Truyện ngắn của Bình Địa Mộc
1.
Từ ngày theo chồng về làng này sinh sống, bà Nẵng thường rang đậu phộng rồi cặm cụi ngồi giã nhuyễn. Bởi hạt đậu phộng, hạt mè, hạt tiêu thuộc loại hạt chủ lực kết hợp với muối tạo thành món ngon mặn miệng không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình ở nông thôn Việt Nam bấy giờ. Sau lưng bà bếp lửa đang cháy lách tách đun ấm nước chè xanh. Cùng với đó nồi cơm sôi vừa mới cạn nước cũng được bà Nẵng dầng ngay trước mặt ông kiềng, tận dụng hơi nóng từ những cục than đỏ lừ viền quanh đáy nồi trộn lẫn tro tàn lốm đốm sót lại. Mà thoạt nhìn nó rất giống chiếc vương miện nham thạch gắn trên miệng núi lửa tí hon lung linh. Ngoài sân trời ngưng gió hỗ trợ giàn mướp thụ phấn. Đâu đó vài sợi nắng liu tiu quấn quanh nách lá bảo vệ đài hoa để thai mướp sinh trưởng được vuông tròn, có cơ hội thực hiện tiếp vòng đời trái đắng cung cấp nguồn dinh dưỡng cho con người. Kết quả no nê này có sự đóng góp không nhỏ của những thanh tre già nua làm bệ đỡ, nghe chừng cũng sắp rệu rã bởi sức nặng của thời gian song kiếm cùng sự bào mòn của thời tiết cực đoan. Bên cạnh chiếc giường tre ọp ẹp hai đứa nhỏ vô tư nghịch ngợm, bỗng con gái sẩy chân té nhào xuống nền nhà lổn nhổn bụi đất. Bà Nẵng hoảng hốt quay lại; một tay đỡ con, tay kia cầm nguyên cái chày giả muối chưa kịp buông. Chẳng may cái chày làm bằng nhánh cây thị cứng ngắt đập vào màng tang con bé khiến nó ngất xỉu. Chòm xóm nghe nhà bà la lối um xùm, họ tưởng chuyện lớn xảy ra nên cùng nhau chạy đến giúp đỡ. Có người còn độc miệng hô hoán.
– Bà Nẵng đánh chết con gái rồi.
Sau đó họ chia sẻ. Người chạy lên xã báo công an xuống bắt kẻ sát nhân, người đưa nạn nhân đến Trạm Y tế cấp cứu may ra còn nước còn tát. Tuy nhiên tại cơ quan điều tra bà Nẵng khai báo từ nhân thân đến hành động gây tai nạn hoàn toàn có cơ sở khách quan nên được chiếu cố.
– Họ tên Đỗ Thị Nẵng đã ly dị chồng, hiện tại nuôi 2 con nhỏ, gồm 1 trai 1 gái. Gia đình làm nông, hoàn cảnh khó khăn; nhà thiếu ăn, người thiếu mặc, đêm thiếu ngủ bởi lo toan tính toán. Riêng chuyện con gái ngất xỉu do hành động vô ý chứ không phải cố ý nên được công an chấp thuận xử lý nội bộ. Bà cam kết.
– Từ nay trở đi tôi sẽ không đánh con dưới mọi hình thức. Cương quyết không vi phạm bạo hành gia đình cho dầu con cái có hư đốn cỡ nào tôi cũng không manh động.
Đây chỉ là tai nạn rủi ro hơn nữa con bé đâu đã chết nhưng bà vẫn phải hứa với chính quyền cho đúng nội dung văn bản pháp luật hướng dẫn khai báo. Đồng thời để họ an tâm thả bà về đặng còn theo dõi sức khỏe con bé nữa. Riêng chuyện sống chết của mỗi người do số phận định đoạt đâu đến lượt bà can thiệp. Đâu phải ai muốn chết là chết, ai muốn sống là sống. Sống cho ra hồn ra vía mới khó, còn bạt mạng như ai kia thì không tính. Bà Nẵng suy nghĩ mông lung sau khi hoàn tất biên bản xử lý rồi hậm hực xách nón ra về. Nắng trưa lủi thủi theo bà tận đầu làng cùng với mấy ả gió cuối mùa cố tình xoa dịu cái nóng hầm hập đang tư bề vây bủa. Bà lứ nhứ.
– Mấy mụ hàng xóm nhiều khi vô duyên hết sức. Chuyện chẳng đâu vào đâu la toáng lên đâm ra rách việc. Sáng nay định ở nhà giẩy nốt đám cỏ sau vườn lại đi lấy khẩu cung mất cả buổi. Rõ chán!
2.
Song ở đời trong cái rủi có cái may. Qua sự cố hi hữu đó Ủy ban Nhân dân mời bà đến cơ quan để xác lập hộ tịch, nhập hộ khẩu sau nhiều năm lãng quên. Xã đồng ý khai sinh cho con bà như sau. Họ tên cha Hồ Văn Mỏ. Các con bà lần lượt mang tên. Hồ Văn Mo – giới tính Nam; Hồ Thị Mọ – giới tính Nữ. Họ tên mẹ Đỗ Thị Nẵng – chủ hộ. Tổng cộng cả hộ có 3 nhân khẩu; không sai, không sót, không thiếu tên nào. Khổ nỗi bà không biết chữ chỉ ngồi nghe đọc và xác nhận thông tin đúng hay sai. Ngày trước bà có tham gia lớp bình dân học vụ đâu được mấy bữa rồi nghỉ ngang để lấy chồng.
– Lấy chồng mọi việc sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lo gì ba cái chữ nghĩa linh tinh ấy chứ!
Bà tự tin mặc dầu chỉ đọc lỏm bỏm 24 chữ cái trước khi làm người vợ vĩ đại. Suy ra tên chồng, tên con kể cả tên bà chỉ thoáng qua trong trí nhớ một vệt mờ mờ rồi tự nhiên biến mất, không kịp để lại âm tiết gì. Cũng may lúc đó có ông chú họ làm bên Hội Nông dân tập thể nhân tiện gợi ý bộ phận Tư pháp khai hộ lý lịch mấy mẹ con bà cho xong. Còn ý nghĩa họ tên các con cũng như tiểu sử ông Mỏ – chồng bà là ai chỉ có ông chú đó biết. Rất tiếc hết nhiệm kỳ ông ấy cũng nghỉ việc cùng gia đình lên Đăk Lăk lập nghiệp đến tận bây giờ không ai liên lạc được. Coi như Mỏ hay Mo hoặc Mọ mặc nhiên lùi vào dĩ vãng xa xăm. Hơn nữa bà Nẵng cũng muốn làm giấy khai sinh cho con để chúng nó được đi học kiếm đôi ba chữ, tên đẹp hay tên xấu mặc kệ. Bởi tên đẹp mà không biết chữ lỡ có chuyện gì xảy ra cứ nhắm mắt lăn tay vào biên bản lành ít dữ nhiều, lo lắm. Mặc khác ở làng này ai chả biết con bà tối ngày mò cua bắt ốc ngoài đồng, đặt tên gì mà chẳng được.
– Có giấy khai sinh chúng nó được đi học coi như phúc ba đời.
Bà Nẵng cảm ơn cán bộ xã rồi vội vã cuộn tròn mấy tờ giấy khai sinh cầm về nhà nhét vào bồ lúa trống hoát. Chú chuột nhắt đang tréo chân chữ ngủ ngáy kho kho, bỗng dưng bị động liền nhảy xổm ra ngoài nhưng không quên quay lại hoe hoét mấy cộng râu bốc phéc. Chẳng có hạt lúa nào minh chứng sự trung thành của nó một khi thoát thân từ trong nhà kho, lại còn chủ quan vểnh râu trê tự hào trong sạch.
– Ai tin mày hả chuột?
Khai giảng năm học mới hai đứa con bà Nẵng tung tăng cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác. Nhưng sau đó vài năm do hoàn cảnh khó khăn thằng Mo chỉ học hết cấp Một rồi nghỉ. Con Mọ lẹt đẹt leo lên lớp Bảy cũng từ giã sân trường trước cánh phượng hồng ngẩn ngơ. Hai đứa xung phong ra đồng làm ruộng giúp đỡ mẹ kiếm cái ăn, cái mặc vốn ngày càng bức bách trên mảnh đất miền Trung chó ăn đá gà ăn sỏi này.
3.
Đó là câu chuyện của 20 năm về trước. Còn hôm nay đùng một phát anh Mo – con trai bà Nẵng chế tạo chiếc máy xắt sắn chạy bằng mô – tơ điện hấp dẫn. Theo đó vài giờ đồng hồ đống sắn to đùng đã được giải quyết sạch sẽ mà chỉ tốn duy nhất 1 công lao động. So với việc xắt sắn bằng tay, bằng nhiều người có khi chổng chồng mông cả ngày cũng chỉ được dăm bảy chục cân là cùng. Chiếc máy bán thủ công này không chỉ tiện lợi về mặt thời gian hoàn thành sản lượng; tiết kiệm nhân công mà lát sắn được xắt ra rất đều, rất đẹp, dễ hòa nhập thị trường. Trong bối cảnh khâu phân phối, tái phân phối sản phẩm nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng cao. Quá trình tiêu thụ đối với các loại hàng hóa, nhất là hàng nông sản thực phẩm ở các vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn đều phó mặc cho thương lái thao túng. Với đặc thù chuyên canh cây sắn như ở làng nầy chẳng hạn thì chiếc máy do con trai bà Nẵng lắp đặt không cần phải qua khâu sơ chế mà hiệu quả đạt được cũng khá cao. Đồng thời nó còn giải phóng sức lao động của bà con nông dân khá tốt. Chuyện gì đến phải đến. Tiếng lành đồn xa từ trên tỉnh phóng viên báo chí đua nhau về làng tìm con trai ông Hồ Văn Mỏ phỏng vấn. Do tính đặc thù của nền văn hóa giao tiếp làng xã nước ta. Hễ ai muốn tìm con; muốn biết con cái ăn ở, học hành, làm lụng thế nào phải hỏi ông cha nó khắc biết. Đại loại cha tên gì, sống mái ra sao, quá trình hoạt động, cống hiến như thế nào? Đều ảnh hưởng đến con cái từ trong chiếc nôi nề nếp gia đình, khuôn mẫu, truyền thống đạo đức sẽ tường minh tất cả. Vì vậy người cha có tên Hồ Văn Mỏ thân sinh chàng kỹ sư nông dân Hồ Văn Mo làm nên chiếc máy xắt sắn kỳ dịu kia là ai? Trước tiên phải hỏi bà Bảy chủ quán nước giải khát đầu làng. Người ta đồn rằng tại quán này mỗi cốc nước là một câu chuyện, một hoàn cảnh, một số phận chênh chao. Mỗi vị khách là một bài toán hóc búa đang chờ đáp số. Đáp số ấy đúng hay sai phải được kiểm tra qua lời giải thông minh mới biết. Nhóm phóng viên lập luận như vậy trước khi tiếp cận bà Bảy.
4.
Hớp một ngụm nước chè đặc quánh bà kể.
– Trước năm 1975, ông Mỏ tham gia du kích địa phương. Sau khi quê hương giải phóng ông về vườn làm ruộng. Đến lúc Nhà nước thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp ông được bầu vào Ban chủ nhiệm, nhiệm kỳ tiếp theo ông được bầu làm Chủ nhiệm. Cũng thời gian đó ông gặp bà Nẵng ở bên kia sông. Hai người lấy nhau có 2 mặt con, tự nhiên lại bỏ nhau không rõ lý do.
Nghe đến đây phóng viên liền chuyển hướng sang đề tài hôn nhân gia đình nhằm khai thác yếu tố nhạy cảm để nhử bạn đọc.
– Chuyện ông Mỏ làm Chủ nhiệm Hợp tác xã có liên quan gì đến chuyện ly hôn không hả bác?
– Ít nhiều gì cũng có chứ sao lại không. Số là hồi đó ban bệ Hợp tác xã chưa hoàn thiện, cán bộ kiêm nhiệm đủ thứ. Ông Bảy nhà tui làm Thủ kho còn gánh vác thêm khâu Tư vấn kỹ thuật chăn nuôi nữa. Do thiếu người trông coi kho lúa ban đêm, ông Mỏ tình nguyện ngủ lại Hợp tác xã để ngó chừng kẻ trộm giống như nhân viên Bảo vệ bây giờ.
– Ông ấy không ngủ với vợ nên bị vợ bỏ chứ gì?
– Chuyện đàn bà khó nói lắm. Có điều tại thời điểm đó xã viên xác nhận rằng. Trong một đêm mưa gió tơi bời Chủ nhiệm đang say giấc nồng thì ông Bụt hiện về mách bảo. Dưới lòng đất cách làng chừng 3 km về hướng Bắc, bên cạnh dòng sông Đầm ngoằn ngoèo, có một lớp mùn than trầm mặc tích tụ do quá trình biến đổi niên đại địa chất. Nông dân ở đây muốn đổi đời phải bỏ trồng lúa chuyển sang khai thác mùn than bán cho nhà máy sản xuất phân hữu cơ lấy tiền quay lại mua gạo ăn, mắm muối để ăn coi như thực hiện một chu kỳ kín.
– Rồi sao nữa hả bác? Nghe hấp dẫn quá mời bác kể tiếp.
– Sau giấc mơ định mệnh đó Chủ nhiệm Mỏ liền triển khai kế hoạch thăm dò mùn than theo hướng dẫn của ông Bụt.
Quả thật dưới lòng đất này có một lớp mùn than đen nhánh, ước đạt mấy triệu tấn. Dân chúng nghe theo lệnh cán bộ Hợp tác xã phối hợp với ý kiến chỉ đạo thống nhất của Ủy ban Nhân dân, tiến hành khai thác tài nguyên khoáng sản địa phương thông qua vài cuộc họp chóng vánh. Bởi tư tưởng thoát nghèo hối hả, khát vọng làm giàu thúc giục, không thể khoanh tay ngồi chờ. Chỉ qua một thời ngắn dân chúng hì hục kéo đến đào bới, cào cuốc, hất tung từng lớp đất để tìm nguyên liệu quý hiếm. Có chỗ đào sâu đến hàng chục mét, hy vọng sẽ lòi ra lớp than mùn lấp lánh lưu huỳnh. Có nơi mở rộng biên độ khai thác đến mấy trăm mét vuông bán kính để lấy bằng hết trữ lượng. Tất cả các công đoạn khai thác trên hoàn toàn bằng thủ công mà họ không hề biết rằng. Đây chỉ là sản phẩm được hình thành từ xác thực vật tích lũy lâu dài trong điều kiện yếm khí, chúng hình thành kho chứa dưới lòng đất được xem là mỏ than mùn. Đối tượng này chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn trong các vùng đầm lầy, xuất hiện đồng thời với quá trình hình thành và phát triển đất đai. Sự tích lũy than mùn trong hệ sinh thái đất ngập nước gắn liền với sự điều hòa các cơ chế hóa học tạo ra sự đa dạng các quần xã động thực vật trong giới hạn tồn tại cho phép chứ không phải vô tận như ông Bụt mách bảo. Do đó sau một thời gian tập trung khai thác thái quá mùn than bắt đầu cạn kiệt, cả cánh đồng nham nhở, lỗ chỗ dấu vết đào bới, đất đá ngổn ngang, hầm hố dày đặc, cây cỏ chết sạch mà không có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra hoàn thổ, mất khả năng trồng trọt trong tương lai gần.
5.
Việc gì đến sẽ đến. Thời gian sau nạn đói xuất hiện do thiếu hẳn nguồn lương thực dự trữ cơ bản. Đó là gạo, là hoa màu, là rau củ vốn sinh trưởng trên cánh đồng bạc màu cạnh dòng sông Đầm ngoằn ngoèo. Mặc dầu năng suất thu hoạch hơi thấp song vẫn bảo đảm cuộc sống bình dị mỗi ngày chứ không chao đảo, hẫng hụt. Đó là sự am hiểu về tài nguyên môi trường thiển cận, cục bộ. Là tư duy lỗi thời, manh mún vô tình hủy hoại diện tích canh tác dẫn đến hậu quả một bộ phận dân chúng bần cùng hóa sinh ra đạo tặc. Rồi cũng chính họ trong một đêm sấm chớp đùng đùng kéo đến nhà Chủ nhiệm, bắt ông ra sân Hợp tác xã trói chặt vào cột cờ hỏi tội.
– Tại sao lại xúi giục nông dân phá ruộng đào than mùn trong khi nguyên liệu này chỉ có một tẹo bằng bàn tay?
– Tại sao khai thác xong không ai chịu trách nhiệm hoàn thổ để tái trồng trọt các giống cây trên đất nông nghiệp?
Những câu hỏi móc câu, dồn dập, lơ lửng dưới mái ngói Hợp tác xã khiến ông Mỏ sợ chết khiếp. Trong cái khó ló cái khôn, lợi dụng lúc mưa gió bão bùng, ai cũng lo ẩn nấp, ông bèn tháo dây trói trốn chạy. Và cũng từ đó trở đi không ai biết ông ở đâu, làm gì, sống chết như thế nào? Đồng nghĩa với nghi vấn hằng đêm ông Mỏ ở lại Hợp tác xã giữ kho lúa; không về nhà ngủ với vợ, không ôm vợ, không ân ái với vợ nên bị bà bỏ rơi vào im lặng?
– Đúng là mỗi cốc nước một câu chuyện lâm li, một hoàn cảnh bi đát, một số phận éo le bác nhỉ?
Bà Bảy chưa vội trả lời câu hỏi của tay phóng viên mà quay lại câu chuyện anh Mo – con trai ông Mỏ phỏng vấn ngược nhà báo.
– Anh Mo ở làng này chỉ học hết lớp Năm mà đã chế tạo thành công máy xắt sắn hiện đại. Nghe nói sắp đến anh ấy còn định chế máy tách vỏ đậu phộng, máy bóc hạt ngô. Xin hỏi các ông giáo sư tiến sĩ các anh hưởng lương từ ngân sách Nhà nước làm được gì?
Tay phóng viên khôn lỏi.
– Thưa bác chuyện để đó nói sau. Bây giờ bác cho cháu hỏi anh Mo đã có vợ chưa?
– Có mấy mối nhưng họ đều từ chối. Bởi lý lịch ông Mỏ không rõ ràng minh bạch giữa công và tội. Người này bảo tại ổng nên dân chúng mới lâm vào cảnh khốn khó, tứ tán khắp nơi. Người kia nói nhờ ổng mà đồng ruộng bạc màu bên sông Đầm mới được cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thay vì trồng cây lúa thì chuyển sang trồng cây đay để đan chiếu, làm giỏ xách, tấm thảm trải nhà tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
– Chính quyền đối xử với công dân Hồ Văn Mỏ như vậy có bất công quá không bác?
– Địa phương nào, đất nước nào, quốc gia nào cũng còn bất công ngoại trừ cơ quan Thanh tra nơi đó mới có công bằng, lẽ phải.
– Cho cháu hỏi câu cuối cùng. Nếu anh Mo không lấy được vợ thì lỗi này thuộc về ai?
– Tất nhiên thuộc về lớp than mùn dưới lòng đất. Lẽ ra nó phải phát biểu chính kiến của mình nhưng lại chẳng nói gì đâm ra phứt tạp vấn đề. Bởi nguyên tắc im lặng là đỉnh cao của mọi thứ âm thanh.
Tay phỏng viên nghe bà Bảy trả lời xong câu hỏi bỗng toát mồ hôi hột. Mãi sau này tìm hiểu anh mới biết chủ quán nước giải khát đầu làng này không ai khác chính là cô giáo dạy văn cấp 2 khá giỏi. Song bà đã sớm nghỉ việc do tiền lương tháng mỗi giáo viên lúc bấy giờ chỉ đủ ăn trong vòng 10 ngày đạm bạc.
– Còn lại 20 ngày chẳng lẽ cạp đất?
Sài Gòn, 01. 2024