Vài nét về tác giả:
Tác giả Kiều Duy Khánh sinh năm 1980 tại Sơn La. Anh là hội viên Hội VHNT Sơn La, Hội VHNT các DTTS Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Bí mật dưới vực sâu – NXB Kim Đồng – 2001
– Buổi đi săn cuối cùng – NXB Kim Đồng – 2003
– Thám tử miền sơn cước – NXB Kim Đồng – 2005
– Chim gọi ngày đã hót – NXB Quân đội nhân dân – 2017
– Trở về với núi – NXB Quân đội nhân dân – 2018
– Rừng khuya vẫn gió – NXB Hội nhà văn – 2019
– Hạt vía thiêng – NXB Quân đội nhân dân – 2021
– Hồn chiêng giữ vía – NXB Hội nhà Văn – 2024
Giải thưởng:
– Giải C giải thưởng Văn học NT năm 2017 của Hội VHNT các DTTS Việt Nam 2017
– Giải A truyện ngắn giải thưởng văn học nghệ thuật cấp tỉnh lần thứ nhất (Giai đoạn 2015 – 2018) của UBND tỉnh Sơn La
– Giải 3 truyện ngắn cuộc thi Thơ và truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” 2017 – 2018 do Hội VHNT Hòa Bình và báo Văn nghệ Hội nhà văn VN tổ chức.
– Giải B, giải thưởng VH của Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2019 (Tập truyện Trở về với núi)
– Giải C, giải thưởng VH của Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2021 (Tập truyện ngắn Hạt vía thiêng)
– Giải A, giải thưởng văn học nghệ thuật cấp tỉnh lần thứ 2, giai đoạn 2021 – 2023
TRỞ VỀ VỚI NÚI
Truyện ngắn Kiều Duy Khánh
Ôm khư khư bộ hồ sơ xin việc, Vàng Lao La cứ đứng ngập ngừng mãi ngoài cổng Cung giao thông. La thấy lo lắng, sợ sệt thế nào ấy. Nấp sau cái trụ cổng to sơn vàng, thỉnh thoảng lại rụt rè, lấm lét thò đầu ngó vào trong Cung, mấy lần định đánh liều bước vào, nhưng run quá, lại thôi.
Hay là về nhờ bố xuống nộp hộ hồ sơ hộ nhỉ? La chưa bao giờ đi vào cái cơ quan đông người, nên chẳng biết nếu vào đó thì phải nói thế nào, chào thế nào. Không biết anh Đẩu đội trưởng có nhận La vào làm công nhân thật không, hay hôm đó uống rượu nên anh chỉ đùa cho vui thôi?
***
Mặt trời vừa nhô khỏi ngọn núi San Ja, anh em con cháu đã kéo đến đông đủ. Hôm nay nhà ông Khua làm cỗ. Giao việc cho từng người xong, ông quay ra gọi La vào làm cái việc thiêng liêng nhất. Con dao mài sắc như cái lá gianh được rửa rượu ngô và hơ lên trên ngọn lửa đỏ ba lần đã để sắn trên cái bát con dán giấy đỏ xung quanh. Vẫn như mọi năm, việc cắt tiết con gà trống được giao cho Vàng Lao La, con cả ông Khùa. Việc cắt tiết chỉ một loáng là xong. Bây giờ thì ông Khua tự tay nhổ lấy ba túm lông cổ đẹp nhất, quệt mỗi túm một ít tiết rồi dán lên ba góc trên mảnh giấy bản treo giữa ban thờ. Hai mảnh sừng trâu cưa đôi dùng để bói hỏi ý kiến ma ông ma bà cũng được đem xuống rửa cho đen bóng bằng rượu nặng rồi mới đặt lên.
Gần trưa thì việc cúng và quét dọn trong nhà chính đã xong. Bây giờ anh em con cháu tụ tập bên những mâm cơm nóng hổi thơm ngậy mùi thịt đã bày ra từ bao giờ. Can rượu ngô cất trong góc nhà từ lâu được đem ra, đổ vào những cái bát to đầy sóng sánh. Mùi rượu ngô ủ lâu ngày bốc lên thơm lử, chưa uống mà đã thấy người liêng biêng. Tiếng những bát rượu chạm nhau canh cách. Tiếng nói, tiếng cười của thật rổn rảng, tươi vui.
Có tiếng xe máy đi vào cổng. Chưa kịp nhìn ra đã nghe thấy tiếng gọi oang oang, sang sảng:
– Nhà bác Khua hôm nay làm gì mà đông vui thế này?
Ông Khua vội đứng dậy, chạy ra niềm nở. Cán bộ Đẩu lên chơi đấy à. Mời cán bộ vào uống với nhau chén rượu, ăn với nhau miếng thịt mới để bỏ cái xấu năm cũ, lấy cái may cho năm mới đi.
Lên nhà ông Khua nhiều nên Đẩu có vẻ tự nhiên. Ngồi vào mâm, nhón lấy một miếng lòng, vừa nhồm nhoàm nhai, vừa khẩm khởi. Báo cho bác Khua và gia đình một tin vui nhá. Đội cháu vừa có một công nhân về nghỉ hưu, đang thiếu một chân. Bảo chú La làm hồ sơ ngay đi, cháu sẽ nhận hồ sơ đưa về công ty xin tuyển dụng La vào làm công nhân đội cháu. Gớm, thiên hạ bây giờ khôn và tinh như con ma xó ấy. Vừa có người về nghỉ mà họ đã biết ngay mới tài. Từ hôm qua tới giờ bao nhiêu người vác hồ sơ kèm theo cái phong bì dày cộp đem đến nhờ vả cháu, nhưng cháu không nhận, đuổi về hết. Thằng Đẩu này đã hứa với bố rồi là phải giữ lời chứ…
Ông Khua cảm động nắm lấy tay Đẩu. Thế thì may quá. Anh Đẩu giúp thằng La với, đừng nhận ai nhá. Thằng La nếu được vào làm công nhân thì khác gì con nai đói được vào cái vườn nhiều cỏ. Năm nay nhà tôi có được cái may lớn hơn ngọn núi Hơ Chòng rồi. Anh Đẩu mang đến cho nhà cái tin vui đầu năm thì phải uống mừng với tôi nhiều bát rượu đấy nhớ.
Đẩu thành khách quý của gia đình ông Khua. Những miếng thịt gà ngon, những miếng thịt lợn nạc nhất được các chị gắp đầy vào bát, ăn chưa kịp với đã lại đầy. Đàn ông thì từng người một đến chúc Đẩu những bát rượu ngô thơm nồng. Đẩu vừa nhồm nhoàm nhai vừa ừng ực uống những bát rượu đầy sánh vẻ khoái chí. Khà, rượu ngô ngon quá. Nhà con thì thiếu gì các loại rượu Tây, toàn loại đắt tiền, nhưng không thích, chỉ mê mỗi rượu ngô của bố Khua. Món thịt gà đen này vừa dai vừa thơm, ăn cứ gọi là sướng đến từng cái răng. Bố cứ nấu nhiều rượu, nuôi nhiều gà vào nhá, sau này thằng La trở thành công nhân của con, con còn lên chơi với bố nhiều đấy… Hôm nào chú La được tuyển dụng là phải làm một bữa ra trò liên hoan nhá. Anh còn chưa biết nhà chú đâu. Đợi chú vào làm công nhân của anh, anh sang chơi…
***
Bây giờ thì La đã nhờ chị Thùa, cán bộ xã làm xong bộ hồ sơ và đang đứng trước cổng Cung giao thông. Đứng đến mỏi cả chân mà không dám vào.
– Làm cái gì mà cứ thập thò ngoài này thế ông tướng. Hay định vào ăn trộm đấy hả? – Anh bảo vệ từ đâu xuất hiện quát to làm La giật bắn cả người, đánh rơi bộ hồ sơ xuống đất. Liếc qua cái hồ sơ, bảo vệ có vẻ dịu giọng hơn. À, hóa ra đi xin việc. Xin thì vào gặp đội trưởng đi, anh ấy đang trong phòng đấy. Cửa mở nhưng trước khi bước vào vẫn phải gõ đấy nhá.
La cúi nhặt bộ hồ sơ, líu ríu chào bảo về rồi luýnh quýnh đi vào. Đội trưởng Đẩu đang ngồi trong phòng, ánh mắt bám chặt vào cái màn hình vi tính, cứ như ánh mắt người thợ săn đang bám lấy con mồi. Có tiếng con gái kêu như bị ai đánh phát ra nho nhỏ từ trong cái ti vi mỏng dính. Hóa ra đội trưởng đang xem phim. Hít một hơi thật sâu để lấy can đảm, La gõ cách cách mấy tiếng lên cánh cửa gỗ màu xanh. Đội trưởng ngẩng lên, giật mình. Tắt vội phim, đứng lên niềm nở:
– A, đồng chí La. Đã làm xong hồ sơ rồi cơ à. Đâu đâu, đưa anh xem nào.
Mở bộ hồ sơ, liếc nhanh qua một lượt, gật gù:
– Ừ, hồ sơ làm thế này là ô kê rồi, nhưng mà vẫn còn thiếu đấy…
La ngơ ngác nhìn đội trưởng không hiểu. Trước lúc đem cái hồ sơ tới đây, La đã nhờ thày giáo Hiếu dạy ở trường gần nhà xem cho thật kĩ. Thầy giáo bảo thế là đầy đủ rồi cơ mà. Còn thiếu gì nhỉ? Định hỏi mà sao cứ lúng ta lúng túng, chẳng mở được một lời.
Đội trưởng vứt toẹt bộ hồ sơ xuống bàn, có vẻ hơi cáu. Nhìn cái tướng chú mày anh biết nếu không nói toạc móng heo ra thì còn lâu mới hiểu thiếu cái gì. Bây giờ chẳng có chuyện chỉ vác cái hồ sơ đến không là mai có ngay việc làm đâu. Bao nhiêu người mang phong bì hàng chục củ đến năn nỉ anh còn chưa nhận đây này. Nếu chú muốn vào làm công nhân thì chuẩn bị ít nhất mười triệu đến đây rồi mới nói đến chuyện xin việc, nhá. Chú có vào làm công nhân được hay không là ở cái phong bì dày hay mỏng. Tốt lễ mới dễ xin keo. Đấy là mới nói đến tiền lót hồ sơ thôi, còn lại là tùy tâm, chú mừng tuổi anh bao nhiêu là do tấm lòng của chú, nhưng nhớ là sau nay anh sẽ là cấp trên trực tiếp chỉ đạo chú đấy.
***
La trằn trọc mãi mà không sao ngủ được. Tiền để lót cái hồ sơ cộng với tiền mừng tuổi cho đội trưởng, ít cũng phải mười lăm triệu. Học phí cho con còn phải khất nợ nhà trường, biết kiếm đâu ra từng ấy tiền? Lấy vợ được mấy năm, nhưng hai vợ chồng có mấy mảnh nương con của bố mẹ hai bên cho, trồng được có hơn ba chục cân giống. Cả năm chỉ trông vào mấy nương ngô, ăn còn chưa đủ no chứ lấy đâu mà dư được đồng nào. Cả nhà chỉ có mỗi con trâu bố cho để cày nương là đáng giá. Nếu bán đi chắc cũng đủ, nhưng bán đi thì từ mai lấy gì mà cày nương? Đi vay cũng chẳng biết vay đâu được số tiền lớn thế. Bố mẹ thì cũng nghèo, lại còn phải lo cho cái Cho học sư phạm trên tỉnh nữa, có hỏi vay chắc cũng chỉ được một hai triệu là cùng. Nhưng nếu không cố chạy để được vào công nhân thì tiếc lắm. Anh Đẩu bảo phải biết nghĩ xa. Bỏ ít tiền ra lúc đầu, nhưng chỉ vài tháng lương là kéo lại. Vào công nhân sau này về già cứ đến tháng là cầm sổ đi lấy lương hưu, chẳng sướng à.
Nằm bên chồng, Sạnh cũng không sao ngủ được. Sạnh thấy thương chồng quá. Lúc sáng La cầm bộ hồ sơ đi, hai vợ chồng nhìn nhau tràn đầy hy vọng. Sạnh nghĩ, thế là La sắp được vào công nhân, cứ tháng đi lĩnh lương về đưa cho Sạnh. Mỗi lần có lương sẽ mua một miếng thịt dưới chợ Chiềng On về cả nhà ăn liên hoan một bữa cho chán, tiền còn lại sẽ để dành mua quần áo, nộp tiền học cho hai đứa con, không còn phải khất cô giáo tiền học phí nữa.
Từ lúc La đem bộ hồ sơ đi, Sạnh cứ hồi hộp quay ra quay vào chỉ mong chồng về sớm. Ngồi vào khung dệt toàn bị nhầm, lại đứng lên chạy ra cổng ngóng. Ngóng chán lại ngồi vào khung dệt…
Lúc nhìn thấy La thất thểu về, mặt rũ ra như cái lá chuối bị nhúng nước sôi, thế là Sạnh biết chuyện không được may rồi. Hóa ra xin vào làm công nhân nó không đơn giản như Sạnh nghĩ. Nhìn chồng cứ ngồi cả buổi ngoài gốc mận, cơm cũng chẳng buồn ăn, Sạnh thấy lòng nát như cái quả vả chín rơi từ trên cao xuống hòn đá. Thương chồng lắm mà chẳng biết làm thế nào. Lúc chiều Sạnh sang nhà bố mẹ đẻ rồi đến nhà các anh, các chị. Mỗi người giúp một ít, gom lại cũng được hơn một triệu. So với số tiền lớn để lo việc thì hơn triệu bạc chỉ như hòn sỏi ném vào cái hủm nước sâu.
Đêm đã khuya lắm. Hai vợ chồng La cứ nằm im để người này tưởng người kia đã ngủ, nhưng cái đầu hai người thì cùng nghĩ chung một việc. Càng nghĩ thì càng rối bung như nắm dây lanh bị bọn trẻ vò. Bên trái nhà, con trâu cũng chưa ngủ, vừa rồn rột nhai bó cỏ non vừa vảy tai đuổi muỗi phành phạch. Bỗng dưng Sạnh nghĩ đến con trâu. Sạnh quay sang lay vai chồng. Hay là mình bán con trâu đi cho anh Lao Lang. Anh Lang buôn trâu thỉnh thoảng vẫn đến hỏi mua con trâu nhà mình để đem đi dự chọi trâu trên Chiềng Mung mà. Cứ bán để lấy tiền lo vào công nhân, sau này đi làm có lương, mình để dành mua lại con khác to hơn, đẹp hơn.
Trong đầu La cũng nghĩ đến con trâu, nhưng La không dám nói ra, chỉ sợ Sạnh không đồng ý, Sạnh lại buồn. Giờ thấy ý vợ nghĩ giống ý mình quá, La quay lại sung sướng ôm lấy vợ. Một giọt nước mắt nóng hổi lăn vào trong đêm…
***
Có tiếng xe máy đi vào. La đang cho lợn ăn vội chạy ra. Đội trưởng Đẩu vừa lôi từ trong cặp ra tờ giấy vừa gọi oang oang:
– Chú La đâu rồi, tin vui nhá. Đã có quyết định tuyển dụng chú vào làm công nhân chính thức của đội anh rồi đây này. Từ giờ chú là người của anh đấy nhé.
Cầm tờ Quyết định có cái dấu đỏ như quả đào chín bổ đôi, hai tay La cứ run lên vì sướng. Muốn nói câu gì thật hay để cám ơn anh Đẩu mà mãi không nói được lời nào. Vội đem tờ giấy quý cất vào cái hòm để trên gác cao rồi gọi vợ bắt gà để làm cơm mời đội trưởng. Hai vợ chồng La ngập tràn niềm vui trong lòng, cứ như cái ruộng mạ khô bỗng có nước mát chảy về nhiều vậy. Đĩa thịt gà chỉ còn cái cánh và cái đầu lăn lóc. Đội trưởng Đẩu cũng đã ngật ngà say. Thôi anh về, mai chú ra đội anh dẫn đi giao việc. Anh là anh quý vợ chồng chúng mày nhất nên mới tận tình giúp đỡ đấy, chứ khối đứa đến chạy vạy xin xỏ mà anh zê zô tất…
– Te…te..e…te…
Ngật ngưỡng ngồi lên yên xe, đang định nổ máy, bỗng nghe tiếng gà gáy ngay đâu đây, đội trưởng Đẩu đứng ngẩn ra. Quét đôi mắt đã lờ đờ, hiêng hiếng say khắp vườn tìm kiếm. Ô, chú La có con gà rừng đẹp mà gáy hay quá. Anh là anh mê nhất nuôi gà rừng. Chú bán cho anh nhá, bao nhiêu tiền anh cũng Ok tất.
Đội trưởng Đẩu chồm ra khỏi xe, chạy như lao về phía con gà rừng đang đậu trên cành tre mát tượng cuối vườn khiến con gà hoảng hốt bay vội lên, nhưng vướng sợi dây xích ở chân nên nó bị rơi xuống, treo lủng lẳng trên cành cao, vừa quang quác kêu vừa vỗ cánh phành phạch.
La vội chạy lại đỡ con gà đặt lại lên cành cây. Con gà này là con gà mồi em để đi bẫy, nếu anh Đẩu thích, hôm nào em đi bẫy cho một con.
Đẩu túm lấy con gà, giọng nhừa nhựa, liu líu. Từ giờ chú làm công nhân rồi, đi làm suốt, thời gian đâu mà đi bẫy nữa. Anh chấm con này rồi, cấm được cãi sếp nhá.
Đội trưởng Đẩu đã tháo xong sợi xích. Một tay khư khư ôm con gà, một tay móc túi rút ra tờ trăm nghìn đưa cho La. Đây, trả chú mày tiền. Trên này các chú kiếm gà rừng khó gì, lẽ ra còn phải tặng sếp ấy chứ. Chú mày còn non và xanh lắm, còn phải học nhiều…
Đội trưởng đã đi từ lâu mà La vẫn cứ đứng ngẩn ngơ tiếc. Con gà anh vợ tặng La ngày vợ chồng La làm nhà ở riêng, cũng gần năm năm rồi. Nó vừa là con gà mồi, vừa là bạn…
***
La được giao làm suất đường của một công nhân cũ vừa mới nghỉ hưu, đoạn đường được giao lại đi qua bản nên không phải đi làm xa lắm. Ngày đầu tiên được đi làm đường, thấy vui sướng lạ. La đưa cả vợ đi làm cùng cho nhanh. Nhiệm vụ thì anh Đẩu bảo rồi. Phát cây trên ta luy dương phải cao bốn mét, dưới ta luy âm thì phát từ cột tiêu vào một mét, những điểm bụng đường cong thì phải phát cao hơn, sâu hơn đảm bảo tầm nhìn được thông thoáng. Rãnh thì rẫy cỏ, nạo vét sạch cho thành khuôn, thành hình. Cống phải moi xúc hết đất trong tụ, lòng và sân cống đảm bảo sạch sẽ. Những đống sụt nhỏ dưới ba khối thì phải hót đi. Lề đường chỗ nào xói thì lấy đá xít đắp vào làm sao không được cao hơn mặt đường. Chỗ lề cao thì lấy cuốc bạt đi cho “mui luyện”, đảm bảo khi mưa nước phải thoát nhanh từ mặt đường xuống rãnh. Cột tiêu, biển báo, cột km… nếu bị nghiêng vẹo thì phải phối hợp với anh tuần đường nắn chỉnh cho thẳng hàng, ngay ngắn…
Đội trưởng Đẩu còn nói nhiều lắm, La cố nghe mà chẳng nhớ hết được, nhưng La thấy những việc đó không khó khăn gì. Vợ chồng La phát nương, cuốc đất quanh năm quen rồi, việc phát cây, xới cỏ, xúc rãnh cũng chỉ như nương thôi. Hai vợ chồng La cứ hăng hái làm không thấy mệt. La leo ta luy phát cây, vợ thì vừa kéo dọn cây vứt xuống vực vừa rẫy rãnh, đắp lề, bạt lề… Vợ chồng La làm đến đâu là thấy đoạn đường sạch, thoáng hẳn lên, nhìn rõ đẹp mắt.
Mấy anh công nhân cùng đội đi làm qua, nhìn La phát cây vừa cao vừa thoáng, rãnh thì làm sạch cứ như quét nhà, bảo:
– Mày nhìn bọn anh mà làm. Sạch đẹp hơn có được thêm lương đâu. Làm sạch thế này ông đội ông ấy lại bắt bọn anh làm theo mày thì bọn anh có mà ăn cám à?
La nhìn các anh, chỉ cười cười. La là công nhân mới thì phải cố làm cho sạch, cho đẹp, để không bị đội trưởng nhắc chứ.
Đội trưởng Đẩu thỉnh thoảng đi kiểm tra tuyến, nhìn đoạn đường La làm, gật gù. Ừ, làm thế này tạm được, nhưng lưu ý phát cao hơn phần ta luy dương nhá. Chỗ này… chỗ này phát thêm chiều cao, chỗ này… chỗ này… phải đắp lề bằng cấp phối tại chỗ để chống cóc gặm mặt đường. Làm cho tốt vào, phải xong trước ngày… để hội đồng công ty sang nghiệm thu. Nghiệm thu đạt thì mới có lương, hiểu không.
La gật gật vâng dạ. Lại cùng vợ quay lại làm, lại sửa.
***
Mấy trận mưa to kéo dài liên tiếp, đất trên nương đã uống đủ nước, mọi người trong bản lục tục đi lên nương trồng ngô. Nương nhà La đã cày xong từ trong tết, lúc còn chưa bán đi con trâu cơ. Từ lúc La được vào làm công nhân, vợ chồng La phải đi làm đường suốt, chẳng còn thời gian đi trồng, phải nhờ anh em sang giúp mấy ngày. Mấy lần gọi điện xin anh Đẩu cho nghỉ một ngày để đi nương, nhưng chưa hỏi hết câu, La đã bị đội trưởng quát như hắt thúng trấu vào mặt. Nghỉ ngơi gì. Từ giờ là công nhân của tôi rồi thì chỉ lo việc đường xá thôi, không có nương rẫy gì hết. Đã gọi là sửa chữa thường xuyên thì ngày nào cũng phải có mặt trên đường. Làm được thì làm, không làm được thì báo tôi một câu.
Thế là La lại lẽo đẽo cùng vợ vác cuốc, cầm dao ra đường.
Tháng lương đầu tiên, La bị trừ mất mười phần trăm. Đội trưởng giải thích. Tuy đồng chí La năng nổ nhiệt tình, nhưng do công nhân mới, chưa làm đúng kĩ thuật nên hội đồng nghiệm thu đánh giá làm chưa đạt. Thôi, tháng sau vừa làm vừa học hỏi các anh chị công nhân cũ nhá.
Phát lương xong cho mọi người, đội trưởng quay sang bảo La:
– Từ hôm chú vào làm công nhân hạt, vẫn chưa ra mắt anh em trong đơn vị nhỉ. Nhân tiện hôm nay có đông đủ cả đội, chú nên mời mọi người một bữa. Sau này có gì khó khăn chưa hiểu, các anh chị ấy còn chỉ bảo cho. Gần đây có quán ăn, đặt cho nó tiện…
Lương được hơn hai triệu, chi hai mâm cơm hết triệu hai. Giờ trong túi La chỉ còn có mấy trăm nghìn. Mân mê mấy tờ tiền còn lại mà La cứ đứng ngẩn ra như người bị bắt mất hết vía. Lúc ở nhà đi, La định bụng lấy lương xong sẽ mua cho hai đứa con gói bánh và miếng thịt để trưa cả nhà ăn liên hoan mừng tháng lương đầu. Giờ thì chẳng dám mua gì nữa. Cũng may lúc ăn quán, còn thừa ít thức ăn, một chị công nhân tốt bụng đã xin cái túi bóng đổ cả vào đưa cho La bảo mang về cho con nên giờ cũng có tí quà cho hai đứa. Nhìn chúng nó ríu rít tranh nhau những miếng thịt mà La ứa cả nước mắt.
Sáng hôm sau La cùng vợ đi làm từ sớm. Các anh chị công nhân cũ trong hạt thì cứ sau nghiệm thu phải nghỉ hơn tuần mới lại đi làm. Công việc giao khoán rồi, miễn sao cứ cuối tháng làm hết khối lượng được giao đảm bảo sạch thoáng là được. La chỉ sợ lại bị cắt lương, lại bị đội trưởng nói nên La không dám nghỉ ngày nào. Lần này La làm sạch hơn, kĩ hơn lần trước. Hôm nào thấy các anh chị công nhân cùng đội đi làm qua, La lại rối rít vẫy lại. Em làm thế này đã được chưa? Có phải làm lại chỗ nào thì bảo cho em nhá.
Những người đồng nghiệp đi qua, ai cũng gật gù. Mày phát cây đẹp và phẳng như cắt tóc thế này, rãnh vét thì sạch còn hơn cả quét nhà. Công nhân mới có khác. Bọn anh mà làm như mày thì chẳng làm được việc gì khác, chết đói mất.
Ấy thế mà không hiểu sao cuối tháng đội trưởng bảo La vẫn bị trừ lương vì còn nhiều chỗ làm chưa đạt, phải cố gắng thêm. Nhiều người nhìn đội trưởng với ánh mắt khó hiểu, lại nhìn La đầy vẻ thương hại. La muốn thắc mắc nhưng chẳng biết bắt đầu như thế nào, với lại La không quen nói trước đông người, chỉ vừa nghĩ đã thấy run rồi.
Mùa đông đã về. Sương mù lười biếng u oải ngủ cả ngày trên những quả đồi nâu sậm một màu của cây ngô khô giòn nằm rạp mình nhớ nắng. Sáng sáng người trong bản í ới rủ nhau lên nương để phát gom những cây ngô khô, những cây cỏ đã già úa lại thành từng đống nhỏ kéo dài từ chân tới đỉnh nương đợi sau tết thì đốt chờ mưa xuống còn đi cuốc, đi cày.
Năm nay vợ chồng La không thể làm nương được vì có bao nhiêu thời gian dồn hết cả vào làm đường rồi, với lại có con trâu thì đã bán mất, lấy đâu trâu để mà cày nương. Mấy mảnh nương đành để cho anh Chứ nhà bên làm sản, cuối vụ lấy mấy tạ về chăn nuôi lợn.
Từ ngày vào làm công nhân, ngày nào vợ chồng La cũng sáng chưa tan hết sương đã vác cuốc vác dao đi, chiều tối nhọ mặt mới về. Mới có mấy tháng làm đường mà Sạnh gầy hốc hác, đen sạm hẳn đi. Có đêm La thức giấc, qua ánh trăng đêm rọi vào vách liếp, thấy vợ ngủ mê mệt, khuôn mặt gầy nhô cả cái gò má lên mà La thấy thương vợ ứa nước mắt.
Làm như thế mà không tháng nào là không bị trừ một ít lương vì “Chưa làm đúng kỹ thuật”, “Làm còn chưa hết khối lượng được giao”, “Còn nhiểu điểm cần phải làm lại”… Đã thế, tuần nào cũng vài lần đội trưởng gọi điện gắt gỏng. Quay lại phát chỗ này chỗ này… cho cao lên. Vét lại rãnh chỗ này… chỗ này… cho sâu, cho có hình rãnh vào…
Bây giờ cứ mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại là La lại giật thót mình. Nhìn cái số máy gọi đến mà không phải số của đội trưởng Đẩu là thở phào nhẹ nhõm.
Dạo này thỉnh thoảng đang làm, Sạnh lại ngồi thừ ra một lúc lâu. La phải giục mấy lần Sạnh mới giật mình, uể oải đứng lên. Cái cuốc giơ lên không còn cao, vết cuốc bổ xuống đất không còn mịn, còn sâu nữa. La vẫn leo ta luy phát cây, nhưng con dao chặt vào cây đã bớt ngọt.
Một hôm đang làm, bỗng dưng Sạnh quăng cái cuốc, ngồi phịch xuống vệ đường, bảo:
– Từ mai một mình anh đi làm thôi, em ở nhà làm thêm cái nương, chăn thêm con dê, con lợn. Các anh chị công nhân cũng có ai mang theo người nhà đi làm cùng đâu…
– Bây giờ vất vả, nhưng sau này về già được nghỉ hưu, không phải làm cũng có lương mà. Chỉ ngồi trong bếp mà bắn nỏ thì mũi tên nó không bay đi xa được đâu. Mình cố giúp tôi. Vợ chồng cùng đi một đường thì mới thấy trời nhanh tối.
La cố an ủi vợ như thế, nhưng thực trong lòng La cũng chán nản lắm rồi. Buổi sáng thức dậy, nghĩ đến đi làm là lại thấy sợ, cứ như khói bếp sợ gặp gió ấy. Nhưng sợ thì vẫn cứ phải đi làm thôi. Đôi chân đã nhúng ướt nước rồi thì phải lội qua suối, sâu cũng phải cố mà lội.
***
Có tiếng chuông điện thoại. Lại đội trưởng Đẩu gọi. La lưỡng lự một lúc lâu mới chịu nghe máy. Nhưng lần này giọng đội trưởng vui vẻ lắm. Chú La đấy à. Mai ra đội họp và lấy lương luôn nhá, tiện thể trích quỹ công đoàn tổ chức liên hoan luôn. À, nhà chú còn nhiều gà không, bắt cho anh mấy con để anh đem về quê nhá. Hết bao bao nhiều tiền anh trả. Công nhân ngoài này họ biếu khối, nhưng anh chỉ thích ăn loại gà đen đi bộ của nhà chú thôi. Vừa thơm vừa giòn. Thế nhé, mai nhớ đem ra sớm đấy.
Đợi đàn gà leo hết lên cây đào ngủ một lúc lâu, La mới cùng vợ cầm đèn leo lên bắt ba con gà trống to nhất nhốt sẵn. Thằng Nhạ đang dạy em học bài, thấy bố bắt gà thì chay ra, reo to:
– A, mai nhà mình lại thịt con gà hả Chá? Bác khách có lên nhà mình chơi nữa không? Lần này Chá phải cho con với em Mảy ăn đùi đấy. Bác khách lớn rồi mà cũng thích ăn đùi gà như bọn con, Chá nhỉ.
La nói lảng đi, không dám trả lời con.
Mai ra lĩnh lương rồi mà sao La không thấy mong ngóng, không thấy vui vẻ tí nào. Nằm mãi không sao ngủ được. Không biết nghĩ gì mà thỉnh thoảng lại thấy thở dài. Tiếng thở dài trong đêm nhẹ như một cơn gió lạc, sao mà buồn thế.
Mặt trời đã lên cao mà La vẫn cứ ngồi trầm tư bên bếp lửa hút thuốc lào vặt. Sạnh sợ chồng đi họp muộn lại bị anh Đẩu quát nên vào giục mấy lần La mới uể oải dắt cái xe ra cổng. Sạnh đã buộc sẵn ba con gà, đem ra đưa cho chồng. Ba con gà bị trói chặt vừa quang quác kêu vừa vỗ cánh phành phạch trong nỗi tuyệt vọng. Xách mấy con gà trên tay mà La cứ đứng ngẩn ra mãi.
Bỗng dưng La cởi sợi dây trói, đưa một con gàcho vợ, bảo:
– Sạnh ở nhà thịt con gà cho thằng Nhạ, cái Mảy nó ăn cái đùi. Lâu lắm rồi chúng nó không được ăn đùi gà, chắc thèm lắm đấy. Còn hai con này thả cho nó sống, một con để giống, còn một con để tết thịt mời ma ông bà về.
Sạnh còn ngơ ngác chưa hiểu gì thì La đã chạy vào trong buồng, lật cái đệm, lấy tờ giấy La nhờ người viết cho từ mấy tháng trước, gấp làm tư, cất cẩn thận vào túi áo. Xong quay ra rạng rỡ nét mặt, bảo vợ:
– Đợi tôi về ăn cơm đấy. Tôi lấy lương xong thì về ngay, không ở lại ăn tổng kết đâu.
Cái xe máy nổ một hồi giòn tan rồi phóng vút đi. Sạnh cứ đứng nhìn theo mãi. Cái tờ giấy La lấy đem đi, Sạnh đã phát hiện ra hôm tìm cuộn chỉ để khâu cho thằng Nhạ cái quần. Sạnh đã đọc hết tờ giấy. Nhoẻn một nụ cười thật tươi, Sạnh xách con gà đi vào bếp.
***
La xuống đến đội thì cuộc họp đã tan. Đội trưởng Đẩu đang phát lương cho mọi người. La là người lĩnh lương sau cùng. Cầm cái bút kí vào bảng lương, La run run khi thấy ánh mắt đội trưởng Đẩu nhìn mình hằm hằm, bực bội. Vừa phát lương cho La, đội trưởng vừa cấm cẳn:
– Đồng chí La hôm nay đi họp muộn mà không có lí do, tí nữa ngồi viết bản kiểm điểm nộp cho tôi. Mới vào công nhân có một năm mà đã vô tổ chức, vô ki luật…
La run run đón lấy tập tiền, không dám nhìn đội trưởng. Cái tờ giấy gấp làm tư để trong túi ngực như nóng lên.
– Tec…te…te…te…t…e…
Tiếng gà rừng quen thuộc gáy một hồi dài trên cây nhãn ngoài hiên phòng họp. Con gà rừng của La ngày trước đội trưởng vẫn xích trên cành nhãn. Lần nào ra họp, La cũng ra chơi với nó một lúc, đứng nghe nó gáy như chào, như nhớ. Hôm nay tổng kết xong, đội trưởng Đẩu về quê ăn tết sẽ đem con gà về theo. La sẽ không còn nhìn thấy nó nữa. Có cái gì buồn và bịn rịn dâng lên trong lòng.
Bỗng dưng La vụt đứng dậy. Lấy tờ giấy trong túi ra, rút tờ một trăm nghìn vừa lĩnh lương, La đặt trước mặt đội trưởng Đẩu, giọng hơi run, nhưng rành rọt:
– Em nộp cái đơn, trả cả tiền anh Đẩu, em không bán con gà nữa. Không bán nữa.
Rồi La lao ra ngoài hiên, chỗ con gà đang đứng. Đội trưởng Đẩu nhìn vào tờ giấy, vừa đọc được dòng chữ to nhất “ĐƠN XIN THÔI VIỆC” thì La đã dứt tung sợi xích, ôm con gà, nổ máy xe phóng vút ra khỏi đội. Đội trưởng Đẩu mắt đỏ ngầu chồm lên, gọi to:
– Thằng kia, quay lại ngay, tao bảo mày quay lại, nghe rõ không.
Nhưng cái xe máy đã phóng đi rất xa. La không còn nghe thấy tiếng đội trưởng gọi ở phía sau mình…