Đặng Thùy Tiên, sinh năm 1990, hiện đang sinh sống tại Tam Đường, Lai Châu. Là Hội viên Hội VHNT Các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hội viên Hội VHNT tỉnh Lai Châu.
Tác phẩm đã in và xuất bản:
Những mùa hoa trên cao nguyên đá, Truyện ngắn, Nxb Thanh Niên, 2023.
Những ngọn gió thổi ngược, Truyện ngắn, Nxb Quân Đội Nhân Dân, 2023.
Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp, Truyện ngắn, Nxb Hội Nhà Văn, 2024
In chung 14 cuốn sách gồm truyện ngắn, tản văn, bút ký, truyện thiếu nhi,…
Giải thưởng:
– Giải khuyến khích cuộc thi viết Tình yêu của tôi do VTV3, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức vào tháng 12, năm 2021.
– Giải B cuộc thi viết về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ cảnh sát nhân dân” cho truyện ngắn Những mùa hoa trên cao nguyên đá, do Bộ công an tổ chức vào tháng 7, năm 2022.
– Giải Tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 cho Tập truyện ngắn Những ngọn gió thổi ngược.
Trân trọng giới thiệu chùm 3 truyện ngắn của tác giả Đặng Thùy Tiên:
Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp
Ngay từ sáng sớm tinh mơ, lũ sương đã bò xuống núi, lả lướt trên các bậc cầu thang lên sàn trên. Trời càng sáng rõ, sương càng tìm về nhiều hơn, chúng theo hơi người phả ra mà lùa cái lạnh dồn dập khiến đôi chân Thum càng tê dại hơn mỗi khi dẵm phải hòn đá tai mèo sắc nhọn. Bồ ngô trên lưng Thum ghì đôi chân xuống nặng hơn mỗi lần xuống dốc. Đi được một nửa đường thì cái chân Thum đã muốn nghỉ lại, mỏi quá rồi nhưng cái đầu Thum chịu sức nặng của bồ ngô vẫn cắm cúi đi tiếp.
Thức ăn trong tuần này của nhà Thum trông cậy cả vào bồ ngô này, Ón – em trai Thum đã nhiều bữa không được ăn cơm, nó khóc sùi bong bóng mũi bên hiên nhà bắt đền Thum. Thum biết làm sao được, Thum không giải thích được với em trai để có được bát cơm trắng nó khó khăn như thế nào, nó đánh đổi bởi đôi vai gầy mòn của cha ở trên nương trên rẫy, bởi những ngày đi lấy củi trầy lưng của Thum trên rừng. Chính Thum cũng chẳng hiểu tại vì sao nhà mình lại khổ như thế, dù cho ai cũng chăm chỉ, thức khuya dậy sớm cắm mặt vào đất núi, làm việc quần quật cũng không đủ nộp sưu thuế cho chúa đất. Mẹ Thum đã bỏ làng đi bặt tăm, ở nhà chỉ có mỗi hai chị em Thum ngóng tin của mẹ, bố đã đổ nỗi nhớ mẹ vào công việc, vào những chén rượu nhạt đêm khuya.
Cái nặng của bồ ngô đã chiến thắng sức chịu đựng của Thum. Thum ngồi thụp xuống, thở hổn hển, đặt bồ ngô lên một tảng đá bằng phẳng ở ven đường. Tạm thời trút bỏ mọi mệt nhọc Thum ngồi yên lặng ngắm nhìn những ngọn cỏ lau bay lớt phớt trong gió. Những giọt mồ hôi thánh thót rơi rơi, vương cả vào làn tóc mây, chiếc váy lanh vá chằng vá đụp, cái áo cóm sờn cũ cũng không che lấp đi được vẻ xinh đẹp trên gương mặt Thum. Thum nhận biết được vẻ đẹp của mình nên thường lấy nhọ nồi bôi lên mặt để che lấp đi. Không chỉ riêng Thum, mà con gái mới lớn chưa gả chồng ở cả vùng này đều bảo nhau phải che giấu nét đẹp của mình, không dám lộ ra vì nếu để bọn tay sai của chúa đất nhìn thấy chúng sẽ tìm mọi cách bắt đi để chúa đất nạp thiếp hoặc lấy làm người hầu kẻ hạ.
Đôi chân Thum cảm nhận thấy nhịp rung trên nền đất, Thum áp tai xuống đất, nghe rõ tiếng lục cục như vó ngựa đang lại gần mình, Thum luống cuống tìm chỗ nấp ở ven đường, nhưng còn bồ ngô này, Thum phải cố sức đem giấu cả nó đi nữa, Thum phải bảo vệ bữa ăn của cả gia đình mình. Sau khi trèo lên một bụi cây cao hơn mặt đường, Thum yên lặng quan sát.
Có hai tên đi đầu cưỡi ngựa, bên mình có đeo súng, một đoàn người bị trói đi theo sau, sau cùng là những tên lính áp tải, lưỡi lê sáng loáng. Những gương mặt người khắc khổ, ủ rũ, những tiếng khóc nỉ non oán thán. Trong đoàn người đa số là thanh niên, phần nhiều là đàn bà con gái bị bắt về để cống nạp cho chúa đất.
– Pay! Pay!1
Một tên trong bọn tức giận quát lớn. Tiếng súng va vào nhau lách cách. Thum sợ hãi, cả người như có con rệp bò quanh chích vào da thịt rờn rợn.
Tiếng bước chân của đám lính rầm rập đi xa lâu rồi mà trống ngực Thum vẫn đập thùm thụp. Thum lẩy bẩy bò xuống đường lần hồi đi tới chợ phiên, những tiếng khóc như vẫn còn văng vẳng lẩn khuất sau những bụi cỏ lau cao khuất đầu người mọc dọc hai bên con đường mòn đầy bụi đất đỏ vàng.
Đến chợ, Thum chọn cho mình chỗ ngồi sát một bà cụ già tóc bạc phơ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Bồ đựng ngô gần như che lấp cả thân hình nhỏ thó của Thum. Bà cụ mang lá thuốc đi bán nhìn Thum tủm tỉm cười.
– Dệt hay lừa tà báu to dệt na hau nưng (Làm nương ngút mắt không bằng làm ruộng một thửa)2.
Thum ngước đôi mắt trong veo lên nhìn bà cụ.
– Nhà cháu chỉ còn bồ ngô này thôi, nếu hôm nay không bán được, không mua được tí gạo nào thì em nhỏ ở nhà cháu khóc chết mất bà ơi!!!
Bà cụ nhìn Thum với ánh mắt đầy thương cảm. Thời thế loạn lạc, chúa đất gian tham, độc ác, quan tạo không còn thương con dân, chỉ cốt sao vơ vét cho đầy túi mình, cảnh ai cũng khổ thì biết giúp nhau thế nào đây con ơi. Thum nhìn bà cụ rồi nhìn xuống bồ ngô của mình, đảo mắt nhìn quanh chợ phiên với những bóng hình rời rạc, những gương mặt gầy héo đầy lo âu, đã không còn cảnh đông vui tấp nập như khi Thum còn bé tí theo mẹ đi chợ.
– Lính đến bắt người kìa bà con ơi, mau chạy đi!!!
Tiếng hét thất thanh khiến lòng người ai cũng hoảng hốt, mặc gà bay lợn chạy, bỏ của chạy lấy người nhanh còn kịp. Thum vẫn nhất quyết ôm bồ ngô không thả, bà cụ lập cập kéo Thum chạy, Thum lắc đầu, nước mắt lưng tròng, bồ ngô này còn hơn cả mạng sống của Thum. Nguy hiểm đã đến gần, bọn lính hả hê cướp bóc, Thum vẫn ôm bồ ngô khư khư.
Có những người chống đối đã bị bọn lính bắt lại, người cứng đầu bị chúng giết hại luôn, thanh niên khỏe mạnh bị chúng bắt trói lại. Trời đột ngột chuyển màu, đất bụi lẫn lộn, cây cỏ loang một màu máu. Thum nhìn bọn lính với ánh mắt căm thù nhưng tay Thum vẫn nắm chặt bồ ngô không buông. Một tên lính mắt lé, một vết sẹo dài chạy thẳng trên mặt tới gần nhìn Thum chằm chằm:
– Con nai tơ này hôm nay đi lạc thật là quá tốt rồi, thân hình thon thả hợp ý chúa đất đấy! Chúng mày đâu mau bắt lấy đem về dâng chúa đất lấy thưởng.
Thum nhanh chóng bị bọn lính bắt lại cùng với đoàn người dong nhau đi trên con đường đất đỏ vàng. Trời đất ngập chìm trong màu xám u tối, gió, hoa lau hòa vào cùng với nước mắt Thum.
Sau nửa ngày lênh đênh trên thuyền với một bên là cây cối cao vút tầm mắt, những rễ cây to lớn lòa xòa xuống mặt sông. Con sông xanh thẫm, mặt nước lúc tĩnh tại khi lại ầm ào sôi sục. Người lái thuyền cắm cây sào tre xuống nước, bắp tay cuồn cuộn, thuyền đi ngược dòng. Tiếng chim gáy trong khu rừng cạnh bờ sông vọng tới thao thiết, mặt trời khuất sau rặng cây khiến cho mặt sông càng trở nên âm u, buồn thảm. Thum tưởng mình đang được con vịt thần chở qua sông đi qua rừng ma của địa ngục, đường lên mường trời ở đâu??? Mẹ ơi, đường con đi là đường tới địa ngục. Nước mắt Thum lăn dài, Thum nằm bất động trên thuyền.
Con thuyền cập bến khi trời vừa sập tối. Thum cùng đoàn người phải đi trên một con dốc dài, bên dưới chân, đá gạch bằng phẳng, lạnh lẽo. Tiếng roi vun vút đằng sau cùng tiếng người rên khóc làm Thum càng thêm sợ hãi, Thum chùn bước, phía trước mặt một lâu đài đen ngòm hiện ra như trong cõi u linh mà người già hay kể mỗi tối bên bếp lửa nhà sàn. Một bàn tay to lớn đánh ngất Thum từ phía sau.
Khi tỉnh dậy, Thum đã thấy mình nằm trong một căn phòng nhỏ, trong phòng ngoài cái nệm nhồi bông cỏ lau ra thì không có thêm gì khác. Thum bò dậy cố gắng đẩy cửa ra thì không ngờ cửa đã bị khóa lại. Thum run rẩy sợ hãi nghĩ tới nhiều viễn cảnh không hay. Bóng tối hun hút nhấn chìm Thum vào khoảng trống vô tận. Đương lúc Thum hoang mang thì cánh cửa mở toang. Thum trợn tròn mắt, trái tim như muốn rơi ra khỏi ngực.
Đứng trước mặt Thum không phải quân lính với súng ống ghê người mà là một người phụ nữ xinh đẹp, chiếc áo cóm màu trắng được làm từ vải trơn mượt chứ không phải làm từ loại vải dệt từ sợi lanh thô nháp. Thum nhìn người phụ nữ không chớp mắt như thể đang nhìn thấy tiên nữ giáng trần. Người phụ nữ cũng yên lặng quan sát Thum, Thum nhìn vòng eo con ong con kiến của người phụ nữ mà xuýt xoa. Người già trong bản nói rằng người con gái Thái đẹp là người có thể hình cân đối, đặc biệt cái vòng eo thon gọn, mái tóc dài đen mướt chắc khỏe chính là căn cứ để đánh giá. Theo như Thum thấy, người phụ nữ này không chỉ xinh đẹp, mà từ trên người cô ta còn tỏa ra khí chất đặc biệt.
Bỗng nhiên có tiếng thét ghê rợn từ phía căn phòng bên cạnh vang lên làm cho Thum giật mình kinh hãi, trái ngược với sự hoảng hốt của Thum, người phụ nữ bình thản kéo gương mặt của Thum lên nhìn, rồi ánh nhìn dò xét của cô ta kéo dài xuống cả thân hình của Thum. Thum chỉ thấy ghê sợ sự vô cảm lạnh lùng của người đàn bà đứng trước mặt mình. Thum không ngờ sau này sẽ có lúc chính bản thân mình cũng sẽ trở nên chai lì trước những tiếng la hét thống khổ phát ra từ những căn phòng chứa củi của chúa đất.
Ngay buổi chiều hôm ấy, hai người hầu nữ đã tới đưa Thum đi. Đi được một đoạn, có hai tên lính cao lớn kéo theo một cái xác rũ rượi đi qua. Một tên lính nhổ toẹt bãi nước bọt trước mặt Thum. Thum cúi mặt, sợ hãi nhìn theo đám ruồi vo ve bay theo cái xác bị kéo đi ra quả đồi nằm khuất sau lưng biệt thự đá đen, nơi chôn những kẻ dám chống đối chúa đất. Thum nghe người ta kể, có người được chôn cất tử tế, có người bị vứt xác cho quạ rỉa. Từ lâu đám quạ tụ tập về đây thành từng đàn, chiều chiều người dân đi lấy củi qua dưới chân đồi còn nghe thấy tiếng chúng cãi chửi nhau, lẫn cả tiếng người khóc lóc ai oán vì chết oan ức mà linh hồn còn bám vào cây rừng không chịu siêu thoát. Đám quạ đã thành tinh, rừng ma của địa ngục chính là nơi này. Thum lụi cụi đi theo không dám phản kháng, cảm giác đầy nặng nề, chỉ sợ một chiếc roi ngựa sẽ bất ngờ quất ra từ một góc khuất nào đó khi Thum lỡ làm gì trái theo ý muốn của đám người này, chúng độc ác như thú dữ.
Thum được đi tắm, thay bộ váy mới rồi hai người hầu đưa Thum tới một căn phòng nằm ở tầng hai, gió thổi từ mặt sông vào mát rượi. Từ đây, Thum mới có dịp nhìn rõ dinh thự của chúa đất họ Đèo nằm trên một quả đồi hướng mặt ra phía ngã ba sông Đà. Thum ngước nhìn ngôi nhà xây hai tầng lợp đá đen quý hiếm, tráng lệ, một nơi mà cả trong mơ Thum cũng không thể tưởng tượng nổi sự xa hoa hiếm có của nó. Mọi đồ đạc trong phòng nếu không phải hàng quý hiếm thì cũng là những thứ mà một người nghèo hèn như Thum chưa bao giờ trông thấy. Mọi thứ được bày biện một cách đẹp đẽ, ngăn nắp.
Một tiếng ngáy như sấm vang lên từ sau chiếc rèm đắt tiền, mùi rượu nồng nặc thoảng ra. Thum cùng hai người hầu nữ ngồi phủ phục dưới đất, mặt cúi gằm. Thum nghe tiếng bước chân nhẹ nhàng đi tới, Thum tò mò ngước mắt lên nhìn thì bắt gặp một đôi chân trắng nõn nà. Vẫn là gương mặt người phụ nữ lúc sáng nhưng với trang phục kỳ lạ, hở nhiều phần da thịt. Thum sợ hãi như kẻ trộm bị bắt quả tang, Thum đỏ mặt cúi đầu nhìn xuống đất.
– Ngẩng mặt lên. Người phụ nữ ra lệnh cho Thum. Từ nay ngươi được chọn theo ta học múa xòe, nếu ta nhìn thấy ngươi phù hợp, ta sẽ cho ngươi trở thành một sao mổ nhập vào đội múa mười hai người của chúa đất. Nào, nói cho ta biết tên của ngươi.
– Dạ, dạ, tôi tên Thum thưa… thưa bà!
Thum nhanh trí đáp lại. Cố nén nỗi sợ hãi đang tràn ngập trong lòng. Sau một hồi hỏi han, Thum được chuyển tới căn phòng rộng rãi, sạch sẽ hơn. Cùng ở với Thum còn có tám người khác, tất cả đều sêm sêm tuổi với Thum, trẻ, da thịt trơn nhẵn, lành lặn và có ngoại hình xinh đẹp. Qua câu chuyện của các cô gái, Thum nhanh chóng biết được tên của người phụ nữ thu nhận cô là Kim, một nghệ nhân nổi danh xinh đẹp nhất vùng, với tài năng múa xòe của mình, Kim hiện là sao mổ múa chính trong đội xòe của chúa đất họ Đèo, cũng là thầy dạy của những cô gái đồng môn của Thum.
Những ngày đầu, Thum được ăn ngon mặc đẹp, được đối xử tử tế, những bài học múa với những động tác đơn giản với Thum khiến cô cảm thấy khá dễ chịu. Tuy vậy, thi thoảng những tiếng la hét thất thanh vẫn khiến Thum phải tỉnh giấc giữa đêm. Những tiếng hét đầy đau đớn như nhắc nhở Thum đừng quên đi thân phận nô lệ của mình. Không biết giờ này, bố và em trai Thum sống ra sao? Bố có biết Thum đã bị chúa đất bắt đi mất hay vẫn đang tìm kiếm đứa con gái của mình trong vô vọng. Thum ôm chặt lấy bản thân mình, co người lại, nước mắt chìm vào bóng tối xa lạ.
Sau khi luyện tập thuần thục độ dẻo của tay, phối hợp chân với tay thật đều theo yêu cầu của những bài xòe đơn giản nhất, đội của Thum bắt đầu tập đội chai lên đầu để giữ thăng bằng trong khi múa. Kim cầm sẵn thước gỗ, ai làm rơi chai đều bị vụt một cái vào mông đau điếng. Kim không đánh vào chân, vào tay vì sợ để lại sẹo sẽ bất tiện sau này khi những người học múa đã thành nghề.
Thum bắt nhịp nhanh chóng như thể những động tác múa này đã quá quen thuộc với Thum. Kim đã nhìn ra được người sẽ tiếp nối mình nên càng hết sức dạy dỗ truyền đạt những kỹ năng khó cho Thum. Mặc dù Thum căm ghét chúa đất, căm ghét những việc ông ta gây ra khiến những người nông dân như gia đình của Thum rơi vào cảnh khổ sở, bần hàn, thậm chí tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái ly tán tha hương. Thế nhưng những vũ điệu, từng nhịp tính tẩu đã nhập vào hồn Thum giống như thứ thuốc đen của chúa đất hút mỗi ngày khiến Thum không thể từ bỏ được. Thum đã nhanh chóng trở thành người múa giỏi nhất, chỉ sau Kim.
Kim rất ưng ý khi nhìn thấy Thum tiến bộ hơn mỗi ngày, Kim nhìn Thum như nhìn thấy bản thân mình lúc mới nhập vào đội múa của chúa đất. Những ngày tháng hồn nhiên của Kim, yêu từng điệu múa như tính mạng của mình. Kim thuê thầy dạy chữ cho Thum, phải có hiểu biết cái đầu mới nghĩ được rộng, mới hiểu được xa. Kim đặt tất cả hi vọng vào Thum. Nhớ khi xưa, Kim còn bé, cha bắt Kim ngồi một chỗ đọc sách dù đôi chân Kim chỉ muốn chạy nhảy. Vậy mà sau cùng Kim vẫn không vượt ra khỏi thân phận đàn bà, chôn vùi thanh xuân nơi đất khách. Nghĩ tới cha, nước mắt Kim lặng lẽ rơi.
Buổi tối nay là lần đầu tiên Thum được nhập vào đội múa, được gặp chúa đất trong buổi chúa đất tiếp khách. Những món ăn đều là đặc sản núi rừng quý hiếm được bày biện trên những chiếc đĩa sang trọng dọc theo hai bên, chúa đất ngồi ở giữa trên một chiếc ghế chạm khắc cầu kỳ, chiếc da hổ được trải lên trên ghế trông thật tương xứng với một vị vua của núi rừng.
Những vị khách to lớn, da trắng, mắt xanh, tóc có màu hung đỏ hoặc vàng hoe trông vừa kỳ lạ, vừa đáng sợ. Thum cố trấn tĩnh lại để tập trung vào điệu múa. Chúa đất chễm trệ ngồi trên chiếc ngai của ông ta, một người đàn ông trung niên vạm vỡ, gương mặt góc cạnh, đôi mắt đầy cuốn hút, không phải là một lão già với đôi mắt đỏ lòm khát máu như ma cà rồng, chúa đất trong thực tế khác xa tưởng tượng của Thum. Cuối buổi múa, khi những vị khách đã ngà ngà say, tất cả cùng đứng dậy nhập vào điệu múa với những động tác vụng về. Một người đàn ông tiến lại gần Thum bế bổng thân hình nhỏ bé lên rồi xoay tròn khiến tim Thum như bay ra khỏi lồng ngực. Thum sợ hãi đẩy người đàn ông xa lạ kia ra, chúa đất ngồi bên trên cười khùng khục ra vẻ khoái chí, Thum nhìn gương mặt đỏ lòm của ông ta mà cứ như đang thấy hình ảnh con thuồng luồng trong truyền thuyết.
Kim nhanh chóng nhận ra và thế chân cho Thum, nhìn Kim tình tứ bên người đàn ông, nhìn những cô gái xung quanh mình bẽn lẽn trong vòng tay và đôi mắt thèm thuồng của những gã đàn ông mà trong lòng Thum dấy lên một nỗi lo sợ mơ hồ. Thum nhanh chóng thừa cơ trốn vào một góc rồi lủi mất vào trong bóng tối.
Cả đêm hôm ấy, Kim không về. Thum ngồi chờ Kim, bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu uất ức dồn nén của Thum đã được trả lời bằng gương mặt thản nhiên của Kim. Kim đi lướt qua Thum như thể không thấy đôi mắt đầy lửa của Thum đang nhìn vào mình. Thum kéo tay Kim lại như đã quên mất thân phận của mình:
– Tại sao lại trở nên như thế này hở bà? Tôi tưởng chúng ta chỉ có múa thôi? Điệu múa trong sạch, đáng kính mà bà đã dạy cho tôi là như thế này à!?
Kim cười nhạt, định tiếp tục quay đi thì bị đôi tay Thum giữ chặt lại. Kim đẩy mạnh Thum xuống sàn nhà.
– Ta đâu có muốn, chúng ta được quyền từ chối chúng hay sao? điệu múa trong sạch, đáng kính. Haha, đúng vậy, điệu múa vẫn trong sạch vẫn đáng kính tới đời đời, chỉ có chúng ta không được phép từ chối những đụng chạm dơ bẩn, chúng ta chỉ là những con chim bị nhốt trong lồng phải nghe theo lời sai khiến của chúa đất. Đây, tiền thưởng đây, các người cầm đi, mỗi người ba đồng bạc.
Nói rồi Kim giũ mạnh túi, những đồng bạc trắng rơi ra leng keng, những cô gái vui vẻ tranh nhau tới nhặt, Kim cười lớn. Thum nhìn khung cảnh trước mặt mình mà nước mắt nhòe nhoẹt, trong lòng Thum có thứ gì đó đang tan vỡ. Những ngày sau đó Thum không còn đến các buổi tập mặc mọi người khuyên can. Những tiếng thét thi thoảng vẫn phát ra từ căn phòng chứa củi nhưng Thum đã quen không còn cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghe thấy.
Hôm nay chúa đất lại tiếp khách, nghe nói vị khách này quan trọng, chúa đất dặn người hầu không được để xảy ra sơ xuất. Thum cáo bệnh không nhập vào đội múa. Kim cũng không làm khó Thum, tìm một người múa giỏi trong đội sao nọi thay thế. Nằm một mình trong căn phòng rộng rãi, nghe tiếng trống dồn dập, tiếng đàn tính tẩu da diết làm Thum buồn chân buồn tay, vật vã quay bên này bên kia. Đến quá nửa đêm, khi mọi tiếng động đã dừng, không gian trở lại yên ắng, Thum mới ngủ thiếp đi. Một tiếng súng lạnh đanh kèm theo một tiếng thét ghê rợn phá tan màn đêm yên tĩnh làm Thum choàng tỉnh dậy. Mọi người cùng chạy về nơi có tiếng súng.
Một cảnh tượng kinh hoàng xảy ra trước mắt Thum. Kim nằm trên vũng máu, quần áo rách bươm, gã khách cao lớn đi ra, áo chưa kịp mặc, đám lông đỏ trước ngực gã dựng đứng phủ xuống cả cái bụng to phệ, gã vừa đi vừa tức tối chửi cái gì đó Thum nghe không hiểu gì. Thum chạy lại đỡ Kim trong ánh mắt kinh ngạc của mọi người, Kim thoi thóp cố rặn ra từng câu để dặn dò Thum dẫn dắt đội múa rồi tắt thở.
Kim được chôn ngay cửa rừng, mặt hướng về phía tòa lâu đài đá đen. Kim chắc chắn đã biết trước số phận của mình phải gắn liền với mảnh đất này, nhưng có lẽ Kim đã không thể ngờ rằng mình lại ra đi nhanh như thế, trong một tình huống trớ trêu đến như vậy. Chiều nào Thum cũng thẫn thờ ngồi bên cửa sổ nhìn ra sông, chẳng thiết tha làm gì cả. Từ ngày Kim mất, đội múa cũng rệu rã, không còn tinh thần như trước, chúa đất đã nhìn ra, ông ta năm lần bảy lượt gọi Thum tới gặp. Biết không thể từ chối, Thum đành phải tới gặp người mà mình không muốn gặp nhất lúc này.
Thum được người hầu của chúa đất dẫn đi qua mười hai căn phòng lớn, đến căn phòng thứ mười ba thì cánh cửa gỗ nặng nề được mở ra. Bước vào bên trong, Thum mới choáng ngợp về sự giàu có, xa xỉ của chúa đất. Mọi đồ vật quý giá bên trong gian phòng đều được sắp xếp, bày biện tỉ mỉ, sạch sẽ và sang trọng. Chúa đất mời Thum ngồi vào bộ bàn ghế gỗ quý hiếm, người hầu mang tới cho Thum một chén nước hoa bó phón màu vàng mật ong thơm mát.
– Hiện tại đội múa của chúng ta đang thiếu người đứng đầu, một người phải xinh đẹp, dẻo dai nhất, đặc biệt là phải có cái đầu giỏi nghĩ ra nhiều điệu múa mới. Theo mày, ta nên chọn ai trong số các sao mổ tài năng của mình đây!?
Chúa đất rất tự tin mỗi khi nhắc đến đội múa của mình. Thum nhìn xuống đất, cô không muốn sa vào đôi mắt của chúa đất, nghĩ về cái chết của Kim lòng Thum thắt lại, những ý nghĩ dồn dập trong đầu xúi giục Thum phải đề phòng với con người nổi tiếng bạo tàn đang đứng trước mặt mình.
– Có lẽ ai là người xứng đáng, ngài đã chọn xong cả rồi!!!
Chúa đất không nói gì, da mặt ông căng lên, đỏ ửng, cố nén sự tức giận vào trong, chúa đất thủng thẳng:
– Trước khi Kim chết đã nói với ta cả rồi, mày là đứa múa được nhất, hơn nữa, tuổi mày còn trẻ, bọn trẻ tuổi đầu óc nó mới sáng mới dễ tìm thấy cái mới cái lạ. Ta chọn mày vì ta tin vào con mắt của Kim.
Khi nghe chúa đất nhắc tới Kim, Thum đã không kìm được mà rưng rưng nước mắt. Chúa đất đã nhìn ra, ông ta tiếp tục tấn công:
– Kim đã nhiều lần nhắc tới mày với ta, nhưng vì ta bận quá, càng không ngờ Kim yểu mệnh ra đi sớm như thế, nếu biết trước thì ta sẽ gặp mày sớm hơn để cho Kim – người sao mổ ta yêu quý nhất ra đi được thanh thản.
Thum đã định hét lên: “Kim chết là tại ông!” nhưng cô đã kịp kìm nén lại bằng một tiếng nấc. Chúa đất im lặng nhìn Thum, chiêm ngưỡng sự đau khổ trên gương mặt Thum với vẻ mặt đắc ý, với những con hổ thì chúa đất luôn nhún nhường để đạt được mục đích, nhưng với những chú nai trong khu rừng của mình thì chúa đất sẽ không ngần ngại mà bắn những mũi tên tẩm độc rồi thích thú nhìn con mồi quằn quại trong đau đớn.
Khi đã bình tĩnh lại, Thum đã không ngần ngại mà nói thẳng ra suy nghĩ trong lòng mình với chúa đất:
– Tôi sẽ chấp nhận làm người đứng đầu dẫn dắt đội múa nhưng với một điều kiện…
Chúa đất tỏ ra hứng thú với cô gái đang ngồi trước mặt mình, lần đầu tiên có một người dám ra điều kiện với chúa đất mà không tỏ ra có một chút e dè hay sợ hãi nào cả. Thum đề nghị chúa đất không được để các cô gái phải chiều theo ý muốn của khách nữa, múa xòe là điệu múa thiêng liêng của tổ tiên không được làm sai lệch đi ý nghĩa của nó. Thum say mê nói về múa, chúa đất gật gù theo những lời nói của Thum. Thực ra, sau cái chết của Kim chúa đất cũng đã có ý định điều chỉnh lại quy tắc của mình, con hổ nào cũng tham lam vòi vĩnh thì cả đàn nai chả mấy mà biến mất, lấy ai ra làm sao mổ tiếp tục cái truyền thống văn hóa bao nhiêu đời của tổ tiên!? Cái tội lỗi tày đình này chúa đất gánh không nổi, then mà hỏi tội thì làm gì còn chỗ cho bố mẹ ông trên mường trời.
Thum trở về phòng với tâm trạng đã khá lên nhiều, tuy trong lòng Thum còn vương câu hỏi vì sao chúa đất lại dễ dàng đồng ý với điều kiện của mình như thế, nhưng đạt được điều trong lòng mong muốn đã là chiến thắng lớn nhất của Thum rồi. Khi đi ngang qua phòng chứa củi, Thum để ý thấy có một người thanh niên cởi trần nằm gục trên nền đất, những vết roi hằn lên da thịt đang rỉ máu. Chúa đất mới đây đứng trước mặt Thum còn nói năng nhẹ nhàng, tỏ ra là một người say mê điệu múa dân gian của dân tộc mình nhưng phía sau ông ta lại bóc lột người dân nghèo tới tận xương tủy. Thum bước qua mười hai cánh cửa gỗ to đẹp mà chậc lưỡi nghĩ thầm, chúa đất quả là một con cáo già gian xảo.
Những ngày tháng tiếp sau đó mới thực sự là những ngày tháng khó khăn, vất vả của Thum. Tuy các chị em trong đội múa được theo lệ mới không phải chiều theo ý khách nhưng lại phải đáp ứng theo những kiểu múa quái đản mà chúa đất tự nghĩ ra. Ngày hôm nay, chúa đất báo đội múa tập trung sớm, các chị em đều quay ra nhìn Thum với đôi mắt đầy lo lắng.
Chúa đất mới sai người đóng lại sàn bằng gỗ lim rắn chắc, bên dưới có lót sắt, ở một góc của sàn gỗ lại khoét một lỗ hình tròn. Thum còn đang bất ngờ chưa biết chúa đất nghĩ ra trò gì thì chúa đất đi tới cùng những vị khách lạ, nói thứ tiếng xì xà xì xồ mà Thum nghe mãi không hiểu, một người đàn ông người Thái gầy gò mặc áo vải tây đi theo hầu là cầu nối để dịch tiếng nói của cả hai bên. Những người đàn ông cao lớn chăm chú nghe chúa đất say sưa kể lể về một điệu múa lạ với họ. Thum nghe chúa đất kể mà như nghe một người xa lạ nào đó nói, một người đàn ông hiểu biết, yêu thích văn hóa chứ không phải chúa đất tham lam, tàn ác thường ngày.
Thum không phải chờ đợi lâu. Chúa đất đã sai người đổ dầu ra sàn gỗ khiến mặt sàn trở nên trơn trượt. Chúa đất bảo Thum chọn những sao mổ giỏi nhất lập thành một đội múa xòe trên nền gỗ trơn trượt ấy. Vốn đã quá quen với những trò tai quái của chúa đất, từ trước đó Thum đã được người thân cận của chúa đất mách cho nên đã chọn một đội múa luyện tập trên sàn gỗ có bôi nhựa của trái sổ rừng nên Thum rất tự tin.
Tiệc rượu được bày ra, trên mỗi bàn ngoài những thức cao lương mỹ vị và rượu gạo ra còn có những chai thủy tinh xanh đỏ đựng thứ nước giống như rượu nhưng nhạt hơn, có màu vàng nhạt khi rót ra bát lại tự sủi bọt rất lạ. Nghe người thư ký của chúa đất nói, loại nước này được làm từ lúa mạch và một loài hoa nào đó của phương Tây. Sàn gỗ càng lúc càng trơn trượt, tiếng trống, tiếng đàn tiết tấu ngày càng nhanh như hòa vào với những gương mặt đỏ gay phừng phừng như hoa gạo cuối mùa của những vị khách, những đôi chân trắng muốt cố gắng trụ vững trên sàn gỗ, đôi tay vẫn dẻo dai múa qua lại.
Chúa đất ngồi trên bàn tiệc nhìn ánh mắt trầm trồ của những vị khách mà dương dương tự đắc, mấy chai nước nhạt toẹt không thể khiến chúa đất quên đi vị thế chủ nhà của mình. Chúa đất sai người lấy những chai thủy tinh đã uống hết đưa cho Thum. Mọi người nhìn vào Thum đầy lo lắng. Thum hiểu ý chúa đất nên bảo mọi người rút ra để một mình mình vào múa.
Chúa đất đổ dầu vào cái lỗ trên sàn gỗ rồi châm lửa. Ánh lửa đỏ rực nhanh chóng loang ra. Mọi ánh mắt hoang mang đổ dồn vào Thum, Thum nhìn gương mặt đầy thách thức của chúa đất rồi nhìn lướt nhanh qua mặt sàn gỗ đang trở nên nóng giãy. Thum giật lấy ba chai thủy tinh rỗng từ tay người thư ký rồi bước vào. Xẹt xẹt, mỗi một tiếng là da chân của Thum như bị luộc chín, bỏng rát, đau điếng. Thum nén đau đặt một chai thủy tinh lên đầu, hai tay mỗi tay cầm một chai thủy tinh rồi bắt đầu múa. Quên đi cái đau bỏng rát dưới chân, Thum vừa tập trung vào điệu múa vừa cố gắng giữ thăng bằng để không làm rơi chai thủy tinh. Tiếng trống rộn rã, tiếng nhịp đàn tính tẩu vội vàng đuổi theo bước chân Thum, người Thum dẻo như dây rừng, gương mặt xinh đẹp hoàn toàn hòa nhịp theo từng động tác của tay chân mà không lộ ra một chút đau đớn nào khiến người xem hoàn toàn mê đắm vào điệu múa. Thum lả lướt trên sàn gỗ như không với đôi chân phồng rộp, đau đớn. Bên trong Thum, tình yêu với điệu múa cao cả hơn tất thảy giúp cho Thum quên đi nỗi đau da thịt bên ngoài.
Điệu múa kết thúc trong tiếng vỗ tay hoan hô của mọi người, trong ánh mắt thán phục của những vị khách. Thum cúi chào. Chúa đất hân hoan ném những đồng bạc lên sàn gỗ, những vị khách cũng đồng loạt tung đồng bạc vào để thưởng cho cô gái tài năng. Tiếng bạc rơi quanh Thum leng keng, xào xạo, lấp lánh trắng. Tiệc rượu tàn thì đến tiệc bàn đèn. Thum bước ra ngoài, trời sao lấp lánh, hương thơm đầy mê hoặc lẩn lút theo từng bước chân tập tễnh của Thum khuất vào trong bóng tối lặng lẽ.
Thum bị bỏng nặng phải nằm một chỗ đắp thuốc lá điều trị. Đang tự do bay nhảy, giờ đây Thum như con thú bị thương, nhớ múa đến bứt rứt cả chân tay. Mấy ngày hôm nay, nhà chúa đất rất ồn ào, người ra vào rầm rập nhưng không một ai nói điều gì cho Thum hay biết mặc cho cô có tò mò hỏi han. Tiếng súng bắn liên thanh khiến Thum giật mình tỉnh giấc vào giữa đêm. Tiếng người hô hoán ầm ĩ, tiếng bước chân chạy sầm sập lẫn vào với tiếng khóc lóc van xin. Thum trở dậy quờ quạng trong đêm tối thì bất ngờ cánh cửa gỗ mở tung. Trong ánh đuốc chập chờn Thum nhận ra gương mặt người thanh niên nằm gục trên vũng máu hôm nào. Anh ta nhìn Thum, bất động một lúc, Thum hoang mang nhìn anh ta đang lăm lăm khẩu súng. Người thanh niên đóng cửa lại. Có tiếng ai đó quát to:
– Có ai ở trong đó không???
Không. Người thanh niên đáp lại. Tiếng chân chạy dồn dập, tiếng súng bắn dội lại ùng oàng, ánh đuốc nhốn nháo chạy qua khe cửa. Trống ngực Thum đập thình thịch. Tờ mờ sáng, khi bên ngoài đã im ắng, Thum mới dám mở cửa đi ra. Cảnh tượng hoang tàn, cả lâu đài đá đen hoành tráng giờ đây tịnh không một bóng người. Thum quay trở lại gian phòng lạnh lẽo cuốn vội mấy bộ quần áo cùng một ít tư trang của mình để rời đi. Tự do đến với Thum một cách đầy bất ngờ và đột ngột. Quân giải phóng đã đến, chúa đất bỏ chạy theo tây. Thum tập tễnh chống gậy tới trước mộ của Kim để chào từ biệt.
Một hàng cây đột ngột nở hoa trắng xóa. Thum lên chiếc thuyền nhỏ bị bỏ lại chèo ra giữa mặt sông rồi xuôi dòng về với quê hương của mình. Mặt sông xanh thẫm, bầu trời trong veo êm ả, lòng Thum đầy hân hoan tiến tới để lại phía sau từng cột khói ngùn ngụt bốc lên từ lâu đài đá đen…
1. Tiếng Thái: Đi nhanh.
2. Tục ngữ Thái.
Thương nhân
Khái và Thàng sinh ra, lớn lên trên cùng một mảnh đất, nhà lại ở cạnh nhau nên hai người sớm trở thành một đôi bạn thân. Cuộc sống khốn khó nơi núi đồi hiểm trở khiến cả hai người sớm có quyết tâm vượt qua đói nghèo, làm sao cho cuộc sống của mình, của gia đình mình có hai bữa cơm no đủ. Đầu những năm chín mươi, ở vùng rừng núi heo hút này, đủ ăn chính là một ước muốn lớn của những đứa trẻ con nhà nghèo. Những năm tháng này đã vô tình khắc sâu vào trong đầu Thàng và Khái một chấp niệm, làm sao để vượt qua được đói khổ, để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Sau bao năm lăn lộn quê người, tích lũy cho mình được chút ít vốn liếng, Thàng rủ Khái trở về quê nhà lập nghiệp. Thàng xây một căn nhà rộng rãi ngay cạnh con đường lớn ở đầu bản, chuyên thu mua nông sản như thảo quả, trâu, lợn bán sang bên kia biên giới. Đôi khi Thàng thu mua cả những món không tưởng như móng trâu, đỉa, gốc chè, v.v… Miễn là thương nhân bên kia có nhu cầu và trả giá cao là Thàng buôn tất, không cần lo nghĩ hậu quả về sâu xa. Người dân bản chất phác thật thà, thấy Thàng thu mua là lập tức tìm, chặt mang đi bán chẳng thắc mắc hay tò mò người ta mua thứ đồ bỏ đi ấy để làm gì.
Trái lại với sự hồ hởi của dân bản, của Thàng, Khái khuyên Thàng nên suy nghĩ lại, dừng buôn những thứ đồ phục vụ nhu cầu kỳ lạ của người mua. Khái phân tích cho thái độ ngạc nhiên sửng sốt của Thàng. Này nhé, chè càng già càng có giá trị cao như chè shan tuyết bên Hà Giang ấy, có tuổi đời mấy trăm năm rồi. Trên vùng cao mình, chủ yếu cấy lúa trên ruộng bậc thang, đường đi lại khó, không sử dụng được máy móc hiện đại, có mỗi con trâu cày cấy, giờ cắt móng nó, khác gì giết nó, cũng chính là tự cắt đi nguồn thu lương thực của chính mình.
– Thế thì sao? Giờ ông có giỏi thì tìm ra thứ khác cho tôi buôn bán đi. Bằng không thì ông câm miệng lại. Cái gì có lãi, tôi buôn, buôn hết. Ông nghe rõ chưa?
Thàng gằn lên từng tiếng cay cú. Khái thì biết cái gì, bao nhiêu năm nay, Thàng khổ cực khom lưng cúi mặt trước thiên hạ, chịu bao nhiêu khổ cực là vì điều gì. Tất cả là vì đồng tiền, chỉ có tiền mới nâng con người ta lên được, “miệng người sang có gang có thép”. Người có tiền chính là kẻ mạnh, tiền biến sai cũng thành đúng. Khái ra đời sớm mà cái đạo nghĩa đơn giản ấy cũng không hiểu được lại còn lên lớp dạy đời Thàng. Nhìn mặt Khái tím lại vì tức giận, đứng phắt dậy đi về, Thàng cứ trâng mắt ra nhìn. Ừ, rồi đấy thì chả bạn bè gì cho biết, cậy có tí chữ mà bố đời với nhau à. Thàng thầm nghĩ rồi cầm chén nước lên uống cạn.
Khái bực bõ vì thằng bạn nối khố không hiểu mình thì ít mà tức cái thái độ của nó thì nhiều. Cái gì cũng buôn, đúng là nói mãi cũng chỉ như nước đổ lá khoai. Khái đã nhìn thấy xa xăm cái kết cục của Thàng, Khái lắc đầu, nắm tay đấm mạnh xuống ụ đất ven đường. Một con chim cuốc bay ra ngơ ngác nhìn Khái rồi lủi nhanh vào bụi rậm gần đó. Nó đã thách thức mình, thì mình sẽ cho nó thấy. Cuộc đời này rộng lớn, đặt chân đi thì sẽ có đường, mình không tin mình không làm được.
Khái cũng xây một ngôi nhà lớn cạnh đường chuyên buôn bán cây giống, bán vật tư nông nghiệp. Đầu vụ nhà nào trong bản khó khăn Khái cho chịu giống, phân đạm, thuốc trừ sâu, đến cuối vụ thu hoạch thì trả tiền gốc cho Khái. Khái còn chịu khó xuống huyện học thêm buổi tối để tốt nghiệp cấp ba, sau còn hoàn thành khóa học trung cấp về nông nghiệp, Khái muốn thực hiện ước mơ chưa thực hiện được lúc còn niên thiếu, bổ sung kiến thức về lĩnh vực mình kinh doanh, với Khái học không bao giờ là thừa.
Dần dần, thông qua mạng xã hội, Khái còn liên kết với các công ty trồng chanh dây, bí xanh, cung cấp cây giống, kỹ thuật cho bà con chăm sóc theo tiêu chuẩn thực phẩm sạch, công ty sẽ tới tận vườn thu mua với giá cao. Công việc của Khái tiến triển thuận lợi, người dân tin tưởng Khái, yêu mến Khái, uy tín của Khái tăng lên, Khái được người dân bầu làm trưởng bản Thèn Thầu. Từ ngày cãi nhau, Khái và Thàng vẫn qua lại với nhau nhưng tình bạn giữa hai người đã không còn thắm thiết như khi xưa nữa.
Một buổi chiều nọ, như thường lệ, Khái đang bận bịu tại cửa hàng thì anh Trung – trưởng công an xã tới chơi. Bên ấm chè xanh mới hái sau nhà, anh Trung nói với Khái nhiều chuyện, đáng chú ý nhất là tình hình dân bản đi bắt giun đất đem bán. Giun đất vốn là sinh vật có lợi cho cây cối, giun đất làm đất tơi xốp, cây cối hấp thụ được chất dinh dưỡng, giờ người dân tham lợi trước mắt mà bắt hết đi lợi đâu không thấy, chỉ thấy đất đai cằn cỗi, cây cối chết khô. Bắt giun đất chính là phá hoại nền nông nghiệp của nước ta, trên đã có chỉ thị cấm loại hình buôn bán này.
Khái không cần anh Trung giải thích nhiều, vì chính Khái đã trông thấy từ trước đó kiểu buôn bán thâm độc này. Người mua ban đầu trả giá cao, người nông dân tham lợi trước mắt chả tính toán trước sau, mù quáng làm theo, sau khi thu thập được khối lượng lớn thì kẻ thu mua đột nhiên mất tích để lại cho người dân một đống hậu quả, dùng không được, vứt đi cũng không xong. Dân ta vốn nghèo lại càng nghèo hơn tất cả chỉ vì lòng tham, vì sự thiếu hiểu biết nên dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng.
Không khó khăn để Khái tiếp cận với công cuộc đi bắt giun của những người nông dân. Khái gặp Vững, một người nông dân chân chất đơn thuần. Vững chỉ bảo cho Khái cách bắt giun đất, kiếm món lợi từ trên trời rơi xuống này. Chỉ cần cắm hai cái thanh sắt xuống hai đầu một khoảng đất, bật công tắc, một tiếng rít vang lên ghê rợn, chính là cái luồng sóng âm khiến bọn giun đất không thể chịu nổi mà ngoi lên mặt đất. Những con trong quá trình này mà bị đứt mảnh hoặc con nhỏ thì bỏ vào túi bóng mang về cho gà vịt, chỉ nhặt những con to, mập mạp, màu da đen sậm, bóng lưỡng cho vào thùng xốp đem bán lại cho thương lái.
Vững rỉ tai Khái, loại sóng âm này trông thế mà độc, cắm xuống đất không chỉ giun sợ mà cây cối sau đó cũng héo rũ ra mà chết. Chính vì thế, Vững chẳng bao giờ bắt giun trong vườn nhà mà toàn đem ra vườn nhà khác bắt. Còn một cách bắt nữa là đổ một loại hóa chất màu trắng xuống, giun bò ra, cây cối cũng chết héo luôn tức thì, Vững thấy cách này quá độc hại nên không dám dùng.
Hỏi ra thì mới biết, cả kích và hóa chất đều phải mua lại của người thu mua giun đất, toàn chữ nước ngoài cả. Giun đất được thu mua với giá hơn bốn mươi nghìn một cân, giun đất nặng, ngày dễ dàng kiếm được mấy trăm nghìn, gấp đôi lương phụ vữa mà lại chẳng mệt nhọc gì. Vững còn bảo thêm với Khái, muốn bắt được nhiều giun thì chịu khó đi bắt vào chập tối là lúc giun ngoi lên nhiều nhất. Khái nhìn theo bàn tay Vững cắm thanh sắt, bật công tắc, từng con giun ngoi lên khỏi mặt đất như bị làm phép. Trong tiếng rít ghê rợn của máy kích chắc chắn có ngàn vạn tiếng kêu đau khổ của những con giun đất hiền lành.
Nơi dừng chân cuối cùng của những con giun đất bất hạnh là lò sấy. Một mùi tanh lợm xộc lên làm Khái buồn nôn. Những con giun đất được người ta rửa qua rồi mổ lột hết nội tạng, lộ ra một lớp thịt vàng óng, rồi chúng sẽ được xếp từng lớp lên giàn sấy bằng sắt. Khi sấy khô rồi, chúng trở thành những đoạn thịt khô cong, mảnh dẻ như tờ giấy cắt nhỏ. Khái sửng sốt nhìn những người nhân công thu chỗ giun đất đã sấy khô cho vào túi bóng. Khái càng bất ngờ hơn khi biết xưởng thu mua giun đất này chính là của Thàng.
– Ông tới đây định buôn giun đất giống tôi à? Đi vào nhà tôi chỉ cách cho.
Giọng Thàng đầy mỉa mai. Khái thừa biết nhưng vẫn dợm chân đi theo Thàng. Đi sâu vào trong, Khái choáng váng trước những bao tải lớn màu đen xếp chồng lên nhau chiếm một diện tích không nhỏ trong không gian cái nhà xưởng rộng lớn của Thàng. Có lẽ bao nhiêu con giun đất trong cái huyện này và các huyện lân cận đã ở cả đây rồi. Cái mùi tanh khét càng khiến cả người Khái nôn nao.
Thàng bảo với Khái, trong chỗ này, Thàng đã tích được hơn hai mươi tấn giun khô, giá trị lên đến bạc tỉ, chỉ chờ có giá là xuất luôn. Khái lắc đầu, anh không thể tưởng tượng nổi hai mươi tấn giun thì cần bao nhiêu triệu, thậm chí bao nhiêu tỉ con giun đất mới ra được khối lượng khổng lồ ấy. Nhìn dáng vẻ dương dương đắc ý của Thàng, Khái cảm thấy bất lực trước người bạn đã từng thân thiết này của mình. Anh chỉ mong muốn mau chóng rời khỏi nơi này.
Khái bỏ về. Thàng tưởng Khái đã nhận ra sai lầm của mình, đã xác định kinh doanh, cái nào có lãi là mình phải làm, người có tầm nhìn còn phải cộng cả máu liều nữa, chớp lấy thời cơ ngay lập tức. Mấy ai nhìn xa trông rộng được như Thàng. Thàng nhìn theo bóng dáng thảm hại của bạn đang rời khỏi mà cười ha hả.
Mấy ngày sau, căn nhà của Khái bị cháy không rõ nguyên do, cũng may do phát hiện kịp thời nên cũng không thiệt hại gì lớn. Trung lập tức xuống hiện trường điều tra. Từ sau hôm ở xưởng của Thàng về, Khái đã thấy khó chịu trong người, nay lại gặp phải biến cố, Khái không chịu nổi nữa, cả người rũ xuống, Khái lăn ra ốm.
Thàng vẫn thu mua giun đều mà không gặp phải trở ngại gì thì rất đắc ý. Thàng bắn tin cho Khái, ngỏ ý nếu Khái khó khăn sẽ cho vay tiền không tính lãi. Thường thì Thàng vẫn cho vay lãi ngoài, ăn lãi dưới một phần trăm tính lãi theo ngày. Khái tuy khó khăn thực nhưng kiên quyết không cho vợ vay tiền Thàng.
Trong cơn sốt miên man, Khái luôn thấy nụ cười hồn nhiên của hai đứa trẻ là Thàng, Khái trên mặt lấm tấm bùn đất, chúng nô đùa trên thửa ruộng vừa gặt, từng đàn muồm muỗm bay ra từ đống rơm rạ, trên đầu chúng chuồn chuồn bay lúc thấp lúc cao. Khái nhớ ngày bé mẹ bảo Khái, giun đất còn gọi là địa long (rồng đất) cũng là một loại thuốc, sao vàng hạ thổ đun nước uống chữa sốt rét. Khái nhớ tới mùi tanh nồng ở xưởng sấy giun của Thàng mà nôn ra mật xanh mật vàng.
Thế rồi Khái cũng khỏi bệnh. Thàng không đắc ý được mãi. Đám thương nhân lại biến mất không dấu vết. Thàng lỗ nặng, phải chạy vạy khắp nơi để trả nợ. Thàng còn bị cơ quan quản lý xử phạt vì hành vi kinh doanh gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, bắt viết biên bản cam đoan không tái phạm. Chỉ vì lòng tham muốn làm giàu bất chấp mà Thàng trở thành kẻ thất bại thảm hại.
Những suy nghĩ tiêu cực bám lấy Thàng như những con đỉa. Khái bỏ qua mọi khúc mắc khi trước sang an ủi, động viên bạn. Nhưng Thàng lại nghĩ khác, có lẽ Khái đang hả hê trước sự thất bại của Thàng. Đáng kiếp cho Thàng. Thàng cay cú cho rằng những lời động viên của Khái nhằm mục đích đả kích, chế giễu Thàng đã không nghe lời Khái. Thàng u mê, Thàng mù quáng muốn kiếm lại tiền một cách nhanh chóng để cho Khái không thể khinh bỉ mình thêm nữa.
Ngày Thàng bị bắt vì buôn ma túy, ai cũng sửng sốt. Nhờ có anh Trung giúp đỡ, Khái được thăm bạn trong chốc lát. Đôi mắt Khái đỏ hoe nhìn gương mặt bợt bạt, xơ xác của Thàng. Hai người chẳng nói được gì nhiều, chỉ nhìn nhau rưng rưng. Khái nói Thàng đừng lo chuyện ở nhà, Khái sẽ giúp đỡ, Thàng yên tâm cải tạo để trở về làm lại từ đầu. Đến đây thì Thàng gục xuống nức nở, những giọt nước mắt hối hận đua nhau rơi xuống đất. Bên ngoài song sắt lòng Khái cũng đau đớn khôn nguôi.
Giữa mây ngàn
Mẹ tôi mặc một chiếc quần kẻ đen, rách một miếng nhỏ ngay giữa mông, đèn sau của chiếc xe điện rơi ra lủng lẳng như cái đuôi. Mẹ tôi đầu trần dắt xe đi trong mưa. Tôi lẽo đẽo đi sau lưng mẹ tôi, mặc từng hạt mưa táp vào mặt tôi buôn buốt. Khuôn mặt mẹ tôi nhàu nhĩ, rám nắng xám xịt đi trong một màu mưa nhàn nhạt. Thi thoảng mẹ quay lại quắc mắt nhìn tôi. Đôi mắt bà đầy căm phẫn nhưng tôi lại cảm thấy trong đôi mắt ấy đang kìm nén một sự uất ức nghẹn ngào. Tôi dạt mình đi nem nép vào vỉa hè như một kẻ đã biết tội của mình…
Tội của tôi, chính là khi tôi sinh ra đã là con gái. Tội của tôi, chính là vì tôi sinh ra đã yếu ớt, hai chân tôi không đi lại được như bình thường. Tội của tôi là khiến cho mẹ tôi mất đi nhiều thứ, từ tuổi thanh xuân đến người chồng tệ bạc chỉ vì tôi. Đó là những tội mẹ tôi khóc lóc liệt kê gào thét vào mặt tôi mỗi khi bà cảm thấy bất lực với cuộc đời. Để rồi ngay sau đó bà lại ôm tôi, nước mắt của bà cứ thế chảy tràn lên mặt, lên vai của tôi.
Mẹ tôi có thể mắng mỏ tôi, đánh tôi nhưng tôi biết bà không hề có ác ý, bà sẽ không bỏ rơi tôi, tôi càng không bao giờ bỏ rơi mẹ của mình. Bởi vậy, bất kể đêm đông giá rét, ngày nắng ráo hay mưa rào tôi đều lẽo đẽo theo sau lưng mẹ tôi như một cái bóng, như một cái đuôi “nợ đời” theo kiểu mẹ tôi hay cười nói với người hàng xóm gần nhà chúng tôi.
Mẹ tôi không chỉ có mình tôi. Mẹ tôi còn sinh thêm cho tôi một đứa em gái nữa. Trái lại với tôi, em gái tôi xinh đẹp, khỏe mạnh và khôn ngoan. Đáng lẽ ra, mẹ tôi cũng sẽ như cô Mẩy hàng xóm, hạnh phúc bên chồng và những đứa con ngoan dù mẹ tôi cũng như cô Mẩy chỉ buôn bán nhì nhằng chứ chẳng giàu có gì.
Lại nói chuyện đi buôn của mẹ tôi, mẹ tôi đi buôn theo kiểu có một không hai. Mẹ tôi đi buôn từ khi cái chợ sầm uất bây giờ mới chỉ là cái chợ tạm. Trên một khoảng đất trống, ai tới trước thì căng lên một mảnh bạt rồi rải ni lông bày biện hàng hóa ra bán. Những đôi dép, vải vóc, quần áo người Kinh, mắm muối mì chính, đều là những thứ hàng người dân miền núi đang thiếu thốn, thứ họ có lại là vàng, là bạc, là thú rừng, gỗ quý, toàn là những thứ có giá trị kinh tế cao thế mà tôi cũng không hiểu sao về mãi sau này họ vẫn cứ nghèo như thế.
Những người buôn bán cùng thời với mẹ tôi, mỗi tuần trừ ăn uống cũng mua được một chỉ vàng tích trữ. Tầm tuổi với mẹ tôi, hiện tại những người buôn hàng ngày đó đã giải nghệ gần hết, ai cũng nhà cửa đường hoàng, con cái đề huề thành đạt. Mẹ tôi là người đi buôn sớm nhất nhưng lại là người nợ nần nhiều nhất, ngày ngày vẫn phải chạy chợ kiếm hai bữa ăn nuôi chị em tôi, lo tiền thuốc thang cho tôi, mãi không thoát được cảnh con buôn khi lưng bà ngày một còng đi, hàng hóa ngày một vắng khách.
Tôi đã đi lại được, dù kiểu đi của tôi khá vẹo vọ khó nhìn. Tất cả là nhờ có bố tôi. Trong lúc mẹ tôi bận rộn chợ búa, bố tôi luôn ở bên cạnh để chăm sóc tôi. Bố đi lên rừng chặt tre về dựng thành một cái lan can bắc từ cửa nhà ra tới ngõ cho tôi tập đi. Bố tôi kiên trì tập cho tôi đi mỗi ngày. Tôi của lúc ấy đã bảy tuổi, buổi sáng và buổi chiều sau khi cho tôi ăn uống đầy đủ bố lại giúp tôi tập đi từ ghế mây rồi lần đến lan can bằng tre. Tôi đau đớn, tôi gào khóc, nước mắt tôi rơi lẫn vào mồ hôi của bố. Bố luôn khích lệ tinh thần cho tôi. Dần dần tôi cũng bước đi trên đôi chân của chính mình nhờ có tình yêu thương vô bờ bến của bố.
Bố rất yêu thương hai chị em tôi, bố dành sự quan tâm và săn sóc đặc biệt cho tôi. Tôi không bao giờ nghĩ rằng vì sự ốm yếu bệnh tật của tôi hay chỉ vì chúng tôi là con gái mà bố bỏ rơi chị em tôi, bỏ mẹ tôi để đến với người phụ nữ khác xinh đẹp hơn. Tôi luôn nghĩ vì trong lòng bố có điều khó nói, vì bố cũng chỉ là con người bình thường làm sao có thể vượt qua mọi sự cám dỗ của cuộc đời. Cuộc đời là cái gì nhỉ? Là cái gì mà tất cả khổ đau trên đời đều đổ lỗi cho nó. Nếu cuộc đời có hình tướng, hẳn nó sẽ hả hê lắm khi đưa ra cho con người bao nhiêu là tình huống éo le, trớ trêu khiến con người bất lực chấp nhận buông bỏ những thứ hạnh phúc lẽ ra phải thuộc về họ.
Bố tôi bỏ đi trong sự bàng hoàng, đau khổ của mẹ, trong sự trống vắng của tôi, trong đôi mắt vô hồn của đứa em tôi đang tuổi dậy thì. Có lẽ cái gì quá sức chịu đựng của con người thì người ta thường có xu hướng bỏ cuộc. Bố tôi bỏ đi, mẹ tôi thẫn thờ một vài hôm rồi bà nén cả lại để tiếp tục công cuộc mưu sinh, bà xốc lại tinh thần vì bên cạnh bà còn hai “cái đuôi” biết đòi hỏi cơm ăn áo mặc. Có người xui mẹ tôi bán tôi đi bên kia biên giới lấy mấy chỉ vàng, vừa có tiền lại thoát khỏi cuộc sống khốn khổ. Mẹ tôi tru tréo giời đất, hổ dữ chẳng bao giờ ăn thịt con, có rau ăn rau có cháo ăn cháo, con cái là lộc trời cho đấy mấy ông mấy bà, tôi bỏ được chồng chứ dứt khoát không bao giờ bỏ bê con cái.
Kể từ đó, ngày ngày tôi theo mẹ ra chợ, theo mẹ đi khắp nơi khắp chốn. Tôi cứ nghĩ chúng tôi sẽ yên bình sống vui vẻ như thế. Nhưng tôi không bao giờ ngờ rằng, cuộc đời này vốn không thích cho chúng tôi bình yên lâu dài. Bố tôi dứt áo ra đi được vài năm thì mẹ tôi tái giá. Dượng tôi là một người đàn ông khỏe mạnh, đẹp trai nhưng tất cả chỉ có thế vì dượng không thích làm việc gì cả, mẹ tôi lại nai lưng ra nuôi thêm một người nữa.
Dượng tôi không chỉ ăn không ngồi rồi, dượng tôi còn ăn tàn phá hại, mẹ tôi vẫn chửi đổng lên như thế mỗi khi dượng không có ở nhà. Nhưng cứ khi nào dượng về xin tiền là mẹ tôi lại đưa cho dượng như bị thôi miên. Nhà tôi lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu cũng bởi sự chơi bời, phóng đãng của dượng. Mẹ tôi đã quen chịu đựng, mẹ tôi chấp nhận việc thức khuya dậy sớm còm cõi kiếm tiền cho chồng con được hưởng sự nhàn hạ sung sướng.
Sức chịu đựng của con người có hạn. Mẹ tôi bị hở van tim, bị viêm dạ dày, bị xương khớp, bị tiểu đường, đủ các thứ bệnh nguy hiểm treo vào người.
Thế nhưng, trong lúc bị bệnh tật hành hạ, mẹ tôi vẫn cố gắng vá víu món nợ nần khổng lồ, lấy chỗ nọ đập vào chỗ kia, gần như không còn có khả năng để trả nợ. Không chỉ gia đình tôi biết, cả thị trấn này đều biết điều ấy nên không cho mẹ tôi vay tiền nữa. Mẹ tôi đành đi bán vài cân túi bóng cho các cửa hàng bán lẻ trong chợ, những chủ buôn lớn không cho nợ hàng thì mẹ tôi đi sàng lại quần áo từ các cửa hàng khác về bán để ăn chênh lệch. Cuộc sống của chúng tôi như sống trong một quả bong bóng, mỗi ngày đều nơm nớp lo sợ nó nổ tung.
Đứa em gái tôi, sau khi học xong cấp ba thì nó cũng thoát ly khỏi quê hương. Em gái tôi cực kỳ căm ghét dượng của tôi, mặc dù dượng đáng ghét, tôi cũng cảm thấy điều ấy, nhưng sự ghét bỏ của em gái tôi có phần hơi thái quá, tất cả những thứ đồ dượng tôi đụng vào nó không bao giờ dùng tới hoặc nếu bắt buộc phải sử dụng nó sẽ lôi xà phòng ra lau rửa cho thật kỹ rồi mới dùng. Trước khi đi, nó gặp riêng tôi rồi dặn dò tôi phải tự biết bảo vệ mình, hãy cố gắng chờ nó, nó thành công sẽ về đưa tôi đi theo nó, rời khỏi cái mảnh đất khốn nạn này. Giọng nói của nó đầy yêu thương, đầy căm phẫn, đầy sự hi vọng vào tương lai.
– Hoà đừng đi. Nha thương Hòa lắm!!!
Tôi cố gắng nói thật chậm những lời an ủi để nó nghe được, để nó hiểu rằng tôi cũng yêu thương nó đến nhường nào. Em gái tôi gục đầu vào trong lòng tôi mà khóc. Tôi cũng nấc lên từng chập. Được một lúc, nó đột ngột đứng dậy, lấy tay vuốt nước trên mặt rồi kéo va li xoay người đi thẳng, chẳng thèm ngoái lại lấy một lần. Tôi lật đật đuổi theo nó ra đến ngõ thì một chiếc xe máy đã chở nó đi xa, chỉ còn nghe tiếng động cơ nhỏ dần rồi lẫn vào âm thanh hỗn tạp của cuộc đời.
Không hiểu sao, kể từ ngày em gái tôi bỏ đi, tôi cứ có linh cảm sẽ xảy ra chuyện gì đó nhưng là chuyện gì tôi chẳng thể biết khiến cho trong lòng tôi cứ luôn cảm thấy bất an. Mẹ tôi chạy xe máy điện đi giao túi bóng khắp nơi, tôi không đi theo mẹ được nên ngồi một chỗ trông cái quán bừa bộn các loại hàng mã, quần áo, túi ni lông của mẹ dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt hắt từ sân chợ lên người lên mặt đỏ lừ. Tôi lăn ra ốm một trận thập tử nhất sinh, từ đấy mẹ cho tôi ở nhà để dượng thay tôi trông hàng.
Được vài ngày thì dượng tôi bảo với mẹ, không trông được hàng thì mày đóng mẹ nó cửa vào rồi thích đi đâu thì đi. Thế là mẹ tôi vứt hàng đấy thật, chạy đi khắp nơi kiếm từ vài đồng lẻ một, trong khi dượng tôi vẫn coi mẹ tôi là cái máy rút tiền mỗi ngày. Dượng tôi lấy tiền để làm gì, tôi nghe những người hàng xóm nói, dượng tôi là tứ bất tử, cái gì cũng biết, cờ bạc trai gái đủ cả. Tôi không biết làm gì để giúp cho người mẹ đáng thương của tôi đỡ vất vả hơn, tôi cố gắng làm mọi việc nhà, cố gắng để không bị ốm, cố gắng dùng nốt cái sức yếu ớt của tôi để giúp mái tóc mẹ tôi không bạc thêm nhiều nữa…
Và rồi mẹ tôi đã không thể đáp ứng được cái kiểu tiêu tiền như nước của dượng tôi nữa. Không có tiền, dượng tôi chẳng ngại thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người mẹ ốm yếu của tôi. Sau mỗi lần bị dượng đánh, mẹ tôi lại nằm vật ra đất, cả thân hình già nua rệu rã như không còn tý sức sống nào. Tôi chỉ biết gào khóc trong tuyệt vọng. Sau những lần như thế tôi trở nên trầm tính, khép mình hơn, tôi gần như không muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài nữa. Có mấy lần bố đến thăm tôi, muốn đưa tôi đi nhưng mẹ tôi không đồng ý. Mẹ căm hận bố, cho rằng mọi thứ bất hạnh hiện tại mà bà đang phải gánh chịu đều do bố mà ra cả. Bố tôi câm nín nghe mẹ tôi mắng chửi. Bố cho tôi một ít tiền rồi ra về trong sự bất lực.
Không có tiền, dượng hay ở nhà hơn, nhiều lúc tôi bắt gặp ông ta nhìn tôi với ánh mắt rất kỳ lạ. Tuổi dậy thì tới với tôi muộn hơn bình thường, có lẽ vì tôi quá ốm yếu, cơ thể thiếu chất. Thế nhưng những thay đổi trên cơ thể tôi vẫn ngày một hiện ra rõ ràng hơn. Dượng hay bất chợt sờ tay vào người tôi. Tôi sợ hãi, tôi cảm thấy kinh tởm ông ta. Nhớ lời em gái dặn dò lúc trước, tôi không dám ở nhà một mình nữa, tôi sang nhà hàng xóm chơi tới khi nào mẹ về tôi mới dám về nhà. Tránh mùng một chẳng tránh được ngày rằm. Một buổi sáng, khi mẹ tôi đã bỏ lên chợ, dượng lần mò sang giường của tôi. Tôi chống trả quyết liệt nhưng làm sao lại với sức khỏe của dượng. Đúng lúc ông ta đè tôi xuống giường thì mẹ tôi mở cửa đi vào. Dượng buông người tôi ra rồi dửng dưng đi qua mẹ tôi như không có chuyện gì. Mẹ tôi kệ tôi khóc lóc, lẳng lặng đi lấy quần áo mặc lại cho tôi. Kể từ hôm đó đi đâu mẹ cũng cho tôi đi cùng.
Cạnh chợ có một cái đền rất thiêng nằm ngay dưới gốc cây dã hương cổ thụ. Cái đền này trước kia chỉ là hai phiến đá lớn, bằng phẳng, người Thái dùng để cúng tế thần rừng, thần núi vào ngày mùng hai tháng hai hàng năm. Khi người Kinh tới đây lập chợ đã xây thành cái đền nhỏ để thờ phụng thần linh cầu xin an lành, tài lộc. Dạo gần đây, xuất hiện một cô đồng tuy không còn trẻ trung nữa nhưng trên khuôn mặt vẫn còn nhiều nét xinh đẹp. Cô đồng này trước kia cũng xuất thân là người buôn bán sau được ăn lộc cô lộc cậu nên chuyển sang nghề cúng bái, ăn mày lộc thánh.
Cứ mùng một, ngày rằm là cô đồng đến lễ bái ở ngôi đền thiêng. Mẹ tôi vốn là người tín tâm nên thường xuyên tới nhờ cô đồng thắp hương kêu cầu hộ cho. Ai ngờ, tới một ngày, cô đồng lại cặp kè với dượng của tôi. Nghĩ theo mọi cách tôi vẫn không hiểu nổi tại sao một người đáng kính như cô đồng lại có thể yêu thích một kẻ bất tài vô dụng như dượng của tôi. Câu hỏi khó có câu trả lời này không chỉ của mình tôi mà của tất cả mọi người, đặc biệt là mẹ tôi. Nhưng với mẹ tôi thì dù dượng có như thế nào mẹ tôi cũng không buông bỏ được dượng, một sợi dây oan nghiệt vô hình cứ trói buộc tâm trí của mẹ tôi vào người đàn ông vô tình, bạc bẽo đó.
Dượng về nhà đập phá đồ đạc, chửi chó mắng mèo rồi viết đơn ly hôn bắt mẹ tôi ký vào. Ban đầu mẹ tôi nhất quyết không ký, thế nhưng những trận đòn của dượng đã buộc mẹ tôi phải ký giấy bỏ chồng trong một sự uất ức tột độ. Xong xuôi đâu đấy, dượng bỏ nhà bỏ cửa đi ngay với tình yêu mới. Mẹ tôi mang sự căm hận của mình tới trút lên người cô đồng. Giữa trời nắng chang chang, những người đi đường quây kín quanh hai người đàn bà mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc xổ tung ra, mặt ai cũng đỏ gay.
Những lời xỉ vả nhau của hai người đàn bà cứ va vào mặt nhau rồi rơi xuống đường trước sự chứng kiến của những con người tò mò. Không ai có ý can ngăn, họ cười nói với nhau như đang xem một trò vui, chỉ có tôi nước mắt nhạt nhòa bất lực. Mẹ tôi gân cổ lên như con gà chọi muốn mổ thẳng vào mặt cô đồng, cô đồng đứng trơ ra như cối đá, hai tay vỗ bèn bẹt vào giữa háng chửi mẹ tôi không biết giữ chồng thì phải chịu. Hai người đàn bà đánh chửi nhau giữa đường xá chỉ vì một người đàn ông không ra gì trước những nụ cười mỉa mai của người khác, tự ái của mẹ tôi chẳng còn, tôn nghiêm của cô đồng cũng mất.
Cuối cùng phần thắng thuộc về cô đồng, tôi chắc là thế vì ngay sau đó dượng về nhà chẳng nói chẳng rằng đánh cho mẹ tôi một trận thừa sống thiếu chết. Tôi hoảng loạn lê đôi chân yếu ớt của mình đi gọi hàng xóm sang can ngăn. Tôi về tới nhà thì mẹ tôi đã nằm thoi thóp trên ghế sô pha, miệng liên tục rên lên tên của dượng gắn với đủ thứ hạ đẳng trên đời. Dượng đã bỏ đi, những mảnh vỡ bừa bộn dưới nền nhà…
Dưới ánh điện, tôi nhìn thấy đây đó có vài giọt máu đỏ vương vãi. Tôi ngồi thụp xuống đất, đầu óc trống rỗng. Tiếng rên của mẹ tôi vẫn vang lên không ngừng, trong đêm thinh lặng, tiếng rên ấy nghe càng rõ ràng. Tiếng rên của mẹ tôi khò khè, khản đặc đôi khi chẳng rõ lời, tiếng rên đau đớn cùng cực đó như từ cõi vô hình nào dội về khiến tôi càng choáng váng, cổ tôi đầy ứ chực nôn. Tôi vùng dậy, đi tìm chìa khóa để khóa trái cửa nhà lại.
Ba giờ sáng, mẹ tôi ra ngôi đền thiêng. Tôi trở dậy đi theo mẹ tôi. Tôi vốn rất sợ đêm tối, đặc biệt là sau đêm dượng giở trò với tôi, nhưng tôi có nỗi sợ đặc biệt hơn, nếu mẹ tôi làm sao thì tôi sống sẽ không còn ý nghĩa gì cả. Khi không còn sợ cái chết, tự nhiên mọi nỗi sợ khác trở nên nực cười vì hình như chúng đã không còn đáng sợ nữa. Cửa đền chưa mở. Mẹ tôi bày những cốc nến quanh bậc tam cấp rồi châm lửa. Ánh nến lung linh soi tỏ rõ một vùng trong đêm tối tạo ra một vẻ đẹp ma mị. Mẹ tôi quỳ gối trước cửa đền, dập đầu khấn vái, bóng mẹ tôi dập dìu theo ánh nến. Mẹ tôi lẩm bẩm cái gì mà đầu đội lễ, thân thể không trong sạch, tư tưởng bất minh,… Xin các ngài chứng giám cho con.
Tôi nghĩ mẹ tôi đã sám hối.
Tôi cứ tưởng, dượng đã đi hẳn, cuộc sống của mẹ con tôi đã được yên bình. Tờ giấy ly hôn viết tay dượng tôi đã không nộp lên tòa án như lời ông ta khăng khăng lúc bắt mẹ tôi ký vào. Ban ngày, dượng ở nhà tôi ăn uống, ngủ nghê phủ phê, nhưng đêm đến dượng lại bỏ đi. Mẹ tôi không nói gì, cũng không nhắc nhở gì tới đơn ly hôn nữa, chấp nhận cảnh ban ngày chồng là chồng mình, đêm đến lại trở thành chồng nhà người ta, biến biến hóa hóa khôn lường. Phận làm con, tôi tôn trọng mọi quyết định của mẹ tôi, tôi chẳng dám ngỏ lời mặc dù có thấy chướng tai gai mắt tới đâu. Thế nhưng, em gái tôi thì không. Nó đột ngột trở về sau thời gian dài bặt vô âm tín.
Trước đấy, tôi đã nghe lỏm được người ta nói xì xào với nhau rằng em tôi đi làm gái, sống bê tha, lừa lọc người khác. Tôi chẳng tin. Nó vốn là đứa thông minh, nó sẽ không bao giờ đi vào con đường dơ bẩn ấy. Nó trở về với mái tóc nhuộm màu lòe loẹt, quần áo cộc cũn cỡn phô ra hết mức những đường cong của cơ thể. Trên mặt nó xỏ khuyên mũi, khuyên tai trông rất hầm hố, nó liên tục đưa một ống nhỏ vào mồm hút rồi nhả ra không gian một mùi thơm ngòn ngọt, tôi nghe nói đấy là thuốc lá điện tử.
Khuôn mặt nó sau khi bỏ lớp trang điểm đi trông bợt bạt, thiếu sức sống nhưng lại đầy đặn gió sương cuộc đời. Nó về mượn được cái xe máy chở tôi đi chơi khắp nơi, đưa tôi đi mua quần áo đẹp, đi ăn uống những món ngon tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ. Nó không ngại ngần mà đối xử dịu dàng với tôi trước những ánh mắt xoi mói của thiên hạ. Từ khi em gái tôi về, dượng ở lì nhà tôi không đi đâu nữa. Em gái về nhà, tôi rất vui, còn mẹ tôi thì không hẳn, thi thoảng bà lại gắt gỏng vô cớ.
Tôi không biết em gái tôi làm gì nhưng nó có rất nhiều tiền, nó đối xử rất tốt với tôi nhưng nhất quyết không đưa cho mẹ tôi một đồng nào cả khiến cho mâu thuẫn trong gia đình ngày một thêm căng thẳng. Trong khi ngày nào chủ nợ cũng đến trước cửa nhà réo tên mẹ tôi thì em gái tôi lại cứ vô tư đi lại trong nhà như mẹ như dượng tôi là người vô hình vậy, tôi là kẻ đứng giữa đâm ra bị mẹ tôi ghét lây. Đỉnh điểm là vào một buổi sáng, từ lúc tôi chưa kịp tỉnh dậy đã nghe tiếng chửi bới om xòm từ phòng khách vọng ra.
Khi tôi vừa ra tới thì một người phụ nữ nhảy bổ vào em gái tôi. Bà ta liên tục tát vào mặt vào đầu em tôi. Tôi lao vào gỡ bà ta ra thì bị đẩy ngã ra đất. Em gái tôi chống trả quyết liệt. Hai người giằng co nhau, dượng tôi lao vào can ngăn còn mẹ tôi đứng ngoài chửi. Cuối cùng dượng tôi cũng kéo được người đàn bà ra, tôi đã nhận ra bà ta chính là cô đồng. Cô ta chỉ tay vào mặt mẹ tôi, luôn mồm chửi bới.
– Con đĩ già không biết dạy con. Con đĩ non khốn nạn ngủ cả với thằng già, bà thì không tha cho mày đâu…
– Bà bảo ai là con đĩ hả? hả?
Em gái tôi nhằm hướng dượng tôi và cô đồng lao tới, trên tay nó cầm một cái kéo sắt nhọn hoắt. Tôi sợ run cầm cập. Mẹ tôi chạy theo ngăn em gái tôi lại mà không kịp. Lưỡi kéo sắc nhọn cắm phập vào vai dượng tôi. Dượng tôi đổ ập xuống, máu không ngừng trào ra đỏ thẫm nền nhà. Không gian bất chợt im lìm hoảng hốt. Máu loang ra, đỏ cả mắt, tôi nửa tỉnh nửa mê…
Bố chở tôi trên chiếc xe máy rệu rã, gió lùa qua hàng cây chạy ngược trở về phía sau lưng tôi, một mùi hương thơm như lá cơm nếp thoảng qua trước mặt, chúng tôi đi qua những khúc cua hướng thẳng lên phía đèo Giang để ra khỏi thị trấn. Tôi dang hai tay ra tận hưởng cơn gió mát lành. Tôi những tưởng mình đã chạm tới được những đám mây tinh khôi đang bay là là ngang qua mặt, qua người tôi.