Vài nét về tác giả:
Tác giả Phùng Thị Hải Yến, bút danh Phùng Hải Yến, dân tộc Dao, sinh năm 1985, quê tại xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Chị sáng tác từ năm 2000, đã tốt nghiệp lớp Sáng tác văn học K1 – Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hiện nay chị là Phó Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Lai Châu; và đang sống ở phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.
Tác phẩm đã xuất bản:
*In riêng
1. Tập thơ “Nắng thổ cẩm” – NXB Văn hóa Dân tộc, năm 2013
2. Giới thiệu tác giả, tác phẩm Lai Châu – NXB Văn học, năm 2018
3. Tập thơ “Tìm điệu xòe hôm qua” – NXB Hội Nhà văn, năm 2019
4. Tập tản văn “Bếp của mẹ” – NXB Hội Nhà văn, năm 2019
5. Tập tản văn “Quê tôi vùng Tây Bắc” – NXB Hội Nhà văn, năm 2019
6. Tập thơ “Xòe tay thả gió” – NXB Hội Nhà văn, năm 2021
7. Trường ca “Lời Bác gửi non xa” – NXB Hội Nhà văn, năm 2024
* In chung (16 quyển)
1. Tác giả tác phẩm – NXB Văn hóa Dân tộc, năm 2006
2. Hợp tuyển văn học – NXB Văn học, năm 2009 (Tập thơ, truyện ngắn)
3. Quà của phố – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2009
4. Đếm tuổi mùa đông – NXB Văn hóa Dân tộc, năm 2010 (Tập thơ gia đình của bố, mẹ và con gái)
5. Thơ dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI – NXB Văn hóa Dân tộc, năm 2011
6. Thơ bạn thơ – NXB Văn học, năm 2012
7. Văn bạn văn – NXB Văn học, năm 2013
8. Sìn Hồ dấu yêu – NXB Hội Nhà văn, năm 2013 (Tập tản văn, truyện ngắn gia đình của bố, mẹ và con gái)
9. Rừng biên cương hoa nở – NXB Quân đội nhân dân, năm 2015
10. Viết tiếp bản hùng ca Tây Bắc – NXB Hội Nhà văn, năm 2016
11. Tập truyện ngắn Phùng Hải Yến – Bùi Nguyên Khiết – NXB Hội Nhà văn, năm 2018
12. Bay đi bồ công anh – NXB Hội Nhà văn, năm 2020 (Tập tản văn)
13. Xuống núi – NXB Hội Nhà văn, năm 2020 (Tập truyện ngắn)
14. Hương Lai Châu – NXB Văn học, năm 2022 (Tập thơ)
15. Thơ Quán chiêu văn – NXB Hội Nhà văn, năm 2022
16. Về với Lai Châu – NXB Thanh niên, năm 2023
Các giải thưởng văn học:
– Giải B thể loại thơ, tác phẩm “Sự giản dị mang tên Hồ Chí Minh” – Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Lai Châu đợt 2, giai đoạn 2013 – 2015 (đợt 1) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức.
– Giải Nhì chùm thơ “Hình Bác trên đường con đi; Nén; Ký ức về cha” tại Cuộc vận động sáng tác văn học – nghệ thuật, báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang Quân khu 2 năm 2016.
– Giải B tập thơ “Nắng thổ cẩm” – Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lai Châu lần thứ II năm 2017; Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lai Châu lần thứ III năm 2022.
– Giải C tập thơ “Xòe tay thả gió” – Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam năm 2021.
– Giải B loại hình sáng tác chùm tác phẩm thơ “Cá lăng và đại bàng; Mơ giấc thường ngày; Niềm tin” – Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2025 (đợt 1) do Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức.
– Giải Ba cuộc thi “CNVCLĐ tìm hiểu về giá trị tín ngưỡng, tôn giáo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022.
– Tác phẩm thơ “Người thêu thổ cẩm” – đạt Giải nhất thể loại thơ Cuộc thi “Tìm hiểu giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống gia đình và thúc đẩy bình đẳng giới” năm 2023 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
– Truyện ngắn “Thẳm sâu biên giới” – Đạt giải A Cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và ký với chủ đề “Người chiến sĩ công an cơ sở vì bản, làng bình yên, vì nhân dân phục vụ” năm 2024 của Bộ Công an.
MƯA NÚI
Ầm ào và mạnh bạo
Mưa núi thốc vào mặt đường những luồng roi chi chít
Cú quăng quật trên cao
Chỉ thấy rát mắt người
Những luồng mưa roi quất
Chiếc xe máy lì lợm trôi trong mưa
Rừng như run kẽ lá
Gốc cây hỏi hôm qua ai là người cầm cưa, và xẻ
Từng thớ gỗ ánh nâu sang trọng căn nhà?
Chiếc xe máy chở hai người trẻ lao đi
Con đường rừng hôm nay bão táp
Áo mưa mỏng không đủ che thịt da khỏi ướt
Tim mình cũng bao ngày chẳng run sợ vì đâu
Mưa núi không ngưng
Nước ở đâu mà lắm?
Những cánh rừng lùi xa tít tắp
Một cánh rừng thật xanh trong ký ức
Một trái tim đau đáu yêu rừng
Yêu những cơn mưa tưới mát tâm hồn
Giờ mưa đá trả về đau đớn
Chẳng biết mưa hay là nước mắt
Đã lăn suốt đường xa…
GIÓ MANG MÀU THỜI GIAN
Ở nơi đây
Gió mang màu thời gian
Đã xoa dịu phút giao mùa cằn cỗi
Thời gian không có lỗi
Chỉ đem đến sự trổ bông, sum suê trái trên nương
Thời gian ươm xanh tán lá non
Làm chín đỏ quả thơm
Căng tròn hạt lúa
Gió mang thời gian đến những nơi gieo hạt
Gọi sinh sôi khu vườn
Khi ngồi lặng thầm, ngắm gió và thời gian
Tôi hay quặn buồn, thở dài cùng sương sớm
Tôi đã thấy hạt thời gian trên da tay mẹ
Trên tóc rụng của cha
Trên mái đá đen nhà trình tường khô cằn cỏ
Đến bước chân tôi về cũng nhẹ nhàng
Sợ dẫm phải vết thời gian
Gió mang màu thời gian
Phả những cổ kính vào bản nhỏ
Tấm giấy bản tôi viết chữ Nôm Dao đã ngả màu vàng ố
Mực bút lông phai cạn lúc nào…
NGHE HÁT THEN
Lời then buông dài tựa ngọn gió sượt vai
Nỗi lòng nghẹn ứ
Bà hát về tuổi con gái như lúa đòng đòng trổ sữa
Về ngày phải hát múa hầu tạo bản, tạo mường...
Câu hát cơ cực chẳng biết bay theo khói về đâu
Vướng ngọn tre làng mà vi vu thành tiếng
Nhớ tình mẹ cha, làng xóm,
Đau nỗi chiến tranh, ly biệt.
Đàn tính hòa vào điệu then
vấn vít muôn trùng
Bập bùng câu chuyện xưa bên bếp lửa
Cái ngày lòng mình bình yên trước dâu bể
Rồi sợi tơ duyên đứt, ăn cơm nhà người đau xót ruột gan
Lời hát then vẫn cứ vang lên
Kể về ngày cưới, ngày hội, nỗi niềm nhân thế
Then không chỉ tiễn hồn, then còn là lời kể
Để bà tôi nhớ lại tuổi đôi mươi.
TIẾNG LÒNG
Bíu vào tiếng khèn tình
Tôi rẽ sương vào hội
Hội mùa hoa thơm thơm nếp mới
Rộn ràng xòe chiêng
Bíu vào tiếng lục lạc ngựa khua
Tôi rẽ mây lên chợ
Chợ phiên mùa xuân mới
Áo thổ cẩm khoe màu
Bíu vào tiếng đàn môi
Ngơ ngẩn tôi đến suối
Ơi cô gái thổi lá bên tán rừng thưa
Ơi em gái đợi chờ bên cây ban trắng
Mùa xuân nở bừng trên miệng cười em
Mùa xuân rực rỡ trên mắt tươi
Sao em còn ngại ngùng?
Bíu vào tiếng lòng của kẻ xa quê
Tôi tìm về
Xòe tay ôm
Rễ cây già sum xuê tán
Ngỡ mình chạm gốc gác, cội nguồn…
KHÓC TRÊN ĐỈNH HOÀNG LIÊN
Trên vách đá một ngàn bốn trăm lẻ một mét
Em đã khóc khi nhìn thấy bờ bên kia
Hoa Đỗ Quyên bung từng chùm trên cao
Ngạo nghễ hớp gió trời
Nở hòa vào mây
Xòe tay ôm Hoàng Liên ngàn tuổi.
Em đã khóc!
Ngoảnh lại làng bản mình khơi khơi rừng núi
Nhìn thấy bé mọn mình giữa thung lũng sương
Nước mắt em lăn trong từng cánh đỗ quyên
Như người gái đẹp đêm xòe lặng khóc bên bờ sông Đà thưở trước…
Em đã ôm mẹ cổ thụ cháy khô
Máu đen bám phủ trời những ngày rần rật lửa
Nhựa sống trôi quánh đặc sông Đà.
Em đã khóc cùng Hoàng Liên bạo bệnh hiểm nghèo
Bao tế bào chết đi, chồi nụ khi nào hồi sinh để ngày mai rừng thức?
Trên hun hút Hoàng Liên
Lặng khóc giữa xưa - nay.
NÉN
Nén thở.
Mùi nhang buốt những mùa đông Tây Bắc
Bóng cha về trong tháng gió
Mẹ khấn trời
Thôi mưa.
Nén vui.
Con hân hoan về nhà người
ngập trời pháo
Căn nhà mình đột nhiên vênh hơn
giữa hai sườn núi,
Mẹ bám cánh cửa một bản lề
mọt nghiến kèn kẹt
niềm đơn côi.
Nén buồn.
Con chông chênh trăm chiều lá xoáy
Cha đón mẹ ở góc khuất xa xăm
Nơi chân trời không ánh sáng
chỉ còn nỗi niềm của những người lính Điện Biên
năm xưa ấy…
Ngước nhìn lá bay.
Nén đau!
Môi con thầm thĩ tiếng đầu đời trong nôi:
- Mẹ!
TÌM ĐIỆU XÒE HÔM QUA
Bước lang thang tôi tìm về bóng núi
Chiều xõa tóc vỗ về
Dòng Hoàng Hồ sóng nhẹ cuộn say mê
Tôi ấp mặt tìm dư hương vị cũ
Trong long lanh sóng nước
Tôi rượt theo óng ánh mắt say
Đêm xòe bản em trao
Tưởng mình bốc cháy…
Gió ngàn thung cuộn thổi
Tôi tìm về…
Tưởng điệu xòe vừa mới hôm qua
Noọng ơi!
Khúc giã bạn em gửi lại nơi đâu
Bước theo chồng về bản mới
Sông xưa còn
Điệu xòe nghiêng
Rượu cạn đêm tối
Tôi nghiêng ngả xòe mãi với bóng tôi