Trang Thanh
Ảnh: Facebook họa sĩ Ngô Bình Nhi
Sáng ngày 5/10/2024, NXB Hội nhà văn có nhân duyên tổ chức sự kiện ra mắt cuốn sách “Kinh bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng” (sau đây gọi là Địa Tạng Kinh – Dịch giả: Hòa thượng Thích Tuệ Hải) cùng 15 phụ bản tranh của hai họa sĩ Lê Thiết Cương và Ngô Bình Nhi, tại Phòng Nghệ thuật, tầng 3 – 65 Nguyễn Du – Hà Nội. Đây là cuốn sách thứ 2 sau cuốn Kinh Gốm trong Tủ sách văn hóa Phật giáo của Gallery39 mà họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện.
Nói về nhân duyên với bản Địa Tạng Kinh đặc biệt này, Lê Thiết Cương kể rằng, từ nhỏ anh “đã nghe, quen nghe hằng ngày lời tụng kinh, tiếng chuông mõ của ông bà. Tủ sách gia đình toàn sách Phật giáo. Khi học chữ thì sách tập đọc là sách kinh. Nghe, đọc kinh chứ hiểu thì chắc là không. Bây giờ cũng chả ‘hiểu’ mấy. Thích tìm hiểu, thích đọc thôi, kiểu như đọc cái sự vô đọc giống tu vô tu vậy.”
Chuyện là vậy nhưng anh nói: “Trước sau tôi vẫn chỉ là một người mộ đạo. Năm 2020 làm triển lãm và cuốn sách cùng tên Kinh Gốm. Chọn những câu thơ Thiền (Việt Nam) hoặc những câu kinh điển của nhà Phật viết lên lọ, đĩa gốm kèm minh họa.”
Người tham dự triển lãm Kinh Gốm năm ấy hẳn còn nhớ những tác phẩm tranh, gốm, sành có ghi những câu kinh điển mà giản dị của nhà Phật: “Thực tướng vô tướng”, “Phật sinh bất nhị”, “Phiền não tức bồ đề”… chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc. Lê Thiết Cương khẳng định anh đọc, tìm hiểu nhiều về đạo Phật. Đâu đó trong triển lãm tranh gần đây của người bạn là họa sĩ Quốc Thắng, một Phật tử tại gia, Lê Thiết Cương nói một điều khiến nhiều người đồng cảm, rằng theo anh, “Người tu tập không phải là để đi từ A đến B, mà là chính là đi từ A về A, tức là đi tìm chính mình, trở về với chính mình.” Và trong câu chuyện kể lại nhân duyên ấn tống Địa Tạng Kinh, anh (tựa như muốn) nhắc lại: “Nếu thế gian này không còn tâm phiền não, chỉ có toàn vui vẻ, hạnh phúc thì chả cần tâm bồ đề, chả cần Bồ tát và Phật cũng ‘thất nghiệp’”. Anh dường như rất tâm đắc khi trích dẫn: Đại thi hào Nguyễn Du bảo “đã đọc Kinh Kim Cương cả ngàn lần mới ‘hiểu’: ‘Chung tri vô tự thị chân kinh’”, suy đến cùng thì kinh chân thực nhất là kinh không chữ; và “Nguyễn Trãi chắc hẳn đọc thiên kinh vạn quyển mới ‘hiểu’, bông hoa dâm bụt bên rìa nước sớm nở tối tàn là sắc không, không sắc, là Niết bàn tại thế…”
Lê Thiết Cương sinh vào tháng Mười, Mùa Thu, có lẽ vì thế, mà nhân duyên ấn tống Địa Tạng Kinh năm nay là sự kiện đặc biệt đối với anh. Trong buổi ra mắt bản Kinh, anh nhắc đi nhắc lại, rằng ngày 05/10 năm nay sẽ là ngày anh ghi nhớ nhất trong cuộc đời mình. Và dù đã viết ra một “câu chuyện” gọi là “Chuyện của tôi” như một giãi bày về nhân duyên với Địa Tạng Kinh, anh vẫn “để dành” một câu chuyện đặc biệt khác để lúc này trước đông đảo mọi người anh mới kể: “62 tuổi, tôi chọn Địa Tạng Kinh để ấn tống… Chẳng hiểu sao đã đọc Địa Tạng Kinh đến ‘n’ lần rồi mà tôi không thấy được cái hay. Nhưng tháng Sáu vừa qua, trong kỳ nghỉ với vợ chồng họa sĩ Bình Nhi và Quốc Thắng ở Ba Vì, cùng nhau mang Kinh ra đọc trong một cái thất rất đẹp, mở cửa ra là nhìn thấy đỉnh núi thiêng Ba Vì. Ngày thứ ba thì tụng Kinh Dược sư. Ngày thứ tư thì tụng Kinh Địa Tạng. Xong tôi thấy có sự khác ở trong lòng, dù mọi sinh hoạt vẫn bình thường như mọi ngày. Tôi mang theo giấy dó, mực Nho khi đi chơi, cũng nói mọi người ai thích vẽ gì thì vẽ. Tôi đã vẽ 11 bức tranh lấy cảm hứng từ Địa Tạng Kinh mà sau đó dùng làm bìa và phụ bản cho cuốn sách này. 9 trong 11 bức tranh đó tôi ghi câu mà tôi cho là hay nhất và rốt ráo nhất trong Kinh Địa Tạng: Ngài Địa Tạng nguyện rằng: ‘Địa Ngục chưa hết, thề không thành Phật’”.
Khi thực hiện công việc biên tập cho bản Kinh, họa sĩ “ngồi đọc, chép, tụng Địa Tạng Kinh, mới chợt nhận ra, các bản kinh mà tôi có đều nhiều lỗi đánh máy, lỗi câu, ngữ pháp, cách dùng các dấu của tiếng Việt chưa hay. Người thiết kế, in ấn, gia công sau in không phải là người tụng, đọc kinh. Sách xấu đã đành, mà rất khó để đọc/ tụng.” Anh quyết định “chọn hình thức sách mỹ thuật, từ thiết kế đến phụ bản tranh, chọn giấy ruột, giấy bìa đến biên tập… đều hướng đến một cuốn sách – kinh đẹp”, gáy lò xo xoắn, lề sách rộng, chữ to đậm, để dễ mở, dễ nhìn khi tụng.
Lê Thiết Cương gọi tất cả những việc anh làm cho cuốn Địa Tạng Kinh ấy là công việc “ấn tống” kinh sách. “Ấn tống” trong đạo Phật thường được dùng với hàm ý chỉ những kinh điển, tài liệu Phật pháp được in ra để tặng, biếu, cho, không bán. Tuy nhiên trên bìa cuối của bản Kinh này vẫn được những người làm sách đề giá bán và đây cũng là điều khiến một số người thắc mắc. Họa sĩ lý giải, theo anh, một người công đức dù 1 xu hay 1000 đồng thì đều là một hành động đẹp. Điều mà anh có thể công đức trong việc ấn tống bản Kinh với số lượng khiêm tốn này là toàn bộ vốn hiểu biết qua sự đọc, sự học của anh, đóng góp vào công việc biên tập lại toàn bộ nội dung bản Kinh một cách chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận nhất có thể. Anh sẽ công đức “file” nội dung đã biên tập kỹ càng đó cho các nhà chùa để có thể lan tỏa đến những ai muốn tìm hiểu, cũng như dùng cho việc xuất bản tác phẩm trong những lần tiếp theo.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà, người nói rằng đã từng đọc khá kỹ Địa Tạng Kinh từ bản dịch của Thượng tọa Thích Trí Tịnh, cho đến giờ cầm trên tay bản Kinh này, vẫn muốn khẳng định giá trị lớn nhất của Địa Tạng Kinh là việc đề cao đạo hiếu, giúp xây dựng đạo đức của người Phật tử, thức tỉnh về đạo làm người.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, họa sĩ Lê Thiết Cương đã mang lại cho chúng ta cơ hội đáng quý, được đọc Địa Tạng Kinh để có thể tìm thấy bản kinh của chính chúng ta trong bộ kinh lớn này. Ông nói: “Trong mỗi con người chúng ta đều có lớp lớp những trang kinh của riêng mình, nhưng lâu nay chính chúng ta đã ngờ vực điều đó, và để cho cuộc sống đầy tham vọng và những điều tăm tối vùi lấp nó. Điều quan trọng của ngày hôm nay là chúng ta phải trở lại và nhận ra chính mình.”
Sau bản Địa Tạng Kinh, Lê Thiết Cương bày tỏ mong muốn làm một cuốn sách về Tam tổ Trúc Lâm. “Đương nhiên tôi chỉ làm về kinh và luận, không làm về luật. Tôi chỉ là một người mộ đạo nhưng thậm chí chưa được như bạn tôi là họa sĩ Quốc Thắng tu tại gia. Nhưng ngày 5/10 là ngày tôi ghi nhớ một nhân duyên là tôi được làm điều mà tôi thích.” – anh chia sẻ.