. Phương tiện, loại bỏ cưa Tàu vì tiếng máy nổ to hơn xe Minsk, không dùng cưa Nhật vì chỉ chạy được liền bốn tiếng phải nghỉ vì nóng. Tú bạc cho người tức tốc về Đà Nẵng lùng mua hàng được đưa từ bên Lào về, đó là cưa lốc hiệu Husquavena của Vương quốc Thụy Điển – nước công nghiệp gỗ tiên tiến nhất thế giới. Cưa Husquavena có thể chạy một mạch hai mươi bốn giờ liên tục không nghỉ, có thể vừa chạy vừa tiếp xăng như kiểu tiếp xăng trên không của không lực Hoa kỳ.
Vừa nghe thời tiết vừa chọn ngày lành. Đúng ngày đông chí, sương mù dày đặc, lớt phớt mưa, chục thợ lành nghề nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Dựng rạp che bạt, quây chăn bông bốn phía, máy nổ mini phát điện và chạy máy bơm nước. Điện sáng, bơm phun nước, đồng loạt bốn máy cưa cùng hoạt động, cách xa ba trăm mét không nghe tiếng, Tú bạc thở phào nhẹ nhõm, nhủ thầm “những tấm chăn bông, những tia nước phun trực tiếp đã triệt được bảy mươi phần trăm tiếng ồn, đúng là trời cho ta tay quân sư…”. Lạy trời, trong hai ngày này đừng có ai bén mảng vào đây, nếu đã vào được sẽ phải chi phong bì rất hậu để “Không nghe, không thấy gì”.
Mười lăm ngày sau, có người báo, con đường qua núi đá sang xã bạn, tự nhiên đầy vết người đi còn mới, mà thôn ta thời gian gần đây không ai có việc gì phải qua đấy?… Cây nghiến Slấn, chỉ còn trơ gốc và những mạt cưa vương vãi. Mấy cán bộ Kiểm lâm lên xem xét, lần theo dấu, phát hiện ra, mấy chục cục thớt hình lục giác được giấu kỹ trong hang đá. Bèn lẳng lặng rút lui, lên phương án đón lõng để tìm ra thủ phạm.
Mấy cậu kiểm lâm thu mình, co ro nép vào hốc đá vì lạnh, có ánh đèn pin loang loáng đi tới, nghe tiếng rì rầm của phụ nữ, họ bấm nhau im lặng, đến đầu con dốc, cách họ chừng chục mét bỗng có tiếng ngã “huỵch”, tiếng lăn “lộc.. cộc” của mấy cục gỗ… Tiếng “Alối” cất lên vẻ đau đớn, mấy ánh đèn pin châu lại. Có tiếng phụ nữ cất lên thảng thốt “Nắm pền dá lố” (Không nên rồi). Mấy cậu kiểm lâm bật dậy, cùng chạy đến “Cần hâư, pền lăng dá” (ai đấy, bị sao rồi), một cậu thốt lên “Bân ơi! A lùa” (trời ơi, là thím). Họ từ người đi rình bắt trở thành người cứu nạn, khiêng người phụ nữ bị xảy thai về trạm xã.
Người công an điều tra, ý tứ để cân đường, hộp sữa lên mặt chiếc tủ, từ tốn:
– Chị đã đỡ chút nào chưa? Tôi có thể hỏi chị mấy câu được không ạ?
– Cám ơn anh, tôi đã đỡ nhiều rồi. May nhờ mấy cháu… kiểm lâm.
Tay Thuận người xã dưới ra tự thú, nhận mình là chủ mấy chục thớt nghiến trên, do đi tìm cây thuốc, tình cờ nhìn thấy, không biết của ai bỏ lại trong hang. Tiếc của trời, nên đã thuê mấy bà trong làng khuân ra, giấu cạnh đường cái, nếu ai hỏi mua thì bán. Lời khai “không biết của ai, chưa biết bán cho ai”, anh ta mang đến tận tòa án huyện, không thêm bớt một lời. Nhận án phạt sáu tháng tù giam.
Mãn hạn tù, trong cuộc rượu, Thuận nói với mấy người bạn, “cái gốc cây nghiến Slấn vẫn còn đáng giá tiền triệu, nhưng tớ sợ rồi, không dám dây vào nữa”, mấy người bạn tán vào:
– Cái phần thân có giá bọn họ hưởng rồi, đây là phần bỏ đi, cả kiểm lâm cũng không quản, sợ gì? Về bên âm, ta thổi xôi, mổ gà cúng thần linh thổ địa là được. Ông đang mỏi cứ đứng ngoài, bọn mình vẫn có phần cho ông.
Có tiếng xe công nông nổ “pành pành” ngoài cửa, người chủ xưởng mộc trẻ bước ra. Một gốc cây to chặt, băm nham nhở nằm chình ình trên móc kéo:
– Anh có mua khúc gốc này không?
– Cái khó là chưa biết bên trong như thế nào, xẻ ra dùng được việc gì. Anh cứ nói giá thử xem!
– Chúng tôi phải dùng bột nở nhồi vào để làm bở đá, không làm om gỗ, công chặt, nhiều người khênh qua keng, thuê xe công nông chở … cộng vào mất triệu tám rồi!
– Thế này nhé, là bạn bè làng xã với nhau, tôi cũng cùng đánh bạc, trả anh nguyên tiền công như vừa nói, cộng thêm hai trăm tiền rượu, vị chi tròn hai triệu, được chưa!
Gần cả ngày, người thợ mộc trẻ vào ngó, ra ngắm khúc gỗ, nó dài khoảng mét rưỡi, tròn chằn chặn, nhưng to đầu thót đuôi, làm gì được đây, không khéo mất không hai triệu bạc. Anh ta rút điện thoại. Tú bạc phán: “Nếu như cậu tả, gỗ ấy tiện làm độc bình là hay nhất, cái khó là quê nghèo này chẳng ai dám bỏ ra đến mấy triệu để chơi độc bình. Thôi, cậu cứ tiện đi, tôi sẽ mua giúp với giá cậu đã mua, cộng thêm tiền công, nếu đẹp, tôi trả thêm. Nhưng phải đúng theo kích cỡ tôi ghi cho cậu, không được sai đến một phân nhé.”
Tú bạc suýt bật lên tiếng khen, nó quá đẹp, cả đời làm gỗ chưa thấy chiếc độc bình đẹp như vậy, nếu được gia công thêm…
– Cậu để dùng hay đã hứa bán cho ai?
– Anh nói quá, phận như em, chạy ăn từng bữa có điên mới chơi độc bình, trên thôn này có cho không họ cũng không dám nhận vì đặt ở đâu!
– Thôi, anh giữ lời hứa, cậu lấy bao nhiêu tiền?
– Em đã mua vào hai triệu, tiện mất bốn buổi, tiền công tiền thợ cũng phải hơn một triệu rưởi. Em xin anh ba triệu rưởi được không?
Tú xởi lởi:
– Thôi cậu đã nói vậy, anh trả cậu năm triệu, cộng thêm năm trăm, cậu cho xe công nông chở ra cho anh ngay bây giờ được không?
Cậu thợ khéo tay nhất, mất trọn hai buổi, như anh phó ảnh làm photoshop mài, vuốt, tỉ mẩn rà từng chi tiết hoa văn tự nhiên trên thớ gỗ. Xong việc, anh ta gọi ông chủ vào, lật tấm vải che ra, cả hai nắm lấy tay nhau xuýt xoa. Vợ Tú thịt gà, thắp hương cúng tổ, trình ra chiếc độc bình. Điện tay quân sư về ngay. Anh ta há hốc mồm:
– Hả! Anh lấy đâu ra của báu này? – Nó như một cái đèn kéo quân, bốn phía hiện ra mây, trời, hoa, lá, chim bay, cá lượn, đặc biệt nhất là hình con hổ dáng hùng dũng như đang chực nhảy lao ra với cái mồm há rộng với cặp nanh nhọn hoắt.
– Vật này đến Hà Nội anh cứ hét trên trăm, vẫn có kẻ đốt đuốc đến tìm, anh ơi!
– Bậy nào, chú đánh giá thấp anh thế, đến nước nào mà phải cho nó đi.
Chị mắng yêu. Nhưng. Nó chỉ được ở với Tú bạc có mười lăm ngày.
Anh đi công tác, ghé qua thăm. Chiếc độc bình đã hớp hồn chị. Với anh chị, Tú bạc còn coi trọng hơn ruột thịt, vẫn là ngẫm lời dạy của tay thầy bói chùa hương, qua tay quân sư: “Hãy đọc ra được đối tác nào đang suy mà sẽ thịnh để phò, đấy là của để dành đó”. Ngày ấy, anh mới chuyển công tác từ cơ quan một tỉnh bên Tây Bắc về, mới là trưởng phòng của một sở. Hai đứa con đang theo học đại học dưới Hà Nội, đang phải nợ Ngân hàng mấy chục triệu. Hôm ấy, anh và chị đèo nhau đến xưởng mộc mua ít đồ gỗ, đặt toàn hàng rẻ tiền. Ngồi nói chuyện, mới hiểu hoàn cảnh. Dưới gầm bàn, tay quân sư khẽ đạp vào chân Tú ra hiệu, để anh ta lo. Tay quân sư xởi lởi:
– Thế là anh em ta cùng cảnh rồi, em với anh Tú cũng mới lên đây được hai năm. Những ngày đầu cũng khó khăn lắm, may nhờ bà con giúp đỡ – Quay sang Tú bạc:
– Anh nhỉ, còn bộ bàn ghế và hai cái giường, khách bảo một tháng nữa xây nhà xong mới lấy, tạm cho anh trước đi, vừa giải phóng nhà xưởng đang chật chội.
Tú đỡ lời:
– Anh không phải lo tiền nong ngay, vả lại mang sang đấy, cũng là chỗ để em sang ngồi uống nước với anh chứ.
Thế là thành thân nhau. Tú bạc đã dang tay cưu mang anh. Những chuyến đi Hà Nội, thường ghé qua các cháu: “Chú có cho cháu chút ít tiền, chúng mày không được kể với bố mẹ, nếu bố mẹ biết cấm chú là thiệt đó. Việc của các cháu là phải học giỏi, thành nghề, có tiền, để nếu khi chẳng may chú gặp vận hạn còn phải nuôi”. Các cháu ra trường, có việc làm ổn định, thu nhập cao. Anh chị lên như diều gặp gió, cho đến như hôm nay. Cơ ngơi này, phải nói cho công bằng một phần lớn là nương nhờ bóng anh chị, đã có mấy lần anh đã ra tay cứu giúp, giải thoát cho những chuyến hàng lâm vào tình huống mười mươi mất trắng.
Đã ba lần anh giục, chị vẫn chưa dứt ra được, cặp mắt long lanh, ươn ướt dán chặt vào hình con hổ đang chực lao ra. Tú buột miệng:
– Chị thích nó lắm à?
Bỗng chị mở túi xách tay, nói như hụt hơi:
– Chú ơi, nó đã hớp hồn chị, hãy dành nó cho chị đi – Rồi rút ra một xấp tiền – Đây chị cho chú mười triệu, để chú mua chiếc khác
Đất như sụt dưới chân Tú bạc, định tìm lời từ chối nhưng lắp bắp mãi không ra. Anh bước vào:
– Thôi, chú đã cho thì mang lên xe đi.
Tú bạc như sực tỉnh giấc chiêm bao, xót xa. Nhưng, “chị là vua, trong chuyện gia đình, đến anh, mười phần cũng còn phải nhún nhường tám phần, còn mình chỉ là cái đinh rỉ. Thôi, chịu đầu hàng số phận vậy”. Anh ta nhăn nhó gọi người lấy tấm chăn bọc kỹ, ôm lên xe. Chiếc xe ra khỏi ngõ, không nén được một lời rủa theo: “Đồ tham lam, rồi sẽ chẳng giữ được bao lâu đâu”.
Nhà anh đông khách, những két nhựa đựng vỏ bia liên tục được khuân ra. những lời tán dương chiếc độc bình lan ra đến chợ, đến câu lạc bộ thơ của mấy ông rỗi hơi, có cả bài và ảnh đăng trên tạp chí văn nghệ của tỉnh…
Chị là người sung sướng nhất.
Nhưng. Chưa được một trăm ngày kể từ khi chiếc độc bình đến ngự tại vị trí trang trọng nhất, bên tả bàn thờ, thì có chuyện, Ông tự nhiên bị đau đầu bên trái, tê tê bên chân phải, rồi liệt hẳn, đêm nằm gặp toàn ác mộng, có đêm tự nhiên vùng dậy, hốt hoảng. Họa vô đơn chí. Thằng con trai đang yên, đang lành ở với bố mẹ, tự nhiên bỏ đi ăn, ở với con bồ, mà đó là một đứa lăng loàn chồng bỏ, mở quán cà phê tại cổng cơ quan.
Cậu Thục bói, sau khi xem số tử vi cho các thành viên trong nhà đã phán:
– Bà năm Thìn, đang vượng. Nhưng ông sinh năm Hợi, cháu sinh năm Tỵ đang gặp hạn lớn… cậu ta dừng lời, vẻ đắn đo – Bà đặt thêm một tờ năm trăm ngàn.
– Ông và cháu cùng nằm trong tứ hành xung “Dần – Thân – Tỵ – Hợi”. Bà xem mình có rước cái gì thuộc hổ vào nhà không, tỉ như xương, da, cao hổ…
Suýt nữa bà đã thốt lên: “Trời ơi, con hổ trong chiếc độc bình”, may mà kìm lại được. Chưa tin, bà lên tận cô Sình, cô là người Dao, bị mù, tận khuổi Hẻo tít trong vùng sâu. Bà vừa bước chân vào nhà, định cất lời chào thì cô đã phán: “Dâm hải tài, cấn cấn cướp cướp háng tàu mào chủn” (ở tận đâu về, vội vội, vàng vàng, giống như hùm đuổi).
Bà bảo tay lái xe lẳng lặng gói chiếc độc bình vào tấm chăn rồi để xuống nhà xe. Kể thực thà với người làm thầy tào bên họ ngoại mọi chuyện. Ông ta nói, nếu theo sách, nhà ta đã phạm đến mộc tinh, hạn lớn lắm, trước hết hãy gỡ từng phần. Lúc đem chiếc độc bình vào nhà đã thắp hương khấn tổ tiên, bây giờ cất nó đi cũng phải thắp hương làm lễ, cho nó nhiều tiền, của, nếu nó chịu đi là may…Nếu nó chịu đi, phải đưa trả về nguyên quán của nó.
Thế là trên tầng bốn nhà chị, liên tục trong nhiều ngày, khói hương nghi ngút, tiếng “ờ.. hớ. ơ. hơ.. hơ…”, tiếng “chát… chát…” của cây “Kim cang”(3) dội lên như lệnh xung trận trong điệu Pựt, tiếng đàn tính thánh thót và lời then rủ rỉ trong bài giải hạn của người Tày. Tiếng nhị, tiếng trống, tiếng ngân nga, trầm bổng của giai điệu chầu văn trong lễ hầu đồng ba mươi sáu giá của người Kinh. Chốc chốc, gạo, tiền vung ra ngoài cửa sổ, từ trên không trung, theo gió, rơi lả tả như lá vàng đầu đông.
Ngày đưa Mộc tinh trở về Cam bẻ, không khí như đám đưa ma. Mấy bà ở chợ quả quyết, riêng tiền sắm đồ lễ ở quầy hàng tứ phủ đã mười ba triệu, bằng cả một căn nhà gỗ thường ở làng.
Một tháng sau, ông đỡ nhiều, chống nạng đi lại được. Cơ quan cho nghỉ dài hạn để chữa bệnh. Thằng con cũng trở về nhà chăm sóc bố ốm, sau khi để lại cho cô chủ quán cà phê một chiếc xe tay ga.
Tai họa chưa buông tha nhà chị.
Tú bạc gửi tin về: “Em đã bị công an bộ, phối hợp Interpol bắt. Do đường dây làm ăn liên quan đến nước ngoài. Hết đường cãi vì có nhiều bức ảnh chụp quả tang… họ đã theo dõi mấy năm nay rồi. Phần em, không phải lo, có chết cũng bảo vệ chị. Còn phần bên cầm búa, bên kẹp chì, anh chị hãy sớm liệu, chậm là nguy.”
Chị rũ xuống:
– Trời không cho ta đường sống rồi.
Viết tại Buôn Ma Thuật, năm 2014
Ghi chú:
(1) Tài có, Tài ché là người có biệt tài, uy tín lớn… được cộng đồng vì nể, như anh Hai, chị Hai ở Nam Bộ.
(2) Sính sáng, là người thông thái, có kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực.
(3) Kim cang, là vật dụng trong hành lễ của người làm Pựt, gõ“cốc” xuống bàn khi chuyển làn, hoặc khẳng định một lệnh được ban ra…
———————————————
Chia tay
Một ngày lặng lẽ bạn rời xa,
Lòng tôi trống vắng, mắt chợt nhòa,
Bạn đồng nghiệp ấy, bao ngày tháng,
Âm thầm bên tôi, sáng nụ cười.
Mỗi bước tôi đi, bạn dõi theo,
Mỗi khi gian khó, bạn đồng cảm,
Nụ cười hiền hòa, niềm an ủi,
Giữa miền sóng gió, cập bến nụ cười.
Người đi rồi, lòng tôi trống vắng,
Nhớ nụ cười hiền, tim ấm lại,
Đồng hành lặng lẽ, bạn còn đây,
Nụ cười ấy, sáng trong tim này.