Truyện ngắn của Triệu Hoàng Giang
So Luồng chỉ có hơn ba mươi nóc nhà nhưng phường săn ở đó mạnh lắm. Vào mùa nhiều người ở các vùng khác phải về So Luồng đi để học cách săn, từ thằng trai mới cao hơn khẩu súng đến những thanh niên đã trải qua ba mùa săn đều xin đi cùng. Bao nhiêu năm nay đàn ông nào ở So Luồng không ai lo không kiếm được vợ, những cô gái bản mong có người chồng đi săn giỏi để khoe với mọi người. Những câu chuyện kể về phường săn So Luồng đã trở thành câu chuyện truyền nhau ở những buổi chợ phiên, đám cưới quanh vùng.
– Muốn săn giỏi phải có khẩu súng tốt, phải có đôi chân khỏe, con mắt tinh và một con chó giỏi.
Đó là những lời ông Văn Sinh, người thợ săn lão luyện nhất của So Luồng. Nhìn vóc dáng, đôi mắt và nhất là khẩu súng đen bóng, ai cũng biết Văn Sinh đã có đủ những yếu tố để trở thành một thợ săn giỏi nhất. Chẳng thế mà ông làm chủ phường săn So Luồng hơn mười năm vẫn chưa ai đu sức thay mặc cho nơi đây những đứa trẻ mới mười ba tuổi đã biết cầm súng đi khắp các núi khi trời còn chưa kịp tối. Thanh niên So Luồng nhìn ông với ánh mắt nể phục, những lời nói của ông đều là lời hay, lời đẹp, là lệnh phải nghe theo nếu muốn lớn lên trở thành người trong phường săn.
Phường săn ở So Luồng mạnh còn một một điều nữa, họ có người làm súng giỏi nhất vùng này, ông Tài Minh, người thợ đã làm không biết bao nhiêu khẩu súng săn tốt nhất vùng này. Nhưng muốn có được khẩu súng săn từ tay ông không phải dễ, người đến tận nơi, cho ông xem tay và nhận được cái gật đầu mới được. Người ở vùng khác đến ông càng khắt khe hơn, đã bao người đến khi thấy ông lắc đầu cho dù có lễ hậu như thế nào cũng không thể. Đã gần sáu mươi tuổi nhưng Tài Minh vẫn còn khỏe lắm, đôi mắt ông vẫn lộ rõ sự nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh như nhìn thấu từng người đến đặt làm súng. Chẳng bao giờ Tài Minh đi săn, nhưng trên gác của ông vẫn luôn có đủ thịt nai, lơn rừng khô. Bao lâu nay, mỗi khi bắn được con gì, phường săn So Luồng đều chia một suất cho ông, những người may mắn có được khẩu súng ông làm đều trả ơn ông bằng nửa phần thịt có được. Ông chẳng đòi nhưng người phường săn đều làm như vậy.
Nhưng cũng có điều lạ những khẩu súng từ chỗ Tài Minh cho dù được làm tốt thế nào cũng chỉ dùng được một thời gian, có người được ba năm, có người được bảy năm. Mỗi lần định mang cho Tài Minh sửa lại nhưng chỉ nhận được cái chỉ lắc đầu:
– Nó cho nhà mình được bằng nào thì dùng như thế, đừng lấy nhiều quá.
Thợ săn không nghe theo, mang súng sang vùng khác sửa lại những cũng chẳng được như trước nữa, chỉ sang tây đạn lệch sang đông. Có người cũng vì vậy mà bỏ hẳn phường săn, đi tìm việc khác làm.
Tài Minh sống tách biệt với bản So Luồng, lán của ông vào sâu trong rừng Lủng Căm. Mỗi lần đi săn, cả phường săn đều ghé lại nhà ông rồi mới đi, đó vừa là chỗ nghỉ chân cũng là nơi mọi người tụ họp lại để Văn Sinh chia công việc cho buổi săn hôm nay. Bao giờ Tài Minh cũng chỉ lắng nghe nhưng Văn Sinh nói câu gì cũng quay lại nhìn ông như hỏi ý kiến khi nhận được cái gật đầu mới tiếp tục bàn đến việc khác.
Khi phường săn đi khỏi Tài Minh cũng cầm cái búa sáng loáng đi hướng về núi Pù Toòng. Bao nhiêu năm nay ông cặm cụi một mình từ những việc như lấy than hay khoan nòng súng. Vợ con ông đều ở trong bản, thi thoảng chỉ đến đưa gạo, con trai ông nhiều lần muốn theo nghiệp bố nhưng ông từ chối ngay, đến cả việc cầm súng ông cũng không cho. So Luồng chỉ duy nhất có mình con ông không biết cầm súng nhưng nó biết cầm bút nên cả So Luồng vẫn nhìn nó bằng hai con mắt.
– Một mình tao được làm việc này thôi, còn mày lo học đi, không được nghĩ đến đi săn, đi bắn con gì hết.
Câu nói dứt khoát như viên đạn được bắn ra từ nòng súng khiến con trai chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện săn bắn nữa. Nhìn những dòng chữ trong vở khiến Tài Minh thở phào nhẹ nhõm. Bao nhiêu năm nay, tiền, đồ quý người ta mang đến biếu ông đều để lại hết cho vợ lo cho các con ăn học, những phần thịt phường săn đưa đến thì ông chỉ dành phần ít cho mình. Con ông vẫn mải miết đi ngược con dốc về bản trong khi đám bạn cùng lứa đang đợi ánh nắng tắt để đi khắp các khu rừng tìm gốc quả đón thú rừng về.
Vào những dịp có người đặt làm súng Tài Minh nghỉ ngơi ba ngày trước khi bước vào công việc. Những đống than củi đã được chuẩn bị sẵn sàng từ trước, những thanh sắt tốt được chính ông tự tay chọn ở khắp các chợ cũng đã sẵn sàng. Sau khi nghỉ ngơi, ông bắt đầu cho công việc, những lần ông làm, mọi giao tiếp bên ngoài đều không được phép. Khi nhìn thấy cành cây cắm ngay trước cổng mọi người sẽ tự hiểu, phường săn hay người trong bản thấy cành cây cũng lẳng lặng đi qua lán ông không dám gây một tiếng động. Không ai biết chính xác là bao nhiêu ngày ông làm xong một khẩu súng, không ai đếm được bao nhiêu khẩu súng qua Tài Minh. Mỗi khẩu súng làm từ lúc cành cây trước cổng còn tươi đến lúc lá héo rụng mới có thể xong mới xong được. Có những lần cũng có người hiếu kỳ mò xem thử ông làm, nhưng giữa những khoảng sáng tối của lò rèn chỉ thấy khuôn mặt ông đỏ lựng, đôi mắt sáng quắc như người bị nhập. Sau những lần như vậy người ấy sẽ bị ông đến tận nhà nhắc nhở, ông biết hết, nhớ hết những người tò mò đến chỗ ông. Người nào còn dám đến lần hai sẽ chịu một trận ốm nặng nếu không đến xin ông thì không khỏi được. Những lời đồn về Tài Minh bị ma nhập mới làm được những khẩu súng tốt như vậy nhưng ông chẳng bận tâm. Người So Luồng vừa nể ông, vừa muốn ông làm súng nhiều hơn nhưng họ cũng sợ ông. Khi công việc xong xuôi ông gọi người đến lấy súng, chỉ khi ông gọi mới được đến, nếu có người giục ông không làm nữa. Người nào tham muốn có hai khẩu đều bị ông từ chối thẳng, gặp người như vậy, Tài Minh chỉ lắc đầu đuổi về thật nhanh, chẳng giữ lại nói thêm câu chuyện nào. Mỗi lần xong một khẩu súng ông lại tìm đến nhà thầy Kim Sân, thầy cúng giỏi nhất ở So Luồng, người có uy tín nhất bản để trò chuyện cả đêm.
– Thầy Kim Sân à, ngày xưa tôi nghèo quá nên quyết chí đi học nghề làm súng, tôi đã hứa sẽ chỉ đưa súng cho những người thật cần. Giờ đây, cũng sắp đủ rồi, tôi sắp được nghỉ ngơi rồi.
– Nghề này là nhiều tội lắm Tài Minh à!
– Tôi cũng biết thế, thằng con tôi học sắp xong rồi, số súng tôi làm cũng sắp đủ rồi.
– Thế còn phải làm bao nhiêu khẩu súng săn nữa?
– Sắp được nghỉ rồi thầy Kim Sân à, sắp đủ rồi.
Những bát rượu cứ vơi lại đầy, câu chuyện của hai người bạn già chốc chốc lại chuyển về những ký ức xa xăm. Nhiều lần Tài Minh cúi gằm mặt xuống không nói gì, thấy Kim Sân vỗ vai ông như dỗ dành. Không biết ông đã bao lần tìm đến nhà thầy Kim Sân, cứ sau những lần như vậy tâm trạng ông lại tốt hơn.
Rồi cũng đến ngày Tài Minh làm khẩu súng cuối cùng, ông cũng đã báo với mọi người đây sẽ là khẩu súng tốt nhất, đẹp nhất từ trước đến nay. Lò rèn ở Lủng Căm đã đỏ lửa ba ngày liên tục, những làn khói lan đi khắp các ngả rừng, người So Luồng đi làm hay đi chợ đều nói chuyện về khẩu súng đẹp nhất, tốt nhất cuối cùng của Tài Minh đang làm, ai cũng tò mò xem chủ nhân cuối cùng của khẩu súng là ai. Tiếng đồn sang tận bản khác khiến nhiều người tìm lý do đến So Luồng để chờ nhìn tận mắt. Tài Minh vẫn cặm cụi bên lò than cháy rực, càng gần những công đoạn cuối cùng càng khiến ông tập trung cao độ hơn. Mấy hôm nay, con trai ông đã được gọi đến ở cùng từ nhiều hôm trước để giúp những việc ăn uống.
– Con đến nhà Văn Sinh, nhờ ông ấy báo cho mọi người biết, tao đã làm xong khẩu súng cuối cùng rồi.
Lời Tài Minh vừa dứt, con trai ông chạy hướng về So Luồng, dường như nó cũng như nhiều người khác, ai cũng mong ngày này đến. Khi Văn Sinh biết tin ông lẳng lặng cầm khẩu súng theo mình bao năm hướng về rừng Lủng Căm, đến cửa rừng ông bắn chỉ thiên một lần rồi đi tiếp tục theo con đường mòn. Tiếng súng của Văn Sinh vang khắp các vách núi, hướng đến tai những người đàn ông ở So Luồng.
– Tiếng súng của ai thế nhỉ?
– Hình như ở hướng Lủng Căm!
– Chắc Tài Minh xong khẩu súng cuối cùng rồi, đi xem thôi.
Những bước chân vội vã hướng về một phía, nhiều người mang theo súng của mình một thói quen khi vào rừng, dường như cũng muốn so kè với khẩu súng tốt nhất, đẹp nhất như lời Tài Minh.
Chẳng đợi mọi người đến đông đủ, Tài Minh đã trao cho con trai ông khẩu súng đen bóng, người biết về súng nhiều như Văn Sinh cũng gật gù. Nhưng súng tốt giao cho một người không biết chút nào về săn bắn như con trai khiến nhiều người thắc mắc, tiếng xì xào bàn tán, có những lời chê. Như hiểu được ý của mọi người, Tài Minh đưa khẩu súng cho từng người xem
– Một khẩu súng thật đẹp!
– Nhưng sao lại nặng thế nhỉ, như thế này ai vác nổi đây?
– Là một khẩu sùng đặc nòng, Tài Minh ơi ông tuổi già rồi, còn chưa làm xong đã đưa cho người ta rồi.
Văn Sinh cũng chưa hiểu ý định của Tài Minh nhưng cũng chẳng nói thêm, nhìn người bạn già như trút được gánh nặng, còn thằng con khuôn mặt ngơ ngác cầm lại khẩu súng bên cạnh, ông đành bảo mọi người về sớm.
Những mùa săn ở So Luồng vẫn diễn ra nhưng chẳng thấy ai săn được thú lớn nữa, phường săn ngày càng ít người, thi thoảng vẫn cón tiếng súng nổ vang khắp các khu rừng nhưng chẳng phát nào đi trúng đích, người đi săn nản trí, lũ chó cũng chỉ có nước uống sau những ngày săn bắn cũng chán đi rừng. Văn Sinh tuổi già chẳng còn đi được nữa nhưng lại chăm xuống nhà Tài Minh nói chuyện hơn.
Ngày lễ vu lan, Văn Sinh, Tài Minh rủ nhau lên nhà thầy Kim Sân. Khi ba người mới bắt đầu nhấp chén rượu đầu tiên, thầy nhìn từng người, đưa chén chạm từng cái thật nhẹ:
– Được nghỉ ngơi rồi, Văn Sinh à, Tài Minh à, nghỉ đi thôi, bao nhiêu năm nay ai cũng cố gắng làm việc rồi. Giờ để bọn trẻ làm việc khác, chúng ta nghỉ, cũng để rừng nghỉ thôi.
– Nghỉ thôi, tao cũng mệt lắm rồi!